Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Am ni cô


AM NI CÔ


Mã Bảo Sơn



Trên núi có trúc, trúc là trúc tía. Dưới núi có am, am là am ni cô.

Trong am ni cô có hai ni cô, ni cô già năm mươi tuổi là sư phụ, ni cô trẻ mười sáu tuổi là đệ tử. Hai thầy trò ngày nào cũng làm bài tụng kinh và tiếp nhận đồ lễ của vài khách hành hương. Họ sống những ngày dài trong tiếng chuông buổi sớm và tiếng mõ ban chiều.

Trước am là một dòng sông, bên bờ sông có một mái nhà tranh, trước nhà tranh là một vạt ruộng vườn mới vỡ hoang. Một cặp vợ chồng trẻ, mủa xuân gieo cấy, mùa thu gặt hái trên thửa ruộng mảnh vườn. Ngày tháng cứ vui vẽ trôi đi trong tiếng nói tiếng cười của đôi vợ chồng.

Ở nơi vắng vẻ nến sáng lửa xanh, ni cô trẻ làm bài thường bị tiếng nói cười vui vẻ bay trên cánh đồng gây xáo trộn tâm tư. Cô thầm nghĩ, cuộc sống chồng cày ruộng, vợ dệt cửi thật là hạnh phúc.

Ni cô trẻ thường ra sông kiếm nước, nên hay gập đôi vợ chồng trẻ cày cấy ở ruộng. Lâu dần họ quen nhau, ngày mưa ngày gió, anh nông dân trẻ còn giúp ni cô gánh nước lên chùa. Một hôm, ni cô trẻ lại ra bờ sông kiếm nước, đôi vợ chồng trẻ cũng đang nghỉ giải lao ở bờ sông. Thế là có một cuộc nói chuyện thú vị.

Anh nông dân hỏi:
- Hàng ngày chú tiểu làm gì trong chùa?

Ni cô đáp:
Làm bài, tu đạo, cầu kiếp sau ...

Anh nông dân lại hỏi:
- Cầu nhân duyên mỹ mãn phải không?

Ni cô lại trả lời:
- Người tu hành thanh tâm, ít ham muốn.

- Cầu quan to lộc đầy phải không?

-Tăng ni kiêng cấm, danh lợi mờ nhạt.

- Vậy thì cầu vinh hoa phú quý chăng?

- Cửa Phật coi trọng yên tĩnh thanh thản...

Anh nông dân cả cười:
- Phải chăng chú tiểu còn cầu mong kiếp sau lại được làm chú tiểu?

Trong mắt ni cô trẻ càng mơ màng, mờ mịt. Cô nhìn am ni cô vắng vẻ dưới núi, thở dài thầm nghĩ: "Mình tu tâm dưỡng tính, nếu kiếp sau còn làm chú tiểu thì hôm nay còn cần cầu gì nữa?"

Ni cô trẻ khe khẽ lau giọt lệ trong vắt trên hai má, gánh nước về am. Trên bờ sông, cuộc đối thoại của hai vợ chồng vẫn còn tiếp tục, chỉ có điều tăng mùi vị trêu ghẹo.

Anh hỏi vợ:
- Nếu có kiếp sau thật, em cầu gì?

Chị đáp:
- Anh đoán xem ...

- Cầu quan to lộc đầy phải không?

Chị lắc đầu.
- Vậy thì cầu vinh hoa phú quý chứ?

Chị vừa lắc đầu vừa xua tay. Anh "ồ" một tiếng:
- Anh hiểu rồi, chắc chắn là em cầu kiếp sau làm một ni cô trẻ thanh tịnh ...

Chị giơ nắm tay nhỏ đấm lên ngực anh, nói:
- Bậy nào, bậy nào, anh bậy quá ...

Anh chộp luôn tay chị, hỏi dồn:
- Vậy rốt cuộc em cầu gì nào?

Chị đỏ ửng mặt, đáp:
- Không cần quan to, chẳng cần giàu sang, chỉ cầu kiếp sau nhân duyên tốt lành, chỉ cầu kiếp sau lại làm vợ anh!

Cuộc đối thoại trên bờ sông và cuộc vui đùa của đôi vợ chồng bên bờ sông đã làm xao động trái tim xuân của ni cô trẻ, tới mức cô cứ bần thần háo hức, không còn lòng dạ nào ngồi yên làm bài, không còn chăm chỉ tu đạo. Ni cô già nhận thấy học trò của mình đã hết duyên nơi cửa Phật, liền đưa cô ra khỏi am.

Ni cô trẻ bơ vơ không nơi nương tựa, tạm dừng chân trong gia đình anh nông dân nhà tranh vách nứa bên sông.

Ni cô trẻ không còn là ni cô nữa, vợ chồng anh nông dân liền gọi cô là Tiểu Nê.

Cùng vợ chồng anh nông dân trẻ, Tiểu Nê mặt trời mọc ra đồng, mặt trời lặn về nghỉ, cơm nhạt, trà thô của nhà nông khiến Tiểu Nê càng khỏe càng đẹp ra, mái tóc xanh mượt mà dần dần mọc trên đầu khiến cô trở thành một người thật xinh đẹp.

Người phụ nữ đã hoàn tục, thì có tính tình của người thường. Người phụ nữ có tính tình của người thường sẽ dễ dàng tạo ra những chuyện của con người bình thường. Mà chuyện của con người ta thì cứ na ná như nhau. Câu chuyện và chi tiết tầm thường đến mức không chịu nổi, xin miễn kể ra tỉ mỉ ở đây. Tóm lại như thế này: Có một hôm, ông mặt trời tỏa nắng rực rỡ xuống trái đất, con chi trên cây cũng hót líu lo vui tai. Chị chủ nhà đi chợ mua muối về, vừa bước vào trong ngôi nhà tranh đã kêu giãy nảy lên một tiếng, tiếp theo là tiếng khóc kéo dài. Tiếng khóc cứ bám riết lấy bước chân của người đàn bà như đang nổi cơn điên, loạng chà loạng choạng chạy ra bờ sông. Chị định nhảy xuống sông thì nước sông lại cạn. Chị lảo đà lảo đảo leo lên vách núi định nhảy xuống, song vách núi không cao, Sau đó, chị bỏ chạy vào am ni cô dưới chân núi.

Ở nơi vắng vẻ nến sáng lửa xanh, ni cô già sống những ngày hết sức tĩnh mịch, rất muốn biết người đàn bà đang đứng trước mặt mình có hy vọng gì đối với kiếp này và kiếp sau:
- Xin hỏi nữ thí chủ, chịu ở tạm thời hay ở lâu dài trong am nhỏ này?

Chị đáp:
- Ở lâu dài, xin thầy thu nhận con làm đệ tử, thưa thầy!

Ni cô già lại hỏi:
- Chị vào cửa Phật cầu quan to lộc đầy phải không?

Chị lắc đầu. Ni cô già lại hỏi:"Cầu vinh hoa phú quý chứ?" Chị vẫn lắc đầu.

- Vậy cầu kiếp sau có được nhân duyên mỹ mãn chăng?"

Lời ni cô già chưa dứt, thì nước mắt đau đớn của chị đã tuôn trào ...

Trên núi có trúc, trúc là trúc tía. Dưới núi có am, am là am ni cô. Trong am có hai ni cô, một ni cô già một ni cô trẻ mới đến, ngày nào họ cũng làm bài, tụng kinh, cầu kiếp sau ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét