Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

Ngẫu hứng Trần Tiến 12

 

Ngẫu hứng Trần Tiến 12

Trần Tiến

Anh có hai quê Lập à.

Chẳng bao giờ anh hát nổi bài ca anh viết về quê mình. Cứ hát lại khóc.

Vô duyên thế. Anh sợ ai đó yêu anh mà đón anh bằng niềm hân hoan phát nhạc hai bài đó. Anh sợ quá khứ lắm. Người già thường quay lại trẻ nít, bắt đầu từ nước mắt. Rồi mới đến nụ cười ngày bé.

Ngày bé của Bố anh, ở một miền quê.

Những cánh đồng dài và những dòng sông rộng.

Phía bên kia dòng Hát Môn, hai bà Trưng “gieo mình”. Sau lưng, xa xa là chùa Thầy, nơi có ông nào đó một ngày lên Trời đánh cờ. Vui thì có vui, vậy mà ngày trở về quê hương lại cũng “gieo mình”. (Không còn gặp ai thân thuộc. Mấy trăm năm mới quay về. Bạn bè xưa đã nghìn trùng xa cách.Thì anh, mẹ !… cũng “gieo mình”, chứ còn gì nữa?)

Nơi quê anh, rải rác những dấu chân người Chàm Cổ. Các vị La Hán chùa Tây Phương bị “chôm” gần hết những bức tượng đẹp. Cũng may những vị không bán được mới quí.

Có một vị xấu nhất kể anh nghe:

“Tiến à, Tổ của con là một vị tướng của bà Bô- Bô đất Chàm. Cụ Lý Thường Kiệt không đánh được bà ấy, phải nhờ mưu bà Phường Chào, người xứ Quảng, mới thắng đấy. Có câu ca xưa “Bô- bô sánh với Phường Chào, xem tôi với chị bên nào hiền hơn”.

Tổ của con là tù binh, bị Cụ Kiệt mang về nhốt ở xứ Đoài. Một ngày Người lang thang trong vùng cỏ hoang thấy có loài cua nhiều hình vẽ kỳ dị trên mai, ông mừng thầm và quyết định lấy mảnh đất này cắm dùi.”

Quê anh đấy, làng quê chỉ biết làm món nhậu với rượu mía: Nem Phùng nổi tiếng. Chả biết làm gì nên cứ nghèo mãi.

Mẹ anh dặn, nếu có mệnh hệ gì nhớ đưa mẹ về quê nội để mẹ nằm cạnh bố, nhưng phải quay đầu mẹ về hướng chùa Tổng.

Chùa Tổng cách mộ có vài trăm mét. Anh còn chưa bao giờ vào.

Một ngày ngồi trên xe với thằng Thanh Thảo. Nó bảo:

- Chắc mày người Chàm. Nhà thơ Quang Dũng cũng cao to như mày, cũng quê Phùng, mà lại viết bài thơ “nỗi nhớ quê” ở chính nơi mình sinh ra.

Quê “đéo” gì, ha ha! Thơ hay là vô thức. Ông ấy lộ ra nơi quê tổ gốc Chàm trong giây phút vô thức đấy.

Anh giật mình, một ngày ra Hà Nội, tức tốc tìm chùa Tổng của mẹ. Đúng là chùa Chàm.

Cụ già trong chùa bảo: Tổ mình ngày xưa bị một con hồ ly vùng Kinh Bắc mê hoặc, bỏ đất mà đi. Bà Tổ buồn, gieo mình xuống giếng.Từ đấy con gái làng có đôi mắt sắc và lạnh, buồn như lá rau răm (lại “gieo mình”. Chả biết có đúng không)

“À ơi. Hoa bay lên trời, cây chi ở lại

À ơi: Hoa cải lên trời,rau răm ở lại…chịu lời đắng cay”

Trong bài hát Quê nhà)

Miền quê thứ hai, nơi tuổi thơ buồn của anh – Hà thành.

Anh lớn lên như con chó rách. Lang thang suốt ngày bên cống rãnh hè phố, mong tìm được hòn bi ve đứa trẻ nào đánh rơi, có khi nhặt được vài đồng xu ở nơi rãnh thối ấy.

Ngồi nhìn hàng giờ dòng nước bẩn lặng lờ trôi. Thoảng hoặc mẹ cho cục đá vôi thì sướng lắm, đặt xuống rãnh. Cục đá gặp nước, nở ra từ từ, rồi réo sôi thành ngọn núi trắng toát. Ngọn Phú Sĩ của tuổi thơ anh đấy, của khát khao dòng dõi tướng Chàm thất cơ lỡ vận đấy.

Lên bảy tuổi, bác ruột di cư vào Nam. Anh về Hàng Lọng ở (giờ là Lê Duẩn, cho đến một ngày anh cũng lại “Nam tiến”). Ngôi trường tuổi thơ xưa ở phố Sinh Từ. Bọn học trò trốn ra Quốc Tử Giám ăn trộm muỗm. Anh thì sợ lắm. Mẹ bảo bên kia hồ Giám có con yêu nữ thứ nhất Hà thành.

Long thành có bốn yêu tinh

Con yêu hồ Giám, yêu đình Đồng Xuân

Yêu nằm giữa phố Hàng Cân

Con yêu gốc liễu trong sân chùa Tàu”

(Chùa Tàu chính là đền bà Kiệu, trước cửa đền Ngọc Sơn bây giờ đấy.Thảo nào nơi ấy vắng như chùa Bà Đanh.)

Anh hỏi mẹ: Yêu nữ là gì. Mẹ bảo: là những cô gái chết tức tưởi, không được hoá kiếp, lâu rồi thành tinh, Hồ ly đấy.

Mấy bà bán chè xanh bên đường bảo: đừng có bơi sang đảo nhé. Trường Sinh Từ, có đứa chết rồi đấy. Xác mang về không còn cu (!)

Quê hương thứ hai của anh, những  người chết vì buồn như thế, người ta gọi là “gieo mình”. Người ta lập đền thờ.

Còn người con gái chết tức tưởi mà không được hoá kiếp, thì không.

Họ không chết. Họ sẽ thành Hồ ly tinh. Chẳng ai lập đền thờ.

Bây giờ anh không sợ nữa.Thậm chí có thể rất hay, một ngày nào đó gặp … hồ ly tinh.

NGẨU HỨNG SÔNG HỒNG

dục tang, cốc cách, cốc cách

bồng bềnh, bồng bềnh, bồng…

Tôi ôm con sáo bé bỏng của tôi

lang thang theo cha dọc bờ sông trắng xóa

một ngày mùa thu đưa cha qua sông

một ngày dòng sông đầy gió, đầy gió

ĐK: Gió, con sáo sang sông bạt gió

con sít thương ai, lội sông, lội sông tìm ai

chị Hai thương ai ra đứng đầu đình

chị Hai nghèo, chị Hai buồn

chị Hai điên, chị Hai khóc

chàng Trương Chi đi đâu

bỏ lại dạ sầu cho em

bỏ lại dòng sông đầy gió …

ĐK : Gió, con sáo sang sông bạt gió

con sít thương ai, lội sông, lội sông tìm ai

(thương ai con sáo thương ai)

Yêu nhau quấn quýt lá trầu cau

yêu nhau hóa đá, đá chờ nhau

thương cả nhịp cầu, cầu qua sông

thương cả mối sầu, sầu thương em

Thương cha, con sáo thủy chung của mẹ

thương anh,con sáo đứt ruột chờ mong của mẹ

thương con, mẹ đưa qua sông

Hồng Hà mùa thu

Hà Nội mùa thu

một ngày mùa thu đầy gió…

ĐK : Gió, con sáo sang sông bạt gió

con sít thương ai, lội sông, lội sông tìm ai

con sáo sang sông, con sáo sổ lồng bay xa

sáo ơi, sáo bay xa

bay đi, bay mãi … xa…

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét