Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

Các nhân vật trong Hồng lâu mộng




Danh sách nhân vật trong Hồng lâu mộng
Hồng Lâu Mộng hay tên gốc Thạch Đầu Ký  là một trong bốn kiệt tác (tứ đại kỳ thư) của văn học cổ điển Trung Quốc (3 kiệt tác kia là Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân và Thủy Hử của Thi Nại Am). Tác phẩm được Tào Tuyết Cần (1716?-1763?) sáng tác trong khoảng thời gian giữa thế kỷ 18 triều đại nhà Thanh của Trung Quốc. Tác phẩm ra đời vào khoảng giữa thế kỉ XVIII, đời nhà Thanh, 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết, 40 hồi sau do Cao Ngạc viết thêm và soạn thành sách.
Tiểu thuyết có một khối lượng nhân vật khổng lồ. Nhân vật nam 235, nhân vật nữ 213, tổng cộng con số lên đến 448, đủ mọi tầng lớp, từ Vương phi cung cấm đến những kẻ quyền thế, công tử tiểu thư khuê các, cho đến cả những người thuộc tầng lớp hạ lưu, đều xoay quanh gia đình họ Giả.


1. Giả Bảo Ngọc


Giả Bảo Ngọc có nghĩa là viên ngọc quý gia bảo là nhân vật hư cấu, một trong bộ ba nhân vật chính trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng, của nhà văn Tào Tuyết Cần.
Dính Yên cầu cho Bảo Ngọc
kiếp sau được hoá thành con gái
Giả Bảo Ngọc xuất thân là một công tử quyền quý trong nhà họ Giả và có những mối tình ngang trái với những cô gái trong gia đình này. Giả Bảo Ngọc khi sinh ra đã ngậm một viên "Thông linh Bảo Ngọc", là niềm hi vọng của gia đình họ Giả nhưng anh ta là kẻ lười biếng, ghét thi thư. Giả Bảo Ngọc là cậu ấm duy nhất được lui tới và tìm được người tâm đầu ý hợp là Lâm Đại Ngọc. Nhưng mọi người trong gia đình không muốn cuộc hôn nhân này diễn ra.

Lâm Đại Ngọc cho rằng Bảo Ngọc không cần thi cử, làm quan và lánh xa công danh phú quý nhưng Bảo Thoa, chị họ, và cũng là một người yêu khác của Bảo Ngọc lại luôn khuyến khích Bảo Ngọc học hành đỗ đạt để lọt vào tầm ngắm của các bậc huynh trưởng trong dòng họ. Lúc ban đầu, Bảo Ngọc còn phân vân trước tình yêu của Bảo Thoa và Đại Ngọc song dần dần, nhận thấy Bảo Thoa chỉ mong ngóng cái danh cái lợi, nên Bảo Ngọc đã hết lòng yêu Đại Ngọc, mong muốn lấy nàng làm vợ. Gia đình họ Giả coi đó là một tai họa và kiên quyết phản đối đôi uyên ương này. Trải qua nhiều biến cố và sóng gió nhưng Bảo Ngọc không lấy được Đại Ngọc nên bỏ nhà đi, sau hóa thành đá.


2. Kim Lăng thập nhị thoa chính sách

Lâm Đại Ngọc tên tự là Tần Tần, là con gái Lâm Như Hải và Giả Mẫn, cháu ngoại Giả Mẫu, cháu ruột Giả Xá, Giả Chính, em họ của Giả Nguyên Xuân, Lý Hoàn, Giả Bảo Ngọc, Giả Thám Xuân, Giả Hoàn, Giả Liễn, Vương Hy Phượng, Giả Nghênh Xuân.
Lâm Đại Ngọc không phải có nghĩa là viên ngọc lớn quý giá như nhiều người lầm tưởng. "Đại" () ở đây không có nghĩa là to mà là một loại đá màu đen dùng để kẻ lông mày. Tên nàng mang ý nghĩa là "hòn ngọc đen" đối lập với "chiếc trâm vàng" Bảo Thoa. Tần Tần là tên tự do Bảo Ngọc đặt lấy từ trong sách "cổ kim nhân vật khảo". Chữ "Tần" này cùng với chữ "Sở" (đồng âm với chữ Sử trong tên của Sử Tương Vân) tạo thành ý "mưa Sở mây Tần", có thể là dụng ý của tác giả.

Trong tiểu thuyết, nàng là con gái Lâm Như Hải và Giả Mẫn, cháu ngoại Giả Mẫu, cháu ruột Giả Xá, Giả Chính, em họ của Giả Nguyên Xuân, Lý Hoàn, Giả Bảo Ngọc, Giả Thám Xuân, Giả Hoàn, Giả Liễn, Vương Hy Phượng, Giả Nghênh Xuân. Nàng là một trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách, tức là 12 cô thanh nữ. Chi Nghiễn Trai trùng bình Thạch Đầu Ký bình Lâm Đại Ngọc hai chữ tình tình 情情.

Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa là hai nhân vật đối lập, vì Đại Ngọc thuộc mộc , Bảo Thoa thuộc kim . Bảo Ngọc và Đại Ngọc có quan hệ mộc thạch tiền minh, Bảo Ngọc và Bảo Thoa có quan hệ kim ngọc lương duyên.

Tiết Bảo Thoa có nghĩa là cây trâm quý, là một trong ba nhân vật chính trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc Hồng Lâu Mộng của nhà văn Tào Tuyết Cần, một trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách. 
Bảo Thoa thể thái phong mãn, phẩm cách đoan trang, tài đức kiêm bị, tính cách đại độ, được xem là viên ngọc minh châu của nhà họ Tiết - một trong tứ đại gia tộc ở đất Kim Lăng. Tuy bề ngoài tính cách băng thanh ngọc khiết, cao sang, quý phái, lạnh lùng, băng giá, nhưng có lúc nhiệt tâm cao hứng, Bảo Thoa sắc sảo, thông thái, lãng mạn, tình cảm đã làm bài Vịnh cua để mỉa mai bọn tham quan ô lại. Trên người đeo một chiếc khoá vàng có khắc tám chữ bất ly bất khí, phương linh vĩnh kế (không xa lìa, không rời bỏ, tuổi thơm được lâu bền mãi), hợp với tám chữ khắc trên viên ngọc của Giả Bảo Ngọc mạc thất mạc vong, tiên thọ hằng xương (đừng đánh mất, đừng bỏ quên, tuổi tiên được khoẻ mạnh mãi) thành một câu đối, vì vậy mà có thuyết kim ngọc lương duyên.

Giả Nguyên Xuân là con gái Giả Chính và Vương phu nhân, chị cả hơn Bảo Ngọc gần 10 tuổi, vì sinh vào đúng ngày mồng 1 tháng Giêng nên được đặt tên là Nguyên Xuân và cũng là cô cả trong Giả phủ tứ xuân. Nàng cũng là chị gái của Giả Thám Xuân, em chồng của Lý Hoàn, em họ của Vương Hy Phượng, Giả Nghênh Xuân, chị họ của Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Giả Tích Xuân. Thuở nhỏ, Nguyên Xuân thường dạy Bảo Ngọc đọc sách viết chữ, sau này đến tuổi được tuyển vào cung làm Nữ sử rồi được phong Hiển Đức phi, coi giữ cung Phượng Tảo.

Giả Nghênh Xuân là con của ông cả Giả Xá và nàng hầu, là em gái cùng cha khác mẹ của Giả Liễn, em chồng của Vương Hy Phượng, chị họ của Giả Nguyên Xuân, chị họ chồng của Lý Hoàn, chị họ của Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc. Nàng là cô hai trong Giả phủ tứ xuân.

Giả Thám Xuân là con gái Giả Chính và nàng hầu Triệu Di Nương, chị gái cùng cha cùng mẹ của Giả Hoàn, em gái cùng cha khác mẹ của Giả Châu, Giả Bảo Ngọc, Giả Nguyên Xuân, em chồng của Lý Hoàn, em họ của Giả Liễn, em họ chồng của Vương Hy Phượng, chị họ của Lâm Đại Ngọc. Thám Xuân là cô ba trong Giả phủ tứ xuân

Giả Tích Xuân là tiểu thư khuê các, con gái thứ hai của Giả Kính phủ Ninh Quốc, em gái của Giả Trân, em chồng của Vưu thị, cô ruột của Giả Dung, cô chồng của Tần Khả Khanh, và có họ hàng với phủ Vinh. Tích Xuân là cô tư trong Giả phủ tứ xuân.

Sử Tương Vân là tiểu thư nhà họ Sử - một trong tứ đại gia đất Kim Lăng (Nam Kinh, Trung Quốc), và là cô cháu yêu của Sử Thái Quân (tức Giả Mẫu - bà nội của Giả Bảo Ngọc).

Diệu Ngọc là con gái một nhà quyền quý ở Tô Châu, vì nhiều bệnh nên đi tu từ bé nhưng vẫn để tóc, sau khi đến kinh thành thì tu hành trong am Lũng Thuý, Vinh quốc phủ.

Vương Hy Phượng tên thường gọi là Phượng thư hay mợ Hai, là con dâu của Giả Xá, Hình Phu nhân, vợ chính thất của Giả Liễn, mẹ của Giả Xảo Thư, cháu ruột của Vương Tử Đằng, Vương phu nhân, Tiết phu nhân.

Lý Hoàn tên chữ là Cung Tài, là con gái của Lý Thủ Trung, là vợ góa của Giả Châu, mẹ của Giả Lan, mợ cả của Vinh phủ, con dâu của Giả Chính, Vương phu nhân, chị dâu góa của Giả Bảo Ngọc, Giả Nguyên Xuân, Giả Thám Xuân, Giả Hoàn.

Giả Xảo Thư là con gái đầu của Giả Liễn và Vương Hy Phượng, cháu nội của Giả Xá và Hình phu nhân. Nàng là người nhỏ tuổi nhất trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách.

Tần Khả Khanh, cháu dâu cả của Ninh quốc phủ, con dâu của Giả Trân và Vưu Thị, vợ của Giả Dung và cũng là con gái của Tần Nghiệp, chị gái của Tần Chung.

3. Kim Lăng thập nhị thoa phó sách
Hương Lăng, nguyên là con gái Chân Sĩ Ấn  và Phong thị, khi sinh ra khuê danh là Chân Anh Liên Năm 3 tuổi thì bị bắt cóc, đến lớn được công tử Phùng Yên mua về nhưng rồi gặp phải tên ác bá Tiết Bàn. Thấy nàng xinh đẹp, hắn đánh chết vị công tử rồi lấy nàng làm nàng hầu. Vào nhà họ Tiết, nàng được Tiết Bảo Thoa đổi tên là Hương Lăng. Tiết Bàn là kẻ ăn chơi đàng điếm, vũ phu nên nàng thường bị hắn hành hạ khổ sở. Khi Tiết Bàn đi xa buôn bán, Bảo Thoa đem Hương Lăng sang vườn Đại Quan với mình. Tại đây, Hương Lăng học làm thơ và cũng tỏ ra có tài. Khi về Tiết Bàn lập chính thất là tiểu thư Hạ Kim Quế. Kim Quế là con người thâm hiểm, độc ác, đã đổi tên Hương Lăng thành Thu Lăng và luôn muốn trừ khử Hương Lăng để tiêu diệt cái gai trong mắt nên Hương Lăng càng thêm khổ sở. Sau khi Kim Quế chết, Tiết Bàn đưa Hương Lăng lên làm chính thất. Sau khi sinh được một đứa con trai cho nhà họ Tiết thì nàng cũng qua đời.
Hương Lăng là cô gái tài sắc, đẹp đẽ thoát tục, lại cũng có tài làm thơ phú, thích phong nhã. Khi rút thẻ hoa ở Di Hồng Viện, nàng rút được thẻ hoa tịnh đế
Hương Lăng rút được một cái thẻ vẽ cành hoa "tịnh đế" có đề bốn chữ "Điềm xuân liên tiếp". Mặt sau có một câu thơ cổ: "Liền cành hoa nọ vừa đua nở". Lại chua thêm: "Cùng mừng người rút uống ba chén, sau đó mọi người đều uống một chén".

4. Kim Lăng thập nhị thoa phó hựu sách

Tình Văn vá áo lông công
Tình Văn là người hầu của Bảo Ngọc tại Di Hồng viện và là a hoàn có nhan sắc xinh đẹp nhất phủ,vượt trội hẳn những kẻ khác, vẻ người rất giống Đại Ngọc và đôi lúc được ví với Tây Thi. Nàng vốn tính tình tinh ranh, đài các lại đanh đá, kiêu ngạo, là người duy nhất dám đấu khẩu với Bảo Ngọc khi bị cậu quở trách, nhưng lại luôn hết lòng ủng hộ Bảo Ngọc. Tâm tư trong sáng đẹp đẽ, có tố chất của vẻ đẹp kim ngọc, cao quý. Vương Phu nhân nghi ngờ Tình Văn lẳng lơ quyến rũ Bảo Ngọc nên đuổi nàng ra khỏi phủ. Uất ức, đau khổ vì oan uổng và phải chịu nhục nhã, Tình Văn qua đời vì bệnh lao ít lâu sau khi ra khỏi Di Hồng viện. Sau khi nàng chết, Bảo Ngọc rất thương xót, làm bài Văn tế nữ thần hoa phù dung.

Cảnh Tình Văn xé quạt là một trong những hình ảnh lãng mạn nhất của Hồng Lâu Mộng, hồi 31: Xé tan cái quạt, nghìn vàng mua lấy một trận cười; Điềm ứng kỳ lân, hai sao gặp nhau khi đầu bạc.
Tập Nhân vốn họ Hoa, tên Trân Châu, là người hầu thân cận nhất của Bảo Ngọc và cũng là nàng hầu (di nương) chưa chính thức. Trước là người hầu của Giả Mẫu, được cho sang hầu hạ Bảo Ngọc; tên Tập Nhân là được Bảo Ngọc đặt cho theo câu: Hoa khí tập nhân. Tập Nhân là cô hầu mẫu mực, rất chu đáo, biết nghĩ lại nhũn nhặn, biết chiều lòng người. Nàng cũng là người đầu tiên có quan hệ ái ân với Bảo Ngọc ở thế giới thực và đã được Vương phu nhân ngầm chọn là nàng hầu cho Bảo Ngọc sau này, tuy nhiên việc chưa được quyết định chính thức. Theo kết thúc của Cao Ngạc, sau khi Bảo Ngọc đi tu, Tập Nhân được gả cho một con hát tên Tưởng Ngọc Hàm, bạn cũ của Bảo Ngọc.
Đoạn rút thẻ hoa ở Di Hồng viện hồi 63, Tập Nhân rút được thẻ hình hoa đào.
Tập Nhân rút ra một cái thẻ vẽ cành hoa đào, đề bốn chữ "Phong cảnh Vũ Lăng". Mặt sau có đề một câu thơ cổ: "Hoa đào lại báo một mùa xuân sang". Lại chua thêm: "Hoa hạnh uống tiếp một chén, người nào cùng tuổi hay cùng họ đều uống tiếp một chén".

5. Giả phủ

Là đại gia đình, nơi đặt bối cảnh của cuốn tiểu thuyết. Họ Giả vốn nguyên quán ở Kim Lăng, là con cháu Ninh quốc công và Vinh quốc công, là một trong nhà danh gia có thế lực nhất Kim Lăng.
Giả không phải là giả dối, ngọc làm nhà ở, vàng làm ngựa cưỡi (Con cháu Ninh công Vinh công cộng hai mươi chi. Tám chi họ gần ở kinh đô, mười hai chi ở nguyên quán)
.
Ninh quốc công và Vinh quốc công là hai anh em ruột. Ninh công là trưởng, đẻ hai con trai; khi Ninh công chết, con trai lớn là Giả Đại Hóa tập tước. Đại Hóa đẻ được hai con: con lớn là Giả Phu chết sớm; con thứ là Giả Kính tập tước. Giả Kính có một con trai là Giả Trân và một con gái là Giả Tích Xuân. Giả Trân có một con trai là Giả Dung. Vinh Quốc công có con trưởng là Giả Đại Thiện, có hai con trai là Giả Xá, Giả Chính và con gái là Giả Mẫn. Giả Xá có hai con là Giả Liễn và Giả Nghênh Xuân. Giả Liễn có một con gái là Giả Xảo Thư. Còn Giả Chính có ba con trai là Giả Châu, Giả Bảo Ngọc và Giả Hoàn, hai con gái là Giả Nguyên Xuân và Giả Thám Xuân.
Giả Mẫu
Giả Mẫu họ Sử, vốn là con nhà Sử gia - một tước hầu ở Kim Lăng nên còn được gọi là Sử Thái quân, lấy Giả Đại Thiện, sinh ra hai con trai Giả Xá, Giả Chính và một con gái Giả Mẫn. Bà có hai người con dâu: Vương phu nhân và Hình phu nhân và rất nhiều cháu chắt: Giả Bảo Ngọc, Giả Liễn, Giả Châu, Giả Nguyên Xuân, Giả Thám Xuân, Giả Nghênh Xuân (cháu nội); Lâm Đại Ngọc (cháu ngoại); Giả Xảo Thư (chắt nội); Sử Tương Vân (cháu họ). Giả mẫu là người có quyền hành tối cao trong Vinh quốc phủ và là một người sùng Phật, nhân hậu, hay giúp người nhưng cũng có đôi khi xử sự khá tàn nhẫn. Bà qua đời vì tuổi già khi gần kết thúc tác phẩm

Giả Kính là ông cả của phủ Ninh quốc, góa vợ, có con trai thứ là Giả Trân, con gái là Giả Tích Xuân. Ông ta chỉ một niềm thích tu tiên nên nhường cho con trai tập tước rồi ra đạo quán sống chung lộn với bọn đạo sĩ. Sau chết vì nuốt kim đan.

Giả Chính (phồn thể: 賈政; bính âm: Jiǎ Zhèng ) là ông hai của Vinh Quốc phủ, con trai thứ của Giả Mẫu, em trai của Giả Xá, có vợ là Vương phu nhân cùng ba con trai Giả Châu, Giả Bảo Ngọc, Giả Hoàn và hai con gái Giả Nguyên Xuân, Giả Thám Xuân. Giả Chính giữ chức Viên ngoại lang, có con gái Nguyên Xuân được tiến cung, là một môn sinh Nho giáo và vô cùng nghiêm khắc, khuôn phép, cố chấp nhất là đối với Bảo Ngọc.
Vương phu nhân
Vương phu nhân là bà hai của phủ Vinh quốc, là vợ chính thất của Giả Chính, và là mẹ của Giả Châu, Giả Bảo Ngọc, Giả Nguyên Xuân. Bà vốn là nhị tiểu thư của nhà họ Vương - một nhà hào phú đất Kim Lăng, là cô ruột của Vương Hy Phượng. Vương phu nhân là người ăn chay niệm Phật, tính tình nhân đức, không hay đụng đến việc nhà mà giao hết cho cô cháu Phượng Thư. Dù vậy, thực tế vẫn có lúc bà hành động rất nhẫn tâm, như khi đuổi Tình Văn đi hay lúc cưới Bảo Thoa cho Bảo Ngọc.
Giả Xá là ông cả của Vinh quốc phủ, con trai lớn của Giả mẫu, anh cả của Giả Chính, có vợ là Hình phu nhân và con trai Giả Liễn, con gái Giả Nghênh Xuân. Ông được miêu tả là người xảo trá, bội bạc lại tham lam, hám lợi, đồng thời cũng rất háo sắc, không đứng đắn.
Hình phu nhân là bà cả của phủ Vinh quốc, vợ của Giả Xá, con dâu cả của Giả mẫu và là mẹ của Giả Liễn, mẹ chồng của Vương Hy Phượng. Bà ta là người hờ hững, ích kỉ, chỉ lo nghĩ đến quyền lợi bản thân, ngay cả con cháu cũng không chăm lo mấy.
Giả Trân là cậu cả của phủ Ninh quốc, con trai của Giả Kính, anh trai của Giả Tích Xuân, có vợ chính thất là Vưu Thị và một con trai là Giả Dung, con dâu là Tần Khả Khanh. Ông ta chỉ thích ăn chơi đàng điếm, tính tình trăng hoa, dâm đãng, đã tằng tịu với cả em vợ là Vưu Nhị Thư và con dâu Tần Khả Khanh.
Vưu Thị là vợ chính thất của Giả Trân, có một con trai là Giả Dung và hai người em gái là Vưu Nhị thư và Vưu Tam Thư. Bà ta còn trẻ, là người chu đáo, cẩn thận nhưng vẫn thường hay xung đột với cô em chồng Giả Tích Xuân.

Giả Liễn là con trai cả của Giả Xá và Hình Phu Nhân, là anh trai cùng cha khác mẹ với Giả Nghênh Xuân, có một vợ chính thất là Vương Hy Phượng, vợ lẽ Vưu Nhị Thư cùng ít nhất hai nàng hầu là Bình Nhi và Thu Đồng. Anh ta được miêu tả có dung mạo đẹp đẽ nhưng không lo học hành mà chỉ thích mưu toan xoay xở kiếm lời, lại hay trăng hoa, ve vãn.
Giả Hoàn là con trai Giả Chính và Triệu Di nương, là em khác mẹ của Giả Bảo Ngọc, Giả Nguyên Xuân, Giả Châu; em cùng mẹ với Giả Thám Xuân. Anh ta được miêu tả từ dung mạo dáng vóc đến tính cách đều rất ti tiện hèn hạ nên bị cả phủ khinh rẻ, coi thường. Giả Hoàn thường cùng mẹ tìm cách ám hại Bảo Ngọc.
Giả Dung là cháu trai trưởng của phủ Ninh Quốc, con trai của Giả Trân và Vưu Thị, chồng của Tần Khả Khanh. Anh ta được miêu tả trẻ trung, dung mạo như ngọc nhưng tình tình lại y hệt như ông bố Giả Trân, thích ve vãn tán tỉnh phụ nữ.
Bình Nhi là nàng hầu thân cận nhất của Vương Hy Phượng đem từ bên Vương phủ sang và được gả luôn làm nàng hầu cho Giả Liễn - chồng Hy Phượng. Nàng là cánh tay phải đắc lực của Phượng Thư và rất được tin tưởng nên trong phủ Bình Nhi cũng có một vị trí đáng nể. Tốt bụng và vị tha, Bình Nhi thường biến việc lớn thành nhỏ để giải quyết các mâu thuẫn một cách êm thấm. Vì vậy nàng được mọi người trong phủ kính trọng và yêu mến nhưng cũng do đó mà nàng trở thành nạn nhân của những cuộc xô xát của vợ chồng Hy Phượng.
Bình Nhi là một cô gái vô cùng xinh đẹp và hiền dịu, lại có tấm lòng nhân hậu. Khi đứa con mồ côi của Phượng Thư - Giả Xảo Thư bị ông cậu lừa định đem bán, nàng cùng Già Lưu sắp xếp cho Xảo Thư đi trốn. Sau này, Giả Liễn trở về lập Bình Nhi làm chính thất.
Kim Uyên Ương là người hầu rất trung thành và là trợ thủ đắc lực của Giả mẫu nên cũng là người có thế lực trong phủ. Giả Xá, ông cả của phủ Vinh và là con trai Giả Mẫu thấy nàng xinh đẹp nên năm lần bảy lượt muốn cưới nàng làm nàng hầu nhưng nàng kiên quyết kháng cự. Sau khi Giả mẫu tạ thế, Uyên Ương cũng thắt cổ tự vẫn theo.
Tử Quyên (phồn thể: 紫鵑; bính âm: Zǐjuān ) vốn là người hầu của Giả mẫu, sau được cho đến hầu hạ Đại Ngọc. Tử Quyên là cô gái khôn ngoan, tinh tế, đặc biệt vô cùng trung thành với Đại Ngọc và là người bầu bạn tuyệt vời để nàng giãi bày nỗi lòng mình. Trong kết thúc của Cao Ngạc, sau khi Đại Ngọc chết, Tử Quyên kiên quyết xin đi theo hầu Tích Xuân ở cửa Phật.
Xạ Nguyệt Một trong những a hoàn lớn của Bảo Ngọc, rất xinh đẹp và chu đáo. Nàng là một Tập Nhân thứ hai.
Kim Xuyến là a hoàn của Vương phu Nhân, bị nghi ngờ ve vãn Bảo Ngọc nên bị đuổi về, không chịu được nhục nên nhảy xuống giếng tự vẫn khiến Vương phu nhân cắn rứt lương tâm. Bảo Thoa phải lựa lời an ủi.

6. Tiết phủ

Trong tiểu thuyết, nhà họ Tiết là một trong tứ đại gia tại Kim Lăng. Nhân dân địa phương có câu tục ngữ: Được mùa tuyết lã chã rơi, ngọc châu như đất, vàng thời sắt thoi. (Con cháu Tử vi xá nhân Tiết công, hiện lĩnh tiền khi đi mua hàng, có tám chi). Vì Tiết phu nhân là em ruột Vương phu nhân phủ Vinh quốc nên sau khi vào Kinh, bà cùng hai con đến ở trong phủ Giả; sau đó Tiết Khoa và Tiết Bảo Cầm cũng đến ở cùng.

Tiết phu nhân
Tiết Di ma là em gái Vương Phu nhân và là mẹ của Tiết Bàn và Tiết Bảo Thoa, là dì của Giả Bảo Ngọc, Giả Nghênh Xuân, là cô của Vương Hy Phượng. Bà là một phụ nữ góa chồng, có tấm lòng nhân hậu nhưng quá nhu nhược, không quản được việc nhà.

Tiết Bàn  tự là Văn Khởi, là con trai Tiết phu nhân và là anh cả của Tiết Bảo Thoa, tính tình nóng nảy, dốt nát, lại ngông cuồng phóng đãng, cậy thế nhà nên tác oai tác quái. Có vợ là Hạ Kim Quế và nàng hầu là Hương Lăng.

Hạ Kim Quế vốn là con gái một trong một nhà đại gia, gọi là nhà Nhà hoa quế họ Hạ nổi tiếng cả kinh thành chuyên bán hoa quế. Cô là hoa quế sắc sảo, tàn nhẫn được gả làm chính thất cho Tiết Bàn, anh trai Tiết Bảo Thoa. Kim Quế khoảng 17 tuổi, cũng thuộc loại có chút nhan sắc nhưng tính tình nham hiểm đanh đá, bụng dạ vô cùng độc ác, nanh nọc, lại kiêu ngạo, coi trời bằng vung. Cô thường thích gây chuyện thị phi, nói năng hiềm khích và hành hạ Hương Lăng vô cùng khổ sở. Kim Quế lẳng lơ, lúc chồng đi vắng thì say mê cậu em họ chồng Tiết Khoa, nhưng không được đáp lại. Cuối cùng cô ta chết vì uống phải thuốc độc chính mình pha để định dành cho Hương Lăng. Có một a hoàn là Bảo Thiềm có tính cách xấc xược.
Tiết Khoa là cậu hai nhà họ Tiết, cháu của Tiết Phu nhân, anh trai của Tiết Bảo Cầm và là em họ của Tiết Bảo Thoa, Tiết Bàn, có dung mạo vô cùng đẹp đẽ. Sau cưới Hình Tụ Yên.
Tiết Bảo Cầm đạp tuyết tìm mai. Nàng được ví như cành mai thắm trong trời tuyết trắng. Nàng là em gái Tiết Khoa, em họ Tiết Bảo Thoa, Tiết Bàn. Nàng vô cùng xinh đẹp, được ví lộng lẫy hơn cả Bảo Thoa. Giả mẫu rất yêu quý nàng nên ví nàng còn đẹp hơn tranh, từng muốn nàng làm vợ của Giả Bảo Ngọc. Vương phu nhân cũng yêu quý nàng và nhận làm con nuôi. Nàng từ nhỏ đã chăm chỉ đọc sách viết chữ, bản tính vốn thông minh, thơ phú đều rất giỏi.
Hình Tụ Yên là cháu gái Hình phu nhân, vì gia cảnh sa sút nên phải đến ở nhờ nhà họ Giả. Nàng là cô gái xinh đẹp, giản dị, biết nghĩ và cũng là một trong hai người duy nhất mà Diệu Ngọc xem trọng. Sau thành thân với Tiết Khoa.

7. Các nhân vật khác

Lưu lão lão
Vưu Nhị Thư là em gái Vưu Thị và là chị gái Vưu Tam Thư, là một cô gái vô cùng xinh đẹp, hiền dịu nhưng dễ dãi lẳng lơ, đã tư thông với cả anh rể Giả Trân, sau được Giả Liễn vụng trộm cưới về. Vương Hy Phượng biết được liền nghĩ kế hành hạ nàng khổ sở đến nỗi phải nuốt vàng sống tự vẫn.

Vưu Tam Thư là em gái Vưu Thị và Vưu Nhị thư. Nàng là một cô gái sắc nước hương trời, có phong tư lộng lẫy tình tứ làm điên đảo biết bao nhiêu đàn ông, tính tình vừa lẳng lơ lại vừa cao ngạo kì quái. Vưu Tam Thư một lòng chờ đợi Liễu Tương Liên suốt năm năm trời nhưng không được đáp lại, cuối cùng vì hổ thẹn mà tự vẫn.

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Chuyện ăn mặc của phụ nữ Hồi giáo

Chuyện ăn mặc của phụ nữ Hồi giáo: 
Đừng căn cứ vào trùm khăn và che mặt…
Sáng Ánh


Mua bán thảm. Tranh không rõ tác giả

Hồi giáo có mặt từ 15 thế kỷ, với 1,6 tỉ tín đồ trải trên khắp trái đất thuộc cả trăm dân tộc, cả ngàn sắc tộc chứ không phải riêng gì khu vực Trung Đông. Năm quốc gia hiện nhiều tín đồ Hồi nhất là Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Bangla Desh và Nigeria. Các quốc gia, các dân tộc này, từ Đông Âu đến Phi Châu, từ rừng già, hải đảo nhiệt đới đến núi tuyết hay sa mạc, hẳn đã có sẵn trước sự xuất hiện của Hồi giáo, với tập quán, khí hậu riêng biệt vùng miền trước khi nhập một đức tin chung. Cái nôi của tôn giáo này là bán đảo Ả Rạp thì cũng thế: sa mạc đã có trước Hồi giáo, và người Ả Rạp đã có trước Hồi giáo.


Tôn giáo này được phân chia thành 2 nhánh, Shia và Sunni, ngay sau khi thiên sứ qua đời. Ngành Sunni chí ít là có 4 giòng giáo luật, ngành Shia thì một tá phiên bản. Khác với Ki tô La Mã chẳng hạn, Hồi giáo không có một giáo hội thống nhất với 1 giáo hoàng, cho nên mỗi chùa đền đều có thể độc lập. Người Hồi chia sẻ với nhau 5 điều căn bản: Đức tin, Bổn phận cầu nguyện, Bổn phận từ thiện, Bổn phận tháng kiêng và Bổn phận hành hương.

“Cầu nguyện trong đền”, 1884, tranh của Bartolini Filipo (hoặc Frederico)

Kinh Thánh Qran thì được coi là tuyệt tác của ngôn ngữ Ả Rạp, và như mọi tuyệt tác, nó có rất nhiều diễn nghĩa, ngay cả trong tiếng gốc. Chẳng hạn, cho đến giờ, vẫn không rõ từ Jihad, y nghĩa là “thánh chiến” (với người ngoài đạo) hay là “tự thắng” (và tự thánh thiện bản thân). Giáo chủ Mohammad thì truyền thống cho là có để lại 60 điều cấm và răn dạy, một số là tuyệt đối và một số phải được hiểu là trong bối cảnh của thời điểm và khu vực.

Về trang phục Hồi, các điều răn cho nam cũng như nữ là là sự khiêm tốn và không phô trương, thứ nhất là nam không được dùng tơ lụa, trang sức vàng và nước hoa chẳng hạn. Đạo Hồi là một tôn giáo bình đẳng và điều này được ít nhiều tuân thủ, các vương tại các quốc gia Hồi giáo ngày nay trong trang phục truyền thống thì xem cũng nhang nhác như mọi người, chẳng lẫm liệt gì như các vương Tây phương. Riêng phần nước hoa thì hơi lạ, chuyện đùa là (ngày nay) đến đâu nghe nồng nặc mùi hương là biết có đàn ông Ả Rạp và có lẽ tại vậy mới phải khuyên răn. Nhưng họ nhiều râu, nếu cạo cho sạch thì 1 ngày cũng cần 3 lần, phải dùng nhiều after shave, cái gì cũng có lý do cả.


“Cầu nguyện ở Cairo”, 1865, tranh của Jean-Leon Gerome.

Sự “khiêm tốn”, tức là không phơi bày da thịt, phần nữ là ngực và bộ phận sinh dục, phần nam là từ rốn xuống đầu gối. Trong Qran không có đâu là cấm phụ nữ hở mặt hay phải đội khăn cả. Từ Hijab (che đậy), ta có thể hiểu là sự ngăn chia giữa riêng tư và xã hội bên ngoài hay là khăn che tóc (nhưng không che mặt) trong truyền thống. Nhưng nếu thế thì tại sao hiện nay một số lớn phụ nữ Hồi che tóc, một số khác che tóc và mặt, một số trùm áo ngoài? Đó là vấn đề văn hóa, cũng như nếu một số phụ nữ Việt mặc áo dài thì không hẳn đó là bởi vì họ theo đạo thờ cúng tổ tiên. Nói cách khác, nếu nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp mà là thiên sứ đạo, thì nữ tín đồ khắp nơi “tay em cầm cái nón quai thao, chân đi đôi guốc cao cao”.


Khi đạo Hồi đến khu vực Cận Đông, thì đã có phục trang như thế. Tại sao như thế, thì là nhu cầu của thời tiết, nam cũng như nữ đều kín mít phòng gió nắng như ta đi xe máy, chỉ chừa đôi mắt vì thời đó chưa phát minh ra kính mát mô đen. Ở đây nói thêm, có bạn hỏi là sao trời nóng mà phải trùm kín người, đó là bởi vì các bạn chưa trải nghiệm cái nóng 45oC hay 50oC, tức là cái nóng bên ngoài cao hơn nhiệt độ của thân thể. Trong trường hợp đó, áo quần như một cái lều và giữ bạn ở nhiệt độ 37oC.



Hồi giáo là phiên bản thứ ba của giòng tôn giáo độc thần Abraham, tức là hậu duệ của Do Thái giáo và Ki Tô giáo, và theo tín đồ Hồi thì Mohammad là thiên sứ cuối cùng của cùng một thượng đế. Cả ba đều xuất phát từ cùng một khu vực và giờ nếu ta nhìn trang phục của thày tu Ki tô hay nữ tu Ki tô, của tín đồ Do giáo truyền thống thì ắt sẽ thấy tương đồng với trang phục của người Hồi. Họ cũng đều áo trùm và che tóc, Do Thái giáo truyền thống đàn ông để râu và phụ nữ che mặt, đến nỗi để phục vụ cộng đồng đang lớn mạnh này tại Israel, cửa hàng Ikea mới ra một sách quảng cáo đồ dùng nội thất không có một bóng dáng phụ nữ.


Tín đồ Ki tô (giáo phái Copt) người Eritrea.


Tín đồ Ki tô chính thống Nga, ở đây là 3 vận động viên thế vận Ksenia Afanyseva, Victoria Komova, Aliya Mustafina đang cầu được huy chương trước London 2012. 



Tín đồ Do Thái giáo truyền thống tại Israel.

Khăn che tóc của phụ nữ Ki tô, vẫn còn phổ biến tại Đông Âu hay Nam Âu (Italy, Spain, Portugal, Greece…) vài mươi năm về trước, và ngày nay vẫn phổ biến khi đi lễ nhà thờ. Phu nhân Obama, khi sang thăm Saudi, không dùng khăn che tóc, nhưng đến viếng Giáo hoàng tại Vatican thì trang phục đen tuyền và đội khăn voan.


Nửa thế kỉ trước, số phụ nữ Hồi giáo tại quốc gia của họ hay tại các nước ngoài, trang phục cổ truyền ít hơn hiện nay. Nói bên lề, tại Israel, phụ nữ Do giáo trang phục cổ truyền vào lúc đó cũng thế hầu như không thấy. Sau Thế chiến thứ nhất và sự sụp đổ của đế quốc Ottoman (tiền thân của Turkey) là đế quốc Hồi giáo cuối cùng, người Hồi đã đi vào con đường cải cách và canh tân, quốc gia chủ nghĩa như ở Turkey hay ngay cả chế độ quân chủ chuyên chế tại Iran cũng vậy. Trong thập niên 30, vua Shah tại Iran cấm phụ nữ ra đường đội khăn, công an tịch thu và giật khỏi đầu họ. Phong trào này tương tự như Trung Quốc đàn ông xuống tóc cắt đuôi sam vào đầu thế kỉ 20.


Sinh viên nữ Iran những năm 1970s, trước thời cách mạng 1979 ở Iran.

Đến thập niên 50-60, khu vực hướng về quốc gia và xã hội chủ nghĩa để “thoát Tây”, tức là ảnh hưởng hậu thuộc địa và đế quốc của Tây phương. Đây là giai đoạn còn có cả hoàng thân Saudi chống lại quân chủ, vương quyền, và phụ nữ ở Kabul, ở Tehran ra đường mặc váy ngắn. Sự thất bại của phong trào này trong khu vực khiến từ thập niên 80 trở đi tư tưởng truyền thống, tức là truyền thống Hồi giáo, trở lại, thứ nhất là tại Iran. Cách mạng chống đế quốc và chống quân chủ chuyên chế thành công là ở các thày chứ không phải ở nhóm “Mác xít-Hồi giáo” nào. Tại các nơi khác, phong trào về nguồn cũng phát triển, dâng cao và biểu hiện của nó là trang phục truyền thống.


Sinh viên đại học Kabul, Afghanistan 1972.

Tại sao chống Tây phương và ảnh hưởng của đế quốc lại phải về nguồn? Văn minh và đế quốc Hồi giáo, trong quá khứ, đã từng là siêu cường số 1 của thế giới trong khi Âu châu còn man rợ và u mê tín điều. Nói đơn giản, thủa thế kỉ thứ 10, ta vấn khăn thì làm phụ mẫu của chúng nó, thế kỉ 20 ta mặc váy ngắn chẳng nên cơm cháo gì, chúng vẫn đè đầu, thế kỉ 21 ta vấn khăn trở lại thì biết đâu, nhìn thử Iran xem, ai làm gì nhau.


Phụ nữ Iran vào năm 2014.


Phụ nữ Ethiopia.

Tại các nước Âu châu, người Hồi định cư từ thập niên 60 sang đó lao động vào giai đoạn phát triển kinh tế và ở lại. Thế hệ này chỉ mong hội nhập nhưng vào cuối thế kỉ trước, trì trệ kinh tế nói chung tại Tây Âu đã gạt con em của họ, là thế hệ thứ nhì, sinh trưởng ra tại Pháp, Anh hay Đức… ra bên lề. Thế hệ này biểu hiện ý thức lý lịch và căn cước của họ qua trang phục truyền thống gọi là Hồi giáo. Ngày nay, trên phố các nước này, ta thấy khăn che tóc nhiều hơn là 30 hay 40 năm về trước là vì thế.

Một số khác, sinh sống tại các nước Hồi giáo, muốn thể hiện căn cước Hồi giáo của họ một cách thời trang, vẫn giữ khăn che nhưng quấn thành đủ kiểu thời trang, mặc áo kín đáo nhưng hàng hiệu cẩn thận!


Mẫu Hồi giáo của nhà thiết kế Dolce & Gabbana.

Tóm lại, không có cái gì là trang phục Hồi giáo, hay Do Thái giáo, Ki tô giáo mà chỉ có trang phục truyền thống. Nếu đảo ngược lại tình thế, nếu Trung Đông vẫn ảnh hưởng châu Âu và cai trị họ trực tiếp, gián tiếp, ta có thể tưởng tượng người Âu bất bình và ở từng lớp dưới ra đường ăn mặc kiểu… La Mã vậy. Hay có lẽ dễ tưởng tượng hơn, nếu Trung Quốc (hay Ấn Độ đi) trở thành siêu cường tuyệt đối về mặt chính trị, văn hóa, quân sự. Họ cắt nước Pháp ra làm ba, dính nước Tiệp vào với Đông nước Đức, và trang phục của mọi người là võ phục Thiếu Lâm chẳng hạn thì tại Âu ắt sẽ có thiếu nữ ra đường mặc quần áo “Ki tô truyền thống”, tức là trang phục của các bà sơ.


Phụ nữ lớn tuổi, tại Ragusa, Sicily, Italy ngày nay (2013), đất nước của… Berlusconi.


Phụ nữ trẻ tuổi, tại Beirut, Lebanon ngày nay (2010), đất nước của Hezbollah. 

Lộ Lộ Thanh Liên

Phù điêu ở hành lang chùa Bút Tháp
Theo tiến sĩ  Nguyễn Xuân Diện:
Bức chạm hình hai con cò (chữ Hán là Lộ 鷺) và hoa sen (liên hoa 蓮花). Hình ảnh này ẩn dụ bốn chữ: “Lộ lộ liên hoa” 鷺鷺蓮花- Con cò, con cò và hoa sen. Lộ là cò, đồng âm với lộ 路 là con đường; “liên hoa” 蓮花 là hoa sen, đồng âm với chữ “Liên khoa” 連科 (liền khoa thi này đến khoa thi khác, không bị rớt khoa). Lộ lộ liên hoa 鷺鷺蓮花 đồng âm với Lộ lộ liên khoa 路路連科.
Bức chạm là ẩn dụ lời chúc: Đường khoa cử chặng nào cũng thuận, tiếp liền thi và đỗ. Đây là lời cầu mong Tước Lộc Phong Hầu ở bức chạm bên cạnh.

Tước Lộc Phong Hầu 
Tuy nhiên những giấc mơ trần thế, những ẩn dụ về mong cầu của nhân gian chỉ được khắc chạm ở lan can mà thôi. Trong nội tự những biểu tượng mang tính ẩn dụ ảnh hưởng của Nho giáo và đời sống trần tục không còn. Chùa hoàng gia Bút Tháp tuy vẫn nhắc đến biểu tượng và mong cầu đời thường, hoặc vẫn ca ngợi tước lộc, phong hầu, đăng khoa… nhưng dứt khoát chỉ coi đó là ngoại cảnh, ngoại vật trong chốn Thiền môn. Đó là điều ý nhị và triết lý nhân sinh của những người của hoàng gia tu tập và hưng công chùa Bút Tháp, Xứ Kinh Bắc. A di đà Phật!
Lời bình của Lê Vĩnh Huy:
“Liên hoa” đúng là chơi chữ đồng âm với “liên khoa”, tức đậu liên tiếp mấy khoa thi. Nguyên khoa cử thời xưa tổ chức làm tam khoa: Hương thí, Hội thí và Đình thí. Đó là ba chặng của con đường tiến thân. Trước hết phải dự kỳ thi Hương tổ chức ở địa phương, nếu đậu mới đủ tư cách dự thi Hội tổ chức ở kinh đô; thi Hội mà trúng mới được gọi vào trước điện vua để thi Đình, lần này may phước ông bà ông vải mà đậu nữa mới gọi là có chút danh vọng ông nghè ông cử với trong làng ngoài xóm.
Nhất lộ liên hoa
Còn “lộ” 鷺 (con cò) đồng âm với lộ 路 (con đường).
Nhưng: Lộ lộ liên hoa 鷺鷺蓮花 thành… “Con cò, con cò và hoa sen” thì bắt đầu xảy ra trục trặc.
Thành ngữ xưa chỉ có Nhất lộ liên khoa 一路連科 tức thẳng đường một mạch mà tiến tới đỗ đạt. Để diễn ý câu này, người ta vẽ con cò nghênh mỏ bên cạnh đóa hoa sen, và chỉ một con mà thôi.
Khi có hai con cò thì sẽ là thành ngữ khác. Lúc này hoa sen trong đó không đọc Liên hoa nữa, mà đọc Thanh liên. Cả câu sẽ là Lộ lộ thanh liên 鹭鹭青蓮, ý này gợi từ đồng âm được hiểu là Lộ lộ thanh liêm 路路清廉, tức lời nhắc đức thanh liêm của người làm quan.
* * *

Lộ Lộ Thanh Liên

Môn đăng hộ đối

Môn đương hộ đối

levinhhuy

Phần đông cho rằng chữ “đăng” trong thành ngữ này là đèn, và “đối” có nghĩa là… câu đối; nên nghĩa đen của môn đăng hộ đối được giải thích là… trước cửa có treo lồng đèn và trong nhà có bày câu đối.

Mà môn đăng hộ đối là gì?

Thật ra, nguyên văn nó là “môn đương hộ đối” 門當戶對, do chữ “đương” còn được đọc là “đang” nên lâu ngày trại ra thành “đăng”, dẫn đến sự xuất hiện vô duyên của cái đèn lồng.

Trong Từ điển từ và ngữ Hán-Việt (Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002) cũng như Từ điển từ và ngữ Việt Nam (Nxb Tp.Hồ Chí Minh, 2000),  ghi chính xác thành ngữ này là “môn đương hộ đối”. Miền Nam: từ 1961, trong Việt ngữ chính tả tự vị (Nxb Khai Trí, Sài Gòn), Lê Ngọc Trụ đã ghi rằng thành ngữ “môn đăng hộ đối” là do đọc sai trại chữ “đang” (đương) mà ra.


Chữ “Hộ” cổ.

Tìm hiểu thành ngữ chữ Hán tất phải tham cứu từ điển Tàu, trong Thuyết văn giải tự, bộ từ điển quan trọng do Hứa Thận biên soạn hồi đầu thế kỷ II ghi: “môn” là cửa có hai cánh, “hộ” là cửa một cánh. Môn hộ do đó là nói cái chỗ từ đó người trong nhà chui ra chui vào, không phải nói nguyên cái nhà. Hãy xem tự dạng cổ của hai chữ này (trong ảnh): Môn 門 có hai cánh hai bên, và Hộchỉ có 1 cánh bên trái (chữ hộ này nay đã không còn dùng, và được thay bằng chữ 戶).

Môn đương và Hộ đối còn là hai chữ đi liền nhau của cùng một từ. Khi xưa, trước nhà quan thường có những chi tiết điêu khắc đặt ngay lối ra vào, dùng trấn gia trạch theo phong thủy, trong đó có “môn đương” và “hộ đối”.

Vào đời Hán, nhà quan thường đặt đôi trống bằng đá trước cửa (do tiếng trống vang dội uy nghiêm nên được cho là tượng trưng của sấm sét, có hiệu dụng xua đuổi tà ma xui rủi), đôi trống đá này gọi là “môn đương”.

Không phải nhà ai cũng được phép dùng môn đương, mà phải quan lớn từ tam phẩm trở lên mới được dựng cửa hai cánh và bày nó. Quan văn thì môn đương có hình tròn, quan võ thì môn đương có dạng vuông. Quan tòng tam phẩm thì có hai môn đương, chánh tam phẩm được bốn, nhị phẩm được sáu, nhất phẩm được tám; và duy chỉ cung vua mới được bày chín môn đương. Do đó, cứ đếm môn đương là biết nhà của đại quan cỡ nào, và căn cứ vào hình dạng của nó mà suy ra là quan văn hay võ.

Quan từ tòng tam phẩm trở xuống chỉ được làm cửa một cánh, ở thanh đà phía trên khung cửa được đặt đôi trụ hình tròn nhô ra khoảng một tấc, gọi là “hộ đối”. Hộ đối tượng trưng cho nam đinh, đặt trên cửa là ngụ ý gia tộc hưng vượng. Tùy phẩm hàm mà có hộ đối nhiều ít khác nhau.

Môn đương hộ đối do đó có nghĩa đen là sự phân biệt quan chức cao thấp, và nguyên nghĩa không phải nói nhà có “môn đương” phải kết thân với nhà có “hộ đối”, mà là con nhà trọng thần có môn đương thì chỉ nên phối ngẫu với nhà có môn đương; và tương tự, con em nhà quan nhỏ chỉ có hộ đối thì chỉ nên gả cho nhà có hộ đối; chứ môn đương không thể cùng hộ đối cưới gả lộn xộn. Tức là thành ngữ này có hai vế, lâu nay nhiều người vẫn tưởng là hai vế này sẽ “cưới” nhau, nhưng thật ra lại là tách biệt, mỗi vế tự tìm đối tượng bằng vai phải lứa với nó.

“Môn đương, Hộ đối” và hôn nhân hòa hợp

Bởi theo nhận định của người xưa, vợ chồng về căn bản phải có cùng hệ quy chiếu mới có thể hòa hợp lâu bền. Người không cùng đẳng cấp sẽ có quan điểm bất đồng, dễ tạo nên xung đột khiến đời sống hôn nhân trở nên trục trặc, thành gánh nặng trong đời.

Tất nhiên, người ta có thể dẫn ra trăm nghìn trường hợp riêng biệt để bác bỏ quan niệm này, nhưng đừng quên: trong tình yêu-hôn nhân, chết vì nhau vẫn dễ hơn là phải sống trọn đời bên nhau. Bối cảnh văn hóa, giáo dục khác nhau của hai gia đình sẽ dẫn đến hành xử khác nhau của mỗi người trong đôi lứa, những tập quán-sinh hoạt khác nhau hình thành tính cách khác biệt đến nỗi nhiều khi trở thành xa lạ khó hiểu với nhau, điều này gây những cú sốc nghiêm trọng trong cuộc hôn nhân. Trong tiểu thuyết Trống Mái của Khái Hưng, cô Hiền tiểu thư đã không thể đến với anh Vọi chính vì lẽ đó.

“Môn đương” có hình dạng cái trống.

 “Văn” môn đương.

 “Võ” môn đương.

Có 4 “hộ đối”: đây là nhà của quan lục phẩm.