VŨ ĐỨC SAO BIỂN
Thiên Sơn là tên một rặng núi hiểm trở thuộc khu vực ngoại Tân Cương,
phía Tây – Tây Bắc Trung Hoa, là biên giới thiên nhiên giữa Trung Hoa và
Kirghizitan. Không hiểu từ giấc mơ lãng mạn nào, nhà văn Kim Dung đã để cho chàng
thiếu niên Trương Vô Kỵ mới 15 tuổi dắt tay cô bé gái Dương Bất Hối 11 tuổi đi
từ An Huy, vượt qua khoảng 18.000 dặm lên tới đỉnh Côn Lôn trong rặng Thiên
Sơn, giúp Bất Hối tìm được người cha Dương Tiêu. Cơ duyên đã đưa đẩy cậu bé gày
gò Trương Vô Kỵ bò lọt qua một hang đá nhỏ, tìm ra một thung lũng đẹp, học được
thần công trong Cửu Dương kinh. Cơ duyên đã khiến cậu bé ở đó năm làm bạn với cỏ
cây, với khỉ vượn, rồi lên tới Quang Minh đỉnh (đỉnh Pobedy cao nhất của Thiên
Sơn – 7439 mét) nơi đặt tổng đàn của Bái hỏa giáo (Minh Giáo) Trung Hoa, học được
thần công Càn khôn đại nã di của Bái hỏa giáo. Lại cũng chính cơ duyên đã đưa
Trương Vô Kỵ – bấy giờ đã là chàng thanh niên 20 tuổi – phải đối đầu với sáu đại
môn phái Trung Hoa khi họ muốn tuyệt diệt Bái hỏa giáo. Kinh qua những đoạn đời
đau khổ, chàng thanh niên đôi mươi đó đã đủ chín chắn để biết tự dặn mình không
được giết người, không được gây thù nhưng phải bảo vệ được những tinh hoa của
Bái hoả giáo bởi vì họ là những người yêu nước, kháng Nguyên.
Mùa xuân là mùa hoa mai nở. Hoa mai trên Thiên Sơn thích nghi với khí
hậu giá lạnh quanh năm, đến tháng 3, tháng 4 Dương lịch vẫn còn mãn khai. Trong
tư duy lãng mạn đậm màu sắc phương đông, tác giả Kim Dung đã để cho nhân vật của
mình bẻ một cành mai trên núi Thiên Sơn làm vũ khí chống lại song đao, song kiếm.
Vợ chồng Hà Thái Xung – Ban Thục Nhàn của phái Côn Lôn sử Chính Lưỡng nghi kiếm
pháp. Hai trưởng lão của phái Hoa Sơn sử Phản Lưỡng nghi đao pháp. Chính và phản
là hai mặt đối lập triệt để nhưng khi đã hợp bích thì oai lực mạnh vô song, bởi
nguyên tắc âm Dương tương điều, thủy hoả tương chế. Chính biến của kiếm pháp có
64 thế, kỳ biến của đao pháp có 64 thế; 64 nhân cho 64 thành ra 4096 thế liên
miên bất tuyệt. Bốn địch thủ của Trương Vô Kỵ cụ thể hoá triết học phương Đông
thành bài bản chiến đấu: phía Nam quẻ Càn, phía Bắc quẻ Khôn, phía Đông quẻ Ly,
phía Tây quẻ Khảm. Ngoài bốn chính phương còn bốn bàng phương: Đông Bắc quẻ Chấn,
Đông Nam quẻ Đoài, Tây Nam quẻ Tốn, Tây Bắc quẻ Cấn. Chính lưỡng nghi kiếm pháp
của phái Côn Lôn đi từ Chấn vị tới Càn vị; phản Lưỡng nghi đao pháp của phái
Hoa Sơn đi từ Tốn vị tới Khôn vị. Chính đi thuận, phản đi nghịch; ai rơi vào thế
liên thủ giáp công của họ thì khó tránh được cái vòng biến ảo huyền diệu của
nguyên lý Âm Dương.
Vô Kỵ biết rằng mình không đơn
giản chỉ đấu với chính – phản Lưỡng nghi mà đang đấu với một triết lý thực chứng
của Đông phương. Anh đã nhớ lại những lời đã học trong Cửu dương kinh: “Gió thổi
qua mỏn núi mặc cho nó ngang tàng, ánh trăng vẫn chiếu trên sông lớn” và “Quý hồ
ta vẫn giữ được một hơi chân khí sung mãn”. Đó chính là nguyên lý “Dĩ bất biến ứng
vạn biến” trong tư duy Đông phương. Anh cũng nhận ra rằng chính – phản Lưỡng
nghi thể hiện được là do gốc ở bộ pháp. Bước chân của bốn đại cao thủ sẽ đi từ
Qui Muội qua Vô Vọng, Vô Vọng qua Đồng Nhân, Đồng Nhân qua Đại Hữu… Anh khéo
léo sử phương pháp bốn lạng chống ngàn cân, lấy cái nhẹ nhàng bay bướm để hoá
giải cái cường mạnh, lấy chậm để chế nhanh, lấy cái vụng về chế cái tinh xảo, lấy
chiêu thức của người đẩy về phá người. Trương Vô Kỵ sử dụng một cành mai tươi đẹp
dịu dàng bay nhảy trong rừng đao kiếm. Ấy thế mà cành mai không rụng lấy một
bông!
Vận dụng tư duy Đông phương và
tiểu thuyết một cách lãng mạn đến thế là cùng. Trong văn chương và triết học
Trung Hoa, mai được nâng lên bạn hữu của con người, đứng đầu mai, lan, cúc,
trúc. Chưa thấy tác phẩm nào nói chuyện con người sử cành mai làm vũ khí để chiến
đấu và chiến thắng, trừ bộ Ỷ thiên Đồ long ký của Kim Dung. Tôi nghĩ tới một ý
đồ khác của nhà văn. Ông cho cái đẹp chiến thắng cái thô bạo; cái nhân tính tiềm
ẩn trong cành mai chiến thắng cái tàn bạo tiềm ẩn trong đao, kiếm; cái hồn hậu
của tự nhiên chiến thắng cái cơ tâm của con người!
Quả thật lãng mạn khi nhà văn cho phép cành mai đấu với đao kiếm. Tôi
cho rằng tư duy lãng mạn đó chỉ có thể có trong tiểu thuyết phương Đông, trong
triết học phương Đông. Cả ba thứ cành mai, chính Lưỡng nghi kiếm pháp, phản Lưỡng
nghi đao pháp là những hình tượng mang nặng tính ẩn dụ. Văn chương cho phép người
ta bay bổng tuyệt vời mặc dù cả tác giả và độc giả đều sống trên mặt đất. Tôi đọc
hai thiên Tiêu dao du và Tề vật luận trong Nam hoa kinh của Trang Tử rồi so
sánh với cành mai dịu dàng thanh thoát trong Ỷ thiên Đồ long ký và cảm thấy hạnh
phúc vì cái đẹp còn tồn tại mãi bên đời chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét