Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

10. Mặt nạ Sư tử xanh


Mặt nạ Sư tử xanh, lịch sử của một biểu tượng

Có ít người biết rằng tướng MacArthur, ân nhân của nước Nhật, cũng là người đã gián tiếp cứu Đài Loan khỏi họa cộng sản. Trước khi cuộc chiến Triều Tiên xảy ra, chiến lược gia này cho rằng Đài Loan “có thể trở thành một hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm”. Ý tưởng này đã đánh thức tổng thống Truman về tầm quan trọng của hòn đảo vốn chiếm vị trí rất mờ nhạt trước đó, trở thành một "phòng tuyến của Mỹ ở Thái Bình Dương" để chặn đường tiến của Trung Cộng. Tưởng Giới Thạch thoát hiểm nhưng lịch sử trớ trêu lại một lần nữa đặt Đài Loan vào thế đối diện với Đại Lục, trong câu chuyện giống hệt như tướng Trịnh Thành Công (郑成功) với phong trào "phản Thanh phục Minh" (反清复明) gần ba trăm năm về trước. Cả hai đều chọn Đài Loan làm căn cứ, đi theo họ là những con người nặng lòng với chính thể cũ kết hợp với dòng di dân của người đại lục không chịu quy thuận chính thể mới, cùng mục đích tối thượng là tái chiếm lại những gì đã từng là của họ.

Dông dài một chút để thấy rằng tinh thần phản kháng của người Đài Loan có gốc rễ sâu xa từ lịch sử. Cho dẫu có lúc thăng, lúc trầm, dòng chảy chủ đạo này không bao giờ đứt đoạn, nó để lại một chứng cứ vật chất rất thú vị, như là cách thể hiện tinh thần thành hành động qua hình ảnh mặt nạ Sư Tử Xanh. Một vật chứng làm biểu tượng cho tinh thần phản kháng của những di dân Đài Loan qua rất nhiều thời kỳ đầy biến động của lịch sử Trung Quốc.

Mặt nạ sư tử xanh

Sư Tử Xanh, , (Thanh sư), có cách phát âm là Qing Shi giống hệt với (Thanh quân) là cách gọi quân lính của nhà Thanh, nên vô hình chung cái mặt nạ này trở thành một ám chỉ về kẻ thù mà những người thuộc về phe "phản Thanh phục Minh" gán cho nó. Sư Tử Xanh xuất hiện trong điệu múa sư tử có nguồn gốc tại Phúc Kiến, nơi nuôi dưỡng và duy trì lâu dài nhất phong trào chống Mãn Châu sau khi nhà Minh sụp đổ.

Cái mặt nạ này không giống chút gì với các loại đầu sư tử truyền thống cả Bắc Sư (北獅) lẫn Nam Sư (南獅) của Trung Quốc. Nó tròn vành vạnh và dẹt chứ không có hình khối cồng kềnh như thông thường.


Mặt nạ Sư Tử Xanh trong sưu tập của tôi

Lý giải cho sự đơn giản này có lẽ phải bắt nguồn từ mục đích sử dụng của nó. Thoạt đầu mặt nạ Sư Tử Xanh được dùng như một dụng cụ để luyện võ thuật, việc ám chỉ hình ảnh kẻ thù vào một công cụ hỗ trợ rõ ràng là cách kích thích tinh thần binh sỹ hiệu quả nhất. Sự giản đơn, tiện dụng và dễ làm là những yếu tố bắt buộc khi chế tạo binh khí của quân nổi dậy đã được tích hợp vào mặt nạ Sư Tử Xanh này. Có thể làm nó từ bất kỳ một vật dụng hình tròn nào trong cuộc sống hàng ngày như nong, nia rổ, rá..., yêu cầu đặc biệt duy nhất là nó phải được vẽ một khuôn mặt cực kỳ hung dữ như một ám chỉ về sự tàn bạo của quan quân nhà Thanh trong cuộc chinh phục người Hán ở vùng Nam Trung Quốc.


Mắt lồi, nanh nhọn trên khuôn mặt gân guốc dữ giằn

Phong trào "phản Thanh phục Minh" thất bại sau khi người Mãn Thanh lấy hòn đảo Đài Loan từ tay tướng Trịnh Thành Công vào năm 1683 và rồi triều đại nhà Thanh cũng sụp đổ vào năm 1912 nhưng mặt nạ Sư Tử Xanh vẫn còn tồn tại trên vùng đất Đài Loan, nó đặc biệt rất phổ biến trong cộng đồng người Phúc Kiến. Biểu tượng của hận thù ngày xưa dần được chuyển hóa thành biểu tượng của một linh vật có sứ mệnh bảo vệ như tâm thức mà người Trung Quốc nghĩ về sư tử qua bao đời nay.

Những cảm xúc tự nhiên ban đầu dần dần được ép vào khuôn phép như cách rất nhiều những biểu tượng truyền thống của đất nước này được thể hiện. Mặt nạ sư tử xanh phải tuân theo những quy chuẩn dựa trên nguồn gốc văn hóa của người Trung Quốc kết hợp với những đặc tính bản địa của hòn đảo Đài Loan này. Màu xanh lá cây là màu của hòn đảo nằm ở phương nam ấm áp với cây rừng rậm rạp, và đồng cỏ phì nhiêu nuôi sống dân cư của nó, vì vậy màu xanh bây giờ có ý nghĩa của sự bảo vệ hơn là đe dọa. Ý nghĩa bảo vệ này còn được nhấn mạnh thêm bởi cái bát quái (Eight Trigrams) được vẽ trên trán như chỉ dấu cho quyền năng xua đuổi tà ma của linh vật này.


Chi tiết trang trí bát quái, chữ Vương, đám mây và miệng trên mặt nạ

Phía dưới bát quái không bao giờ thiếu hình chữ Vương () thể hiện việc con sư tử đã được thuần hóa, không còn là một quái thú. Dịch xuống bên dưới là cái miệng có hình thỏi vàng biểu tượng cho sự giàu có và thịnh vượng. Trang trí đám mây màu vàng trên hai gò má tượng trưng cho tinh thần vô ưu, truyền thừa và những may mắn bất tận.

Các bộ phận của khuôn mặt được bố trí theo nguyên tắc đăng đối theo chiều ngang và dọc dựa trên Tam sơn và Ngũ sơn. Tam sơn là sự sắp xếp theo chiều dọc của trán, mũi và cằm. Hai gò má là hai ngọn núi khác được sắp xếp theo chiều ngang của khuôn mặt, kết hợp giữa chúng với nhau hình thành nên Ngũ sơn trong một sự bố trí chính xác và chặt chẽ, không chỉ phù hợp với các khái niệm khoa học mà còn có ý nghĩa của công bằng và công lý.

Mặt nạ bao giờ cũng được vẽ bởi năm màu tượng trưng cho ngũ hành là trắng, xanh, đen, đỏ và vàng tương ứng với kim, mộc, thủy, hỏa và thổ. Người Trung Quốc tin rằng sự thăng giáng của ngũ hành sẽ ảnh hưởng tới số phận của con người và tác động tới những chu kỳ của vũ trụ. Cả vũ trụ quan và nhân sinh quan Trung Hoa được kết hợp một cách nhuần nhuyễn trong cái mặt nạ tưởng như đơn giản này.

Những đổi thay theo dòng lịch sử của những cuộc di cư

Những mặt nạ Sư Tử Xanh còn thấy ngày này có lông mày được vẽ khác với nguồn gốc ban đầu là hai lưỡi đao được gắn lên đó. Người ta cho rằng võ sư Gan De Yuan  đã tổ chức một buổi biểu diễn ở Tuyền Châu 泉州, tại đây, trong một hành động có tính biểu tượng, Sư Tử Xanh bị chặt ngang nhằm thể hiện sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh vào năm 1912. Nhát chém này không đồng nghĩa với việc đoạn tuyệt, nó chỉ cắt bỏ tính chất quân sự của việc biểu diễn. Từ thời điểm đó trở đi, Sư Tử Xanh không còn có mày đao và được sử dụng như là một hình thức đào tạo để rèn luyện thể lực (theo: green lion).


Mặt nạ Sư Tử Xanh mày đao (nguồn: t85-topic)

Sishijia nằm phía tây bắc Tiền Trấn (Cianjhen District), Cao Hùng (Kaohsiung) được ghi nhận là ngôi làng có múa sư tử sớm nhất vào thời nhà Thanh. Do vị trí địa lý được bao quanh bởi đại dương, nó thường bị xâm chiếm bởi cướp biển trong những ngày đầu khi cư dân theo tướng Trịnh Thành Công ra định cư tại hòn đảo này. Trong những lúc nông nhàn, quân và dân ở đây dùng những cái nia (dustpan) vẽ hình sư tử để giải trí và tập luyện kỹ thuật chiến đấu bằng một hình thức quân sự gọi là Trận Tống Giang (Song-Jiang Battle Array). Một điệu múa sư tử luôn luôn được thực hiện như một nghi lễ trước khi họ bày trận và con Sư Tử Xanh này nổi tiếng đến độ tên Tống Giang được dùng để gọi nó.


Mặt nạ sư tử Tống Giang (nguồn: t85-topic)

Có thể nói rằng lịch sử của mặt nạ Sư Tử Xanh gắn liền với phong trào "phản Thanh phục Minh" cùng những những cuộc di dân liên quan tới nó. Thoạt đầu, vào nửa cuối thế kỷ 17, một số lượng lớn người Hán từ huyện Tuyền Châu và Chương Châu của tỉnh Phúc Kiến đã di cư sang Đài Loan. Sau này, người ta gọi nhóm người này là người Mân Nam (do Mân Nam là tên gọi khác của Phúc Kiến). Người Mân Nam (Hokkien) có lẽ là những người đầu tiên sáng tạo ra con sư tử xanh có mặt tròn và dẹt như đề cập.

Clip dưới đây thể hiện màn biểu diễn múa Sư Tử Xanh trong hình thức luyện võ của đoàn múa sư tử Nam Shaolin tại Singapore.

Còn clip này thể hiện lễ khai quang điểm nhãn của những con sư tử xanh mày đao và sư tử xanh bạch mi của một đoàn múa sư tử khác

Năm 1683, sau khi đánh bại tướng Trịnh Thành Công, nhà Thanh đã ban hành lệnh cấm người Hán di cư đến Đài Loan, lệnh cấm này được dỡ bỏ vào năm 1760 tạo một đợt di dân lớn mới. Trong đợt này, người di dân phần lớn là người Khách Gia (Hakka) (theo: lich su di dan dai loan). Người Khách Gia đến từ phía nam nhưng di chuyển dần và sống chủ yếu ở phía Bắc Đài Loan, họ tạo ra một biến thể mới là đầu Sư Tử Xanh mở miệng được. Đầu Sư Tử Xanh kiểu này chỉ tồn tại trong cộng đồng người Khách Gia, dường như nó lai tạo giữa hình thức dạng khối của đầu sư tử truyền thống với những quy tắc thể hiện của mặt nạ Sư Tử Xanh nguyên thủy.


Mặt nạ Sư Tử Xanh của người Khách Gia (theo:Hakka Green Lion)

Ngoài cấu tạo dạng khối, điểm đặc biệt lớn nhất của mặt nạ Sư Tử Xanh này là phần đầu phía trên hình tròn và nửa dưới gồm cái miệng có thể mờ ra và đóng lại có hình vuông. Nó phản ánh quan niệm "trời tròn đất vuông" trong tư duy về vũ trụ của truyền thống Trung Quốc. Đây cũng là điểm độc đáo tạo nên sự khác biệt có một không hai của con sư tử này.


Múa sư tử xanh tại Xiashan Đài Loan (theo:Hakka Green Lion)

Lịch sử Đài Loan lại tiếp tục ghi nhận một cuộc di dân sau thất thế của Tưởng Giới Thạch tại Đại Lục vào năm 1949. Các quan chức trong chính phủ cùng một lượng lớn người dân theo Quốc Dân đảng di cư sang đây làm đa dạng thêm sắc dân tại Đài Loan, họ được gọi là người ngoại tỉnh. Những người ngoại tỉnh này mang theo mình con sư tử kiểu miền nam (Nam sư), sau đó là kiểu miền bắc (Bắc sư) vào Đài Loan, chúng ít nhiều tác động lên cách tạo tác con sư tử xanh nguyên thủy, như sự xuất hiện các con sư tử có thể mở miệng ở miền bắc Đài Loan và màu sắc sư tử trở nên đa dạng hơn nhiều kể từ thời kỳ này.


Mặt nạ sư tử của vùng bắc Đài Loan (nguồn: librarywork)
Thời cuộc loạn ly không hỗ trợ nhiều cho nghệ thuật phát triển mà chỉ làm nó biến tướng xấu. Những năm 1950 và 1960, chứng kiến hiện tượng các đoàn múa sư tử liên kết với băng đảng ngày càng chặt chẽ. Nguồn gốc bang hội có từ thời "phản Thanh phục Minh" là mảnh đất màu mỡ của những hoạt động mờ ám, bạo lực ẩn giấu trong các đoàn và trong việc hành xử giữa các đoàn khác nhau đã tạo nên tiếng xấu cho nghệ thuật múa sư tử trong khoảng thời gian đen tối này.

Thập kỷ 70 và 80 Đài Loan chuyển mình theo công cuộc công nghiệp hóa. Những niềm tin về một linh vật bảo vệ và mang lại điều tốt lành lại lần nữa đặt trên vai con sư tử. Sự giàu có đến từ công cuộc đô thị hóa đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều lễ động thổ, nhiều lễ khánh thành..., con sư tử cũng vì thế mang màu sắc thương mại để phục vụ cho những sự kiện này. Múa sư tử bây giờ phức tạp hơn, được các đoàn múa chuyên nghiệp thực hiện và hầu như mất hẳn cội nguồn võ thuật của nó.

Vỹ thanh

Cho dẫu chỉ là một biểu tượng nhất thời của một giai đoạn lịch sử, mặt nạ Sư Tử Xanh đã làm được nhiều hơn vai trò tạm thời của nó. Mặt nạ Sư Tử Xanh buộc những người viết lịch sử mỹ thuật phải liệt kê thêm một dạng múa sư tử thuộc bản quyền của Đài Loan chứ không phải của Phúc Kiến là cội nguồn của nó. Khi nhìn thấy mặt nạ Sư Tử Xanh, người ta nhìn thấy một vi dụ rõ ràng về cách lịch sử tác động lên sự hình thành tính cách của một dân tốc. Người Đài Loan thích thực dụng và thích tranh đấu, họ tìm kiếm lợi ích tức thì nhưng luôn sẵn sàng phấn đấu cho một tương lai dài hạn. Hòn đảo nhỏ với những lưu dân xuất sắc của nó đã làm Đài Loan thịnh vượng bằng chính năng lực và cách hành xử khôn ngoan trong suốt lịch sử của mình.

Posted by Hoang Thong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét