Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Len lét như Rắn Mồng Năm




Mọi người cứ gọi là Tết Đoan Ngọ, tết Trùng Dương; để tưởng nhớ tổ tiên, để Khuất Nguyên với Mịch La gì đó…


Tớ cứ theo thày u mà gọi. Đó là Tết Mồng Năm Tháng Năm, mùa vải Thiều Rượu Nếp. Lại còn của Việt hay của Hán. Cần gì. Nói dại như câu chuyện tớ viết ở bài đăng trước. Vợ chồng gì đó với nhau cứ “tay ải tay ai”, “tay ẻm tay em”; thằng trộm nó cho một nhát “tay ổng tay ông”, làm gì được nó.

Tết xưa, nhà nghèo, tiết mồng Năm, lại sau những ngày “tháng Ba đói chết”, gì có mà đào mận táo tây… Quê nghèo, ba qủa vải sâu. Có năm được bát rượu nếp chiêm, nhưng vẫn nhớ.

Tối trước, u dặn: “sớm mai không ngồi ngưỡng cửa kẻo đầu đanh mọc đít”. Sáng, sau khi “chiết sâu bọ”, thày gọi anh cả trèo lên cây mít. Thày cầm cái vồ sàm gõ gõ: Mít ơi! Dạ! Sang năm có quả không? Dạ có. Cộc cộc và kỳ lạ, sang năm cả nhà ăn mít. (Nói thêm, thời những năm 80, ông bạn Q. có 4 con gái, hôm sau, chiết sâu bọ thấy cô giáo vợ cứ ngượng quay mặt đi. Hỏi: Tối qua chắc vợ chồng mày “khảo mít”. Vài năm sau, có dái mít thật. Tớ không nói điêu đâu.)

Bài múa cực hay sau đó là mấy chị em chọc tay lên mái rạ và đồng thanh gọi: “từ nay đừng xước măng rô, từ nay đừng xước măng rô …”, chẳng hiểu “măng rô” là cái gì chỉ biết cho da móng tay đỡ xước.

Sáng hôm đó cho đến trưa, mẹ vặt nụ vối, lá vối, nhổ cây bồ công anh, rau nhọ nồi … phơi dùng cho cả vụ.
                    
         
Nhưng nhớ nhất và sướng nhất là ăn vịt, cả nhà như ngày hội: Tiết canh, thịt vịt luộc, tía tô, khế lát…
               

Giản đơn vậy thôi. Nhường cho người tả vẻ đẹp, vẻ sang của Tết Mồng Năm. Nhưng đừng ra điều tô vẽ, tụng ca, miền quê Việt tiết này quạt mo áo mỏng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét