TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 6 - ĐẠI TÔN SƯ 莊子 南華經
Chương này luận về
Đạo và sự đắc Đạo. Đạo là luật biến hoá trong vũ trụ, mà không có hình trạng,
tự nó là gốc của nó, nó tạo ra trời đất, vạn vật, cho nên có trước vũ trụ. Nó
là chủ tể, đại tôn sư của vạn vật, nó diệt hết mọi vật mà không phải là vì
nghĩa, gia ân cho vạn vật mà không phải là vì nhân, nó “vô vi” vì nó là tự
nhiên. Đạo đó có thể truyền được nhưng không thể tiếp nhận được, nghĩa thầy có
thể giảng cho môn đệ được mà không thể đem nó cho môn đệ. Chính môn đệ phải tốn
công tu luyện, mới đầu phải tập làm sao cho coi thiên hạ là hư không, rồi coi
vạn vật là hư không, sinh tử là hư không.
1
Biết được thiên đạo và nhân sự, đó là đạt được
mức cao nhất của tri thức. Biết được thiên đạo là biết rằng vạn vật do tự nhiên
sinh ra, vậy thì phải theo tự nhiên. Biết được nhân sự là dùng cái mà trí tuệ
có thể biết được để bảo hộ cái mà trí tuệ không thể biết được[235] hầu hưởng
hết tuổi trời, khỏi chết yểu. Như vậy là tri thức cao minh nhất. Nhưng tri thức
cũng có cái luỵ của nó, vì tri thức nào cũng phải có đối tượng [rồi mới biết được
là đúng hay sai], mà đối tượng lại không xác định được[236]. Chẳng hạn làm sao
biết được cái mà tôi gọi là trời đó không phải là người, và cái tôi gọi là
người đó không phải là trời? Với lại chỉ bậc chân nhân mới có được chân tri.
Thế nào là chân nhân? Bậc
chân nhân thời cổ không chê ít[237], không khoe thành công, không cầu kẻ sĩ tới
với mình; một người như vậy có lầm lỗi cũng không hối hận, có làm điều tốt cũng
không tự đắc; lên cao cũng không run sợ, vô nước không ướt, vì tri thức đạt
được Đạo rồi.
Chân nhân thời cổ ngủ
không nằm mộng, thức dậy không ưu tư, không ăn thức ngon, thở trầm trầm, vì hơi
thở từ gót chân mà lên chớ không phải từ trong họng phát ra[238]. Người nào khi
nghị luận bị người ta áp đảo[239] thì lời phát ra như tiếng ụa. Người nào thị
dục càng mạnh thì tinh thần càng nông cạn.
Chân nhân thời cổ không
ham sống, không sợ chết, sinh ra không thấy làm vui, chết đi không thấy làm
buồn (không cự tuyệt), hốt nhiên tới rồi hốt nhiên đi, thế thôi; không quên
mình ở đâu mà ra, cũng không cầu được chết, vui vẻ tiếp nhận cái gì tới, rồi
khi mất cái đó thì cho nó trở về với tự nhiên. Như vậy là không đem cái
tâm của mình làm tổn thương Đạo, không dùng sức người giúp sức trời (bất dĩ
nhân trợ thiên), cho nên gọi là chân nhân.
Như vậy thì lòng[240] hết
mọi sự, nét mặt thanh thản, trán nở nang sáng sủa, vẻ nghiêm túc như khí thu mà
ấm áp như hơi xuân. Vui hay giận đều vô tâm, tự nhiên như bốn mùa chuyển vần,
thích nghi với vạn vật mà không biết được dấu vết. Cho nên thánh nhân có thể
dùng binh được, diệt nước địch mà không mất lòng dân nước đó, ân huệ truyền tới
vạn đời mà không phải vì lòng yêu người.
Ai thích người khác qui
phụ mình thì không phải là thánh nhân; ai ban ân huệ cho riêng một người nào
thì không phải là có đức nhân; ai chỉ biết lợi dụng hoàn cảnh thôi thì không
phải là người hiền; ai không biết rằng lợi với hại là một thì không phải là
quân tử[241]; ai cầu danh mà đánh mất chân tính thì không phải là kẻ sĩ; ai
đánh mất cá tính của mình thì không chỉ huy người khác được. Như Hồ Bất Giai, Vụ
Quang, Bá Di, Thúc Tề, Cơ Tử, Tư Dư, Kỉ Tha, Thân Đồ Địch,[242] đều bị người
sai khiến, hành động theo lí tưởng của người chứ không phải là của chính mình.
Chân nhân thời cổ có vẻ
uy nghi mà không kiêu căng, khiêm tốn mà độc lập; nhân cách khác người mà lòng
thì hư tĩnh, không thích khoe khoang; lâng lâng như cực kì vui vẻ, bất đắc dĩ
mới xử sự; nét mặt hoà nhã nên ai cũng muốn được thân cận; khoan dung đại độ
nên ai cũng muốn qui phụ; tự do nên không ai áp chế được; trầm mặc như ở sau
một cánh cửa đóng; vô tâm với thế sự như người quên mất ngôn ngữ.
Một người như vậy coi
hình pháp là thân thể, lễ nghi là cặp cánh, trí tuệ là thủ đoạn để ứng phó, đạo
đức là thuận thiên tính. Coi hình pháp là thân thể mình, nên khoan hồng khi
trừng trị; coi lễ nghi là cặp cánh của mình, nên làm việc theo thế tục mà thành
công; dùng trí tuệ để ứng phó, nên chỉ hành động khi bất đắc dĩ; coi đạo đức là
thuận thiên tính nên dễ dàng đạt được mục đích, như người có hai chân leo lên
được ngọn đồi; không khó nhọc mà được mọi người coi là rất hoạt động.
Đối với người đó, ưa và
ghét chỉ là một. Hợp nhất với bất hợp nhất thì cũng vậy, theo lẽ trời thì là
hợp nhất, theo phép người là không hợp nhất. Nhưng ai coi trời với người là
một, không đối lập nhau, thì là chân nhân[243].
Sống hay chết đều do mạng
trời, cũng như có đêm có ngày; cái gì mà loài người không thể can dự vào để
thay đổi được thì là tình hình cố hữu của vạn vật.
Người ta coi trời là cha,
và yêu trời; thế thì cái siêu việt hơn trời lại chẳng đáng yêu sao? Người ta
coi vua là bề trên của mình mà hi sinh cho vua; thế thì chân lí [tức cái Đạo]
lại chẳng đáng cho mình hi sinh sao?
Suối mà cạn thì cá cùng
trốn với nhau trong bùn, phà hơi cho nhau, phun dãi nhớt vào nhau; như vậy sao
bằng ở trong sông, hồ mà quên nhau. Cũng vậy, khen vua Nghiêu, chê vua Kiệt sao
bằng coi Nghiêu và Kiệt cũng như nhau [nghĩa là quên thiện và ác, không phân
biệt người tốt người xấu nữa].
Vũ trụ[244] cho ta cái
hình hài, cho ta sống để ta lao khổ, cho ta già để ta an nhàn, cho ta chết để
ta nghỉ ngơi; vậy coi sống là cái phúc thì cũng phải coi chết là cái phúc.
Cất thuyền trong cái
hang, giấu núi trong cái chằm, như vậy là chắc chắn. Nhưng nửa đêm một đấng Vạn
năng[245] lại khiêng cả đi thì người đương ngủ[246] không biết được. Chỉ có
người nào đem vũ trụ cất vào trong vũ trụ mới không còn sợ mất nữa, vì người đó
hiểu được cái lí bất biến[247] của mọi vật.
Có hình thể con người
cũng đủ cho ta mừng rồi. Mà hình thể con người chỉ là một hình thức của hàng
vạn sự biến hoá của vũ trụ. Vậy thì ngắm những biến hoá vô cùng của vũ trụ còn
thích đến đâu! Cho nên thánh nhân muốn trở về cái gốc chung của vạn vật. Mình
nên bắt chước người nào coi thọ hay yểu đều là tốt cả, sinh tử đều là tốt cả;
huống hồ người nào cho vạn vật đều là các hình thức biến hoá của cái Đạo, lại
không đáng cho mình noi theo sao?[248]
Đạo có thực và tồn tại,
nhưng “vô vi” mà không có hình trạng. Có thể truyền nó được mà không thấy nó
được. Nó tự là gốc của nó, trước khi có trời đất đã có nó rồi. Nó tạo ra quỉ
thần, thượng đế, nó sinh ra trời đất. Nó ở trên thái cực mà không cao, ở dưới
lục cực[249] mà không sâu, có trước trời đất mà không phải là trường cửu, có
trước thời thượng cổ mà không phải là già. Vua Hi Vi[250] nhờ nó mà hoà hợp
được trời đất; vua Phục Hi nhờ nó mà tập hợp nguyên khí; sao bắc đẩu nhờ nó mà
vị trí không thay đổi; mặt trời mặt trăng nhờ nó mà vận hành không ngừng; thần
Kham Phôi nhờ nó mà làm chủ núi Côn Lôn; thần Phùng Di nhờ nó mà rong chơi trên
sông lớn; thần Kiên Ngô nhờ nó mà ở trên đỉnh núi Thái Sơn; vua Hoàng Đế nhờ nó
mà lên được mây xanh; vua Chuyên Húc nhờ nó mà ở trong cung phía Bắc; thần Ngu
Cường[251] nhờ nó mà làm chúa trên bắc cực; Tây Vương Mẫu nhờ nó mà ngự trên
núi Thiếu Quang. Không ai biết nó khởi thuỷ ở đâu, chung cục ở đâu. Ông Bành Tổ
nhờ nó mà sống từ đời Hữu Ngu [tức vua Thuấn] tới đời Ngũ Bá[252] ông Phó Duyệt
nhờ nó mà làm tướng quốc cho Vũ Đinh, thống trị thiên hạ, [rồi sau khi chết]
thành một trong những ngôi sao trên trời, ở vào khoảng giữa sao Đông Duy và sao
Ki Vĩ.
2
Nam Bá Tử Quì[253] hỏi Nhữ
Hữu[254]:
- Ông tuổi đã cao mà sao
sắc diện còn trẻ như vậy?
Nhữ Vũ đáp:
- Tôi đã đắc đạo.
- Đạo học được không?
- Không, không được. Ông
không phải là người học được đạo. Ông Bốc Lương Ỷ[255] có cái tài của thánh
nhân mà không có cái đạo của thánh nhân. Tôi có cái đạo của thánh nhân mà không
có cái tài của thánh nhân; nếu tôi đem cái đạo của thánh nhân mà dạy cho ông ấy
thì ông ấy có thành thánh nhân ngay được không? Không được. Đem cái đạo của
thánh nhân dạy cho người có cái tài của thánh nhân là việc dễ, vậy mà tôi cũng
bảo ông ấy phải tốn công luyện tập mới được.
Đây là kinh nghiệm của
tôi: Sau ba ngày, tôi coi thiên hạ như hư không. Đã coi thiên hạ như hư không
rồi, tôi lại tập bảy ngày nữa, lúc đó coi vạn vật là hư không. Rồi tôi bỗng
nhiên giác ngộ, có cảm giác như thấy cảnh bình minh. Có cảm giác đó rồi mới
thấy được vạn vật chỉ là một. Thấy vạn vật chỉ là một rồi, sau mới vượt được cổ
kim [không bị thời gian hạn chế nữa]; vượt cổ kim rồi sau đó mới vô được cõi
không có sống có chết. Bậc chủ tể giết sinh mệnh thì không chết, bậc đó sinh ra
sinh mệnh mà cũng lại không sinh[256]. Bậc đó có thể dưới hết, và tiếp nhận hết
vạn vật, huỷ hoại được hết, dựng lên được hết. Như vậy gọi là “lúc nào cũng
bình thản”; lúc nào cũng bình thản thì trong những biến hoá, nhiễu loạn nào
lòng cũng thanh tĩnh.
Nam Bá Tử Quì hỏi:
- Ông học ai mà đắc đạo?
- Tôi học được của con của mực; con của mực là
cháu của sự đọc sách; cái này lại do sự sáng suốt mà ra; sáng suốt lại do chú
ý; chú ý do sự siêng năng; siêng năng do ca hát [tức thích thú?] mà ra; ca hát
do sự tối tăm tịch mịch; tối tăm tịch mịch do sự hư không; hư không do cái
không có khởi thuỷ mà ra.[257]
3
Tử Tự, Tử Dư, Tử Lê, Tử Lai nói chuyện với
nhau:
- Ai coi sự hư vô là đầu, sự sống là xương
sống, sự chết là đốt cuối của xương sống; ai biết được sống chết, còn mất chỉ
là một, thì người đó là bạn của chúng ta.
Bốn người đều nhìn nhau cười, đồng ý và kết
bạn với nhau. Chẳng bao lâu Tử Dư đau, Tử Tự lại thăm. Tử Dư bảo:
- Vĩ đại thay, tạo hoá! Tạo hoá đã làm cho thân
thể tôi co quắp[258] lại như vầy.
Vì lưng Tử Dư cong, xương sống lòi ra, ngũ
tạng đảo lộn lên trên, cằm đưa xuống tới rốn, vai nhô lên khỏi đầu, tóc dựng
ngược; do âm dương thác loạn cả.
Nhưng lòng bình tĩnh, ông lết tới giếng, soi
bóng xuống giếng, than:
- Ôi tạo hoá làm sao cho thân thể tôi co quắp
như vầy?
Tử Tự hỏi:
- Anh có thấy gớm không?
- Không, tại sao lại thấy gớm? Nếu tạo hoá
muốn biến cánh tay trái tôi thành con gà thì tôi nhân đó mà gáy sáng; nếu biến
tay phải tôi thành cây cung thì tôi sẽ nhân đó mà bắn con chim “hào”[259] đem
về quay; nếu biến đít tôi thành bánh xe, tinh thần tôi thành ngựa thì tôi sẽ
nhân đó mà thắng xe. Với lại “đắc” là nhờ thời cơ, “thất” là do thuận ứng[260].
Ai an thời xử thuận, thì vui buồn không xâm nhập tâm hồn được. Người xưa gọi
như vậy là “huyền giải” [bị treo lên mà bây giờ được cởi dây cho]; người ta
không biết tự cởi cho mình thì sẽ bị kết chặt với vật, mà vật thì không bao giờ
thắng trời được[261]. Vậy thì tại sao tôi lại gớm?
Ít lâu sau Tử Lai đau, thở hổn hển, sắp chết.
Vợ con đứng vây chung quanh mà khóc. Tử Lê lại thăm, bảo họ:
- Đi chỗ khác đi, đừng làm kinh động người sắp
biến hoá.
Rồi đứng tựa cửa, nói với Tử Lai:
- Cha mẹ đưa con đến đâu thì con phải vâng
lệnh. Âm dương [tức Tạo hoá] đối với người khác gì cha mẹ đối với con. Nếu âm
dương bắt tôi chết mà tôi không tuân thì tôi là kẻ ngỗ nghịch chứ âm dương có
lỗi gì đâu? Vũ trụ cho ta cái hình hài, cho ta sống để ta lao khổ, cho ta già
để cho ta an nhàn, cho ta chết để ta nghỉ ngơi. Vậy coi sống là cái phúc thì
cũng coi chết là cái phúc. Nay có người thợ đúc, nấu một kim loại, nếu một phần
kim loại ấy nhảy ra ngoài, bảo: “Tôi muốn làm cây kiếm Mạc Da”[262], thì người
thợ đúc tất cho đó là một vật bất tường. Cũng vậy, nếu có một người sắp chết
bảo[263]: Tôi muốn còn làm người, còn làm người”, thì tạo hoá tất cho kẻ đó là
bất tường. Trời đất là cái lò đúc lớn mà tạo hoá là người thợ đúc lớn; [chúng
ta chết rồi] đi đâu[264] mà không được? [Tử sinh như giấc mộng], hốt nhiên ngủ,
rồi lại hốt nhiên tỉnh dậy.
4
Tử Tang Hộ, Mạnh Tử Phản và Tử Cầm Trương, ba
người kết bạn với nhau, bảo:
- Ai có thể liên hệ với nhau mà không để lộ sự
liên hệ ấy, giúp đỡ lẫn nhau mà vẫn vô tâm; ai có thể bay lên trời ngao du
trong mây, nhảy nhót trong chỗ vô cực, quên hết sinh tử?
- Tạo hoá vĩ đại thay, sắp làm gì anh đây? sắp
đưa anh đi đâu? biến anh thành gan một con chuột hay chân một con trùng?
Tử Lai đáp:
- Ba người nhìn nhau cười, đồng ý và quyết kết
bạn với nhau. Không bao lâu, Tử Tang Hộ chết. Khi chưa chôn, Khổng tử hay tin,
sai Tử Cống đến giúp việc ma chay. Tử Cống tới, một trong hai người bạn của
người chết nghĩ ra một khúc hát để người kia hoà bằng đờn cầm; rồi cả hai cùng
hát:
Ôi, anh Tang Hộ,
Ôi, anh Tang Hộ,
Anh đã trở về với bản thể của anh
Mà tụi tôi vẫn còn làm người!
Tử Cống bèn chạy lại bảo:
- Xin hỏi hai ông: người chết nằm đó mà đờn ca
như vậy có hợp lễ hay không?
Hai người nhìn nhau cười, đáp:
- Như anh, mới là không hiểu ý nghĩa của lễ.
Tử Cống về kể lại cho Khổng tử nghe:
- Họ là hạng người ra
sao? Không tu dưỡng đức hạnh, thái độ không đoan trang. Người chết nằm đó mà họ
đờn ca, vẻ mặt thản nhiên, không biết phải gọi thái độ của họ là gì, họ là hạng
người ra sao?
Khổng tử đáp:
- Họ sống ở ngoài cõi
chúng ta, còn thầy sống ở trong cõi. Trong và ngoài không thông với nhau được.
Thầy đã cạn suy nên sai anh lại điếu. Họ đánh bạn với tạo hoá, ngao du trong vũ
trụ: Họ coi sự sống như cái bướu, coi chết như cái nhọt vỡ ra. Như vậy coi sinh
tử là sự tuần hoàn của cái khí, không phân biệt trước sau. Họ coi hình hài là
vật để tạm gởi tinh thần của họ, gởi vào hình thể này hay hình thể khác thì
cũng vậy. Họ quên lá gan và trái mật của họ, không để ý tới tai mắt của họ. Họ
coi sinh tử như lẽ tuần hoàn, đi rồi trở về, không biết đâu là đầu, đâu là
cuối. Họ mang nhiên[265], bồi hồi sống ở ngoài cõi trần thế, tiêu dao ở cảnh
giới vô vi, đâu có chịu sự câu thúc vì lễ nghi để hợp với tai mắt của người đời
nữa.
- Vậy thì thưa thầy, thầy
sống theo qui tắc[266] nào?
- Thầy là người bị trời
đày đoạ, nhưng thầy cũng rán giảng cho anh hiểu điều gì thầy biết.
- Con xin thầy, bọn họ
sống theo qui tắc nào?
- Loài cá thích nghi với
nước, loài người thích nghi[267] với đạo. Thích nghi với nước thì rúc trong bùn
mà kiếm ăn; thích nghi với đạo thì không làm gì mà thiên tính được an định. Cho
nên bảo: “Cá ở trong sông, hồ, vui thích mà quên mình, người ở trong đạo và
thuật, vui thích mà quên mình”[268].
- Con xin thầy, thế nào
là một người kì dị.
- Người kì dị là người
không hợp với người đời mà hợp với thiên lí. Cho nên bảo: “Kẻ tiểu nhân của
trời là bậc quân tử của người, mà bậc quân tử của người là kẻ tiểu nhân của
trời”.
5
Nhan Hồi hỏi Trọng Ni:
- Ông Mạnh Tôn Tài [một người hiền nước Lỗ]
khi mẹ chết thì khóc nhưng không có nước mắt, lòng không xót xa, để tang mà
không hề buồn rầu, vậy mà được tiếng là biết lẽ cư tang nhất trong nước Lỗ; có
danh mà không có thực sao? Con lấy làm lạ quá.
Trọng Ni đáp:
- Ông Mạnh Tôn đã đạt được đến tận cùng đạo cư
tang rồi. Ông ấy so với người biết tang lễ thì tiến hơn một bực; việc tang nên
được giản dị, nhưng [vì thế tục] chưa giản dị được như ý, cho nên như ông ấy
cũng đã là giản dị rồi. Ông ấy không phân biệt thế nào là sống với chết, thế
nào là trước với sau. Ông ấy chấp nhận, đợi sự biến hoá mà không biết mình sẽ
biến hoá ra cái gì. Ai biết được mình đương biến hoá mà thực ra chẳng phải là
biến hoá, hoặc đương khi không biến hoá mà thực ra đã là biến hoá rồi? Anh và
thầy đều là những người nằm mê mà chưa tỉnh chăng? Ông Mạnh Tôn thấy cái chết
thì bề ngoài sợ, nhưng trong lòng không đau khổ. Chết cũng như đổi căn nhà[269]
chứ không thật là chết. Ông ấy riêng tỉnh, thấy người ta khóc thì cũng khóc,
như vậy là theo hoàn cảnh. Người ta cho cái hình hài tạm thời của mình là cái
“ta”, nhưng làm sao biết được cái “ta”đó thực là ta không. Chẳng hạn có thể anh
nằm mộng thấy anh là con chim bay lên tới trời xanh, hoặc là con cá lặn xuống
đáy vực thẳm. Không biết được người đương nói đây là tỉnh hay nằm mộng. Gặp
điều thích ý mà không cười, mất cái làm cho mình thích đó thì cũng vẫn cười,
chỉ người nào vui vẻ về sự tạo vật an bài cho mình mà thuận ứng với mọi biến
hoá, người đó mới đạt được cảnh giới hư vô của trời.
6
Một hiền nhân thời cổ là Ý Nhi tử lại thăm Hứa
Do.
Hứa Do hỏi:
- Vua Nghiêu dạy anh điều gì?
Đáp:
- Vua Nghiêu khuyên tôi trau giồi nhân nghĩa,
biện biệt thị phi.
Hứa Do bảo:
- Anh tới đây làm gì nữa? Vua Nghiêu đã đem
nhân nghĩa xâm vào mặt anh, dùng thị phi cắt mũi anh[270] thì làm sao anh còn
đạt được cảnh giới tiêu dao, thuận ứng mọi sự biến hoá được nữa?
Ý Nhi tử đáp:
- Nhưng tôi cũng mong tới được bờ rào của cảnh
giới ấy[271].
- Đâu được. Kẻ thanh manh[272] thì không thấy
được vẻ đẹp của lông mày, cặp mắt, nét mặt; người mù thì không phân biệt được
màu vàng màu xanh của y phục gấm vóc.
- Nàng Vô Trang [một mĩ nhân thời cổ] quên mất
sắc đẹp của mình; Cứ Lương [một lực sĩ thời cổ] quên mất sức mạnh của mình; vua
Hoàng Đế quên mất trí tuệ của mình, hết thảy đều do công tôi luyện. Biết đâu
tạo hoá lại chẳng có thể xoá cho tôi những vết xâm, vá lại cái mũi bị cắt của
tôi để thân thể tôi lại trọn vẹn mà theo học tiên sinh?
Hứa Do đáp:
- Chưa biết được, vậy tôi hãy kể đại khái
thuyết của tôi cho anh nghe:
Hỡi đại tôn sư của tôi, đại tôn sư của tôi!
Người làm cho mọi vật điêu tàn mà không phải
là vì nghĩa[273],
Người gia ân cho tới vạn đại mà không phải là
vì nhân.
Người có trước thời thượng cổ mà không phải là
già,
Người che chở trời đất, đục đẽo mọi hình thể
mà không phải là khéo.
Như vậy là đạt cảnh giới tiêu dao[274].
7
Nhan Hồi thưa với Trọng Ni:
- Con đã tiến bộ.
Trọng Ni hỏi:
- Thế nghĩa làm sao?
- Con đã quên nhân nghĩa rồi.
- Được đấy, nhưng chưa đủ.
Hôm khác, Nhan Hồi trở lại thưa:
- Con đã tiến bộ.
- Thế nghĩa làm sao?
- Con đã quên lễ nhạc rồi.
- Được đấy, nhưng chưa đủ.
Hôm khác nữa, lại trở lại:
- Con đã tiến bộ.
- Thế nghĩa làm sao?
- Con ngồi mà quên hết thảy được.
Trọng Ni kinh ngạc hỏi:
- Thế nào là ngồi mà quên hết thảy?
Nhan Hồi đáp:
- Cởi bỏ thân thể, trừ tuyệt sự thông minh,
rời hình thể, bỏ trí tuệ, hợp nhất với đạo, như vậy là ngồi mà quên hết thảy.
Trọng Ni bảo:
- Hợp nhất thì không còn lòng riêng nữa, biến
hoá thì không câu nệ. Anh quả thực là hiền nhân rồi. Thầy muốn theo gót anh.
8
Tử Dư và Tử Tang là hai
bạn thân. Mưa dầm đã mười ngày mà không gặp bạn, Tử Dư đoán bạn đau, đem một
gói thức ăn lại tặng bạn. Tới cửa, nghe thấy tiếng Tử Tang nửa như hát, nửa như
khóc, hoà với tiếng đàn cầm:
Cha ư? Mẹ ư?
Hay trời? Hay người?
Giọng yếu ớt mà như hổn
hển.
Tử Dư bước vô hỏi:
- Giọng hát của anh sao
lại như vậy?
Tử Tang đáp:
như vầy, là do số mệnh
chăng?
NHẬN ĐỊNH
Chương này luận về đạo và sự đắc đạo.
Đạo là luật biến hoá
trong vũ trụ, mà không có hình trạng, tự nó là gốc của nó, nó tạo ra trời đất,
vạn vật, cho nên có trước vũ trụ (bài 1). Nó là chủ tể, đại tôn sư của vạn vật,
nó diệt hết mọi vật mà không phải là vì nghĩa, gia ân cho vạn vật mà không phải
là vì nhân, nó “vô vi” vì nó là tự nhiên (bài 6).
Đạo đó có thể truyền được
nhưng không thể tiếp nhận được, nghĩa thầy có thể giảng cho môn đệ được mà
không thể đem nó cho môn đệ. Chính môn đệ phải tốn công tu luyện, mới đầu phải
tập làm sao cho coi thiên hạ là hư không, rồi coi vạn vật là hư không, sinh tử
là hư không (bài 2). Lúc đó đạt tới cảnh giới “toạ vong”, ngồi mà quên hết
thảy, cởi bỏ được thân thể mình, trừ tuyệt trí tuệ, mà hợp nhất với Đạo, có cảm
giác như thấy cảnh bình minh – tức như cảnh mà người Pháp gọi là illumination:
thiên khải hay đại giác – thấy vạn vật chỉ là một.
Đạt được Đạo như vậy thì
thành bậc chân nhân. “Vô nước không ướt, vô lửa không nóng, hơi thở rất sâu, từ
gót chân đưa lên tới mũi”. Chân nhân có lầm lẫn thì cũng không hối hận, có làm
điều tốt cũng không tự đắc vì hành động nào cũng- Tôi tìm nguyên nhân nỗi nghèo
khốn của tôi mà không ra. Cha mẹ tôi lẽ nào muốn tôi nghèo? Trời che vạn vật,
đất chở vạn vật, đâu có riêng ai, vậy có lẽ nào lại muốn riêng tôi nghèo? Tìm
hoài nguyên nhân mà không ra. Tôi tới nỗi cực khổ hợp với tự nhiên, cũng theo
luật biến hoá, như vậy không có gì là xấu, là tốt (bài 1). Không ham sống,
không sợ chết, vì sống chết là một, chỉ là biến hoá như ngày và đêm thay đổi
nhau, “như giấc mộng, hốt nhiên ngủ rồi hốt nhiên tỉnh dậy”. Vả lại, vũ trụ cho
ta cái hình hài, cho ta sống để ta lao khổ, cho ta già để cho ta an nhàn, cho
ta chết để ta nghỉ ngơi” (bài 1 và 3), vậy sống cũng không có gì đáng ham hơn
chết.
Chết đối với Trang tử là
cởi bỏ hình thể này để mang một hình thể khác; mà người đạt Đạo, thì gặp cuộc
đời nào, hoàn cảnh nào cũng vui được: “Nếu tạo hoá muốn cánh tay trái tôi thành
con gà trống thì nhân đó mà gáy sáng, nếu biến tay phải tôi thành cây cung thì
tôi sẽ nhân đó bắn con chim “hào” đem về quay” (bài 3).
Không có lớn nhỏ, thọ
yểu, phải trái, không có nhân nghĩa lễ nhạc, không có sống chết, vui khổ; mà có
lẽ không có cả cái “ta” nữa. Chúng ta còn nhớ, cuối chương II phần này, Trang
tử thấy mình nằm mộng thấy mình hoá bướm tự hỏi ông là bướm hay bướm là ông,
giữa bướm và ông, có gì phân biệt được không. Bài 5 chương VI này, ông lại tự
hỏi: “Người ta cho cái hình hài tạm thời của mình là cái “ta”, nhưng làm sao
biết được cái ta đó có thực là ta không?”. Như vậy cơ hồ Trang nghi ngờ hết
thảy, chỉ trừ một điều: luật biến hoá trong vũ trụ: người biến hoá thành vật,
vật biến hoá thành người để rốt cuộc lại trở về Đạo. Về sự chân nguỵ trong
chương này, nên coi phần I – chương II.
Chú thích :
[235] Nguyên văn: dĩ kì
trí chi sở tri dưỡng, kì trí chi sở bất tri. Mỗi sách giảng một khác. Sách thì
cho cái trí tuệ không thể biết được là tinh thần, sách lại cho là thân thể ta
tuy nhỏ mà gồm cả vũ trụ; sách khác cho là thọ mệnh; sách khác nữa bảo là đừng
để cái vô bờ bến làm khốn mình.
[236] Có sách giảng là:
đối tượng không nhất định, vì biến hoá hoài.
[237] Nguyên văn: bất
nghịch quả, có sách dịch là không ngại thất bại. L.K.h. dịch là không đàn áp kẻ
yếu.
[238] Theo bác Vvn thì
nguyên văn là: Chân-nhân chi tức dĩ chửng, chúng nhân chi tức dĩ hầu - 真人之息以踵,眾人之息以喉. Và cũng theo theo bác Vvn thì bản dịch
của cụ Nguyễn Hiến Lê có thể hiểu là: “Hơi thở của chân nhân [sâu tận gót chân
rồi] từ gót chân mà lên chớ không phải từ trong họng phát ra”; hoặc dịch là:
“Hơi thở của chân nhân lan sâu tận gót chân, hơi thở của kẻ bình phàm chỉ dừng
nơi cuống họng”. [Goldfish].
[239] Nguyên văn: khuất
phục giả. L.K.h. dịch là: ai làm nô lệ cho thị dục của mình.
[240] Nguyên văn là: chí;
các nhà chú giải đều bảo nên đổi là vong (quên), hai chữ đó viết hơi giống
nhau. Quên hết mọi sự thì không lo lắng, được yên tĩnh.
[241] Quân tử ở đây trỏ
người có tài đức dưới bậc hiền nhân mà trên kẻ sĩ.
[242] Hồ Bất Giai là hiền
nhân, vua Nghiêu nhường ngôi cho mà không nhận, gieo mình xuống sông, chết. -
Vụ Quang là hiền nhân đời Hạ, vua Thang nhường ngôi cho, không nhận, cột đá vào
người nhảy xuống sông. – Bá Di và Thúc Tề là người đời Ân, sau khi nhà Ân mất,
không chịu ăn thóc nhà Chu, nhịn đói mà chết ở núi Thú Dương. – Cơ Tử là hiền
nhân của vua Trụ đời Ân, can vua Trụ mà Trụ không nghe, bị Trụ bỏ tù. – Tư Dư
tức Tỉ Can, cũng vì can vua Trụ mà bị Trụ mổ ngực, moi tim (Có thuyết bảo Tư Dư
là Tiếp Dư). – Kỉ Tha, người đời vua Thang, nghe nói vua Thang nhường ngôi cho
Vụ Quang, sợ vua sẽ bị vua nhường ngôi cho nữa, nên gieo mình xuống sông. –
Thân Đồ Địch hay tin, cũng gieo mình xuống sông.
[243] Từ “Chân nhân thời
cổ có vẻ uy nghi…” tới đây, rất tối nghĩa, mỗi sách giảng một khác; chẳng hạn
có sách bảo: hình pháp là bản thể của chính trị (nguyên văn: dĩ hình như thể
giả), hoặc dịch chữ “nhất” trong đoạn cuối là “tề nhất” chứ không phải là “hợp
nhất”.
[244] Nguyên văn: đại
khối, các sách đều giảng là trái đất.
[245] Có sách dịch là:
người có sức mạnh.
[246] Có sách dịch là:
người hồ đồ mê muội.
[247] Cái lí bất biến đó
là Đạo.
[248] Đoạn này cũng mỗi
sách giảng một khác.
[249] Khi chưa chia ra âm
dương thì gọi là thái cực. Trời đất và bốn phương, gọi là lục cực (sáu cái cùng
cực).
[250] Theo truyền thuyết,
Hi Vi là một vua thời thượng cổ, trước cả vua Phục Hi.
[251] Bản Nguyễn Duy Cần
chép là thần Ngung Cường. [Goldfish].
[252] Ngũ bá ở đây, theo
Thành Huyền Anh, là năm ông bá từ đời Hạ đến đời Chu, trong khoảng 800 năm.
Theo truyền thuyết Bành Tổ sống 700 năm.
[253] Tức Nam Bá Tử Kì,
trong chương Nhân thế gian gọi là Nam Quách Tử Kì.
[254] Có người cho là đàn
bà, nếu vậy thì phải đọc là Nữ Vũ.
[255] Có người đọc là Y.
[256] Nghĩa là không do
cái gì sinh ra cả.
[257] Bài này cũng mỗi
sách giảng một khác.
[258] Nguyên văn: câu
câu. L.K.h. dịch là kì quái.
[259] Ta dịch là chim vọ,
L.K.h. dịch là chim cút.
[260] Nghĩa là đắc với
thất (được với mất) đều do hoàn cảnh, đều do luật biến hoá cả.
[261] Vì vật là những
trạng thái của biến hoá của vũ trụ, mà luật biến hoá đó thì không vật nào tránh
khỏi.
[262] Một cây kiếm quí
thời cổ.
[263] Nguyên văn: kim
nhất phạm nhân chi hình; có sách dịch là: nay có người ngẫu nhiên được tạo hoá
cho cái hình thể loài người, (mà bảo: Tôi muốn cứ làm người hoài…).
[264] Biến hoá thành vật
gì cũng được.
[265] Vẻ ngu ngơ, không
biết gì cả.
[266] Nguyên văn là chữ
phương, có sách giảng là phương nào, ở trong hay ngoài cõi của chúng ta.
[267] Có sách dịch là
sinh và sống trong nước… trong đạo.
[268] Chắc sách in dư chữ
và (đạo và thuật). Theo bác Vvn, nguyên văn cả câu: "Ngư tương vong hồ
giang hồ, nhân tương vong hồ đạo thuật" 魚相忘乎江湖,人相忘乎道術 - [Goldfish]
[269] Thân thể như căn
nhà để cho tinh thần tạm trú, chết là bỏ thân thể đó để nhập vào thân thể khác.
[270] Xâm mặt và cắt mũi
là hai thứ hình phạt thời xưa. Đây chỉ có nghĩa là làm cho tinh thần Ý Nhi tử
biến đổi, hoá xấu xa.
[271] Nghĩa là không đạt
được đạo thì cũng muốn biết qua loa nó.
[272] Có lẽ thông manh bị in nhầm thành thanh
manh.
[273] Nghĩa ở đây là việc nên làm thì làm. Câu
này và câu sau có nghĩa là Đạo không chủ ý làm gì cả, cứ tự nhiên vậy thôi.
[274] Nguyên văn: thử sở du dĩ. L.K.h. dịch
là: Đó là đạo của thầy tôi.
(Theo: Trang Tử Nam Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê,
NXB VH-TT, 1994.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét