Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Ai đi qua miền trung mến yêu

Tôi biết Việt Nga khi chị làm chương trình “Thơ xuân Rằm tháng Giêng” ở trường tôi, xuân Quý Mùi, 2004. Tôi viết đề dẫn cẩn thận, chị điều khiển chương trình để quay phim làm clip, phục vụ ngày thơ Việt nam năm ấy, cùng đoàn, có Khúc Kim Tính, bạn tôi. Tôi nói với Nga, anh rất thích bài thơ ‘Ăn tết miền trung', em đọc cho anh nghe một chút. Việt Nga đọc, tôi say trong hương phù sa đất ẩm Thanh Hà quê chị thấm ướt miền Trung, say hồn nữ sinh năng khiếu Hải Dương, thấy quê chồng ‘miền trung mến thương, ... khô cằn sỏi đá’. Sau đó Nga chép bài thơ này.
Lòng chung, tôi và Nga đều có ‘người tình ơi gắn gửi đôi lời’. Có lần, Việt Nga viết bài về nạn rải đinh trên đường phố Hải dương, tôi nhắc, Nga không cần vậy, Em là quê mình, cho đời, cho mai sau mà em ước muốn.

Tôi chép đăng bài thơ này, những lòng về quê vợ, theo bản chép của Việt Nga, vì Hiền Giang bạn muốn yêu lại một thời.

    
Ăn tết miền Trung
                                    Việt Nga

Em về xin mẹ làm dâu
                                Ăn tết miền Trung lạ lắm
                                Từng cặp bánh chưng đến dài
Cải vàng nở đầy lưng dậu
Chẳng có hoa đào hoa mai

Đường làng gập gềnh đá sỏi
Thăm nhau câu chúc làm quà
Phong bao chỉ toàn bánh kẹo
Câu đối đỏ bên cột nhà

Thưa, chi, mô, chừ, răng, rứa
Ngọt ngào âm điệu miền Trung
Em hóa nai vàng ngơ ngác 
Chỉ biết ngoan hiền dạ, vâng

Mùa xuân miền trung đỏng đảnh
Thoắt nắng thoắt mưa suốt ngày
Rét chỉ ngập ngừng ngang ngõ
Thương từng lộc muộn trên cây

Này mạ, này ba, này mệ
Lũ em áo mới tưng bừng
Mồng một dâng cơm tiên tổ
Hương trầm tỏa khói rưng rưng

Ớt cay gừng cay muối mặn
Nhớ từng vị đất quê nghèo
Thương anh, thương miền trung lắm
Em về xin mẹ làm dâu.


Lan hạc
Lời đề dẫn 
Ngày Thơ Việt Nam

                               

Kính thưa các vị đại biểu,

thưa các bạn và các em học sinh thân mến!



Người Việt Nam ta rất yêu thơ. Nói cho đầy đủ hơn: Yêu thơ, thích làm thơ và muốn giao lưu thơ. Đó là một nét đẹp truyền thống đậm đà bản sắc văn hoá .

Dân tộc ta, biết hài hoà giữa lo toan cuộc sống, biết chịu đựng sự vất vả chiến tranh, sống trên bán đảo indochina, giữa hai dòng văn hoá mà lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa.

Người Việt Nam ta, hay nói quá lên là đất nước Việt Nam ta, đi đâu cũng gặp người làm thơ, yêu thơ và thích nghe thơ, nhất là trong các dịp lễ tết, ngày gặp mặt đầu xuân, gặp bạn bè.  Từ những nhà Nho tài tử biểu thị cốt cách, tỏ chí tỏ lòng đến các nhà hoạt động cách mạng hiện lên tình thơ đầy sức mạnh.

Người xưa có câu: Văn dĩ tải đạo, với thơ càng đúng như vậy. Thơ có sứ mệnh cao cả của nó.



Từ năm Quý Mùi này, chúng ta có một ngày Tết Thơ sau ngày Tết Nguyên đán.



Ngày Thơ Việt Nam, ngày, không chỉ là để chúng ta nhớ Bác- Người đã viết bài thơ Nguyên Tiêu- năm 1948.



Ngày Thơ Việt Nam là ngày chúng ta có một ngày Rằm thứ ba nữa. Rằm Tháng Bẩy, tháng mưa xùi xụt không chắc gì đã có trăng, nhưng ngày đó thể hiện sự nhân bản, nhân văn của người đời: Thương và ơn người đã khuất, quên đi cái xấu, cái ác. Rằm Trung thu dành cho trẻ nhỏ. Đó là Công ước lâu đời của Cha ông ta về Quyền trẻ em, có trước cả thế giới hiện đại. Đến bây giờ, nước Việt Nam văn hiến lại có thêm một ngày trăng nữa: ngày trăng tròn dành cho thi ca.

Rồi qua bao thế kỷ gian truân, rồi qua bão lụt, rồi qua bao vất vả do ta tự hành ta, lá cờ Thơ mầu đỏ, in hình chim Lạc, sẽ kéo lên mỗi độ Xuân về.

Mỗi chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày, bên cạnh cuộc đời Thơ, sẽ vượt qua khó khăn thử thách, cũng như yếu kém, hoàn thiện bản thân để ngày tốt đẹp hơn.

Với riêng, câu thơ tôi nhớ những năm dạy học.

      Cây cúc đắng quên lòng mình đương đắng

       Nở hoa vàng dọc suối để ong bay 

cứ theo mãi, nó là điểm tựa tinh thần giúp tôi vượt qua những năm tháng khó khăn của cuộc đời.

Rồi mỗi các bạn, các em cũng sẽ có một câu thơ kỷ niệm cuộc đời. Nhưng điều chung nhất, tôi mong rằng Ngày Thơ Việt Nam sẽ là nguồn vui tinh thần, đầy ý nghĩa nhân văn và chất thơ, nâng cao tâm hồn các bạn. Tôi xin khai mạc Ngày Thơ Việt Nam Trường THPT KIM THÀNH.

Chúc cho ngày thơ toả mãi tâm hồn dân Việt.

Xin cảm ơn tất cả.
                                                          Phạm Văn Thế, tháng Giêng Quý Mùi

8 nhận xét:

  1. Trông bố ngày xưa, cháu D chẳng khác gì không lo thử ADN, nhưng tài năng còn lâu mới bằng bố. Chúc ông bà hạnh phúc

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Ông.
    Mừng hạnh phúc!

    Hôm nay đám cưới lu bù. Mệt quá.

    Trả lờiXóa
  3. Bài thơ sao mà dễ thương quá , đọc xong lòng lại vương chút bâng khuâng, thương nhớ...

    Trả lờiXóa
  4. Về già, thấy lại càng thương yêu vợ, lam lũ, vất vả thời xưa Vũ ạ!

    Trông, dạy cháu cả ngày, hôm nay cuối tuần, đang ngủ với cháu.

    "Ớt cay gừng cay muối mặn
    Nhớ từng vị đất quê nghèo..."

    Chào Bạn mến yêu!

    Trả lờiXóa
  5. Ôi!Mới thật là dịu ngọt làm sao.

    Trả lờiXóa
  6. Mùa xuân miền trung đỏng đảnh
    Thoắt nắng thoắt mưa suốt ngày
    Rét chỉ ngập ngừng ngang ngõ
    Thương từng lộc muộn trên cây

    Hình ảnh "Áo tím" đó Hiền.

    Trả lờiXóa
  7. Đó chính là thi vị của tình yêu, đúng không anh.
    Thương lắm đó anh, quí lắm đó anh, hạnh phúc lắm đó anh.

    Trả lờiXóa