CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ10)
Tác giả: Nhật Tuấn
NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG SÁNG
Khoảng năm 1982 nhà thơ Dương Tường vào TP Hồ
Chí Minh trọ khách sạn Bông Sen đường Đồng Khởi, sang trọng bậc nhất Sàigòn.
Trước khi ra Hànội, ông đã kịp giới thiệu tôi làm quen cô tiếp tân.Từ đó sáng
nào tôi cũng trốn cơ quan, lẻn tới khách sạn, đứng sát bên cô để "phụ
việc" sau quầy. Cô là người Sàigon cũ, xinh đẹp, tiếng Anh làu làu, thỉnh
thoảng lại dúi cho tôi bia Sàigòn, thuốc lá Du Lịch đầu lọc lúc
đó là của hiếm
Một sáng trò chuyện đang tíu tít, bất chợt từ
ngoài cửa bước vào một khách nam và một khách nữ. Nhận ra hai người, tôi vội
ngồi thụp xuống chân cô tiếp tân, im thít. Lát sau, cô vỗ vỗ lên đầu tôi:
“Khách lên phòng rồi… anh đứng dậy đi!”
Tôi cứ nấn ná chờ “máy bay địch đã bay xa”
mới đứng lên làm cô tiếp tân phì cười:
“Sếp anh sao anh sợ vậy?”
“Sếp đâu? Nhưng anh không muốn ổng nhìn thấy
bất lợi cho em …”
Cô gái lắc đầu:
“Hổng sao, ông Nguyễn Quang Sáng đó … nghe nói
ổng là nhà văn cách mạng …”
Tôi phì cười :
“ Nhà văn cách mạng thì sao ?”
“Kính nhi viễn chi thôi…”
Tôi ưỡn ngực:
“Anh cũng nhà văn cách mạng nè, sao em không
kính nhi viễn chi?”
Cô gái bĩu môi:
“Anh mà cách mạng gì? Du đãng thì có…”
Tôi rối rít khen em gái có con mắt tinh đời
nhận ra "anh hùng" giữa trần ai. Rồi cô kể chuyện giám đốc khách sạn
là ông Tám Muộn, thân với nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
lắm nên đặc cách cho mỗi người một phòng miễn phí thường xuyên. Tôi xuýt xoa:
“Mấy cha sướng thiệt… tha hồ trốn vợ dẫn bồ
bịch tới …”
Cô gái lắc quày quạy:
“Chuyện đó em hổng biết đâu nha. Đó là chuyện
riêng của mấy ổng.”
Người Sàigòn xưa là vậy, không tò mò chuyện người
khác nên cũng không hỏi chị phụ nữ kia là ai? Nhưng tôi biết, đó là nữ văn sĩ
quân đội nổi tiếng hồi đó. Đừng ai "suy diễn bậy bạ" nha. Chắc hai
nhà văn lớn đưa nhau lên phòng riêng để bàn luận văn chương thôi. Tuy vậy có
làm thêm chuyện gì khác thì với nhà văn cũng chẳng là gì, văn chương mới
là quan trọng. Mà với Nguyễn Quang Sáng thì văn chương thuộc loại chiếu nhất
làng văn Nam bộ kháng chiến rồi.
Năm 1946, Nam Bộ chống Pháp ác liệt. 14
tuổi, Nguyễn Quang Sáng đã vào bộ đội, làm liên lạc. Năm 16 tuổi học bổ túc văn
hoá trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Năm 18 tuổi làm cán bộ nghiên
cứu tôn giáo tại Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây. Năm 1955 tập kết ra Bắc, làm ở
phòng văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1966,
trở lại chiến trường miền Nam, làm cán bộ sáng tác Hội Văn nghệ Giải
phóng, năm 1972, trở ra Hà Nội, làm tại Hội Nhà văn. Năm 1975 trở lại TP
HCM, giữ chức Tổng thư ký Hội Nhà văn thành phố khóa l, khóa 2 và khóa 3, ông
còn là ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 2, khoá
3 và là Phó tổng thư ký Hội Nhà văn khoá 4.
Suốt đời quan chức vậy đủ thấy văn chương
Nguyễn Quang Sáng luôn sáng ngời tinh thần cách mạng, bám sát chủ trương đường
lối của Đảng, dứt khoát không chịu ảnh hưởng của những biến động trong giới cầm
bút như phong trào Nhân văn- Giai phẩm, sự kiện xét lại… Chỉ có điều, cả
đời bận rộn làm cách mạng vậy, không hiểu ông nhà văn sau khi học bổ túc văn
hóa trung học còn thời gian đâu học hành quy củ? Nhưng mà chuyện đó chẳng là gì?
Văn nghệ quần chúng, phục vụ công nông binh cần gì văn hóa cao?
Nguyễn Quang Sáng viết khá nhiều: Từ những
truyện vừa, tiểu thuyết như Đất lửa, Nhật ký người ở lại (1962), Cái áo
thằng hình rơm, Mùa gió chướng (1975), Dòng sông thơ ấu (1985) …; từ những
truyện ngắn Con chim vàng (1957), Chiếc lược ngà (1968), Bông
cẩm thạch (1969), Người con đi xa (1977), Bàn
thờ tổ của một cô đào (1985), 25 truyện ngắn (1985) đến
những kịch bản phim… tất
cả đều mang tính sử thi, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và vạch trần
những mặt tàn ác, xấu xa của kẻ địch.
Cùng với nhà văn Anh Đức, hai
ông đã trở thành một “cặp đôi hoàn hảo”, không tì vết, luôn đứng vững trên lập
trường chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, làm rạng danh cho văn học cách
mạng Nam Bộ.
Thành tích Nguyễn Quang Sáng
lớn vậy nên ông cũng được Đảng và Nhà nước tưởng thưởng đích đáng như:
Ông Năm Hạng - giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Thống Nhất (1959)
Tư Quắn - giải thưởng cuộc thi truyện ngắn (1959) Tạp chí Văn Nghệ Quân đội
Dòng sông thơ ấu - giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi
Hội Nhà văn (1985)
Con mèo của Fujita - tập truyện ngắn, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1994
Cánh đồng hoang (kịch bản phim) Huy chương vàng liên
hoan phim toàn quốc (1980), Huy chương vàng liên hoan phim ở Moskva (1981)
Mùa gió chướng (kịch bản phim) Huy chương bạc liên hoan
phim toàn quốc (Hà Nội 1980)
Đặc biệt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ
thuật đợt II năm 2000.
Sự nghiệp văn chương Nguyễn Quang Sáng như vậy
cũng đã hiển hách. Tuy nhiên, nhà thơ Xuân Sách còn muốn ông sáng tác sao đó
cao hơn nữa chứ không chỉ dừng ở “thằng nộm hình rơm”, bởi vậy đã làm thơ chân
dung Nguyễn Quang Sáng :
“Ông Năm Hạng trở về đất lửa
Với chiếc lược ngà vượt
Trường sơn
Bỗng mùa gió chướng vừa nổi dậy
Ông biến thành thằng nộm hình
rơm”.
Chẳng biết nhà thơ Xuân Sách còn muốn điều gì
ở nhà văn Nguyễn Quang Sáng nữa đây ?
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét