Khoảnh khắc đời thường trong tranh Lim
Khim Katy
Bùi Như Hương
Lim Khim Katy |
Lim Khim Katy là nữ họa
sĩ trẻ tài năng của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Chị chuyên vẽ tranh sơn dầu,
xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ 21 bằng các triển lãm cá nhân và các series
tranh gây ấn tượng đặc biệt.
* Lim Khim Katy
1978: sinh ra và lớn lên
tại TP.HCM, (bố Campuchia, mẹ Việt)
2001: Tốt nghiệp ĐH Mỹ
thuật TP.HCM. Hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM
Các triển lãm cá nhân:
2005, 2007– tại Hanoi Studio, HN. 2006– tại Bangkok, Thailand. 2011- tại Macao
Đạt một số giải thưởng
và bằng khen về Mỹ thuật.
Có tranh trong các sưu tập
trong nước và quốc tế.
Thế giới hội họa của Katy thường là những con người. Ở
đó chỉ người với nhau, cô đơn, trơ trụi, không cảnh vật. Chị vẽ những đàn ông,
đàn bà, thợ lao động, những người làm thuê làm mướn…, những người nghèo vô
danh, những thân phận lang thang, cơ nhỡ, không gia đình, phiêu dạt khắp nơi
trên thế giới.Katy vẽ họ, những người cùng cảnh ngộ, sinh hoạt thành từng tốp
như để nương tựa, dựa dẫm, tìm kiếm nguồn an ủi lẫn nhau. Họ cùng đứng- ngồi-
ăn- ngủ, các hành vi của nhân vật đôi khi lặp lại hệt như nhau như để khẳng định
một sự hiện hữu, tồn tại nhất định nào đó. Và bao trùm lên tất cả là sự trống
trải, cô đơn, nghèo nàn, im lặng. Các khuôn mặt căng thẳng, chờ đợi, những đôi
mắt lo âu, khắc khoải về tương lai.
Sự cô đơn được nhấn lên
bởi những khoảng trống trên tranh, những không gian phi địa chỉ, những màu trắng
màu xám lạnh lẽo phi thời gian, hoặc một bầu trời hoang vắng phi định hướng. Và
sự hiện hữu mong manh phù du của loài người được thể hiện bằng những khoảnh khắc
bất chợt, những hành vi thường nhật vội vã như: ăn nhanh, nghỉ trưa, ngủ gật,
đi chợ trong mưa… Đó là những khoảnh khắc ngắn ngủi, nhất thời, luôn ở thì hiện
tại, không kéo dài và càng không thể nối tới tương lai. Đôi khi, Katy chỉ để lại
cho họ, nhân vật của mình, những khuôn mặt với một đốm linh hồn day dứt khắc
khoải ở đôi mắt, được vẽ một cách sống động kỹ lưỡng, tài ba. Còn thì, thân thể
họ phiêu phất, nhạt nhòa, không đáng kể, được quệt bằng những nhát màu cũng nhạt
nhòa phiêu phất.
Tranh của Katy đầy sức mạnh
hiện thực, một hiện thực xót xa buồn bã phi nhân bản đang xảy ra nơi thế giới
thứ 3, nơi những nước nghèo lao vào quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa một
cách mù quáng, ào ạt, nơi những con người đang mất dần ruộng đất, tha hương kiếm
sống, ăn ở tạm bợ ven lề đô thị và các khu công nghiệp lạnh lùng vô cảm. Sức mạnh
hiện thực này hơn một lần thuyết phục bởi khả năng truyền đạt hình họa vững
chãi cũng như bút pháp sơn dầu có nghề của họa sĩ. Tranh của Katy mang dấu ấn
cá nhân riêng. Nghệ thuật của chị chạm tới cảm xúc của người xem bởi nó vẽ
chính về con người, về hiện thực xã hội, về đời sống nhân sinh, về nỗi buồn lớn
lao và sự cô đơn không dứt của nhân loại. Katy vẽ con người bằng cả trái tim,
lòng nhân ái và sự cảm thông sâu sắc của người nghệ sĩ
Triển lãm ĂN VÀ NGỦ
(theo Soi.today)
Tác phẩm của Lim Khim Ka
Ty nêu bật tầng lớp lao động Việt Nam và tìm hiểu vai trò của người phụ nữ
trong xã hội Việt Nam. Trong các tranh về tầng lớp lao động, chị miêu tả theo
phong cách hiện thực tập trung vào sự gian khổ gắn liền với đời sống của người
lao động nhưng cũng tràn đầy tình cảm và sự cảm thông đối với hoàn cảnh của họ.
Sau một đám cưới, 2010, sơn dầu, 150-190cm, từ gallery Craig Thomas
(nhưng không rõ có triển lãm trong đợt này không?)
|
Trong các tranh về người
phụ nữ, Ka Ty miêu tả sự buồn vui lẫn lộn và gánh nặng bất bình đẳng hôn nhân
và gia đình đặt lên người phụ nữ Việt Nam. Tác phẩm trau chuốt, tránh được sự
sáo rỗng, rọi ánh sáng vào những con người đã tạo nên phần lớn dân số Việt Nam
nhưng cuộc sống và sự đấu tranh của họ chưa được miêu tả nhiều trong mỹ thuật
quốc gia.
Ka Ty sinh tại thành phố
Hồ Chí Minh, mẹ là người Việt Nam, cha là người Campuchia. Chị đã có triển lãm
cá nhân ở Thái Lan, Macao và Việt Nam, và cũng tham gia nhiều cuộc triển lãm
nhóm ở Việt Nam và nước ngoài. Ka Ty đã được trao nhiều giải thưởng cho những
thành tích trong nghề nghiệp mỹ thuật của mình.
*
Các tác phẩm của Lim
Khim Katy là sự pha trộn bất thường, khó nắm bắt, của nhiều phong cách hội họa,
từ hiện thực, biểu hiện đến siêu thực, phát triển trong mối quan hệ kín đáo và
có chừng mực giữa nghệ thuật hàn lâm và “pop-art”, giữa thực tại nhạy cảm và đời
sống nội tâm của con người.
Sinh ra tại Thành phố Hồ
Chí Minh, trong gia đình, Lim Khim Katy là người con duy nhất trong số năm người
con nối theo nghiệp cha – một họa sĩ “chính quy”, gốc người Campuchia, sống bằng
nghề chép tranh. Mẹ Katy người Việt, gốc Bắc, quê Nam Định.
“…Năm 2001- Katy kể – tốt
nghiệp đại học, chưa có việc làm, mà cũng không biết làm gì, nên ở nhà phụ ba
chép tranh, vào ban ngày. Tối đến, thức khuya một chút, để vẽ, những gì mình
suy niệm, những gì mình trăn trở… Đó là thời gian sung sướng nhất, vì mình có
thể trải lòng mình trên tấm toan, chỉ mình và toan.”
“… Ba năm sau –
Katy kể tiếp – triển lãm cá nhân lần đầu tiên tại Hà Nội. Từ đó, sự nghiệp
sáng tác đi vào chuyên nghiệp.”
Về khuynh hướng nghệ thuật, Katy nói: “Đi vào đời sống thường nhật của những người lao động nghèo. Gặp, lắng nghe những câu chuyện, những tâm sự, những khó khăn của họ… – để rồi chuyển tải những điều đó lên tranh, bằng tâm hồn và nội lực của chính mình.”
Về khuynh hướng nghệ thuật, Katy nói: “Đi vào đời sống thường nhật của những người lao động nghèo. Gặp, lắng nghe những câu chuyện, những tâm sự, những khó khăn của họ… – để rồi chuyển tải những điều đó lên tranh, bằng tâm hồn và nội lực của chính mình.”
Sớm trải nghiệm học vấn
nhà trường thông qua các đề tài đặc trưng giai thoại, trên những “pastorales”,
như: Nghỉ trưa, Thư xa, Chuyện đàn bà, Đàn bà nói chuyện đàn ông –
Lim Khim Katy, trên thực tế, đã vượt qua rất nhanh ảnh hưởng thường thấy của
“những hình thái đã định sẵn” (formes écrites) – và, bắt đầu từ những Sự
im lặng (2001), Biển đen (2005), cho đến loạt tranh gần
đây: Luật mới, Những người lái xe ôm, Cuối ngày, Lụt hoặc Làm dâu, Tâm sự, hoặc
những bức tranh phong cảnh: Sau cơn mưa, Trưa vắng, v.v. – có thể nói,
Katy đã trở thành một họa sĩ hy hữu, có vị trí đặc biệt ở phía Nam – người thể
hiện được một cách độc đáo và chân xác cái thần, chất thơ, những thoáng nghiệt
ngã của thiên nhiên, môi trường và của cuộc sống thực của con người, “con người
sống, với niềm vui, sự đau khổ, lòng kiêu hãnh, phản xạ, cảm xúc, cơ bắp” (như
Courbet từng nói) – mà tất cả, về thực chất, chủ yếu đều bị chi phối bởi một nền
tảng, không gì khác, ngoài “nền kinh tế hộ gia đình” (household economy), ở
nông thôn, và thậm chí, ở thành thị nước ta hiện nay.
Những đám đông, những tốp
người, trên tranh Lim Khim Katy – hẳn không phải là những “đám đông cô đơn” như
trong cách nhìn của triết học phê phán. Họ dường như có chung một phương thức sống,
có chung một mục đích sống, chung một nhân sinh quan, giống như biết bao người.
Đôi khi, các nhân vật – hình tượng, cứ trở đi trở lại, trong những bố cục xây dựng
theo lối “dàn trang in” và phối cảnh trực diện (perspective frontale) – bỗng hiện
lên như là “những cột trụ khiêm nhường của sự sống”.
Là một họa sĩ có nhãn lực
và trực giác nhạy bén, lại có biệt tài điều khiển nét bút thật đậm, chắc, khi
quánh ngọt, khi xù xì, gân guốc – Lim Khim Katy đặc biệt hay ở những nét phá
ngang trên ranh giới hình và nền, làm rung rinh ảo giác về không gian. Trắng và
đen thường đóng vai trò tác nhân chủ đạo về “thấu thị” (visionnaire), phối hợp
với các sắc tinh luyện của be, vàng thổ đậm, lục đậm, nâu đậm, lam biếc, đỏ tía
– nâng hiệu quả hiện thực lên tầm vóc “siêu hình”, gây cảm giác ma thuật về
khách thể, mở ra thế giới của những giấc mộng, chập chờn giữa đêm và ngày.
Dị mộng, 120 x 110cm, ảnh từ Asia Fine Art
|
Hồ vắng, 150 x 120cm, ảnh từ Craig Thomas Gallery |
Sinh thời, họa sĩ bậc thầy
Bùi Xuân Phái đã từng nói: “Vẽ để ai ai cũng nhận ra ngay người vẽ, mà vẽ lại
không đẹp, thì vô nghĩa”.
Lim Khim Katy, bằng những
yếu tố sáng tạo mới và riêng biệt – đã có lý do để tự khẳng định cho riêng mình
một hình thái hội họa đẹp, giàu tính cá nhân. Và hơn thế – đó còn là một hình
thái được sinh ra từ sự thật nhân bản và từ lòng thương yêu con người.
Khoảnh khắc tuyệt vời, 110 x 120cm, ảnh từ Asia Fine Art |
Nghỉ trưa, 2011, sơn dầu, 120 x 150cm |
– Quang Việt
(Tạp chí Mỹ thuật, 3. 4.
2009)