|
Một ngọn đèn xanh lửa đóm, hắt hiu tranh sáng với loài ma,
Bao phen dặm cát bụi hồng, tất cả khêu cười cho lũ quỷ
Liễu
Tuyền Cư Sĩ BỒ TÙNG LINH
Niên hiệu Trinh Nguyên
đời Đường, có người họ Thôi tên Vĩ, vốn là con quan cố Giám Sát Ngự Sử Thôi
Hướng. Khi còn sinh tiền, Thôi Hướng từng nổi tiếng là người giỏi làm thơ, sau
chết trong lúc tòng sự ở Nam Hải.
Thôi Vĩ cư trú ở Nam Hải, tính tình rộng rãi khoáng đạt, truộng
nghĩa khinh tài, không chăm lo gì đến gia tài sản nghiệp. Trong vòng mấy
năm thì khánh tận, tiền bạc hết sạch sàng sanh, đành đến cửa chùa ngủ
đậu.
Một hôm vào tết Trung nguyên ngày này dân chúng Phiên Ngung thường
có tục đem thức ăn ngon đến chùa cúng lễ, và tập trung hàng trăm thứ trò chơi
múa diễn ở Khai Nguyên Tự. Vĩ cũng đến đó để xem. Chàng thấy có một bà lão ăn
mày, nhân không đề phòng bị té, làm đổ vỡ một bình rượu của một quán bán
rượu, bị chủ quán vung chân múa tay đánh đập. Mà bình rượu, thật ra, cũng chỉ
đáng giá một mân tiền mà thôi. Vĩ thấy vậy, lòng thương hại, bèn cởi chiếc áo
đang mặc trên người ra để bồi thường thay cho bà lão.
Bà lão bỏ đi thẳng, chẳng thèm cám ơn một lời.
Sau đó một hôm, bà lão tìm đến bảo với Vĩ rằng:
-Mụ xin đa tạ công tử đã cứu mụ thoát khỏi tai nạn. Mụ có thuật
châm cứu chữa khỏi bệnh bướu trên người, nay có mấy sợi cỏ ngải vùng Việt
Tỉnh Cương tặng công tử, nếu như mà gặp ngừời mắc bệnh đó, chẳng những có thể
trị cho người ta, lại còn được vợ đẹp nữa.
Thôi cười, rồi cầm lấy những sợi ngải, thì bà lão đã thình lình
biến mất.
Ít lâu sau Vĩ đến vùng Hải Quang Tự du ngoạn, gặp một vị sư già,
có cái bướu mọc ở tai, chàng lấy ngải ra đốt để chữa cho nhà sư, quả nhiên hiệu
nghiệm đúng như lời bà lào ăn mày nói, cái bướu liền rụng xuống đất. Vị sư già
hết lòng cẩm kích, bảo với Vĩ:
-Bần đạo chẳng có gì quý để đền ơn công tử, chỉ xin niệm kinh cầu
chúc cho công tử hạnh phúc trường thọ. Tuy thế, ở dưới chân núi này, có cụ già
họ Nhậm, gia tư giầu có cự vạn, cũng mắc chứng bệnh như bần đạo. Như nếu công tử
chữa khỏi, chắc chắn sẽ được đền ơn lớn. Để lão viết thư giới thiệu nhá.
Vĩ gật đầu đồng ý.
Khi lão Nhậm được tin ấy, mừng nhẩy cẫng lên, lấy lễ đón tiếp Vĩ
thật là trịnh trọng. Vĩ bèn đem ngải ra đốt, chữa cho lão Nhậm khỏi bệnh ngay.
Lão Nhậm bảo với Vĩ:
-Tạ ơn công tử đã cứu lão khỏi khổ nạn này, lão chẳng có gì nhiều
để hậu tạ công tử, xin biếu công tử mười vạn sâu tiền, mong công tử thư thả ở
lại chơi tệ xá ít hôm, đừng vội vã đi ngay.
Vì thế mà Vĩ ở lại nhà lão Nhậm.
Chàng vốn sành sỏi đàn sáo. Nhân nghe có tiếng đàn cầm trổi lên ở
nhà trên của chủ nhân, bèn hỏi với đứa gia đồng xem ai là người gẩy, thì nó đáp:
-Đó là con gái yêu của chủ nhân đấy.
Chàng bèn mượn đàn để gẩy. Chính lúc đó, người con gái của chủ
nhân âm thầm đi qua, nghe tiếng đàn của Vĩ, liền sinh cảm tình, đem bụng yêu
dấu.
Đương thời, trong nhà lão Nhậm có thờ một vị thần gọi là Thần Một
Chân (Độc Cước Thần), cứ mỗi ba năm phải giết một người để cúng, mà tế kỳ lại
sắp đến, lão Nhậm vẫn chưa kiếm được người để giết, bỗng thay lòng đổi dạ, gọi
người con trai đến thương lượng, nói:
-Nhà ta nay chẳng có khách lạ nào đến, còn thân thuộc không ai có
thể giết để tế thần được. Ta nghe nói đại ân còn có thể không báo, huống hồ chỉ
chữa cái tật nhỏ!
Bèn ra lệnh sửa soạn đầy đủ thức ăn rau trái để tế thần, chờ nửa
đêm sẽ đem Vĩ ra giết. Sau đó âm thầm khóa bên ngoài cửa phòng Vĩ lại, mà Vĩ
chẳng hề hay biết gì.
Người con gái của lão Nhâm lén nghe biết chuyện, kín đáo đem một
con dao để vào ngách cửa sổ, và bảo với Vĩ:
-Nhà thiếp thờ quỷ, đêm nay tất giết chàng để cúng quỷ, chàng hãy
dùng con dao này, phá cửa mà trốn đi, bằng không, lát nữa thì chết. Nhưng nhớ
mang dao theo, đừng để lại mà lụy đến thiếp.
Vĩ nghe xong, sợ hãi, toàn thân mồ hôi tháo ra như tắm, vớ lấy
đao, chém gẫy trấn song cửa sổ, cầm theo ít cỏ ngải, rồi nhẩy ra ngoài, tháo
then cửa lớn, lập tức chuồn thẳng.
Lão Nhâm bất ngờ biết được, bèn đem theo hơn mười đứa gia đồng, kẻ
cầm đuốc, người cầm đao, đuổi theo Vĩ sáu bẩy dặm, cơ hồ suýt bắt được chàng.
Vĩ vì lạc đường, rơi xuống một cái giếng khô, nên bọn người đuổi theo bị mất tung tích, phải quay trở về nhà.
Khi Vĩ bị rơi xuống giếng, cũng nhờ những lá khô, lá mục, lâu ngày
thành một cái đệm dầy, nên Vĩ không bị thương tích gì.
Chừng khi trời sáng, Vĩ nhìn, té ra là một cái huyệt lớn, sâu hơn
một trăm trượng, không thể nào ra nổi. Tứ phía đều là lối trống
không ngoằn ngoèo khúc khuỷu, có thể chứa cả ngàn người. Vĩ thấy ở giữa
động có một con trăn trắng to lớn, nằm cuộn khúc, dài cũng vài trượng. Trước
đầu trăn có một cái cối đá bằng đá, trên trần đá có một vật lỏng như mật cao
nhỏ từng giọt xuống cối. Vĩ thấy trăn bèn lấy nước đó mà uống, lòng cảm
thấy thấy lạ lùng, kỳ quái, bèn khấu đầu khấn vái:
-Tôi chẳng may rơi lạc xuống đây, xin Long Vương thương tình đừng
làm hại tôi !
Khấn xong, lấy chỗ mật cao còn lại trong cối đá mà uống, nhất thời
trong bụng không cảm thấy đói khát nữa. Khi nhìn kỹ thêm, Vĩ thấy ở môi của
trăn cũng có một cục biếu, nghĩ đến cái ơn trăn đã thương mình, ý tính
đem ngải cứu ra trị cho trăn, nhưng chẳng lấy lửa vào đâu được. Một lúc lâu
sau, chợt có tia lửa từ xa bay vào trong động, Vĩ bèn đốt ngải, rồi giải thích
với trăn, sau đấy mới châm vào cái bướu. Bướu lập tức rơi xuống đất.
Từ truớc, trăn bị bướu làm trở ngại ăn uống, nay nhất thời mất đi,
cảm thấy thuận lợi, bèn nhả ra một viên ngọc lớn, đường kính chừng một thốn để
đền ơn Vĩ.
Vĩ không nhận, bảo với trăn rằng:
-Ngài là Long Vương có tài hưng vân bố vũ, chuyển hóa âm dương,
xuất một tùy tâm, tất có cách cứu kẻ trầm luân, nếu đưa được tôi ra khỏi chốn
này, trở về nhân thế, thì ơn ấy tôi xin một đời khắc ghi tại tâm can. Tôi chỉ
mong được về ngay, còn châu báu ngọc ngà nào có cần chi.
Nghe Vĩ nói thế, trăn liền nuốt lại viên ngọc vào bụng, rồi uyển
chuyển bò đi, như có ý định đến một chỗ nào đó.
Vĩ vái thêm lần nữa, rồi trèo lên lưng trăn. Nhưng trăn chỉ bò ở
trong động, như thế có đến hơn mười dặm, chứ không chịu ra khỏi động khẩu.
Trong động hắc ám như sơn, may nhờ có ánh sáng từ vẩy trăn tỏa ra như đuốc,
chiếu lên hai bên vách, Vĩ thấy có những hình vẽ đàn ông, ngừơi nào cũng đội mũ
đeo đai cả, phục sức như các vị quan ngày xưa. Sau, đi đến một cái cửa bằng đá,
trên cửa có khoen thú vật bằng đồng, miệng ngậm môn hoàn, thông suốt bên kia
sáng trưng. Trăn đi đến đấy, thì cúi đầu, không muốn tiến thêm nữa, mà ngừng
lại để cho Vĩ xuống. Vĩ tưởng đã về đến cõi trần, bèn bước vào nhà. Chỉ thấy đó
là động phủ, trống không, rộng rãi, diện tích ước chừng hơn một trăm bộ, ngăn
bởi bốn vách trạm trổ, điêu khắc. Giữa động buông phủ màn gấm thêu mầu
vàng, mầu tía. Trên màn lại gắn trân châu phỉ thúy, làm Vĩ hoa cả mắt. Trước
màn, là một chiếc lư đồng, có các loại thú như giao long, loan phụng, quy
xà, yến tước, làm trang trí, đang há mỏ trương mồm nhả khói hương thơm nồng
nặc. Bên cạnh có một cái ao nhỏ, lát băng hoàng kim và bạch ngọc. Trong ao đổ
đầy thủy ngân để thả những con vịt trời, hải âu, bằng ngọc quý bơi lội. Sát bốn
vách tường, kê những chiếc bàn khảm tê giác, sừng voi. Trên bàn bầy các loại
nhạc khí như cầm, sắt, sênh , hoàng , đào, chúc... Nhất thời, Vĩ không sao nhớ nổi hết là bao
nhiêu thứ. Chừng để ý nhìn kỹ, thấy những nhạc khí đó còn in dấu tay của người
vừa mới chơi xong, lòng đâm ra hoang mang mơ hồ, không biết đây là động phủ
nào. Lúc lâu sau, Vĩ lấy đàn gẩy thử, thì những cửa sổ trên bốn vách tường đều
bật mở, có một con hầu áo xanh đi ra cười, nói:
-Ngọc Quỳnh Tử đã đưa Thôi lang đến!
Rồi lại quay người trở vào ngay.
Khoảnh khắc, có bốn nữ lang, đều búi tóc theo lối cổ, quần áo sặc
sỡ thướt tha, đi ra bảo Vĩ:
-Chàng họ Thôi này ở đâu mà tự tiện vào trong mộ huyệt của hoàng
đế vậy!
Vĩ vội vã buông đàn xuống, chắp tay hành lễ vái chào. Các nàng
cũng vái chào đáp lễ.
Vĩ hỏi:
-Đã là mộ của hoàng đế, vậy xin quý nương cho biết hoàng đế nay ở
đâu?
Đáp:
-Hoàng đế đi dự yến với vua Chúc Dong, nay tạm vắng nhà.
Rồi các nàng mời Vĩ vào ghế ngồi gẩy đàn tiếp. Chàng gẩy một
khúc nhạc của người Hồ. Các nàng hỏi:
-Đó là khúc nhạc gì vậy ?
Vĩ thưa :
-Đó là khúc Hồ Già.
Lại hỏi:
-Hồ Già là khúc gì, chị em thiếp không hiểu ?
Vĩ đáp:
-Thời Hán có nàng Sái Văn Cơ, con gái quan Trung Lang Sái Ung, bị
người Hung Nô bắt, phải luân lạc nơi đất Hồ, khi trở về nước, cảm nhớ đến những
việc cũ ở đấy, mới đem phổ thành một khúc nhạc để gẩy, nhạc nghe ai oán nức nở
như tiếng kèn của Hung Nô vậy.
Các nàng đều tỏ ra vui vẻ, nói:
-Thật đúng là một tân khúc !
Rồi sai thị nữ đem rượu nếp ra rót mời Vĩ.Chàng khấu đầu tạ ơn, đem
cái ý tha thiết muốn trở về, cầu xin với các nàng giúp đỡ.
Một nữ lang bảo:
-Chàng đã đến nơi đây, âu cũng là cái duyên tiền thế, hà tất phải
vội vã, xin hãy tạm nán lại, lát nữa sẽ có sứ giả nước Việt đưa về.
Một cô khác nói:
-Hoàng thượng đã hứa đem Điền phu nhân gả cho chàng, thì cũng nên
gặp gỡ nhau mới phải chứ !
Vĩ chẳng hiểu đầu đuôi truyện gì, nên im lặng không dám nhận lời.
Các nàng bèn bảo thị nữ vào mời Điền phu nhân ra, nhưng phu nhân lấy cớ chưa có chiếu chỉ của nhà vua, nên không dám gặp Vĩ.Mời thêm lần nữa, cũng không ra .
Nữ lang bảo Vĩ rằng:
-Điền phu nhân là người nhu mì, đức hạnh, lại xinh đẹp, trên đời
không ai sánh nổi, xin chàng hày để tâm săn sóc , cũng là túc duyên cả.Phu nhân
chính là con của Tề Vương đấy.
Vĩ hỏi :
-Tề Vương là ai vậy ?
Đáp:
-Tề Vương húy là Điền Hoành, vào thời kỳ đầu nhà Hán, từng làm vua
nước Tề, khi Hàn Tín diệt Tề, mới bỏ trốn ra sống ở hải đảo.
Lát sau, có bóng mặt trời chiếu vào chỗ Vĩ ngồi, chàng ngẩng đầu
lên nhìn, qua một lỗ hổng, chàng thấy thấp thoáng ẩn hiện thế giới nhân gian.
Các nàng đều nói :
-Sứ giả Dương Thành sắp đến !
Sau đó, quả nhiên Vĩ thấy từ trên không có một con dê trắng từ từ
đi xuống, tiến đến chỗ ngồi. Trên lưng dê có một người đàn ông, áo quần
nghiêm trang, một tay cầm một cây bút lớn. Tay kia cầm thanh trúc xanh, trên có
những chữ viết theo lối triện.
Sứ giả đặt thanh trúc xanh lên trên án thư. Các nàng sai tì nữ đọc
các hàng chữ trên thanh trúc như sau: “Thứ Sử Quảng Châu là Từ Thân đã qua đời,
nay do An Nam Đô Hộ Triệu Xương thay thế”.
Rồi rót rượu mời sứ giả và nói :
-Thôi lang muốn trở về Phiên Ngung, xin phiền sứ giả đưa chàng
cùng về nhá.
Sứ giả mạnh dạn nhận lời ngay, rồi quay đầu sang bảo với Vỹ :
-Ngài sau này nhất định phải thay tôi đổi áo quần, tu bổ phòng
thất, để trả thù lao đấy nhá.
Vĩ chẳng hiểu sứ giả nói gì, chỉ gật đầu lia lịa cho xong.
Các nàng lại nói :
-Hoàng thượng có sai chị em thiếp đem quốc bảo Toại Dương Châu
tặng cho Thôi lang, khi đưa về nước, sẽ có người Hồ bỏ mười vạn mân tiền
ra mua
Vĩ chắp tái vái tạ lần nữa, nhận lấy báu vật, rồi hỏi các nàng:
-Vĩ tôi chưa từng được yết kiến hoàng thượng, lại không phải chỗ
thân tộc, sao lại đột ngột đem ngọc quý mà ban cho như vậy ?
Các nàng đáp:
-Tiên quân trước đây từng có thơ đề ở Việt Vương Đài, khiến cho
quan Thứ Sử Từ Thân cảm động mới cho tu bổ lại Việt Vương Đài. Hoàng thượng
cũng lấy làm cảm kích, nên cũng có thơ đề tiếp, cái ý đem ngọc báu tặng cho
chàng nằm ở trong bài thơ đó, đâu cần chị em thiếp nói ra, lẽ nào chàng lại
không thấy.
Vĩ hỏi :
-Không biết trong thơ hoàng thượng viết gì ?
Các nàng bèn sai thị nữ, đem thơ đề trên quản bút của sứ giả nước
Việt cho Vĩ coi. Thơ rằng :
Thiên tuế hoang đài huy lộ ngung
千 歲 荒 台 隳 路 隅
Nhất phiền Thái thú trùng tiêu đồ
一 煩 太 守 重 椒 涂
Cảm quân phất thức ý hà cực
感 君 拂 拭 意 何 极
Báo nhĩ mỹ phụ dữ minh châu.
報 爾 美 婦 與 明 珠
Vĩ lại hỏi :
-Hoàng đế nguyên danh tính là gì ?
Nữ lang đáp :
-Sau này thì sẽ tự biết !
Rồi nói tiếp :
-Vào ngày tết Trung
nguyên, chàng nên sửa soạn rượu ngon và đồ nhắm tốt trong một tĩnh thất ở Chùa
Bồ Giản tỉnh Quảng Châu, chị em thiếp sẽ đưa Điền phu nhân tới.
Vĩ bái tạ cáo từ, tính trèo lên lưng dê của sứ giả, thì nữ lang
nói :
-Nghe nói chàng có loại ngải cứu của Bảo Cô, có thể cho chị em
thiếp ít nhiều được chăng ?
Vĩ để ngải cứu lại tặng bốn nàng, nhưng không biết Bảo Cô là ai,
bụng còn đang suy nghĩ, chớp mắt đã thấy ra khỏi động phủ, chân đạp trên một
vùng đất bằng phẳng, ngẩng đầu nhìn sao trên trời, mới biết là đã canh năm. Một
lát sau thì nghe tiếng chuông chùa Bồ Giản vọng lại, bèn đi đến đó, đựơc các
tăng nhân trong chùa, đem cháo sớm cho ăn, rồi trở về Quảng Châu.
Nguyên ngày trước, ở Quảng Châu, Vĩ có thuê một gian phòng làm chỗ
cư trú, nay bèn trở về đấy để hỏi thăm tin tức, té ra chàng xa nhà đã ba năm
rồi.
Chủ nhà hỏi Vĩ :
-Công tử đi đâu mà ba năm nay mới trở về vậy?
Vĩ không muốn nói sự thực, cứ đẩy cửa bước vào phòng, chỉ thấy bàn
ghế, giường tủ, vẫn y nguyên như cũ, nhưng bụi bặm phủ đầy, trong lòng cảm
thấy sót sa đau đớn. Chàng hỏi chủ nhà về tình huống của viên quan Thứ sử
Quảng Châu Từ Thân, quả nhiên ông đã qua đời, và người đến thay là Triệu Xương.
Hôm sau, Vĩ tìm đến một thương điếm của người Ba Tư, lén bỏ viên
ngọc báu đã được tặng ra bán. Một ông lão người Hồ, chợt nhìn thấy viên ngọc
ấy, lập tức bò xuống đất, hai tay chắp lên trán vái chàng, nói :
-Công tử nhất định từ mộ huyệt của Nam Việt Vương Triệu Đà trở về,
bằng không, không thể có viên ngọc báu này được. Bởi vì viên ngọc này đã được
đem tuẫn táng chung với Triệu Vương rồi.
Vĩ bèn đem tình thực nói cho ông ta rõ, và chàng mới được
biết hoàng đế chính là Triệu Đà, nhân vì Triệu Đà từng xưng là Nam Việt Võ
Vương. Sau đấy, ông lão người Hồ bỏ ra mười vạn mân để mua viên ngọc của chàng.
Vĩ hỏi ông lão người Hồ :
-Cụ làm sao mà biết được lai lịch của viên ngọc này ?
Ông lão người Hồ đáp :
-Viên ngọc Toại Dương Châu này là quốc bảo của nước Đại Thực chúng
tôi, vào thời đầu nhà Hán, Triệu Đà từng phái người có bản lãnh trèo núi vượt
biển đến nước tôi ăn cắp mang về Phiên Ngung, cách nay cũng cả ngàn năm. Nước
chúng tôi có người có tài coi xem xét thiên tượng, có báo trước là năm sau quốc
bảo sẽ được trở về nước, bởi thế cho nên quốc vương nước tôi mới phái tôi đem
thuyền lớn và tiền bạc đến Phiên Ngung để tìm mua về. Nay quả nhiên đúng như
vậy.
Sau đấy, ông lão người Hồ lấy nước ngọc dịch để rửa, phút chốc
sáng chưng cả phòng, rồi ông vội vã xuống thuyền trở về Đại Thực Quốc.
Vĩ có được món tiền lớn, bèn mua sắm đất đai nhà cửa, nhưng tìm
kiếm Dương Thành sứ giả thì tuyệt vô âm tín.
Một hôm chàng có việc đến miếu thành hoàng, bất chợt thấy những
tượng thờ ở đó có một bức trông giống Dương Thành sứ giả, lại thấy trên cây bút
của bức tượng có những chừ viết nho nhỏ, đó chính là bài thơ đã đọc ngày
trước ở trong mộ. Nhân thế, Vĩ đem rượu thịt đến miếu cúng tế, và cho tô điểm
lại bức tượng, cùng mở mang miếu rộng thêm.Và cũng nhờ vậy, Vĩ mới biết là
Dương Thành tức Quảng Châu thành, vì trong miếu có tượng năm con dê.
Sau đó, chàng hỏi thăm đến nhà cửa chỗ ở của ông già họ Nhâm, té
ra đó là mộ của Nam Việt úy là Nhâm Ngao.Vĩ lại lên Việt Vương Đài để xem bài
thơ do cha chàng đề. Thơ rằng :
Việt Tỉnh Cương đầu tòng bá lão
越 井 岡 頭 松 柏 老
Việt Vương Đài thượng sinh thu thảo
越 王 台 上 生 秋 草
Cổ mộ đa niên vô tử tôn
古 墓 多 年 無 子 孫
Dã nhân đạp tiễn thành quan đạo
野 人 踏 踐 成 官 道
Bên cạnh có bài thơ họa của Nam Việt Vương Triệu Đà, khiến Vĩ cảm
thấy nguồn gốc sự tình có nhiều điều kỳ quái, bèn tìm người chủ trì miếu
để hỏi, thì người ấy nói:
-Trước đây quan Thứ Sử Từ Thân nhân lên thăm Việt Vương Đài, cảm động vì bài thơ của Thôi Ngự Sự, mới cho tân trang tu bổ lại đài, nên bây giờ trông mới tráng lệ như vậy đấy!
Sau, đến gần ngày tết Trung Nguyên, Vĩ chuẩn bị một mâm rượu thịt
rất là phong phú hậu hĩnh, đem đến chờ trong một tĩnh thất ở chùa Bồ Giản. Quả
nhiên đến gần nửa đêm, có bốn người con gái dìu Điền phu nhân đến. Trông nàng
dung mạo, rất là kiều diễm, nói năng từ tốn văn vẻ. Bốn nàng con gái cùng Vĩ
uống rượu trò truyện, cười đùa, mãi cho đến lúc gần sáng, mới cáo từ ra về. Vĩ
cũng vái chào tạ ơn, rồi viết một lá thư cho Nam Việt Vương Triệu Đà, lời thư
rất là cung kính, chỉ cốt bầy tỏ lòng biết ơn mà thôi, sau đó, mới dắt Điền phu
nhân vào trong phòng.
Vĩ hỏi nàng :
-Khanh đã là con gái của Tề Vương, vì sao lại lấy Nam Việt Vương ?
Nàng đáp :
-Thiếp vì cảnh quốc phá gia vong, nên bị Nam Việt Vương bắt đem về
làm cung nữ. Khi Nam Việt Vương mất, thiếp bị tuẫn táng chung. Nay không biết
là thời đại nào, chỉ mơ màng nhớ rằng việc Tề Vương Điền Quảng luộc Lịch Tự Kỳ
như mới vừa xẩy ra hôm qua. Nên mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, không khỏi xót xa
rơi lệ.
Lại hỏi :
-Còn bốn người con gái ?
Đáp :
-Đều là những cung nữ bị tuẫn táng như thiếp. Trong đó có hai cô
do vua Âu Việt là Dao tặng, còn hai cô kia do vua Mân Việt là Vô Chư kính
hiến.
Vĩ lại hỏi :
-Cả bốn nàng đều nhắc đến tên Bảo Cô, vậy Bảo Cô là ai, khanh có
biết không?
Đáp:
-Bảo Cô là con gái Bảo Tịnh, vợ của Cát Hồng, thường đốt ngải cứu
để trị bệnh cho người ta ở Nam Hải.
Bấy giờ Vĩ mới hiểu rõ Bảo Cô là bà lão đã cho chàng những sợi cỏ
ngải cứu ngày trước, lòng không khỏi kinh sợ.
Còn Ngọc Quỳnh Tử là con rồng mà cổ xưa An Kỳ Sinh đã cưỡi để lên
chầu Thiên Đế, nên mới có hiệu là Ngọc Quỳnh Tử.
Vĩ nhân vì rơi xuống huyệt, được uống nước rãi rồng mà da dẻ trở
nên nõn nà, và gân cốt nhẹ nhàng cứng cáp.Chàng sống tại Nam Hải hơn mười năm,
rồi đem hết tiền tài gia sản phân phát cho người ta, một lòng học đạo, rồi đem vợ
con đến núi La Phù Sơn đi tìm Bảo Cô.
Rốt cuộc, không ai thấy chàng đâu nữa.
(Dịch xong ngày 20-9-2003-lúc 23:49 Phạm xuân Hy)
Vài nét về tác giả:
Bùi Hình
裴 鉶
Theo "Toàn Đường
Thi" và "Đường Thi Ký Sự" thì vào năm Hàm Thông đời Ý Tông nhà
Đường, Bùi Hình từng chức Chưởng Thư Ký, gia Thị Ngự Sử cho Cao Biền, lúc
đó làm Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ ( thuộc Lãnh Nam đạo, trị Giao Châu)
Đến năm Càn Phù ngũ niên
(năm 878) đời Hy Tông, từ Ngự Sử đại phu, Bùi Hình được thăng làm Tiết Độ
Phó Sứ Thành Đô. Ông soạn bộ "Truyền Kỳ" gồm ba quyển, thuật những sự
tích kỳ lạ, biến ảo.Lời văn mỹ lệ, tinh vi, làm say mê người đọc. Tại các
triều Đường, Tống, sách cuả ông được phổ biến rộng rãi. Vì thế, người thời Tống
gọi những tiểu thuyết thần tiên hư ảo đời Đường là "Truyền Kỳ". Và
hai chữ truyền kỳ trở thành tên gọi của một thể tài văn học Trung Quốc (thường
gọi là thể truyền kỳ chí quái), Liêu Trai Chí Dị cũng được viết theo thể tài
này.
Sách "Lĩnh Nam Chích
Quái" trong truyện Nam Chiếu, thuật là "Niên hiệu Hàm Thông thứ sáu,
vua Ý Tông nhà Đường sai Cao Biền sang làm Đô Hộ, đem binh đánh Nam Chiếu, bèn
đặt đạo quân Tĩnh Hải ở thành An Nam và cho Biền làm Tiết Độ Sứ. Lỗ Tấn đặt ra
câu hỏi là "Việc Biền là ham
thích những việc thần tiên, chẳng hiểu có quan hệ gì đến Bùi Hình
không ? (Truyện Thôi Vỹ được tuyển từ Thái Bình Quảng Ký ).
Trong sách An Nam Chí Lược
(thế kỷ thứ 14) có chép bài bia "Thiên Oai Kinh Tân Tạc Hải Phái Bia
" do Bùi Hình soạn.
Rất mong bài bia này được
các sử gia chuyên nghiệp để ý nghiên cứu.
Chú
thích:
Trinh Nguyên 貞 元
Vua
Đức Tông nhà Đường làm vua từ năm 780 đến năm 805, có ba niên hiệu là Kiến
Trung, Hưng Nguyên và Trinh Nguyên.
Trinh
Nguyên là niên hiệu từ năm 785 đến năm 805.
Triệu Đà 趙 佗
Năm
210 trứơc Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng chiếm Lĩnh Nam và chia vùng đất này làm
ba quận là Quế Lâm, Hải Nam (nay là tỉnh Quảng Đông) và Tượng Quận, cho Nhâm
Ngao làm Nam Hải Uý, (sách Đại Việt Sử Lược viết là chức Ký Quận) và cho Triệu
Đà làm Long Xuyên lệnh (thuộc quận Nam Hải). Cuối đời Tần, Đà nghe lời
Nhâm Ngao đánh chiếm Lĩnh Nam, tự xưng là Nam Việt Vương, đóng đô ở Phiên
Ngung, (năm 207 trước công nguyên), trước Lưu Bang xưng Hán Vương ở Trung
nguyên một năm, (tức năm 206 trước CN).
Đến
năm 196 TCN, sau khi đã định yên được thiên hạ rồi, Lưu Bang sai Lục Giả sang
phong cho Đà là Nam Việt Vương.
Tuy
vẫn gọi là Nam Việt Vương, nhưng ý nghĩa khác hẳn nhau. Vì khi Đà xưng là Nam
Việt Vương, thì chữ Vương ở đây là danh hiệu cao quý của người nắm quyền
tối cao trong một nước, như vua các triều đại Hạ, Thương, Chu, đều có danh hiệu
là Vương cả (Chu văn Vương). Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc bỏ danh
xưng là Vương, mà gọi là Hoàng Đế. Vua các triều đại từ Hán Cao Đế Lưu
Bang tập theo lối của Tần Thủy Hoàng đều gọi là Hoàng Đế.
Còn
chữ Vương trong Nam Việt Vương mà Lưu Bang phong cho Đà, chỉ là một tước phong
mà thôi, Đà bị coi như thần tử của nhà Hán.Việc phong vương như thế,
chúng ta thấy xẩy ra dài dài trong lịch sứ của nước ta, cho đến khi Pháp đặt
quyền cai trị ở Việt Nam thì chấm dứt.
Đến
thời Lã Hậu cấm không cho người Nam Việt mua đồ sắt, Đà tự
tôn là “đế”, Nam Việt Võ Đế, cho ngang hàng với nhà Hán rồi đem binh đánh
quận Trường Sa.
Sang
đến đời Hiếu Văn Đế nhà Hán, Văn Đế sai Lục Gỉa sang trách việc Đà tự lập làm “đế”,
thì Đà giải thích: “Lão thần trộm dùng bậy danh hiệu “đế” chỉ để tự mua
vui chứ đâu dám để nói đến tai bệ hạ”.
Coi
ngôi báu như một trò mua vui, Đà quả là một tay chơi ngông. Đã vậy, sao về sau
lại sợ mà phải từ bỏ danh hiệu hoàng đế?
(Đọc
thêm Sử Ký của Tư Mã Thiên: Nam Việt Liệt Truyện)
Việt Tỉnh Cương 越 井 岡
Tức
núi Việt Tú Sơn, nay thuộc phía bắc Quảng Châu
Hồ Gìa 胡 笳
Là
một loại nhạc cụ thổi bằng ống của người Hồ, thời Đường rất thịnh hành ở vùng
biên giới phía bắc Trung Quốc và Tây Vực.
Hồ nhân 胡 人
Thời
cổ người Trung Hoa gọi những người dân tộc ở Tây Vực và người ở biên giới phía
bắc gọi họ là người Hồ.Từ thời nhà Hán trở về sau, người Tầu gọi chung các người
ngoại quốc gọi là Hồ nhân.
Điền Hoành 田 横
Điền
Hoành người Địch Huyện (nay nằm phía đông nam huyện Cao Thanh, tỉnh Sơn Đông) vốn
là dòng giõi quý tộc nước Tề. Cuối đời nhà Tần theo anh là Điền Đam khởi binh
xây dựng lại nước Tề. Trong luc Hán và Sở tranh nhau thiên hạ, thì Hoành
tự lập làm Tề Vương, được ít lâu thì bị quân Hán đánh bại, phải chạy sang
nhờ cậy Bành Việt. Khi nhà thành lập, Hoành dẫn năm ngàn người đồ đảng chạy ra
hải đảo, Hán Cao Tổ cho vời Hoành đến Lạc Dương, nhưng Hoành không muốn làm thần
tử nhà Hán, đến giữa đường bèn tự sát. Những người đi theo Hoành ra cư
trú ở hải đảo, được tin Hoành chết, đều tự sát tất cả.
(Hoành
chết năm 202 trước Công Nguyên, không rõ năm sinh)
An Nam Đô Hộ Triệu
Xương 安 南 都 護 趙 昌
Theo
An Nam Chí Lược của Lê Tắc thì: Triệu Xương tự là Hồng Tộ làm Thứ Sử Kiền Châu,
gặp lúc tù trưởng An Nam là Đỗ Anh Hàn khởi binh chống lại, vua (tức Đường Đại
Tông) cho Triệu Xương làm Đô Hộ. Xương ở An Nam mười năm, chân đau xin về nước.
Theo
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì: Nhà Đường lấy Triệu Xương làm Đô Hộ. Xương vào
trong cõi, lòng dân bèn yêu. Xương sai sứ dụ An (tức Phùng An con của Bố Cái Đại
Vương Phùng Hưng), An đem quân hàng. Xương đắp thêm La Thành kiên cố hơn trứớc,
ở chức 17 năm, vì đau chân xin về, vua Đường chuẩn cho, lấy Lang Trung Bộ Binh
là Bùi Thái thay Xương. (Theo truyện thì Xương giữ chức An Nam Đô Hộ được về
thay Thứ Sử Quảng Châu là Từ Thân mất)
Cũng
theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì Đỗ Anh Hàn không phải tù trưởng An Nam mà là
người đồng hương của Phùng Hưng đã hiến kế cho Phùng Hưng đem quân vây phủ, khiến
cho Cao Chính Bình (lúc đó là An Nam Đô Hộ) lo sợ phẫn uất thành bệnh ở
lưng mà chết.
Năm
ngoài bẩy mươi tuổi, Xương lại được Đường Đức Tông làm Đô Hộ Giao Châu.
Cát Hồng 葛 洪
Sinh
năm 283 mất năm 363
Người
thời Đông Tấn, nổi tiếng là Đạo Giáo học giả, Luyện đan gia, tự là Trĩ Xuyên,
hiệu là Bão Phác Tử, người Đan Dương Câu Dung (nay thuộc Giang Tô), đời gọi là
Tiểu Tiên Ông, xuất thân trong một thế gia đại tộc, quảng lãm chư tử bách gi,
ham thích phép thần tiên đạo dưỡng. Tư Mã Duệ dùng làm duyện thuộc, tham quân,
sau nhờ có công trấn áp cuộc nổi dậy của Thạc Băng thăng làm Phục Ba Tướng
Quân, tước Quan Nội Hầu.
Đầu
năm Hàm Hòa đời Tấn Thành Đế, nghe đất Giao Chỉ có nhiều đan sa, ông xin được
làm Câu Lậu lệnh (nayở phía nam tỉnh Quảng Tây.), rồi đem con cháu đến Quảng Tây,
lên núi La Phù Sơn hái thuốc luyện đan tu hành ở đấy.
Ông
chủ trương rằng muốn sống lâu người theo đạo học phải trung đa văn
quảng kiến, biết khí pháp, đạo dẫn, luyện kim đan, phòng trung thuật... mới
có thể trường thọ thành tiên được. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh phải lấy trung
hiếu, thuận hòa, nhân tín làm căn bản, còn không tu trì đạo đức, mà chỉ chuyên
vào phương thuật không thôi, không thể đạt đến chỗ trường sing được.
Trứ
tác của ông để lại hiện nay còn có: “Bão Phác Tử nội biên”, “Bão Phác Tử
ngoại biên”, “Đạo Tạng”, “Thần Tiên Truyện”.
An
Nam Chí Lược của Lê Tắc chỉ viết rất sơ sài về ông.
Việt Vương đài 越 王 台
Đài
do Nam Việt Vương Triệu Đà xây cất, nay trên núi Việt Tú Sơn ở tỉnh Quảng Tây
Nam Việt Vương mộ 南 越 王 墓
Theo
truyện thì Thôi Vĩ rơi xuống một ngôi mộ, đó là mộ của Triệu Đà.
Nhưng
vào tháng sáu năm 1983, tại tỉnh Quảng Đông, thị trấn Quảng Châu, trên núi Tượng
Cương Sơn người ta đã khai quật một ngôi mộ đời vua thứ hai nhà Triệu tên
là Triệu Muội, mà trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gọi đời vua thứ hai này của
nhà Triệu là Văn Vương, húy là Hồ, con của Trọng Thủy, cháu của Triệu Đà, lên nối
ngôi Đà vào năm Kiến Nguyên thứ tư đời Hán Võ Đế (tức năm 137 TCN ), và
chết năm 125 TCN.Về sau được nhà Trần phong là Khai Thiên Tác Đạo Thánh
Võ Thần Triết Hoàng Đế 開 天 作
道 聖 武
神 晢 皇
帝.
Ngôi
mộ của Triệu Văn Vương có bề ngang là 12.42m, bề dọc là 10.8m, cao 3m. Phía
trước, phía sau, bên tả, bên hữu, có bốn ngôi trắc thất. Tiền thất là môn sảnh,
hậu thất là mộ chủ để quan tài của Triệu Văn Vương. Quan tài này đã bị hủ nát,
nhưng xương cốt của Triệu Văn Vương được bao bọc trong một chiếc ngọc y, từ
trên xuống dưới gắn mười viên ngọc bích. Ở hai bên nách của mộ chủ đeo 10 thanh
kiếm sắt, và 8 ấn chương, mà ấn lớn nhất là viên ngọc tỉ của Triệu Văn
Vưong, có đề bốn chữ: “Văn Đế Hành Tỉ” 文 帝
行 璽. Còn
hai căn phòng trắc thất hai bên cạnh, là nhà mồ của những cơ thiếp,
nhạc sư, trù sư, ngự nữ, những người bị bồi táng chung với Triệu Văn Vương, Các
nàng cơ thiếp thì đeo ấn đề "Hữu Phu Nhân Tỉ" và "Tả Phu Nhân Tỉ".
Ngoài
ra , người ta còn tìm thấy hơn một ngàn khí vật khác như thạch ngọc khí, kim
ngân khí, thanh đồng khí, đào khí, đồ sơn, và tơ lụa, rất quý trọng, và hữu ích
cho người nghiên cứu về lịch sử của nước Nam Việt ngày xưa. Tất cả những bảo vật
tren hiên đang ở viện bảo tàng Nam Việt Vương Mộ Bác Vật Quán ổ Quảng
Châu. (Tài liệu trich trong Hoa Hạ Văn Hóa Từ Điển)
Từ
viên ngọc tỷ của Triệu Văn Vương với 4 chữ đề là Văn Đế Hành Tỉ chứng tỏ
cho thấy là bề ngoài dù Triệu Đà đã viết thư cho nhà vua Hán là Lưu Hằng,
chịu từ bỏ đế hiệu, nhưng trên thực tế đến đời cháu vẫn hành xử đế hiệu, không
chịu nhận tước vương 王 đã bị nhà Hán phong cho.
Và
cũng chứng tỏ thêm một điều nữa là chữ Hán đã có mặt ở nước Nam Việt vào thời
nhà Triệu, chứ không phải bắt đầu ở thời Sĩ Nhiếp, như nhiều người đã viết.
Trước
đây trên báo Khởi Hành, hình như giáo sư Trần Ngọc Ninh đã có bài viết về ngôi
mộ này. Và trên Minh Báo của ông Tra Lương Dung, xuất bản ở Hồng Kông cũng có
tác giả viết về ngôi mộ này. Nhưng báo tôi bị mất không còn tra cứu thêm được.
Tuẫn táng 殉 葬
Là
tục lệ dùng người hoặc vật chôn theo với người chết gọi là tuẫn táng. Ở Trung
Quốc, tục lệ tuẫn táng có từ thời nguyên thuỷ xã hội, người Tàu đã có tục đem
những vật dụng tùy thân, võ khí, cùng những vật phẩm được yêu thích chôn theo với
người chết. Sang đến chế độ nô lệ, thì nô lệ bị giết hoặc bị chôn sống để làm
tuẫn táng phẩm. Trên phương diện giai cấp, phụ nữ chỉ là ngoạn vật, hoặc vật phụ
thuộc của đàn ông quý tộc, vì thế cũng bị chôn theo người chết để làm vật tuẫn
táng. Sách ''Tây Kinh Tạp Ký'' có ghi rằng: Mộ phần của U Vương nhà Chu
có hơn một trăm người phụ nữ bị chôn theo. Kẻ ngồi người nằm, hoặc đứng. Y phục
sắc thái không khác gì người sống. Phần lớn là những phi tần của vua U
Vương.
Đến
thời nhà Tần, tục tuẫn táng phát triển đến cực điểm, và được coi là tàn khốc nhất.
Khi
Tần Thuỷ Hoàng chết, Tần Nhị Thế hạ lệnh bồi táng toàn bộ tất cả những phi thiếp
và cung nữ không có con với Tần Thuỷ Hoàng. Sách Hán Thư ghi rằng số người cung
nữ cùng với thợ bị tuẫn táng lên đến hàng vạn.
Đến
đời nhà Hán, tục tuẫn táng bị bãi bỏ. Hán Võ Đế sau khi chết, những tuẫn táng vật
được sử dụng là những kim ngân châu báu, và những lọai cầm thú chim chóc, trâu,
dê, ngựa, báo còn sống để thay thế cho hàng ngãn cung nữ phi thiếp, được bảo
toãn tính mệnh đưa ra phụng thị lăng tẩm.
Đến
đời Minh, tục phụ nữ tuẫn táng lại được phục hồi, và người phục hồi ác tục này
lại chính là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Khi người con thứ của ông chết, ông
bắt hai người vương phi phải bị tuẫn táng theo. Và chính bản thân Chu Nguyên
Chương khi chết, cũng có 46 người phi thiếp bị chết theo. Mãi đến năm 1464,
Minh Anh Tông lúc gần chết mới để di chiếu lại nói rằng ''Dùng người tuẫn táng
theo trẫm là điều bất nhẫn, từ trẫm trở đi con cháu đời sau không được
làm điều này nữa."
Người
ta giải thích về ác tục này là do cổ nhân ngày xưa tin rằng linh hồn bất diệt,
con người sau khi chết xuống dưới âm gian tiếp tục sinh hoạt, cho nên các vua
quan muốn giữ cái vinh hoa phú quý lúc sinh tiền, mới đem thê thiếp, nô bộc
cùng xuống để tiện bề sai khiến.
Ý của
hai bài thơ trên đây:
Đài hoang bị hủy đã trăm năm nằm bên
vệ đường
Nhờ có thái thú sửa chữa trang hoàng lại
Tạ ơn đă giúp đỡ trùng kiến Việt Vương
đài
Xin tặng ngọc báu và mỹ nữ làm vợ
Trên đầu núi Việt Tỉnh Cương tùng
bách xanh già
Trên đài Việt Vương cỏ thu đă lại mọc
ra
Mộ cổ nhiều năm không có con cháu đến
Để cho người ta đi lại thành đường
cái quan
Nhâm Ngao 任 囂
Quận
úy quận Nam Hải đời Tần, khi nhà Tần sắp bị diệt vong thì Nhâm Ngao tiến cử Triệu
Đà lên thay, lúc đó Đà đang làm huyện lệnh Long Xuyên, một huyện của quận Nam Hải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét