Ai trông thấy những tia nắng đầu tiên tại Tiger Hill sẽ có được sự may mắn
- Ảnh: Tuấn Lion
LOÀI HOA BIẾN SẮC
Dương Thu
Hương
Tôi khóa cửa cẩn thận, móc
thêm mấy cái móc sắt và thả những tấm rèm xuống. Xong xuôi, tôi mở sắc lấy ra
thỏi son Nữ hoàng E-li-da-bét. Ống son mạ vàng in hình đầu một người đàn bà đẹp
mê hồn.
Tôi đặt thỏi son lên môi, hồi
hộp và náo nức. Trong tấm gương, một khuôn mặt ai lạ nhìn tôi: Đôi mắt, đường
cong, lông mày, món tóc lưa thưa sau cơn sốt phủ xuống trán, làn da tái xanh với
những chấm tàn nhang lờ mờ hai bên má. Những thứ đó chẳng ăn nhập gì với cặp
môi tô son nhem nhuốc. Đôi mắt trong gương nhìn tôi với vẻ lạ lùng. Và một đôi mắt
khác, một đôi mắt vô hình nhìn tôi với cái nhìn nóng bỏng.
Tôi đặt thỏi son xuống. Cơn
gió đi qua thổi lật những trang sách trên bàn. Đó là cuốn "Làm đẹp",
một cuốn sách dày ngót sáu trăm trang mà tôi mới tìm mua được ngày Chủ Nhật trước.
Những dòng chữ in nghiêng nổi lên:
"Trang điểm xong, bạn
hãy ngồi trước quạt dăm phút cho khô kem rồi hãy sang phòng chọn áo. Mùa hè nên
chọn hàng mỏng, thứ bóng hay mờ tùy theo người gầy hay béo. Màu thanh niên,
hoàng yến, lòng tôm lợt hay màu hoa cà là những màu thường được ưa
dùng..."
Những người đàn bà ở đây mới
sung sướng làm sao? Một sự thèm muốn xâm chiếm lòng tôi, từ từ và đau rát như một
dòng chì lỏng tưới vào.
Sau những năm tháng ở rừng,
cuộc sống ở nơi đây làm tôi choáng váng. Phố phường, nhà cửa, lầu gác, hàng
hóa, ánh đèn chất ngất, tiếng ồn ào vô tận như dòng suối chảy trên bờ phố, nhịp
điệu của tiếng đàn ghi ta trong những tiệm cà phê thắp đèn hồng... Nhưng điều
lôi cuốn hơn cả vẫn là những người đàn bà ở đây. Họ mở ra trước mắt tôi một thế
giới của cuộc sống phồn hoa, một thế giới chúng tôi chưa từng thấy, chưa từng
nghĩ đến, một thế giới choáng lộn màu sắc và ngào ngạt hương thơm của các mỹ phẩm.
Mỗi người đàn bà ở đây có hàng tá áo dài, áo len đủ màu và đủ kiểu. Những hộp nữ
trang đồ sộ, các loại phấn son, các thứ chì kẻ mắt... Chỉ những đồ dùng vặt
vãnh của họ cũng đủ làm cho tôi mê mẩn.
Tuổi thanh xuân đi qua trên
những cánh rừng ngút ngàn của giải Trường Sơn. Những năm ấy làn da đã trôi mất
màu hồng tươi thắm vì sốt rét. Mái tóc óng ả đã trút dần trên những con suối độc
ngấm đầy lá lim. Bàn tay quen với choòng cuốc gần chai cứng. Và chúng tôi trở về
thành phố với chiếc ba lô sau lưng, tấm khăn dù quấn quanh cổ và với vẻ vụng về
ngơ ngác của những người quen ở miệt núi non. Đoàn quân chiến thắng đổ về các
thành phố. Chúng tôi đã sống những ngày đầy tự hào, những ngày vui sướng đến
ngây ngất. Nhưng rồi sau đó chỉ những người con trai vô tư là giữ được trọn vẹn
niềm hân hoan đó. Tôi thì có khác, bên hạnh phúc của người chiến thắng, tôi còn
có những nỗi xao xuyến khác, một thứ tâm sự rất đàn bà. Tôi thường nhìn những
người con gái đi qua mặt mình, những người con gái được trang điểm lộng lẫy, áo
quần sang trọng, dáng điệu đài các. Họ đi đến đâu, không gian sực nức mùi nước
hoa quyến rũ. Rồi tôi cũng lại tự ngắm mình trong gương, trong các tấm kính cửa,
và tôi thấy một cô gái đen đủi, ăn vận xoàng xĩnh. Có một cảm giác gần như ghen
tị, và bên dưới sự ghen tị đó là một nỗi tủi buồn mờ nhạt, không rõ nét nhưng
dai dẳng xâm chiếm tâm hồn. Mỗi khi có người đàn bà nào đó đi qua không thèm
ngoái lại, ném sang một cái nhìn chế diễu hoặc khinh mạn, lòng tôi cộm lên và nỗi
uất ức làm nóng ran đầu óc...
Tôi nhìn vào tấm gương. Một
khuôn mặt khác vẫn còn trong đó, với đôi môi đỏ chót.
Gian phòng thênh thang vắng
lặng. Trên bàn chiếc máy ghi âm đang phát ra một đoạn nhạc không lời, một giai
điệu nhợt nhạt buồn bã nhưng tiếng đệm của bộ gõ lại quá chát chúa và rậm rịch.
Đoạn nhạc kéo dài, rồi nó chợt tắt đi và tiếng đọc thơ vang lên, một giọng nam
trầm ấm áp:
Cùng
mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai
đứa ở hai đầu xa thẳm...
Bài thơ thân thiết, như một
cơn gió đột ngột ùa đến, nó tràn đầy trong tôi, xóa sạch những nỗi buồn bực,
day dứt.
Tôi nhắm mắt lại, không còn
nhìn thấy khuôn mặt ngơ ngác có cặp môi tô son, không còn nhìn thấy bóng dáng
những người đàn bà thành phố, không còn cái đầu mê hồn của nữ hoàng Ê-li-da-bet
mạ vàng. Không còn những ao ước, những khát khao mới lạ... Những cánh rừng rung
lá trên đầu tôi.
Những cánh rừng xanh rì, dây
leo nở đầy hoa, những tán cây xum xuê như chiếc dù thần bí. Trảng cỏ non bốc
lên làn khói màu lam... Rồi đường 20, con đường lầy như cháo đổ, những con ngầm
nước réo. Đèo Phu-la-nhic trong sương. Làn khói vòng vèo trên mái nứa binh trạm.
Tôi cùng đồng đội đứng làm cọc tiêu trong mưa. Trận bom bên kia đèo. Trong cái
hang Cóc Chúa sặc sụa khói, chúng tôi ngồi gác chân bên đống than hồng, vắt mái
tóc ướt sũng nước mưa và gào lên những câu hát tinh nghịch:
Hết
xuân rồi, anh có lấy em không?...
Những ngày gian truân và vui
sướng.
Tôi chìm sâu trong những hồi
ức chiến tranh, lòng mát mẻ êm dịu và thấm đẫm những giọt sương mai, những giọt
sương của một cánh rừng tiền duyên, chúng nối nhau rơi xuống từ những chiếc lá
hình thoi, màu xanh sáng. Trên chót những vòm lá một chùm hoa tím đung đưa.Những
giọt sương rơi lộp độp, tiếng vang động như tiếng nứt của những quả thông
khô...
Ai gõ cửa rất lâu và dồn dập.
Tôi sực tỉnh. Việc đầu tiên là lấy khăn ướt lau cho sạch son trên môi rồi chạy
ra mở khóa. Chiếc chìa khóa vừa xoay một vòng thì hai cánh cửa đã bật tung ra
và Khánh đứng trước mặt tôi với nụ cười hết cỡ:
- Nhóc con, ngủ hay sao mà
lâu thế?
Tôi chưa kịp trả lời thì anh
ta đã mắng té tát luôn:
- Coi chừng đó, về thành phố
là đâm lười ra, chưa tối đã lên giường ngủ.
Tôi cười chống đỡ và vội
vàng đứng tựa lưng vào chiếc bàn trang điểm để che đi hộp son còn nằm lăn lóc.
Nhưng Khánh không để ý đến điều đó, anh giục tôi:
- Chải đầu rồi đi ăn cơm với
anh.
- Em ăn cơm chiều rồi.
- Đi chơi, ăn bánh trái là
chủ yếu chứ ai bắt ăn cơm. Con gái ở rừng về có khác, ngốc thật.
Tôi ngại ngùng:
- Thôi để khi khác.
Khánh nhìn quanh phòng, anh
cười trìu mến:
- Này, đây có phải cái đền
đâu mà em làm ông từ coi bàn thờ Phật.
Khánh cùng cơ quan với tôi
nhưng ở khác bộ phận. Tôi được vào làm phóng viên báo là do anh. Hồi trước tôi ở
C bảy. Trong một đợt đi công tác dọc đường 20 Khánh đã đến đơn vị tôi. Anh đọc
báo liếp chi đoàn rồi cứ nằng nặc đòi tôi cho xem nhật ký. Anh đi được nửa
tháng thì có lệnh gọi tôi lên ban chỉ huy. Ở đó người làm thủ tục chuyển tôi
sang tòa báo và chỉ nói một câu cụt ngủn:
- Đồng chí sang bên đó hợp với
khả năng hơn.
Đeo ba lô đến cơ quan mới,
tôi vẫn cứ tấm tức không hiểu vì sao có người lại cho tôi ra đi một cách vội
vàng đến thế. Tụi bạn gái khóc sướt mướt, chúng dúi vào ba lô tôi từ chiếc khăn
mùi xoa, cây kim móc đến mấy sợi chỉ thêu và chiếc hộp đựng xà phòng gõ bằng ống
pháo sáng. Đến nơi mới thấy Khánh đứng cười ha hả, tay cầm phong lương khô đem
làm quà cho nữ phóng viên mới. Khánh đã có vợ con và hơn tôi bảy tuổi. Anh đối
với tôi và những người bạn đồng nghiệp khác có cái săn sóc của người gia trưởng.
Trong con mắt anh, tôi là một con bé tỉnh lẻ, lớn xác mà ngốc nghếch, vì thế
anh hay để ý chăm chút hơn.
Tôi chải tóc và lấy chiếc
túi nhựa bỏ vài thứ lặt vặt vào. Khánh đã khởi động chiếc honda ngoài sân. Tiếng
máy nổ lục bục, tắt nghẹn rồi lại ròn rã.
- Nào, ngồi lên, ôm cho chắc
kẻo ngã vỡ đầu đấy.
Khánh ra lệnh, anh chờ tôi
ngồi yên rồi mới dận ga. Chiếc xe lao đi. Đường phố buổi tối rất đông. Tuy bớt
đi vẻ ồn ào nóng bức ban ngày nhưng lại thêm cái chói chang, lấp lóe của bao
nhiêu thứ điện. Mùi mồ hôi, mùi gió mặn, mùi nước hoa, mùi rác rưởi, vỏ cây lá
bánh ngoài cửa chợ và mùi xào nấu trong các tiệm ăn bốc lên.
Khánh đưa tôi đến một tiệm
ăn Hoa Kiều. Một thanh niên chờ sẵn ở đó, chạy ra nắm lấy tay Khánh tươi cười.
- Sao lâu vậy, làm mình chờ
hoài.
Anh ta quay sang tôi:
- Chào chị.
Tôi gật đầu chào lại. Khánh
giới thiệu:
- Đây là cô Sửu, em út trong
cơ quan tôi. Còn đây là anh Hoàn, vừa là anh con bác, vừa là bạn của anh.
Tôi cười, Hoàn nhã nhặn chìa
tay ra dáng điệu lịch thiệp và duyên dáng. Anh bận áo ny lông cát trắng và chiếc
quần vải mềm màu xám nhẹ. Hoàn có nụ cười tươi, môi mỏng và hồng, nó làm người
ta quên đi nước da nhợt rất khó ngó với khuôn mặt quá dài, nhất là chiếc cằm giống
hệt một chiếc bánh mì chưa nướng.
Hoàn là anh con chú bác ruột
với Khánh, nhưng hai người ngoài mối quan hệ ruột thịt còn gắn bó với nhau bằng
tình bạn hữu. Cả hai cùng ở phố Trần Xuân Soạn Hà Nội. Năm 54 họ còn là những
chú bé tám tuổi sáng sáng xin mẹ hai trăm rưởi ra ngõ I Hàm Long ăn phở Tầu, đến
trường chia nhau từng quả táo dầm muối ớt. Sau đó gia đình Hoàn di cư. Hai người
đứng trong xó tối buồng tắm khóc thút thít. Khánh đã dốc vào túi tất cả số tiền
anh lấy trộm được của mẹ với một gói ô mai. Ngày ấy cách đây đã hai mươi năm rồi...
Cả hai người đã lớn và khác
xưa. Nhưng Hoàn vẫn nhớ Khánh rất thích ăn phở Tàu và tối nay anh đã đặt cơm tại
đây, một tiệm ăn Hoa Kiều nổi tiếng.
Trên chiếc bàn gỗ mun cổ lỗ
trải khăn trắng, món ăn, đồ nhắm, bia rượu và nước ngọt bày la liệt. Chúng tôi
ngồi vào bàn. Nhưng bữa ăn vẫn chưa bắt đầu vì còn phải chờ một vị khách nữa,
theo như Hoàn giới thiệu thì đó là bồ của anh.
Tôi dựa lưng vào tường, lơ
đãng nhìn những cánh quạt đang xoay tít trên trần nhà. Những người bồi mặc áo
trắng đi lại, mấy tấm gương đục ố nước thủy tinh bầu dục phản chiếu bóng người
và xe cộ ngoài đường phố. Các bàn ăn chặt ních, có những người hình như đã ngồi
đó từ sáng đến giờ và còn có thể ngồi đó cho đến nửa đêm. Một cặp trai gái cắm
chiếc nĩa lên lưng một con gà quay và cứ ngồi chuyện rì rầm mãi. Ở đây người ta
sẵn thì giờ thật. Thì giờ ở những tiệm ăn, tiệm giải khát, những phòng uốn tóc
và những mỹ viện, những chiếc ghế xích đu và những đi văng. Không hiểu vì sao
tôi lại theo đuổi những ý nghĩ tản mạn và thấy buồn. Cái âm hưởng của những câu
thơ quen thuộc vẫn còn ngân nga trong tôi. Nó ngân lên những âm thanh trong suốt,
âm thanh của những ngọn suối trên non cao.
Hoàn bỗng đứng dậy và phác một
cử chỉ như vẫy gọi. Ngoài cửa, một cô gái đang lách giữa đám khách ăn chật ních
tìm lối đi vào. Hoàn ra hiệu cho cô ta lần thứ hai. Cô gái nhận ra anh và cười.
Phải chăng cô chính là người chúng tôi chờ đợi?...
Cô gái chừng mười chín, hai
mươi tuổi. Nhưng mặc dù cô gái còn rất trẻ, tôi không thấy cô có dáng dấp của một
cô gái mà lại có vẻ từng trải của một người đàn bà sớm biết lo toan. Người cô gầy,
dáng mảnh dẻ, cô bận chiếc áo dài hở cổ màu ca ra men in hoa chuỗi, quần bằng
thứ sa tanh mỏng, nổi lấm tấm những hạt dâu bóng. Cô xách chiếc xắc giả da cá sấu,
khóa mạ vàng hình tròn, kiểu rất lạ.
Hoàn đứng dậy giới thiệu.
Chúng tôi chào nhau rồi cô gái kéo ghế ngồi xuống, ngay cạnh tôi. Vạt áo dài cô
rơi xuống chạm vào chân tôi mát lạnh, êm ái đến nỗi ta hình dung ra ngay sự mịn
màng của chất lụa. Cái cảm giác ấy lại gợi cho tôi sự thèm muốn đã bị dập tắt.
Từ áo quần cô gái tỏa ra mùi nước hoa mát mẻ, mùi nước hoa kêu gọi người ta đến
gần.
Hoàn đứng dậy nói vài lời
trước bữa ăn. Tôi nhân dịp đó mà ngắm nghía cô gái. Cô không đẹp nhưng cũng dễ
coi. Nét mặt đều đặn, cặp môi tròn và chiếc mũi thanh. Còn đôi mắt đờ đẫn và cặp
lông mày tỉa nhỏ trông có phần tẻ nhạt. Cô dùng phấn son khá hợp màu da, mắt kẻ
chì nâu và chải lông mi bằng thứ gôm tốt. Sự trang điểm đã tôn nhan sắc của cô
lên khá nhiều nếu không cô cũng chỉ có một khuôn mặt như bất cứ khuôn mặt của một
cô gái nào mà ta có thể gặp ngoài đường. Bàn tay cô nhỏ, mềm mại, đeo nhẫn bạch
kim có gắn những mảnh đá li ti. Mỗi khi giơ tay kéo áo hoặc vén mớ tóc lòa xòa
trước trán, những mảnh đá phản chiếu ánh đèn sáng óng ánh khiến cô giống một
nàng công chúa trong màn cải lương.
Bằng sự tò mò đặc biệt của
đàn bà với đàn bà, tôi nhận ra là sau mấy phút dè dặt ban đầu cô ăn uống rất
ngon lành, thậm chí còn hơn thế nữa. Rượu uống cạn từng chén đầy, mặt không hề
biến sắc. Tôi đã từng gặp những bà nạ giòng có thể uống hết hàng lít rượu,
nhưng chưa hề gặp người con gái nào ung dung uống hết cốc rượu này đến cốc khác
tựa hồ ta uống nước lạnh trong mùa hè. Kinh ngạc, tôi ngồi im thầm lén theo
dõi. Bên kia bàn, Khánh và Hoàn đang sôi nổi chuyện trò. Câu chuyện đã chuyển
qua vấn đề màu sắc trang phục. Tôi thấy Hoàn đặt tay lên bàn ngắm nghía, hai
bàn tay anh ta trắng như tờ giấy, và nhướng cao đôi mày lên:
- Không hiểu vì sao mà mấy
anh mấy chị ngoài Bắc vô ưng màu blơ marin và màu boócđô thế. Đi đâu cứ gặp người
mua len, mua áo hai màu đó là biết liền.
Cô gái góp chuyện:
- Hai màu đó quê quá hà!
Rồi lại cúi xuống đĩa thịt vằm
bọc tôm chiên.
Khánh cười, anh ngẩng cao
mái đầu chớm bạc: - Vì chúng tôi ở rừng lâu quá mà. Ở rừng lâu quá hóa mê rừng.
Màu blơ marin gợi nhớ núi non.
Hàm răng Khánh ngời lên dưới
ánh điện đều đặn và trẻ trung. Biết mình lỡ lời, Hoàn khéo léo lái câu chuyện
sang hướng khác:
- Anh có biết ai ngày xưa
hay mặc màu đó không? - Vân tóc đuôi mèo.
Cả hai cùng cười và cùng lắng
lại. Đôi mắt Hoàn trở nên xa xăm. Anh nói.
- Vân xinh thật. Hồi đó
chúng mình còn nhỏ xíu mà tôi vẫn nhớ như ngày hôm qua. Vân có đôi mắt nhung,
miệng cười rất tươi có một chiếc răng khểnh. Vân hay mặc áo len màu blơ marin
cài hoa trắng và tóc thắt một chiếc nơ đỏ rất to... Anh có nhớ chúng mình đã chặn
đường cướp của cô ấy mấy quả nhót không?... Ngay trước ngõ Hàm Long ấy mà.
- Tôi vẫn nhớ.
Khánh trả lời thong thả.
- Ngày ấy đúng là tôi yêu
Vân. Mê thì đúng hơn. Buổi học nào vắng cô ấy là mình không ngồi yên được. Đúng
là tình yêu thời con trẻ nó không bao giờ thành công và cũng không bao giờ chấm
dứt.
- Anh vẫn còn yêu Vân chứ?
Khánh hỏi và cười, đuôi mắt
anh nheo lại diễu cợt.
Hoàn cũng cười, anh lấy kính
xuống lau và trầm ngâm:
- Không. Cũng không phải là
không mà cũng không hẳn là có. Anh biết đấy, chúng ta đã trưởng thành. Tôi có
nhiều người đàn bà, nhiều cô gái, tôi kiếm họ chẳng khó khăn gì, nhưng chưa ai
làm tôi phải hồi hộp như Vân ngày ấy.
Anh ta mơ màng một giây rồi
hỏi Khánh, giọng thấp xuống:
- Vân còn không anh?
- Còn, chị ấy bây giờ là phó
tiến sĩ hóa học, vẫn ở ngõ Huyện thôi.
- Cô ấy có chồng chưa?
Hoàn hỏi tiếp, hấp tấp nâng
cặp kính, chăm chú vào miệng Khánh.
- Chị ấy hai cháu rồi.
- Thế à.
Hoàn bật ra một tiếng thở
dài, anh co cẳng chân dưới gầm bàn lại, nhún vai:
- Ai cũng yên bề gia thất rồi,
chỉ còn mình là chưa nên tấm nên đẫn gì cả.
- Sao cơ?
Khánh giả bộ hỏi lại, anh cười
rất to và lúc sau, anh liếc nhìn cô gái một cách trêu cợt, vui vẻ nói:
- Thì anh cũng sắp nên tấm
nên đẫn rồi, có gì mà phải than thở.
Tôi cũng cười hưởng ứng và
nhìn cả hai người. Nhưng trước thái độ của chúng tôi, Hoàn không nói gì cả.
Đang bần thần nghĩ ngợi anh ta bỗng "hả".... một tiếng.
Rồi lại im lặng suy nghĩ điều
gì đó, nét mặt dửng dưng, hoàn toàn không chú ý gì đến chuyện của chúng tôi.
Tôi và Khánh sững sờ. Chúng tôi nhìn nhau, và nhìn cô gái. Ở địa vị của cô, có
lẽ tôi phải thăng thiên hay độn thổ vì ngượng ngùng. Nhưng trái với mọi sự lo
ngại, cô vẫn điềm nhiên lấy nĩa chọc vào một miếng bánh bơ.
Bây giờ thì chính thái độ của
cô lại làm chúng tôi kinh ngạc.
Tôi nhìn Khánh dò hỏi. Nhưng
anh lắc đầu. Anh cũng không hiểu biết gì hơn tôi. Sự im lặng kéo dài một lúc
lâu, Hoàn mới sực nhớ ra bữa tiệc đã xong, đến phần ăn đồ ngọt và uống nước.
Anh đứng dậy kêu người bồi dọn bàn và châm trà. Ngồi xuống, Hoàn đưa tay lên
túi lấy thuốc theo thói quen. Thuốc đã hết. Anh rút tờ giấy bạc một ngàn và bảo
cô gái:
- Mỹ Dung mua hộ anh bao thuốc,
chịu khó nghe cưng.
Cô gái đứng dậy đi ra. Chờ
cho cô đi khuất Khánh mới trách Hoàn:
- Tại sao anh lại có thái độ
như vậy?
- Tôi làm sao cơ chứ?
Hoàn hỏi lại, cặp lông mày
nhướng lên theo thói quen. Khánh nhắc lại câu nói đùa ban nãy và thái độ hờ hững
của Hoàn, nhất là khi cô gái ngồi ngay đó.
- À, xin lỗi, xin lỗi... Hoàn
cười ngất và gật đầu lia lịa:
- Tôi hiểu rồi, hiểu rồi,
nhưng các bạn đã phải để tôi nói cho hết đã. Mỹ Dung là bồ của tôi, nhưng tôi
không có ý định cưới cô làm vợ. Trước tôi, cô ấy cặp bồ với người khác. Tôi
cũng vậy. Mỗi tháng tôi chi cho Mỹ Dung hai mươi ngàn, cô ấy chỉ đòi hỏi tôi có
vậy thôi. Ngoài ra không cần gì hơn nữa. Tôi không muốn Dung ràng buộc gì với
tôi. Cả hai chúng tôi đều tự do...
Ngừng lại một chút Hoàn tiếp:
- Mỹ Dung làm bồ cho tôi là
trúng số. Dẫu sao tôi cũng biết điều và rộng rãi. Còn nếu đi dạy học thì cùng lắm
cỡ giáo viên tiểu học như cô ấy một tháng chỉ được tám chín ngàn là hết sức.
Ông bà già cô ấy nghèo, không buôn bán chi hết. Tôi bao Mỹ Dung mới được gần một
năm nay, so với những người trước cặp bồ với Dung tôi bận bịu nhiều công việc,
nên mỗi tháng cô ấy chỉ mất với tôi trên dưới một tuần thôi. Các bạn cứ hỏi mà
xem, cô ấy nói cặp bồ với tôi là dễ chịu nhất ...
Hoàn ngừng lại. Và để minh họa
cho cái quan hệ sòng phẳng giữa hai người, anh ta rút ra một xấp giấy bạc đã đếm
sẵn, được chằng lại bằng một sợi dây nịt. Chiếc ví của cô gái vẫn để trên bàn,
Hoàn kéo lại, mở khóa để xếp tiền vào trong. Nhưng đúng lúc anh ta xách ngược
chiếc ví đã mở nắp thì cô gái bước vào, cùng lúc đó mấy đồng tiền xu lăn ra
cùng với một vật gì đó.
Cô gái kêu một tiếng rồi đứng
sững. Mặt cô như tái đi dưới làn phấn mỏng. Tôi cúi xuống nhặt mấy đồng xu. Cô
gái hấp tấp xô mấy chiếc ghế sang một bên để lượm gói đồ đã nằm giữa lối đi
sáng trưng ánh điện. Trong lúc luống cuống, cô đã làm tuột lần giấy bọc ngoài,
một vật rơi ra. Đó là một mẩu bánh mì nhỏ vẫn bán trong những quầy bánh ven đường.
Cô gái cuộn tờ giấy bọc một cách vội vã và giấu giếm. Tôi biết cô đang run vì mặt
đá chiếc nhẫn bạch kim cứ lóng lánh rất bất thường. Mái tóc cô rũ xuống bên
vai, hở ra một khoảng gáy rất sâu, màu xanh tái.
Tôi kéo cô ngồi xuống. Khánh
im lặng. Hoàn cũng lặng thinh, nhưng anh ta có vẻ ý tứ hơn khi xếp tiền vào
trong ví cho Mỹ Dung. Xung quanh người qua lại, ăn uống vẫn nhộn nhịp, không ai
hay biết tấn kịch vừa xảy ra. Chỉ riêng chúng tôi là chứng kiến nỗi ê chề của
cô gái. Cô ngồi bên tôi, thỉnh thoảng lại giơ tay vén tóc. Nhưng cử chỉ của cô
không còn vẻ duyên dáng, đàng hoàng nữa, nó có gì tội nghiệp. Tôi xóc một miếng
bánh bơ đưa cho cô. Cô khẽ cúi đầu:
- Cám ơn chị.
Từ lúc đó về sau tôi không
nhìn ai nữa. Tôi không nỡ nhìn thẳng vào mặt cô gái. Tôi cũng không muốn nhìn
Hoàn, điều đó lúc này rất khó chịu. Tôi cứ ngửa cổ nhìn lên bức tường quét vôi
vàng, qua những làn khói thuốc dày đặc, tôi thấy bóng những chiếc cánh quạt in
lên những vệt đen dài, gẫy khúc. Một cảm giác nóng ran lan trên mặt tôi. Tôi nhận
ra mình đang ngượng ngùng. Không phải riêng biệt nỗi ngượng ngùng của cô gái bị
mất thể diện, mà là nỗi ngượng chung, thay vì cho cả hai người đó, hai kẻ gọi
là bồ của nhau.
Bên kia bàn Khánh và Hoàn vẫn
đang chuyện trò. Hình như họ nói đến những kiểu áo dài cách tân ở miền Nam, về
thời trang của thế giới. Hai người đàn ông trao đổi những nhận xét về một thiếu
phụ đẹp lộng lẫy đi qua. Rồi họ tiếp tục uống trà và hẹn gặp nhau vào một ngày
trong tuần.
Khi chia tay, cô gái vội
vàng chào tôi rồi đứng nép vào một bên cửa chờ Hoàn, đôi mi tô chì cụp xuống.
Hoàn ôm lấy Khánh cao giọng:
- Tuần sau nhé.
Họ nói với nhau một tràng tiếng
Pháp. Rồi Hoàn nhã nhặn chìa tay cho tôi, miệng nở nụ cười tươi tắn. Nhưng với
tôi lúc đó, nụ cười của anh đã nhạt nhẽo và cái cằm dài thượt ra trông thật vô
duyên. Tôi lặng lẽ đáp lễ và quay đi.
Khánh đưa tôi về nhà. Chiếc
xe honda lách giữa dòng người hai chiều đông nghịt. Thành phố càng về đêm càng
đông hơn, tiếng động làm nhức óc và mệt mỏi. Tôi bảo Khánh rẽ sang đường bờ
sông cho mát mẻ. Anh đồng tình ngay. Chúng tôi đi dọc sông Hàn và trở về đường
Lê Thánh Tôn vào lúc chín giờ tối. Khánh đưa tôi vào cửa rồi về ngay, anh còn
có bài phải sửa cho số báo sắp tới.
Còn mình tôi ngồi với cái
bóng của mình. Căn phòng vắng. Không làm sao mà ngủ được. Chiếc quạt vẫn xoay,
gió vẫn thổi những trang sách bay bay loạt soạt và hộp son vẫn nằm lăn lóc trên
bàn. Chiếc đầu nữ hoàng E-li-da-bet trông như một hạt ngô bóng loáng.
Tôi nhìn ra ngoài: thành phố
chất ngất ánh đèn, có một cái gì tự tan vỡ ra nơi đó. Một lớp giấy trên chiếc rọ
làm hình nhân bị xé rách. Một lớp váng dầu ngũ sắc bị khuấy tan trên mặt nước
tù.
Và trong tôi, một tình yêu,
một niềm kiêu hãnh lớn lên, vững vàng, cứng cáp, với một sức mạnh khôn cùng.
Ngoài sân, những cây trứng
cá đang lắc lư chùm lá. Những bóng lá chợt sáng chợt tối giao nhau in lên ô cửa
kính giống như những bộ mặt đổi hình. Hiện tại, quá khứ. Quá khứ, hiện tại...
cuộc sống ùa đến tôi trong cùng một lúc. Xa kia là một con đường thăm thẳm, một
con đường đầy bóng xanh che phủ. Có người con gái nào đang đi đến với tôi và
hát.
Người con gái ấy là tôi.
Tháng
sáu 1975
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét