Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

Bài ca trên núi

Núi chỉ có hai người yêu nhau




Với kết cấu hàm súc, cô đọng, “Bài ca trên núi” được đánh giá là một bài tình ca hay những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.
Bài hát cực kỳ ngắn gọn: “Bầu trời có sao chiều, sao sớm. Đầu núi kia có hai người, dù đi cùng trời, dù đi khắp núi. Trời chỉ có sao sớm sao chiều, núi chỉ có hai người yêu nhau”.
Đó là toàn bộ lời bài hát. Tất nhiên, người hát có thể hát đi hát lại nhiều lần hoặc lặp lại (reprise) một hai câu nào đó theo ý thích riêng. Bài hát ít lời, cực kỳ hàm súc, cô đọng như thế này chỉ có thể bắt gặp trong kho tàng dân ca (ví như “Cây trúc xinh” hoặc “Hoa thơm bướm lượn”).

Bài hát ra đời trong hoàn cảnh, đạo diễn Mai Lộc mời nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương làm nhạc cho bộ phim truyện “Vợ chồng A Phủ”, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Bộ phim đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả.
Ngoài hai nhân vật khá thành công, được thể hiện qua diễn xuất của hai nghệ sĩ tài năng (Đức Hoàn vai Mỵ và Trần Phương vai A Phủ), người xem còn không thể quên được một bài hát vang lên trong bộ phim. Đó là “Bài ca trên núi”. Giọng hát ngọt ngào, mượt mà của một ca sĩ thành danh lúc đó đã lôi cuốn người nghe, giúp họ cảm nhận sâu sắc thêm nội dung phim.
Mối tình thắm thiết của đôi trai gái tủi cực, cơ hàn người Mông được khắc họa khá thành công càng khiến người xem cảm động khi bài hát vang lên, đặc biệt ở trong trường đoạn A Phủ và Mỵ cùng bỏ trốn khỏi nhà thống lý Pá Tra, nương náu trong một hang đá. Bài ca là lời hẹn ước son sắt, thủy chung của cặp uyên ương. Mà đã là lời nguyền thì chỉ có thể ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu.
Lối nói của nhạc sĩ cũng là lối nói của người vùng cao: ví von, ám chỉ, giàu biểu cảm. Bầu trời thì có sao chiều, sao sớm, còn đầu núi thì có hai người yêu nhau. Và họ nguyện cùng “đi cùng trời, khắp núi” với nhau. Tha thiết, mãnh liệt và dứt khoát biết bao khi cặp trai gái chỉ thấy có “sao sớm, sao chiều” và “hai người yêu nhau” giữa bầu trời này. Sức sống mạnh mẽ, khát vọng cháy bỏng đòi được tự do, ấm no, hạnh phúc của người dân miền núi trong xã hội cũ - là chủ đề tư tưởng của bộ phim - cũng được thể hiện trọn vẹn trong “Bài ca trên núi”.
Về mặt âm nhạc, tác giả xử lý rất tài tình. Chất liệu dân ca Mông hiện rõ trong bài hát với âm hưởng xa gần ẩn hiện, văng vẳng vang vọng cho ta cảm giác đúng là nghe giọng hát ở trong hang đá, đến tiếng “có” trong câu “trời chỉ có sao sớm sao chiều” âm thanh được vút lên khá đột ngột. Có cảm giác khát vọng trái tim của đôi trai gái mạnh đến mức vượt ra khỏi hang đá chật hẹp, vang vọng giữa bầu trời vô tận, không gì có thể cản ngăn, nén ghìm được.
Giai điệu uyển chuyển, uốn lượn, tiết tấu mang tính ngâm ngợi, kết cấu cực kỳ chặt chẽ, ngắn gọn, lại có những quãng thú vị đã khiến bài hát đầy vẻ lãng mạn được công chúng nhanh chóng ưa thích và thế hệ trẻ xem phim ngày ấy nhớ đến bây giờ./.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình San (Báo TNVN)





BÀI CA TRÊN NÚI

Sáng tác: Nguyễn Văn Thương
Lời: Tô Hoài

Hơ hơ….ơ ơ…….hơ hơ….
Đầu trời có sao chiều sao sớm
Đầu núi kia có ớ ơ hai người
Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi
Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau

Hơ hơ ơ ớ ơ…. hơ hơ….
Đầu trời có sao chiều sao sớm
Đầu núi kia có ớ ơ hai người
Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi
Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau

Hơ… rừng chiều có tiếng khèn ai đó
Khèn hát lên những lời mong chờ
Đường đi về rừng, đường đi xuống núi
Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau
Đường đi về rừng, đường đi xuống núi
Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét