Thứ Ba, 7 tháng 1, 2020

4. Mặt nạ Cham - Giữa phẫn nộ hình tướng và những bước chân thiền


4. Mặt nạ Cham - 
Giữa phẫn nộ hình tướng và những bước chân thiền

Kim Cương Thừa, Cham và thiền hành động

Tao loạn thường là bà đỡ cho những cuộc sinh thành vĩ đại. Nếu triều đại Hồi giáo Abbasad đã không đem quân tấn công Ấn Độ và tàn phá trung tâm Phật học Valabhi vào nửa cuối thế kỉ 8, khiến Phật giáo suy vi. Nếu quân đội Hồi giáo của Muhammad Ghudi không thiêu hủy Nalanda (Siêu Loại), ngôi chùa Phật giáo cuối cùng vào thế kỷ 13, khiến các vị đại sư Mật giáo mỗi người tháo chạy mỗi ngả, Kim Cương Thừa đã không có điều kiện sinh thành và phát triển một cách rực rỡ tại cái nơi vốn dĩ đã dành cho nó: những cao nguyên tinh khiết và huyền bí của xứ tuyết Hymalaya.


Những mặt nạ Cham (nguồn: Infographic (Tibetan Cham Dance)

Những bước chân tao loạn khó mà giữ được sự bình thản và vô ưu như người theo Phật hằng mong. Những bước chân tao loạn khó mà giữ được sự bao dung trong hoàn cảnh mà lòng sân hận khởi phát một cách tự nhiên như chính sự khởi phát lòng thương của con người. Những bước chân không thể nói lời từ ái mà buộc phải nói tiếng nói phẫn nộ. Những bước chân phát ra nguồn năng lượng tiêu cực mà lẽ ra phải được dùng để đốt cháy vô minh nhằm khai quang con đường giác ngộ. Những bước chân vô nghĩa!...

Kim Cương Thừa nhận thấy sự phí phạm và tận dụng triệt để nguồn năng lượng quý giá này để xây nên các pháp tu với tôn chỉ: lấy tất cả chướng ngại làm phương tiện nhằm tu luyện thành tựu. Thay vì cố gắng nhổ tận gốc các cảm xúc như sân hận, kiêu mạn, ích kỷ, và say mê, chúng ta có thể sử dụng nó như nhiên liệu cho giác ngộ. Những cảm xúc này không còn là kẻ thù phải tiêu diệt. Chúng trở thành người trợ giúp, chúng là năng lượng đẩy cho những bước nhân nhanh thêm trên con đường giải thoát. Cham ra đời nhằm để chuyển hóa tâm thức sân hận bởi chính nó: những hình tướng phẫn nộ hành thiền bằng sự động loạn của những bước chân, kiểu thiền hành động.


Cham - Nguồn gốc và vũ trụ quan

Tương truyền, một đại sư được sinh ra từ hoa sen, tên là Liên Hoa Sinh (sa. padmasambhava) đã làm cho múa trở nên một phương pháp hành thiền đặc biệt của Phật Giáo Mật Tông ở vùng Tây Tạng. Padmasambhava sử dụng những điệu nhảy để đuổi và loại trừ quỷ dữ khi chúng ngăn chặn ông xây dựng tu viện Samye nổi tiếng vào năm 775. Ông lại sử dụng những vũ điệu này để trừ tà cho vua Sindhu Rajakhi khi ông được triệu tập đến Bumthang (miền Trung Bhutan), để cứu vị vua sắp chết này. Những điệu nhảy trong niềm quán tưởng tới các vị thần linh dưới hình thức phẫn nộ của Padmasambhava khiến ma quỷ phải kinh hãi và hàng phục.


Cấu trúc tu viện Samye phản ánh vũ trụ quan của Kim Cương Thừa
 và tượng của Padmasambhava được thờ bên ttrong chính điện

Lùi xa vào huyền sử, kinh điển Phật giáo ghi nhận rằng Bồ tát Phổ Hiền dạy múa Vajra Gar cho Ngũ Trí Như Lai, khi Ngài chuyển pháp Luân Xa từ hình thức bí truyền vào cõi Phật pháp. Ngũ Trí Như Lai sau đó dạy những điệu múa này cho Tam Bảo là Quán Thế Âm Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Kim Cương Thù Bồ Tát. Đến lượt mình, các vị Bồ Tát lại dạy các điệu nhảy trong dòng truyền thừa tương ứng của họ. Sau đó, các vũ điệu này đã được lan truyền đến Udyana (Afghanistan ngày nay), Nepal và Tây Tạng bởi một số đại sư Mật giáo trên con đường chạy loạn tới những quốc gia này. Dưới ảnh hưởng của Đại sư Liên Hoa Sinh (còn gọi là Guru Rinpoche trong hình tướng con người), Vajra Gar đã thay đổi rất xa so với nguồn gốc nhu mì của nó để trở thành Cham của động loạn và tỉnh thức ngày nay.

"Những điệu múa tĩnh lặng và có bản chất khoan hòa gọi là Gar. Ngược lại, những vũ điệu của "phẫn nộ" có bản chất mạnh mẽ, được thực hiện với sự nhấn mạnh vào động tác chân, gọi là Cham" (Ven. Ngawang Chonjor, nguồn: interview). "Khi động tác tay (lag stabs) là chính yếu, vũ điệu gọi là Gar, khi chỉ có chân di chuyển (rkang stabs), vũ điệu gọi là Cham" (Dalai Lama thứ 5). Rõ ràng có một sự chuyển hóa hướng về hành động trong hình thức hành thiền (tantra - giải thoát dòng tâm thức), nhằm điều chỉnh phương tiện cho phù hợp với mục đích của Kim Cương Thừa, như một cách hợp nhất con người - thần linh - vũ trụ trong một thể hoàn hảo nhất.


Những bước chân động loạn của Cham 


Vũ trụ quan của Kim Cương Thừa được cô đọng trong hình ảnh mandala (mạn đà la). Bản thân người vũ công là một mandala nhỏ*, họ kết hợp với nhau trong hình thức múa Cham để tạo ra một mandala lớn. Các vũ công Cham tập trung vào tất cả các trung tâm và các luân xa trong màn trình diễn. Tập trung và thiền định được dạy cụ thể trong hướng dẫn truyền khẩu từ một vị thầy Mật tông cho học trò. Những vũ công Cham thực hành mở luân xa và thanh tẩy chúng. Mục đích của việc tịnh hóa các trung tâm này là khắc phục những trở ngại tiêu cực để có được những gì mà Phật gọi giác ngộ.



Trái: Bố trí đội múa trong trình diễn Cham (theo Flichner 1933),
Phải: Sơ đồ tổng thể thường thấy của một mạn-đà-la (theo: mandala)

Vòng tròn của mandala có ý nghĩa là sự toàn vẹn. Các vòng ngoại vi bao bọc cho vòng tròn tâm điểm. Tinh túy nằm ở tâm, càng gần tâm sức mạnh càng lớn, vì thế vị trí múa của mỗi vị thần sẽ càng gần tâm hơn nếu vị thần đó có nhiều quyền năng quan trọng hơn. Thông thường mandala của Cham có ba vòng, các vũ công Mũ Đen (black hat/ shanag) sẽ múa ở vòng ngoài, đây giống như là lớp chuyển tiếp trung gian giữa người xem, vũ công không đeo mặt nạ và thần linh ngự ở các vòng bên trong.


Những vũ công Mũ Đen


Những vũ công Mũ Đen (Shanag) có nguồn gốc là các thầy phù thủy trong đạo Bon, nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong múa Cham do bởi câu chuyện liên quan đến đại sư Pelgyi Dorje, ông cải trang thành phù thủy mũ đen hành thích vua Lang Darma để cứu Phật giáo Tây tạng khỏi diệt vong**.  Các shanag có nhiệm vụ mở đàn tràng, tẩy uế đất đai, xua đuổi quỷ dữ để xây dựng mandala cho buổi lễ. Họ dậm mạnh chân lên đất trong điệu múa có tên là Sấm Sét (thunderbolt) để chiếm giữ đất đai và áp đặt dấu ấn về sức mạnh của mình trên đó.

"Cấu trúc của  đàn tràng Cham phản chiếu cấu trúc hình thức của một mandala. Các vũ công nhập vào không gian của đàn tràng và đi xung quanh theo chiều kim đồng hồ, họ tạo ra hình thức của một mandala thiêng, họ niêm phong các ranh giới để tránh những lực lượng hắc ám và gia cường cho các không gian ngoại tiếp. Vị trí của vũ công trong không gian tái tạo lại vị trí của các vị thần trong một sơ đồ mandala truyền thống... họ ra khỏi đàn tràng bằng những bước chân có chủ định, lần lượt từng người một hoặc từng đôi một đi qua không gian thiêng liêng cho đến khi nó trống rỗng". (Karen Greenspan, The Mandala of Dance)


Cấu trúc mandala của đàn tràng Cham, vòng ngoài là vũ công Mũ Đen,
vòng giữa là các thần hộ pháp, trong cùng là trung tâm
"Tham gia vào các quy luật của vũ trụ là mục tiêu của rất nhiều nền văn hóa kể từ thời cổ đại. Tái tạo lại cấu trúc vũ trụ có thể tạo nên quyền lực và duy trì ổn định quyền lực này. Khiêu vũ như là giai điệu của sự chuyển động, là một biểu hiện văn hóa đặc biệt để tái tạo lại các vũ trụ có cấu trúc đó" (Barbara Rappenglück, Comic Dance, correlation between dance and cosmos - Related ideas across ancient cultures). Cham có lẽ không nằm ngoài quy luật phổ quát này.

Cham - Hình thức và tư tưởng 
                        
Không như với các nghệ sĩ bình thường, các điệu múa thiêng được đào luyện và phóng chiếu ra từ tâm trí của những người đã giác ngộ, nên chúng được coi là một trong những phương tiện mạnh mẽ và thiện xảo nhất nhằm giải thoát vũ công, khán giả, thậm chí cả các loài côn trùng nhỏ bé có mặt tại đàn tràng. Có rất nhiều điệu múa thiêng được thực hiện trong thế giới Kim Cương thừa tại các sự kiện đặc biệt hoặc ở những thời điểm tốt lành khác.

Các điệu múa có thể chia thành ba loại chính: (1) các điệu dẫn lối là những điệu múa tâm linh như vũ điệu của các hoàng tử và công chúa, điệu nhảy của hươu đực và những con chó săn, vũ điệu phán xét của sự chết; (2) điệu múa thanh lọc và bảo vệ đàn tràng khỏi những linh hồn ma quỷ như vũ điệu của Thầy trong đài hỏa táng, những điệu nhảy của stags, những điệu nhảy của các vị thần phẫn nộ, những điệu nhảy của những vũ công mũ đen, những điệu nhảy của các ging và tsholing, các điệu múa của các ging với gậy và ging với gươm; và (3) những điệu nhảy nhằm loan báo chiến thắng của Phật giáo và sự vinh hiển của Guru Rinpoche  là tất cả các điệu múa với trống, điệu nhảy của các anh hùng, các vũ điệu của thiên nhân, những điệu nhảy trong tám hình tướng của Guru Rinpoche.


Điệu nhảy của hươu đực và những con chó săn 

Mỗi điệu múa kể lại một câu chuyện của lịch sử hay của tưởng tượng. Điệu múa có tên "Điệu nhảy của hươu đực và những con chó săn" kể câu chuyện đại sư Milarepa chuyển hóa người thợ săn, con chó của mình và con hưu thành Phật.



Vũ điệu của Thầy trong đài hỏa táng (nguồn: bhutanese mask dances in bumthang



"Vũ điệu của Thầy trong đài hỏa táng" miêu tả những bộ xương bảo vệ đàn tràng khỏi quỷ dữ





Điệu nhày của trống từ Drametsi (nguồn: bhutanese mask dances in bumthang



"Điệu nhảy của trống từ Drametsi" đại diện cho đoàn tùy tùng của Guru Rinpoche là những vị thánh bảo trợ của Bhutan. Họ ăn mừng sự chiến thắng của tôn giáo. 

Cham kể những câu chuyện theo một cách khác thường: kể bằng quán tưởng. Kể bằng cách hành thiền. Bằng cách chuyển hoá mình thành những bổn tôn trong điệu múa, các vũ công đã dùng sức mạnh của bổn tôn để tịnh hóa chúng sinh, tịnh hóa mọi thứ ở những vùng được nhuốm trong hào quang của niềm quán tưởng. Người Buhtan tin rằng họ phải nhìn thấy những điệu nhảy ít nhất một lần trong đời để có thể nhận ra những vị thần trong lúc lâm chung, lúc này tất cả các vị thần xuất hiện trong vũ điệu sẽ có mặt để dẫn người quá cố đến cảnh giới cao hơn. Kinh sách nói rằng, chỉ bằng cách xem điệu nhảy này, mọi người có thể được giải thoát khỏi sự tái sinh hoặc tránh sự tái sinh trong những cõi thấp.



Những mặt nạ Cham được triển lãn tại The Robin Museum (nguồn: cham dances ritual spectacle and beauty)



Cham; những chuyển động linh thiêng của cơ thể; bao hàm trong nó ba ý nghĩa đặc biệt của những biểu hiện nội giới, ngoại giới và mật giới. Ngoại giới liên quan đến sự biến đổi của chuyển động cơ thể bình thường thành chánh niệm thông qua những động tác hình thể được sử dụng trong các điệu nhảy. Đây như một phép du già giúp cơ thể tẩy sạch các ý tưởng tiêu cực và giúp thanh lọc các hình thức khác của sự yếu đuối. Nội giới liên quan đến những nỗ lực chuyển hóa cơ thể bình thường của người biểu diễn thành một dạng thần thông qua việc đeo mặt nạ và trang phục thần có khuôn mặt cụ thể. Thông qua hoạt động này người biểu diễn điệu nhảy và khán giả liên kết với nhau trong một không gian chung nhằm hướng tới việc chế ngự ma quỷ và loại bỏ các chướng ngại vật của tâm. Mật giới nhằm mục đích biến đổi biểu hiện bình thường của thân, khẩu và ý vào thế giới của Tự Khởi Tánh Giác Nguyên Thủy (Self-arising Primordial Awareness) bởi mỗi con người tự thân đã là Phật chưa thành. (Khenpo Phuntsok Tashi (2011) The Sacred Dance of Peling Ging Sum, Journal of Bhutan Studies, 24 (Summer 2011), pp.55-68. )



Cham và mặt nạ Cham


Mặt nạ Cham là thế giới của thần linh và động vật. Không phải ngẫu nhiên mà thế giới này lại sinh động và đa dạng đến vậy. Do sự kế thừa những hình thức hóa trang của dân bản địa từ thời nguyên thủy đến lễ nghi của Bái Vật giáo (totem) trong tín ngưỡng cổ xưa là đạo Bon, mặt nạ Cham của vùng Hymalaya có một nền tảng vững chắc để phát triển rực rỡ dưới ảnh hưởng của Phật Giáo sau này.

Mặt nạ người cũng xuất hiện trong Cham nhưng không mang tính chất thiêng mà chỉ như những màng diễn đệm có tính chất dẫn dắt câu chuyện, làm dịu không khí căng thẳng và đôi khi làm nhiệm vụ quyên góp tiền cho tu viện.


Những kiểu mặt nạ người của Cham 

Dharmapalas - những bổn tôn phẫn nộ (Wrathful Deities) là điều làm cho Cham linh thiêng và trở nên có sức cuốn hút mãnh liệt. Đó là những vị hộ pháp (chos kyong) có nguồn gốc từ Phật giáo Ấn Độ kết hợp với các thần thánh của đạo Bon và những thần linh bản địa nguyên thủy. Phức hợp tín ngưỡng này tạo ra những thần linh mang trong mình một sứ mạng cực điểm mâu thuẫn: dùng bạo lực để mưu cầu một thế giới bình an.



Yama (Choe jia) - Dạ Ma, thần chết có vị trí đặc biệt quan trọng trong Cham. Nguồn gốc phẫn nộ của bổn tôn này đến từ niềm uất hận do thành tựu bất thành chỉ trong giây lát. Công lao của gần 50 năm nhập định sắp đạt giác ngộ, phút chốc bị phá tan tành bởi hai tên trộm hèn mạt, chúng giết ông chỉ vì sợ việc trộm trâu bị bại lộ mặc cho ông van xin chúng cho được sống thêm một vài giây.


Ngay sau khi bị chém mất đầu, ông lập tức biến thành Yama đội cái đầu trâu vào cái xác không đầu của mình. Yama giết chết hai tên cướp và uống cạn máu của chúng bằng cái chén được làm bằng sọ của bọn cướp này. Trong cơn điên cuồng chém giết báo thù, Yama đe doạ tiêu diệt hết tất cả dân Tây Tạng.

Người dân Tây Tạng nguyện cầu đức Văn Thù Sư Lợi , ông liền vận dụng thần thông hoá thân thành Yamantaka (Hàng phục dạ ma), ngài đánh bại Yama,để cứu giúp dân chúng, đồng thời ngài khiến Yama trở thành một trong những hộ pháp của Phật giáo. Cái mặt nạ Yama có màu xanh đen và mang hình đầu trâu là bởi truyền thuyết rùng rợn này.

Mặt nạ Yamantanka tại bảo tàng Thượng Hải

Yamantaka (Yam yan) - Hàng phục dạ ma  là hoá thân phức tạp và phẫn nộ khủng khiếp nhất trong tất cả các hoá thân phẫn nộ của Phật giáo.

Theo truyền thuyết, Văn Thù Sư Lợi đi khắp tất các nơi trong địa ngục để tìm kiếm Yama. Cuối cùng ngài đã tìm ra được nơi trú ngụ của Yama và các thuộc hạ của mình tại một thành phố sắt ở địa ngục. Để hàng phục Yama, Văn Thù Sư Lợi sử dụng hình dạng thân người đầu trâu như của Yama, nhưng thêm vào đó tám đầu và nhân lên nhiều tay, nhiều chân, mỗi cánh tay đều cầm những thứ vũ khí đáng sợ. Hơn nữa, vây xung quanh ngài là một số lượng lớn những chúng sanh đang tột cùng kinh hãi. Để đối đầu với cái chết, ngài hiện thân như chính bản thân của thần chết nhưng ở qui mô gấp vạn lần. Thấy được thực tế rằng sự khủng khiếp tàn khốc hơn chính cả bản thân mình khiến Thần chết Yama thức tỉnh và quy thuận. 

Bằng cách quán tưởng hình tượng yamantaka, các nhà sư vũ công sẽ phát triển được định lực đủ mạnh để đối diện với cái chết, cũng như trấn an các nỗi sợ hãi về cái chết.

Mỗi cái đầu, mỗi cánh tay, mỗi bàn chân cho đến từng động tác, từng món trang sức của Yamantaka đều là những biểu tượng giác ngộ tối cần thiết cho việc đối diện và hóa giải cái chết cho chính mình và người xem.


Mặt nạ Mahakala tại bảo tàng Thượng Hải
Mahakala (Gonpo) - Hắc Đại Thiên là vị thần trung tâm và là bổn tôn phẫn nộ quan trọng nhất của Cham. Ông còn được biết đến dưới cái tên Gonpo nagpo được hiểu như là phẫn nộ chánh giác (enlightened righteous wrath).

Mahakala có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhanh chóng được yêu quý và hấp thu vào Phật Giáo vùng Hymalaya một cách rất tự nhiên do ngài là vị thần của du mục và lều trại. 

Mahakala là hóa thân khốc liệt nhất của Quán Thế Âm bồ tát, bởi niềm phẫn uất của hạnh nguyện cứu nhân độ thế không thành. Thất vọng và nhụt chí, Quán Thế Âm bồ tát tự đập đầu vỡ tan thành ngàn mảnh, Phật A Di Đà cứu lại cuộc sống bằng cách nhặt những mảnh vỡ và ghép lại thành 11 đầu, cùng lời dạy Quán Thế Âm bồ tát cố giữ chánh nguyện kiên định hơn. Từ đó vị bồ tát này có 11 đầu, trong đó có mười đầu hiền hoà và một đầu phẫn nộ chính là đại diện cho Mahakala.

Sự phẫn nộ của Mahakala là niềm khát vọng của trí tuệ, từ bi và chí nguyện. Năng lượng giải phóng ra từ kiểu phẫn nộ này rất cần thiết cho những chúng sanh đau khổ cần một kết quả thật nhanh chóng mà không phải có quá nhiều nỗ lực tu hành. Chủng tự Hum trong câu thần chú 'Om Mani Padme Hum', là năng lượng khởi phát từ tư tưởng này, nó tượng trưng cho Mahakala, cho sức mạnh và quyền năng của chánh giác.


Mặt nạ Sitamahlaka
Sitamahakala (White Mahakala) - Hộ pháp trắng là hình tướng phẫn nộ của vị hộ pháp chủ về sức khỏe và tài lộc. Khuôn mặt có màu trắng là màu của bình an và lòng nhân từ. Ông đặc biệt phổ biến ở Mông Cổ và là thần hộ pháp chính của nước này.

Khi quán tưởng Sitamahakala, đầu tiên chúng ta xóa bỏ không gian chướng ngại và tắc nghẽn cùng những suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau đó, chúng ta thỉnh cầu thần theo mười phương vũ trụ và khẩn nguyện thần mở cánh cửa của trí huệ tích cực. Kế tiếp, tài lộc (những năng lượng tích cực) theo mọi hướng xuyên qua không gian: đầu tiên cho tài nguyên trái đất và những vật chất vi tế, sau đó trải ra cho mọi tri giác của chúng sinh.

Mặt nạ Mahakala trắng có biểu tượng vương miện năm đầu lâu như hình ảnh chung của bổn tôn phẫn nộ. Ngài có một miệng mở với hàm răng sắc nhọn và cũng có con mắt thứ ba ở giữa trán.

Hình ảnh này trái ngược với một hóa thân hiền hòa, rất phổ biến trong múa Cham tại vùng Tây Tạng của bổn tôn này, được gọi là Kubera hay Namse hay Vaishravana.

Mặt nạ Kubera

Kubera (Vaisravana) -Tài Bảo Thiên Vương theo thần thoại Hindu, Kubera là con trai của một nhà hiền triết gọi là Visravas, vì vậy ngài được đặt theo tên cha mình là Vairavana. Truyền thuyết nói rằng do có căn tu cộng thêm hàng ngàn năm khổ luyện, nên Kubera được Đại Phạm Thiên (Brahma) ban cho sự trường sinh bất tử, cho trông coi kho báu của thế gian và cũng là vị thần bảo hộ của phương Bắc. Tài bảo thiên vương quản lý sự chuyển hóa công đức và báo phúc ở nhân gian, phân phát tài sản cho mọi người, duy trì Phật pháp, loại bỏ ma chướng, báo phúc cho người tu hành.

Quán tưởng hình tượng của Tài Bảo Thiên Vương là quán tưởng về sự giàu có bởi bôn tôn này là người giàu nhất trong thế giới thần linh. Năng lượng quán tưởng này ban lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Do nhờ đại lực gia trì của Tài Bảo Thiên Vương nên các chướng nạn nguy ách bị đẩy xa lìa, lại chẳng bị cản trở bởi ma chướng, mau mắn đạt các thắng nguyện và tăng trưởng phước đức thọ mệnh. 

Sự giàu có của Tài Bảo Thiên Vương trong ý nghĩa tinh thần chính là việc người tu hành giữ được viên ngọc quý Phật pháp mà không gì sánh được .


Mặt nạ Hayagriva

Hayagriva (tam drin) - Mã Đầu Minh Vương là hóa thân phẫn nộ của Quán Thế Âm bồ tát vào cõi súc sinh nhằm hóa độ cõi này. Tôn này do nhân Đại Bi nên không trú ở Niết Bàn và do nhân Đại Từ mà trụ trong cảnh giới Vô minh để đoạn tận các nẻo ác. Quán Thế Âm hiện thân Mã Đầu là để tượng trưng cho sức tinh tiến của các vị Bồ Tát không bao giờ ngưng nghỉ ở bất cứ chỗ nào.

Ngài báo hiệu việc giáng lâm của mình bằng tiếng hí của cái đầu ngựa trên đỉnh đầu, đây như là một dấu hiệu đặc trưng của Hayagriva. Âm thanh vang ra từ đầu ngựa, có khả năng xuyên thủng màn vô minh, đem lại ánh sáng chân thật của tự do. Cái miệng con ngựa hay ăn, như một hạnh nguyện, nuốt diệt hết khổ não Sinh, Lão, Bệnh, Tử của chúng sinh trong muôn nẻo. Năng lượng phát ra từ âm thanh của Uy Nộ Vương này làm cho người quán tưởng tới bổn tôn chẳng bị đọa vào ba đường ác, mà được quyết định vãng sinh về các cõi nước Phật.

Mã Đầu Quán Âm có liên quan mật thiết với thần Hayagrīva là một hoá thân mình người đầu ngựa của Viṣhṇu trong Ân Độ Giáo. Ngài tượng trưng cho sự chiến thắng của kiến thức thuần khiết đối với các lực lượng Ma Quỷ thuộc dục vọng và bóng tối.


Mặt nạ Palden Lhamo tại bảo tàng Thượng Hải

Palden Lhamo (Ban Đạp Lạp Mỗ ) - Cát Tường Thiên Mẫu là vị nữ hộ pháp duy nhất của Phật Giáo. Ngài là nữ hộ pháp của đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà nước Tây Tạng và thủ phủ Lhasa. Đồng thời ngài cũng là nữ hộ pháp cho đất nước Trung Quốc từ triều đại nhà Nguyên, thế kỉ 13, cho tới những ngày cuối cùng của triều đại nhà Thanh đầu thế kỉ 20. (Theo: batdai ho phap)

Hình tướng phẫn nộ của Palden Lhamo khởi nguyên từ truyền thuyết về cuộc hôn nhân của chính mình. Chồng ngài là vua Shenji, một vị vua khát máu và là một chiến binh bạo tàn, ông ta từ chối tất cả những lời khẩn cầu dừng việc giết hại dân chúng vô tội của Palden Lhamo. Cuối cùng ngài đành đưa ra một tối hậu thư: Nếu không dừng giết hại, bà sẽ giết đứa con trai của họ, để ông có thể trải nghiệm nỗi đau người thân bị giết hại mà ông ta gây ra cho những người khác. Shenji vẫn không dừng, thế là ngài thực hiện lời đe doạ của mình. Trước cái chết của con trai, ông vua tàn bạo đã buộc phải thức tỉnh.(Theo: bat dai ho phap)

Ngài hay được thấy mang theo xác của con trai mình trên lưng con la đi khắp nơi. Đây là biểu tượng cho quyết tâm không dừng lại trước bất cứ điều gì để đem lại sự an bình cho tất cả. Sự phẫn nộ bởi chính bản thân không giải quyết được câu chuyện của chính mình là sự phẫn nộ của bi kịch. Bi kịch của một hạnh nguyện lớn tạo ra một lực cảm hóa lớn.


Mặt nạ Begste có nguồn gốc từ Mông Cổ
được trưng bày tại Rubin Museum
Begtse - Thần chiến tranh  là vị hộ pháp gia nhập cuối cùng vào 8 vị hộ pháp của Phật Giáo vào thế kỷ 16. Bổn tôn này không có nguồn gốc từ Ấn Độ mà lại liên quan tới vị thần chiến tranh ở Trung Á trong những tôn giáo có trước Phật Giáo Mông Cổ.

Câu chuyện của Begtse mang âm hưởng của lịch sử Phật giáo, đó là câu chuyện chiến thắng của đạo Phật. Theo truyền thuyết, Begtse lãnh đạo một đội quân động vật, xuất hiện để cản trở Dalai Lama khi ngài được vua của Mông Cổ lúc bấy giờ là Atlan Khan (con cháu của Thành Cát Tư Hãn) mời từ Tây Tạng tới Mông Cổ nhằm chuyển đổi Phật giáo thành quốc giáo của nước này. Tận mắt chứng kiến những bước chân của Dalai Lama tạo ra câu thần chú Om Mani Padme Hum, Begtse liền tin tưởng ngay vào tính ưu việt, sự vượt trội của Phật giáo nên tự động quy phục và chuyển đạo thành Phật giáo. 

Mặt nạ của Begtse có màu đỏ sậm rất dữ dội. Màu sắc này dùng để tượng trưng cho sức mạnh, một sức mạnh của quyền năng buộc người ta phải quỳ xuống khi đối diện. Một tay ông nắm giữ một thanh kiếm để tiêu diệt cái ác và "nhổ tận gốc" sự thiếu hiểu biết, trong khi ở bên kia ông cầm một trái tim người hoặc một viên ngọc quý để có thể nhận lấy bất kì điều ước nào của thế gian.

Cuộc sống săn bắt và chăn thả đã hình thành một mối quan hệ gần gũi với động vật như ngựa, bò Tây Tạng, cừu, hổ, sư tử và khỉ. Do ảnh hưởng của những động vật lên cuộc sống đã làm nảy sinh tình yêu của họ dành cho chúng, vì vậy người Tây Tạng tín ngưỡng động vật theo một lẽ rất tự nhiên. Những hình thức động vật này xuất hiện khá nhiều trong mặt nạ Cham, có khi là một đầu con vật hoàn chỉnh như mặt nạ Đầu nai (stag), có khi là một dạng động vật huyền thoại như mặt nạ chisun.


Từ trái sang phải: mặt nạ đầu nai tại Rubin museum, mặt nạ bò và hổ của Rosi & Rosi ở triển lãm Facing The Music tại Neuhoff Galery, NY

Con nai (stag) là sứ giả của Yama. Mặt nạ nai trong Cham được giữ y như trong tự nhiên với cặp sừng dài và những đốm tròn đen và nâu trên da. Nó có lẽ là một trong những mặt nạ nghi lễ cổ xưa nhất với nguồn gốc có thể xuất hiện ở thời tiền sử. Vào lúc bắt đầu của nền văn minh, mặt nạ của nai và bò là loại mặt nạ được sử dụng để đánh dấu các ngày hạ chí, khi một chu kỳ sống mới bắt đầu với sự trở lại của ánh sáng rưc rỡ trên bầu trời. Trong nhiều tôn giáo của Bắc bán cầu con nai vẫn còn là một biểu tượng thức tỉnh của sự sống và ánh sáng. Tại Mông Cổ con nai là biểu tượng của sự sinh sản, gạc nai  được sử dụng bởi các pháp sư trong các nghi lễ nhằm bảo đảm cho sự sinh sản lành mạnh của cả đàn. Điệu múa với mặt nạ nai của Cham là một điệu múa hoang dã và điên cuồng trong không khí thần trí hôn mê như đồng thiếp (theo http://www.wtmongolia.com/). Cũng xuất hiện trong một điệu nhảy nhanh không kém nai, là điệu nhảy của bò và hổ, chúng là những người hầu của Yama. Mặt nạ bò được thể hiện với cặp sừng cong ma mị của Yama trong khi mặt nạ hổ là một kiểu  đe dọa đã trở thành nỗi sợ hãi thường trực của cư dân châu Á đối với con vật này.


Từ trái sang phải: mặt nạ sư tử trắng, mặt nạ Makara và Garuda của Rosi & Rosi ở triển lãm Facing The Music tại Neuhoff Galery, NY

Sư tử trắng (Song dong) là phụ lễ cho Palden Lhamo, ông có nguồn gốc từ thần Simhavaktra (chỉ đi trên trời) của Ấn Độ. Thời cổ mặt nạ này được cho là của phụ nữ, những phù thủy chuyên phục vụ cho các vị đạo sư. Mặt nạ có màu trắng hoặc màu xanh, với bờm xanh ngọc, thường có vương miện ba hoặc năm sọ và lỗ mũi nở to rất đặc trưng của mình. Ông này thường đi sau lưng Palden Lhamo trong điệu nhảy có nhịp điệu rất nhanh và mạnh bạo. Một phụ lễ cho Palden Lhamo khác có mặt nạ hình giống như cá sấu gọi là Chisun hay Maharavaktra. Ông có nhiện vụ dẫn đường cho Palden Lhamo bằng cách nắm dây cương con la, đôi khi dưới hình thức con rắn Naga, của bổn tôn này. Mặt nạ Chisun được cho là một trong những mặt nạ phức tạp và bí hiểm của Cham. Kẻ thù của rắn Nara là thần Garuda có nguồn gốc từ Ấn Độ. Theo niềm tin của người Mông Cổ và Tây Tạng, thần Garuda bảo vệ các ngọn núi và còn là vị thần bảo hộ cho thủ phủ Ulaan Baatar. Trong một số biến thể khác, mặt nạ này có hai sừng, ba mắt và một cái mào trên đầu (xem thêm: rossi & rossi)


Từ trái sang phải: mặt nạ Gonpo fojie Rubin museum, mặt nạ chó săn của Rosi & Rosi ở triển lãm Facing The Music tại Neuhoff Galery, NY và một mặt nạ hưu của Bruce Miller Collection

“Tôn giáo của tôi không phải là đạo Phật. Tôn giáo của tôi là sống và chết không hối tiếc.” đây là phát biểu rất nổi tiếng của Milarepa. Ngài nổi danh là người duy nhất trong lịch sử Tây Tạng đạt giác ngộ trong một thân người, ngay trong một đời người. Và đó là lý do vì sao ngài là hành giả vĩ đại nhất trong mọi hành giả (xem thêm: milarepa). Câu chuyện tâm đại bi của Milarepa chuyển hóa được tâm dã thú của người thợ săn là một ví dụ về sức mạnh của Phật Giáo Tây tạng. Người thợ săn mang mặt nạ Gonpo dojie sau này cũng giác ngộ trong điệu múa có tên "Điệu nhảy của hươu đực và những con chó săn" như đã nói bên trên.


Từ trái sang phải: mặt nạ Purok, mặt nạ heo, dê, khỉ và heo rừng của Rosi & Rosi ở triển lãm Facing The Music tại Neuhoff Galery, NY

Sứ giả của Mahakala mang mặt nạ hình đầu chim vẹt có tên là Purok. Ngài này cũng có vai trò rất quan trọng, ông là một vũ công chính và thường múa phía trước Chisun và Songdong. Ngoài ra những con vật gần gũi với cuộc sống như heo, heo rừng, dê, khỉ... cũng được thể hiện trên mặt nạ, dùng trong nhiều điệu múa có hoàn cảnh khác nhau trong đời sống nghi lễ của vùng Hymalaya.


Mặt nạ của vợ chồng Citipati tại Rubin museum

Một trong 72 hóa thân của Mahakala là Citipati đây cũng là một hình tướng phẫn nộ có nguồn cơn từ cái chết gần giống như cái chết của Yama. Tương truyền họ là một cặp vợ chồng đang ngồi thiền tại một hang động gần nghĩa địa. Họ nhập định rất sâu đến nỗi không biết bọn cướp đã cắt đứt đầu khỏi thân mình. Điên cuồng và giận dữ, những Citipati thề trả thù và có lời nguyền truyền kiếp sẽ trở thành kẻ thù của bọn trộm và tội phạm. Họ không rời nghĩa trang mà ngồi canh ở đó để chờ tóm lấy kẻ trộm khi chúng đi ngang qua. Vì vậy, các Citipati là hộ thần cho nghĩa địa và được biết đến như là Chúa của nghĩa trang.

Thình lình bị rơi đầu bởi lưỡi dao oan nghiệt đã đưa họ đến giác ngộ. Dấu vết của sự giác ngộ này được thể hiện bằng cái hốc mắt thứ ba nằm giữa trán của hộp sọ. Các Citipati gợi ra rất nhiều liên tưởng về ý nghĩa của cái chết, nhắc nhở tất cả mọi người và giúp mọi người đối phó với thực tế rằng cái chết là điều tất nhiên mà chúng ta không thể trốn thoát. Những điệu nhảy của họ là một biểu tượng cho hai mặt đối lập là sự chết và sự tái sinh, cho mối hòa hợp giữa hai nửa cơ thể của con người là nam và nữ. Bộ xương của họ là một lời nhắc nhở về cốt lõi của cuộc sống, rằng cuộc sống là vô thường, chỉ sự đổi thay là vĩnh cửu. Mặc dù có ý nghĩa rất quan trọng trong giáo lý Phật Giáo, nhưng trong Cham các Citipati chỉ đóng vai trò thứ yếu, họ là những thần linh thế tục, thường được xem như tên hề hay tôi tớ cho các vị thần của thế gian.


Citipati, Gangre và Ging

Citipati, Gangre và Ging là một nhóm vũ công mang mặt nạ đầu lâu, cái mặt nạ của những vũ công này khác nhau bởi số đầu lâu trên vương miện. Citipati đeo mặt nạ năm đầu lâu, Gangre chỉ có một, trong khi Ging không có vương miện nào. Năm đầu lâu trên vương miện của các bổn tôn chỉ mức độ chuyển hóa Ngũ Cái: Tham, sân, si, mạn, nghi; năm chướng ngại về tinh thần và luân lý khiến chúng sanh chẳng thấy chẳng trì được thiện pháp; thành Ngũ Chủng Tín Tâm: Bố Thí, nhẫn nhục, trì giới, tinh tấn và thiền định, nhằm gạt bỏ chướng ngại. Số đầu lâu như một chỉ dấu của mức độ giác ngộ, qua đó cho thấy thứ bậc của các vũ công: Citipati là vũ công thực thụ, trong khi đó Gangre đạt mức độ trung bình và Ging chỉ được thực hiện bởi các vũ công mới nhập môn mà thôi.


Mặt nạ Atsara cùng đạo cụ là cái dương vật gỗ (nguồn: wooden phallus)

Những bổn tôn xuất hiện trong Cham đều liên quan với một pháp tu tương ứng với đặc tính của họ, chỉ duy nhất các atsara; những "chú hề siêu việt", được cho rằng đã giác ngộ hơn người; là không có các thực hành tôn giáo nào liên quan. Nguồn gốc của các atsara không rõ ràng lắm, người ta cho rằng cái mặt nạ màu đỏ sậm của nhân vật này xuất phát từ Ấn Độ, trong một câu chuyện liên quan tới việc giải phóng một người nô lệ tên là Atsara Sale của Yeshe Tsogyal, một nữ hoàng Tây Tạng đã trở thành đệ tử chính của ngài Padmasambhava và có công lớn trong việc xiển dương Phât Giáo tại vùng đất hoang sơ vào buổi ban đầu này (theo: http://www.mucem.org)

Cái bộ dạng thái quá và khá tục tĩu này thật ra có nguồn căn rất xâu xa, như là phép xác định độ giác ngộ của các hành giả. Triết lý của Phật giáo Mật tông thể hiện sự "nhìn thấy" theo ba mức độ: ngoại giới, nội giới và mật giới. Ngoại giới là hình ảnh có tính phồn thực, được thấy bằng mắt trần của atsara với mặt nạ, dương vật gỗ, phục trang và các bước nhảy chọc ghẹo phụ nữ. Nội giới là  hình ảnh của atsara được thấy bằng tâm tưởng, đó là ý nghĩa của sự thư giãn và tiêu khiển do ẩn dụ này mang lại khi vũ công hay người xem quán tưởng nó trong một điệu múa Cham. Cuối cùng là mật giới, mật giới của hình ảnh này nói về kết quả của việc miễn trừ tất cả mọi ràng buộc và hệ lụy của dục vọng thế gian mà những người đạt Đại Thành Tựu (Mahasiddha) có được.

Cham hấp thụ và chuyển biến những dị biệt văn hóa mà nó gặp phải trên bước chân lan tỏa của mình. Câu chuyện của những mặt nạ Cham được kể bên trên là ví dụ sinh động về sự chuyển hóa đó. Vệt màu trầm xuất phát từ Ấn Độ này đã trở nên rực rỡ với hòa sắc đa dạng dưới màu nắng và màu trắng tinh khiết của băng tuyết vĩnh cửu trên rặng Hymalaya.

Mặt nạ Cham - Giữa phẫn nộ hình tướng và những bước chân Thiền

Có tồn tại một kết nối nào giữa ngoại giới là những hình tướng phẫn nộ và nội giới là những bước chân thiền quán của Cham? Có. Giữa chúng là tôn giáo "sống và chết không hối tiếc" của đại sư Milarepa, của Kim Cương Thừa.

Cham có sức thu hút mạnh mẽ bởi triết lý hành động của nó phù hợp với tư duy lý tính. Bao nhiêu hình ảnh ghê rợn sẽ là đủ cho một giới hạn của sự sợ hãi? Bao nhiêu hàm lượng phẫn nộ sẽ là đủ cho một giới hạn răn đe? Bao nhiêu tác động sẽ là đủ cho một kết thúc hoàn hảo? Khi một con người có thể tạo ra một hành động đạt được cực hạn ích lợi của nó, người ta đã ngộ và được gọi là Người Giác Ngộ, là người thấu đạt được mật giới, mục đích tối hậu không chỉ riêng của người tu hành mà của cả nhân loại hữu tình này.

Giữa phẫn nộ hình tướng và những bước chân thiền, vì thế, không là một khoảng chân không mà là con đường giác ngộ. Sự giác ngộ chỉ có được khi hành giả trải những bước chân của mình qua thế giới kỳ dị của những ước vọng lớn lao ẩn giấu thường hằng trong Cham muôn thuở.


* Mandala (mạn đà la) một đồ hình vũ trụ thu nhỏ. Trong một mandala, tất cả mọi thứ tỏa ra từ một điểm trung tâm, tạo ra một mê cung của vòng tròn bao lấy một loạt các hình vuông để cấu thành vũ trụ. Tương ứng với mandala, vũ trụ học Tây Tạng cho rằng núi Meru là trung tâm hoặc trục Mundi của thế giới. Nó được bao quanh bởi bốn châu lục và cai trị bởi mặt trời và mặt trăng. Với người thực hành thiền quán tantric hay múa cham, mandala là cội nguồn của những năng lượng bí ẩn, gọi là chakras hay luân xa. Khi đó, bốn chân tay trở thành biểu tượng của bốn lục địa, đầu là núi Meru. Đôi mắt là mặt trời và mặt trăng. Cơ thể là nơi mà các vị thần sống. Các lỗ là lối vào mandala. Phác thảo này cũng tương ứng với các luân xa, hoặc các trung tâm tâm linh là nơi hội tu của các cụm dây thần kinh ở trên trục của cơ thể, được gọi là Nadi (xem thêm: 
Nadi(yoga)).

** Ông vua này lên ngôi bằng cách giết chết anh trai mình, quyết tâm khai trừ Phật giáo Tây Tạng, ông bắt các nhà sư hoàn tục, đốt kinh sách, đóng cửa tu viện và ni viện trong thời gian trị vì của mình. Hình ảnh có tính biểu tượng cho sự quang minh của nhiệm vụ cứu nguy vĩ đại là khi nước sông Kyichu rửa sạch con ngựa phải hóa trang màu đen thành trắng và bản thân đại sư Pelgyi Dorje lộn ngược áo đen của mình để lộ màu trắng bên trong, sau khi vượt qua con sông này để lui về ở ẩn. Bản thân câu chuyện cũng đã hàm chứa triết lý dùng chướng ngại để giải quyết chính nó trong tư tưởng phật giáo Mật tông (xem thêm: 
shanags)

Posted by Hoang Thong at 23:08 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét