Cái rét đô thị | |
VÕ PHIẾN
Một hôm, trời chạng vạng tối, cơm nước xong, tôi ngồi trên gác nhìn xuống, lơ đãng theo dõi đám trẻ con giỡn chơi ngoài đường. Bỗng để ý đến ông cụ ở căn nhà đối diện bên kia đường: Ông cụ đến nhà bên cạnh, vào nhà, nói mấy lời với gia chủ, rồi trở ra ngay, xong lại đến một nhà kế cận khác, vẫn chỉ nói mấy lời rồi trở ra. Từ xa nhìn xem điệu bộ của chủ và khách, đều có vẻ gì trịnh trọng, khang khác, không giống như những cuộc tiếp xúc thường nhật trong dịp mượn nhau cái búa cái kềm v.v…
Sáng hôm sau, hỏi ra thì được biết ông cụ đã dọn nhà sang khu phố khác: Đêm ấy ông cụ chào xóm giềng để ra đi.
Ông cụ đã sống ở đây hơn mười năm, thế mà khi bỏ xóm dời nhà, vẫn chỉ thấy cần từ biệt có hai người. Việc mất đi một gia đình diễn ra lặng lẽ âm thầm: tôi nhờ tình cờ mà được chứng kiến, còn bao nhiêu bà con trong xóm phải nhiều ngày sau mới để ý đến sự vắng mặt của gia đình ông cụ nọ.
Tôi vốn lớn lên ở thôn quê, cho nên trước một việc như thế lấy làm ngỡ ngàng: Đời sống của con người ở thành phố sao mà nó nhỏ quá, nó vô danh quá; tình liên hệ giữa người thành phố sao mà lạt lẽo hững hờ quá. Ông cụ nọ quen nếp sống xưa còn có lời ly biệt; đến như lớp trẻ, thường khi hoặc nhập vào khu phố hoặc vụt rời khỏi khu phố tuyệt không hề chào hỏi giã biệt ai cả.
Từ thôn quê ra thành thị, con người càng dồn sát gần nhau lại càng lạnh lùng dửng dưng với nhau.
***
Ấy là chúng ta chỉ sống ở đô thị của một nước kém mở mang. Bên Âu Mỹ, tại những xã hội kỹ nghệ cực thịnh vượng, đô thị phát triển hơn, cuộc sống gấp rút hơn ở ta gấp năm gấp mười lần, thì con người mới ăn ở làm sao!
Người ta nhận thấy bên Tây phương số người tự tử mỗi ngày mỗi gia tăng. Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, mỗi năm có trung bình nửa triệu vụ quyên sinh; ở Pháp, theo lời bác sĩ Jean-Pierre Soubrier thì cứ trong bốn người chết có một người chết vì tự tử. Và đối với tuổi thanh niên, 88% trường hợp tự tử là do những nguyên nhân liên quan đến sự khó khăn trục trặc trong cuộc sống giữa xã hội mới. Hoặc không thích ứng được với nhịp sinh hoạt quá nhanh, hoặc cân não mệt mỏi căng thẳng, hoặc không còn chỗ nương tựa tinh thần vì mất hết niềm tin v.v… Nhưng nguyên nhân nổi bật, quan trọng hơn cả, là sự cô đơn.
Biết được căn bệnh của người chán đời trong thời đại mới là như thế, kẻ chữa bịnh đã chọn một phương tiện giản dị: máy điện thoại Hiệp hội “S.O.S. amitié” ở Pháp với chiếc máy điện thoại số 825.70.50 đã cứu không biết bao nhiêu mạng người. Chỉ cần lắng tai nghe, thế cũng đủ làm cho một người hết chán đời. Chỉ vì không tìm được một ai để trò chuyện, hàn huyên, sau những giờ làm lụng buồn nản, thế mà con người không kham nổi cuộc sống. Pierre Olovier, người điều khiển hội “S.O.S amitié” sau nhiều năm kinh nghiệm trong nghề đã đê rý thấy vào khoảng sáu giờ chiều thường có nhiều tiếng gọi từ các trạm xe: giờ ấy, bước chân ra khỏi sở làm, nghĩ đến cảnh tượng thui thủi lê chân về căn phòng trống trải, bơ vơ, không bầu bạn, trải qua một đêm dài nhạt nhẽo v.v… người ta đâm ngại ngùng, sợ hãi. Ngày thứ sáu mỗi tuần cũng là ngày có nhiều khách hàng gọi điện thoại để cà kê lẩm cẩm cho vơi bầu tâm sự. Bởi vì trước mặt họ là thứ bảy và chủ nhật, tức ngày nghỉ. Tức một khoảng trống mênh mông, hãi hùng.
***
Thiên hạ trầm trồ trước những sự lạ ngoạn mục như đổ bộ nguyệt cầu. Có biết đâu rằng quanh mình vẫn đang diễn ra những sự lạ còn quan trọng hơn, vì có liên hệ thiết thân đến đời sống con người: Chẳng hạn cái chết cóng vì cô đơn. Trong lịch sử quả đất có những thời kỳ băng giá làm chết loài khổng tượng. Phải chăng đến đây là thời kỳ băng giá làm chết loài người?
Câu chuyện có vẻ viễn vông.
Nước đang có giặc tùm lum, loay hoay như gà mắc đẻ không biết kết thúc chiến tranh cách nào, mà vội vạch chương trình kinh tế hậu chiến, ông giáo sư họ Vũ đã viễn vông. Nước còn 90% dân số làm ruộng mà đã lo đến nỗi sầu cô đơn của đô thị kỹ nghệ, không nhảm nhí quá sao?
Nhưng đặc tính con người vẫn là viễn vông, là nhảm nhí. Ở đất mà cứ trằn trọc tính chuyện lên trăng, sống hôm nay mà cứ mơ chuyện ngày mai, ngày kia. Thế gọi là vừa đi vừa ngước nhìn. Chỉ có con người vừa đi vừa ngước nhìn. Các loài động vật khác đều đi gục đầu xuống đất.
Vả lại, quả thực chúng ta có 90% dân số sống về ruộng đất chăng/ Đâu có! Đó là một câu chuyện cũ kỹ truyền tụng từ xưa, không còn đúng nữa. Sài Gòn hơn hai triệu dân: như thế cứ trong 7 người dân trên toàn quốc có một người ở thủ đô. Lại còn Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, trên bốn mươi tỉnh lỵ khác. Chắc chắn hiện thời trong ba người dân Việt Nam ít ra cũng có một người ở thành phố. Coi vậy mà chúng ta cũng không xa căn bệnh của thời đại kỹ thuật bao nhiêu.
Trên một trang báo cũ in ở Sài Gòn cách đây không chừng đã hơn một năm, tình cờ tôi nhặt được mấy lời rao sau đây:
“Chuộc 20.000đ. - Ai bắt hay mua được con chó phốc nhỏ màu đen, tay chân, má, lông mày màu vàng đậm, mõm dài, răng đều, hàm dưới gãy một răng cửa, tai đứng, đuôi cụt sát đít, đầu nhỏ hơn đít, lùn chân, dài chừng hai gang tay, tên là Phi Phi, chó cái. Tôi không con, bốn năm không xa một ngày, ngủ chung một giường. Tôi có chuyện, gửi đường Nguyễn Huệ, nó nhờ tôi đi kiếm bị lạc ngày (…) Tôi khóc mỗi ngày, mắt không thấy đường, bác sĩ không cho tôi khóc, tôi như khùng, như mẹ mất con. Ai nuôi nó thông cảm sự đau khổ của chúng tôi mang ngay đến, đi đường X… vào đường Y… bên tay trái, hẻm thứ hai, số…, tôi cam đoan giữ lời hứa danh dự 20.000đ. Nếu thích nuôi chó, tôi xin biếu một con chó nhỏ hơn. Ai thấy đâu chỉ dùm, tôi xin biếu 10.000 đồng”.
Nỗi niềm khắc khoải không thể an ủi được như thế chỉ có giữa một đô thị đôi ba triệu người. Nếu người đàn bà nọ sống tại xóm làng nhỏ hẹp, dân cư thưa thớt, nhất định tình lân lý láng giềng đã lấp đầy khoảng trống do sự mất tích một con chó gây ra.
Không thể nói chúng ta chưa biết đến cái rét của đô thị.
Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973. Bản điện tử của www.trieuxuan.info
|
Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019
Cái rét đô thị
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét