Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

THỔ CẨM

 

THỔ CẨM

Nguyễn Huy Thiệp


Bản Hoan có mười bảy ngôi nhà sàn đều làm theo lối cổ của người Mông. Cả bản, nhà nào cũng có khung dệt thổ cẩm. Thổ cẩm ở đây dùng để máy váy áo, may chăn đệm, cũng là để mang bán ở chợ Bờ và chợ thị xã.

Mất bao nhiêu lâu để dệt được tấm thổ cẩm như ý? Không biết được! Các cô gái Mường đã mát rất nhiều thời giờ để làm việc ấy! Ngoài việc làm nương, làm việc trong nhà, hễ rỗi rãi là họ lại ngồi ngay vào khung dệt.

Hồi ấy tôi vừa tròn hai nhăm tuổi, là một bác sĩ mới ra trường. Tôi mạnh khoẻ, vạm vỡ và trong tôi chắc chắn có nhiều hăm hở cũng như dục vọng. Tôi thích đọc những tiểu thuyết ái tình, thích sưu tầm những bức ảnh người mẫu cắt ra từ các tạp chí, thích những câu danh ngôn kiểu "Hoặc anh là đe, hoặc anh là búa" hay "Ái tình là một bạo chúa không nương tay cho ai cả". Bấy giờ tôi khá nông nổi, phù phiếm hiếu danh và rất ngông cuồng. Tôi giống với nhiều "cậu ấm" thành phố thuộc các gia đình trung lưu vẫn sống nhan nhản ở các khu tập thể.

Bấy giờ tôi được đưa về Sở y tế tỉnh... và tôi cùng một số người nữa trong khi chờ đợi sắp xếp công việc thì được cử đi khảo sát về tình hình sức khoẻ dân chúng và vệ sinh dịch bệnh ở các địa phương. Gần một tháng ròng, chúng tôi loanh quanh ở các bản của người Mường, vùng tả ngạn sông X. Từ trước đến giờ ở thành phố ở thành phố, sống trong các "chuồng chim" và "chuồng cọp" của nhà tập thể, đây là lần đầu tôi được "sổ lồng". Tôi ngờ ngợ nhận ra vẻ đẹp của tự nhiên hoang dã, vừa thích thú, vừa sợ hãi trước vẻ đẹp ấy. Trong khi khám bệnh cho người miền núi, tôi ngạc nhiên nhận thấy họ gần như chẳng có bệnh tật gì, thậm chí cả ở những người cao tuổi cũng vậy. Ở độ tuổi từ 50 trở ra, nếu là người dân thành phố vẫn sống trong các khu tập thể như bố mẹ tôi thì chắc chắn mỗi người mang một ổ bệnh, mỗi năm họ đều phải nhét vào bụng mình hàng vốc thuốc đủ loại. Thần kinh luôn căng thẳng, họ rất dễ xúc động hoặc dao động, tình trạng nhàn rỗi làm cho các cơ bắp nhão ra, máu chảy chậm lại, ánh nhìn của họ trỏ nên lờ đờ hoặc vô hồn. Ở những người "dân tộc", lao động và sự điều chỉnh tự nhiên khiến họ có được tình trạng sức khoẻ tương đối thăng bằng. Đa số những người mà tôi khám bệnh, tôi nhận thấy tình trạng thần kinh của họ gần như "tuyệt hảo", họ không nghĩ ngợi, không lý sự phân tích, họ chẳng cần đến triết học và logic làm gì. Ngoài một số bệnh thông thường do vệ sinh kém và do thiếu ăn, trên thực tế tôi nhận thấy họ sống lành mạnh, lương thiện hơn người thành phố.

Cuối chuyến đi, chúng tôi tới bản Hoan và nghỉ đêm ở đó. Tôi và một bác sĩ trong đoàn được đưa đến nghỉ ở nhà bà Lanh, một bà Mế người Mường. Tôi nhớ hôm ấy trăng rất sáng, ánh trăng rực rỡ, huyền ảo đẹp lạ lùng. Trưởng bản dẫn chúng tôi leo lên nhà sàn, giới thiệu chúng tôi với bà mế, nói rằng chúng tôi sẽ nghỉ nhờ đêm ở đó để sáng mai đi tiếp sang bản khác.

Tôi và người bạn cùng đi được xếp ngủ ở gần cửa sổ. Vừa ngả mình xuống đệm, lập tức anh bạn ngủ ngay. Trăng rất sáng, ánh trăng hắt qua khung cửa sổ tựa như dát vàng trên tấm chăn dệt thổ cẩm. Tôi lay anh bạn để nói cho anh ta hay về vẻ đẹp của ánh trăng nhưng anh khó chịu càu nhàu: "Thôi đi bố, đã từ rất lâu tôi biết trên đời không có cái gì đẹp cả ngoài tiền". Nói xong, anh ta lại tiếp tục ngủ vui, cho dù ngoài trời có sáng trăng hay mưa giông cũng vậy cả.

Tôi nằm thao thức ngắm trăng, bỗng nhiên ngờ ngợ nhận ra giá trị sự sống. Sự sống chính là ân sủng mà Thượng đế tối cao ban cho con người. ta được sống, được hít thở, được đi lại, làm việc, yêu đương... có gì tuyệt vời hơn thế? Bởi lẽ gì, vì lẽ gì mà mà con người thù hận, dối lừa, xâu xé, huỷ hoại nó đi? Con dế mèn ở ngoài vườn kia kia ri rỉ ca hát, nó sung sướng với sự sống nhỏ nhoi mà Thượng đế ban cho. Nó chẳng hề ghen tị với ai. Với nó, trong giây phút này, dưới ánh trăng này, ngọn cỏ và giọt sương đêm, thế là quá đủ để nó cất lên tiếng hát ca ngợi sự sống mà Thượng đế hào hiệp ban cho nó rồi. Nếu có đứt hơi thì cũng chẳng sao! (Ồ, điều ấy có nghĩa lý gì?). Bây giờ nó cứ sống đã, vẫn đang hít thở đây, khi nó vẫn còn đang hừng hực tràn đầy cảm giác ở trong cơ thể - những cảm giác đang rung lên bần bật ở cổ họng nó, ở đôi chân, đôi cánh nó kia!

Tôi nằm một lúc lâu, chợt nghe thấy tiếng lách cách của khung dệt thô cẩm ngoài sàn nhà. Tôi lén trở dậy ra ngoài cửa. Trên sàn gỗ đầu nhà, dưới ánh trăng, một cô gái Mường đang chăm chú dệt tấm vải thổ cẩm với những màu sắc vô cùng đẹp mắt. Tôi lặng người, gần như nghẹt thở vì vẻ đẹp trong trẻo, huyền ảo của hình ảnh ấy. Tôi ấp úng chào cô gái. Cô mỉm cười gật đầu chào tôi. Dưới ánh trăng, khuôn mặt cô thật xinh đẹp, tươi tắn. Tôi lại gần, hỏi cô có biết tiếng Kinh không, nhưng cô mỉm cười lắc đầu. Hỏi gì cô cũng chỉ mỉm cười lắc đầu. Đêm đã khuya, hơi lạnh ngày càng dày đặc thêm, thậm chí còn hơi buốt giá. Ánh trăng như được làm lạnh đi, trở nên trong suốt ngời ngợi. Những bóng thẫm của cây lá, của cảnh vật như đậm đặc hơn, âm thầm sâu sắc và đầy bí ẩn. Tôi đứng lại gần cô gái lảm nhảm nói cho cô biết những cảm giác của tôi trước vẻ đẹp của dãy núi đá trước mặt, của cây cối trong vườn, của cả màu sắc tươi đẹp ở tấm thổ cẩm mà cô đang dệt. Cô gái nghe tôi nói, lặng lẽ mỉm cười, có thể cô không hiểu tiếng nhưng cô hiểu được tâm trạng xúc động phấn khích chân thành của tôi. Ánh mắt và nụ cười của cô đầy sự cảm thông, nó vui vẻ ân cần như muốn xẻ chia tình cảm. Tự dưng tôi thấy mình trở nên cao thượng và lương thiện, cảm giác rõ rệt đến nỗi khiến tôi ngây ngất tưởng như đang bay lên. Bạn trẻ! Nếu có thể thì bạn hãy gắng trở nên cao thượng và lương thiện tức khắc chứ đừng chần chừ do dự! Đấy chính là điều đẹp nhất có thể làm được khi bạn vẫn còn trẻ trung, nó sẽ nâng đỡ cho bạn suốt đời để ta có thể tự tin mà yên tâm sống.

Như vậy, đêm hôm ấy tôi trải qua một tâm trạng hứng khởi tuyệt vời dưới ánh trăng thơ mộng bên cạnh cô gái vừa xa lạ, vừa gần gũi kia. Cho đến khi ánh trăng khuất nơi đầu núi, bắt đầu có tiếng gà rừng gay ran, cô gái mới đứng lên đi nghỉ. Cô bẽn lẽn chào rồi nghiêng người tránh tôi để bước vào nhà. Khi cô bước qua, không hiểu tại sao tôi bỗng trở nên mạnh dạn khác thường, đưa tay ôm lấy bả vai, xoay người cô lại và hôn lên đôi môi của cô. Trong đời, đây là lần đầu tiên tôi hôn một người con gái. Cô gái luống cuống nhưng tiếp nhận cái hôn của tôi rất tự nhiên, cô hơi mỉm cười và nhè vào miệng tôi một miếng đào đang ăn dở, sau đó vội vàng gỡ người lẩn nhanh vào nhà. Vị ngọt ngào của miếng đào khiến tôi chẳng bao giờ quên. Sau này, tất cả những cao lương mỹ vị mà tôi có dịp thưởng thức cũng chẳng thể nào sánh với cảm giác mà tôi có được trong đêm trăng ấy.

Tôi đứng yên một lúc rồi lặng lẽ chui vào giường nằm. Người lạnh toát sương đêm, tôi ôm lấy anh bạn đồng nghiệp một cách thân ái. Anh ta nằm lui ra xa càu nhàu: "Thôi đi bố, ở nhà vợ con đã hành hạ tôi, ra ngoài xã hội cũng không yên, vậy hỏi tôi sống để làm gi?" Nói xong anh lại ngủ vùi, như để quên đi mọi nỗi bất hạnh đè lên số phận mình.

Sớm hôm sau, đoàn trưởng đoàn công tác lôi chúng tôi dậy nhưng tôi cáo ốm. Tôi giả vờ như sốt rất cao. Vốn là bác sĩ, tôi biết cách nói ra triệu chứng của trăm thứ bệnh trên đời. Người ta quyết định để tôi ở lại bản Hoan. Sau ít ngày, hy vọng lúc đó tôi đã hết ốm, đoàn công tác sẽ cử người quay lại để đón tôi đi.

Anh bạn đồng nghiệp đêm qua ngủ cùng với tôi hết sức áy náy. Anh ta xin lỗi vì "cái giấc ngủ chết tiệt" đã khiến anh chẳng biết gì về việc tôi lên cơn sốt suốt đêm hôm qua. Anh nói:

- Hy vọng cậu không bị sốt rét ác tính hay thương hàn (tức là những bệnh dễ lây nhiễm sang người khác). Cuối năm nay tôi sẽ về hưu, tôi đau dạ dày kinh niên, bây giờ nếu nhiễm thêm một bệnh gì nữa thì cuộc sống của tôi vốn chẳng ra gì coi như đi đứt!.

Chúng tôi chia tay nhau. Tôi lập tức chui vào tấm chăn thổ cẩm, vô cùng khoái trá vì đã thực hiện được mưu mẹo của mình dễ dàng như vậy.

Sáng hôm đó, sau một giấc say sưa, khi tỉnh giấc, tôi đã thấy cạnh chỗ nằm có bát xôi ngô để sẵn. Căn nhà vắng tanh chẳng có ai. Tôi ăn sáng, sau đó đi dạo loanh quanh. Có lẽ cả nhà đi làm hết. Tôi đi xuống gần sàn nhà và thấy cô gái đêm qua loay hoay nhuộm sợi và phơi nó lên hàng rào. Đàn ngỗng sư tử đang ăn cỏ gần đó thấy tôi bèn chạy lại kêu ầm ĩ.

Cô gái trông thấy tôi vừa ngạc nhiên vừa thẹn thò, đôi má đỏ lựng như vừa chui ở bếp ra. Cô chẳng biết trở ra sao, cứ luống cuống đứng yên một chỗ, hai tay mân mê vạt áo. Tôi đến gần, bị kích động vì thân hình gợi cảm và làn da trắng ngần nơi cổ và vai cô gái, thế là tôi ôm choàng lấy cô một cách liều lĩnh. Cô gái chống trả lại tôi quyết liệt. Dục vọng trong tôi bùng lên như lửa.. Tôi chiếm đoạt cô một cách tàn bạo, điên cuồng. Những con ngỗng sư tử xông vào tôi kêu la ầm ĩ à mổ lia lịa vào chân, vào đầu nhưng tôi mặc kệ. Chó sủa ran lên. Những tấm vải thổ cẩm rũ tung nhàu nát dính đầy bụi đất. Những miếng sắn khô thái lát trắng xóa vung vãi, tung toé khắp nơi. Cô gái vô cùng kinh hãi, gần như ngất đi.

Rồi cô gập người vùng dậy, ôm váy lẩn ngay vào rừng. Còn tôi, tôi không ý thức được ngay tình cảm của mình. Tôi không hề có cảm giác thoả mãn hay sung sướng chút nào. Tôi hoảng sợ như vừa rơi xuống vực thẳm, như bị mất phương hướng và mọi cảm giác. Một lúc rất lâu tôi mới định thần lại được.

Tôi lên nhà, lúc này lý trí đã trở lại với tôi, tôi vô cùng hoảng sợ vì hành động mà tôi vừa làm cũng như hậu quả tai hại sẽ đến. Tôi quyết định bỏ trốn về Hà Nội. Tôi viết một bức thư để lại cho đoàn công tác, nói dối rất vô liêm sỉ để biện minh cho việc tôi vội vã bỏ đi, sau đó tôi để bức thư lại trên bàn rồi khoác ba lô chuồn thẳng.

Tôi bỏ chạy về phía sông. Qua bến đò, đi bộ hơn chục cây số là tôi sẽ đến được bến ô tô. Tôi chạy theo lối mòn trong rừng, luôn luôn linh cảm như thấy đang có người đuổi theo đằng sau. Tới bãi đá nơi cửa rừng, tôi ngoái đầu nhìn lại. Quả nhiên, thấy cô gái đang vừa chạy vừa vấp ngã, hai tay vươn lên phía tôi như muốn níu lại, như muốn cầu cứu hoặc như muốn giãi bày một điều gì đó. Do không biết tiếng Mường, tôi không biết xử trí ra sao. Cuối cùng, tôi tháo sợi dây chuyền có hình mẹ mà tôi vẫn đeo ở cổ ra để trên một phiến đá bên đường. Tôi ra hiệu cho cô gái biết rồi cắm đầu cắm cổ chạy không ngoái đầu nhìn lại.

Về tới Hà Nội, nhờ một người quen can thiệp với Sở Y tế nên cuối cùng cũng không có ai hỏi han gì tôi.

Sự việc thế là bẵng đi hơn ba mươi năm. Sau lần ấy, tôi chưa bao giờ có dịp quay lai bản Hoan.

Cũng chừng ấy thời gian, chỉ có một hai lần tôi nhớ lại sự việc xảy ra, nhưng không phải để ân hận mà chỉ là để ghi nhớ "sự mất trai tân" trong cuộc đời mình mà thôi. Với bản tính trung thành và nhẫn nhục, từ một công chức nhỏ, sau nhiều năm trời tôi đã trở thành một công chức có cỡ ở Bộ. Trước Tết Nguyên đán năm kia, tôi tham gia vào một đoàn công tác đi khảo sát về chương trình xoá đói giảm nghèo ở vùng nông thôn, vô tình thế nào tôi lại có dịp đi đến bản Hoan.

Lần ấy, khi về huyện Y, người ta báo cho tôi hay ở đây dân chúng đang chặt phá rừng bừa bãi. Họ mới bắt được một tên "lâm tặc" khét tiếng, tên này rất liều lĩnh, chẳng biết gì về pháp luật, hắn tấn công lại tất cả những người thi hành công vụ. Người ta cũng nói với tôi rằng cách giải quyết tốt nhất đối với hạng người như thế là "cho xơi một phát kẹo đồng".

Tôi quyết định xuống tận nơi xem xét sự việc. Đi cùng với tôi là một cán bộ địa phương người Mường. Tên "lâm tặc" được giữ ở hạt Hạt kiểm lâm. Tên này trạc ba mươi tuổi, mắt lác, thọt chân, người ngợm dị hợm.

Tôi đề nghị người ta thả hắn ra để tôi nói chuyện với hắn, nhưng họ không nghe:

- Thưa ông, không được đâu! Thằng chó chết này nó sẽ xơi tái ông ngay!

Tuy nhiên, cuối cùng thì tôi cũng đã nói chuyện được với "tên giặc". Chẳng khó khăn gì tôi đã biết nguyên nhân thực của việc hắn đi phá rừng: hắn có 7 đứa con, gia đình quanh năm nghèo đói, hắn phải làm đủ mọi việc từ lương thiện đến không lương thiện để cứu cả nhà.

- Thế dân chúng ở đây không có nghề nghiệp gì khác sao?

Ông cán bộ địa phương cho biết:

- Có đấy! Trước đây có nghề dệt thổ cẩm. Mẹ của tên này là người dệt giỏi nhất vùng này. Nhưng về sau nghề mất dần, không thể cạnh tranh với vải công nghiệp ngoài thị trường được.

"Tên giặc" có vẻ chán cuộc trò chuyện với tôi. Hắn muốn đứng lên đi lại cho khỏi tê chân. Khi hắn đi lại, cái chân thọt trông thật tội nghiệp.

Anh ta bị tật bẩm sinh hay sao? - Tôi hỏi.

Ông cán bộ trả lời:

- Câu chuyện dài lắm! mẹ hắn trước kia vốn là một cô gái Mường nết na. Không hiểu tại sao cô ta lại hoang thai. Thật tai hại! Chắc vì muốn huỷ cái thai đi nên cô ta đã uống đủ mọi thứ lá lẩu vào người. Kết quả thằng bé sinh ra đã bị tật nguyền. Mẹ nó ít lâu sau đó thì chết. Thằng bé không được học hành gì cả. Tuy lác mắt, thọt chân, lại gù lưng nữa nhưng nó khoẻ lắm.

"Tên giặc" nhìn chúng tôi với vẻ gườm gườm và đôi mắt lác kinh người.

Khi quay lại, tôi nhận thấy hắn đeo một vật kỳ lạ ở cổ: đấy là một cái thổ cẩm bé xíu, cáu ghét. Khi tôi ngỏ ý muốn xem thì hắn giữ chặt lấy, vẻ hung dữ. Ông cán bộ nói:

- Chắc đấy là thứ bùa ngải gì đó mà mẹ hắn để lại cho hắn. Nếu ông muốn xem thì cũng không khó...

Ông vẫy tay cho mấy người cảnh vệ đi theo. Người ta giữ hắn lại, đá vào giữa hai khoeo chân, thậm chí phải vặn cổ hắn mới tước được cái vật bẩn thỉu ấy.

Khi mở túi ra, trong đó có một sợi dây chuyền. Tôi suýt ngất đi vì nhận ra đó là kỷ niệm mà mẹ tôi để lại cho tôi. Cậy nắp chiếc hộp bé xíu có hình quả tim, trong đó còn nguyên tấm ảnh mẹ tôi chụp hồi còn trẻ.

- Thế anh tên gì? Người ở đâu? tại sao lại có kỷ vật này?

Hắn trả lời, còn tôi nghe thấy tiếng hắn trả lời mà chẳng khác nào nghe thấy lời tuyên án tử hình!

Không còn ngờ vực gì nữa nó chính là thằng con trai tôi!

Đêm hôm đó và suốt đêm sau tôi không thể nào ngủ được. Không ngờ hành động tội lỗi ngày xưa của tôi lại để lại hậu quả khôn lường như vậy. Tôi nhìn tấm hình mẹ tôi cầu khẩn. Nếu như còn sống, chắc chắn mẹ tôi sẽ đặt danh dự và sĩ diện của tôi lên trên hết thảy. Mẹ tôi sẽ không cho tôi thừa nhận thằng giặc khốn nạn và ghê tởm kia là con đâu. "Còn cái con ranh con yêu tinh người Mường - mẹ tôi sẽ bảo như thế - đáng ra nó phải biết giữ thân của nó thì đâu đến nỗi làm khổ mọi người!". Có thể mẹ tôi còn cho rằng số phận của tôi vất vả, rằng kiếp trước tôi tu chẳng ra gì, rằng tôi đã bị ảnh hưởng của ai đó, v.v...

Đương nhiên, tôi không thể hành động theo cách thức suy diễn của mẹ tôi được (người mẹ kính yêu trên đời mà tôi vô cùng biết ơn), mặt khác tôi cũng không có khả năng hành động với tinh thần nhân văn "fair-play" được. Thật là "tiến thoái lưỡng nan" sau khi cân nhắc rất kỹ, tôi đã quyết định không chính thức công nhận "tên giặc ở bản Hoan" là con trai tôi, nhưng tôi đứng ra bảo lãnh cho hắn, tôi còn cho hắn tiền làm nhà và thỉnh thoảng còn chu cấp vốn cho hắn làm ăn. Bây giờ hắn đã có một cơ ngơi kha khá. Hắn tuy hùng bạo nhưng lại có đầu óc. Hắn bắt những đứa con trai đào ao nuôi cá sấu, nuôi gấu và toàn những con chim kỳ lạ để bán lấy tiền, còn con gái thì hắn bắt dệt thổ cẩm... Nhờ giời, bây giờ hắn không còn đi ăn cướp và phá rừng nữa. Cứ độ vài tháng tôi lại lên thăm xem xét một lần. Tóm lại, những con, đứa cháu vô thừa nhận của tôi cũng có hạnh phúc theo một ý nghĩa nào đấy!

° ° °

Câu chuyện trên đây do một người mà tôi muốn giấu tên kể lại cho tôi nghe. Tôi không tán thành với nhiều ý kiến nhận xét của ông, nhưng tôi đồng ý với ông rằng cuộc đời luôn luôn tươi đẹp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét