Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình


BỨC TRANH NHẠC TRƯỞNG
Nguyễn Thanh Bình.
Cách đây cũng khá lâu... bà Judith H.Day bảo với tôi rằng: "Bức tranh "Nhạc trưởng" của mày đang được treo ở lobby của khách sạn The Peninsula tại Bangkok..." Có một vài người khách của bà, khi đi ngang Bangkok, ghé khách sạn này, khi thấy bức tranh, đã thay đổi hành trình và đến Vietnam tìm tôi (mặc dù trước đó, họ không có ý định đến VN !) . Đó là bức đầu tiên vẽ về chủ đề "Nhạc trưởng"...
...Hôm ấy, tôi vừa đọc truyện ngắn: "Cây phong non trùm khăn đỏ" (Trong tập "Truyện núi đồi và thảo nguyên" của C.Aimatov) vừa nghe bàn "Hành khúc Radetsky" của J.Strauss... Đoạn kết của truyện ngắn:
..." Tôi chia tay với Ilyax ở Osơ. Anh ta lên Pamir. − Đến nơi tôi sẽ đi tìm Alibêk. Tôi sẽ bắt đầu một cuộc sống mới! - Ilyax mơ ước - Anh đừng cho tôi là người bỏ đi. Rồi một ngày kia tôi sẽ lấy vợ, sẽ có nhà cửa, gia đình, con cái... nghĩa là mọi sự giống như mọi người. Bạn bè đồng chí rồi cũng có. Chỉ mỗi một điều tôi sẽ không có được là những gì đã mất đi, mãi mãi không bao giờ trở lại ... Cho đến tận những ngày cuối cùng của đời tôi, cho đến tận hơi thở cuối cùng tôi sẽ còn nhớ mãi Axen.

Ilyax cúi đầu xuống nghĩ ngợi rồi nói tiếp: − Hôm ra đi tôi lại đến bên hồ, đúng chỗ vách núi dựng đứng khi xưa. Tôi từ giã rặng núi Thiên Sơn, từ giã hồ Ixứckun. Vĩnh biệt Ixứckun, bài ca dang dở của tôi! Tôi muốn đem hồ cùng làn nước biếc và những bờ cát vàng đi theo mà chẳng được, cũng như tôi chẳng thể mang theo được mối tình của người tôi yêu quí. Vĩnh biệt Axen !  Vĩnh biệt cây phong nhỏ bé trùm khăn đỏ của tôi !  Vĩnh biệt người tôi yêu. Cầu mong em hạnh phúc ! "...

Giai điệu dữ dội của bản hành khúc tan vào những dòng chữ. Tôi đã nhớ đến người ấy, và một giọt nước mắt không mong muốn từ từ lăn... Trong cảm giác cô đơn, buồn bã, tôi đã vẽ người nhạc trưởng, trên nền nâu sẫm, chỉ có khuôn mặt và đôi bàn tay sáng lên với que chỉ huy lấp lánh ...!

Bạn đã bao giờ đến rạp hát và dự khán một buồi trình tấu của một dàn nhạc giao hưởng - philharmonic orchestra - chưa ? Nếu chưa, thì đó là một thiệt thòi, bởi vì ca khúc chưa phải là âm nhạc với ý nghĩa đầy đủ của từ này...

Dĩ nhiên, bạn hoàn toàn có thể nghe và thưởng thức một concerto, một bản sonate hay nocturne tai nhà bằng CD, bạn có thể xem một buổi hòa nhạc bằng DVD chât lượng cao...Thế nhưng, bạn sẽ không bao giờ "thấu cảm" được "hơi thở" của bản nhạc ấy - Điều này giống như cảm giác khác nhau khi xem một trận bóng lúc bạn ngồi trên sân với khi bạn ngồi nhà xem TV - mặc dù các nhà sản xuất chương trình âm nhạc cũng như tường thuật thể thao đã làm mọi cách để truyền tải cái "không khí" ấy cho khán giả...

Nếu ca khúc giống như một lời tự sự ngắn thì nhạc cổ điển giống như triết học, nó nói đến những khía cạnh của cuộc sống bằng ngôn ngữ tinh túy và cô đọng nhất, bằng tất cả âm vực từ nốt trầm sâu thẳm đến nốt cao vút lanh lảnh, kể cho bạn nghe những câu chuyện buồn, vui, yêu, ghét ...bằng những khúc thức, phức điệu của nó, mô phỏng mọi hình thái tình cảm : đắng cay hay hoan lạc, hạnh phúc hay cô đơn ...từ tận đáy sâu thăm thẳm hay cao vời vợi trong tâm hồn...

Và ở đó, nhạc trưởng chính là người "khuấy" cái âm thanh mênh mông ấy lên...để cho "hương vị" của cảm xúc lan tỏa, giống như sức mạnh của cơn gió khiến cho mặt biển khi thì phẳng lặng, khi thì cuộn sóng...biển thanh âm ấy là tiếng nói tha thiết của những tâm hồn hết sức cô đơn, nhưng ngập tràn tình yêu đối với cuộc sống, đối với con người.! Người ta luôn phải trang phục lịch sự khi đ nghe hòa nhạc - một phần bắt nguồn từ nguồn gốc cung đình của thể loại âm nhạc này, một phần là thể hiện sự tôn trọng đối với một tư tưởng, một giá trị đỉnh cao.Giá trị ấy luôn song hành và giao thoa với những giá trị của những thể loại khác như văn học, triết học...và hội họa.!

Một chàng trai gặp một cô gái, họ yêu nhau và có thể sau đó sẽ là một đám cưới...đó là con đường một chiều và thuận lý của hàng triệu triệu người trên hành tinh...Nhưng đôi khi, cũng có những con đường ngược chiều, lắm ngã rẽ và nhiều nghịch lý...Chính là con đường của các nghệ sĩ ! Là những người không phải lúc nào cũng đi theo những bảng chỉ đường...
Trên đường đi, nhiều lần, tôi đã leo lên lề trái và đi ngược chiều, ..."ngắm nhìn gương mặt thanh tú, dịu dàng..." tôi hiểu rằng, cái nghịch lý ấy lại xuất hiện, hiểu rằng trái tim bé bỏng yêu quý ấy không thuộc về mình...Những đợt sóng "appassionata" (*) lại cuộn lên, cuộn lên không dứt...

Đó chính là lý do vì sao tôi vẽ chủ đề "Nhạc trưởng" và không phải lúc nào cũng có thể vẽ được !
 
.......................................................................................
(*) appassionato : Thuật ngữ, có nghĩa là say đắm, cũng là tên một tac phẩm của Beethoven
----------------
 Mời các bạn đọc thêm về HS Nhuyễn Thanh Bình




Bùi Ngọc Tấn
Nguyễn Thanh Bình: Cuộc phiêu lưu màu trắng

16- 12- 1972
Kim Anh thân!
Tớ vừa đi dã ngoại 16 ngày về, mệt lử. Ba tớ gửi thư và tập ảnh của K.A. lên. Cám ơn K.A. nhé. Cầm tập ảnh tớ lại có cảm giác thích thú như hôm tớ mua. Tập tượng Tây Phương cũng vậy. K.A. vẫn có thì giờ ra hiệu sách đấy chứ.Công tác thế nào rồi? Sao K.A. không viết thư cho tớ. Ngày 24 này bọn tớ lại đi dã ngoại 8 ngày nữa. Vất lắm. Nhưng cũng phải "rèn" thôi.Hà Nội bây giờ vui lắm nhỉ. Hoặc là vừa vui vừa buồn chăng?Đang viết cho Kim Anh thì tiểu đội giục đi ngủ. Buồn không?Thôi tớ chẳng biết viết gì nữa. Chúc K.A. làm việc tốt, vui.Nhớ viết thư cho bọn tớ.Kim Anh thông cảm là tớ viết quấy quá nhé! Vì nhất nhất là lệnh, như thầy Thiệp là nhất nhất theo kẻng ấy mà.Bạn

*
Đó là bức thư của chàng tân binh 18 tuổi Nguyễn Thanh Bình viết cách đây đúng 30 năm, trước chiến dịch Điện Biên Phủ trên không mấy ngày, gửi cho một người bạn học. Khi đi tầu vào Nam chiến đấu anh đã cho vào phong bì ném nó qua cửa sổ toa tầu. Mặt trước phong bì anh ghi phiên hiệu đơn vị, địa chỉ cô bạn gái. Còn mặt sau là những dòng chữ nhờ cậy đầy chất lính mới, phô bầy khí phách nam nhi: Ai nhặt được lá thư này xin bỏ hộ bưu điện -  Cám ơn! Lính tôi đi chiến đấu. Mọi người thông cảm.

Có người nhặt được. Người ta bỏ vào thùng thư. Người bạn gái đã nhận thư. Sáu năm sau, khi "lính tôi đi chiến đấu" trở về, cô bạn đưa cho Bình xem bức thư anh gửi như cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời trẻ thơ, hồn nhiên bước vào đời, đi vào chiến tranh cũng phơi phới như đi vào nơi hò hẹn. Cả hai cùng thấy mình đã trưởng thành lên rất nhiều. Và đều nghĩ hình như cái thời đẹp nhất đã qua đi cùng chiến tranh rồi. Giờ đây mỗi người đều nhìn cuộc đời nghiêm khắc hơn, thực tế hơn.

Cầm trong tay chiếc phong bì đã ngả vàng cùng những dòng chữ rất học sinh của mình, Bình nhớ lại tất cả. Đang học năm cuối trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, có một đợt tuyển tân binh tại trường, Bình trúng tuyển. Điều đáng nói ở đây là Bình là con một cán bộ cao cấp. Anh có thể ở lại, tiếp tục học. Bố anh, ông Nguyễn Thanh Hà, hàm thứ trưởng, đại sứ ở nhiều nước, một trong những cánh tay đắc lực của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi Thủ tướng chỉ mới là bộ trưởng Bộ ngoại giao, hai người đã đặt những nền móng đầu tiên cho ngành ngoại giao nước ta. Nhưng bố mẹ anh, nhất là mẹ anh không bao giờ có ý định dành cho con cái mình bất cứ một sự ưu tiên nào. Hơn nữa, mẹ anh còn nói thẳng: Chốn quan trường dễ làm hư người lắm. Bốn người con, ba trai một gái, bà đều có một lời khuyên: Đừng làm chính trị. Hãy học thật giỏi. Có một chuyên môn vững vàng thì sẽ không ai bắt nạt được mình. Bà dạy các con theo hướng ấy. Bốn anh em Bình đều có thể vào học trường Ngoại giao không phải qua thi tuyển, nhưng ba anh em trai đều qua bộ đội, và bây giờ anh con trai cả Nguyễn Thành Công từ học sinh phổ thông công nghiệp Đống Đa đã có bằng kỹ sư chế tạo máy bay, Nguyễn Thanh Bình là họa sĩ, người con trai thứ ba Nguyễn Thanh Khiết kỹ sư viễn thông, còn cô gái út Nguyễn Thanh Hương là kiến trúc sư. Họ đều là những chuyên gia có tài. Đúng như mong muốn của bà mẹ: không làm chính trị và đạt tới trình độ cao trong lĩnh vực mình theo đuổi.

Bình đi bộ đội giữa năm 1972. Huấn luyện ở Thái Nguyên. Cuối năm đi B. Từ Thái Nguyên viết trước một lá thư cho Kim Anh cô bạn cùng học, để về qua Hà Nội thì gửi. Cả đơn vị hành quân về Hà Nội. Giầy mới, quần áo mới, mũ tai bèo, cờ giải phóng hai mầu xanh đỏ, bước trong tư thế hành tiến hiên ngang trên đường phố Thủ Đô, mặt lạnh tanh trước bao con mắt của nhân dân thành phố, như những tráng sĩ một đi không trở lại. Nhưng rồi Bình không thể lạnh tanh được. Vì đường hành quân qua vườn hoa con cóc, sát ngay nhà Ngân Hàng, nơi mẹ anh làm việc. Đại đội anh hơi bị rối loạn hàng ngũ: Nguyễn Thanh Bình tách khỏi hàng. Mũ tai bèo, quân phục mới tinh, anh chạy. Xông vào Ngân hàng, gọi toáng lên:

- Mẹ ơi! Hôm nay con đi B!

Bà Phi (tên mẹ anh) ngỡ ngàng. Bà ôm lấy con trai. Đứa con bằng xương bằng thịt. Bà hiểu có thể đây là lần cuối cùng bà gặp con trai. Có thể nó mãi mãi không trở về. Nó sẽ nằm lại một góc rừng nào đó. Đứa con mà bà đã mất nhiều công nuôi nấng dạy dỗ uốn nắn để nó biết cách sống làm người. Từ những chuyện nhỏ nhất. Chẳng hạn như ngày còn bé, bà đưa cho nó hai cái bánh và bảo: Nó và bạn nó mỗi đứa một chiếc. Nó đã làm như bà bảo, nhưng chiếc đưa cho bạn, nó lại cắn một miếng. Bà biết không phải nó ăn tham mà không muốn bạn cũng được như mình. Không mắng bà chỉ nói: Của mình ăn là hết. Của cho người khác là của còn. Chỉ nói thế nhưng nó hiểu… Con bà mới ngốc nghếch làm sao! Hồi học tiểu học, ở trường về, phấn khởi khoe với bà:
 Mẹ ơi! Ở lớp chúng nó gọi con là thắng ngố.

Bà nghiêm mặt bảo con:

- Thế là nó bảo con ngu đấy.

Nuôi nấng dạy dỗ một con người biết bao vất vả khó khăn. Nuôi con bằng sào bằng gậy, bây giờ là lúc nó đi vào bom đạn. Có thể nó sẽ bị giết chết khi nó còn chưa được sống, chưa hiểu thế nào là cuộc đời. Ai dám bảo đảm điều ấy không xẩy ra. Chiến tranh đâu phải một trò chơi. Bà nhìn con. Bà hiểu cái gì chờ đợi nó. Chỉ cần bà với tay nhấc điện thoại nói một câu là con bà sẽ được ở lại. Bà đã định với tay về phía ấy. Nhưng bà vẫn ngồi im. Rồi biết phải làm gì trong lúc này:

 Nào, các chị các cô. Ai có tiền cho tôi vay nào.

Tất cả vét túi. Được hơn 5 đồng. Cho con.

Vừa vào đến chiến trường, Bình đã nhận được thư mẹ. Thư mẹ đuổi theo Bình. Hình như mẹ muốn nói với Bình những điều chưa kịp nói. Mẹ viết mẹ xót thương Bình. Nhưng không muốn để Bình trong tháp ngà. Con người ta sao con mình vậy. Không thể có chuyện con người này phải xông pha bom đạn, còn con người khác lại được bình yên. Bình hiểu mẹ. Bức thư mẹ viết ngay sau khi chia tay Bình là mẹ thương Bình lắm, mẹ muốn Bình đừng trách mẹ. Bình càng thương mẹ.

Trên đường hành quân vào chiến trường đã là bắt đầu cuộc chiến đấu. Tây Trường Sơn. Qua Lào. Bom, đạn. Mưa. Vắt. Biệt kích. Thám báo. Có lần Bình đi tụt lạc. Lạc đơn vị. Hai người. Bình và Bảo, cũng dân Hà Nội, nhà Quan Thánh. Trục Tây Trường Sơn nhiều đường, nhiều lối lắm. Như mạng nhện. Thế là lạc. Thấy một xe ô tô, vẫy đi nhờ. Ô tô của đơn vị pháo. Họ chở về đơn vị họ. Anh nuôi được lệnh nấu một nồi cơm và xách ra một hăng gô mỡ đãi hai chàng tân binh Hà Nội. Đang đói, Bảo và Bình cứ rưới mỡ lên cơm đánh chén hết bát này sang bát khác. Chủ nhân không ăn. Anh em pháo binh râu ria, xanh mầu lá cây, tơi tả vì chiến trận, vì sốt rét rừng, và cả vì đói khát thiếu thốn nữa, ngồi quây thành vòng tròn xem hai vị khách ăn. Ngắm hai vị khách quần áo mới tinh, mắt trong veo, má đỏ hồng, phơn phớt lông tơ, như ngắm những mỹ nữ trong một cuộc thi hoa hậu. Một người bật lên:

 Hai thằng đẹp quá.

Một người có dáng chỉ huy nói:

 Hai em. Anh nói thật. Đẹp như chúng mày vào đây chết phí đi. Có xe đây, anh cho xe chở chúng mày về Hà Nội, chỉ ba ngày đêm là tới. Anh sẽ xác nhận các em lạc đơn vị.

Hai ông khách cám ơn. Nhưng không thể trở về như những kẻ đào ngũ. Cơm no lại lên đường.

Bình mắc tật hay nói. Nghĩ sao nói vậy. Thẳng băng. Ví như cán bộ phổ biến chặng đường hôm nay dễ đi, đường bằng, chỉ ba bốn tiếng là đến, nhưng trời mưa, tối mịt mới tới nơi, thế là Bình bảo: Cán bộ đánh lừa. Cũng vì vậy mà trải qua 6 năm quân ngũ chiến đấu anh dũng không mắc sai lầm khuyết điểm gì, Bình vẫn không được kết nạp vào Đảng, vẫn chỉ là trung sĩ. Cán bộ tổ chức nhà trường xem lý lịch của Bình hỏi Bình:

- Hay tại mày tụt tạt?

Cũng có thể vì hay nói mà sau ba tháng hành quân vừa vào đến Tây Nguyên, Bình được biên chế vào đơn vị chiến đấu ngay. Bình là người duy nhất trực tiếp cầm súng chiến đấu trong số những tân binh là học sinh trường Mỹ Thuật năm ấy. Bộ binh. Giữ đại liên K67. Đánh Kon Tum. Tham gia giải phóng Buôn Mê Thuột, đánh chiếm Nha Trang, Tân Sơn Nhất. Cho đến bây giờ, anh vẫn mang một mảnh đạn ở lưng. Còn mảnh đạn xé rách tai găm ở thái dương thì đã lấy được ra. Đúng là đạn tránh người. Có lần đang bắn đại liên, thước ngắm ngay trước mặt bỗng biến đi đâu mất: một viên đạn bay sát mắt anh, tiện ngang thước ngắm.

Trận đánh kinh hoàng nhất với anh là trận đánh ở đồi Bàn Chân. Ngày ấy vùng ta và vùng ngụy kiểm soát xen nhau theo thế da báo. Đôi bên đều cố gắng mở rộng vùng kiểm soát. Trong một trận đánh lấn chiếm của quân đội Sài Gòn, đơn vị của Nguyễn Thanh Bình bị trúng pháo bầy. Kon Tum. 1973. 60 người chỉ còn 18 người. Toàn dân Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phú. Tổ ba người của Bình chạy, nhào vào chiếc hầm cối của ta trước mặt. Thắng chạy trước. Bình ở giữa. Thông chạy sau cùng. Nhưng đạn nhanh hơn người. Thắng bị đạn phạt mất trán, đổ vật. Bình bị thương ở lưng, ở thái dương. Thông: nát gối, khuỵu ngay cửa hầm. Bình bò ra kéo Thông vào hầm, xé bao gạo băng cho Thông, nhưng máu chảy nhiều quá. Thông nguột dần. Bình nhìn Thông chết dần dần mà không làm sao được. Thông cũng chỉ 18, 19 tuổi, cao lớn, đẹp trai lạ thường. Khuôn mặt ấy, dáng người ấy tạc một pho tượng chẳng thua kém bất cứ pho tượng cổ điển nào. Bình vuốt mắt cho bạn rồi kéo xác bạn vào sâu trong hầm. Anh cũng định lợi dụng đêm tối mò ra kéo xác Thắng nhưng đó là công việc rất nguy hiểm, chúng bắn suốt đêm, hơn nữa, cứ để Thắng nằm ngoài ấy lại hơn, vì trong này chỉ một xác Thông đã quá nặng mùi.

Đồi Bàn Chân. Người ta đặt tên như vậy vì nó giống hình một bàn chân người. Bình ở gót chân. Còn tốp lính Sài Gòn ở ngón chân. Không biết một tốp hay cũng chỉ một người như anh. Cứ sáng ra khi ánh nắng chiếu lên sườn đồi van vát là từng đàn nhặng bay vút vào hầm. Nhặng mỗi ngày một đông vì mùi của Thông mỗi ngày một nặng. Nhặng bay vào là Bình xách súng ra miệng hầm. Nấp sau bao cát, giương súng ngắm về phía hầm bên kia. Cũng chỉ thấy những bao cát. Thấp thoáng bóng mũ sắt lom khom. Điểm xạ ngắn. Bên kia trả lời. Như những lời thăm hỏi. Rất chi lịch thiệp. Cứ như vậy anh lính miền Bắc và anh lính miền Nam rình giết nhau. Khi họ bắn anh trước. Khi anh bắn họ trước. Ngày này sang ngày khác. Rồi họ không bắn nữa. Bình cũng không bắn nữa. Hình như đôi bên đều nghĩ rằng chẳng thể giết được nhau. Điều anh mong là họ không điều cối tới. Không thể bò ra ngoài, vượt vòng vây. Anh nuôi mang cơm đến, bị bắn chết ngay gần hầm. Thế là bên ngoài, hai xác đồng đội. Bên trong một xác. Không biết đã bao ngày rồi. Anh sống bằng nắm cơm của anh. Rồi anh lấy nắm cơm của Thông mà anh đã cẩn thận treo ngay ngoài cửa hầm khi Thông còn sống, khi anh băng bó cho Thông. Cơm thiu. Nhưng vẫn ăn. Ăn dè. Lấy dao gọt lớp ngoài ăn trước, lớp trong ăn sau. Gọt vào đến lõi, có tí mắm kem mặn chát. Thì ăn luôn cho hết. Ăn hết. Và uống hết. Uống hết cả hai bi đông nước. Của anh và của Thông. Cũng là uống dè. Nhấm nháp để miệng và môi khỏi bật máu tươi. Rồi nằm. Trước còn tỉnh táo. Sau thiêm thiếp. Thiêm thiếp chờ điều kỳ diệu đến.

Hình như anh đã chết. Và cũng không biết mình đã chết bao lâu. Khi địch rút, anh em lên, Bình chỉ còn là một cái xác. Mọi người tưởng Bình đã chết. Nhưng Bình lại thở. Lại sống lại.

Trong những năm tháng chiến tranh khủng khiếp, cái sống cái chết liền kề ấy, có một người đã đoán trước tương lai cho Bình. Đó là ông Bào trưởng ban cơ yếu. Khi ấy Bình đã được chuyển làm vệ binh. Trong một chuyến đưa ông Bào đi họp ở Ngã Ba Biên Giới, ông Bào đã nói đến tương lai của Bình. Suốt chặng đường đi, về như vậy ông chỉ nói với Bình ba câu. Dân cơ yếu vốn ít nói. Trưởng ban càng ít nói. Dọc đường ông Bào làm mọi việc. Là một người sống trong rừng nhiều năm, ông biết cách xử lý các tình huống khó khăn. Ví như trời mưa, ông rút luôn quai dép ra nấu cơm ăn. Nói chung ông rất giỏi trong những tình huống như vậy. Từ đơn vị đến quân đoàn ba ngày đi bộ, ông không nói với Bình một câu. Chỉ thỉnh thoảng nhìn Bình chăm chú. Khi tới Bãi Khách (nơi khách căng võng nằm nghỉ -  như nhà khách bây giờ) mất gói thuốc lào, loay hoay không thuốc hút, ông nói một mình:

 Không có thì xin. Lại lấy.

Ý trách Bình ăn cắp thuốc. Câu thứ hai là lời xin lỗi Bình vì đã nghi oan. Có một anh công vụ nào đó, giở gói thuốc lào ra hút, ông nhận ra đúng là thuốc của ông ta. Và câu thứ ba là lời đoán trước tương lai Bình:

- Số mày sau này rất sướng. Giầu có. Nổi tiếng nữa đấy.

Bình cười. Tất cả những điều ấy, Bình không nghĩ đến. Sung sướng, giầu có, nổi tiếng. Nó xa vời như một câu chuyện cổ tích. Lúc này là phải chiến đấu, chiến thắng và sống sau cuộc chiến. Rồi trở về trường. Học tiếp đại học mỹ thuật. Bao giờ đến ngày ấy? Bao giờ trở về Hà Nội, gặp lại bố mẹ, anh em, bè bạn?

*

 Em học không giỏi đâu. Năm mới vào hệ sơ trung trường Cao đẳng Mỹ Thuật học kém là khác. Không có năng khiếu. Vẽ bậy thì được -  Bình cười -  Cuối năm 1978 được ra quân, về Hà Nội, mới biết bạn bè đã ra quân hết từ bao giờ kia rồi. Chỉ còn mỗi mình em. Em ôn thi, thi vào trường Đại Học Mỹ Thuật. Không đỗ. Phải học dự bị một năm (1979- 80). Đến năm 1981 chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, em mới học năm thứ nhất.

Bình là người rất chân thật. Học kém thì nói là học kém. Thi không đỗ nói là thi không đỗ. Sự thật thà của anh có sức hấp dẫn người khác rất lớn. Mới quen anh, nhưng tôi bị chinh phục ngay bởi tính cách ấy của anh. Giờ đây là một họa sĩ quá nổi tiếng nhưng khi nghe tôi nhắc đến tên một họa sĩ bình thường khác, anh xuýt xoa:

 Bà ấy là người ảnh hưởng rất lớn đến em đấy.

Đọc tôi, dù không quen, anh cũng gửi từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hải Phòng tặng tôi tập tranh in của anh và một vật dụng nhỏ màu vàng mà tôi không hiểu công dụng. Hỏi anh, anh giải thích:

 Cái kẹp giấy, đánh dấu trang sách ấy mà.

Tôi khen đẹp, anh bảo: Cái em tặng anh cũng thường thôi. Người ta còn tặng em một cái bằng vàng thật cơ.

Làm sao có thể không yêu một người như thế.

Bức tranh đầu tiên anh bán là khi còn đang theo học trường Mỹ Thuật. Khách mua là bà Pennis, người Pháp, vợ giám đốc ngân hàng Indo- Suez. Bà khuyên Bình:

 Mày phải học tiếng Anh. Và phải tìm được cái gì riêng của mình. Chỉ là của mình. Đừng lẫn với ai.

Đó là những lời khuyên chân tình. Anh hiểu là mình phải biết tối thiểu một ngoại ngữ. Như buổi tiếp bà khách hàng người Pháp vừa rồi. Nghe bà ta nói như vịt nghe sấm. Chỉ hiểu khi lái xe phiên dịch lại… Anh tìm thầy học tiếng Anh. Ngày ấy học tiếng Anh trần ai gian khổ. Không có lớp như bây giờ. Tự học là chính. Bình rất nghiêm khắc thực hiện thời khóa biểu tự đề ra cho mình. Rồi học sử dụng máy vi tính… Ngày ấy những thứ này còn là của lạ, một thứ viển vông. Bạn bè ai cũng bảo Bình là đồ hâm, đồ lẩm cẩm. Vẽ không vẽ, học tiếng Anh, học vi tính làm gì. Nhưng chỉ đến bây giờ mọi người mới thấy thèm muốn trình độ ngoại ngữ, trình độ sử dụng vi tính của anh. Đã có người hỏi anh bí quyết thành công. Anh trả lời đơn giản: bí quyết là biết lắng nghe. Cái tôi lớn thì không biết nghe người khác. Anh nghe. Nghe bà Pennis học tiếng Anh. Nghe Nguyễn Thanh Khiết em trai anh, học vi tính, "thế nào cũng có ứng dụng", thu nhặt, tích cóp tiền được vài ngàn là lại thuê máy học. Anh nghe một Đại đức, học thêm sơn mài và đến sơn mài Thành Lễ học, chính Đại đức Thích Đức Minh dạy anh. Đại đức còn khuyên anh nên sửa chữ ký. "Anh ký như vậy là không có tiền đâu". Chữ ký của anh bây giờ là chữ ký đã sửa theo lời khuyên của Đại đức.

Ai làm nghệ thuật cũng hiểu phải có một cái gì đó của riêng mình. Phải tạo ra thế giới nghệ thuật của mình, của riêng mình, không giống bất kỳ người nào khác. Như Picasso là Picasso, Gauguin là Gauguin mà không thể lẫn với Van Gogh, Matisse hay một bậc thầy nào khác. Cũng như Bùi Xuân Phái rất Bùi Xuân Phái, còn Sỹ Ngọc rất Sỹ Ngọc vậy. Nhưng điều ấy đâu dễ dàng gì. Với những thế hệ đến sau, dường như có bao nhiêu ý nghĩ, bao nhiêu trường phái, bao nhiêu sáng tạo người ta đã thực hiện hết cả rồi. Lời khuyên của bà vợ ông giám đốc ngân hàng chẳng có gì mới nhưng thực hiện mới khó khăn làm sao. Mà không định hình bản sắc của riêng mình nghĩa là mình không tồn tại trong nghệ thuật. Như mọi họa sĩ trẻ khác, Nguyễn Thanh Bình miệt mài làm việc, miệt mài tìm tòi, một giai đoạn mà sau này anh gọi là lần mò, quờ quạng. Anh đọc không biết bao nhiêu sách. Rồi anh đem cho tất cả những cuốn sách quý báu ấy:

 Đọc thế đủ rồi. Tao không đọc sách nữa. Sau này người ta sẽ viết sách về tao.

Lời tuyên bố như đùa ấy ẩn chứa một quyết tâm và một sự tự tin. Mặc dù anh vẫn đang tìm tòi. Lập thể. Ấn tượng. Rồi trừu tượng v.v… Không chỉ không có gì riêng như anh mong muốn mà còn không phải là anh. Anh biết muốn riêng biệt được phải là chính mình. Anh là thế nào nhỉ? Anh là người thích sự cô đọng, tinh giản đến mức tối đa. Như thơ Đường. Như thơ Haiku. Anh đặc biệt thích mầu trắng. Anh cứ suy nghĩ mãi về cái mầu trắng của anh trong tâm tưởng. Anh đã định vẽ một cảnh trong phòng mổ, các bác sĩ, y tá và cả bệnh nhân nữa toàn một mầu trắng. Nhưng rồi lại thay đổi ý định. Đó là một buổi chiều anh đứng lặng nhìn các em nữ sinh tan học ùa ra cổng trường. Còn gì có thể đẹp hơn cảnh ấy. Những tiếng gọi, những tiếng cười, những khuôn mặt tươi sáng xinh đẹp, ngây thơ, trong trẻo thiên thần, áo dài trắng, quần trắng thướt tha. Với anh đó là những người đẹp nhất thế giới, bộ đồng phục nữ sinh Việt Nam là bộ đồng phục đẹp nhất thế giới. Anh hiểu rằng mầu trắng, cái mầu trắng anh tìm kiếm đây rồi. Anh như đã nhìn thấy con đường nghệ thuật của mình. Và anh vẽ. Thất bại. Cái mầu trắng anh nhìn thấy, cái mầu trắng anh suy nghĩ không hiện ra trên mặt vải. Dưới cây cọ của anh là mầu trắng của vôi, là mầu trắng cứng đờ loang lổ. Không thể vội vã, không thể ăn xổi. Chỉ nguyên bút vẽ không sạch thôi cũng làm hỏng tất cả. Anh luyện mầu như người ta luyện chưởng. Kiên nhẫn, tìm tòi, tin tưởng. Anh tuyên bố với các bạn:

- Mình chỉ làm một bức tranh chỉ có mầu trắng.

Cả bọn cười cho là Bình hâm. Nhưng Bình như đã nhìn thấy trước tất cả. Anh sẽ một mình làm nên một dòng toàn trắng. Anh nói với Trịnh Cung, người bạn vong niên là anh sẽ vẽ một serie tranh toàn đàn bà, một trăm người đàn bà chờ đợi. Trịnh Cung rất hoan nghênh và khuyến khích ý định táo bạo mới mẻ ấy của anh.

Từ bấy trở đi, cuộc đời nghệ thuật của Nguyễn Thanh Bình là một cuộc phiêu lưu với mầu trắng. Không chỉ phiêu lưu với mầu trắng, anh còn phiêu lưu với không gian. Trong các tác phẩm của Bình, không gian chiếm gần hết mặt vải, bố cục được xem là điểm quan trọng nhất. Trong tranh có rất ít nhân vật và sự vật. Nguyên nhân là tôi muốn cho người xem ý thức được sự mạo hiểm của người nghệ sĩ luôn luôn là một cuộc phiêu lưu đơn độc. Bên cạnh việc luyện mầu như luyện chưởng, anh bắt đầu tinh giản đến mức tối đa trên cả hai phương diện: mầu sắc và đường nét. Bức Dàn đồng ca (1,1m x 1,45m) là thành công đầu tiên của anh. Trên một nền vàng chẩy ròng ròng là một khung chữ nhật trắng. Đó là những cô gái mặc áo trắng đứng cạnh nhau. Hai hàng khuôn mặt, hai hàng đầu tóc thiếu nữ cách điệu tinh giản. Không có tiếng hát nhưng cứ như nghe thấy đâu đây tiếng vọng trong trẻo của một bầy thiếu nữ đồng ca (I. Ehrenburg). Bức tranh làm anh hài lòng đến mức suốt đêm nhìn ngắm nó, không ngủ được. Dàn đồng ca của Nguyễn Thanh Bình được treo cạnh tranh của Matisse trong một triển lãm hội chợ mỹ thuật Hồng Kông dành cho các gallery và sau đó được bán với giá mười bốn nghìn đô la.

Sau Dàn đồng ca là Hoa nhài. Trên nền ghi nhạt, một cô gái khỏa thân cách điệu. Tranh chưa kịp treo, một người Đài Loan đã mua.

Năm 1987 Nguyễn Thanh Bình mở triển lãm đầu tiên cùng với Hoàng Tường, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Hoài Hưng. Nhưng chỉ đến khi anh triển lãm riêng tại Gallery Lã Vọng (Hồng Kông) 15 bức mầu trắng thì thế giới mới biết đến anh như một sự phát hiện. Mười lăm bức tranh toàn nữ sinh mầu trắng. Có những bức nền cũng trắng. (Gần chục năm sau, nhớ lại cuộc triển lãm ấy, Bình nói với tôi: Đúng là một cuộc chơi mầu trắng). Có lẽ đến lúc ấy người ta mới hiểu mầu trắng có thể làm nên những điều kỳ diệu như vậy. Báo South Chine Morning Post để cả một trang nói về triển lãm của Nguyễn Thanh Bình. Buổi tối, đi uống cà phê ở Câu lạc bộ báo chí quốc tế Hồng Kông, Bình trở thành người hùng. Ian Findlay Brown, tổng biên tập báo Asian Art News nhiệt liệt chúc mừng thành công của Bình và hỏi anh vì sao vẽ trắng. Bình trả lời mầu trắng của Bình là riêng vì nó là mầu chủ đạo trong khi những người khác chỉ coi như một thành phần. Với anh, mầu trắng có thể diễn đạt được mọi cung bực tình cảm. Hơn thế mầu trắng còn rất dễ thay đổi theo tâm trạng của anh từng lúc. Mầu trắng lung linh. Mầu trắng chuyển nhanh. Mầu trắng chuyển từ từ. Chuyển nhẹ nhàng. Chuyển rất mạnh. Mầu trắng ngọt. Mầu trắng gắt. Trên cùng một bức tranh. Hiệu quả rất lớn. Mầu trắng giống như một thứ nhạc chùm ba, gam thứ. Êm đềm. Buồn dịu. Thấm sâu.

Ý định vẽ 100 bức tranh phụ nữ đợi chờ của anh đã đạt được từ lâu. Tranh của Nguyễn Thanh Bình có mặt gần như khắp cả thế giới, kể cả Arập Xêut. (Cái ông khách vùng Vịnh râu dài kín ngực này đến nhà khiến Bình cứ nghĩ đến Bin Laden và hơi sờ sợ). Cả ngàn tranh của anh đang được treo ở các bảo tàng, các công sở, các gia đình khắp năm châu. Chỉ riêng gallery Vĩnh Lợi đã bán được cho anh trên 500 tranh rồi. Bức Mẹ con của anh được tạp chí Jama (một tạp chí y học Mỹ) in bìa và đã trở thành kinh điển. Không biết bao nhiêu người đã tới gặp, đã meo, khẩn khoản "ông vẽ cho tôi một bức Mẹ con". Và nhiều bức Mẹ con ra đời sau đó với những cách thể hiện khác nhau. Bức Nhạc trưởng cũng lâm vào hoàn cảnh như vậy.

Nhạc trưởng được vẽ ở Hồng Kông. Vẽ ngay sau khi từ Trung tâm văn hóa Hồng Kông (bên Cửu Long) nghe dàn nhạc Italia biểu diễn nhạc cổ điển trở về khách sạn. Khung cảnh Trung tâm văn hóa mới xây sang trọng lộng lẫy, dàn nhạc đông tới mấy trăm người, ông nhạc trưởng người Italia, cô đánh trống chính người Trung Quốc, tiết tấu bản nhạc ngân vang… tất cả làm người Bình nổi gai lên. Vốn yêu nhạc cổ điển từ bé, anh xúc động đến phát khóc vì hạnh phúc tuyệt vời anh vừa được hưởng. Trở về khách sạn, anh vẽ ngay khi cảm xúc còn đang tràn ứ tới tận đầu ngón tay anh. Chưa đầy một tiếng đồng hồ sau, bức tranh đã hoàn thành. Trên nền nâu sẫm của một không gian mênh mông, một không gian nhạc cổ điển, người nhạc trưởng mặc quần áo đen, cổ cồn trắng được vẽ bằng dao như đang bay lên cùng tiếng nhạc. Nhân vật nhỏ, càng tạo hiệu quả.

Nhạc trưởng được treo ở đại sảnh khách sạn Péninsula thuộc tập đoàn Hilton ở Thái Lan. Nhiều du khách từ Thái Lan sang Việt Nam chỉ vì bức tranh ấy. Người ta đến Péninsula, người ta biết bức tranh được mua ở gallery Lã Vọng, người ta điện hỏi Lã Vọng, biết được địa chỉ tác giả, người ta tới thành phố Hồ Chí Minh gặp tác giả đặt mua Nhạc trưởng.

*

Ông Bào trưởng ban cơ yếu đã nói đúng. Bình giầu có và nổi tiếng. Các báo đã viết về anh là một tỉ phú. Khách đến nhà anh, thăm xưởng họa của anh không thấy một bức tranh nào, ngoại trừ một vài bức đang vẽ dở. Tranh của anh chưa vẽ đã có người đặt mua rồi. Anh vẽ không kịp bán. Vì sao người ta thích tranh Bình đến thế? Tôi xin nhường lời cho những người có thẩm quyền, những nhà chuyên môn đã được tận mắt ngắm Nguyễn Thanh Bình trong nguyên tác chứ không như tôi chỉ được xem những bức sao chụp lại.

Tôi biết, người ta thường nói rằng, trong hội họa, trắng (và đen) không phải là mầu sắc.

Nhưng tôi lại thấy trên tranh của Nguyễn Thanh Bình có cái gì bí mật và kỳ thú ở những người con gái, đàn bà hiện lên trong những tương quan phong phú và ẩn giấu như thôi miên của trắng, có cái trinh tiết không mua chuộc được, như một vẻ đẹp hướng về cái lý tưởng, vừa tôn giáo, vừa nhục cảm bởi những bóng đặc ngân nga thì thầm nơi thân thể.

Ở đây, mầu trắng của Nguyễn Thanh Bình như ra khỏi đời sống thực tại, ồn ào và khắc nghiệt với máy móc của nền văn minh cơ khí. Hình tượng hội họa của Nguyễn Thanh Bình không ngả về thế giới khách quan mà là hướng nội. Ở đây có chút hơi thở phương Đông, phảng phất chốn ẩn náu của tâm hồn con người, khi đã hài hòa được cái chung và cái riêng để nhìn thấy một thế giới nơi chân trời xa của tâm linh đại ngã. Có lẽ đó là ước mơ của người nghệ sĩ trẻ này. Và khi ta thấy hội họa của anh đây đó có nhuốm mầu tượng trưng hay siêu thực, thì ta cũng không ngần ngại gì mà không nghĩ tới tiền kiếp của nó đã có trong nghệ thuật Pháp với P. Gauguin, O. Redon, E. Bernard, M. Laurencin…ở chất thơ êm đềm. Hoặc khi ta mẫn cảm với cái vô bờ mầu trắng ở đây như ở đàng xa chân trời, biển khơi, với một xúc cảm buồn buồn cô quạnh dấy lên từ đó, thì tôi cho rằng đó là sự thật lâu dài và vinh hạnh không nên từ chối ở đời người.

Mầu trắng của Nguyễn Thanh Bình muốn ám thị nội hàm tâm tưởng đó. (…)

Nhà phê bình hội họa Thái Bá Vân đã viết về anh như vậy. Và đây là Ian Findlay Brown viết trên tạp chí Asian Art News:

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, tiếp tục truyền thống tạo hình của những thế hệ trước, hầu như chỉ vẽ đề tài phụ nữ. Sự say mê của anh đối với đề tài này gợi nhớ Franc Marc (trường phái biểu hiện Đức), người mà việc xử lý hình và mầu là trọng tâm của tác phẩm. Đối với Bình, "tư duy và cảm hứng" là những khía cạnh quan trọng nhất trong tranh của anh. Thoạt nhìn, tranh anh bộc lộ yếu tố tình cảm. Tuy nhiên xem kỹ người ta thấy tranh của anh được chăm chút tỉ mỉ, được quán xuyến chặt chẽ. Sự thanh thoát trong những tác phẩm chân thật của anh như Đợi chờ (1996), Khoảnh khắc riêng tư (1996) đã đượm mầu sắc lãng mạn chứ không còn là trữ tình nữa.

Rõ ràng cái quyến rũ Bình không chỉ là một khía cạnh của sự vật mà là tất cả sự tinh tế tạo nên cái tổng thể. Điều này rất đúng với Bình khi anh giải quyết hình người. Anh cố vươn ra khỏi diện mạo bên ngoài của y phục, của một cơ thể người khỏa thân để hướng đến "cái bên trong" để khi vẽ anh có thể "tái sắp xếp" sự vật nhằm làm cho người xem không chỉ hiểu "diện mạo bên ngoài". Những nhân vật trong tranh anh gợi nhớ tác phẩm của Gustav Klimt nhưng sự biểu hiện và phẩm chất hoàn toàn mang tính chất Việt Nam.

Bình rất riêng biệt. Bình rất Việt Nam. Bình rất hiện đại. Và về một mặt nào đó, Bình cũng lại rất cổ điển. Xem tranh Bình giống như đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp. Xem tranh Bình tôi chìm đắm vào những ngày xưa.

Không phải ngày xưa của Nguyễn Duy thiết tha áo trắng nói cười / để ta thương nhớ một thời áo nâu / tóc hoe hoe cháy trên đầu / ta và bạn gái cưỡi trâu học bài. Mà một ngày xưa còn xa hơn thế nữa, một ngày xưa xa hơn cả tuổi thơ ta, một ngày xưa khi ta còn chưa ra đời, bình yên tốt đẹp vẫn chẩy trong máu của ta và thấp thoáng trở về với ta cùng những lời ru của mẹ.

Bình tâm sự:

 Tôi thích sự đơn giản, mầu sắc thôi thúc, bố cục đơn giản. Tôi không thích tranh có nhiều mầu. Đấy là cách của tôi. Cuộc sống có nhiều vấn đề và mỗi người trước đây đều có nỗi buồn vì chiến tranh dai dẳng. Tôi muốn thể hiện trong tranh nỗi buồn trong tâm hồn người Việt.

Bình nói tiếp:

 Cấu trúc trong tranh tôi nói với người xem nhiều điều khác với diện mạo bên ngoài. Hướng của tôi là cô đọng việc miêu tả, không bao giờ có nhiều nhân vật xuất hiện trong tranh tôi. Tôi muốn đề tài cực nhỏ nhưng ý tưởng cực lớn như Haiku của Nhật hay thơ Đường. Tôi không gặp mấy khó khăn khi làm công việc đơn giản hóa. Nhưng tôi lại cần thời gian vẽ. Có tranh tôi vẽ vài ngày, có tranh vài tuần, có tranh mấy năm mới xong.

Bình cần thời gian vẽ. Anh ngủ rất ít. Chập tối anh đi ngủ. Nửa đêm thức dậy. Vẽ. Chỉ nghỉ khi đi ăn hoặc bè bạn đến chơi. Cà phê đặc là thứ không thể thiếu. Anh uống cà phê như người ta uống nước. Anh bảo: đời ngắn lắm. Ngủ nhiều làm gì.

Có người đã nói khuynh hướng thương mại đang nẩy sinh trong anh. Với tư cách một người bạn lớn tuổi, tôi hỏi anh về chuyện ấy. Anh nghiêm chỉnh trả lời:

 Làm hàng là mất khách. Tám năm qua em vẫn vẽ không kịp bán. Áp lực vẫn không hề giảm. Thế nghĩa là người ta vẫn thích tranh em. Những bức như Mẹ con, Nhạc trưởng và nhiều bức khác em đã phải từ chối rất nhiều người. Nhưng có những người mình không từ chối được…

Đến nhà Bình, bất ngờ lớn nhất của tôi là những chiếc máy bay trực thăng. Trừ lầu một làm phòng ngủ, tầng trệt và tầng hai ngôi nhà có diện tích cộng lại gần 200 mét vuông này đặt kín những chiếc máy bay trực thăng điều khiển từ xa. Những chiếc máy bay mới mua về chưa lắp ráp, những chiếc đang sử dụng, chiếc hỏng, chiếc đâm xuống đất gẫy, vỡ, cần được sửa. Không biết bao nhiêu loại máy bay. Chiếc 3000 đô, chiếc 5000 đô. (Chắc chắn anh là một trong những người Việt Nam đầu tiên thực hiện mua bán trên mạng). Ngổn ngang khắp nhà là tuốc vít, kìm, mỏ lết, kính lúp (khi sửa Bình phải dùng kính lúp), ê tô, bánh xe, trục gẫy, trục mới đặt hàng người ta sản xuất… Đi lại trong nhà Bình luôn luôn phải nhìn xuống đất. Rón rén từng bước chân. Cơ khí máy móc là thích thú thứ hai của Bình sau vẽ tranh. Ngày chủ nhật, ngày của trực thăng, bất khả xâm phạm. Tôi đã đi chơi trực thăng một lần với Bình. Bờ biển Long Hải. Phải có một khoảng không gian đủ rộng. Chiếc máy bay khởi động rồi từ từ bốc lên lao ra biển, lượn vòng dưới sự điều khiển của Bình. Mọi người xúm cả lại. Bình vừa điều khiển vừa "nói tiếng Anh như gió" trả lời những câu hỏi của các ông Tây lớn Tây con. (Bình biết bốn ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc).

Lê Bích Hạnh, vợ Bình, hoàn toàn thông cảm với chồng. Hạnh chịu đựng tất cả những thiệt thòi mà vợ một nghệ sĩ phải chịu. Thật bất ngờ và thú vị khi tôi được biết Hạnh là con đại tá Lê Trọng Nghĩa, cục trưởng cục quân báo thời chống Pháp, người chúng tôi vẫn nhìn thấy đứng cạnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong những phim tài liệu về Điện Biên Phủ.

Bình sinh năm 1954, sau tôi đúng 20 năm. Chúng tôi mới gặp nhau có một lần. Bình, Hạnh đọc của tôi. Tôi xem tranh của Bình. Mà như đã biết nhau từ bao giờ rồi. Đó là điều chỉ nghệ thuật mới làm được. Tôi lại thấy cần phải trích dẫn thêm những điều Ian Brown viết về Bình: Dù chịu ảnh hưởng nghệ thuật và mỹ học phương Tây, tác phẩm của anh lại rơi vào truyền thống triết học và mỹ học Á đông. Tuy nhiên Bình nói: "Yếu tố quan trọng nhất mà họa sĩ phải có là tài năng, trái tim nhân hậu, đầu óc phóng khoáng". Và anh đã có đủ những điều này.

Tháng Trung Thu Nhâm Ngọ 2002

Nguồn: Rừng xưa xanh lá. Bùi Ngọc Tấn. Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003.

-----
Các bạn đọc thêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét