Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

Sông Kinh Môn (sông Vận)

Sông Kinh Môn (sông Vận)



Sông Vận, đoạn cầu An Thái. Khúc sông ở đoạn này uốn gấp tạo ra một bán đảo bên phía bắc (Kinh Môn). Ảnh chụp phía bờ nam (Kim Thành), bên kia là bán đảo như đã nói ở trên.

Nó là một con sông nhỏ. Nó là cháu là con, là em là chị của những con sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Trà Xuyên, sông Cấm trên đất sa nâu đồng bắc bộ. Tên nó là sông Kinh Môn, quê gọi là sông Vận, là sông Cái của làng tôi, là ranh giới tự nhiên hai huyện Kinh Môn và Kim Thành. Sông dài 45 km, từ ngã ba Kèo, qua Vũ Xá, qua làng tôi và 25 km đến chỗ tôi ở bây giờ, Phú Thái, về đến Nống 20km, hợp vào sông Cấm ra biển.


Đò Phủ. Phía bắc là làng Huề Trì, bên nam là Dưỡng Thái. 

Lúc đến bến, đò đã khỏi bờ, bác lái cho đò lùi lại đón.
Lên đò, tôi cảm ơn bác lái và chào mọi người.


Sông khiêm nhường, dành bên đất bờ cho những di tích xưa hai bên bồi lở. Đình Huệ Trì  (Đò Phủ) thờ hai bà Thiện Nhân, Thiện Khánh có công cùng Hai Bà Trưng đánh giặc thời Đông Hán (Tô Định - Mã Viện). Đền Quýt phía bên này sông cùng đình làng Oi (Dưỡng Thái) thờ tướng nhà Lý, Nguyễn Thụy Hường cùng các tùy tướng chống quân nhà Tống. Và ta chiêm ngưỡng đền An phụ, thờ An sinh vương, cha đẻ Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn.



Những núi cát bên bờ nam (Kim Thành), phía hậu cảnh là dãy An Phụ.
 Họ dùng máy xúc, khoét hố lớn rộng vài mẫu ở chân đê, phun cát lên như đống núi.
Ngay bên là trụ sở đội quản lý đê huyện Kim Thành.

Bây giờ sông bồi lở khó nhận ra bãi sông, vụng nước. Đoạn gần đường số 5 bị nối thẳng, thành ra bãi Mạc ở phía bên này sông (bãi Mạc xưa nơi chiến trận thư hùng giữa Mạc Hậu Hợp và Chúa Trịnh Tùng). Bên bờ bắc từng từng nhà máy xi măng gặm nát chân tời, bên bờ nam là bãi chứa như núi nổi lên của cát tặc, cùng khói bụi nước đen. Tiếng máy hút cát rền vang. Trời không gió, khê nồng mùi lò gạch, khói xi măng.

Sông chật chội khó khăn trườn về biển.


Cánh đồng làng Oi bên chân đê, mùa lúa chín.
Thửa nhà ai đã gặt, rạ xếp như một chữ tượng hình.

Sáng nay đi bên sông, chỉ thấy đồng lúa vào vụ chín thật vàng. Có nhà chài xuôi về mạn Phòng, dắt díu thuyền lớn, nhỏ cùng cái mủng con như mẹ gà, con vịt lặng lẽ xuôi dòng.


------------
Khiêm Phan Nguyễn.
Ký sự của bác hay quá... xót xa về một miền quê nền nã đang bị xé dần
Van Pham.
Xin trả lời Ông Ông Chích Bông như sau.

I) Hội nghị Bình Than là cuộc họp nhằm mục đích thống nhất ý kiến của giới quý tộc Trần trong việc hòa hay chiến với quân Nguyên, cho nên thành phần tham dự cuộc họp này là các quan chức và quý tộc nhà Trần.
Hội nghị Diên Hồng: sau hội nghị Bình Than nhằm thống nhất ý chí giai cấp lãnh đạo, nhà vua muốn thống nhất ý kiến trong nhân dân, nên đã mời các cụ cao tuổi đại diện cho từng làng xã của nước ta về dự hội nghị. 
Tương truyền là khi vua hỏi "Nên hòa hay nên đánh" thì mọi người trong hội nghị, muôn lời như 1 "Đánh" 

Có được ý chí thống nhất của giới quý tộc lãnh đạo và nhân dân, chúng ta đã thành công trong việc bảo vệ đất nước chống quân Nguyên lần 2 
II) sách Đại Việt Sử ký Toàn thư thì Bình Than là đoạn sông Lục Đầu chảy qua huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng ngày nay (nay là Hải Dương), và vũng Trần Xá (Trần Xá loan) có lẽ là chỗ hợp lưu hai con sông Thái Bình và Kinh Thầy. Chỗ này về sau vẫn còn xã Trần Xá.
Sách Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, trang 224, xuất bản năm 1997 vẫn viết:
"Bình Than là bến sông lớn trên cửa sông Đuống đổ vào sông Lục Đầu (nay thuộc xã Đại Than, Gia Lương[12], Bắc Ninh) gần thái ấp Vạn Kiếp của Trần Hưng Đạo, là địa điểm quân sự hiểm yếu".
Cho đến thời điểm hiện tại (năm 2011), các di tích lịch sử xuất xứ, gắn bó với nhà Trần đã được hoàn chỉnh, chỉ duy nhất có Hội nghị Bình Than vẫn còn bỏ ngỏ. Chính vì sự chậm trễ này nên sách giáo khoa lớp 7 về môn lịch sử và Đại cương lịch sử Việt Nam có lẽ đã biên soạn không đúng về địa danh đã được chỉ rõ trong Đại Việt Sử ký Toàn thư và Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục.
( theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
III) Bạn Khiem Phan Khiem viết.
Đại Việt sử ký toàn thư viết về Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 1. Năm Nguyên Phong thứ 7- 1257, mùa đông, ngày 12 tháng Chạp tướng Nguyên là Ngột Lương Hợp Thai xâm phạm Bình Lệ Nguyên ( Tam Đảo, Vĩnh Phúc), vua Trần Thánh Tông tự cầm quân chống giặc. Quan quân hơi núng, nhìn quanh chỉ có Lê Tần (sau là Lê Phụ Trần) một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt như không.
Thế giặc rất mạnh, tên bắn loạn xa, Lê Phụ Trần phải lấy ván thuyền che cho vua. Vua phải lui thuyền về sông Thiên Mạc ( đoạn sông Hồng chảy qua Hưng Yên).
Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền Thái úy Nhật Hiệu hỏi kế sách chống giặc. Nhật Hiệu khiếp sợ, cứ ngồi chứ không đứng dậy nổi, lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ “Nhập Tống” lên mạn thuyền. “Nhập Tống” tức là chạy sang đất nhà Tống ở phía Nam Trung Quốc.
Vua hỏi quân Tinh Cương đâu, Nhật Hiệu nói không gọi được chúng đến.
Vua lập tức dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ trả lời: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác”.
Ngày 24 tháng Chạp, vua và Thái tử ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đón đánh, cả phá được quân Nguyên…
Đại Việt sử ký toàn thư viết về năm 1300, Trần Hưng Đạo ốm và tạ thế có ghi: “Khi Thánh Tông vờ bảo Quốc Tuấn rằng: “Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi”. Quốc Tuấn trả lời: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”.
Do nguyên văn chữ Hán nên dịch ra tiếng Việt có thể khác nhau đôi chút nhưng ý thì không thay đổi. Biển Đông đang dậy sóng, dân Đại Việt ước gì lại xuất hiện những anh hùng như Trần Quốc Tuấn, Trần Thủ Độ năm xưa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét