Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Chèo Mở Lái Ra


Chụp đèn Cây Hoa Đậu Tía
Đầu thập niên 1990, khi là lãnh đạo cơ quan, tôi biết nhiều hơn về chị, một nhân viên trong gần trăm thày cô giáo. Mới biết chị đã từng là cán bộ xã những năm 80. Chị là vợ liệt sỹ, đã trót một éo le, cùng con nhỏ về trường. Nhìn chị cần mẫn công việc, khi dọn phòng, khi phát lương, lầm lũi trong trường, còn được bao người gả bán, chị vẫn ở vậy nuôi con; trong tôi, cứ phảng phất câu xưa Kiều “nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”. Chị gọi tôi là cậu, ấm lòng những tháng năm nghèo đói. 

Bây giờ chị đã về hưu, lâu lâu không nghĩ gì về chị. Hôm nay đọc truyện này của Phan Chí Thắng, chợt ngộ ra mình. Nói như Nam Cao trong “Lão Hạc”: “Chao ôi! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ối… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương”.   Thôi, cứ cho là “câu hát cũ bây giờ ai hát nữa”, nên nhiều khi chúng ta mơ màng kể lại chuyện ngày xưa cho bọn trẻ nghe về "niềm đau chôn dấu" hay "ôm một khối tình". Bọn trẻ sẽ rất ngạc nhiên Oh! my god? truly ? 
Lòng tôi vẫn văng vẳng điệu chèo Bắc bộ “Chèo mở lái ra”, nhức nhối lòng lời cầu ước “Mũi ơi thương lấy Lái cùng…”
 
Bạn hãy nghe clip cuối bài, chỉ có 3’, để mở lòng “
chàng rằng hỡi các chàng ơi, ới í í i này này thương thương lấy lái cùng í ì i "
Truyện ngắn này. Đoạn  kết. Xót xa."Những câu thơ nghiệp dư, vụng về nhưng rất thật. Khao khát yêu đương, khát khao hạnh phúc. Nỗi nhớ nhà. Gian khổ và vượt qua gian khổ. 
Trong bài Thư gửi mẹ có mấy câu:
Con thèm bát canh mùng tơi, 
Thèm nghe tiếng lá rơi rơi sau vườn 
Thèm ai nói một lời thương
Át đi bom đạn chiến trường ngày đêm...
Tôi nhìn người đàn bà đã bắt đầu già. Chị không đẹp, không xấu trong căn hộ nhỏ và giản dị.Tôi không bình luận gì với chị về những giòng nhật ký và những câu thơ chị viết.
Đó là tuổi xuân của chị, cuộc đời của chị, trong cuốn sổ nhỏ bé cũ kỹ này."
Chị Khanh
 Phan Chí Thắng
Chị Khanh bằng tuổi tôi. Khi tôi là một chàng kỹ sư trẻ vừa tốt nghiệp ở Liên Xô về, mặt mày còn thơm mùi sữa, thì chị là cô thanh niên xung phong mới chuyển từ chiến trường ra.
Chị không đẹp cũng không xấu. Gái Nghệ An đậm người, chắc lẳn. Ít nói, thỉnh thoảng chị nở nụ cười hiền lành làm xô lệch những mảng má nám do những năm tháng ở rừng thiếu vitamin và thiếu cả những bàn tay sàm sỡ của đàn ông.
Không văn hóa, không nghề nghiệp, chị được phân công giữ kho.
Chúng tôi lúc đó - những thanh niên đang đầy hoài bão ước mơ mang hết sức trẻ đóng góp cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và chiến đấu giải phóng miền Nam, hầu như không ai để mắt đến chị.
Chúng tôi chỉ thực sự để ý đến chị khi nghe tin Chi bộ mang chị ra kiểm điểm. Tội của chị là không chồng mà chửa. Lũ ngu chúng tôi cũng cho rằng đó là một tội. Tuy vậy, khi nghe tin Chi bộ nghị quyết cảnh cáo chị Khanh và bắt chị phải nạo thai, chúng tôi thấy quá bất nhẫn. Nhất là cái thằng đàn ông đảng viên đã làm cho chị có thai lại vô can, chẳng bị làm sao hết.
Đó là Nhưng, bộ đội phục viên làm bảo vệ cơ quan. Nhưng đã có vợ và một con ở quê.
Y tế cơ quan đưa chị Khanh đi phá thai, và chị không bị khai trừ đảng.
Một năm sau, chị Khanh lại có thai. Lần này chị không đợi Chi bộ phải họp kiểm điểm. Chị chủ động gặp Bí thư chi bộ, nói thẳng:
- Em lỡ thì rồi, chẳng ai thèm lấy cái con thanh niên xung phong già này nữa. Em cần có một đứa con. Nếu Chi bộ sợ mất thành tích thì em xin ra khỏi Đảng.
Thế là chị ra khỏi Đảng. Thế là chị có thằng con trai. Chị đặt tên nó là Mừng.
Một mình chị Khanh nuôi con. Tôi không biết thằng cha Nhưng có giúp đỡ chị tý nào không. Chắc là không vì vợ nó cũng vừa mới sinh con ở quê.
Đợt đó căng-tin có một ít hàng nhu yếu phẩm. Tôi bắt thăm trúng hộp sữa. Trưa hôm đó tôi dúi vào tay chị Khanh hộp sữa bò Liên xô bẹp dúm dó rồi vội vàng bỏ đi chỗ khác, sợ người ta nhìn thấy.
*
* *
Rồi tôi được điều đi công tác khác. Khoảng hai mươi năm sau, tôi quay lại đơn vị cũ, làm Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Công ty.
Chị Khanh vẫn làm thủ kho. Tên Nhưng làm tổ trưởng tổ bảo vệ.
Thằng Mừng học xong phổ thông, không vào được đại học, Công ty nhận nó vào làm công nhân. Nó giống tên Nhưng như hai giọt nước.
Hôm Bộ công bố quyết định tôi làm Giám đốc, toàn thể cán bộ công nhân viên có mặt.
Nhiều người phát biểu hay lắm, lời lẽ có cánh, hứa hẹn đồng lòng giúp Giám đốc mới đưa công ty ngày một tiến lên, đạt nhiều thành tích rực rỡ. Sau này tôi tổng kết lại thì đa số những người có lời hay ý đẹp đều làm những trò bẩn thỉu sau lưng tôi.
Anh chị em công nhân chả ai nói gì.
Hôm sau, tôi đi một vòng Công ty, chào hỏi mọi người. Thủ kho Khanh bắt tay tôi, bàn tay chị thô và nhiều sẹo:
- Công nhân bọn em chỉ mong Giám đốc làm sao cho ai cũng có tiền mua sữa, khỏi cần Giám đốc dấm dúi cho riêng!
Vậy là chị vẫn nhớ chuyện tôi biếu chị hộp sữa hai mươi năm về trước. Vậy là chị nói lời cảm ơn theo cách của mình.
Công ty phân cho hai mẹ con chị một căn hộ nho nhỏ ở Nam Thành Công. Mồng một Tết, tôi đến khu tập thể chúc tết, vào từng nhà.
Tôi ngồi ở nhà chị Khanh khá lâu. Thật bất ngờ khi chị mở tủ lấy ra một cuốn sổ tay cũ sờn gáy, gói trong tấm ni lông:
- Anh đọc đi. Cái này em viết cho riêng em. Nhưng em muốn anh đọc. Vì em biết anh yêu thơ.
Tôi ngồi lần giở những trang giấy đã ố vàng. Những dòng nhật ký, những câu thơ chiến trường.
Tôi lặng yên đọc. Chi lặng lẽ rót nước thêm vào chén chè của tôi. Những câu thơ nghiệp dư, vụng về nhưng rất thật. Khao khát yêu đương, khát khao hạnh phúc. Nỗi nhớ nhà. Gian khổ và vượt qua gian khổ.
Trong bài Thư gửi mẹ có mấy câu:
Con thèm bát canh mùng tơi,
Thèm nghe tiếng lá rơi rơi sau vườn
Thèm ai nói một lời thương
Át đi bom đạn chiến trường ngày đêm...
Tôi nhìn người đàn bà đã bắt đầu già. Chị không đẹp, không xấu trong căn hộ nhỏ và giản dị.
Tôi không bình luận gì với chị về những giòng nhật ký và những câu thơ chị viết. Đó là tuổi xuân của chị, cuộc đời của chị, trong cuốn sổ nhỏ bé cũ kỹ này.
Nếu được học hành, được dẫn dắt, biết đâu chị đã là một nhà thơ?
Tôi cũng không dám rút trong túi ra cái phong bì mà văn phòng đã chuẩn bị sẵn để tôi chúc tết từng nhà.
Cái phong bì trở nên nhỏ bé và vô nghĩa trước người đàn bà bình dị, người đã bỏ Đảng để có được chút hạnh phúc nhỏ nhoi.
Đất nước chúng ta có bao nhiêu người đàn bà như chị? Đất nước chúng ta tồn tại là nhờ đứng trên lưng những người như chị? Những tấm lưng đầy bùn, mồ hôi và sự khinh miệt?
Tôi lầm lũi ra về, lòng trĩu nặng buồn vào ngày mồng một tết...
Chị Khanh mất năm ngoái, chị nhiều bệnh lắm, những bệnh của một thời chiến tranh và của cả một thời hòa bình.
Không ai báo cho tôi biết để tôi đi đưa đám chị. Giám đốc và lớp cán bộ hiện nay của Công ty còn bận nhiều việc quan trọng hơn là việc báo cho những người bạn cũ của chị biết để về đưa chị đến nơi an nghỉ cuối cùng.
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét