Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

Phiên chợ Ba Tư


Từ nhỏ, mình thuộc bản nhạc này với những hình dung trong đầu về một phiên chợ cổ Ba tư, xứ sở của nàng Scheherazade trong “Nghìn lẻ một đêm”, nào là những con lạc đà, những kẻ hành khất, ông lão bán rắn... và giai điệu thướt tha, nhịp nhàng miêu tả bước chân của công chúa Ba tư... rồi những âm thanh, không khí trang nghiêm khi đức vua qua chợ...
Phiên chợ BaTư (In a Persian market) gợi nhớ những chuyện kể kỳ diệu của nàng Scheherazade trong “Nghìn lẻ một đêm” thuở nào, không chỉ có sức cuốn hút kỳ lạ với những em nhỏ, mà những người lớn cũng say mê những câu chuyện hàng đêm của Nàng.
Không kém phần rực rỡ, tác phẩm Phiên Chợ Ba Tư với khí nhạc vô cùng lôi cuốn và đa màu sắc đã trở thành một kiệt tác âm nhạc.
Tác phẩm được sáng tác năm 1920, là một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng, nghệ sĩ piano người Anh Albert William Ketèlbey (1875 – 1959).


Theo nhà phê bình Anh Ralph Hill, một người rất sành về âm nhạc Ba Tư, đây là tác phẩm về Ba Tư hay nhất được viết ra bên ngoài vùng đất này.

Màu sắc phối khí phong phú là một đặc trưng lớn trong nhiều sáng tác của Ketèlbey. Đặc biệt ở tác phẩm này.
Tác phẩm miêu tả chi tiết một phiên chợ Ba tư cổ bằng âm nhạc tuyệt vời, trong đó có buổi dạo chơi phiên chợ của nàng công chúa Ba tư.

Qua âm thanh, giai điệu người ta hình dung đươc toàn bộ mọi diễn biến của buổi phiên chợ thời cổ như một bức tranh vô cùng sống động.

Một họa sĩ vẽ hình ảnh cho tác phẩm của ông đã hóm hỉnh mô tả chính nhà soạn nhạc như một phù thủy đang pha chế một hỗn hợp âm điệu trong một cái vạc lớn. Ketèlbey đã pha màu và vẽ ra loạt 9 bức tranh liên hoàn miêu tả cảnh tượng một phiên chợ Ba Tư cổ xưa trong “In a Persian market”:
Cảnh 1: Những người đánh lạc đà đang tới chợ
Cảnh 2: Những kẻ hành khất đang cầu xin bố thí

Cảnh 3: Sự xuất hiện bất ngờ của nàng công chúa xinh đẹp khiến tất cả đột ngột lắng xuống sững sờ…
Cảnh 4: Những người làm trò tung hứng trong chợ
Cảnh 5: Những người làm trò dụ rắn trong chợ
Cảnh 6: Đức Kha-lip (vua Hồi giáo) đi qua chợ
Cảnh 7: Những kẻ hành khất lại lên tiếng cầu xin
Cảnh 8: Những người đánh lạc đà tiếp tục lên đường, cảm nhận tiếng xe đi xa dần, xa dần…
Cảnh 9: Chợ trở nên vắng vẻ, hoang vu trong tiếng nhạc êm buồn liu riu. Rồi, bỗng dưng nghe tiếng “xầm” cuối cùng, đó là tiếng cổng chợ đóng lại.

Lắng nghe bản nhạc “In a Persian market”, chắc chắn bạn có thể “nhìn được” và “cảm nhận được” mình đang lạc vào một bức vẽ một nàng công chúa xứ Ba Tư thế giới cổ tích diệu kỳ.
Như thể bạn đang có mặt tại phiên chợ cổ xưa và tận mắt chứng kiến những cảnh tượng vô cùng sống động – những cảnh tượng mà có lẽ trước đây bạn đã từng hình dung khi nghe những câu chuyện cuốn hút mê hồn của nàng Scheherazade trong “Ngàn lẻ một đêm”.
Ở phút 1:15, khi nàng công chúa đột nhiên xuất hiện, nhạc đột nhiên dịu xuống tới nao lòng, báo hiệu sự xuất hiện của nàng công chúa. Khi nàng công chúa xuất hiện, nền nhạc chuyển sang giai điệu nhịp nhàng, uyển chuyển miêu tả bước đi của công chúa, tựa như tiếng nước suối róc rách, và rồi dòng suối ngừng chảy, dường như bị mê hoặc bởi sắc đẹp mê hồn, và mọi thứ bừng tỉnh trong niềm vui hân hoan của buổi họp chợ được đón nàng công chúa ở phút 2:11, nhạc dâng cao những nốt thăng tuyệt mỹ.

Sau đó là những chi tiết một phiên chợ cổ Ba tư, xứ sở của nàng Scheherazade trong “Nghìn lẻ một đêm”, nào là những con lạc đà, những kẻ hành khất, ông lão bán rắn… trong giai điệu rộn ràng huyền bí xứ Ba Tư…
Rồi những tiếng động, và không khí trang nghiêm khi nhà vua Khalip đi qua chợ… tất cả như quyện lại, thật hoàn hảo.


Khi những người đánh lạc đà tiếp tục lên đường, cảm nhận tiêng xe đi xa dần, xa dần…âm nhạc dần nhỏ lại, nhỏ lại ở phút 5:38, rồi vào âm thanh dịu buồn liu riu của cảnh chợ trở lại vắng vẻ, hoang vu…
Và bỗng dưng nghe tiếng “xầm”, đó là tiếng cổng chợ đóng lại ở phút 6:39.
Điểm tuyệt vời và độc đáo của Ketèlbey là ở chỗ này, nó đã làm ông khác biệt với tất cả, và nhắc đến ông là người ta sẽ phải nhớ đến Phiên chợ Ba Tư huyền thoại của ông…
Mời quý độc giả thưởng thức bản trình diễn của Andre Rieu cùng dàn nhạc Johann Strauss II, đã thể hiện những nét tuyệt mỹ nhất của khí nhạc và các bộ nhạc cụ khi thể hiện Phiên chợ Ba Tư đa màu sắc, với những “nàng công chúa Ba Tư” đeo mạng che mặt.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét