Ngẫu hứng Trần Tiến 14
Trần Tiến
Lập à,
Thằng Khanh “khú” mấy
ngày nay chẳng thèm phôn. Anh sợ nó bệnh hoặc giận anh, chán anh. Không, nó chở
vợ con đi chơi, nhân ngày lễ. Nó điện lại phân trần. Anh bảo: chứ còn gì nữa!
Gia đình là một thứ thảo dược mát nhất, đắt nhất trên đời.
Đừng quên Lập
nhé, cái thằng suốt đời rượu đưa lên mây kia! Không có gia đình mày chết lâu
rồi. Rượu thì hỏa, khát vọng là hỏa, không nóng, sao lại khát…vọng. Gia đình
giữ ta lại để sống như mọi sinh vật đấy, em giai.
Vài nghệ sỹ bạn anh chết sớm cũng còn một lý do, không vợ con. Nhưng kinh hãi
nhất là không bạn bè, không người thân, không có ai trên đời. Chỉ là vì họ
không phải là người bạn sẽ nhớ đến lúc cô đơn nhất. Mặc dù họ là bạn bè, là
người thân.
Nhớ anh Sơn (Trịnh
Công Sơn), có chương trình gì đó về mình trên tivi, anh gọi điện khen. Mình
ngạc nhiên: Anh mà xem ti vi? Mình chẳng xem thì còn làm gì nữa, anh nói.
Cô đơn thật khủng khiếp. Chờ ngày lìa xa trái đất yêu thương, Trời chưa gọi, cô
đơn ấy thật… khủng.
“Độc huyền cầm buồn
lắm
Mấy ai người tri âm…”
Văn nghệ tưởng lấp đi
cô đơn của nghệ sỹ… Không, chỉ là một cách trốn, như ngày bé ta hay tìm một chỗ
không ai thấy í. Cái chăn chẳng hạn… Sáng tác chỉ có ý nghĩa như một cái chăn
(mền) tuổi thơ.
Cô đơn hoàn…tán, vị
thuốc mới, ai mua không?
BÀN VỀ “NGẪU HỨNG TRẦN
TIẾN” TRÊN BLOG QUECHOA
(2011-11-05)
Nhạc sĩ Trần Tiến được
biết đến nhiều qua các ca khúc nổi tiếng xuất hiện trên khu vườn âm nhạc Việt
Nam từ nhiều thập niên qua.
Ông cũng được biết đến
với giọng ca đặc biệt đầy nam tính. Mỗi khi Trần Tiến xuất hiện trên bất cứ một
sân khấu ca nhạc dù hoành tráng hay bỏ túi nào cũng được nhiều giới, nhiều lứa
tuổi đón nhận nồng nhiệt.
Ca từ của ông sử dụng
là những tìm tòi ấp ủ và chúng xuất hiện đúng trong từng tình huống mà tác giả
đặt vào đã nâng dòng nhạc của ông lên cao hơn trong lòng người thưởng thức.
Trần Tiến qua tạp bút
Với tài năng riêng
trong cách xử lý ngôn ngữ, Trần Tiến làm người nghe nhạc của ông ngày càng
nhiều hơn bởi ca từ vừa trong sáng, hồn nhiên, phảng phất một chút kinh điển đã
thấm sâu trong tiềm thức của thính giả, nằm lại đó, thì thầm trong ký ức người
nghe và mênh mang những cảm nhận cùng chia sẻ.
Không những chắc tay
trong ca từ, ông còn tỏ ra là một ngòi bút duyên dáng và thâm thúy trong khi
viết tạp bút, một loại hình phù hợp với ông vốn không phải là nhà văn nhưng
hiểu rất rõ sức hút mạnh mẽ của tạp bút đối với người mà ông muốn gửi gấm.
Người ông muốn gửi gắm
những câu chuyện đời đó là nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ trang blog Quê Choa
nổi tiếng.
Cho đến khi bài này
đến với quý vị thính giả thì loạt tạp bút mang tên “Ngẫu hứng Trần Tiến” đã có
11 bài được đăng trên trang blog này.
“Tôi viết với tính
cách chơi với Lập thôi chứ không có ý định nói cho
nhiều người nghe. Chả phải viết văn hay công bố bí mật gì cả cứ hứng
thì viết thôi.” (NS Trần Tiến)
Nhạc sĩ cho biết ông
viết do tình cờ và không có bất cứ một ý định nào trước về những bài này:
“Tôi viết không cho
người đọc mà hoàn toàn cho Lập bởi vì Lập nói với tôi là định làm một cái phim
về tôi và Lập. Nói tôi viết về cuộc đời của mình đi để Lập lấy tư liệu làm
phim. Cũng có một nơi họ đang làm một bộ phim nhiều tập về tôi mà Lập thì viết
kịch bản.
Nhân chuyện đó tôi
viết chứ không phải là viết văn! Chẳng qua nhiều người thích thế thôi chứ tôi
không đưa lên mạng. Tôi viết với tính cách chơi với Lập thôi chứ không có ý
định nói cho nhiều người nghe. Chả phải viết văn hay công bố bí mật gì cả cứ
hứng thì viết thôi.”
Mẹ và nhạc sĩ
Ở bài viết Ngẫu hứng
Trần Tiến đầu tiên nhạc sĩ trang trọng dành cho mẹ mình. Rất dễ hiểu tại sao
bài này ngay lập tức được đón nhận vì ai cũng có mẹ và nhất là tình mẹ chia sẻ
đều cho mỗi đứa con trên quả đất này. Ai cũng được mẹ yêu như nhau, và cái tình
yêu ấy cũng bao trùm lên cuộc sống mẹ con của Trần Tiến.
Lý do ông đặt bài viết
đầu tiên cho mẹ có lẽ hình ảnh của bà nằm sâu nhất trong tim, để khi có dịp thì
bà đứng kế bên như hồi còn nhỏ dại. Ông kể, giọng văn rất đơn giản trong khi ý
thức viết về bà không đơn giản chút nào, mặc dù đây chỉ là tạp bút, ghi vội
vàng những điều thoáng qua trong trí nhớ:
“Tại vì tôi thương mẹ
nhất, mẹ vất vả tôi cũng phải về phải lo cho mẹ. Hồi đó cả nhà vất vả và cả xã
hội cũng vất vả cả.
“Cái áo bông sột soạt
em ạ, cái áo bông mẹ may cho anh mặc đến trường trong ngày mùa đông buốt giá,
vừa đi vừa sột soạt. Anh là “cán sự” văn hồi phổ thông, chả hiểu sao gọi là
thế. Anh đi thu bài của bạn bè nộp cho thầy, có thế thôi, gọi là cán sự. Hôm ấy
đi khắp lớp, vừa đi vừa sột soạt, cả lớp cười bò, ngượng thật. Mẹ được lão bộ
đội già tặng mẹ sấp vải lính, chắc hắn định “cưa” người mẹ nguyện suốt đời
ở giá nuôi anh. Mẹ may cái vỏ áo bông mà không có bông. Trong đó mẹ nhét đầy
báo Nhân Dân, Hà Nội Mới. Chắc ngày ấy chỉ có 2 tờ thế thôi em giai nhỉ.
Âm nhạc thời tuổi thơ,
chả có dân ca, dân kẹo. Chỉ có chiếc áo bông vừa đi vừa sột soạt.
“Tại vì tôi thương mẹ
nhất, mẹ vất vả tôi cũng phải về phải lo cho mẹ.”
(NS Trần Tiến)
Mẹ sinh ra anh trong
cuộc chạy loạn năm 47, trong tiếng bom đạn xối xả trên ngọn đồi ấy.
Bố giận Tây lắm, mới đặt tên con là Trần Việt Tiến. Mà anh thì chỉ là một nhạc
sỹ quèn, chả được cái tích sự gì. Làm sao mà giúp nước… Tiến. Ôi dào…
Anh Hiếu kể: Bọn Tây
đi càn bắt được nhà mình, em thì cứ khóc dằn dặt, thằng da đen chạy đến tát em
một cái. Mẹ trợn trừng định đánh lại. Bố bảo im, không được làm thế. Bố tìm
thằng quan ba gì đó, sì sồ tiếng Pháp, đại loại là: Nước Pháp văn minh mà đánh
trẻ con à. Thằng da đen phải cúi đầu xin lỗi Trần Việt Tiến. Hí….
Năm 75 anh về, mang
cho mẹ bao nhiêu quần áo đẹp kiểu các bà mợ quí phái trước 54. Chả bao giờ thấy
mẹ mặc. Lúc nào mẹ cũng chỉ bận mấy cái áo cánh vải phin gì đó, thời bố còn
sống, vá nhiều lắm rồi.
Mãi sau này mình mới
hiểu lờ mờ, bố mất rồi mẹ mặc áo đẹp cho ai.”
Cách kể chuyện của
Trần Tiến khó thể nói là của một người tay ngang viết tạp bút. Vừa nhẹ nhàng,
hồn nhiên mà cũng ngậm ngùi biết bao khi gợi lại hình ảnh mẹ ông sẵn sàng đánh
lại thằng Tây vì bênh con. Đoạn phim quay rất chậm thời thơ ấu cho thấy Trần
Tiến tuy nghèo nhưng hạnh phúc và hạnh phúc này không phải chỉ chia sẻ với nhà
văn Nguyễn Quang Lập, nó mênh mang phân phát cho mọi người, cho những ai có mẹ
dù đang ở với mình hay đã đi xa.
Kỷ niệm đắng lòng
Trần Tiến thủ thỉ kể
cho Bọ Lập, tức nhà văn Nguyễn Quang Lập bằng thủ thuật rất hiện đại, hiện đại
thời của @, thời của các trang bog thế kỷ 21.
“Anh Tiến kể chuyện
Lập nghe…
Nhà anh to thế, bị
chính phủ ngày mới giải phóng Thủ Đô, bắt nhường lại, tất nhiên không có giấy
tờ gì. Đã thế, mẹ anh phải giặt giũ giường chiếu, chăn màn cho cái nhà trọ phố
ga của chính phủ, chính là nhà mình. Đau đớn. Anh còn bé phải xuống giặt giúp
mẹ trong cái nắng thiêu đốt của ngày giải phóng. Anh không sao quên lũ rệp. Rệp
từ giường leo vào người, vào bàn tủ chăn chiếu, làm thủ đô trong gối, lại còn
hãnh diện leo lên trần nhà nhìn xuống. Coi mẹ con anh, nhà tư sản đếm trên đầu
ngón tay của Hà Thành ngày bình yên….. như rác.”
Đã thế, mẹ anh phải
giặt giũ giường chiếu, chăn màn cho cái nhà trọ phố ga của chính phủ, chính là
nhà mình. Đau đớn.
(NS Trần Tiến)
Tới đây thì câu chuyện
về mẹ đã chuyển sang hướng khác, kể về một thời kỳ khó khăn mà những hình ảnh
ngay từ xa xưa của xã hội đã đậm chất cưỡng ép đối với người dân. Nghèo và
không còn lối thoát, ông kể chuyện mẹ đi rửa bát kiếm sống tuy rất chừng mực trong
ngôn ngữ nhưng nghe ra biết bao là chua xót ngậm ngùi:
“Rồi một ngày mẹ anh
bị “chuyển công tác”. Đi rửa bát cho một hàng phở.
Tất nhiên anh thương
mẹ, đi rửa bát giúp mẹ. Thằng cửa hàng trưởng còn bắt anh nắm than, rửa thùng
phở to đùng. Hồi đó anh mê hát. Cứ rúc trong thùng phở to đùng nghêu ngao những
bài ca cách mạng… Nhưng tất nhiên là của… Nga la tư.”
Nhìn và nhận
Qua tới bài thứ ba
Trần Tiến vẫn tiếp tục thủ thỉ, tiếp tục Lập à Lập ơi để nói một câu chuyện lớn
hơn trong giới làm nghệ thuật. Trần Tiến khéo léo gây cho người đọc cảm giác
được nghe câu chuyện từ một anh giai nào đó của xứ Hà Thành kể về những điều mà
anh ta nghĩ, anh ta thấy đối với chủ đề mà các vị làm nghệ thuật nếu có cơ hội
luôn mang ra bàn tính. Đôi khi quá đà họ sẽ không ngại ngùng gì mà không dày
xéo lẫn nhau. Trần Tiến nhận xét như một người ngoại đạo và điều này khiến ông
được người đọc chia sẻ trọn vẹn:
“Lập à.
Anh cứ mơ được viết
văn như em. Hay tại vì lâu quá anh không có thời gian đọc văn nước ta, và nước
chúng nó. Anh đọc và cứ cười một mình như thằng điên.
Nghệ thuật là hấp dẫn.
Chuyển tải gì tính sau. Thực có quan trọng quái gì đâu mà cần phải chuyển tải.
Ai cũng sáng tác nhạc và viêt văn được cả thôi, vì trời không phân công
“công tác”thôi. Thằng Tạo viết ca khúc cũng dễ thương vậy. Ông Nguyễn Đình Thi
viết nhạc, ông Văn Cao vẽ…Trời cho thì nhận.
Đừng nghĩ nhiều đến
chuyển tải thông điệp. Chẳng có thông điệp nào mới cả. Nhưng sẽ rất mới nếu
sống thật mình. Làm tình thì có gì là mới. Những ai yêu ta thật, dù chả biết kỹ
thuật gì, vẫn cứ làm ta mê đi là sao. Nói ỡm nói ờ mà cứ sướng là sao.
Anh ơi, nhìn này, nó
là cây lúa đấy.
Chàng ồ lên, thế à.
Thích nhỉ, cây lúa đẹp nhỉ.”
Nghệ thuật là hấp dẫn.
Chuyển tải gì tính sau. Thực có quan trọng quái gì đâu mà cần phải chuyển tải.
(NS Trần Tiến)
Trần Tiến cũng không
ngại gì mà không thủ thỉ chuyện gió sương, chuyện mùi này hương nọ. Ông kể vô
tư và duyên dáng như một lãng tử vừa về tới nhà đã hào hễn kể lại điều mà ông
vừa gặp trên đường. Nét duyên dáng và hấp dẫn nhất của thể loại tạp bút là diễn
cho được vở kịch ngắn vừa trôi qua trong cuộc sống, dưới kịch bản của một nhà
làm phim tài liệu nhưng phải lột tả được chất hóm hỉnh trong câu chuyện. Ở đây
Trần Tiến đã chứng tỏ vai trò của một bậc thầy về tạp bút.
“…. cái tàu này liệu có
bị vỡ không nhỉ. Sóng đu lên cao, rồi rớt cái… thình, muốn vỡ cái bộ môi trường
của anh…
Ui dao, cô gái nào đập
đầu vào mình. Đau nhưng mà thơm, cái mùi thơm của mái tóc. Cô gái ngượng ngùng
xin lỗi. Không sao. Chợt nghĩ, có gì thơm thì em cứ đập hết vào mặt anh đây.
Tàu vào đến sông rồi,
chắc là thoát chết. À, sao mình lại sợ chết nhỉ. Sống thế chưa đủ sao. Có ai đó
nói :“Sống không có gì mới. Chết cũng chẳng có gì mới hơn.”
Sống vẫn tốt hơn là
chết chứ, mà ai bảo là không mới. Sáng ra bị một cú đập đầu đau điếng, nhưng mà
thơm, thơm miễn phí, thế không mới sao, không lời sao?
Tàu cập bờ, cái cánh
ngầm cũ nát lại đập vào vách cảng một cú nữa, rồi mới đứng yên. Dù sao cũng còn
hơn đi bộ. Và dù sao cái má sưng của mình vẫn còn được lãi một chút: Mùi đàn
bà.”
Viết, như một định
mệnh
Sang bài thứ bảy thì
Trần Tiến quay lại với văn chương chữ nghĩa. Lần này ông thực tế hơn, nhìn công
việc sáng tác của mình như một định mệnh. Trời sinh ra có chút tài năng thì
phát triển, rồi trong khi thi hành cái định mệnh ấy thì thấy thích, thấy sướng
thế là theo. Theo như bị cái hoa văn rực rỡ trên cánh bướm tuổi thơ trong những
ngày ngập tràn nắng hạ hấp dẫn và chàng nhạc sĩ cứ thế hỗn hễn chạy theo bằng
các sáng tác của mình. Đơn giản như vậy nhưng có được mấy người nổi tiếng thú
nhận điều này?
“Lập à
Em nghĩ thế nào về văn
chương chữ nghĩa, thi ca hò vè..?!!! Chả để làm gì, em nhỉ.
Từng ấy năm, sống
chết, đớn đau, rút xương, rút tủy vì nghề…..Chả để làm gì. Mẹ bảo: Xướng ca vô
loài, con ơi. Bây giờ, anh đã gần xấp xỉ cái tuổi lúc mẹ đi. Mới thấy mẹ anh
nói đúng, mình chả được cái tích sự gì.
Cứ vào trang giấy
trắng lạnh đến ghê người. Rồi soi mặt mình vào đó.
Thế rồi, con chữ ở đâu rủ nhau chạy về như rươi làm tình dưới mùa trăng
mọc.
(NS Trần Tiến)
Ngoài vườn có một bông
hoa, không biết ra đời lúc nào sớm nay. Đẹp quá. Lại được chùm nắng đâu đó,
xuyên qua vòm lá, đến gửi nàng một nụ hôn của mặt trời. Nàng rực rỡ hẳn lên, cứ
như có đạo diễn sắp đặt. Nàng đẹp quá. Xướng ca vô loài ơi!
Nhiều lúc chẳng có
việc gì, cũng chẳng cảm xúc rần rật, tâm hồn, tâm hiếc mẹ gì hết. Cứ vào trang
giấy trắng lạnh đến ghê người. Rồi soi mặt mình vào đó. Thế rồi, con chữ ở đâu
rủ nhau chạy về như rươi làm tình dưới mùa trăng mọc. Thế rồi con triết, con đồ
đứng đầy cả đấy, định lên mặt dạy đời, chửi đời.
Mình lại phải ngăn
chúng lại. Đời mình chỉ được làm“xếp” duy nhất có lúc ấy thôi. Con chữ bay ra
là cái mặt mình, đâu phải chuyện làm tình, chuyện dạy đời. Thế rồi, sau khi vệ
sinh sạch sẽ chữ nghĩa, sắp xếp kỹ càng cấu tứ. Đọc lại, tự thấy mình hay, tự
thấy nước mắt ở đâu bỗng trào ra như một kép cải lương tồi, tự thấy mình
sướng.”
Nỗi buồn mang tên tuổi
tác
Sự nổi tiếng của chàng
không phải luôn luôn thuận lợi trong cuộc sống, Trần Tiến kể về việc ngồi làm
giám khảo cho chương trình “Bước nhảy hoàn vũ”. Lần này thì ông không thủ thỉ
nữa mà cách kể đã phảng phất nét muộn phiền, buồn bã. Nỗi buồn mang tên tuổi
tác.
“Nhớ lại một lần ngu.
Vì nể thằng em giám
đốc truyền thông mà đi chấm “Bước nhảy hoàn vũ”. Các em ấy nhảy thế nào
thì mình nói thế. Nhảy điệu Latin thì phải nhìn mông, vú có nảy lửa không. Ngày
hôm sau các comments xô vào phản ứng, dân truyền thông vớ được tin sốt dẻo, đổ
dầu thêm cho lửa cháy bùng thành sì căng đan để mời khách và bán quảng cáo. Tự
nhiên anh thấy mình lạc lõng giữa thế giới này, giữa những khán giả mình vẫn
thân yêu hết lòng viết bài hát cho họ.
Nhưng rồi anh chợt
hiểu ra điều mà lâu nay quen sống trong hào quang quên mất: Anh đã già rồi.
(NS Trần Tiến)
Nhưng rồi anh chợt
hiểu ra điều mà lâu nay quen sống trong hào quang quên mất: Anh đã già rồi.
Những khán giả yêu anh cũng già theo, hoặc đã về trước, nơi cõi vĩnh hằng bình
yên. Anh vẫn còn ngồi đây tí tởn với “bước nhảy hoàn vũ”… Sao không hoàn vũ đi,
nhạc sỹ hết thời ơi.”
Quý vị vừa theo dõi những bài tạp bút của nhạc
sĩ Trần Tiến. Vì thời gian giới hạn chúng tôi xin gác lại bài viết tại đây và
tác giả vẫn còn tiếp tục viết Ngẫu hứng Trần Tiến nhiều kỳ nữa. Trong khi chờ
đợi các bài viết mới nhất của ông mời quý vị nếu có cơ hội xin truy cập trang
blog Quê Choa để đọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét