Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Nhàn và Nhã



Nhàn và Nhã
VÕ PHIẾN
Sau cuộc thế chiến thứ nhất, tại nhiều quốc gia con người được xã hội bảo đảm cái quyền có công ăn việc làm. Sau khi được quyền làm việc, con người đòi quyền ăn chơi. Và xã hội vội soạn luật để công nhận cho con người quyền ăn chơi.

Thật vậy, sau cuộc thế chiến thứ hai, bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, điều 24 có ghi: “Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi nhàn tản…”.

Một cuộc điều tra lý lịch cho thấy quyền hưởng nhàn của nhân loại mới xuất hiện trên hai mươi năm nay. Nghĩa là mới toanh. Người ta tưởng tượng trong hàng triệu năm loài người thí thân làm hùng hục. Nhưng con người không khờ khạo đến thế: họ đã hưởng nhàn từ lâu trước khi có quyền.

Một hôm, tôi gặp ở An túc một em bé người Thượng trên mười tuổi, bị phỏng khá nặng. Thấy tội nghiệp, hỏi thăm cho biết nguyên do vì sao xảy ra tai nạn, được trả lời rằng em ham vui, rượu say túy lúy, lăn quay ra ngủ, đá đổ ngọn đèn, bị thiêu cháy. Em bé gặp nạn trong cảnh nhàn lạc. Và cha anh của em, bao nhiêu đời tổ tiên của em đã sống cảnh nhàn lạc ấy: đến mùa, thu hoạch hoa màu xong, suốt mấy tháng mưa rừng đổ xuống mịt mù, họ khoanh tay ngồi bên bếp lửa, hút thuốc uống rượu, lơ mơ, nhìn ngày tháng hờ hững trôi qua…

Trong xã hội nông nghiệp trước kia, các cụ chúng ta cũng thưởng nhàn chu đáo:

“Tháng giêng ăn tết ở nhà,

Tháng hai cờ bạc, thánh ba hội hè”…

Khiếp! Hết phần tư của một năm rồi. Dễ không có luật lao động nào rộng rãi đến thế: một ngày nghỉ, ba ngày làm. Trung bình mỗi tuần lễ hai ngày chủ nhật.

Hỏi Alfred Sauvy đặc điểm của thời đại này là cái gì, ông cụ đáp gọn: “Tốc độ”. Tốc độ với sự nhàn tản khó lòng đi đôi với nhau, khó có sự chung sống chân thành. Cho nên về cái “quyền” thì có thể hỏi thăm ở thời đại này, nhưng về cái “thuật” nhàn tản thì nên tìm về các thời kỳ trước.

Và - điều kỳ lạ - là nên tìm về Đông phương.

Nhàn tản (loisir) không hẳn là ở nể (oisiveté). Nhàn, không phải là không làm một việc gì. Kiến trúc sinh lý của con người đòi hỏi phải có sự hoạt động: không hành quân, không đánh máy công văn, thì đọc Kim Dung, thì đánh xì phé, đi chọi gà, đi bơi v.v… Bắt một người ngưng chỉ mọi hoạt động là hành hạ người ấy.

Cho nên nhàn tản cũng là một hoạt động. Lắm khi còn là hoạt động dữ dội hơn lúc làm việc. Một ông giám đốc ngồi ở phòng giấy, cười với người này, bắt tay người khác, hút thuốc, uống rượu, tiếp khách: thế lại là bận rộn với công việc, lại kêu vất vả. Phóc ra sân ten-nít, ông ta mặc xà lõn áo cánh, chạy nhảy dưới nắng như điên, mồ hôi mồ kê nhễ nhại: thế mà ông ta đang thưởng nhàn đấy.

Vậy khác nhau chẳng qua ở chỗ làm việc là hoạt động vì nhu cầu xã hội mà nhàn tản là hoạt động vì nhu cầu sinh lý.

Sự thưởng nhàn ở xã hội Đông phương chúng ta ngày xưa cũng không loại trừ hoạt động. Nhưng các cụ chúng ta dường như chưa bao giờ chọn những cách thừa nhàn đến vã mồ hôi.

Cái chơi của Tây phương ngày nay là đá banh, là phóng xe, là bơi thuyền, là ôm nhau nhảy nhót hò hét v.v… Các thú chơi cổ truyền của ta là: chăm nom một cây kiểng suốt vài mươi năm, truyền tử lưu tôn một gốc cây lùn trong vài ba thế kỷ để mấy đời con cháu thay nhau gọt tỉa, là nhắp chép trà, là tìm cách bày một hòn đá cho hợp với cảnh vườn v.v… Trong năm, những ngày mưa là những ngày thừa thãi nhiều thì giờ nhất. Để tiêu cho hết khoản thừa thãi ấy, một người Á Đông không cần phí sức: “Mùa xuân mưa nên đọc sách, mùa hè mưa nên đánh cờ, mùa thu mưa nên lục những đồ cất trong rương, mùa đông mưa nên uống rượu” ([1]). Lặng lẽ như thế, âm thầm như thế.

Đố kỵ thứ nhàn quần quật, thứ nhàn đẫm mồ hôi, tiền nhân chúng ta chọn một thứ “nhàn” thế nào cho nó “nhã”.

***

Cái nhàn quần quật của Tây phương hiện đại làm cho xã hội bận rộn thêm, và gây tốn kém vô kể. Cách đây mười năm, Raymond Cartier đã tính thường niên Hoa Kỳ chi phí vào sự nhàn du mất ba mươi lăm tỉ Mỹ kim, tức là gấp đôi lợi tức tổng quát về canh nông, gấp bảy lần tổng số thương vụ về kỹ nghệ xe hơi trong toàn quốc. Tổ chức những chuyến bay cho khách du lịch, dựng khách sạn ở các bãi bể, xây hồ tắm, cất rạp xi-nê, lập “ba” v.v… cả xã hội bù đầu vì chuyện nhà du. Nhàn du thành ra một cái cớ để băng xăng nhặng xị lên. Trong khi ấy kẻ mở rương đồ cũ ra, vừa tẩn mẩn soạn từng món, vừa bồi hồi với từng kỷ niệm, kẻ ấy chẳng quấy rầy một ai, chẳng làm tốn kém của xã hội một xu.

Kể ra, trong lịch sử, đôi bên đã nhiều lần học cách “chơi” của nhau. Tây phương học của chúng ta tục uống trà. Nhưng từ cái trà trong “Trà kinh” của Lục Vũ, trong “Trà thư” của Okakura Kakuzo, đến cái trà vắt chanh thêm đường của Âu Tây, sự cách biệt xa như giữa tiếng đàn thánh thót trong phòng với tiếng thanh la của Sơn Đông mãi võ ngoài chợ. Chúng ta cũng có học của Tây phương tục uống cà phê. Nhưng khi về với chúng ta thì cà phê nhẩn nha nhỏ từng giọt trong sự chờ đợi nâng niu, còn ở Hoa Kỳ anh bạn Ký giả Lô-Răng ngán ngẩm trước cảnh vặn rô-bi-nê cho cà phê trong cái lò tổ bố chảy rào ly tồ tồ.

Thành thử mỗi bên đã biểu lộ phong thái riêng của mình trong cái tập tục chung. Một tấm gương in hai khuôn mặt hoàn toàn khác nhau.

***

Có thể vì tạng thể và tâm hồn người Tây phương khác chúng ta, khiến họ ham những động tác mạnh mẽ hung bạo, ghét sự chùng chình đủng đỉnh, khiến họ lúc nào cũng xông pha, tích cực. Cũng có thể chẳng qua vì cái ‘tốc độ” trong nếp sống của xã hội kỹ nghệ in dấu lên tâm hồn họ. Quen sống với chương trình, giờ giấc, trong tiếng động ồn ào, rốt cuộc họ thừa nhàn một cách tất tả.

Dầu sao, đến giai đoạn lịch sử này thì đang xảy ra cái điều tai hại là họ lôi cuốn ta theo họ.

Ở khắp các nước Á Đông, cuốn sách của Mễ Phi dạy phép ngắm nghía đá đẹp đã thành vô dụng từ lâu. Cuốn “Trà kinh” của Lục Vũ cũng chỉ còn được khách phong lưu Á Đông dành cho một địa vị tôn kính từa tựa như tín đồ Hồi giáo đối với sợi râu của Ma-hô-mết.

Cuối thế kỷ này, nhờ sự tiến bộ kỹ thuật, các quốc gia tân tiến kêu rằng họ đạt tới nền văn minh của nhàn du. Thiên hạ hân hoan trước kỷ nguyên mới. Nhưng là kỷ nguyên của thứ nhàn du theo cái lối nhảy lên xe phóng như ma đuổi đi Saint Tropez, đi Nice, đi Vũng Tàu, Long Hải v.v… nằm xếp hàng dày khít, ròi đớp thịt cá ào ào, nốc rượu với cà phê ừng ực… Thứ nhàn du làm bở ơi tai. Thứ nhàn du sốt ruột.

Tạng thể và tâm hồn của con người, nếp sống của xã hội từ nghìn xưa, đã khiến chúng ta phân biệt tiện nghi, dật lạc với an nhàn, khiến chúng ta quan niệm ngốn ngaqaú không phải là nhàn, nhâm nhi mới là nhàn.

Quan niệm ấy, phân biệt ấy, sắp vất đi cả. Vâng, hiện thời chúng ta hãy còn nhấp trà và cà phê khác Âu Mỹ, nhưng cứ cái đà này thì chẳng mấy chốc sẽ hòa đồng!

Hùng hục đuổi theo chiều hướng văn minh Tây phương, chắc chắn rồi chúng ta cũng sẽ chộp được cái quyền nhàn du. Tha hồ hí hửng. Bấy giờ chỉ thiếu có cái cốt cách thanh nhã để thừa nhàn, thế thôi.

1-1969

Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973. Bản điện tử của www.trieuxuan.info



([1]) Lâm Ngữ Đường. “Một quan niệm về sống đẹp”. Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê - Nhà xuất bản Tao Đàn. 1965, trang 240.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét