Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Gốm sứ thời Ung Chính

Tìm hiểu về gốm sứ thời Ung Chính – nhà Thanh, Trung Quốc

Thời nhà Thanh (1644 – 1912) có hai trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng là lò Trấn Cảnh Đức, thuộc tỉnh Giang Tây, chuyên cung cấp đồ gốm sứ hoa lam xuất khẩu theo đơn đặt hàng của châu Âu. Lò Đức Hóa, tỉnh Phúc Kiến là trung tâm sản xuất sứ trắng (sứ Bạch Định) chuyên chế các loại hình ống cắm bút, chóe cao có nắp, tượng người và động vật. Bộ sưu tập gốm sứ Ung Chính (1723 – 1735) có tổng số 2342 hiện vật. Trong đó, đồ nguyên là trên 600 món, đồ sứt trên 1200 món, đồ vỡ và mảnh là 500 món. Chiếm số lượng lớn là đồ sứ men trắng vẽ lam được làm theo đơn đặt hàng của Châu Âu.

Đặc điểm chung là những cổ vật này có xương gốm hoàn toàn bằng cao lanh rất mỏng, độ liên kết của xương gốm cao, độ kết tinh của xương men thường có sắc trắng ngà và xám. Ở đây, sứ men trắng vẽ lam được vẽ trang trí bằng màu coban (Co), sau đó phủ men trắng, nung qua 1300 độ C. Với việc tạo dáng sản phẩm hàng loạt, xương mỏng đều, nhiều chiếc còn cả chỗ khớp khuôn chứng minh kỹ thuật tạo hình bằng khuôn đổ rót. Điểm nhấn quan trọng là bộ sưu tập gốm sứ có loại hình đa dạng, trang trí rất tinh xảo, trang nhã.

Về dòng men: chiếm vị trí chủ đạo là dòng men trắng vẽ lam, men nâu vẽ lam. Ngoài ra, chiếm số ít là dòng men nâu/trắng không trang trí, men trắng không trang trí, men trắng Bạch Định.
Về loại hình và kiểu dáng: trong bộ sưu tập này có hai loại hình là gốm sứ gia dụng và gốm sứ trang trí. Gốm sứ gia dụng có nhiều loại như ly, chén, ấm uống trà, nậm rượu, đĩa, bát, tô, cốc, ca, hộp đựng nữ trang… Đồ gốm sứ trang trí trong nhà chiếm số lượng ít, gồm có chóe, bình, lọ, hũ, ống cắm bút, tượng người, tượng động vật. Ta có thể thấy những vật dụng rất bình thường như ấm chén, bát đĩa, âu, bình, lọ… được tạo dáng nhẹ nhàng, thanh tú rất ăn ý với bố cục hoa văn trải kín thể hiện bàn tay mềm mại, trau chuốt của các nghệ nhân.
  • Loại hình chén (ly) uống nước chủ yếu là cỡ trung bình, đường kính từ 5 – 7cm. Kiểu dáng phổ biến là miệng loe hoặc đứng, sâu lòng, thành cong, đế thấp nhỏ.
  • Loại hình ấm uống trà đa phần có kích thước nhỏ, đường kính từ 4 – 6cm, chiều cao từ 8 – 10cm kiểu dáng miệng loe, cổ thấp, thân phình hình quả, đế thấp. Ta có thể thấy cách tạo dáng ấm trà rất phong phú ấm hình quả cam, ấm hình quả bưởi, ấm hình quả trám, ấm hình quả lê, ấm hình quả ổi, ấm hình bát giác…
  • Loại hình nửa hộp sứ đường kính từ 5 – 10cm kiểu dáng miệng khum, nông lòng, thành cong, đế thấp.
  • Loại hình nắp sứ có hai loại núm tròn và núm như búp hoa sen. Đường kính loại nhỏ từ 5 – 7cm, loại trung từ 8 – 10cm và lớn 12cm.
  • Loại hình tượng gốm sứ  trang trí gồm có tượng người, tượng.
Về hoa văn trang trí: cổ vật gốm sứ Ung Chính nói riêng và gốm sứ Nhà Thanh nói chung văn trang trí rất phong phú, đặc sắc. Nghệ thuật sử dụng bút lông vẽ tranh được vươn tỏa trên đồ gốm sứ. Với màu coban, người thợ gốm Trung Hoa đã thể hiện tài tình những bức sơn thủy chỉ trong một diện tích rất nhỏ của một ô hình cánh hoa. Tìm hiểu hoa văn, đề tài trang trí trên gốm sứ ta sẽ thấy rõ được những đặc điểm gốm sứ thời kỳ này cũng như những giá trị tinh thần đồ gốm sứ ấy muốn chuyển tải. Từ những trang trí đơn giản như băng hoa văn hình học làm đường diềm cho đến những bức tranh công phu tả động vật, thực vật, phong cảnh sơn thủy, hay những điển tích…Tất cả hiện lên thật sinh động trên những sản phẩm gốm sứ qua tài năng của các nghệ nhân.
  • Hoa văn đường diềm: Đây là loại hoa văn được dùng rất phổ biến trên bộ sưu tập gốm sứ. Văn diềm được trang trí trên vành miệng, phần chân của chén bát, đĩa, hộp, lọ, chóe, ống cắm bút… Một số loại hoa văn thường được dùng là băng dây hoa, băng lá me, băng vân mây, băng đồng tiền, băng chữ Vạn, vạch đan chéo, đường gấp khúc, hình thoi, hình xoắn ốc.
  • Hoa văn đề tài thực vật: Đề tài trang trí phần lớn là những mô típ hoa văn quen thuộc của nghệ thuật gốm sứ Nhà Thanh. Chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh những chuỗi hoa dây cách điệu như hoa hồng, hoa cúc, hoa hướng dương, hoa mai uyển chuyển mềm mại. Ta có thể thấy sức sống mãnh liệt của thiên nhiên qua hình ảnh những cây hoa hồng, hoa cúc, hoa mai mọc vươn lên khỏe khoắn từ những hốc đá, bờ tường. Sự kết hợp giữa các loài hoa với nhau, giữa các loài hoa với chim, với bướm…tạo nên những phức hợp thiên nhiên sinh động tươi đẹp.



  • Hoa văn đề tài phong cảnh: Trên gốm sứ đời Ung Chính các nghệ nhân dùng màu men lam vẽ phong cảnh sơn thủy, nhà cửa lầu đài, con người rất thành công. Từ cách tô màu đến trang trí bố cục hoa văn đều toát lên phong cách phóng khoáng, thoáng đãng nên những bức tranh phong cảnh rất hài hòa mà không bị chi tiết dày đặc. Qua nét bút trau chuốt, tỷ mỉ những phong cảnh hiện lên vừa hùng vĩ cảnh núi sông vừa cô tịch bóng chùa thấp thoáng, ẩn hiện dưới khói lam mờ ảo. Rất nhiều cổ vật văn họa tả cảnh núi non sông nước mênh mông, trên sông đơn độc người lái đò như ngụ ý rằng thiên nhiên thật rộng lớn, bao la mà con người thật nhỏ bé. Một số ít hiện vật gốm sứ trang trí phong cảnh nhà cửa vùng thôn quê, phong cảnh mùa đông vùng nông thôn, nhà cửa kiểu Châu Âu.
  • Hoa văn đề tài con người: So với bộ sưu tập gốm sứ cổ vật thời Khang Hy (cổ vật Hòn Cau – Côn Đảo), đề tài hoa văn vẽ người rất khiêm tốn thì bộ sưu tập cổ vật Ung Chính đề tài trang trí về con người rất phong phú, đa dạng. Xem bộ sưu tập ta thấy tình cảm chân thực đầy hứng khởi của người nghệ sỹ trong quá trình sáng tác đã tạo ra những hình mẫu trang trí về con người hoàn thiện và sinh động. Những hình mẫu nhân vật thường được trang trí trên gốm là vẻ đẹp của các thiếu nữ trẻ trung bên cạnh cụ già, những tiểu thư khuê các trong thư phòng, phú ông cưỡi ngựa và tiểu đồng theo hầu, những chàng công tử gặp gỡ các tiểu thư… Bên cạnh đó, phong phú hơn cả là những đề tài trang trí gần gũi với cuộc sống dân dã đời thường như cảnh những người đàn ông ngồi trà rượu đàm đạo, những người phụ nữ xách giỏ ra chợ, ngư phủ chèo thuyền buông lưới, những lão tiều ngư câu cá, những chú mục đồng bắt cá, tiểu đồng nơm cá. Một số cổ vật họa tiết sinh động các trò chơi dân gian như thả diều, đá gà, nhảy dây, múa ca…



  • Hoa văn điển tích Trung Hoa: Trong bộ sưu tập cổ vật Ung Chính đề tài này được trang trí không nhiều. Trên một vài chén sứ vẽ tích Lã Vọng câu cá ở sông Vị (Lã Công điếu Vị). Cảnh vẽ là một bờ sông có ông già ngồi câu cá cạnh ông có một tiểu đồng. Theo điển tích, Khương Thượng được phong đất Lã nên cũng lấy tước làm họ, gọi là Lã Thượng, tự là Tử Nha. Ông vốn người đất Đông Hải. Thời Chu, vì vua Trụ hà khắc, ông về quê ẩn dật chờ thời lúc tuổi đã 72, ngày ngày thả câu bên bờ sông Vị. Đề tài bát tiên được trang trí trên một số chén sứ, đĩa sứ với hình ảnh vị tiên Trương Quả Lão tay cầm gậy đứng bên sông hay đang đi trên cầu.


Nhìn chung, hoa văn trang trí của gốm sứ Ung Chính mang tính nghệ thuật cao, gợi được cảm giác sâu xa về dáng, màu sắc, đường nét… thỏa mãn được nhu cầu thẩm mỹ của con người.
Nghệ thuật gốm sứ đời Ung Chính đã kết tinh được những tinh hoa, chất liệu từ xương gốm tới kỹ thuật tinh luyện nung đốt đạt đỉnh cao, tài nghệ trang trí tinh xảo đã tạo ra những dòng thương phẩm xuất khẩu cao cấp.
Đình Quí (tổng hợp) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét