Sinh tử hữu mệnh
46719
Sinh tử hữu mệnh
Người xưa nói: Mệnh là
do Trời chú định. Diêm Vương muốn canh 3 phải chết thì tuyệt đối không thể kéo
dài đến canh 5. Khi ấy, không chỉ thời gian đã được định trước mà ngay cả
phương thức cũng được định sẵn rồi.
Sách “Thái Bình Quảng Ký” chép rằng:
Thời nhà Đường có vị
quan Thái tử Thông sự Xá nhân tên là Vương Biêu. Ông Vương từng nói: “Những gì
gặp phải trong đời đều có liên hệ đến vận mệnh. Vận mệnh và sự nghiệp đều đã
định trước rồi, không phải cát thì là hung, khi nào đến cũng đã chú định
rồi”.
Vương Biêu nhắc lại
câu chuyện Võ Tắc Thiên tàn sát dòng dõi của hoàng đế, lúc ấy thế tử bị đưa đến
Đại Lý Tự phán tội chết. Thế tử than rằng: “Nếu ta không tránh được cái chết,
vậy cớ gì phải vấy bẩn gươm đao”. Nửa đêm, thế tử dùng cổ áo làm dây treo cổ mà
tự vẫn. Nhưng đến khi trời sáng thế tử chợt tỉnh dậy, lại nói lại cười, lại ăn
lại uống, giống như lúc còn ở hoàng cung vậy. Thế tử kể lại: “Ta vừa chết thì
quan âm phủ tức giận nói với ta rằng:
‘Ngươi cần phải bị giết chết, sao lại dám
tự tử? Mau mau trở về chịu hình pháp!’. Ta bèn hỏi nguyên cớ tại sao, quan âm
phủ liền lấy sổ sinh tử ra đưa cho ta xem. Thì ra đời trước ta đã sát nhân hại
mệnh nên đời này phải báo ứng đền mạng”. Bởi thế tử đã hiểu rõ nhân quả báo
ứng, thế nên vào giờ phút hành hình sắc mặt vẫn điềm nhiên bình tĩnh, không hề
sợ hãi chút nào.
Con người đến cõi thế
gian, khi nào chào đời, khi nào về cát bụi, xem ra đã có định số sẵn rồi. Nhân
đời trước tạo quả đời này, hành thiện thì tích đức, làm ác thì tạo nghiệp,
không việc gì là không phải hoàn trả.
Phú quý tại Thiên
Sách “Năng Cải Trai Mạn Lục” của Ngô Tăng triều
Tống chép rằng: Một lần Tống Nhân Tông giá lâm cung điện nghỉ mát, bỗng nghe
thấy hai thị tòng đang tranh luận điều gì đó, nói tới nói lui, vô cùng náo
nhiệt. Thì ra hai người đang tranh cãi chuyện sang hèn là do ai định ra. Giáp
nói: “Sang hèn là do Trời chú định”. Ất nói: “Sang hèn là do Hoàng đế quyết
định”.
Nhân Tông nghe xong
trầm ngâm suy nghĩ một lúc lâu. Ông quyết định thử nghiệm một chút xem kết quả
ra sao. Thế là, ông lệnh cho hầu cận mang ra hai chiếc hộp vàng nhỏ, rồi bỏ vào
đó hai mẩu giấy giống hệt nhau. Trên hai mẩu giấy viết: “Người nào đến chỗ
khanh trước sẽ được trẫm ban cho chức quan Cấp sự, khanh hãy thi ân cho người
đó”. Nhân Tông cất vào hộp rồi niêm phong lại.
Sau đó Tống Nhân Tông
lệnh cho Ất (người nói sang hèn của là do hoàng đế quyết định) đem một chiếc
hộp đến Nội đông Môn ty (nơi sắp đặt chức quan). Tống Nhân Tông dự tính anh ta
đã đi được nửa đường rồi, lúc này mới lệnh cho Giáp (người nói sang hèn là do
Trời chú định) đem chiếc hộp còn lại đến Nội đông Môn ty.
Không lâu sau, Nội
đông Môn ty dâng tấu cho Giáp làm chức quan Cấp sự mà không dâng tấu cho Ất.
Tống Nhân Tông bất ngờ nhất thời không lý giải được. Thì ra Ất đi đến nửa đường
thì không may bị ngã, chân bị thương khá nặng. Vì vậy Giáp tuy xuất phát sau
nhưng lại đến đích trước. Hoàng đế cảm thán rằng, mệnh là do Trời định vậy, cho
dù thiên tử ngôi cao tột bậc cũng không thể nào thay đổi được.
Tranh vẽ Tống Nhân
Tông.
Đời người như vở kịch, trước
khi sinh thì kịch bản đã được viết xong rồi
Sách “Thất Tu Loại Cảo” có một đoạn ghi chép kể về thái
sư Lưu Kiện thời nhà Minh. Khi Lưu Kiện mới chào đời được hơn một tháng thì có
vị tăng nhân hóa duyên đi qua cổng nhà. Vừa trông thấy Lưu Kiện, vị tăng nhân
đã tiên đoán rằng: “Đứa bé này 7 lần chết mà không chết, qua 40 tuổi mới hết
nạn tai, sau làm quan đến nhất phẩm, thọ trên trăm tuổi”.
Quả nhiên, trước khi
40 tuổi Lưu Kiện liên tiếp gặp kiếp nạn, nhưng lần nào cũng có Thần linh ngầm
bảo hộ, bảy lần thập tử nhất sinh, lần nào cũng thoát chết trong gang
tấc.
Lần thứ nhất là khi
ông đọc sách trong ngôi chùa cổ. Một buổi tối chớp lòe sấm động, mưa gió mịt
mù, bức tường ngôi chùa cổ đã nhiều năm không tu sửa đột nhiên đổ sập xuống,
vùi Lưu Kiện ở dưới, đến ngày hôm sau mới được cứu ra ngoài.
Lần thứ hai là khi ông
vào kinh dự thi, giữa đường gặp cướp. Sau khi đoạt lấy y phục của cải, toán
cướp trói ông lại rồi vùi vào trong tuyết, sau đó chúng nghênh ngang bỏ đi.
Đúng lúc Lưu Kiện sắp chết vì đói và rét thì được người đi đường cứu thoát.
Lần thứ ba là khi ông
tham gia thi hội. Hôm ấy trường thi đột nhiên bốc lửa dữ dội, Lưu Kiện không có
đường thoát nên đành liều chết chạy xuyên qua ngọn lửa và may mắn thoát thân.
Lần thứ tư là khi ông
dự tiệc ở nhà một người bạn. Gia chủ sợ khách về sớm bèn khóa cổng lại. Sau đó
không rõ nguyên do gì mà căn nhà cháy lớn, rất nhiều khách khứa đã mắc kẹt
trong biển lửa, duy có Lưu Kiện là giữ được tính mạng.
Lần thứ năm là khi ông
mắc bệnh thương hàn nặng, hôn mê 3 ngày 3 đêm rồi bỗng nhiên tỉnh lại.
Lần thứ sáu là khi ông
cùng đoàn đi sứ. Giữa đường thuyền bị sóng đánh vỡ, Lưu Kiện ôm một miếng gỗ
trôi trên đại dương, mấy ngày sau mới được cứu.
Lần thứ bảy là khi
đang ngủ trưa, ông mở mắt thấy có con mèo ngay ở bên thân. Đúng lúc đó sấm chớp
chói loà, con mèo bị sét đánh, còn ông thì sợ quá ngất đi, mãi sau mới tỉnh
lại.
Bảy kiếp nạn này đều
xảy ra trước khi Lưu Kiện 40 tuổi. Sau này khi bắt đầu vững bước mây xanh, ông
ngày ngày thăng quan tiến tước, được Hoàng đế Hiếu Tông coi là cánh tay phải
của quốc gia, là trọng thần tâm phúc. Sau ông lại lên làm tể tướng, chỉ ở dưới
một người mà trên muôn vạn người.
Sau khi hoàng đế Võ
Tông kế vị, Lưu Kiện rời chức tể tướng, làm nguyên lão triều trước. Võ Tông ban
cho ông chức quan Thái sư. Khi sách “Thất Tu Loại Cảo” hoàn
thành, Lưu thái sư vẫn còn mạnh khỏe, khi đó ông đã 107 tuổi rồi.
Đạo tặc cũng có số Trời
Theo sử sách “Thông Kỷ”, vào năm Chính Thống thứ 14 triều Minh, tại
Quảng Châu có một tướng cướp tên là Hoàng Tiêu Dưỡng, bị giam ở nhà lao đã được
10 năm rồi.
Một hôm, chiếc chõng
tre mà Hoàng Tiêu Dưỡng vẫn thường ngủ bỗng mọc ra rất nhiều lá tre. Trong các
phạm nhân cùng đại lao có một người biết mệnh lý, nói với Hoàng Tiêu Dưỡng rằng
đây là điềm lành, rằng ông ta đã có thể trốn chạy. Hoàng Tiêu Dưỡng vô cùng
mừng rỡ liền đập vỡ hình cụ trên thân, len lén vượt ngục. Sau khi ra khỏi ngục
Hoàng Tiêu Dưỡng xuống biển làm hải tặc, số người theo chân ông ta lên đến hơn
10 vạn người.
Hoàng Tiêu Dưỡng bèn tiếm hiệu xưng vương, cướp bóc tung hoành
trên biển cả.
Đến tháng Hai năm Cảnh
Thái thứ nhất, triều đình lệnh cho đô đốc Đổng Hưng dẫn quân đi thảo phạt hải
tặc. Vào một đêm thượng tuần tháng Ba, có một mảnh sao chổi rơi xuống. Khi đó
trong đoàn quân có người am hiểu thiên văn thiên tượng tên là Mã Thức, đã xem
quẻ nói rằng: “Hiện nay là đầu tháng 3, đến tháng 4 thì có thể bắt được tên hải
tặc Hoàng Tiêu Dưỡng này”.
Quả nhiên đến tháng 4,
quan quân đã đại phá giặc cướp ở Đại Châu Đầu. Hoàng Tiêu Dưỡng bị loạn tên bắn
trúng, rồi bị quan quân bắt sống. Dư đảng của Hoàng Tiêu Dưỡng cũng run sợ đầu
hàng.
Một vị học giả họ Trần
nhận xét rằng: “Chõng làm bằng trúc khô mà mọc cành là điềm báo cái loạn Tiêu
Dưỡng. Sao chổi rơi là điềm báo cái chết của Tiêu Dưỡng. Vận mệnh của đạo tặc
cũng có số Trời, điều gì cũng được báo trước, mọi sự không phải là ngẫu nhiên”.
Đạo nhân nhìn thấu cả cuộc đời
Thái Xác là đại thần
triều Bắc Tống, tên chữ là Trì Chính, là người Tấn Giang, ở Tuyền Châu (Trung
Quốc). Khi ông làm quan Phủ giới Đề cử, trong huyện có một người mộng đến nha
môn, trên điện đường xuất hiện bốn vị có thân phận cao quý, ai ai cũng mặc quan
phục có hoa văn rồng cuốn, đội mũ quan. Lúc này có người nói với anh ta: “Đây
là thứ tự chỗ ngồi của tể tướng triều Tống”.
Anh ta ngẩng đầu xem
thì thấy Thái Xác đang ngồi ở vị trí sau cùng. Nhưng Thái Xác lúc đó mới thăng
làm quan Phủ giới Đề cử, dẫu muốn thăng làm tể tướng cũng là chuyện viển
vông.
Ấy vậy mà Thái Xác đã
thực sự lên làm tể tướng. Sau này khi ông bị giáng chức đến Lĩnh Nam thì người
trong huyện mới bừng tỉnh ngộ: Thì ra Thái Xác chính là vị tể tướng thứ tư bị
giáng chức đày xuống Lĩnh Nam.
Tương truyền, khi Thái
Xác còn trẻ cũng từng mộng thấy một vị Tiên nhân đến nói rằng: khi cha làm
trạng nguyên thì ông sẽ làm chấp chính. Thái Xác tỉnh dậy cảm thấy thật tức
cười, bởi vì cha ông đã cao tuổi rồi, sao lại có thể làm trạng nguyên đây? Sau
này Thái Xác quả thực làm chấp chính, đúng ngày ấy Khoa thi Kim Điện xướng
danh, trạng nguyên quả thực chính là phụ thân của Thái Xác, tên là Thái Hoàng
Thường.
Thời trẻ Thái Xác từng
đi du ngoạn với một người bạn tên là Trương Trực, khi ấy gia cảnh của hai người
đều rất khốn khó. Một lần hai người gặp một Đạo nhân, vị Đạo nhân nhìn chăm chú
vào Thái Xác và nói: “Cậu rất giống Lý Đức Dụ”.
Lý Đức Dụ từng là tể
tướng triều Đường, sau bị lưu đày ở Hải Nam. Thái Xác cho rằng Đạo nhân trêu
đùa mình, bèn cười hỏi: “Vậy vãn bối sau này có thể làm tể tướng chứ?”.
Đạo nhân nói: “Làm
được”.
Thái Xác cười lớn, rồi
lại hỏi: “Vậy vãn bối cũng giống Lý Đức Dụ bị giáng chức lưu đày phương Nam
chứ?”.
Đạo nhân nói: “Đúng
thế”.
Đạo nhân lại nói với
Trương Thực đứng bên rằng, khi nhà anh có 50 nhân khẩu thì anh có thể làm quan
Khanh giám. Rồi Đạo nhân lại bảo với Thái Xác rằng: “Đó cũng là lúc thọ mệnh
của cậu kết thúc rồi”.
Thái Xác và Trương
Thực đều cười ha hả, cho rằng đã gặp một kẻ khùng.
Sau này quả nhiên đúng
như Đạo nhân đã nói: Thái Xác làm tể tướng, rồi lại bị giáng chức xuống phương
Nam. 5 năm sau, một hôm ông nhận được thư của Trương Thực nói rằng ông ta gần
đây được thăng làm Tư nông khanh rồi, cả nhà 50 nhân khẩu ở kinh thành sống rất
khó khăn. Thái Xác mới nhớ tới những lời của Đạo nhân năm xưa, chỉ có điều ông
‘chết’ là chưa ứng nghiệm. Mấy hôm sau, Thái Xác bệnh cũ tái phát mà qua
đời.
Có thể thấy, một đời
người sớm đã được an bài, không phải là điều con người có thể thao túng và làm
chủ. Nhưng khoa học hiện đại lại không chứng thực được những sự việc thần kỳ
này. Giống như loài kiến vĩnh viễn không thể nào chứng thực được sự tồn tại của
con người, khoa học của nhân loại cũng không thể nào hiểu được bí ẩn của vũ trụ
mênh mang.
Kiến Thiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét