Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Quan thư


Ngày 28, tháng Mười, sinh nhật Võ nương. Bão Sơn Tinh trực chỉ miền Trung, rồi loanh quanh, dạo khắp bờ Đông hải, ghé về quê. Bữa tối cơm đèn đợi gió. Con trai, cháu nội ngoại gọi về rối rít, con rể đội mưa qua nhà, chúc mừng mẹ.

Suốt đêm nước sa, gió rít. Mười bông quỳnh đã hẹn, nở trong mưa bão. Sáng nay,  mưa tạnh bão tan, ta đốt trầm, nghe Chú Đại Bi đón ngày Rằm tháng Chín. Chép đăng lại bài Kinh Thi  do Khổng tử san định, tặng Võ nương. Định viết bài từ bữa qua, sáng mải dọn nhà, nhặt lá, thau sân, bây giờ mới toại.


Quan Thư 1.
關雎一
關關雎鳩,
在河之洲。
窈窕淑女,
君子好逑。

Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.
Tản Đà dịch.
Quan quan cái con thư cưu,
Con sống con mái cùng nhau bãi ngoài.
Dịu dàng thục nữ như ai,
Sánh cùng quân tử tốt đôi vợ chồng.
Dịch nghĩa.
Đôi chim thư cưu hót họa nghe quan quan,
Ở trên cồn bên sông.
Người thục nữ u nhàn,
Phải là lứa tốt của bực quân tử (vua).

Chú giải của Chu Hy.
Chương này thuộc thể hứng.
quan quan : tiếng chim trống chim mái ứng họa nhau.
thư cưu : loài chim nước, lại có một tên nữa là vương thư, hình dạng giống như chim phù y, ngay trong khoảng Trường giang và sông Hoài thì có chim ấy. Chim này sống có đôi nhất định mà không hề lẫn lộn. Hai con thường lội chung mà không lả lơi, cho nên sách của Mao công có nói rằng: Đôi chim thư cưu tình ý chí thiết khăn vó đậm đà, nhưng lúc nào cũng giữ gìn cách biệt. Sách "Liệt nữ truyện" cho là người ta chưa từng thấy chim thư cưu sống dư cặp hay sống lẻ loi, là vì tính của nó như thế. Hà, tên thông dụng của những dòng nước chảy ở phương bắc.
châu : cồn đất ở giữa sông có thể ở được.
yểu điệu 窈宨 : là ý u nhàn, u tích yên lặng và nhàn nhã.
thục : hiền lành.
nữ : con gái chưa gả chồng, nói nàng Thái Tự, vợ vua Văn vương, lúc còn ở nhà với cha mẹ.
quân tử 君子: chỉ vua Văn vương.
hảo : đẹp lành.
cầu : đôi lứa.
Sách của Mao công nói chí là rất, tình ý rất tha thiết đậm đà.
hứng: là trước nói một vật gì để sau dẫn đến lời ca vịnh.
Vua Văn vương nhà Chu sinh có thánh đức, lại được bậc thánh nữ họ Tự để kết hôn. Nhưng người trong cung, lúc nàng Thái Tự mới đến, thấy nàng có đức hạnh u tịch, nhàn nhã và trinh chuyên, bèn làm bài thơ này rằng: Kìa đôi chim thư cưu nghe hót quan quan, đang ứng họa nhau ở trên cồn bên sông. Người thục nữ yểu điệu này há không phải là bạn lứa tốt của bậc quân tử Văn vương hay sao? Có ý nói nàng Thái Tự và vua Văn vương cùng hòa vui mà cung kính lẫn nhau, cũng như tình chí thiết đậm đà mà lúc nào cũng giữ gìn cách biệt của đôi chim thư cưu vậy.
Về sau hễ nói hứng thì ý văn cũng phỏng theo chương này.
Ông Khuông Hành nhà Hán nói rằng: Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu, là nói rằng nàng Thái Tự rất mực trinh thục không thay tiết tháo. Những rung cảm về tình dục không hề lẫn vào nghi dung, những ý vui riêng không hề lộ ra cử chỉ, có được như thế rồi mới có thể phối hợp với bậc chí tôn và làm chủ tế tông miếu. Vì đó là đầu mối của cương thường và của nền vương hóa. Giảng Kinh Thi như thế đáng gọi là người khéo nói vậy.

Quan thư 2.

關雎二

參差荇菜、 
左右流之。 
窈宨淑女、 
寤寐求之。 
求之不得、 
寤寐思服。 
悠哉悠哉、 
輾轉反側。


Sâm si hạnh thái,
Tả hữu lưu chi.
Yểu điệu thục nữ,
Ngụ mị cầu chi.

Cầu chi bất đắc,
Ngụ mị tư phục
du tai! du tai!
Triển chuyển phản trắc.


Dịch thơ.

So le rau hạnh lơ thơ
Hái theo dòng nước ven bờ đôi bên
U nhàn thục nữ chính chuyên
Nhớ khi thức ngủ triền miên chẳng rời.
Nếu cầu mà chẳng được người
Khi mơ khi tỉnh bồi hồi nhớ thương
Xa xôi trông nhớ đêm trường
Chiếc thân trằn trọc trên giường nào yên
.

Chú giải của Chu Hy.

Chương này thuộc thể hứng.
sâm si 參差: dáng dài ngắn không đồng đều nhau 
hạnh : rau tiếp dư, rễ mọc ở đáy nước, lá màu đỏ tía hình tròn, đường kính hơn một tấc, nổi trên mặt nước. hoặc tả hoặc hữu, vô định không thường, khi bên trái khi bên mặt lưu, thuận theo dòng nước mà hái lấy. hoặc ngộ hoặc mỵ, không lúc nào là không, khi thức khi ngủ đều nhớ đến nàng. 
bặc : nhớ. 
du : dài, xa xôi; triển : lăn nửa vòng; chuyển : lăn trọn vòng; phản : lăn qua lăn lại; trắc : lăn nghiêng; đều là nói nằm không yên giấc. 
Chương này nói vào lúc chưa cầu được nàng Thái Tự: rau hạnh cọng ngắn cọng dài không đều kia, phải thuận theo dòng nước sang bên tả sang bên hữu mà hái. Người thục nữ yểu điệu ấy, khi thức khi ngủ vua không quên lo cầu cho được nàng, vì nàng ấy với đức hạnh ấy trên đời không thường có vậy. Nếu cầu nàng mà không được thì không có ai phối hợp với vua để thành việc nội trị hoàn mỹ. Cho nên vua lo nghĩ sâu xa không xiết đến thế ấy.


Quan thư 3.

關雎三

參差荇菜、
左右采之。
窈宨淑女、
琴瑟友之。

參差荇菜、
左右芼之。
窈宨淑女、
鍾鼓樂之。

Sâm si hạnh thái,
Tả hữu thái chi.
Yểu điệu thục nữ,
Cầm sắt hữu chi.

Sâm si hạnh thái,
tả hữu mạo chi.
Yểu điệu thục nữ.
Chung cổ lạc chi.

Dịch thơ.

Vắn dài rau hạnh bên sông,
Kiếm tìm mà hái theo dòng đôi bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Mến nàng, cầm sắt đánh lên vang dầy. 
Bên sông rau hạnh vắn dài,
Đem về nấu chín mà bầy hai bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Để nàng vui thích, vang rền trống chuông.

Chú giải của Chu Hy.

Chương này thuộc thể hứng.
thể (thái) : chọn mà hái lấy 
mạo : nấu chín mà dâng lên 
cầm : cây đàn 5 hoặc 7 dây; sắt : đàn 25 dây, đều là loại đàn dây tơ, loại nhạc khí nhỏ
vĩ (hữu)
: ý thân ái. 
chung : cái chuông, loại nhạc khí bằng đồng. 
cổ : cái trống, loại nhạc khí to bằng da. 
nhạo : ý rất thuận hòa vui vẻ. 
Chương này nói vào lúc tìm được nàng: rau hạnh cọng ngắn cọng dài không đều kia, phải chọn hái rồi nấu luộc mà dâng lên. Người thục nữ yểu điệu ấy đã cầu được rồi, phải thân ái để làm cho nàng vui, vì rằng người ấy với đức hạnh ấy trên đời không thường có vậy. Hôm nay mà cầu được nàng, thì đã được người để phối hợp với vua thành việc nội trị. Cho nên tỏ ý vui mừng tôn kính không xiết như thế vậy. 
Thiên Quan thư có 3 chương, 1 chương 4 câu và 2 chương 8 câu. 
Khổng tử nói rằng: “Thiên Quan thư vui mà không dâm, buồn mà không thương tâm”. Tôi cho rằng: “Lời ấy đối với thơ Quan thư này đúng với sự đoan chính của tính tình và sự điều hòa của thanh khí. Vì rằng đức hạnh như chim thư cưu, tình chí thiết đậm đà mà vẫn giữ gìn cách biệt, thì sự đoan chính về tính tình của bà Hậu phi Thái Tự hẳn đã có thể nhận thấy được một phần rồi. Đến việc thức ngủ lăn qua trở lại, đánh đàn cầm đàn sắt, khua chuông đánh trống, niềm vui buồn đã tột bực và đều không quá khuôn khổ phép tắc, thì sự đoan chính về tính tình của người làm thơ ấy lại có thể nhận thấy được cả toàn thể rồi vậy. Riêng sự điều hòa về thanh khí thì không thể nghe được. Tuy là đáng hận, nhưng học giả hãy thưởng thức nghĩa lý ở trong lời thơ ấy để bồi dưỡng tâm tính, thì cũng có thể nắm được căn bản của việc học Kinh Thi vậy." 
Khuông Hành nói rằng: “Phối hợp thành vợ chồng là mối đầu của việc phồn sinh của dân chúng, là nguồn cội của vạn phúc. Nghi lễ của hôn nhân được chính đáng thì về sau phẩm vật thỏa thuận và thiên mệnh mới hoàn toàn. 
Mạnh tử đã khảo luận Kinh Thi, lấy thiên Quan thư làm đầu, ý nói rằng trên hơn hết là bực cha mẹ dân, đức hạnh của bà Hậu phi phu nhân nếu chẳng ngang bằng với trời đất, thì không lấy gì mà thờ phụng thần linh để điều hòa sự thích nghi của vạn vật. Từ đời trước trở lại, việc hưng phế của ba đời Hạ, Thương, Chu chưa có bao giờ không do ở đấy vậy.


Quan thư hữu cảm (Chu Hy - 朱熹, Trung Quốc)
觀書有感

半畝方塘一鑑開,
天光雲影共徘徊。
問渠那得清如許,
為有源頭活水來。

Bán mẫu phương đường nhất giám khai, 
Thiên quang vân ảnh cộng bồi hồi. 
Vấn cừ na đắc thanh như hứa? 
Vị hữu nguyên đầu hoạt thuỷ lai.
Dịch thơ.
Nửa mẫu đầm vuông một tấm gương
Bồi hồi mây rỡn ánh trời quang
Hỏi sao đầm nước trong như thế? 
Vì ở đầu nguồn nước vẫn buông.

*****
楸下觀書 (Hoàng Đức Lương - 黃德梁- Việt Nam)
開卷深愔下, 
容光照自明。 
靜中心易動, 
落葉作秋聲。


Thu hạ quan thư

Khai quyển thâm âm hạ
Dung quang chiếu tự minh
Tĩnh trung tâm dị động
Lạc diệp tác thu thanh

Dưới bóng cây đọc sách
Dung mạo ánh sáng soi
Cảnh im, lòng dễ động
Lá rụng: tiếng thu rơi.

*****
vanthekt.


4 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay, nhưng ở phần dịch nghĩa của Quan thư 1 không biết sông "Hoàng Hà" lấy ở đâu ra?
    Lại nữa, hình như Khổng tử là người có vai trò to lớn trong truyền bá và sửa Kinh Thi nhưng nói bài Kinh Thi của Khổng tử thì e chưa thật chuẩn chăng?
    Xin mạo muội.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Bạn,
    Tứ thư và ngũ kinh có thể xem là các bộ sách giáo khoa của các Nho sinh. Ngũ kinh gồm: Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Xuân Thu và Kinh Lễ (Kinh Nhạc vào đời nhà Tần bị mất mát nhiều nên thay vì lục kinh chỉ còn ngũ kinh). Tứ Thư gồm các bộ sách của học trò Khổng Tử ghi chép lại lời giảng của thày gồm: Đại học, Trung Dung và Luận Ngữ và một sách của Mạnh Tử.

    Khởi nguồn từ hơn 3000 bài thơ có nguồn gốc dân gian có từ đời thượng cổ, Khổng Tử san định lại còn khỏang hơn 300 bài thơ bốn chữ hình thành nên Kinh Thi. Trong Kinh Thi, đề của bài thơ thường được lấy từ vài chữ đầu của bài. Quan Thư chính là bài thơ ở vị trí đầu quyển.
    Cái ý Hoàng Hà đó, tôi cũng hồ nghi lắm, cát đi thôi!

    Rất cảm ơn, tôi sẽ sửa chữa

    Trả lờiXóa
  3. Trời! Võ nương thật hạnh phúc khi ngày sinh nhật được hưởng bữa đại tiệc này.
    Chúc anh chị trẻ mãi không già và mọi điều mãn nguyện!

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn Hà.
    Nương là "con gái nhà dòng/ lấy chồng kẻ chợ...:
    kỳ này hơi mệt, ngồi viết tếu cho vui!

    Trả lờiXóa