Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Lại chiếc áo dài


Lại chiếc áo dài
VÕ PHIẾN
Mùa thu năm Hợi, cuộc cách mạng kinh tế bùng nổ ồn ào quá, làm lu mờ hai cuộc cách mạng khác: cuộc cách mạng quần, xuất hiện trước đó ít lâu; và cuộc cách mạng áo, xuất hiện sau đó ít lâu. Áo và quần nói đây là của đàn bà con gái Việt Nam.

Trước, hãy nói qua chuyện quà. Kể từ khi đàn bà con gái xứ ta vâng lời vua tụt váy ra để mặc quần áo, thì họ vẫn giữ gần như nguyên vẹn chiếc quần ấy cho đến nay, qua nhiều thế kỷ.

Màu sắc, bất quá chỉ là đen với trắng. Kích thước, khi dài khi ngắn, khi rộng khi hẹp, quanh đi quẩn lại cũng không cách xa nhau là bao. Những dằn vặt băn khoăn táo bạo nhất có lẽ đều dồn vào chỗ thắt lưng: khi lưng vặn, khi thì lưng buộc với giải rút, có thời dùng dây cao su, có thời khác lại cài nút v.v… Dù sao, những cải biến ấy đều ở trong vòng che đậy kín đáo. Và thực ra đều nhỏ nhặt.

Thế rồi, đột nhiên, giữa năm 1971, chiếc quần cổ truyền bị thay bằng chiếc quần pát Tây phương: phụ nữ Việt Nam mặc quần pát với áo dài!

Đây không phải là chuyện ảnh hưởng, chuyện cải cách v.v… Đây là một sự thay thế, một vụ truất phế ngang xương.

Dẫu sao, không nên trách đàn bà con gái nước mình. Dân tộc ta tiếp xúc với Tây phương từ những thế kỷ thứ 16, 17; văn hóa Tây phương đã xâm nhập ồ ạt vào biết bao lãnh vực trong cuộc sinh hoạt vật chất và tinh thần của ta. Thế mà văn hóa Tây phương phải chờ đến hơn ba trăm năm mới xông vào hạ nổi chiếc quần đàn bà: đâu phải phụ nữ Việt Nam không bền lòng kiên trinh?

***

Tuy nhiên, lần này cốt yếu là nhằm nói về cái áo. Và đây mới càng là một sự kỳ lạ. Người phụ nữ Việt Nam đã giữ riết lấy tấm áo của họ dai dẳng một cách khác thường.

Theo lẽ thường, đàn ông không hay đua đòi theo thời trang bằng đàn bà: áo vét, cà vạt v.v… đổi mốt chậm hơn váy, khăn quàng, vòng cổ, xuyến tay v.v… Thế nhưng hiện nay trừ các cụ già, các nhà tu hành, thì hầu hết đàn ông Việt Nam tại các thôn ấp xa xôi đều mặc Âu phục; trong khi ấy thì đa số phụ nữ, cho đến các cô ở những đô thị lớn nhất cũng vẫn trung thành với chiếc áo dài.

Hơn nữa, người đàn bà Việt Nam không phải chỉ ăn đứt có người đàn ông Việt Nam về đức trung thành. Kiêu hãnh về nền văn hóa lâu đời như Trung Hoa mà ngày nay trong đồng phục của nữ sinh trung tiểu học họ cũng đành chấp nhận kiểu Tây phương, trong khi đồng phục nữ sinh chúng ta vẫn là áo dài. Nổi tiếng lừng lẫy như chiếc kimono mà ngày nay trên các đường phố khắp đất Nhật thứ trang phục cổ truyền cầu kỳ ấy mỗi ngày mỗi hiếm, trong khi áo dài Việt Nam luôn luôn đại thắng y phục Tây phương trên khắp các nẻo đường đất nước.

Chúng ta không vội mong khám phá ra cái bí ẩn đã khiến cho người phụ nữ Việt Nam dằn lòng trước cám dỗ, nhất mực chống lại tính ham thích thời trang, khiến họ thiết tha với chiếc áo cổ truyền đến thế.

Chỉ nhận thấy giữa họ và cái áo mà họ thiết tha hình như quả thực có những chỗ hợp nhau.

***

Trước hết, vóc dáng ấy và trang phục ấy hợp nhau.

Bảo rằng quần áo cũng đòi hỏi một vóc người, như thế không phải là nói quá. Thỉnh thoảng vẫn thấy những phụ nữ Âu Mỹ mặc áo dài Việt Nam. Đó hoặc là những bà lấy chồng Việt và muốn tỏ thiện chí đồng hóa với người Việt, hoặc là những du khách thành thực tán thưởng một kiểu y phục địa phương v.v… Nhưng trông họ, người ta thấy rõ người ra đàng người áo ra đàng áo. Thân hình của họ, dáng đi của họ toa rập nhau giễu cợt chiếc áo dài của ta. Giữa đôi bên không có thỏa hiệp, chỉ có sự gán ghép miễn cưỡng trông thấy.

Thân hình họ vạm vỡ quá, lực lưỡng quá. Tà áo thướt tha thích chọn một hình vóc mảnh mai hơn. “Tần phì Việt sấu”, nét gầy của ta đã đi vào tục ngữ Trung Hoa. Nét ấy tương phản quá xa với vóc người Âu Mỹ.

Dáng đi của họ lại mạnh bạo quá, gấp gáp quá. Ở một người cao lớn bước đi như thế, những tà áo dài sẽ nhảy lưng tưng vội vã một cách thảm hại. Để có thể phe phẩy nhẹ nhàng, nó thích chọn một dáng đi uyển chuyển hơn.

Có lẽ cũng vì những lý do về vóc dáng ấy mà cho đến nay chiếc áo dài chưa chấp nhận được mọi sắc dân trên nước Việt Nam. Gái gốc Chàm, gốc Miền gần đây đã mặc áo dài, nhưng thật hiếm thấy những cô gái Ra-đê, Gia-rai, Xê-đăng v.v… mặc áo dài.

Sự ngần ngại của gái Cao nguyên có lý. Không phải họ không ham “văn minh”: đàn bà Thượng vui lòng mặc sơ mi, áo thun, mặc xu-chiêng, mặc đồ đầm nữa, nữ sinh Thượng cũng nhiều em mặc jupe lắm… Nhưng đối với chiếc áo dài thì những bờ vai quá khỏe, thì dáng đi nhô mông và lụp chụp của người leo núi v.v…, những cái ấy chưa thích hợp. Áo dài dân tộc còn phải chờ đợi một thời gian nữa, để hoàn cảnh sinh sống canh cải kịp trao cho vóc dáng bạn gái Cao nguyên những nét thanh tú hơn.

***

Ngoài chuyện vóc dáng, tưởng cũng có thể nói đén chút liên quan giữa trang phục và tâm hồn con người.

Và bảo rằng áo quần cũng đòi hỏi một tâm hồn xứng hợp, lại vẫn chưa hẳn là nói quá đâu.

- Thế “tâm hồn mặc áo dài” là cái thứ tâm hồn ra làm sao?

- Đặt vấn đề để bắt bí nhau như thế có ác đấy nhé. May mà có ông Pazzi đến tiếp tay chúng ta. Ông nhận thấy mặc dù ở xứ lạnh lẽo, đàn bà Tây phương và Trung Hoa có những kiểu áo hở hang hơn đàn bà Việt Nam nhiều. Về sự hở hang ta đành không dám sánh với Tây phương, riêng các bạn láng giềng Trung Hoa, họ cũng mặc thứ áo dài để lộ cánh tay trần đến tận nách và để hở cả chân đến tận đùi!

Nách và đùi không là chuyện tâm hồn? Xin đừng khắt khe: Chính nó đấy, chính là tâm hồn đấy mà. Ít ra đó là những món có liên quan đến việc tìm hiểu tâm hồn một dân tộc.

Tây phương chấp nhận những món đó trong hội họa, Trung Hoa chấp nhận những món đó trong tác phẩm văn chương, trong lối trang phục v.v…, trong khi chúng ta nhất định từ chối: Ông Pazzi đã nói đến tinh thần thiết thực và một ý thức luân lý rất cao nơi người Việt Nam. Chuyện dính dáng tùm lum đến nào là văn học nghệ thuật, nào là luân thường đạo lý như thế, sao lại không soi sáng được một khía cạnh nào đó của tâm hồn dân tộc?

Ở Đông phương có một kiểu nữ phục danh tiếng nữa, là chiếc kimono, thật là cả một công trình. Công trình xếp đặt kỹ quá, khéo quá, che lấp hẳn thân người: rốt cuộc không còn đâu là thân người nữa. Đường nét tự nhiên bị xóa mất cả. Thân người chỉ còn như là cái cớ cho sự xây dựng một công trình mỹ thuật.

Cải biến tự nhiên là dấu hiệu của văn minh. Ăn sống với ăn chín (le cru et le cuit) là một cách biệt về văn hóa. So sánh thức ăn có nhiều gia vị cầu kỳ của người Tàu với những món Tây phương nấu nướng không làm mất cái vị tự nhiên của thức ăn, Lâm Ngữ Đường dường như đã lấy làm hãnh diện về cái lưỡi của đồng bào ông, cái lưỡi đã tiến đến cái mức tinh tế không chịu được sự tiếp xúc sỗ sàng với thức ăn còn gần tình trạng tự nhiên, không chịu được cái xúc động quá mạnh mẽ do thức ăn còn giữ nguyên vị gây nên. Như thế lại cao hơn trình độ ăn chín thêm một bậc nữa. Lại càng xa thiên nhiên, càng cao thêm trên bậc thang văn hóa.

Một người đẹp trong áo kimôn, thật không còn cái đẹp nào xa tự nhiên hơn, nhiều tính cách nhân vi hơn. Mà thật ra, người Nhật có bằng lòng với cái đẹp nào không do công phu xếp đặt? Uống trà thì có đạo có luật, cắm hoa thì có phép có thuật, cho đến việc tự sát cũng có nghi thức cẩn thận! Có lẽ trong xã hội ấy từng nụ cười, từng câu chào hỏi nhau, từng bước đi lối đứng điệu ngồi, v.v… trong cuộc sống thường nhật, mỗi mỗi đều có công thức, ước lệ qui định sẵn.

Ở một xã hội như thế, thậm chí người người ăn nói với nhau hàng ngày cũng không đúng như ngôn ngữ hồn nhiên. Người Nhật nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ trịnh trọng, kiểu cách, chứa đựng rất nhiều tiếng kính ngữ. Cả đến vợ chồng, con cái, anh em trò chuyện với nhau cũng đều dùng kính ngữ. Thượng tọa Thích Thiện Ân có lần cho rằng lắm khi một người đàn bà Nhật dạy về con cái trong nhà mà người cách tường cứ tưởng lầm như bà ta tiếp khách lạ mới đến.

Trong Thập thất điều Hiến pháp, bản hiến pháp đầu tiên của Nhật kể từ ngày lập quốc, công bố dưới thời Thánh Đức thái tử, đã có ghi: “Thần dân bách tính phải lấy lễ làm gốc”.

Một cuộc sống “lấy lễ làm gốc” từ ngoài nhìn vào không khỏi thấy toàn những điệu bộ, nghi thức, đẹp đẽ mà giả tạo. Nhưng cũng có lẽ từ trong xã hội ấy nhìn ra các lối sống khác, người Nhật biết đâu không cho cái hồn nhiên giản dị là sỗ sàng, là kém văn minh, là chưa khai hóa?

Cuộc sống “lấy lễ làm gốc” khiến ai nấy ra sức chế ngự bản năng, giấu nhẹm tình cảm. Tác phẩm nghệ thuật của Nhật thường thường cô đọng, kín đáo. Từ sau giải Nobel 1968, chúng ta có nhiều cố gắng để làm quen với văn nghệ Nhật Bản. Nhưng nhiều truyện của những Kawabata, Mishima v.v… không khỏi làm bỡ ngỡ chúng ta vì một vẻ lửng lơ, như không nói hết lời, có khi tưởng không định nói gì.

Đọc cuốn “Banka” của Yassuko Harada chẳng hạn, chúng ta ngạc nhiên trước cái bình tĩnh, cái đức tự chủ, cái kín nhẹm của tác giả, một thiếu nữ chưa đầy hai mươi tuổi. Tác giả và gần hết mọi nhân vật đều thế cả. Vợ chồng Katsuragui, anh Mikio Hisada, anh Tatsumi Kossé v.v…, bấy nhiêu nhân vật nam nữ họ đều có thái độ nhã nhặn, khả ái, đều có những cử chỉ lời lẽ lịch sự, dịu dàng với nhau. Nhưng những bề ngoài ấy che đậy cái bên trong thì có trời biết được. Người Nhật cũng có nhiều bản năng, tình cảm mãnh liệt như ai, nếu không phải là hơn ai. Nhưng giáo dục, văn hóa, nhưng cuộc sống ‘lấy lễ làm gốc” đã đè nén tất cả, đã cải biến tất cả thành một nụ cười, hòa nhã mà bí ẩn thăm thẳm. Chính bởi vậy cho nên người nào người ấy trong cuốn truyện nọ đều có những phản ứng bất ngờ, dữ dội: họ yêu dữ tợn, họ chết dữ dằn. Ai nấy như tuồng bình thản mà khốc liệt. Bởi vì thực ra cái bộ mặt bình thản dịu dàng trong cuộc sống ấy đã đạt được bằng một ý chí khốc liệt.

(Trong một cuộc sống “lấy lễ làm gốc” như thế, cô Reiko là một quái tượng. Cô bé đó không có giáo dục: mẹ chết, cha lêu lổng. Vả lại cô ta là cái “tuổi trẻ hôm nay” của Tây phương sống sượng thả vào cái xã hội kín đáo nhất của Đông phương kín đáo. Cô ta là sự bồng bột, lấc cấc, nhâng nháo. Cô ta là thiên nhiên hoang dại. Đưa vào để làm nổi bật những đặc tính của văn hóa cổ truyền Nhật. Đưa vào để cái sống làm nổi bật cái chín, cái quá chín.

Trong nền văn hóa của cái quá chín ấy, cảm hứng thi ca là cái bông lông vẫn phải khép mình vào thứ kỷ luật khắt khe nhất, vào hình thức cô đọng nhất. Một bài đơn ca (tanka) 31 chữ phải ngắt làm từng câu 5 - 7 - 5 - 7 - 7 chữ, một bài hát cú (haikai) 17 chữ lại phải chia làm 5 - 7 - 5 chữ: sao mà gò bó quá vậy!

Trong khi ấy, lục bát của ta co dãn từ những bài hai câu cho đến những bài mấy vạn câu, gieo vần ở chữ thứ sáu tốt nhất, mà ở chữ thứ tư cũng xong. Ngắt nhịp có vô vàn cách khác nhau, luật bình trắc cũng có thể linh động… Mọi chuyện đều đại khái, dễ dãi. Cái xuề xòa này trái nghịch hẳn với những hình thức nghiêm khắc kia. Từ những cố gắng phi phàm đầy điệu bộ kia trở về với cái giản dị tự nhiên của dân tộc, chúng ta thở phào, nhẹ nhõm, thoải mái.

Cũng có thể nói đến một cảm tưởng tương tự khi đối chiếu chiếc kimono Nhật với chiếc áo dài Việt Nam.

Và khi chiếc áo dài đã tự liên hệ được như thế với thi ca, ngôn ngữ, với tiểu thuyết, nếp sống v.v… thì chắc chắn nó cũng phản ảnh phần nào một nét tâm hồn dân tộc.

***

Dù có chỗ hợp với vóc dáng và tâm hồn người Việt, đó cũng không phải là một bảo đảm cho sự bất diệt của báo đài.

Dù có chỗ hợp với vóc dáng và tâm hồn người Việt, đó cũng không phải là một bảo đảm cho sự bất diệt của áo dài.

Nếu muốn, ai bảo chúng ta không thể nghĩ ra những kiểu y phục khác, cũng hợp với vóc dáng với sở thích của chúng ta như vậy, mà lại còn hợp với các nhu cầu của cuộc sống trong thời đại mới hơn? Người Nhật không phải đang loại bỏ dần dần một số y trang rất tiêu biểu cho tâm hồn họ đó sao? Vậy sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu trong tương lai có ngày áo dài bị đào thải.

Tuy nhiên, những “biến cố” xảy đến cho ái dài những ngày gần đây vẫn có tính cách khác thường.

Đã lâu lắm, áo dài không phải chịu những biến cải quá lớn. Sự can thiệp của họa sĩ Cát Tường hơn ba mươi năm trước, của bà Nhu vào mười năm trước, cùng cái vai raglan từ vài năm nay, đều không có gì quan trọng. Trong khi áo kimono tàn lụi mà chiếc áo dài vẫn còn đó gần nguyên vẹn, như thế chứng tỏ nữ phục ta có nhiều tính cách để thích ứng với khung cảnh sinh hoạt mới hơn, ít ra là cho đến lúc này. Do cái đơn giản, tự nhiên của nó.

Thế rồi, đột nhiên, gần đây hàng loạt kiều mới được tung ra: áo dài cổ sơ-mi, áo dài xẻ vạt trước, vạt sau, áo dài cài nút giữa ngực, áo dài với cái đai trước bụng, áo dài sát nách, áo dài trên đầu gối, áo dài hở lưng v.v… Trong một đêm Giáng sinh 1971, nếu chịu khó đi lùng cho khắp các đám đông, có lẽ còn bắt gặp được nhiều kiểu khác nữa.

Đã xong chưa đây? Nào ai biết được. Một khi người ta đã mở được lưng ra có gì đoan chắc là sẽ không có vụ hở ngực, hở rốn? Một khi đã chuyển được hàng nút bên hông ra trước ngực được, ai bảo không thể xảy ra vụ cài nút sau lưng? Ai mà biết được giới hạn của những sáng kiến ấy?

Người ta tự hỏi. Có chuyện gì vậy? Nguyên nhân nào xui khiến những biến cải táo bạo, cực đoan, triệt để và dồn dập như vậy?

Đó có lẽ không hẳn là vì lý do thẩm mỹ, bởi có được bao nhiêu kiểu mới trông đẹp mắt? Cũng không hẳn là vì lý do nhu cầu của cuộc sống mới, bởi có những kiểu mới còn rườm rà lướt thướt hơn kiểu cũ.

Vả lại, người ta sẽ dễ dàng tin ở những lý do thiết thực nếu các biến cải được tiến hành thận trọng hơn, phải chăng, từ tốn hơn. Đàng này, nó xảy đến ào ạt như những trận tấn công tới tấp. Nó xảy ra không giống như một sự cải cách, mà là một phản ứng hùng hổ của… cách mạng.

Chiếc áo dài của đàn bà con gái không phải đang được sửa đổi để cho thích hợp với cái gì hết. Nó không được sửa đổi, nó dường như bị chọc ghẹo, gây gổ, bị phá phách tơi bời…

Người ta nghĩ đến các cuộc nổi dậy của thanh niên những năm vừa qua trong cái phong trào cách mạng văn hóa ở Âu Mỹ, đến những khẩu hiệu ngang ngược, tục tằn, đến những lối phỉ báng của họ đối với các giá trị tinh thần cũ.

Nói thế có vẻ là làm to chuyện quá. Nhưng sau những đạo đức, tín ngưỡng, những tổ chức học đường, những tập quán, thành kiến xã hội v.v…, rất có thể ở ta chiếc áo dài truyền thống, đến lượt nó, nó cũng đang làm một mục tiêu tấn công của tuổi trẻ hôm nay. Mục tiêu vô nghĩa, so với những đối tượng cách mạng khác.

Tuy nhiên, cần gì cái nghĩa? Chỉ cần làm một cái cớ để tuổi trẻ trút đổ sự chán ghét của mình đối với những khuôn mẫu cũ kỹ, thí nghiệm sức phá phách của mình, biểu diễn sự ngổ ngáo của mình.

Phá chơi vậy thôi. Chuyện trong chốc lát. Hẳn là các cô không có ý cố thủ duy trì lâu dài những cái đai ngang bụng, những hàng nút giữa ngực áo dài. Chẳng qua là một hành vi vô cớ (acte gratuit) để chứng tỏ sự tự do.

Mục tiêu vô nghĩa của một hành vi vô cớ, chiếc áo dài vô tội có lẽ không đến nỗi lâm nguy thật sự. Rồi các xáo trộn qua đi, nó lại có hy vọng thoát hiểm, ít ra là lần này, để tồn tại.

01-1972

VP.

Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973. Bản điện tử của www.trieuxuan.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét