Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Chùa Bối Khê

(Bài viết của tác giả Trương Quý)
Chùa Bối Khê thờ đức thánh Bối Nguyễn Bình An, là quê của ông này, vốn tu ở chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ). Bối Khê thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, chỉ cách Ba La Bông Đỏ chừng 10km, đi qua Bình Đà là rẽ vào đường 72, trên đường đi Thường Tín. Nếu đi từ đường QL1 rẽ vào có khi còn nhanh hơn.
Các chùa ở Hà Tây cũ thường to đẹp, nhưng vì xung quanh công nghiệp hóa thần tốc nên bụi tứ tung. Bối Khê có tên là Đại Bi Tự, dựng từ đời Trần, đến nay vẫn còn giữ được một số kết cấu gỗ, đá và gạch của thế kỷ XIV-XV, vốn hiếm hoi ở VN.

Hiện giờ thì người ta đã trùng tu gần như toàn bộ, tuy vậy đường nét chung cũng vẫn gợi lên vẻ cổ kính. Chùa có ngũ môn thật đồ sộ, cây đa cũng tham gia vào tạo phông cảnh cho hoàn thiện.




Sau ngũ môn đến một con lạch có cầu bắc qua. Thì ra cái ngũ môn chỉ là phân chia không gian ước lệ tựa như một cái cổng làng. Nhà dân ở quây quần quanh chùa phía trong. Gác chuông và hai cổng ngách mới thực sự là tam quan ra vào chùa, gác chuông đã trùng tu lại có vẻ cứng quá. Mùa hè thì đây có sen với súng nở, được nhiều tay máy chụp khá diễm huyền.

Ngũ môn và cầu gạch nhìn từ gác chuông ra.




Những cây dừa ở đây gợi một cảm giác exotic, có lẽ vì dấu ấn miền Trung của chúng. Người ta cho rằng dừa vốn được mang ra Đại Việt cùng với các tù binh Chàm từ thế kỷ XII-XIII. Vùng phía Tây Thăng Long chạy từ Cầu Giấy qua Kẻ Sở, Đăm, lên đến Sơn Tây (tức vùng Hà Tây) vốn là đất lưu trú của tù binh Chàm. Đại khái có các câu như Lỗ mỗ như quan viên Kẻ Sở (ý chê người Chàm thấp kém, da đen, chân tay thô, tục lệ khó coi), rồi người Chàm lại giữ những tục thờ cúng Bà la môn tích hợp vào đạo Phật như kiểu linga-yoni ở chùa Bà Đanh (Vắng như chùa Bà Đanh)... khiến dân Việt thấy cần phải giáo hóa đám công dân hạng 2 này. Kết quả là kiến trúc và điêu khắc người Việt thừa hưởng được rất nhiều thành tựu rực rỡ, mang lại một đặc điểm khác biệt với ảnh hưởng Trung Hoa. Nhưng về sau khi đã chinh phục toàn bộ vương quốc Chàm thì ảnh hưởng Trung Hoa càng ngày càng thắng thế và dấu ấn Chàm mờ hẳn. Người ta vẫn nói, mỹ thuật đời Lý là mỹ thuật khởi nguyên thời tự chủ nhưng đã đạt được ngay phẩm chất cổ điển. Mỹ thuật đời Trần là bước tiếp nối. Chắc chẳn khẳng định được một điều là nhờ mỹ thuật Chàm mà nghệ thuật hai đời Lý-Trần có được kết quả đó.

 Sập đá thời Mạc

Trên là cái sập đá thời Mạc, theo ông Hùng trông coi chùa cho biết đã từng được đưa lên tem bưu chính năm 1958.





Qủa chuông đúc năm 1844 đời Thiệu Trị.




Bức cốn cũ hình chữ Thọ

Khi trùng tu, họ giữ lại bức cốn cũ hình chữ Thọ, mang đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn.




Cây hoàng lan trên sân chùa.

Sân chùa có một cây hoàng lan rất to. Khung cảnh thật đẹp và thanh bình. Một trong những cái sân chùa đẹp nhất nước mình cũng nên.




Hình rồng trên sập đá đời Mạc 

Có thể thấy hình rồng đời Mạc có những nét đặc trưng: uốn khúc ít, thân mảnh, nhịp điệu dứt khoát. Đời Lê Trung Hưng sau đó và Nguyễn thì con rồng cuộn khúc nhiều hơn, nhiều râu ria và mây hơn.




Hình rồng đời Nguyễn trên bức cốn

Có thể thấy ngay hình rồng đời Nguyễn trên bức cốn trên: tua tủa những râu và vân mây, chứ không thấy dáng vẻ chuyển động của con rồng. Hình thức cột và kẻ chuyền cũng là của thời Nguyễn, cầu kỳ hơn thời trước ở chỗ pha chế nhiều hình thức kết cấu: kẻ chuyền ko thẳng mà võng xuống làm dáng, cột sinh ra hình chum đá chân quỳ ở dưới. Các hoa văn dập lại các công thức tứ quý hóa long chứ không làm những diềm hoa cúc hay hoa sen như thời trước.









Cái hiên này cao ráo và sáng sủa chứ không tối và thấp, đó là nhờ xây trên một nền cao.




Gạch nung trang trí đời Trấn

Đây là cái nền cấp xây từ đời Trần. Bằng chứng là còn vài đoạn có gạch nung trang trí từ thời đó. Những họa tiết đặc trưng như hình rồng, sóng nước...


Hình con ít gặp như hươu
Ở đây có những hình con ít gặp như hươu. Còn con gì mình như có đốm, đuôi thì như thỏ mà đầu thì rồng? Hàng gạch đỏ sẫm ở dưới là gạch mới trùng tu đặt bên Bát Tràng làm. Nhưng lại không sắc nét bằng. Ở Mỹ Sơn có vấn đề: gạch phục chế lại nhanh bị rêu và phong hóa hơn gạch cổ. Không hiểu gạch ngày xưa cho gì vào mà nghìn năm vẫn tươi?




Những bức cốn hiên ở tiền đường
Những bức cốn hiên ở tiền đường cũng có những tích đặc sắc như Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh. Ở bức trên, có Tôn Ngộ Không cân đẩu vân trên cùng, nhưng không hiểu Trư Bát Giới là tay nào, người gánh đồ ắt là Sa Tăng. Mấy kẻ còn lại như là yêu quái, đang rình rập. Nét chạm khắc ở đây thực ra không tốt bằng các đình làng, hơi có vẻ mỹ nghệ thành thị.


Hai con trâu húc nhau
Hai con trâu húc nhau, có quả lấm lưng trắng bụng. Mấy cái cây mọc trên đá chạm hình đặc sệt phong cách tranh Hàng Trống.

Tòa tam bảo
Tòa tam bảo nối với tiền đường, đều trên một nền cao hơn so với dãy hành lang bao quanh.


Cốn ở bờ thoải tam bảo
Cốn ở bờ thoải tam bảo, có thể thấy các đời gỗ trùng tu khác nhau.


Bệ tượng và đèn đá từ thời Trần Phế Đế (1382)
Trong tam bảo có hệ thống bệ tượng và đèn đá từ thời Trần Phế Đế (1382) rất đẹp. Bệ này giống với bệ ở chùa Thầy.


Bốn góc là bốn con chim thần Garuda

Chuyển sang flash cho rõ hơn. Bốn góc là bốn con chim thần Garuda, bên trên là những cánh sen chạm rất sắc nét.

 Hình rồng đặc trưng thời Trần
Một viên đá chạm hình rồng đặc trưng thời Trần, có nét kế thừa hình thời Lý - kiểu rồng giun, không có vẩy. Nhịp điệu cuồn cuộn, các hoa văn bố trí thoáng, không dày đặc như thời sau. Liên hệ với thức cột cổ điển Hy Lạp, ban đầu thì duyên dáng với Ionic hay Doric, cầu kỳ hơn có Corinth, về sau La Mã phát triển thành Composite siêu cầu kỳ, mà đến thời Baroque thì quá tả.



Hệ thống tượng này thấy có cả tu sĩ, võ sĩ lẫn quan. Hình thức thô mộc mang đậm nét bình dân.




Trong khi đó pho tương này (Ngọc Hoàng hay Đức Ông?) là một hình thức cao cấp và tinh vi hơn hẳn.


Tượng Quan Âm cứu khổ cứu nạn
Trên cao nhất của bệ đá là tượng Quan Âm cứu khổ cứu nạn, có 12 tay, tạc thời Mạc. Ông Hùng chắc cũng linh động lắm mới cho vào chụp. Bằng chứng là ông thúc ra rất nhanh, vì ngay sau đó có một bà già vào mắng mỏ.




Bức tượng có vẻ đẹp vừa cao sang vừa giản dị, trong một cái vỏ kiến trúc đẹp. Có thể thấy phía trước có cây hương đá có những chạm khắc tinh xảo. Tiếc là lúc đó dùng máy ảnh cũ nên không chụp được rộng.




Cây hương án này cũng được cho là tạc thời Trần cùng với cái bệ, nhưng cảm giác là nó mang nhiều nét phong cách thời sau này hơn. Phía trên nóc là bộ vì thời Trần, có ván hình lá đề kẹp giữa hai cái bụng lợn (tức là hai cái xà ngắn có hình như cái bụng lợn). Hai xà này chồng lên nhau bằng các con kê và cột ngắn, như ở chùa Thái Lạc (Văn Lâm, Hưng Yên), cũng thời Trần.


 Tượng Quan Âm Thị Kính
Bức tượng Quan Âm Thị Kính này thì xấu. Cái núi đất ở dưới lại được sơn màu xanh đỏ nguệch ngoạc. Những cái tượng điểm vào cũng lôm côm.


Dãy tượng Tổ
Dãy tượng Tổ đặt rải ra mỗi vị một gian, trông hơi hiu quạnh.




Vị này trông thật trẻ, dáng ngồi rất nho nhã.


 Tòa thượng điện
Cuối cùng là tòa thượng điện, có kết cấu chồng rường giống gác chuông chùa Keo Thái Bình. Ở bên cạnh là cây sen đất, vốn được tuyên truyền mạnh dạo mấy năm gần đây như là bằng chứng duy lý của câu ca dao "Hôm qua tát nước đầu đình. Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen". Hoa sen nở vào tháng 4-6 âm lịch, nghĩa là đang nở đây! Nhưng khi mình đến thì đang vẫn mùa rét nên không có. Hoa này xem ảnh thì giống hoa trà hoặc hải đường.




Ông Hùng chỉ cho cái đầu bảy góc mái đao có hình con phượng (hay chim thần) từ thời Trần, đã bị hư hỏng. Có điều cái khối gỗ ghép trùng tu ở dưới sao không chịu khó tạc hẳn hoi cho nó sướng, mà để thù lù một cục vậy?




Hình dáng, đường nét là đẹp nhưng sao người ta sơn lắm màu lổn nhổn như bôi thuốc đỏ thuốc tím loạn xạ thế chứ?



Lan can gạch đắp trang trí cũng đẹp, nhưng nếu đừng quét vôi nhem nhuốc thế thì có phải ngon không?




Bên hông có một lối xuống địa đạo có từ thời chống Pháp. Nhưng tối om om, nên không xuống làm gì. Cạnh đó là cổng ngách rêu móc đầy.


...





Quay về Hà Nội thì qua làng Bình Đà. Lúc này trời đã tối, nên chỉ ngó nghiêng tí rồi về. Làng này lắm tiền nên đình làng cũng đang dỡ tung ra sửa chữa, những cây gỗ to đùng khuân về chật sân. Một chiều xuân trong veo ở đây, nhưng đằng kia là đường 21B bụi mù mịt. Ngày xưa trẻ con Hà Nội cứ giáp Tết là bỏ học kéo nhau đạp xe hàng đàn xuống đây, chả làm được việc gì ngoài chung tiền mua mấy bánh pháo tép và chen nhau xem đốt pháo bông. Xác pháo hồng ngập đường từ Bình Đà về đến Hà Đông. Năm nào cũng râm ran chuyện có đứa chết vì pháo ở trường này trường nọ. Mình thì chưa thấy ai làm sao. Thế mà cũng đã 15 năm không pháo rồi.


Được biết làng Cự Đà giáp làng này nhiều nhà cổ nhưng đã muộn quá, nhưng từ đó đến giờ cũng chưa đi được, mặc dù chỉ cách Hà Nội có 15km. Mà nghĩ cũng khó rủ rê phết. Mãi khi về nhà cả tháng, cái đứa đi cùng mới nói là thực ra hôm đi chùa Bối Khê là nó nể mình mới đi, chứ lúc đầu nó chả muốn, đến nơi thì thấy hóa ra cũng có cái hay...



4 nhận xét:

  1. Cám ơn chủ trang!
    Những bức ảnh tuyệt đẹp!
    Chú thích rõ ràng, giàu tính thẩm mĩ. Cứ như là đang được hướng dẫn viên du lịch lành nghề dẫn đi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trương Quý viết về cảnh quan và kiến trúc rất hay và có ý tưởng. Em chép về kẻo thất lạc.
      Cảm ơn bác chia sẻ.

      Xóa
  2. Trả lời
    1. https://www.facebook.com/van.pham.33234/posts/3370638459709290?__cft__[0]=AZV4dTs_lq6l09wBsqiIX_fMo-BDmNouV0SoURs0v2onyciWMPxp9J511V8WSTPs5IlbHFag-u_v5sZFhyWRkIASnc4gfLXoQfff-qqprUcb0s7AgydRC6X8PF9tZEyNPZqxlzvduXCbCxcEL-7BwJWHsf3nPey-hB2JIwGzXn3dTTwtXqTpZ9ollQmczlnpzME&__tn__=%2CO%2CP-R

      Xóa