Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Tín ngưỡng Sen

Mùa xuân đi lễ hội chùa, đền, bạn hãy ngắm nhìn thật kỹ khung cảnh nơi cửa thánh, nhà Phật. Đó chính là một toà sen khổng lồ, một biểu tượng tôn giáo chứ không còn giản đơn là một kiến trúc phỏng sinh.
                                                                                         
Jokhang Temple, Lha=
Tôi dám chắc ai cũng bị ám ảnh bởi trang trí sen trên mái đền Jokhang hoặc đài sen gò đồng, mạ vàng khổng lồ ở tu viện Gyantse khi đến Tây Tạng, xứ sở của các vị thần. Ai cũng có thể thấy rõ cảm giác choáng ngợp khi đối diện với chùa hang Đôn Hoàng Trung Quốc, bảo tàng Phật giáo lớn nhất thế giới, một đoá sen khổng lồ trên hoang mạc. Người ta cũng dễ bị chinh phục bởi cái khúc triết trong kiến trúc của Thạt Luổng ở thủ đô Vientian Lào, một linh ảnh rực rỡ của sen.
                                                                                                        
Thạt Luổng Vientian Lào
Còn trên đất nước ta, cũng có nhiều kiến trúc hiện tồn tuy nhỏ bé, giản đơn nhưng khắc hoạ khá rõ nét biểu tượng sen. Đó là chùa Một Cột được xây năm 1049 trên hồ Linh Chiểu, một mô phỏng giấc mơ về toà sen của Phật Bà Quan âm của vua Lý Thái Tông. Đó là thuỷ đình và đền Tam Phủ trên hồ Long Chiểu của chùa Thầy được xây năm 1602. Là đền Ngọc Sơn được xây dựng ở hồ Gươm từ thế kỷ 19.
Trên thượng lương, câu đầu, ván bẩy ở đình chùa làng quê Bắc Bộ cũng có nhiều phù điêu lấy cảm hứng từ sen, góp phần tạo nên diện mạo riêng biệt của mỹ thuật nước nhà. Phù điêu sen đẹp nhất có lẽ phải kể đến những tác phẩm còn lưu giữ ở đền vua Đinh, vua Lê ở Nình Bình, đình làng Tây Đằng , Đông Viên Hà Tây. Sen cũng là đề tài được thể hiện nhiều trên các đồ thủ công mỹ nghệ, thêu ren, thời trang…

Thủy đình trên hồ Long Chiểu
chùa Thầy
Điều gì đã tạo cho Sen có được ảnh hưởng sâu sắc đến thế trong đời sống? 

Có lẽ là vì Sen đã rất gắn bó với đạo Phật, một tôn giáo lớn nhất của đất nước.

Cây sen có rễ bám trong bùn, thân vươn trong nước, hoa nở trên không đã trở thành biểu tượng của Tam bảo, tượng trưng cho sự giác ngộ cũng như giáo lý của đức Phật và đời sống của tăng lữ. 
                                                                                             
Chùa Một cột Hanoi
Đài sen nơi Phật toạ thiền là tượng trưng cho sự sản sinh thiêng liêng, thuần khiết của đức Phật. Tư thế ngồi cát tường của Đức Phật được gọi là liên hoa toạ. Viên ngọc ước, những nét hào quang của đức Phật đều được các nghệ nhân tạo hình giống những cánh sen. Với Phật giáo mật tông, trái tim của chúng sinh mang hình đoá sen. Một trong ba mươi tướng tốt của đức Phật là ngài có khoé mắt đẹp dài rộng như cánh sen xanh. Ngón chân cái và gót chân của người cúng mang tượng hoa sen.
                        
Trong đạo Phật, hoa sen trắng tượng trưng cho tâm cảnh thuần khiết, chí thiện. Sen đỏ là hoa của từ tâm, đam mê. Sen xanh là hiện thân của minh triết. Sen hồng là loài tối thượng. Sen tím là đoá hoa huyền diệu…
           
Quan Thế Âm - sen đỏ
Mỗi loài sen lại gắn liền với hình ảnh của một vị phật. Sen trắng là hoa của chung các vị Phật, sen đỏ là của Quan Thế Âm, sen xanh là hoa của Văn Thù, sen hồng là biểu tượng của Adiđà- vị Phật lịch sử…
                                                                                                                
Phật A Di Đà- sen hồng
Từ xa xưa, với một thế lực mạnh mẽ ấy trong đời sống tâm linh, có lẽ chính đoá sen đã mệnh lệnh hay xui khiến các kiến trúc sư vẽ nên những linh tháp cao vút, những mái chùa lợp ngói đỏ nồng, những đầu đao cong xoè như cánh hoa mãn khai…
            
Đôi lúc đứng trước đài sen linh thiêng, hai bàn tay khép trong tư thế hợp chưởng ấn rất giống một nụ sen tôi cứ tự hỏi nếu ngày xưa ấy trong Lộc Uyển ở Sarnath miền Nam Ấn Độ, Đức Thích Ca Mâu Ni không cầm trên tay đoá sen khi người giảng pháp thì số phận của Sen sẽ ra sao nhỉ? Có lẽ không thể trở thành quốc hoa của Ấn Độ, cũng sẽ mãi muôn đời một phận kiếp bình dân, vất vưởng như dâm bụt, lộc bình, mướp dại… chẳng có cơn cớ gì để mà luận bàn về cái gọi là tín ngưỡng Sen! 

Văn thù bồ tát- sen xanh
Nhưng nếu giả thiết đó là hiện thực thì bộ mặt kiến trúc thế giới chắc chắn đã có những thay đổi khôn lường. Không gian kiến trúc phương Đông sẽ thế nào nếu Đức Phật cầm trên tay viên kim cương nhiều cạnh, một cuốn thư hình trụ hay một bông cúc đại đoá nhiều chi tiết…
            
Đầu xuân hôm sớm, nhân việc bàn về những giá trị của Sen và ảnh hưởng của nó tới kiến trúc, rất mong các kiến trúc sư trẻ thử giành đôi ba phút để nghĩ về giá trị biểu tượng của những bản vẽ thiết kế còn nằm đâu đó trong ước mơ của mình. Mấy chục năm qua, kiến trúc Việt Nam gần như không còn năng lực đẩy công trình thành biểu tượng như những gì hiển hiện trên đình chùa, những gì cha ông đã từng làm trong quá khứ.
   
Bài viết của nhà báo Xuân Bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét