Nguyễn
Thị Lộ (1)
Nguyễn Huy Thiệp
Vấp phải đời phàm tục
Chiếc thuyền tình vỡ tan...( 2)
Họ gặp nhau khoảng giờ thìn, một ngày thu. Hôm ấy Nguyễn Trãi từ Côn Sơn trở lại Đông Đô, ông ghé nghỉ ở một quán khách ven đường. Cùng đi với ông có Hoàng môn thị lang Thái Quân Thực(3) .
Đông Đô ở thế kỷ thứ XV
dưới triều vua Lê Thái Tôn(4) có vẻ đẹp trắng trợn của một
thiếu phụ quý tộc no đủ, hợm hĩnh về tài san cố định và những quan điểm đạo đức
khô héo của mình. Vẻ đẹp ấy có uy quyền, làm người ta yên tâm nhất thời, e sợ
nhất thời nhưng chất chứa sự nhàm chán, sự làm điệu, không loại trừ khả năng
bạo dâm, tóm lại là nhiều điều kiện để dẫn đến đời sống tinh thần suy đồi phi
nhân tính.
Nắng ngoài đường rực rỡ.
Những hàng cây cơm nguội nở hoa. Những cây dương liễu ngơ ngác buồn. Trời rất
xanh. Giữa trời có đám mây trắng trông hệt dáng điệu một nhà hiền triết. Thoắt
cái, gió xua mây đi, nhà hiền triết biến mất.
Nguyễn ngồi yên lặng,
ông nâng chén rượu mà Thái Quân Thực vừa dốc trong nậm ra. Đúng lúc ấy thì
Nguyễn Thị Lộ cùng Thị nội cung tần Trịnh Ngọc Yến bước vào. Nguyễn cũng chẳng
để ý. Mắt ông đăm đăm nhìn những tăm rượu sủi lên trong chén.
Tưởng như có tiếng ong
bay đâu đây. Thời tiết nóng nực, thứ nóng uể oải, rất dễ làm người ngủ gật. Câu
chuyện giữa Nguyễn và Thái Quân Thực rời rạc. Thái Quân Thực biết Nguyễn đương
có tâm sự trong lòng, vì vậy chuyện được vài câu, ông không nói năng gì nữa mà
cứ một mình thản nhiên đánh chén. Ông kệ cho Nguyễn chìm đắm tư lự một mình.
Ở một góc quán khách,
Nguyễn Thị Lộ và Thị nội cung tần Trịnh Ngọc Yến đã an vị. Người hầu bàn đang
hỏi món ăn. Vẻ sốt sắng của người hầu bàn làm Nguyễn để ý. Ông ngược mắt lên
nhìn và nhận ra Nguyễn Thị Lộ. Tạo hóa đã dày công chuẩn bị cho cuộc gặp này
những 29 năm 9 tháng 10 ngày.
Lúc này, ở ngoài phố
vọng lại tiếng rao của hàng quà rong nghe rất động lòng.
Nguyễn nhận ra Nguyễn
Thị Lộ. Trong giây khắc, trái tim ông ngưng đập. Con người cũ trong ông chết
đi. Giây khắc sau ông sống lại, bắt đầu kiếp luân hồi một con người khác.
Nguyễn cau mày. Ông đã
gặp người này ở đâu? Từ bao giờ?
Ở đâu? Từ bao giờ?
Nguyễn căng óc suy nghĩ... Có lẽ từ lâu lắm. Từ khi còn nằm trong bụng mẹ ông
đã bắt gặp khuôn mặt này rồi. Ký ức vụt dậy nhanh như tia chớp. Ông không nhớ
gì cả. Không có khuôn mặt ấy trong ký ức ông. Ngôi nhà ven sông... Góc thành
Nam, lều một gian... Chặng đường rừng xa vắng... Buổi gặp mặt Lê Lợi lần đầu...
Những đêm chong đèn viết Bình Ngô Sách. Hội thề Lam
Sơn...Những lần hành quân vất vả...Buổi tiễn đưa Vương Thông... Bữa thiết triều
đầu tiên ở điện Kính Thiên... Những ngày tù ngục... Không thấy có khuôn mặt
người phụ nữ này.
Nguyễn vẫn suy nghĩ.
Thoáng câu thơ cũ xen ngang:
Tây tân sơ nghị trạo
Phong cảnh tiện giang hồ...
Bến tây thuyền mới ghé
mái chèo, thoắt cái phong cảnh đã là giang hồ rồi.
Hồi thủ Động Hoa địa
Trần ai giác dĩ vô
Ngoảnh lại nhìn chỗ cửa
Đông Hoa là nơi phồn hoa thì đã thấy mình không còn là bụi bặm nữa.
Nguyễn suy nghĩ. Trán
ông cau lại. Mắt ông vẫn đăm đăm nhìn về phía Nguyễn Thi Lộ. Thực ra nếu lúc ấy
Thái Quân Thực ngồi yên thì chẳng xảy ra chuyện gì. Song Thái Quân Thực dõi
theo ánh mắt của Nguyễn và thốt ra câu hỏi định mệnh:
– Quan Gián nghị đại phu
biết người phụ nữ này à?
Câu hỏi nhấc Nguyễn đứng
dậy. Định mệnh mượn lời Thái Quân Thực làm một cú đẩy vào số phận Nguyễn. Ông
bước như đạp mây đến chỗ hai người phụ nữ. Ông chào vừa sốt sắng, vừa tự tin,
lại vừa háo hức. Ông xưng danh. Ông nói về mình. Ông nhận ra vẻ thích thú trong
ánh mắt nàng. Họ làm quen nhau. Ông được biết tên nàng là Nguyễn Thị Lộ. Tên
của nàng không gây được ấn tượng gì trong ông. Nàng mời ông đến chơi. Ông vui
vẻ nhận lời. Buổi đầu làm quen chỉ độ khoảng giập bã trầu.
Nguyễn cáo lui. Ông lại
quay về chỗ Thái Quân Thực.
Hồi đầu tam thập niên tiền sự
Mộng lý du du cánh mạc tầm...
Quay đầu nhớ lại ba chục
năm về trước mà trong mộng mịt mù không tìm ra được.
Ở nàng, rạng lên một thứ
ánh sáng linh diệu từ phía bên ngoài, không trùng lên con người thật của nàng.
Bởi thế nàng bị lẫn giữa đám đông, không ai nhận ra. Người ta chỉ biết có hình
hài. Tướng ấn...
Nguyễn nghĩ vậy. Ông lén
ngắm nàng một lần nữa. Ông bị rung chuyển. Ông cũng không biết rằng số phận hai
người từ nay đã bị ràng buộc với nhau. Nơi nào xa xôi kia trong vũ trụ mênh
mông, Tạo hóa mỉm cười.
Thái Quân Thực hỏi
Nguyễn:
– Người quen ư?
Nguyễn gật đầu. Thái
Quân Thực không biết rằng ông vừa chứng kiến cuộc gặp gỡ tình duyên hết sức oái
oăm, đến mãi sau này người ta còn nhắc.
Khi Nguyễn Trãi đến thăm
Nguyễn Thị Lộ thì lúc ấy nàng đang vận một bộ áo xoàng xĩnh trong nhà. Nàng
định thay áo thì Nguyễn ngăn lại. Nguyễn kéo ngọn nến về phía mình để nàng ngồi
chìm trong phía bóng tối. Nguyễn đưa mắt nhìn đâu đó qua cửa sổ. Lúc này ngoài
trời khoảng không hư ảo lắm, lẫn lộn những bụi hơi nước của tiết trời thu, ánh
sáng lay lắt của ngọn đèn lồng ngoài đường và ráng hoàng hôn yếu ớt phía trời
tây còn sót lại.
Nguyễn bận bịu cả ngày,
hôm nay ông phải dự buổi chầu vua ở viện Thừa Chỉ. Ông chỉ rảnh rang lúc chập
tối này.
Cho đến lúc ấy, có lẽ
cũng chẳng xảy ra chuyện gì nếu Nguyễn Thị Lộ tầm thường như những người phụ nữ
khác. Nàng không súng sính bài học vấn hoặc phẩm hạnh, cũng không cứng nhắc bởi
đồ lót mình. Nàng trinh bạch, điềm tĩnh và cương nghị. Vẻ trinh bạch ấy của
nàng khiến ông thắt tim lại lo sợ. Nguyễn đã hiểu bao điều khốn nạn diễn ra
xung quanh. Bao nhiêu phàm tục của ngày hôm nay, hôm sau, hôm sau nữa...? Rồi
còn tháng tới?
Họ nói chuyện về mùa
màng, những việc xảy ra trong cung từ khi vua Lê Thái Tổ băng hà, những bài thơ
chữ Hán của Nguyễn viết ở Côn Sơn, cuộc đời gian truân của ông, phép ứng xử của
đẳng cấp quý tộc mới được hình thành... Câu chuyện lan man, vui vẻ, có lẫn
những nhận xét sắc sảo. Nguyễn hết sức ngạc nhiên trước tri lực phi thường của
Nguyễn Thị Lộ. Thường ít có người theo kịp những dòng suy nghĩ sắc bén của ông.
Ông gần như không có bạn, không có tri âm tri kỷ. Dưới một bề ngoài bình thản,
rụt rè, Nguyễn giấu mình trong vỏ ốc.
Nguyễn Thị Lộ theo sát
những ý nghĩ của Nguyễn. Nàng thường tóm tắt được ý nghĩ của Nguyễn bằng một
hai từ hết sức chính xác, giản dị. Điều ấy kích thích trí tưởng tượng bay bổng
và thoả mãn những căng thẳng trong tinh thần ông. Nàng không hề vướng bận bởi
các thành kiến xã hội và các quy ước xã giao.
– Người ta luôn nhầm
lẫn...
Nguyễn nói. Nàng lắng
nghe. Nàng hình dung người ta nhầm lẫn thế nào. Gà nhầm với cuốc. Chó nhầm với
dê. Đã đành... Lễ nhạc cũng nhầm. Tính cách cũng nhầm. Con người hành hạ nhau,
lăng nhục nhau. Nàng nhận ra mối quan tâm của Nguyễn là to lớn. Ông là một nhà
duy mỹ khổng lồ. Nguyễn Trãi trước hết là một nhà duy mỹ. Đạo đức duy mỹ chất
chứa hiểm nguy, chất chứa phiêu lưu nhưng nó sâu sắc, không bịp bợm, hẳn nó giá
tri gấp trăm lần thứ đạo đức duy lý trắng trợn của trật tự bầy đoàn.
Thời gian trôi nhanh. Họ
cảm thấy như đã thân nhau. Nguyễn cố ghìm điều mong muốn được vuốt ve bàn tay nàng.
Từ trong thành vọng lại tiếng trống điểm canh.
Yên lặng dễ sợ. Tiếng
côn trùng ùa vào căn phòng riết róng và buồn bã. Thậm chí nghe rõ cả tiếng hạt
sương rơi trên tàu tiêu.
– Rồi cái chết...
Nguyễn nói. Nàng hình
dung người chết nằm dưới đất. Đêm tối hoàn toàn. Đêm tối vĩnh viễn. Rất nhiều
đất, hết lớp này đến lớp khác, cứ thế mãi mới đến được mặt đất. Trên mặt đất là
cỏ ấu, cỏ gà, cỏ chân chim, cỏ gianh, cúc, thầu dầu, cả xương rồng nữa. Những
con kiến đen kiến đỏ, kiến gió, kiến bọ nọt chạy nháo nhác. Không ai biết dưới
đất có con người đang nằm, cứ thế tự tiêu đi, vừa nằm vừa hồi tưởng. Ngậm miệng
lại. Không được nói. Không được cựa mình.
Vọng lại tiếng trống
điểm canh, Nguyễn cáo lui. Nàng tiễn ông ra cửa. Theo thói quen, nàng nhăn mũi
lại như gấu. Nguyễn bật cười. Áo ông vướng vào gốc bạch đào trước cửa. Nàng cúi
xuống gỡ áo cho ông. Cây đào tươi tốt đang vào nụ. Nàng hỏi ông có thích hoa
không? Chính ông cũng không biết nữa. Nàng bỗng hỏi xin ông một bài thơ hoa.
Ông vui vẻ gật đầu. Họ quay trở lại phòng khách. Sẵn nghiên bút, Nguyễn vén ống
tay áo và những lời thơ xuất thần tuôn trào như nước chảy:
Một đóa đào hoa khéo tốt tươi
Tưởng xuân mơn mởn thấy xuân cười
Đông phong ắt có tình hay nữa
Kiện tiển mùi hương dễ động người.
Động người hoa khéo tỏ tinh thần
ít bởi vì hoa, ít bởi xuân
Rỉ sứ chim xanh đừng chuốc lối
Bù trì đã có khí hồng quân.
Khí hồng quân hãy sá tài qua
Chớ phụ xuân này chớ phụ hoa
Hoa có ý thì xuân có ý
Đâu đâu cũng một khí dương hòa.
Khí duơng hòa há có tư ai
Năng một hoa này nhẫn mọi loài
Tính kể chỉn còn ba tháng nữa
Kịp xuân mựa để má đào phai.
Má đào phai hết bởi xuân qua
Nếu lại đâm thì liền luống hoa
Yến sở Dao trì đà có hẹn
Chớ cho Phương Sóc đến lân la.
Phương Sóc lân la, đã hở cơ
Mấy phen trộm được há tình cờ
Có ai ướm hỏi tiên Vương mẫu
Tin khá tin mà ngờ khá ngờ...
Khi Nguyễn gặp vua Lê
Thái Tôn bày tỏ những ý tưởng của ông, thực ra trong thâm tâm Nguyễn cũng thừa
hiểu sự vô nghĩa của việc mình làm. Những năm gắn bó với vua Lê Thái Tổ từ ngày
khởi nghiệp đã cho ông những kinh nghiệm cay đắng về thế sự. Mặc dầu trước khi
mất, vua Lê Thái Tổ đã cố mệnh để Nguyễn Trãi phụ chính, nhà vua đã dặn dò thái
tử Nguyên Long lưu tâm nhưng Nguyên biết điều ấy cũng chẳng mang lại điều gì.
Những buổi trò chuyện
với Nguyễn Thi Lộ giúp Nguyễn lần lượt hoàn thiện nhiều ý tưởng của ông. Trong
vắt như nước suối, nàng lặng lẽ để ông rửa sạch những ý tưởng ấy. Hoàn toàn
giản dị, nàng chảy một cách từ từ, chậm rãi, tự tin, vùa độ lượng, vừa ích kỷ
chính trong dòng đời. Chỉ nhìn thấy nàng, Nguyễn nhận ngay ra ông đã sai lầm
hoặc ông đã đúng trong các suy luận của mình. Nàng chẳng hỏi ông nghĩ gì và các
suy luận ấy của ông đầu cuối ra sao, xuất phát từ đâu, đến đâu chấm dứt. Nguyễn
so sánh những ý tưởng mơ hồ trong đầu óc ông với cách nàng quét nhà hoặc khi
nàng ngáp ngủ. Chỉ có nàng mới có khả năng siêu phàm giúp ông đối chiếu cái thế
giới ảo vô hình với cái thế giới thực hữu hình quanh mình – điều mà ông biết
chắc chắn có hoài công đi tìm khắp thế gian ông cũng chẳng tìm ra được một
người phụ nữ thứ hai như vậy.
Từ nhỏ, Nguyễn đã sớm
nhận ra sự lạc loài của ông giữa đám đông. Ông như khoai giữa ngô, như lạc giữa
vừng. Ông là một thứ chất liệu khác. Ông cô đơn chính với mẹ mình. Ông hiểu sự
hợp quần đòi hỏi tương đối mà bản thân ông lại dung dưỡng ý thức
tuyệt đối. Cái ý thức ấy lớn dần trong con người ông, nó quẫy đạp không ngừng,
bồn chồn, sốt ruột. Nguyễn hiểu Trang tử(5) đã nghĩ những gì
khi nói: Bò ngựa có bốn chân là thuộc về trời(6); tròng cổ ngựa, xâu
mũi bò là thuộc về người(7). Theo trời là nguồn gốc mọi điều hạnh
phúc và tốt lành; theo người là nguồn gốc mọi sự khó nhọc và tai hại.
Gặp Nguyễn Thị Lộ,
Nguyễn sống ráo riết hơn và nghiêm ngặt hơn. Ông rà xét lại mình và nhận ra một
loạt yếu kém trên phương diện tinh thần cũng như cách thức tổ chức cuộc đời.
Cho đến lúc này, Nguyễn mới có thể cắt nghĩa được bản chất các sự kiện đã từng
diễn ra với ông và cả triều đại.
Trước đây, khi
dâng Bình Ngô Sách cho Bình Định Vương Lê Lợi, Nguyễn đề xuất
tư tưởng nhân nghĩa, ông coi nó là máu thịt dân tộc, là nguyên tắc ứng xử giữa
con người. Nguyễn đã đúng một cách tuyệt đối và trong sáng đến tuyệt đối. Song,
chính Nguyễn đã một chiều, thậm chí không tưởng. Lê Lợi, tỉnh táo hơn, nhận ra
Nguyễn đã mắc bẫy bởi chính tư tưởng của mình. Lê Lợi biết tư tưởng đó chỉ là
ngọn cờ khỏi sự chứ không phải phương pháp. Hơn nữa, ngọn cờ ấy chỉ phù hợp với
tình trạng khốn cùng về vật chất của đám đông trong từng khoảng thời gian nhất
thời. Lê Lợi vĩ đại vì đa thực tế hơn ông về đời sống. Nguyễn – vốn giàu tưởng
tượng – hình dung ra những bi kịch tập thể, nhưng Lê Lợi biết chắc chắn chỉ có
bi kịch cá nhân, và chỉ là những bi kịch cá nhân, mãi mãi là những bi kịch cá
nhân. Nguyễn tôn sùng đám đông nhưng Lê Lợi tin chắc chỉ có những cá nhân siêu
việt mới có khả năng gây men cho lịch sử. Lê Lợi hiểu rõ khả năng tạo dựng và
khả năng phá bỏ của Nguyễn nhưng Nguyễn lại không có khả năng giữ nguyên tình
trạng. Giữ nguyên tình trạng đòi hỏi một sự ngu xuẩn phi thường, một trái tim
và một khối óc tăm tối phi thường. Bao giờ cũng vậy, giữ nguyên tình trạng đòi
hỏi những con bệnh lớn.
Nguyễn xem xét lại mình
và ông hoảng sợ bởi ông có nguy cơ trắng tay nếu con thuyền đời ông thiếu một
cánh buồm lựa gió hoặc một chiếc neo nặng chịch. Ông mãi mãi là một vị vua
không ngôi, không thần tử, không chư hầu, không tài sản. Sức mạnh tinh thần
trong ông là to lớn nhưng không được chằng níu bởi phương tiện. Cái khí hạo
nhiên to lớn, nuôi dưỡng đúng phép, không làm hại nó thì nó choán ngợp trời
đất. Nó là kết hợp của nghĩa và đạo. Cái khí hạo nhiên bị trù dập, bị làm hại,
bị tiêu diệt, hỏi nó có giá trị gì?
Nguyễn hiểu những khó
khăn của việc thi hành đạo. Oái oăm ở chỗ đạo là thứ danh không phải là danh,
điều ấy đẻ ra những khó khăn trong xuất xử. Chính Khổng tử(8) cho
rằng người làm quan để thi hành điều nghĩa chứ đạo thì chẳng thi hành được.
Nguyễn thiếu ma lực để đè bẹp bọn giả hình và khả năng tranh chấp quyền lực.
Sức mạnh của ông là thuyết phục và quyến rũ. Về mặt nào đấy nếu ông không thực
tài giỏi và chừng mực thì chính ông cũng bị quá khích, bị dây bẩn. Ông sẽ lâm
vào tình trạng buộc phải thủ đoạn lèo lá. Ông không trong suốt được như Lão tử(9),
ông cũng không thể điềm tĩnh tế nhị được như Khổng Khâu(8).
Nguyễn Thị Lộ lo lắng
bởi những đổi thay trong tinh thần Nguyễn. Nàng cũng không hiểu Nguyễn đến với
nàng với mong muốn gì? Thực ra, Nguyễn mong muốn ở chính bản thân. Ông cô đơn
giữa đời như một hành tinh hay một ngọn gió. Điều ấy khiến nàng xót xa. Nguyễn
biết gắn bó với nàng là ông chuốc họa vào mình. Nhưng biết thế, Nguyễn vẫn gắn
bó với nàng.
Bởi nàng là Nguyễn Thị
Lộ.
Vì nàng là Nguyễn Thị
Lộ.
Chỉ có một Nguyễn Thị
Lộ.
Còn Nguyễn, Nguyễn đâu
có hai cuộc đời? Rồi ngày nào đấy Nguyễn cũng chết đi, trên nấm mồ chỉ có cỏ
xanh như bao người khác.
Chỉ có cỏ xanh: cỏ ấu,
cỏ gà, cỏ chân chim, cỏ gianh, cúc, thầu dầu, xương rồng.
Những con kiến ca hát.
Và chúng ca hát theo
kiểu kiến.
Không thể nói Nguyễn
Trãi đã sống thanh thản dưới triều vua Lê Thái Tôn. Vị vua trẻ chưa tới hai
mươi tuổi mà có tới năm vợ và hàng trăm phi tần cung nữ. Sớm nắm quyền lực, lại
ít kinh nghiệm sống, nhà vua thích sự chiều nịnh hơn lời nói thẳng. Những cột
trụ nhà nước như bọn Lê Ngân, Lê Sát, Lê Văn Linh, Lê Hy... đều là
những chính khách xuất thân giang hồ, trị nước bằng mưu mẹo chứ không xuất phát
từ đạo và luật. Thêm nữa, bọn Lương Đăng và
Hạ Đăng Đắc xúm lại phò nịnh, đẩy lòng kiêu ngạo của người có thế lực lên tột
bực. Giới quý tộc cung đình mới qua được một đời còn hết sức quê mùa về lối
sống, chưa có được đời sống tinh thần vương giả, luôn nhầm lẫn giả thật, thực
hư. Hơn nữa, ý thức xây dựng một tập đoàn quyền lực dựa trên quan hệ huyết
thống không được củng cố. Cung đình giống như nơi tụ họp các anh hùng lục lâm,
chỗ nhóm lửa, chỗ thổi cơm, chỗ múa giáo, luật lệ được đặt ra do vui chuyện.
Trên các chân dung chính khách chỉ nhìn thấy các cơ mặt bất động hoàn toàn,
biểu thị tinh thần chính trị tù đọng tột cùng. Số trẻ trung hơn, dễ thấy trên
gương mặt họ những nét chối bỏ thẳng thừng học vấn, chỉ chờ đón tiếp nhận cảm
giác lạc thú. Nguyễn đã thấy sự sụp đổ của các vương triều bởi sự ứ thừa đồ
vật, mà hầu hết đồ vật chẳng ra gì, thuần một giá trị tiện nghi.
Nguyễn âm thầm. Khi về
Côn Sơn, khi ra Đông Đô, chẳng nơi nào ông thấy yên ổn. Nội tâm ông sôi réo,
thúc giục. Ông tránh các tình huống phải tự biểu hiện. Những mũi tên đố kỵ hằn
thù rình ông từ bốn phía.
Nguyễn Thị Lộ biết rõ
giá trị con người Nguyễn. Nàng thông cảm những nỗi dày xé trong tâm hồn ông.
Nàng biết ông đang chạy tế lên phía trước trong hệ thống tư tưởng đương thời,
vừa hung hãn, vừa tuyệt vọng.
Mới đầu, nàng quý trọng
ông, theo cách người ta quý trọng con thú hiếm, giống như quý trọng một con tê
giác có hai sừng. Dần dần, nàng hiểu ra rằng ông không trông chờ ở nàng điều
ấy. Nguyễn đến với nàng bằng tình yêu thương tuyệt vọng đối với con người, vừa
độ lượng, vừa bao dung, vừa dầy kinh nghiệm. Ông yêu thương nàng bằng toàn bộ
tri thức văn hóa cùng sự tử tế ở trong lòng ông .
Cuối cùng điều ấy cũng
đến. Nguyễn ngỏ lời cầu hôn với nàng, giản dị và mạch lạc. Chắc khi đứng trước
Vương Thông, Mã Kỳ, Phương Chính... Nguyễn cũng thế này. Thoạt tiên cung cách
ấy dễ gây ấn tượng về một con người chán đời khủng khiếp, ai biết, đằng sau
cung cách ấy là một khối lửa khổng lồ? Nguyễn bày tỏ với nàng như thể một việc
tình cờ hoặc tiện dịp. Nàng biết ông hoang mang. Những sóng gió trong cuộc đời
khiến ông không còn tự tin mình nữa. Hết sức nhạy cảm, nàng thấy thương xót ông
tận đáy lòng. Nàng biết, Nguyễn phải ngăn ngừa cảm xúc chính mình. Nàng chỉ gợi
chút hợm hĩnh lạnh lẽo, ông sẽ biến mất; còn nàng đa cảm nồng nàn, ông cũng bỏ
đi. Bao nhiêu công việc đang chờ đợi Nguyễn. Ông đâu phải người trăng gió đa
tình?
Hôm Nguyễn ngỏ lời cầu
hôn, trời mưa như trút. Đồn rằng hôm ấy là phiên giao long đi tuần ở trên sông
Cái.
Họ trao thân cho nhau
vào một buổi đêm yên tĩnh. Ngọn nến để ở một góc phòng kiên nhẫn cháy. Nguyễn
Thị Lộ biết Nguyễn cũng kiên nhẫn cháy như thế khi hình bóng nàng nằm giữa tim
ông.
Nàng quay lưng về phía
Nguyễn, cởi xiêm áo lộn qua đầu. Thân hình dài dài, thanh mảnh của nàng hiện ra
lấp loáng trong bóng tối. Khi nàng luồn vào, nằm ép bên Nguyễn, ông lặng người
đi, lòng ngập tràn tình cảm biết ơn vô hạn. Nguyễn lặng nghe tiếng nàng thở.
Ông mỉm cười trong bóng tối khi nghĩ rằng cả nàng, cả ông, cả hai hệt như hai
đứa bé con. Nguyễn vùi đầu vào lồng ngực mảnh khảnh của nàng. Cảm giác về sự bé
nhỏ yếu ớt của nàng, của con người nói chung giữa tự nhiên mênh mông, giữa vũ
trụ mênh mông khiến lòng ông nhói đau. Ông, chính ông chứ không ai khác, ông
phải chứng tỏ một điều gì đấy bởi sự tốt đẹp thật sự trong thế giới này.
Họ nằm yên lặng, vui
thích lắng nghe những tiếng lách tách cháy từ ngọn nến.
Nguyễn cũng đã cháy như
thế, cháy bùng như một ngọn đuốc dẻo dai, kiên cường cho đến chót đời.
Nguyễn Trãi đã trải qua
không biết bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu đau đớn, bất hạnh, bao nhiêu niềm
vui, nỗi buồn, bao nhiêu vinh quang kể từ ngày ấy. Không một người thường nào
có được số phận lạ lùng như ông trong năm trăm năm nay.
Năm trăm năm, tức là năm
thế kỷ.
Hà Nội, 1990
Nguyễn Huy Thiệp
(1) Nhân vật lịch sử, cuộc đời đã gắn bó với
số phận vinh quang và bất hạnh của Nguyễn Trãi.
(2) Từ một ý thơ của Mai-a-cốp-xki.
(3) Nhân vật lịch sử đã từng đi sứ Trung Quốc
dưới thời Lê Thái Tôn.
(4) Tức Nguyên Long, con trai của Lê Lợi và bà
Trần Thị Ngọc Trần. Lê Lợi đã dâng bà cho Thần Quả. Lê Lợi đã hứa nếu làm thiếp
của thần, khi được thiên hạ sẽ truyền ngôi cho con người thiếp ấy làm vua.
Nguyên Long lên ngôi vua là thực hiện lời nguyền này.
(5) Nhà triết học phái Đạo giáo cổ đại Trung
Hoa.
(6) Tự nhiên.
(7) Không tự nhiên.
(8) Nhà triết học cổ đại Trung Hoa, sáng lập
đạo Nho.
(9) Nhà triết học cổ đại Trung Hoa, sáng lập
đạo Lão.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét