35. Tóm lược nội
dung cuốn Mặt Tuồng
Để hiểu và hệ thống hóa lại
cho dễ nhớ, tôi tóm lược nội dung của cuốn Mặt tuồng thành 10 slide trình chiếu
(power point). Hy vọng những ai có quan tâm nhưng không có nhiều thời gian để đọc
kỹ cuốn sách, có thể tìm ở đây những thông tin hết sức cơ bản và những nét khái
quát về phương pháp kẻ mặt trong tuồng, qua đó có thể hiểu được ngôn ngữ của
khuôn mặt tuồng: những trực ngôn của nghệ thuật biểu hiện.
Các hình ảnh minh họa được chụp từ bộ sưu tập của tôi, nội dung được giản lược từ các ý chính trong cuốn Mặt tuồng của nghệ sĩ Vĩnh Huế.
Slide
1- Giới thiệu khái quát về Tuồng:
không giống như kịch, cải
lương hay một vài loại hình sân khấu khác, tính cách của các nhân vật được phát
triển dần qua các chương, hồi và có thể phải đến cuối vở diễn người xem mới biết
được nhân vật là chính diện hay phản diện. Trong sân khấu tuồng, nhân vật được
cố định tính cách, khán giả có thể xác định vai diễn thuôc chính diện hay
phản diện ngay khi nhân vật xuất hiện trên sân khấu bằng cách quan sát
cách kẻ mặt của nhân vật. Người nghệ sĩ thể hiện tài năng của mình qua việc làm
sinh động, riêng biệt và cá tính hóa tính cách này. Đây là đặc điểm chính yếu để
tuồng được liệt vào dòng sân khấu biểu hiện: cách thể hiện mang tính thậm xưng
và phi thực tế. Cũng nhờ đặc điểm này mà tuồng rất gần với các xu hướng sân khấu
hiện đại của phương tây. Gần đây có một thử nghiệm kết hợp tuồng và sân khấu
Pháp trong vở Antigone đã tạo nên những hiệu ứng sân khấu rất mới lạ và đặc sắc.
Slide 2
- Những đặc điểm của khuôn mặt tuồng:
Không
chỉ thể hiện tính cách, khuôn mặt tuồng còn cho biết tuổi tác, nguồn gốc xuất
thân, huyết thống, số phận của nhân vật và thậm chí thể hiện luôn cả tiền kiếp
của nhân vật. Vai Tiết Cương là một ví dụ đặc biệt cho câu chuyện tiền kiếp
này.
Tiết Cương có da màu xám
xanh, không giống với cha là Tiết Đinh San và ông nội Tiết Nhân Quí có da màu
trắng. Do bởi Tiết Cương là hiện thân của Đơn Hùng Tín sau lần đầu thai thứ ba,
nên vẫn phải mang khuôn mặt màu xám của chính tiền kiếp. Điều thú vị trong câu
chuyện này là mối thâm thù giữa Đơn Hùng Tín và La Thành (tiền kiếp của Tiết
Nhân Qúi), phải tới lần đầu thai sau cùng, khi hậu thân của Đơn Hùng Tín là
Dương Phàm đầu thai thành con của chính kẻ thù để trở thành Tiết cương thì lời
nguyền mới được hoá giải (Dương Phàm chết dưới tay Phàn Lê Hoa là mẹ của Tiết
Cương - kẻ thù đương kiếp, Phàn Lê Hoa lại là vợ của Tiết Đinh San - kẻ thù tiền
kiếp của Dương Phàm). Thế mới thấy sự dai dẳng của hận thù! Cũng chính vì cốt
truyện lắt léo và nhiều tầng nấc như vậy làm cho tuồng trở nên hấp dẫn và có sức
thu hút kỳ lạ với những ai lỡ đam mê nó.
Slide 4
- Thể hiện tuổi tác trên khuôn mặt tuồng:
Có lẽ việc thể hiện tuổi tác
trên mặt tuồng là duy lý hơn cả, nguyên tắc chung là càng già thì cơ mặt càng xệ
và càng có nhiều nếp nhăn đậm hơn. Tuy nhiên cần phải phân biệt các vết nhăn do
tuổi tác với vết nhăn chỉ tính cách của tướng lác, đó là những vết nhăn chằng
chịt và nhợt nhạt trên mặt kết hợp với những đường đen li ty trên mũi và mắt. Tạ
Lôi Nhược là nhân vật điển hình cho loại tường lác này.
Slide 5
- Tuổi tác và cách gọi tên các vai diễn:
Vẽ mắt
là yếu tố quan trọng nhất của một khuôn mặt tuồng. Khi nhân vật mang mặt rằn,
cách vẽ tròng mắt là yếu tố để phân biệt tuổi tác: các nhân vật nam tuổi dưới
50 được gọi là kép và mang tròng xéo, trong khi đó tròng lõa được kẻ cho những
nhân vật lão có tuổi trên 50. Cần đặc biệt chú ý khái niệm "Tướng"
trong tuồng, ở đây tướng là để chỉ tính cách chứ không phải là chức vụ. Đa phần
tướng mang mặt rằn, kẻ tròng xéo hay lõa tùy theo tuổi tác.
Slide 6
-Thể hiện nguồn gốc xuất thân và huyết thống trên khuôn mặt tuồng:
Ngoại trừ câu chuyện đặc biệt
về tiền kiếp nêu trên, khuôn mặt tuồng cũng tuân theo qui luật huyết thống: người
cùng huyết thống thì có cùng màu da. Ngoài ra, màu da nhân vật còn chỉ nơi xuất
thân của họ: màu trắng chỉ dân thành thị, màu đỏ chỉ dân miền biển, màu đen chỉ
dân miền núi. Tuy nhiên, nếu tuân theo qui luật đơn giản như vậy thì mặt tuồng
mất gần hết sức hấp dẫn của nó, bởi tính cách con người không bất biến mày đổi
thay theo môi trường sống nữa.
Nhân vật Châu Thương khi còn
ở núi thì bôi màu đen, khi về thành thị với Quan Công thì mặt nhạt đi hóa xám,
đến lúc hiển thánh thì trên mặt có thêm một số chấm đỏ. Nhân vật Trụ Vương trước
khi bị mê hoặc bởi Hồ Ly Tinh thì bôi mặt đỏ tươi vì đang còn là ông vua tốt,
sau đó mặt đỏ bầm đi vì thay đổi thành bạo chúa, hoang dâm vô độ. Đào Tam Xuân
cũng là một kiểu mặt đặc biệt: Nữ tướng này xuất thân từ miền thượng đúng ra mặt
phải bôi đen, nhưng mặt Đào Tam Xuân lại nữa trắng, nữa xám (hoặc xanh): nữa trắng
để nói lên nét đẹp của nhân vật còn nữa xám nói lên nguồn gốc xuất thân.Quả là
sinh động và biện chứng! Chính những ẩn ngữ buộc khán giả phải khám phá làm cho
tuồng có sức quyến rũ tự nhiên cùng với những nội hàm văn hóa được chắt lọc và
phát triển qua thời gian, đã nâng tầm của dòng nghệ thuật vốn xuất phát từ dân
gian thành loại hình sân khấu có tính bác học. Đó là sự qui cũ về nói, hát,
múa, phục trang, kẻ mặt được xây dựng thành một thể thống nhất cho mỗi loại
nhân vật.
Slide 7
- Màu mặt và tính cách của nhân vật trong tuồng:
Khác với Kinh kịch, dùng rất
nhiều màu sắc để vẽ mặt, tuồng chỉ dùng ba hệ màu chính: Đỏ- Đen/ xám/ xanh- Trắng. Toàn bộ nhân vật chính diện đều mang mặt đỏ tươi, đó là những kiểu
nhân vật trí tướng, kiên nghị, trung can nghĩa khí. Cùng sắc đỏ nhưng màu đỏ bầm
lại để chỉ loại nhân vật có sức mạnh hơn người nhưng hoang dâm vô độ. Màu đen /
xám để chỉ nhân vật thuộc về võ, tính tình nóng nảy, bộc trực nhưng trung can,
nghĩa khí. Màu trắng chủ yếu dùng cho các nhân vật nữ, các nhân vật nam thư
sinh, kép trắng gồm kép con, kép văn và kép võ. Cùng tông màu trắng còn có mặt
mốc, mặt này dùng miêu tả những nịnh thần hay những kiểu nhân vật phản diện.
Slide 8
- Màu sắc khuôn mặt và cách gọi tên các vai diễn:
Kết hợp giữa giới tính, tuổi
tác, cách kẻ và màu sắc khuôn mặt ta có thể phân biệt các vai diễn rất rõ
ràng. Khi gọi một nhân vật là kép đỏ có nghĩa nhân vật đó là nam mặt bôi
trơn, màu đỏ. Khi gọi kép tròng xéo đỏ có nghĩa nhân vật đó là nam, trung niên,
mặt kẻ rằn màu đỏ. Khi gọi lão tròng lõa đen có nghĩa nhân vật đó là nam, già,
kẻ mặt rằn màu đen.
Slide 9
- Những chi tiết để nhận dạng tính cách và số phận nhân vật trong tuồng:
Đọc một khuôn mặt tuồng là đọc
những qui ước. Bên cạnh việc thể hiện những qui ước phổ quát trong việc xem tướng
mạo, khuôn mặt của tuồng có những qui ước riêng biệt và hết sức quan trọng. Qua
việc đọc những chi tiết này người xem biết được nhân vật thuộc tính cách nào và
thậm chí số phận ra làm sao. Ví dụ, tuồng có một hệ thống kẻ lông mày để thể hiện
tính cách: góc kẻ ngang, dịu để thể hiện các vai kép văn, hơi đứng hơn một chút
để thể hiện kép võ, và xếch ngược lên để chỉ nhân vật phản diện. Nét kẻ lông
mày chân phương khác với lông mày kẻ xước hay kẻ chổi sễ để chỉ nịnh thần. Kiểu
lông mày cá rô, chim én hay có hai vệt đỏ để chỉ tướng phản, kiểu vẽ mắt tròng
xéo mỏ két ám chỉ nhật vật sẽ chết trên sa trường.
Mỗi nét vẽ trên khuôn mặt tuồng
đều là một ám chỉ, đừng tùy tiện "chấm, phẩy" thêm, đặc biệt là
ở vùng trán. Bởi nếu không khéo và không hiểu, mặt ta sẽ thành mặt Tàu ngay!
(Xin để việc so sánh giữa mặt tuồng và kinh kịch trong một dịp khác).
Slide
10 - Hệ thống các vai diễn:
Dưới đây là hệ thống các vai
diễn, cách gọi tên và nét tiêu biểu của khuôn mặt. Ví dụ, trong hệ thống vai
đào ta có đào cảnh, đào chiến, đào ác hay đào mặt yêu. Trong hệ thống kép, nếu
kép mặt trơn ta sẽ có kép trắng và kép đỏ. Kép trắng lại được chia ra làm kép
văn, kép võ và kép con. Nếu kép mặt rằn ta sẽ có kép đỏ tròng xéo hay xám tròng
xéo hay đen tròng xéo. Để phân biệt tuổi tác, trong tròng xéo ta sẽ có tròng
xéo non, xéo, xéo già và xéo lỡ. Nguyên tắc tương tự như vậy được áp dụng cho
các vai lão, tướng. Ngoài ra có một vài loại mặt không phổ biến khác như mặt
ninh, mặt yêu tinh, mặt lưỡi cày, sâu róm...
Ở nước ta hiện nay, tuồng đang được chia ra nhiều trường phái. Theo phái văn thì có tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà nẵng, Ỡ Huế có tuồng cung đình và dân gian. Theo phái võ có tuồng Đào Tấn ở Bình định. Trong nam có tuồng Nam bộ, ngoài bắc có tuồng Trung ương. Cho dù khác nhau tùy vùng miền nhưng cách kẻ mặt thì gần như tuân theo những nguyên tắc chính như đã nêu trên. Theo tôi được biết, việc "bảo tồn và phát huy" đang "loạn cả lên". Tuồng cũng như mặt tuồng đang biến dạng theo đà suy thoái của văn hóa dân tộc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét