Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

Ngẫu hứng Trần Tiến 17

 

Ngẫu hứng Trần Tiến 17

Trần Tiến

Bọ Lập đỡ đau bao tử chưa? Biết thế không cụng ly với em nữa. Chắc thương ông anh “thuỷ thủ lên bờ”, chả biết bao giờ gặp lại, đành nghiến răng uống cho anh vui phải không.

Em bảo anh cứ thế ngẫu hứng tiếp, không cần kỹ thuật văn chương gì hết. Nhiều người chờ bài anh trên trang Quê choa là được rồi. Mình viết nghiệp dư thì cứ nghiệp dư. Có khi thành chuyên nghiệp rồi, lại chả ai đọc.

Thảo nào, quán bún ốc ngoài vỉa hè anh mê. Lâu rồi về thành phố, tìm lại, thấy xây nhà tổ chạng, khách vắng hoe.

Thôi thì cứ làm quán văn vỉa hè em nhé. Cho vui…

Cũng may. Tháng này đang thất nghiệp. Chẳng biết làm gì.

Già rồi, không làm việc, chóng chết lắm.

Anh về với biển. Vũng Tàu hôm nay lại đầy gió.Thoát khỏi cái nóng của tháng qua, những cặp tình nhân lại ra ngồi đầy trên cái kè đá hoa cương bóng lộn bao quanh từ bãi trước đến bãi sau. Cái kè đá lãng mạn nhì thế giới. (Cái nhất thì chẳng nhớ nó ở nước nào, hoặc có thì bom đạn đã phá đi, hoặc có khi… không có. Chắc ăn, cứ gọi những cái ta thích nhất là hạng… nhì.)

Cảm ơn cô gái quét đường lặng lẽ, anh ra tập thể dục đúng 5 giờ. Biển như cái lẩu bỏ lại, sặc mùi rượu, mùi tình ái và mùi thức ăn thừa qua đêm. Anh đi bộ vòng quanh núi về, cái ghế anh ngồi nghỉ đã lại sạch boong. Nhìn đồng hồ: 5h30.

Cảm ơn cô gái quét đường vô danh, cô đi qua đời tôi như một cái bóng lặng lẽ, chẳng để lại điều gì ngoài một con đường và những mặt ghế đá sạch sẽ, bóng lộn.

Thằng Khanh “khú” cứ thắc mắc:

- Sao cái bài “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, nhạc hay thế, mà lời thì cứ đến câu “… bâng khuâng chúng cháu nghĩ…, Bác đã đến nơi này”. Em hát, thấy nó ngượng ngượng thế nào ấy. Sao trong rừng không nhớ bạn bè, nhớ mẹ, nhớ người tình mà chỉ nhớ Bác.

- Thì đừng hát nữa. Bài đó là của thời tao sống, chớ có động vào. Đi tìm bài thời mày mà hát. Chịu khó tập thể dục đi. Người như cái que, uống mà không ăn, khác gì nhậu thịt mình.

- Vậy mà bọn con gái lại thích cái người que của em. Chúng nó ôm em, miệng thỏ thẻ “Xương anh thơm quá”. Không có thịt mới thơm thế đấy, ông anh ạ. Hè, hè.

- Anh bảo em nghe nhạc gì thời nay. Chán bỏ bố. Sao hả anh, sao cứ phải có Bác mới được hát hả anh.

Bóng cô gái đẩy chiếc xe rác lặng lẽ, mờ ảo khuất sau đèo, khuất sau làn sương sớm.

Anh mà trả lời nó thì có đến Tết cũng chưa hết. Mà chắc gì anh giải thích được.

- Đấy như thời của “bộ tứ Hà Nội” các anh, có Bác gì đâu mà nhạc vẫn hay…

- Em mê giao hưởng. Em có nhớ bản số 3 của Beethoven viết tặng Napoleon không?

- Có, một trong những bản hay nhất của thế giới.

- Ổng ấy đã xé nát nó khi Napoleon đem quân chiếm nước Đức, quê hương ông. Có yêu một người đến mức thần tượng mới sáng tác hay như thế. Người đời đâu cần phán xét ông ấy yêu nhầm ai. Nhạc hay nó sẽ vượt qua mọi thành kiến, tư tưởng, chính trị. Nó sẽ nằm mãi trong lòng nhân loại. Cứ hay là được.

Anh nhớ không chắc lắm. Hình như ở trang 34 cuốn “Vân đài loại ngữ” của Lê Quí Đôn có câu: “Nhân sỹ Bắc Hà, giỏi mà thâm sâu, nhưng hèn. Những kẻ sỹ còn lại, tài không cao lắm mà cứ hay giở giọng khinh bạc. Kinh thư, kinh lễ, kinh nhạc… thì làm gì có đúng, có sai. Có tốt, có xấu. Có hay, có dở. Văn nghệ chỉ có thích, hay không thích mà thôi.”

- Bịa, hồi đó làm gì có chữ “văn nghệ”. Có anh bịa thì có.

- Nhưng có đúng không?

- Đúng.

- Có hay không?

- Hay.

- Có thích không?

- Thích.

- Thế là được rồi, anh bịa mà nghe thích là được rồi. Bài hát có Bác hay không. Nghe thích là được rồi.

Ngày đó cả nước mình tin một điều: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Mọi cá nhân đều dẹp sang một bên. Tất cả tập trung cho việc thắng Mỹ. Văn học nghệ thuật không thể thiếu Đảng-Bác. Không thể thiếu máy bay rơi, ta thắng, địch thua. Tay cày, tay súng. Phụ nữ ba đảm đang, hợp tác xã, phân xanh, phân chuồng gì đó. Nhớ không nổi…

Gì cũng được, cốt là dành được thống nhất quê hương. Anh cũng tin như vậy. Bài hát “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” là kỷ niệm đẹp cái thời anh.

Người nghệ sỹ đích thực phải viết bằng trái tim. Đôi khi trái tim sai lầm, chuyện đó bình thường. Vì… nó có phải là óc đâu. Viết bằng óc mới… kinh tởm.

Chủ đề chỉ là một cái cớ của trái tim. Anh viết kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng bài “Giai điệu Tổ quốc”. Em nghe được không?

- Hay chứ?

- Vậy Bác Hồ, Napoleon hay gì đi nữa cũng chỉ là cái cớ để viết, khi trái tim gọi, em ạ. Mà nói em nghe. Ngày văn nghệ phục vụ chính trị đó, không thiếu gì những tác phẩm “không thời chiến” cực hay. Các tác giả của nó không thể và… tự đáy lòng, không muốn đưa ra. Vì không muốn phiền hà dân tộc mình.

- Tác phẩm nghệ thuật vị nghệ thuật à?

- Không. Hì hì. Em không ở trong nghề, nên không rành. Không có chữ “nghệ thuật vị nhân sinh hay vị nghệ thuật” đâu, người ta lừa em đấy. Chỉ có một thứ nghệ thuật duy nhất thôi. Nghệ thuật của trái tim trần trụi.

Nghệ thuật không dành cho khối óc, cho chính trị hay những âm mưu mượn nghệ thuật làm chuyện gì khác.

Bờ kè, chỗ xế cà phê Nữ hoàng nhìn sang, có đám bợm nhậu đang hát nghêu ngao: “Năm anh em trên một chiể…c xe tăng…”

Ghê thật, mở mắt ra là nhậu. Những chàng đánh cá sớm, được con gái khen “xương thơm” như thằng Khanh “khú”, đang nghêu ngao hát về chiếc xe tăng, mặc dù toàn dân thuyền thúng. Họ vất vả ngoài vũng từ lúc ba giờ sáng, lên bờ lạnh lắm, phải nhậu cho ấm và hát thật to cho… ấm. Kệ nó, xe tăng hay thuyền thúng thì cũng vậy.

Nghe thích là được rồi.

“Năm anh em trên một chiể…c xe tăng…”

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét