CHÂN DUNG HAY
CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ6)
Tác giả: Nhật Tuấn
ảnh nhà văn Trần Dần
Nếu nhà thơ Xuân Sách còn sống, tôi sẽ hỏi sao
trong nhóm các nhà văn Nhân Văn Giai phẩm ông “vẽ chân dung” Trần Dần, Hoàng
Cầm, Phùng Quán mà không vẽ Lê Đạt, vốn ăn đòn với “Bài thơ ghế đá” “đem
bục công an đặt giữa tim người”, Phùng Cung, người viết phản kháng mạnh
nhất trong cả nhóm.
Xuân Sách đã “quên”, giới phê bình cả trong và
ngoài nước cũng chỉ nhất mực tôn vinh, đề cao hết cỡ “thủ lĩnh trong bóng tối “
– nói theo Phạm Thị Hoài – nhà văn , nhà thơ Trần Dần.
Trang Tiền vệ đã mở hẳn một chuyên mục Trần
Dần. Một nhà phê bình trẻ, Như Huy ca ngợi “mùa sạch”:
“tập thơ Mùa sạch của Trần Dần đã làm một cuộc
vượt vũ môn ngoạn mục thoát khỏi chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện đại và cả
những cách tân lặt vặt của nghệ thuật Việt Nam để trở nên một tác phẩm
nghệ thuật tiên phong nhất, hoàn hảo nhất và trí tuệ bậc nhất của nghệ thuật
Việt Nam, thậm chí, tính cả tới thời điểm của những năm tháng này – những năm
tháng bắt đầu của thế kỷ 21.”
Trịnh Bích Thủy phân tích sự hấp dẫn khác
thường của “Mùa sạch”:
“Thơ ông lạ, quá lạ so với sức cảm thụ của
lớp trẻ chúng tôi. Dẫu thế ta vẫn cảm giác những con chữ của ông nhẩy nhót, va
đập nhau dữ dội tạo nên một thế giới đầy âm thanh và hình khối. Cùng với sức
hút của sáng tạo, “Mùa sạch” càng đọc càng trở nên da diết: “Nội thành xuân lập
xuân/ Tấp nập nam nữ xuân/ Mưa xuân lợp xợp đường xuân/ Gái xuân bum búp nốt
giầy xuân/ Hồ bơi xuân thờm thợp thuyền xuân/ Ga xuân cập rập tàu xuân/ Vỉa hè
xuân ngờm ngợp gió xuân/ Phố phường xuân rờm rợp vai xuân”…Cứ như thế, câu kéo
câu, dòng kéo dòng…”.
Để “xác minh” những lời ca ngợi trên , ta thử
đọc trích đoạn ”Mùa sạch“:
“Anh vẫn tìm em qua phòng triển lãm sạch
Qua khu sứ quán sạch
Qua sớm mai trường Đảng sạch
Qua Bộ Công nghiệp nặng sạch
Qua nha khí tượng sạch
Qua ca ba phân xưởng sạch”
Cứ như vậy khắp nơi nơi, chỗ nào cũng… sạch ,
cả “trường Đảng” với “sứ quán” (chắc sứ quán Trung Quốc) cũng sạch , vậy tập
thơ này phải được giải của Bộ tài nguyên và môi trường.
Thơ Trần Dần được Phạm thị Hoài giải mã:
“Ông sẽ giới thiệu một thứ ngôn ngữ khác, một
thứ tiếng Việt không chỉ cho lỗ tai mà còn cho con mắt, không trói nghĩa vào
chữ, không bôi chữ vào chỗ trống của vô nghĩa.”
Thơ Trần Dần:
“em dài man dại
em dài quên che đậy
em dài tê tái
em dài quên cân đối
em dài bối rối
em dài vô tội”
mưa quanh dàn dạt hạt - phố. mây trắng. số nhà
đen. hạt đèn thuở nọ.
Phải chăng, do một thời gian dài, Trần Dần bị
“cách ly“ khỏi đời sống, chui vào “gara Hội nhà văn “dịch sách (“Những
người chân đất") cộng với nỗi ám ảnh “đòn vọt” những năm 1957-1960 đã làm
ông né xa mọi chuyện “nhạy cảm”, chuyện “thời thế” và chui vào lối thơ “ngôn
ngữ khác” – một thứ “công nghệ Trần Dần” “chọn chữ, tìm chữ, phu chữ” . Chính
“công nghệ” này đã mở lối cho nhiều nhà thơ trẻ hiện nay đội “chủ nghĩa duy mỹ”
lên đầu, gắn chữ "thọ" sau đít, quẩn quanh chuyện thân xác, phòng
the, tình trai gái…tránh xa những giằng xé, bức xúc thời đại.
Văn xuôi Trần Dần còn được tâng bốc dữ dội
hơn. Trong dịp xuất bản cuốn “Những ngã tư và những cột đèn” do Công ty
Nhã Nam ấn hành, một cơn bão ngôn từ ca ngợi cuốn sách đã nổi lên tại
Trung tâm văn hóa Pháp.
Nhà văn Lê Minh Khuê hăng hái:
“Với tư cách người viết, tôi kính trọng
Trần Dần- một người trọng nghề nghiệp, một người lao động nghiêm khắc. Tôi đọc
rất nhiều của ông, nhưng rất ngạc nhiên khi đọc Những ngã tư và những cột
đèn. Và tôi nghĩ, nếu cuốn này được dịch tốt sẽ không thua
kém tác phẩm tốt nào ở nhiều nơi, vùng đất khác”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên hân hoan:
“Cuốn tiểu thuyết ra đời, giới văn học hân
hoan, khoái trá. Bởi sau Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh,
rất lâu mới có một cuốn tiểu thuyết đọc sướng như thế. Những ngã tư và
những cột đèn là cuốn viết nội dung, không phải kể nội dung. Đọc rồi,
đọc lại tôi vẫn thấy háo hức, hồi hộp xem những gì xảy ra tiếp.”.
Nhà thơ Dương Tường đại ngôn:
“Tôi có lẽ là độc giả đầu tiên của Những ngã tư và những cột đèn. Mỗi
khi ông viết xong một chương, tôi được đọc. Ở Việt Nam có ai
đáng Nobel, người đó là Trần Dần. Nếu không in được tất cả di cảo
của ông, không phải thiệt cho Trần Dần mà thiệt cho văn học nước ta. Đọc Trần
Dần, người ta thấy khoái cảm chữ, tiếng. Cuốn tiểu thuyết như bữa tiệc ngôn
ngữ. Có nhiều trang, chương như thơ”.
Nhà văn trẻ Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng cao
giọng trên báo SGTT:
“Xét về nghệ thuật văn bản, đây là một cuốn
tiểu thuyết gây sững sờ cho những độc giả có mối quan tâm và hỏi đòi về sự kiếm
tìm kỹ thuật. Những thủ pháp như liên văn bản, phân mảnh tự sự, giễu nhại… của
phương pháp hậu hiện đại đã được Trần Dần sử dụng nhuần nhuyễn từ rất sớm với
một ý thức cao.” .
Nhà phê bình Lại Nguyên Ân sửng sốt:
“Tôi hoàn toàn bất ngờ vì cuốn tiểu thuyết này. Vẫn biết sự
nghiệp Trần Dần lớn và rất đa dạng, nhưng không thể ngờ ông lại hiện đại đến
thế"
Tôi đọc những lời “có cánh” này khi chưa đọc
tiểu thuyết nên cũng bán tin , bán nghi. Thế rồi nhà văn Trần Hoài Dương
lúc đó đang còn khỏe mạnh, gọi điện cho tôi:
“Ông đọc “Những ngã tư và những cột
đèn" của Trần Dần chưa? Trời ơi, viết lách như như thế mà “tụi nó”
đưa lên mây xanh…”
Nghe lời Trần Hoài Dương tôi đành bỏ tiền túi
ra mua và trân trọng đọc với nỗi lo canh cánh Phạm thị Hoài đã cảnh báo:
“Phần lớn tác phẩm của ông, mỗi dòng là mỗi
riêng một cõi, càng lúc càng riêng, riêng tới mức cực đoan, riêng tới mức bí
hiểm phải giải mã, phải cần đến một từ điển Trần Dần, không có cách nào khác là
làm phận bản-thảo-nằm.”.
Đọc được mới mới non nửa tôi đã muốn ngã bổ
chửng. Ôi thôi thôi, nào đâu là “bí hiểm phải giải mã”, nào đâu “phải
cần đến một từ điển Trần Dần”, nào đâu “Những thủ pháp như liên văn
bản, phân mảnh tự sự, giễu nhại…” nào đâu “những thủ pháp hậu
hiện đại” ?
Nói cho công bằng, đây là một cuốn truyện dễ
đọc vì văn chương câu chữ vẫn nằm trong dòng tiểu thuyết miền Bắc những năm
1960, câu chuyện được kể vẫn “tuần tự nhi tiến”, nói cho sang là vẫn “tuyến
tính”, chỗ nào nhảy cóc thời gian thì có giới thiệu ngay đầu giòng, cả nhân vật
cũng vậy, từ người này chuyển sang người kia đều có nói rõ. Tuy nhiên cái cao
hơn cả là cảm hứng dẫn dắt của cuốn truyện là “bôi xấu” những người lính chế độ
cũ còn kẹt lại và ca ngợi cán bộ khu phố và công an hết lời. Đây là “cảm hứng
thời đại” của những năm thời bao cấp “địch thì xấu thiệt xấu” còn “ta
thì tốt thiệt tốt”. Như cô Cốm vợ anh ngụy binh Dưỡng chỉ sau mấy ngày giải
phóng - mà tác giả cứ nhắc đi nhắc lại là “ngày tết của dân Hànội “ (he he) đã
học theo cái lối cải cách ruộng đất chạy đi tìm chị cán bộ khu phố để… tố cáo
chồng.
Mới đây trên trang web của nhà văn Trần Đức
Tiến có bài viết của Trần Nhã Thụy về cuốn “Những ngã tư và những cột đèn” này:
“Nhiều người khen Trần Dần ở cái cuốn này rồi,
em không nhắc lại (chỉ muốn nhấn mạnh thêm, hiện giờ những người viết kỹ lưỡng
như Trần Dần hầu như đã bị… tuyệt chủng). Nhưng em cũng hơi ngờ anh à. Em ngờ
là những bác ấy chưa đọc hết cuốn, mà chỉ đọc 1/2 hay chỉ đọc tới 2/3 là
xoa tay, vỗ đùi “tuyệt vời, tuyệt vời”. Nhưng đọc hết thì hóa ra nó
không phải vậy.”
“Hóa ra cái tay Nhọn cằm ấy không phải là
"CÁ", mà là phần tử nguy hiểm từ phía địch nó cài lại, để nó trấn áp
tinh thần Dưỡng, để anh chàng dằn di này không còn tâm trí đâu mà nghĩ tới bản
danh sách mật (hehe). Hóa ra em Cốm, tưởng khù khờ mà sáng suốt, đùng phát nói
ra ngay, tên Nhọn cằm ấy đích thị là địch (mà là địch thật). Hóa ra Tình Bốp
cũng là thằng gián điệp cài lại (vậy mà em cứ tưởng, bọn họ ban đầu vốn là
những chiến hữu đớp hít rất vô tư, họ chỉ thay hình đổi dạng, đổi tâm đổi tính
khi thế cuộc xoay vần, vì sự tồn tại của mình mà trở nên tha hóa…”
“ Rốt lại, hóa ra đây là cuốn tiểu
thuyết ca ngợi mưu trí tuyệt vời của các đồng chí "CÁ" (điều tra dựa
trên các giả thuyết và giả thiết - chỗ này vui - chứ không áp đặt kết luận vội
vàng). Hóa ra đây là một cuốn trinh thám xịn, vậy mà em cứ tưởng
Trần Dần chỉ mượn hình thức truyện trinh thám để nói về “những ngã tư và những
cột đèn” trong đời người. Tất nhiên là nó cũng có cái đó, nhưng em thấy
nó ngoại đề, và nhiều chỗ “lem nhem mực tím” làm sao ấy.”
Thực sự tôi không hiểu những người đầy uy tín
như Dương Tường, Lê Minh Khuê, Lại Nguyên Ân… ca ngợi “lên mây xanh”một cuốn
truyện “thường thường bậc trung” như vậy để làm gì? Hy vọng họ không PR
cho nhà Nhã Nam bán sách. Và cũng không hiểu căn cứ vào đâu, ông Phạm
Xuân Nguyên dám khẳng định:
“Cuốn tiểu thuyết ra đời, giới
văn học hân hoan, khoái trá. Bởi sau Nỗi buồn chiến tranh của Bảo
Ninh, rất lâu mới có một cuốn tiểu thuyết đọc sướng như thế.”
Thưa ông Phạm Xuân Nguyên, “giới văn học” của
ông gồm những ai vậy?
Tất nhiên những điều kể trên xảy ra sau khi
nhà thơ Xuân Sách đã quá cố nên thơ chân dung viết về Trần Dần chỉ nhắc tới tên
những tác phẩm vốn đã quảng bá trong công chúng:
“Người người lớp lớp
xông ra
trận
Cờ đỏ
mưa sa
suốt dặm dài
Mở đợt phá khẩu
tiến lên
nhất định thắng
Lô cốt mấy tầng
đè
nát vai
Dẫu sông núi cỏ cây làm
chứng
Hồn vẫn treo trên
Vọng hải đài.”
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét