Truyện tuy đơn giản, không nhiều chi tiết éo le, nhưng khiến người đọc suy tư. Xin giới thiệu với các bạn, một dịch giả tài hoa (và rất quen thuộc vì nổi tiếng từ lâu ở các trang mạng khác) và trang mạng của nhà thơ Phạm Cao Hoàng và các bạn của ông. Không ồn ào nhưng qui tụ nhiều cây bút tài hoa. Tôi cũng thích đọc Lỗ Tấn.
Từ FB bạn Hải Hà
MẨU CHUYỆN NHỎ
Dịch và giới
thiệu: THÂN TRỌNG SƠN
Lỗ Tấn sinh năm 1881 tại Thiệu Hưng, Chiết Giang, trong một gia
đình nho học. Tên thật là Chu Chương Thọ (周樟寿), bút danh đầu tiên là Chu Thụ Nhân (周树人).
Cha mất sớm, có thể là do bệnh lao, sau thời gian chạy chữa thuốc
men, tốn kém nhiều vẫn không qua khỏi.
Năm 17 tuổi, bà mẹ gởi đi học ở Nam Kinh, trường thuỷ quân, sau
chuyển sang trường cầu đường. Nơi đây, LỗTấn được tiếp thu những môn học mới,
như vật lý, hoá học, và cả văn học phương Tây. Tốt nghiệp trường này, Lỗ Tấn
được cấp học bổng đi Nhật học. Ban đầu, ông học tiếng Nhật, và tiếng Đức, sau
hai năm, vào học trường y ở Tiên Đài, ông là sinh viên nước ngoài duy nhất của
trường.
Năm 1903, bà mẹ gọi ông về gấp vì đau nặng, thực ra là để ép ông
cưới vợ, một phụ nữ thất học. Ông đành chấp nhận, nhưng bỏ đi về Nhật ngay sau
bốn ngày.
Một sự kiện xảy ra trong thời gian này tạo ra một ngả rẽ trong
cuộc đời ông. Trong buổi xem chiếu phim về chiến tranh Nga - Nhật, ông nhìn
thấy cảnh một người dân Trung Quốc bị trói tay còng chân sắp bị hành hình vì bị
cho là làm gián điệp cho Nga, thế mà một số người Trung Quốc lạnh lùng đứng
xem. Lỗ Tấn nghiệm ra rằng việc chữa bệnh tinh thần cho người Trung Quốc còn
cần kíp hơn chữa cái thân thể suy yếu của họ.” 救国救民需先救思想” (cứu quốc cứu dân nhu tiên cứu tư tưởng). Muốn chữa cho tinh
thần được lành mạnh thì ngoài văn nghệ ra không có thuốc gì.
Năm 1906, ông bỏ học ngành y và bắt đầu hoạt động văn nghệ. Cùng
vài người bạn đồng hương, ông lập ra nhật báo 新生 (Tân
sinh) nhưng thất bại. Năm 1908, ông gia nhập Quang phục hội, và bắt đầu
dịch các tác phẩm văn học châu Âu. Sau đó, ông viết các tiểu luận về văn học
Trung Quốc, châu Âu, nghiên cứu xã hội, tôn giáo Trung Quốc ...
Năm 1909, vì hoàn cảnh gia đình, ông từ chối học bổng đi Đức và về
nước.
Ông dạy lý hoá ở trường trung học Thiệu Hưng, có thời gian làm
hiệu trưởng trường sư phạm Thiệu Hưng. Hoạt động dạy học của ông trải dài nhiều
năm tại các trường cao đẳng và đại học ở Bắc Kinh và Phúc Kiến.
Sự nghiệp sáng tác của Lỗ Tấn bắt đầu với truyện ngắn “Nhật ký
người điên”, đăng ở tạp chí Tân thanh niên. Lấy tên dựa vào truyện “Nhật ký của
một người điên” (Записки сумасшедшего) của nhà văn Nga Gogol (Николай
Васильевич Гоголь), tác phẩm này công kích mạnh mẽ chế độ gia tộc phong kiến và
đạo đức lễ giáo cũ Trung Quốc. Nhân vật người điên là người mắc bệnh “bách hại
cuồng” trông thấy cái gì cũng tưởng là có người sắp hại mình, qua đó, lên án
lịch sử 4000 năm chế độ phong kiến Trung Quốc là lịch sử ăn thịt người,
thực chất của cái gọi là “nhân nghĩa, đạo đức” phong kiến chỉ có mấy chữ “thịt
người”.
Qua con mắt người điên, cuộc sống dưới chế độ phong kiến thật là
đáng sợ, con người lúc nào cũng nơm nớp đề phòng, người với người là lang
sói “mình thấy rõ trong lời nói của họ có thuốc độc, trong giọng
cười của họ có dao găm. Răng thì nhăn ra trắng hếu. Toàn là bọn ăn thịt người”.
Rõ ràng, trong bối cảnh ấy, nhân dân lao động phải chịu đựng một cuộc sống cơ
cực về vật chất và tối tăm về tinh thần.
“Nhật ký người điên” nhanh chóng gây tiếng vang, tạo bước ngoặt
trong sự nghiệp văn chương của Lỗ Tấn, được xem như sáng tác căn bản của văn
học mới Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu ông ký bút danh Lỗ Tấn, - Lỗ là họ mẹ.
Lỗ Tấn tiếp tục khuynh hướng công kích xã hội phong kiến với một
loạt truyện ngắn khác in trong tuyển tập “吶喊” (Nột hám). Nột hám, nghĩa đen là hò reo,
chỉ tiếng hò reo trong hát tuồng. Trong hát tuồng, có những quân lính cầm cờ đi
theo ông tướng, gọi là “chạy hiệu”, thường đồng loạt phát ra những tiếng hò
reo. Tuyển tập Nột hám, bản tiếng Việt dịch là Gào thét, gồm 14 truyện, trong
đó có tác phẩm nổi tiếng “阿Q正传”, “A Q chính truyện”
Khác với Nhật kí người điên, AQ chính truyện lại là tiếng
kêu xé lòng của những người thuộc tầng lớp bần nông dưới xã hội cũ. AQ không có
nhà cửa, không ruộng vườn, không nghề nghiệp, không họ hàng thân thích thậm chí
không có nổi một cái tên. Quanh năm, ai thuê gì thì làm nấy, Y phải lao động
cật lực để nuôi sống bản thân mình. Y quần quật làm thuê mà vẫn không đủ ăn,
không đủ mặc, lại bị nhà Cụ Cố nhà họ Triệu bóc lột sức lao động đến tàn tệ, bị
mọi người khinh thường thậm chí có lắm khi y còn bị tước cả cái quyền làm thuê.
Cuộc đời AQ là một chuỗi ngày đau khổ bất hạnh. Có lẽ chính vì vậy mà y đã tìm
ra phép thắng lợi tinh thần để an ủi mình trong những lúc bị bắt nạt, bị đánh
đập, bị hành hạ. “Phép thắng lợi tinh thần” là biểu hiện rõ nét của sự đầu
hàng, đầu hàng kẻ áp bức mình, đầu hàng số phận, và đầu hàng cả bản thân mình.
Truyện đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Tháng năm 1924, Lỗ Tấn bắt đầu mắc bệnh lao. Từ 1934 đến
1926, ông viết nhiều tiểu luận, tập hợp lại thành tuyển tập “朝花夕拾” (Triêu hoa tịch thiệp, Hoa ban sáng hái buổi chiều), một tập thơ
văn xuôi, “Cỏ dại” (野草, dã thảo), và một tập truyện ngắn khác “Bàng
hoàng” (彷徨).
Tất cả tác phẩm của giai đoạn này đều nhuốm màu buồn thảm, đôi chút cay đắng,
có thể do thất vọng về chính trị, phần nào do việc rạn vỡ quan hệ với em trai.
Từ 1928 cho đến khi mất, ông viết tập truyện ngắn “Chuyện cổ
viết lại”, “故事新编” Cố sự tân biên, “Lược sử tiểu thuyết
Trung Quốc” (中国小说史略), gồm những bài giảng của ông tại Đại học Bắc
Kinh, được xem như tác phẩm phê bình văn học chủ yếu của Trung Quốc thế kỷ XX.
Cũng thời gian này, ông xuất bản nhiều bản dịch tác phẩm tiếng Nga, nhiều nhất
là tác phẩm của Gogol. Năm 1936, bệnh lao khiến ông suy yếu dần và qua đời
tháng 10 năm đó.
Trong nền văn học Trung Quốc hiện đại, Lỗ Tấn có một vị trí quan
trọng, ông đã góp phần vào việc cách tân các thể loại, từ văn xuôi, thơ, đến dịch
thuật, thậm chí cả phê bình.
---------------------------
Từ khi tôi rời làng quê lên xứ kinh thành thấm thoắt đã sáu năm
trôi qua. Trong thời gian này, tôi đã mắt thấy tai nghe đủ thứ chuyện gọi là
việc nước việc nhà, nhưng chẳng có việc gì gây cho tôi chút ấn tượng nào. Bây
giờ nếu ai hỏi chúng có ảnh hưởng gì không, tôi có thể nói rằng chúng chỉ làm
cho tôi thêm bực tức và thiệt tình là khiến tôi ngày càng chán ghét mọi người
thôi.
Vậy mà, có một việc nhỏ tôi thấy có ý nghĩa, kéo tôi ra khỏi trạng
thái bực tức, khiến tôi không sao quên được mãi đến tận bây giờ.
Chuyện xảy ra vào một ngày mùa đông 1917. Gió bấc rét buốt đang
thổi mạnh, tôi vì sinh kế phải dậy sớm đi ra ngoài. Trên đường hiếm thấy có
bóng người, khó khăn lắm tôi mới gọi được một xe kéo đưa tôi đến Cửa S - Lúc
này, gió đã dịu bớt, quét sạch bụi trên đường, để lại con đường sạch bóng,
người phu xe chạy nhanh hơn. Vừa đến gần Cửa S, có người nào đó băng qua đường,
vướng vào càng xe và chầm chậm ngã xuống.
Đó là một người đàn bà mái tóc hoa râm, áo quần rách rưới. Bà từ
lề đường vụt chạy ngang qua trước cái xe, người phu xe đã cố tránh, nhưng cái
áo khoác của bà không cài cúc, phất phơ theo gió, vướng vào càng xe. May mà
người phu xe đã vội ngừng kịp, nếu không bà đã ngã nặng và thế nào cũng bị
thương.
Bà ta nằm dưới đất, người phu xe dừng lại. Tôi chắc rằng bà già ấy
không bị thương tích gì, lại không có ai chứng kiến sự việc xảy ra, nên tôi
không bằng lòng lắm thái độ của người phu xe, tự mình chuốc lấy phiền toái, và
làm chậm việc của tôi.
“Ổn cả thôi mà” tôi nói, “anh chạy tiếp đi!”
Tuy nhiên, anh ta chẳng để ý gì, có lẽ không nghe thấy. Anh đặt
càng xe xuống và nhẹ nhàng giúp bà già ngồi dậy. Đỡ lấy cánh tay bà, anh hỏi:
“Bà không sao chứ?”
“Tôi bị thương rồi.”
Tôi đã nhìn thấy bà ngã xuống chậm thôi, và hẳn là không thể nào
bị thương được. Bà làm bộ thế thôi, thật là tồi tệ. Anh phu xe tự chuốc khổ vào
thân, giờ thì lãnh đủ. Anh phải tự xoay xở lấy thôi.
Nhưng anh ta chẳng ngần ngại phút nào sau khi bà già nói bà bị
thương. Anh dìu bà chậm rãiđi tới. Tôi rất ngạc nhiên. Nhìn ra phía
trước, tôi thấy một đồn cảnh sát. Gặp lúc trời gió lớn, không có ai bên ngoài,
anh phu xe giúp bà già tiến gần đến cổng đồn.
Bỗng nhiên, tôi có một cảm giác lạ kỳ. Cái bóng đầy bụi bặm phía
sau người phu xe kia chợt cao lớn lên. Và anh càng bước tới lại càng thấy lớn
hơn, phải ngước nhìn mới thấy. Cùng lúc đó, có vẻ như anh đang thể hiện một uy
lực đối với tôi, khiến lấn át cả cái tôi nhỏ bé dưới lớp áo da.
Sức sống của tôi chừng như ngừng lại, tôi ngồi bất động, đầu óc
trống rỗng, cho đến khi người cảnh sát đi ra mới bước khỏi xe.
Người cảnh sát tới gần tôi nói: “Ông gọi xe khác đi. Anh ấy không
chạy cho ông được nữa đâu.”
Chẳng nghĩ ngợi gì, tôi vốc trong túi một nắm tiền xu đưa cho
người cảnh sát và nói: “Nhờ anh đưa cho anh ấy!”
Gió đã lặng hẳn, con đường vẫn yên tĩnh. Tôi vừa đi vừa suy nghĩ,
nhưng hầu như e ngại, không dám nghĩ về mình. Gác lại những gì vừa xảy ra, cái
vốc tiền xu đó có ý nghĩa gì? Là tiền thưởng chăng? Có phải tôi phán xét người
phu xe? Tôi không thể tự trả lời mình được.
Việc ấy đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi. Nó thường khiến tôi ray rứt,
cứ cố nghĩ về chính mình. Bao nhiêu chuyện văn chuyện võ tôi đã quên hết sạch,
cũng như tất cả sách vở thánh hiền tôi đã học lúc thiếu thời. Vậy mà câu chuyện
nhỏ này cứ đọng mãi trong tôi, lúc nào cũng sinh động, dạy cho tôi biết xấu hổ,
thúc giục tôi sửa mình, giúp tôi thêm dũng khí và hy vọng.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
(1/2019)
Nguồn:
Selected Stories of Lu Hsun
Translated byYang Hsien-yiand Gladys Yang
http://www.coldbacon.com/writing/luxun-calltoarms.html#Wineshop
có thời gian tìm hiểu về ông
Trả lờiXóa