Đọc các truyện loại này, người đọc có cảm giác lạc vào thế giới thần diệu hư huyễn, thiên biến vạn hóa lạ kỳ mà việc nào cũng cứ như thật; phong vị cũng như truyện "Nghìn Lẻ Một Đêm" nhưng thú vị lạ lùng. Truyện "Diệp Hạn" cũng được viết vào thời đó, đi đầu trong việc viết những truyện loại này trên thế giới. Trong truyện có bà mẹ ghẻ ác nghiệt, cô em khác mẹ ác nghiệt có việc đánh mất hài, viết trước Des Perriers ở Âu Châu (năm 1588) đến hơn 700 năm. (Lâm Ngữ Đường)
Diệp Hạn
Trước đời Tần Hán, ở sơn
động nọ có một vị tù trưởng, người bản địa gọi ông ta là Ngô động chủ. Ông có
hai vợ, người vợ cả chết để lại một con gái nhỏ tên là Diệp Hạn. Diệp Hạn thông
minh, lanh lợi, giỏi nghề may thêu, được cha rất thương yêu.
Khi cha mất, Diệp Hạn bị
mẹ sau đối xử rất tàn tệ, thường bắt cô bé phải bổ củi hoặc sai đến chỗ nguy
hiểm như nơi giếng sâu vực thẳm để gánh nước.
Một hôm, Diệp Hạn bắt
được một con cá dài khoảng hai thốn (tấc Tàu), vây hồng, mắt vàng. Cô bé đem về
thả vào bồn nước. Cá lớn nhanh như thổi đến nỗi bồn nước cũng không chứa nỗi,
Diệp Hạn bèn thả cá vào cái ao sau phòng mình.
Mỗi lần Diệp Hạn ra ao,
cá lại ngồi lên gối đầu trên mặt nước, nhưng nếu là người khác thì chẳng khi
nào cá ngồi lên.
Thấy Diệp Hạn có những
hành động lạ, người mẹ kế sinh ngờ và rình theo dõi. Nhưng dù bà rình lâu thế
nào, cá cũng không chịu ngồi lên.
Một hôm, bà nảy ra một
kế, bảo Diệp Hạn:
- Con ơi, con làm lụng
mệt nhọc. Mẹ cho con tấm áo cánh này!
Rồi bà bảo Diệp Hạn thay
bộ quần áo cũ, mặc bộ quần áo mới rồi đi đến một cái giếng rất xa nhà để gánh
nước. Diệp Hạn đi rồi, bà liền mặc bộ quần áo cũ của cô, giấu con dao sắc trong
tay áo, xăm xăm đến bên ao gọi cá lên. Cá vừa ló lên, bà đã cho một dao chết
tươi. Bây giờ, con cá đã dài đến một trượng (mười thước Tàu).
Đem cá lên nhà, bà liền
nấu nướng ăn, thấy mùi vị ngon hơn cá thường rất nhiều. Ăn xong, bà đem giấu
đầu cá, vùi xuống dưới một đống phân.
Hôm sau Diệp Hạn trở về.
Cô bé ra ao gọi cá thì không thấy cá đâu nữa. Cô khóc lóc mãi cho đến khi một
vị đầu tóc rồi bù, quần áo lam lũ từ trên trời bước xuống, an ủi:
- Thôi con ơi, nín đi!
Mẹ kế của con đã ăn thịt con cá rồi, xương đầu cá còn vùi ở đống phân đó. Về đi con! Nhớ giấu kỹ đầu cá vào trong phòng.
Sau này nếu có muốn yêu cầu điều gì, con cứ cầu khấn đầu cá tất sẽ được như
nguyện.
Diệp Hạn vâng lời, làm
theo người nọ. Chẳng bảo lâu, Diệp Hạn có đủ vàng bạc, châu báu, đồ trang sức
và áo quần đẹp đẽ. Mọi thứ rất đẹp, hỏi cô gái nào thấy mà chả mê?
Vào đêm mừng hội ở sơn
động, mẹ kế sai cô ở nhà canh giữ vườn cây trái. Đợi bà mẹ đi rồi, cô liền diện
bộ quần áo lục, cũng đi dự hội. Đứa em gái trông thấy, liền bảo mẹ:
- Mẹ ơi, cô nương kia
sao giống chị con quá.
Bà mẹ kế hình như cũng
nhận ra cô. Diệp Hạn thấy họ nhìn mình có vẻ ngờ vực liền bỏ chạy. Chạy vội
vàng hoảng hồn làm rơi mất một chiếc hài. Chiếc hài được dân trong sơn động
nhặt được.
- Mẹ kế về nhà thấy Diệp
Hạn đang ôm gốc cây ngủ thì tan hết mọi nỗi nghi ngờ.
Cách sơn động không xa,
có một vương quốc tên là Đã Hoàn. Nước ấy binh lực hùng mạnh, gồm hai mươi bốn
đảo, bờ biển dài rộng hàng nghìn dặm. Dân của Ngô động chủ đem bán chiếc hài
nhặt được cho người nước Đã Hoàn. Rồi dần dần chiếc hài đến tay Quốc vương.
Quốc vương ra lệnh cho phụ nữ trong cung ướm thử chiếc hài nhưng không ai đi
vừa. So với bàn chân nhỏ nhất của cung nhân, hài nọ còn nhỏ hơn một thốn. Vua
bèn ra lệnh cho đàn bà con gái trong nước đến thử hài. Kết quả vẫn không một ai
đi vừa.
Quốc vương thấy chiếc
hài có lai lịch lạ kỳ, cho lệnh bắt giam gã bán hài, dùng khổ hình tra khảo. Gã đáng thương nọ cũng không biết hài ở đâu ra.
Sau cùng nhà vua ra lệnh để chiếc hài bên đường, sai lính đi tra xét từng nhà,
hễ thấy ai có một chiếc hài như thế thì bắt tiến cung. Nhà nhà đều bị lục tìm,
vì vậy Diệp Hạn bị binh lính phát hiện.
Cô vâng lệnh ướm thử
chiếc hài, vừa khít. Rồi cô mặc bộ quần áo xanh lục, chân đi hài, xuất hiện
trước đám đông. Trông cô lộng lẫy như tiên trên trời. Quan liền viết tờ tâu
vua. Vua hạ lệnh đưa Diệp Hạn tiến cung. Nàng đem theo cả cái đầu cá.
Diệp Hạn rời sơn động
vào cung rồi, người mẹ kế và đứa con gái bị một trận đá trút đè chết. Dân bản
địa thương hại đem chôn cất tử tế. Trên mộ dựng tấm bia đá khắc chữ Hận Phụ
Chủng (Mộ người đàn bà hận) và tôn hai người là thần Hôn Nhân, hương lửa cúng kiến
rất thịnh. Ai cầu xin về việc hôn nhân cũng đều linh ứng.
Trở về đảo, nhà vua lập
Diệp Hạn làm Hoàng Hậu. Lấy nhau được một năm, nhà vua khẩn cầu xương đầu cá để
có được nhiều ngọc thạch, châu báu nhưng đều không được đáp ứng. Ông bèn đem
chôn xương đầu cá ở bên bờ biển, dùng trăm hộc châu báu và vàng bạc vây quanh.
Về sau binh lính làm
phản, nhà vua chạy đến chỗ chôn xương đầu cá thì thấy xương ấy đã bị hải triều
cuốn mất, không còn làm thấy nữa.
Chuyện này do lão bộc Lý
Sĩ Nguyên kể lại cho tôi nghe. Y là người Miêu (Mèo) ở Vinh Châu biết
rất nhiều chuyện tích ở phương Nam.
Đoàn Thành Thức
CHÚ THÍCH CỦA SOẠN GIẢ:
Truyện này là một truyện trong Dậu Dương Tạp Tổ của Đoàn Thành Thức đời Đường.
Đoàn rất thích ghi những truyện kỳ dị (Đoàn chết khoảng năm 863 sau công nguyên). Các học giả nghiên cứu truyện dân gian
lưu truyền trên thế giới đều phát hiện truyện này có sớm
nhất tại Trung Quốc. Ở các dân tộc Slave cũng có những truyện thế này, trong đó
có những loài vật làm bạn với người. Dân tộc Nhật Nhĩ Man (Đức) cũng có truyện
như thế này, trong đó cũng có việc mất hài. Riêng trong truyện Trung Quốc thì
cỏ đủ cả hai chi tiết trên. Trên nguyên tắc, tác giả cho biết truyện này do
nguời bộc nhân kể lại. Đó là người đất Vĩnh Châu nay thuộc tỉnh Quảng Tây. Người
viết truyện này sớm nhất ở Âu Châu là Des Perriers trong tác phẩm 'Nouvelles
Récréations et Joyeux Devis" xuất bản năm 1558.
CHÚ THÍCH CỦA DỊCH GIẢ:
Truyện này na ná truyện "Tấm Cám" của ta song đơn giản và kém thú vị
nhiều, phải chăng là một dị bản?
Chúng tôi dịch để bạn
đọc tham khảo. Từ đây gợi ra một vấn đề lý thú là chúng ta có thể nhận ra dân
tộc tính của mỗi dân tộc qua những dị bản khác nhau. Xin lưu ý bạn đọc lối kể
chuyện tinh thuần và truyền thống ở truyện này để so sánh với những truyện trên,
những truyện đã được Lâm Ngữ Đường trùng biên, thiên về điêu trác nghệ thuật và
khắc họa tính cách nhân vật theo kỹ thuật của tiểu thuyết hiện đại.
o0o
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét