Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

ĐƯƠNG NHÂN BẤT NHƯỢNG Ư SƯ !

Luận  ngữ  là cuốn sách số một, sách cái của đạo Nho. Trong đoạn 35 của chương Vệ Linh Công, học trò từng ghi lại một lời dạy của Khổng Tử: Đương nhân bất nhượng ư sư  (làm điều nhân thì dẫu thầy mình, mình cũng không nhường.)
      Đạo Nho thường được miêu tả là hay đưa ra những lễ nghi nghiêm khắc, những ràng buộc tuyệt đối. Sư (thầy học)  là một trong ba ngôi bề trên (quân sư phụ) mà người ta phải phục tùng vô điều kiện.
      Vậy mà ở đây, Khổng Tử lại giả định cho người ta một khả năng “nổi loạn” với nghĩa có những việc không nhường thầy. Tại sao vậy ?
      Để trả lời câu hỏi này, trước tiên cần nói qua về khái niệm nhân. Đây không phải chữ nhân là người. Mà chữ nhân này trong ký tự gồm chữ nhân đứng và chữ nhị, để chỉ quan hệ hai người, và mở rộng là quan hệ người với người nói chung.
      Thông thường ở ta, các bậc trí giả chỉ xem nhân như nhân từ nhân ái, tức yêu người thương người. Còn theo cách giải thích của các nhà nghiên cứu Nho giáo Trung quốc hiện nay, thì nhân trong câu trên nghĩa là “cái đạo lý khiến cho con người trở thành người”.
      ( Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê khi dịch Luận ngữ đã chú thích “nhân là điều ai cũng nên làm, hết sức mà làm“, tức những việc lớn ở đời, cũng đã khá gần với cách hiểu hiện đại nói trên).
     Nhưng hãy trở lại với cái ý tổng quát trong câu Đương nhân bất nhượng ư sư. Ở đây có ẩn một quan niệm về giáo dục cũng như về lễ nghĩa. Tự nó giáo dục không phải là mục đích. Sở dĩ việc học quan trọng vì nhờ nó người ta có thể hoàn thiện mình để mang mình ra giúp đời.
     Và quan hệ thầy trò không phải là những quy định xã hội ép chặt từng cá nhân vào một chỗ cố định, càng không phải là những giới hạn ràng buộc người ta trong hành động.
      Quay trở lại với tình hình giáo dục Việt Nam.
       Được tiếng là theo Nho giáo, nhưng một quan niệm về chữ nhân như trên với ta rất ít được nhắc tới.
       Khi bàn về giáo dục và ông thầy, câu đầu tiên mà người ta nhắc nhau là Nhất tự vi sư bán tự vi sư.     
      Đằng sau lối nói số học “nửa chữ cũng là thầy “, người nói ngầm đe người nghe rằng ở đây có những giới hạn, và giới hạn này là tuyệt đối.
      Tôi đã là thầy anh một lần thì mãi mãi là thầy anh, không bao giờ anh vượt được tôi cả.
      Rộng ra mà nói, lớp hậu sinh phải biết yên phận trong những gì quá khứ đã vất vả chiếm lĩnh. Và sẽ vĩnh viễn là cái trật tự đã hình thành, người đi sau cứ phải theo đó mà đi, đừng tính chuyện làm khác.
       Từ góc độ của một người từng đi học và khi ra đời sống với những người làm nghề chữ nghĩa, tôi đọc được ở đây cái lời cảnh cáo ngầm như vậy.
      Có thể Nhất tự vi sư bán tự vi sư  cần thiết cho những học trò lười biếng ngỗ ngược. Thế nhưng đối với lớp hậu sinh có chí khí có tài năng và nghị lực thì là cả một bước ngăn trở.
      Khổ một nỗi là cái tinh thần nệ cổ này, từ ngành giáo dục đang trở thành một kiểu tư duy của người mình, một nguyên lý chi phối cả xã hội.
     Nhân danh lễ nghĩa, người ta hạn chế khao khát sáng tạo của lớp trẻ.
     Đáng lẽ phải lo đào tạo cho được một lớp trẻ ngày một khá hơn- con hơn cha là nhà có phúc -- thì người ta lấy lớp già ra làm cái trần, làm giới hạn, làm chân trời của họ.
     Đáng lẽ phải lo trung thành với tương lai thì người ta chỉ biết kêu gọi trung thành thụ động với quá khứ.
     Tại sao lại thịnh hành một lối nghĩ như vậy? Chỉ có thể hiểu được điều này nếu nhìn thẳng vào thực trạng non kém của nghề thầy giáo suốt thời trung đại và còn kéo đến tận ngày nay.
     Phan Kế Bính trong Việt nam phong tục (1915) đã nói tới cái tình trạng “mấy ông đồ quèn học hành chưa hiểu vỡ mạch sách, văn chương chưa thuộc đủ lề lối, mà đã đi về các vùng quê tìm nơi thiết trường, gõ đầu năm ba đứa trẻ để hồ khẩu“ (hồ ở đây  vốn có nghĩ là keo dính; từ cổ hồ khẩu có nghĩa kiếm sống).
      Đám thầy này rất hay vòi vĩnh “nào khi nhà thầy có giỗ nào khi thầy lấy vợ” việc gì cũng lôi đồng môn (tức đám học trò và kéo theo là phụ huynh gia đình họ) ra bắt gánh vác.
      Đã có tình trạng ăn bám (được Phan Kế Bính gọi là cái mọt của thiên hạ),  thì tự nhiên có sự huyênh hoang lên mặt. Người ta thích nhắc đi nhắc lại rằng mình là khuôn vàng thước ngọc. Chữ lễ theo nghĩa tốt đẹp của đạo Nho bị tầm thường hóa, biến thành sợi dây ràng buộc và che giấu cho sự trì trệ.    
      Tình trạng này đến nay vẫn đang được tiếp tục và có lúc trở nên kỳ quặc quá quắt nữa.
      Một nền giáo dục tốt đẹp thường có những ông thầy lớn, niềm tự hào chủ yếu của họ là đào tạo được những học trò tài giỏi hơn mình. Chính là ở chỗ vượt thầy mà người đi sau thể hiện sự tôn trọng cao nhất đối với thầy, và tiến bộ xã hội nhờ đó mà được đẩy tới.
      Nhưng ở ta, khi vào dịp thân tình, tôi hỏi một vài giáo sư đầu ngành khoa học xã hội rằng ông có đào tạo được người học trò nào hơn mình không thì các ông đều lúng túng. Thông thường các ông cho rằng đòi hỏi như thế là quá cao, trước mắt phải chấp nhận hoàn cảnh Việt Nam đã.
      Câu chuyện khi tới chỗ ấy tôi đành lảng và lạy trời tha lỗi, mạo muội đoán thêm rằng trong thâm tâm, hình như vấn đề này không có trong đầu óc các vị nữa.
     Cũng như trong đầu óc các vị không hề có chuyện đương nhân bất nhượng ư sư!

4 nhận xét:

  1. Nhan Hồi là học trò giỏi nhất và cũng là người học trò được Đức Khổng Tử yêu quí nhất trong số các học trò của mình.
    Nhan Hồi nói: «Thuấn là ai? Ta là ai? Nếu ta cố gắng, ta cũng sánh vai được với Thuấn vậy!»

    Trả lờiXóa
  2. Làm thầy còn điều gì sung sướng, tự hào hơn khi có học trò hơn mình.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi ít kể, khoe về học trò của mình. Lúc 'rượu ơi ta đã say rồi', thì chỉ thấy 'lô nhô toàn những thiên tài', là bạn quanh chiếu. Chả biết thế nào? hay là không thấy đứa học trò nào hơn.
    Chào HG.

    Trả lờiXóa