Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

10. Chương IV TAN RÃ LẦN NHÌ (906- 960) NGŨ ĐẠI VÀ THẬP QUỐC

 


Nhà Hậu Lương sau này (màu vàng) và các vương quốc đương đại

10. Chương IV TAN RÃ LẦN NHÌ (906- 960)

NGŨ ĐẠI VÀ THẬP QUỐC

1- Tổng Quan

Đường có nhiều điểm giống Hán: Đều có một cái đầu (Tần, Tùy và một cái đuôị Nam Bắc Triều và Ngũ Đại với Thập quốc); vua sáng nghiệp (Lưu Bang, Lý Uyên đều tầm thường; chỉ hùng cường, văn minh trong hai triều đại (Hán: Võ đế, Quang Võ; Đường: Thái Tôn, Huyền Tôn); khi suy thì đều chia làm hai miền: Bắc bị Ngũ Hổ xâm chiếm, làm chủ một phần lớn; Nam do người Bắc trốn Hồ mà di cư xuống, tự chủ được vì Hồ chưa đủ sức để chiếm trọn. Mà sở dĩ Hồ chiếm được gần hết miền Bắc là vì triều đình Hán và Đường đều nhờ cậy họ để dẹp loạn trong nước, tức dùng họ để giết người Hán.

Một dân tộc văn minh ở sát nhiều dân tộc chậm tiến, nghèo mà hiếu chiến thì thế nào cũng bị họ xâm lấn; Hán có lúc thắng mà cũng nhiều lúc thua, khi thua mà ở lại với kẻ thắng thì đồng hóa họ; nếu trốn họ mà dời xuống Nam thì lại mau khai hóa được miền Nam, đồng hóa thổ dân miền Nam. Rốt cuộc thắng hay thua thì đất đai cũng mở rộng thêm, dân số cũng tăng lên. Đó là điềm đạc biệt của lịch sử Đế Quốc Trung Hoa.

°

Thời tan rã ở cuối Hán là thời Nam Bắc triều. Bắc gồm gần hai chục nước, Nam chỉ có một nước mà gồm 5 triều đại (như tôi đã nói: Tây Tấn thuộc về thời Tam Quốc, không nên kể là Nam Triều

Thời tan rã ở cuối Đường, Trung Quốc cũng chia làm Nam Bắc, chỉ khác là Bắc gồm một nước và có năm triều đại nối tiếp nhau làm chủ; ngược lại với Nam Bắc triều cuối đời Hán.

Người Trung Quốc quen gọi thời tan rã từ 906 đến 960 là thời Ngũ Đại. Tên đó không đúng hẳn: chỉ đúng cho miền Bắc thôi (cũng như tên Lục Triều chính ra là Ngũ Triều- ở sau đời Hán - chỉ đúng cho miền Nam thôi Phải kể thêm 10 triều đại tức Thập quốc ở Nam nữa mới đúng hẳn. Cho nên tôi theo một số tác giả gọi thời đó là thời Ngũ Đại - Thập Quốc.

Sử Gia trung Hoa thời xưa cho Thập Quốc ở sau đời Đường không phải là chính thống, mà cho Ngũ triều ở Nam ở sau đời nhà Hán là chính thống. Cơ hồ như theo họ, không cần phải là một triều đại của người Hán thịnh vượng mới là chính thống. Hán hay Hồ, bình trị hay loạn lạc, cứ làm chủ được cả một miền - Bắc hay Nam - đều là chính thống cả.

°

Dưới đây là bảng Năm triều đại ở Bắc và Mười nước ở Nam

1- Hậu Lương 907 - 923 Hán.

2- Hậu Đường 923 - 947 Sa Đà (Cha t'a

3- Hậu Tấn 936 - 947 Sa Đà

4- Hậu Hán 947 - 951 Sa Đà

5- Hậu Chu 951 - 960 Hán

Năm triều đại đó nối tiếp nhau làm chủ hết hoặc gần hết phương Bắc, nên được coi là chính thống, mặc dầu chỉ có hai triều đại là Hán, còn ba triều đại là ngoại nhân Sa Đà.

1- Ngô ở An Huy ngày nay - Hán

2- Tiền Thục ở Tứ Xuyên ngày nay - Hán

3 - Ngô Việt ở Chiết Giang ngày nay - Hán

4- Sở ở Hồ Nam ngày nay - Hán

5- Mân ở Phúc Kiến ngày nay - Hán

6- Nam Hán ở Quảng Đông ngày nay - Hán

7- Nam Bình ở Tứ Xuyên ngày nay - Hán

8- Hậu Thục ở Tứ Xuyên ngày nay - Hán

9 - Nam Đường ở Giang Tô ngày nay - Hán

10- Bắc Hán ở Sơn Tây ngày nay

(Riêng nước này ở phương Bắc, vua là giống Sa Đà

(Nên so sánh bảng trên với bảng - Thời Nam Bắc Triều


Hậu Lương Thái Tổ Chu Ôn soán vị triều Đường


2- Ngũ Đại Ở Bắc.

Hậu Lương

Chu Toàn Trung giết Chiêu Tôn rồi chiếm ngôi nhà Đường, đổi quốc hiệu là Hậu Lương, đóng đô ở Khai Phong ngày nay. Ông ta gốc nông dân, trưóc theo Hoàng Sào, khi lên ngôi cũng muốn cải thiện đời sống của nông dân, giảm thuế, khuyết khích nông nghiệp, nhưng ở ngoài phải chống với Lý Khắc Dụng, một tướng Sa Đà, ở trong không được giới sĩ tộc ủng hộ, còn bọn tay chân của ông toàn là tướng cướp, tranh quyền với nhau, chỉ muốn vơ vét cho thật mau, nên tình hình rối loạn. Năm 912, chính một người con của ông giết ông để chiếm ngôi, từ đó bọn thủ hạ của ông chán nản, biết rằng triều Hậu Lương không tồn tại được lâu, kéo nhau qua phía Lý Khác Dụng và năm 923, nhà Hậu Lương bị Lý Tồn Húc, con Lý Khắc Dụng diệt, trước sau được hai đời vua, cộng là 17 năm.


Hậu Đường Trang Tông Lý Tồn Úc diệt Hậu Lương, kiến lập Hậu Đường.
Trong thời gian tại vị, quốc lực cường thịnh.


Hậu Đường

Lý Tồn Húc, gốc Sa Đà, lên ngôi dời Đô về Lạc Dương, đổi quốc hiệu là Đường. Triều chính ở trong tay giới sĩ tộc Hán, vì người Sa Đà rất ít, không được 100.000, mà còn lạc hậu, không đáng kể về phương diện chính trị. Họ coi việc nước như việc nhà, muốn giao hết những chức vụ quan trọng cho bà con họ hàng, nhưng số này không đủ, đành phải giao cả những võ chức cho ngoại nhân, bất kỳ là giống người nào, còn những chức vụ hành chánh thì giao cho người Hán. Họ đặt ra đủ các thứ thuế, bóp nặn nông dân đến khánh kiệt mà vẫn không đủ nuôi lính

Hậu Đường truyền được bốn đời, mười ba năm, rồi bị Thạch Kính Đưòng diệt.

Hậu Tấn

Thạch Kính Đường cũng là giống Sa Đà, vốn là phò mã nhà Hậu Đường, làm trấn thủ Hà Đông, nhờ rợ Khiết Đan giúp sức mới lên ngôi được, vì vậy phải cắt cho Khiết Đan vài tỉnh ở phía Bắc.

Khiết Đan (kitat) là một rợ ở Đông Bắc Trung Hoa, tổ tiên là rợ Tiên Ti, sau khi bị một rợ đánh thua, trốn lên ở đất Nhiệt Hà ngày nay, thân phục nhà Đường. Cuối đởi Đường, Khiết Đan mạnh lên, thôn tính các bộ lạc chung quanh, chiếm cả đất Nhiệt Hà và Đông Tam Tỉnh. Một thủ lãnh của họ có hùng lược, dùng người Hán để chỉnh đốn nội chính, dựng thành quách, lập chợ búa, khai khẩn đất đai. Thạch Kính Đường đời Ngũ Đại nhờ họ đem đại quân giúp để lật Hậu Đường, và để trả ơn, cắt đất Yên và Vân (Hà Bắc, Sơn Tây) cho họ, họ thành một cường quốc ở cõi Bắc, đổi quốc hiệu là Liêu, thành mối lo cho nhà Tống sau này.

Thạch Kính Đường đổi quốc hiệu là Tấn, đất đai thu hẹp, số thuế thu được giảm đi, mà phải nộp cống cho khiết Đan, thờ Khiết Đan như cha, do đó phải tăng thuế, dùng chính sách bạo ngược đối với dân. Khiết Đan thấy vậy mưu tính việc chiếm trọn miền Bắc. Giới quý tộc Sa Đà có một nhóm thấy nguy cơ, muốn tấn công Khiết Đan trước, triều đình do dự. Trong khi đó, nhiều viên tướng ở miền Đông làm phản, qua phía Khiết Đan và chỉ trong hai năm (946 – 947) Khiết Đan chiếm được kinh đô và gần hết miền Bắc. Viên thủ lãnh Khiết Đan vô kinh đô, tự xưng là "Hoàng Đế Khiết Đan và Trung Hoa" (Nhà hậu Tấn chấm dứt, sau hai đời vua, cộng 11 năm).

Giới sĩ tộc Trung Hoa thản nhiên trước sự đổi ngôi đó, làm quan cho Sa Đà hay cho Khiết Đan thì cũng vậy, nhưng Sa Đà có một nhóm không chịu thần phục Khiết Đan, chống lại.

Tôn Giáo

Năm 842 Võ Tôn đã cấm một số chùa và một số tăng ni, năm 844 lại cấm nghiêm hơn, gắt gao nhất là năm 845, hạ lệnh trong hai kinh thành Tràng An và Lạc Dương mỗi nơi chỉ để lại 4 ngôi chùa và 301 vị tăng, ni; các châu quận, mỗi nơi một ngôi chùa và từ 6 đến 20 tăng ni, ngoài ra hết thảy đều bị phá hủy, tăng ni đều phải hoàn tục. Kết quả có 44.600 ngôi chùa bị phá, tượng Phật bằng đồng bị nấu ra để đúc tiền; và có 260.500 tăng ni hoàn tục. Nhưng khi Võ Tôn băng, Tuyên Tôn kế vị, lại lập tức phục hưng Phật Giáo.

- Những tôn giáo mới truyền vào

Có lẽ đời Đường, khắp thế giới không có nước nào thâu nhập nhiều tôn giáo như Trung Hoa.

- Bái hỏa Giáo (Mazadéisme) Cũng gọi là yêu Giáo, của Ba Tư, do Zoroastre sáng lập, truyền vào Trung Quốc từ thời Nam Bắc Triều. Đạo đó thờ lửa và mặt trời, cho sự quang minh là biểu hiện của thiện, hắc ám là biểu hiện của ác.

- Ma Ni Giáo (Manichéisme) Do Hỏa Giáo mà ra, theo Hồi Hột mà vào Trung Quốc thời Túc Tôn (Ma Ni là tên người sáng lập), truyền bá ở khoảng Tây Bắc.

- Cảnh Giáo là một biệt phái của Ki Tô giáo do Nestorius sáng lập ở Tiểu Á Tế Á, được vua Thái Tôn cho giảng đạo, lập giáo đường ở Tràng An

- Hồi Giáo do Mahomet sáng lập ở Á Rập, thờ Allah, vị thần duy nhất, vạn năng. Khác ba tôn giáo trên, Hồi Giáo truyền vào miền Nam (Quảng Châu), Dương Châu.... trước hết.

Những tôn giáo mới truyền vào đó đều không thịnh

Văn. 

Văn trào duy mỵ. Trọng thể biền ngẫu, du dương, bóng bảy, sáo, phù bạc đến Lục Triều là cực thịnh. Chính lúc nó cực thịnh đã có một số người vạch những sở đoản của nó như Tô Xước triều Ngụy; nhưng phải đợi tới đời thịnh Đường (thế kỷ VIII mới có một phong tào mạnh mẽ phản đối nó, phong trào phục cổ (trở lại lối cổ mà người mở màn là Trần Tử Ngang, người tiếp tục cổ xúy là Lý Bạch, Đỗ Phủ và gặt được kết quả là Hàn Dũ và Liễu Tôn Nguyên.

Phục cổ không phải là mô phỏng cổ nhân, phải có tinh thần sáng tác, không nô lệ một cây bút nào. Hàn Dũ bảo phải theo cái đạo (phục vụ nhân sinh, trọng đạo đức, lễ, nghĩa của cổ nhân, nhưng chỉ theo ý thôi mà không có lời, vì mỗi cổ nhân có một giọng, một lời riêng, không ai giống ai, thì tại sao ta phải theo lối cổ nhân này mà không theo cổ nhân khác. Ta phải có " lời " riêng của ta.

Nhờ chủ trương đó mà tản văn đời Đường có nhiều vẻ: bình dị, chân thành mà cảm động, tươi đẹp mà không ủy mị, hùng hồn mà trang nghiêm.

Nổi danh nhất về "cổ văn" - tức tản văn - trong hai đời Đường, Tống có tám nhà (bát đại gia) mà Đường được hai nhà: Hàn Dũ và Liễu Tôn Nguyên.

Hàn Dũ, tranh vẽ năm 1912


- Hàn Dũ (769- 824) rất có nhiệt tâm cứu đời, rất khảng khái, một lần can vua Đức Tôn mà bị biếm, lần khác can vua Hiến Tôn về việc rước cốt Phật mà suýt bị giết vì ông dám bảo vua Lương Võ đế sùng Phật mà bị một bề tôi áp bức, phải chết đói, quốc gia tiêu vong, thành thử thờ Phật cầu phước mà lại gặp họa. Lời đó như một tiên tri: sau Hiến Tôn bị một tên hoạn quan giết. Giọng ông hùng tráng, linh hoạt, rõ ràng như bài "Luận về nhiệm vụ của chức gián nghị, bài "Tiễn Mạnh Đông Dã", thiết tha, cảm động như bài "Tế Mộ Điển Hoành", "Tế Thập Nhị Lang"

- Liễu Tôn Nguyên (793-819) là bạn thân của Hàn Dũ mà tính tình, bút pháp khác Hàn, cũng có tư tưởng cải cách nhưng khoáng đạt hơn, khi biết không được vua nghe thì thôi, ngao du sơn thủy; văn không thống thiết như Hàn mà có giọng mỉa mai như bài "Lời người bắt rắn" hoặc phẩn y uất như "Bài tựa tám bài thơ Ngu Khê". Bài "Cái gò nhỏ  phía Tây đầm Cổ Mỡ " mở đầu cho thể văn du ký của Trung Hoa. Ông ảnh hưởng đến cổ văn đời nhà Tống hơn Hàn Dũ.

Tất cả những bài của Hàn và Liễu dẫn trên đều có trong tập Cổ Văn Trung Quốc của tôi – Tao Đàn – 1966

Sử.

Không bộ nào có giá trị. Miễn cưỡng ghi Sử Thông của Lưu Trí Cơ và Thông Điển của Đỗ Hựu

Tiểu Thuyết

Nhờ đọc kinh Phật trong đó chép đời nhiều vị Phật, nhiều truyện tưởng tượng, nên văn nhân Trung Quốc bắt chước lối viết truyện của Ấn.

Truyện đờI Đưòng được gom lại trong hai bộ Đường đại tùng thư và Thái bình quảng ký. Toàn là truyện ngắn thuộc loại hào hiệp, thần quái, diễm tình, hầu hết còn khô khan.

Hậu Hán

Cầm đầu nhóm đó là một viên tướng Sa Đà, Lưu Trí Viễn. Lưu thấy Trung nguyên vô chủ, vào Đại Lương xưng đế, lấy quốc hiệu là Hâu Hán, đúng vào lúc Hoàng Đế Khiết Ban chết, con trai ông phải rút về phương Bắc vì ở triều đình có sự tranh chấp ngôi vua. Nhưng Lưu chỉ cầm quyền một năm rồi chết. Con trai ông nối ngôi, còn trẻ; bọn sĩ tộc Trung Hoa nắm hết quyền hành ở triều đình. Chính sách của hậu Hán còn tàn bạo hơn Hậu tấn; dân chúng trốn thuế, triều đình ban lệnh kẻ nào lén giữ một tấc da bò, không nộp hết cho triều đình thì bị xử tử.

Giới sĩ tộc Trung Hoa càng ngày càng mạnh, rốt cuộc một viên tướng Trung Hoa tên là Quách Uy, làm khu mật sứ, giết vua Hậu Hán. Nhà này gồm hai đời vua mà chỉ cầm quyền được có bốn năm.

Hậu Chu

Quách Uy lên ngôi, quốc hiệu là Chu. Vậy là liên tiếp trong ba triều đại, từ 923 đến 951, non 30 năm, dân tộc Trung Hoa miền Bắc chịu cái ách của rợ Sa Đà, nay mới cởi ra được. trong thời gian đó chiến tranh liên miên, mà Sa Đà lại không quan tâm tới việc nuôi dân, chỉ bốc lột bằng thuế khóa mỗi ngày một nặng, nền kinh tế suy sụp hoàn toàn, tới cái mức triều đình phải (dùng thịt người làm lương thực cho quân lính (theo Lữ Chấn Vũ, sách đã dẫn). Cùng khổ quá, quân lính muốn phản loạn, qua phía địch thì triều đình lấy tiền trong kho để phát cho chúng mà giữ chúng lại. Nhiều lần như vậy (theo Eberbard, sách đã dẫn).

Triều đình Hậu Chu gồm toàn giới sĩ tộc Trung Hoa (số quý tộc Sa Đà ít quá, không đáng kể, vả lại đã Hán hoá gần hết rồi sửa đổi chính sách để chấn hưng lại kinh tế. Một mặt mở rộng đất đai, một mặt qui định lại thuế khóa cho tương đối công bằng, bằng cách thủ tiêu đặc quyền miễn thuế, một mặt nữa (đời Thế Tông) 1 bắt đóng cửa trên ba vạn ngôi chùa, bắt tăng ni phải hoàn tục, lập số hộ khẩu, kiểm tra được trên 2 triệu 300 ngàn hộ phải đóng thuế (khoảng 11 triệu rưỡi dân lại bỏ lệ cấm dân trữ đồng, cho dân được phép làm muối, trừ bọn tham qua ô lại, nhưng chưa kịp thi hành thì nước Bắc Hán, một trong Thập quốc (coi bảng 10 nước ở trước do Lưu Sùng, gốc Sa Đà (em Lưu Trí Viễn đời Hậu Hán lập lên ở Sơn Tây, nhờ Khiết Đan giúp sức, đem quân đánh Hậu Chu; vua Hậu Chu sai một tiết độ sứ là Triệu Khuông Dẫn đi dẹp. Vua Hậu Chu chết, con mới bảy tuổi lên nối ngôi. Quân lính tôn Triệu Khuông Dẫn làm vua, rước ông trở về Đại Lương ép vua bảy tuổi nhường ngôi cho. Hậu Chu Chấm dứt, được ba đời, cộng 10 năm. Thời Ngũ Đại cũng chấm dứt với nhà hậu Chu.

Trong khoảng nửa thế kỷ đó, miền Bắc có một sự thay đổi khá quan trọng: phía Tây Bắc tức miền kinh đô Tràng An thời trước, di chiến tranh ở chung quanh mà bị tàn phá tới nỗi suốt một thế kỷ sau không dùng làm kinh đô được nữa, dân chúng đã di tản đi nơi khác gần hết. Dưới sự chiếm đóng của Khiết Đan, luồng kinh tế chuyển hướng về phía Bắc Kinh chứ không về lưu vực sông Hoàng Hà nữa, và Bắc Kinh sau thành kinh đô của Khiết đan.

3. Thập Quốc ở Nam

Thực ra chỉ có 9 nước ở Nam thôi, đều thuộc về người Hán, còn một nước của người Sà Đà, thành lập sau cùng, ở Sơn Tây, miền Bắc như trên đã nói.

Chín nước kia cũng không phải thành lập cùng một lúc. Mới đầu chỉ có sáu hay bảy nước cùng ra đời trước sau nhau năm, mười năm: Ngô, Ngô Việt, Nam Hán, Tiền Thục, Sở, Mân, rồi sau vì nội loạn hai nước bị diệt như Mân, hoặc bị cướp ngôi như Ngô, và thay vào nhiều nước khác, do đó mà số nước tăng lên.

Nhưng nước đó không bị cái nạn chiến tranh như ở miền Bắc, mà được dân miền Bắc di cư xuống, nên phát triển khá mạnh về kinh tế.

Nước Ngô ở bờ biển, có nguồn lợi về muối, thêm nguồn lợi về trà nữa.

Nước Ngô Việt ở Chiết Giang, sản vật còn phong phú hơn, nông nghiệp phát đạt nhờ công trình thủy lợi, thương mãi rất thịnh nhờ buôn bán với nước ngoài.

Nam Hán (nguyên danh là Nam Hải) chiếm Lưỡng Quảng: Quảng Đông và Quảng Tây đứng đầu về muối và ngoại thương.

Tiền Thục và Hậu Thục chiếm miền Tứ Xuyên, tuy bị ảnh hưởng của Chiến Tranh, nhưng có mỏ muối, ruộng lại phì nhiêu, nổi tiếng là "kho của trời " (thiên phủ).

Sở chiếm miền Hồ Nam, đất rộng dân thưa, trồng nhiều trà.

Nam Bình không có nguồn lợi gì cả, lại bị ảnh hưởng của chiến tranh, nhưng nằm trên trục giao thông thương nghiệp giữa Nam và Bắc, thu được thuế khá nhiều, mặc dầu phảI mỗi năm tiến cống cho triều đình phương Bắc. Nước đó nhỏ nhất, dân ít nhất.

Lịch sử chính trị của các nước đó không có gì đáng ghi.

Tóm lại đời Ngũ Đại Thập Quốc chỉ là màn chót kéo dài của họa phiên trấn đời Đường, có hại cho miền Bắc mà có lợi cho miền Nam; kinh tế phát triển, do đó sự quan trọng về chính trị cũng sẽ tăng lên trong đời Tống.

--------------------------------

1

Đây là lần pháp nạn cuối cùng (thứ tư)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét