Phố Lê
Chân từ phố Cầu Đất đến phố Mê Linh, dài 214m, rộng 4,5m. Vỉa hè dài 214m, cả
hai bên đều rộng 2m. Hệ thống thoát nước dài 213m, đặt cống hộp. Phố thuộc đất
xã An Biên cũ, trước giải phóng thuộc khu Ga.
Phố Lê Chân, ảnh chụp từ cổng trường Tiểu học Minh Khai |
Lúc mới mở gọi là phố Nam Sinh (Rue NamSinh), còn có tên khác là Nam Sinh dit Lê Văn Thược (Nam Sinh tức Lê Văn Thược). Sau cách mạng tháng Tám đổi mang tên Lê Chân.Nam Sinh
là nhà thầu khoán đã xây dựng phần lớn nhà cửa ở phố. Để có đủ tiền xây nhà,
Nam Sinh đã vay tiền ở Địa ốc ngân hàng Đông Dương (Crédit Foncier
l’Indochine), nơi chuyên cho vay tiền để xây dựng nhà cửa. Cũng như phần lớn
các con nợ khác, sau đó không có đủ tiền để trả, những nhà do Nam Sinh xây lên
đều trở thành sở hữu của Ngân hàng. Nam Sinh còn có đồn điền trồng lúa ở Thọ
Linh (nay thuộc xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy). Vợ Nam Sinh cũng là một tư sản có
vai vế đương thời.
Tượng nữ tướng Lê Chân Ảnh chụp từ phía sau, vì phía lưng Bà, một pano và rừng cờ đỏ rực của trung tâm Triển lãm Mỹ thuật TP |
Lê Chân quê gốc ở Đông Triều. Không chịu được áp bức và làm tì thiếp cho tướng giặc, bà cùng một số dân làng vượt sông tìm nơi dựng làng mới và dừng chân ở vùng đất sau đó được gọi là An Biên trang, tên nôm là làng Vẻn, lấy tên làng cũ của bà ở Đông Triều. Nhân dân tôn Lê Chân lên làm chủ làng, năm đó bà mới 18 tuổi. Khi Hai Bà Trưng kêu gọi khởi nghĩa (tháng 4 – 40), bà đã hưởng ứng, kéo quân tới Mê Linh tụ nghĩa. Thắng giặc, bà được phong làm Thánh Chân công chúa, Chưởng binh quyền nội bộ và được cử coi giữ mặt biển. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Lê Chân tiếp tục chống giặc, tới cuối năm 43 thì thế cùng lực tận, bà tuẫn tiết ở Lạc Sơn.
Trước năm
1926 phố còn là ngõ nhỏ, đường hẹp, nhà tranh, đến khi Nam Sinh xây nhà, phố
mới được mở rộng. Do xây cất đồng loạt theo cùng một thiết kế nên nhà trên phố
đều cao hai tầng và cao bằng nhau, trừ đoạn hai đầu phố do chủ khác xây. Những nhà
do Nam Sinh xây có lối lên tầng hai bằng cầu thang ở một bên, ngay mặt đường.
Phố có
hai ngõ: Ngõ Đá Trần Đông, năm 1954 gọi là ngõ Lê Văn Hưu, nay thường gọi là
ngõ Đá, ngõ này thông ra phố Nguyễn Đức Cảnh; Ngõ Sơn Lâm thông với ba ngõ khác
ra phố Cầu Đất và phố Cát Dài.
Ngõ Sơn Lâm (giờ là Ngõ
37; ngõ dài 132 m, rộng gần 4m, đi từ phố Lê Chân đến ngõ Trương Hán Siêu (tức ngõ 96 phố
Cát Dài). Lúc mới mở gọi là ngõ Sơn Lâm.
Sơn Lâm là con trai
hà tư sản dân tộc Nguyễn Sơn Hà, sớm giác ngộ cách mạng, chỉ huy tự vệ phối hợp
với đại đội Ký Con tấn công một số vị trí của Pháp ở Hải Phòng vào những ngày
đầu kháng chiến, hi sinh tháng 11-1946.
Năm 1954, ngõ Sơn
Lâm hợp với ngõ Trần Xuân Lịch ở phố Cát Dài (bây giờ gọi là phố Hai Bà Trưng) gọi chung là ngõ Trương Hán Siêu.
Sau năm 1954, ngõ Trương Hán Siêu lại chia như cũ: ngõ Trương Hán Siêu và ngõ
Sơn Lâm.
Ngõ rải nhựa sạch đẹp. Trong ngõ chủ yếu là nhà dân chia lô cao 3 đến 4 tầng.
Ngõ Sơn Lâm, nơi nhà tôi ở. Khi đến đây, bác tổ dân phố nói: Trong ngõ chủ yếu là người già, hưu trí. Nếu ông giáo muốn đánh cờ, rẽ phải ra ngõ 96 Cát Dài, nơi có nhiều tướng tá về hưu. Đánh chắn thì rẽ trái, thông ra Cầu Đất, nơi đó là những người thuộc Vosco hưu trí.
Đền Nghè, trong làng Vẻn xưa |
Số nhà 16 cũ là cơ quan Khu bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng
đồng chí Hội trong những năm 1928 – 1930.
Trường nữ
học được xây vào khoảng năm 1929 –1930, thời Pháp thuộc quen gọi là trường con
gái (trường Bonnal quen gọi là trường con giai), cũng có người gọi là trường
Nam Sinh (lấy tên của phố), nay là trường phổ tiểu học Minh Khai, là một trường
vào loại đẹp nhất thành phố với lớp học, các cửa sổ và cửa ra vào rộng nhận
được nhiều ánh sáng; sân chơi đẹp có nhiều cây lớn. Nơi đây đã đón Hồ Chủ Tịch
tới nghỉ ngơi khi người đi thăm nước Pháp, theo lời mời của chính phủ Pháp, trở
về. Chủ tịch đã tiếp đại biểu nhân dân Hải Phòng tại đây ngày 20 – 11 – 1946.
Cũng nơi đây, Ủy ban bảo vệ thành phố đã đóng trụ sở trong những ngày đầu kháng
chiến chống Pháp.
Trong những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ, bom đã rơi nổ ở khu
vực ngã tư Cầu Đất - Trần Nhật Duật – Lê Chân, làm đổ nhiều nhà quanh khu vực.
Hiện nay,
phố Lê Chân tuy không lớn nhưng được rất nhiều người dân Hải Phòng biết đến do
có đền Nghè thờ bà Lê Chân. Đặc biệt là các ngày rằm, mùng một rất nhiều người
đến đây. Ngoài ra trên phố có một số nhà hàng ẩm thực khá độc đáo như: cháo
chim bồ câu, bánh cuốn nhân, mì vằn thắn, chả mực... Phía đối diện, cắt ngang
bới phố Cầu Đất là phố Trần Nhật Duật với các món ăn nức tiếng Hải Phòng như
nem cua biển, ốc biển, hải sản tươi.... Cứ vào độ sau giờ tan tầm, phố Lê Chân
thu hút khá đông gia đình đến thưởng thức các món ăn nhẹ, sau đó đi dạo chơi,
mua sắm quanh khu vực trung tâm thành phố. Đến với con phố này, ta có cảm giác
thân thuộc và gần gũi bởi văn hóa và nhịp sống bận rộn rất đặc trưng của người
dân Hải Phòng: thân thiện, cởi mở, phóng khoáng.
(theo Old Haiphong)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét