Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Vô Kỵ giữa chúng ta hay là Hiện tượng Kim Dung (phần cuối)

ĐỖ LONG VÂN


Ba vị anh hùng trượng nghĩa, si tình: Kiều Phong, Đoàn Dự và Hư Trúc. 

Tiếp theo phần 3
VII. 

Giấc mộng thái bình ấy làm người ta ngạc nhiên trong một truyện võ hiệp. Nhưng có lẽ Kim Dung đã không sáng tạo ra một thứ võ hiệp mới như người ta đã tưởng. Ông sửa soạn đưa nó đến nơi yên nghỉ cuối cùng trong những cuộc sống tầm thường thi vị hoá. Ấy là sự kết thúc của một biến tính mà đã tới lúc ngưới ta có thể tóm tắt lại trong một cái nhìn tổng quát. 

Thoạt tiên có một sự suy đốn đã xảy ra. Của cái đạo lý truyền thống không còn gì hơn là những giáo điều. Sự nghiệt ngã của chúng làm người ta ghét bỏ. Sự hẹp hòi của chúng làm người ta chê cười, sự giả tạo của chúng làm người ta ghê tởm. Những cá nhân lớn nổi lên để vượt qua những giới hạn giả tạo của chúng. Ấy là thời của sự đại ly khai, anh hùng xuất hiện ở khắp nơi, mỗi người xưng bá một phương, lập ra một môn phái riêng, theo đuổi một lý tưởng riêng và sâu xé lẫn nhau. Sự thống nhất không còn nữa mà cũng không ai có đủ sức khuất phục cả võ lâm dưới uy quyền của họ. Kết quả là một cảnh phân hoá cùng cực. Những tiêu chuẩn đạo lý đều bị thủ tiêu. Tà và Chính sau cùng đều như nhau và những xung đột của võ lâm chẳng có nghĩa gì hơn những cuộc tương tàn của thú dữ. Ấy là thế giới của tự nhiên mà vật lực làm chủ, và cũng là thế giới của ảo tưởng. Người ta giết nhau cho những danh từ. Không ai thắng được ai. Nhưng trong cuộc xung đột không thể kết thúc ấy mọi ý nghĩa đều sa đoạ. Lý tưởng cũng viển vông như tham vọng. Người anh hùng giác ngộ sẽ tự phế võ công để đi tu. Không phải ngẫu nhiên mà ở chỗ cao nhất của võ lâm, Kim Dung lại để những đạo sĩ và những thiền sư mà ông thường mô tả như một cảnh thần tiên những ngày thất lạc vào một vùng đất vắng người ta may mắn thoát được những chuyện thị phi trong giang hồ. Người anh hùng của Kim Dung sẽ là người chống bạo động. Giặc đánh nhau ở đâu là họ nhảy vào để can gián. Ấy là cái đam mê của họ. Xúng xính trong bộ áo thư sinh, một Đoàn Dự, tuy chẳng biết tí võ công nào, cũng mang đạo lý thánh hiền ra khuyên mọi người buông khí giới. Xa hơn nũa thì Không Kiến thiền sư sẽ đem mình ra để cứu Thành Khôn khỏi cơn giận của Tạ Tốn; và A Chu, để khỏi thấy những người thân yêu của mình giết lẫn nhau, đành chịu chết dưới chưởng của Kiều Phong. Lẽ dĩ nhiên người ta cũng phải kể đến Vô Kỵ. Như tất cả những anh hùng của võ hiệp Vô Kỵ đã mang từ nhỏ ý chí trả thù cho cha mẹ chàng mà chàng đã thấy ngay dưới mắt những người tự xưng là của Chính giáo bức tử. Khác là cái thù ấy chàng lại quên ngay đi. Có lẽ tại trúng trọng thương ngay từ lúc đầu tiên vào võ lâm chàng đã sống thường trực trong sự trông chờ cái chết và chẳng có mấy thì giờ để nghĩ đến trả thù. Hơn thế nữa thì trên đường lưu vong chàng đã thấy và đã phải chịu quá nhiều lừa đảo, bất công, oan uổng để cái chết của cha mẹ chàng còn có một ý nghĩa nặng nề giữa cái ác nghiệt mêng mông như biển của giang hồ. Người đời lên án mẹ chàng như một nữ ma đầu, nhưng cha chàng là người của truyền thống nghĩa hiệp và đứa con cua mối tình trái đạo ấy như mang sẵn trong người những xung đột đang xâu xé võ lâm. Trong tâm hồn chàng vừa là người của Tà môn vừa là người của Chính giáo. Cái lưỡng tính ấy tuy nhiên như cái tên Vô Kỵ mà Tạ Tốn đã tặng chàng khi mới ra đời, cái lưỡng tính ấy cho phép chàng nhìn tất cả dưới con mắt không thành kiến, không sợ hãi, và vô tư của trẻ thơ. Tất cả những môn phái chàng đều coi như nhau và một khi đã nhận bạo động như một định đề của đời sống võ lâm, ai chàng cũng thấy đáng yêu, đáng trọng và đầy nghĩa khí. Những xung đột giữa họ chàng thấy là một điều khó hiểu, vô lý và đau lòng. Nhưng cũng vì đã sống sự xung đột ấy như một xung đột giữa mình với mình mà chàng có thể vượt nó để giải hoà võ lâm. Cho nên thực hiện được sự giải hoà ấy không phải là những lý thuyết suông của Đoàn Dự mà là Vô Kỵ, khi trên Quang Minh Đỉnh, chàng đứng ra lấy mạng mình đổi lấy mạng của những người của Minh giáo đang bị chúng anh hùng uy hiếp. Vô Kỵ đã thành công, không những chàng đã giải hoà các môn phái mà sau cùng lại đoàn kết họ trong công trình giải phóng võ lâm. Nhưng sự đoàn kết ấy cũng chỉ bắt đầu từ sau khi người ta đã xô sự xung đột tới cái độ cao nhất của nó. Và sự ngược đời là nó đã được thực hiện từ những nhân vật mà cả võ lâm đều nguyền rủa. Ấy là tại khác hẳn những truyện võ hiệp cổ điển trong ấy Tà đạo chỉ có một ý nghĩa tiêu cực của một cái gì trái với Chính nghĩa thì trong Kim Dung, Tà và Chính chỉ là hai mặt của một thực tại duy nhất như sai lầm là mặt trái của chân lý. 

Truyện Kim Dung dẫn người ta từ một sụp đổ đến một trật tự mới. Ấy là truyện của một cuộc giao thời: thời của phiêu lưu, của sáng tạo, của khám phá, nhưng cũng là thời của nghi vấn, của bất trắc, của lưu vong, thời của mâu thuẫn, của xung đột và của sự bùng nổ của tất cả những năng lực cá nhân. Kì vọng của Kim Dung là cái trật tự mới sẽ duy trì trong nó tất cả những chinh phục của giai đoạn tổng ly khai và thực hiện sự thống nhất võ lâm trong sự tương kết giữa mọi khác biệt. người ta hiểu tại sao Kim Dung đã lấy Minh giáo làm dụng cụ cho sự tương kết ấy. Tại Minh giáo – cũng gọi là Mani giáo – chính là một chi nhánh của cái truyền thống lưỡng nguyên mà gốc ở Ba Tư và chủ trương Tà và Chính là những nguyên lý căn bản muôn đời cùng có và cùng xung đột nhau của thế giới. Một chủ trương như thế không thể nào không dẫn đến một chính sách độc tôn. Nhưng sang Trung Hoa, trở nên một thiểu số và môn phái bị truy bức, đương nhiên là minh giáo, trong sự đảo lộn ấy của những vai trò, khi nó tập trung tất cả những môn phái chống lại mình, sẽ là một cơ hội để biến sự xung đột giữa Tà và Chính ra một thế đồng minh và tương đối hoá những tiêu chuẩn cổ truyền của đạo lý võ lâm. Cái người ta gọi là tội ác khi ấy lại xuất hiện như một cách độ thế, sự lưu vong như con đường về tổ quốc, sự ly khai như một cơ hội cho thống nhất. Không còn Tà và Chính nữa mà những vai trò khác nhau trong cái trật tự của thế giới, những mãnh lực tự nhiên mà sự trường tồn của toàn thể đòi hỏi sự tương kết. 

Cái nên thơ của trật tự mới là cái nên thơ của một cơ cấu. Và người ta có thể coi truyện Kim Dung, khi nó tập trung trong một truyện kể vô cùng phức tạp không biết bao nhiêu định mệnh cá nhân mà chẳng định mệnh nào giống định mệnh nào là cái mẫu tương xứng của cái nên thơ ấy mà Kim Dung đề cao trong truyện ông: trong quan niệm Bách Khoa về võ học, trong tổ chức phức tạp của những môn phái lớn, trong mối tình của những nhân vật thuộc những trường phái đối lập: giữa Dương Tiêu và Kỉ Hiểu Phù, giữa Vô Kỵ và Triệu Minh, giữa Quách Tĩnh và Hoàng Dung, đứa con của sa mạc và đứa con của biển xanh. Và lẽ dĩ nhiên phải kể đến Vương Nạn Cô chuyên môn chế độc dược bỏ cho những nhân vật giang hồ để chồng nàng là Hồ Thanh Ngưu mang cái y học uyên thâm của mình ra cứu chữa. Nhưng thực hiện được sự tương kết giữa những đối cực ấy để trở thành nơi giao hội của tất cả những xu hướng của võ lâm, người ta hiểu tại sao không thể làm một nhân vật của một truyền thống nào sẵn có mà là một người như bất cứ ai, mình là ai không biết nhưng mà cái vô định tính giống như sự có thể và sự ngây thơ tựa hồ một trí thức uyên thâm. 

Sự tương kết ấy tuy nhiên, Kim Dung biết là rất mong manh. Những môn phái vừa mới thống nhất nhau thì ngay trong minh giáo sự khủng hoảng nội bộ đã bắt đầu: Vô Kỵ bị Chu Nguyên Chương loại và người ta thừa đoán rằng những cuộc thanh toán khác sẽ tiếp theo. Xung đột giữa người và người cũng phi lý như là không thể tránh được. Cho nên Tạ Tốn mới tự phế võ công để vào chùa đi tu, Vô Kỵ từ giã giang hồ để tô son cho người yêu và Đoàn Dự mới nhất quyết không chịu học võ công để chọn cái đẹp làm tôn giáo duy nhất. Truyện Thiên Long bát bộ có lẽ là truyện võ hiệp hay nhất được viết từ xưa đến giờ. Nhưng trong truyện ấy cám dỗ của võ công là của một kiến thức thuần tuý, và bắt đầu trong cảnh tưng bừng của thần thoại nó kết thúc giữa một cảnh sụp đổ lâm ly: Kiều Phong chết, Mộ Dung điên và Cưu Ma Trí, sau một đời khổ luyện, đành chịu mất hết võ công để tiếp tục cuộc đời của một tu sĩ tầm thường. Tình yêu trở nên một cuộc chạy đuổi: Đoàn Dự yêu Vương Ngọc Yến, Vương Ngọc Yến lại yêu Mộ Dung vÀ Mộ Dung lại đắm mình trong giấc mơ phục quốc. Cũng như thế trong khi Du Thản Chi yêu A Tỷ thí A Tỷ lại yêu Kiều Phong và Kiều Phong lại chỉ biết có kỉ niệm của A Chu. Ấy là không kể Đoàn Chính Thuần, sau khi đã yêu và được không biết bao nhiêu người yêu lại, rốt cuộc lại để ngần ấy mối tình dang dở và trước khi chết mới khám phá rằng đứa con duy nhất của ông cũng không thực là của ông và đành ngồi bó tay nhìn người ta lần lượt hạ sát tất cả nhữg người yêu của mình. Người yêu giết người yêu, đồng bạn giết đồng bạn, tham vọng và ân ái, tất cả đều tan ra mây khói. Người anh hùng Kim Dung (và ấy là điểm làm chàng vượt lên trên những thứ cảnh sát không lương của truyện võ hiệp cổ điển) thường có những hoài bão lớn, và đôi khi định mệnh của chàng có kích thước của một đế quốc. Nhưng còn gì của tham vọng của Thiết Mộc Chân trong cơn mê sảng của Mộ Dung? Sự tan vỡ của những ảo tưởng rực rỡ là đề tài của Thiên Long bát bộ: từ nhan sắc thần tiên của Vương Ngoc Yến đến uy danh lừng lẫy của Mộ Dung Phục, tất cả đều dẫn đến nụ cười gằn của một thực tại nham nhở và tầm thường. Pho tượng ngọc dưới đáy hồ ở sau núi Vô Lượng mà người ta trông chờ như cái chìa khoá của tất cả những nghi vấn của truyện sau cùng vẫn giữ nguyên cái bí mật của nó và từ khuyết điểm ấy cơ cấu ly tâm của truyện lại xuất hiện rõ ràng.


Hai cô Mai kiếm và Trúc kiếm 

Trong sự xung đột giữa con người và thế giới, sự thắng trận sau cùng trong Kim Dung bao giờ cũng thuộc về thế giới. Thế giới sẽ thường xuyên vượt khỏi vòng tay ôm của con người. Con người Kim Dung đã biết tất cả những cám dỗ: của đạo lý nghiêm khắc, của ý chí thống trị, của tinh thần cứu rỗi. Tiếng gọi lớn nhất tuy nhiên sẽ là tiếng gọi của cuộc đời xuất thế nghĩa là của sự trở về. Khi xét đến võ học trong Kim Dung người ta thấy rằng ông rất ngờ vực trí năng và sức sáng tạo của con người. Ấy theo ông là mầm của mọi ly tán. Cho nên không có gì lạ nếu sau cùng, mặc dầu tính chất lãng mạn, một Vô Kỵ sẽ kết thúc những phiêu lưu của mình như Candide của Voltaire. Sự thất bại ấy của người anh hùng thật là quá êm đềm để không có vẻ khả nghi. Nhưng người ta hiểu rằng trong Kim Dung cái lãng mạn chỉ có một giá trị giai đoạn: ông đã lấy cái mênh mông của thế giới để thoái chí anh hùng, lấy một nhân loại đa sắc ra làm đảo lộn những ý nghĩa đạo lý, lấy cảm động làm ý thức suy vong, lấy ngây ngô chống lại tài mưu trí, nói tóm lại lấy tự nhiên chống lại cái nhân văn, và kết quả là sự thất bại của người anh hùng trước cuộc đời như thế. Hơn ai hết Kim Dung đã biết làm sống lại trong tiểu thuyết, ở một thời mà tiểu thuyết đã mất hết tiểu thuyết tính để chỉ còn là những cơ hội cho những luận án triết lý, một không khí lãng mạn dễ làm người ta say mê. Nhưng người ta không thể hiểu lầm. Như tất cả những nhà văn vượt bậc, cái gì ông đã lên án thì ông mô tả lại càng tài tình. Có lẽ tại nó là phần xấu xa nhất trong người ông? 

VIII. 

Truyện Kim Dung lưu ý người ta trên hơn một quan điểm. Như một tài liệu văn học, nó làm chứng cho sự chuyển mình của một thứ văn cổ truyền là văn võ hiệp. Một thế giới của những ý nghĩa rõ ràng chuyển mình sang một nghi vấn của nghi vấn. Tất cả cũng chuyển mình theo cách kể chuyện, cách giàn cảnh, cách cấu tạo nhân vật. Ngay quan niệm võ học, như người ta thấy, cũng đã chịu ảnh hưởng sâu xa. Tham vọng duy nhất trong bài này là trình bày sự mạch lạc của sự chuyển mình ấy, theo một giả thuyết mà giờ ai cũng đã thừa nhận, là một văn thể không phải là một cái bình rỗng có thể chứa bất cứ một thứ nội dung nào mà tự nó đã là một cách tổ chức thế giới để cho thế giới nghĩa cũng như dụng cụ của người sưu tầm đã bao hàm những kết quả có thể của sự sưu tầm của ông. Như ngôn ngữ người ta dùng đã quy định trước những tư tưởng người ta có thể có. Kỹ thuật không vô tội. Ấy là điều những kỹ thuật gia chưa chịu thừa nhận. Người làm văn tuy nhiên đã biết thế từ lâu. Một văn thể là một hệ thống diễn tả mà tất cả những yếu tố gắn liền nhau trong một thế giới tương biến, nghĩa là người ta không thể biến đổi một yếu tố mà không làm những yếu tố khác cùng biến đổi theo trong một chiều. Trở lại Kim Dung, và để tóm tắt câu chuyện trong một câu, người ta có thể mượn ý của Georg Lukács để nói rằng ông đã mang truyện võ hiệp từ thể anh hùng ca sang thể tiểu thuyết. 

Của anh hùng ca, truyện võ hiệp cổ điển, ngoài cái nhân loại anh hùng, có những ý nghĩa cố định, cái cơ cấu đường thẳng, cái trình bày ngoại tại, nói tóm lại, một thế giới rõ ràng trong ấy không có gì xảy ra mà người ta không thể đoán trước là sẽ kết thúc ra sao. Nhưng sự bất trắc, sự bất ngờ, sự trông chờ là cái thú của tiểu thuyết. Lẽ dĩ nhiên tiểu thuyết không phải chỉ có thế và người ta có thể cho rằng Kim Dung không là một tiểu thuyết gia mà một người kể chuyện tài tình. Nhận xét ấy không phải là không có lý: càng ngày ông càng làm chủ nghệ thuật của mình thì người ta thấy nhân vật ông càng trở nên sơ sài như không có một trọng lực nào hơn là những con tốt trong một thế cờ cực kỳ biến hoá mà sự giải quyết chỉ còn là một thứ trí thức thanh cao. Nhưng làm sao phủ nhận được rằng, ngoài những cám dỗ thông thường của phiêu lưu, Kim Dung, ở khắp nơi trong truyện ông, đã mang lại một sức sáng tạo tâm lý mà văn võ hiệp chưa từng thấy. Cái tâm lý phức tạp ấy, sự bất trắc ấy, những xung đột ở bên kia đạo lý ấy là tiểu thuyết. Người ta đã đón tiếp những đặc tính ấy của truyện Kim Dung như là một cái gì thật mới. Nhưng cái mới của Kim Dung là đã làm mới lại tiểu thuyết tính bằng cách đưa nó vào văn võ hiệp. Tại tiểu thuyết nếu người ta có thể định nghĩa thứ văn không biên giới ấy, đã bắt đầu, khi, những ý nghĩ cố định sụp đổ, thế giới trở nên một huyền bí, con người, không còn là một vai trò mà phải tự làm ra mình, giác ngộ mình như một cá nhân mà định mệnh thường xuyên bị nghi vấn hoá. 

Người ta biết rằng tiểu thuyết bắt đầu khi, tiếp theo sự phát triển của thương mại và của kỹ nghệ nghĩa là của văn minh thành phố, cuộc đời, hết bị quy định bởi những giáo điều và những nghi lễ truyền thống của xã hội nông nghiệp, xô cá nhân vào một thế giới của nghi vấn, của phiêu lưu và của sự tranh sống. Sự bùng nổ của tiểu thuyết tính trong Kim Dung có lẽ cũng phản ảnh một xu hướng tương tự trong xã hội đương thời cùa chúng ta. Nhưng sự mở mang của những thành phố của chúng ta đã không phải là một sự kiện phát triển từ trong ra mà đã diễn tiến theo những kế hoạch và với tài nguyên của Tư Bản Quốc Tế, để phụng sự cho quyền lợi của họ. Nhất là cái tư bản ấy lại là thứ tư bản độc quyền mà ưu tư tiên quyết là tập trung, tổ chức và kế hoạch. Ấy là một lý do người ta có thể tạm lấy để giải thích tại sao trong Kim Dung giai đoạn anh hùng lại quá ngắn và sự nổi loạn lãng mạn tại truyện sao lại sớm bị thâu hồi trong trật tự. Cách tổ chức theo kiểu truyện trinh thám của truyện ông cũng đủ cho người ta thấy rằng xã hội tiêu thụ trong những truyện ấy không phải là một xã hội sống trong sự sợ ngày mai. Nếu tôi không lầm thì truyện trinh thám đã ra đời dưới thời Nữ Hoàng Victoria, ở giai đoạn phát triển tối đa của đế quốc Anh. Khi truyện Kim Dung bắt đầu thì thời của sáng tạo đã hết và những cá nhân lớn như Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư, Tạ Tốn v.v… chỉ còn là những tiền bối đã trở về già để lại sân khấu võ lâm cho những thiếu niên ngu ngốc, giằng co giữa Tà và Chính, cố vá víu lại một di sản tan hoang. 

Xung đột giữa Tà và Chính ấy có lẽ đã diễn tả mâu thuẫn chính yếu trong những xã hội còn ở tình trạng bán thuộc địa như xã hội chúng ta. Một đằng thì xã hội ấy, mà những điều kiện lịch sử không cho phép sự trở thành của một giai cấp tư sản đủ sức tự lập, trong chừng nào nền kinh tế của họ còn thiết yếu dựa trên sự tự do doanh thương, thì dường như khó tránh được một sự phụ thuộc chặt chẽ vào cái tổ chức liên lục địa của tư bản chế, và một đằng khác cũng không thể để sự phụ thuộc ấy trở nên một sự lệ thuộc mới, người ta thấy họ thường xuyên phải duy trì áp lực của một ý thức hệ quốc gia cực đoan. Ấy là một điều dễ hiểu. Nhưng tai hoạ bắt đầu khi ý thức hệ ấy lại trở nên một dụng cụ để đàn áp những thành phần khác của xã hội và dưới những nhãn hiệu khác nhau người ta gọi là phi dân tộc và để biến những thành phần khác thành những dụng cụ để bảo vệ chính cái phi dân tộc của chế độ tư bản. Những mâu thuẫn cam go ấy mà sự can thiệp võ trang của người ngoại quốc lại gia tăng gấp bội, chúng ta thường tự hỏi là chúng sẽ dẫn chúng ta tới đâu. Nhưng có những xã hội sống bằng sự nhất trí thì cũng có những xã hội dựa trên sự mâu thuẫn của nó để trường tồn. Sự mai mỉa là tất cả xảy ra như trên sự đổ vỡ của quê hương, những mâu thuẫn của chúng ta càng ngày càng làm chúng ta trở nên phì nộn. Cho nên không có gì lạ nếu sau cùng Tà và Chính, Thiện và Ác, Phúc và Hoạ, Kim Dung sẽ coi như Âm và Dương nghĩa là sức mạnh của tự nhiên có khi thuận và có khi nghịch, nhưng không thể tách khỏi nhau đều cần thiết cho sự tiến hoá như chiến tranh thuộc địa cần thiết cho sự phồn thịnh của thương mại. 

Xu hướng tư tưởng Kim Dung là một cố gắng để trả lại cho tự nhiên những xung đột giữa người và người. Ấy là một điểm tiến bộ. Tại chỉ trong chừng nào thế giới hết bị chế ngự bởi những cái thiêng liêng thì con người mới tìm thấy tự do và sức sáng tạo của mình. Nhưng cũng không phải ngẫu nhiên mà những xu hướng tư tưởng như thế, từ Thái hoà luận của Leibnitz đến gần chúng ta hơn, Cơ cấu luận của Claude Lévi-Strauss, thường xuất hiện ở những thời mà sự bành trướng của Tây phương đã mang lại cho nhân loại không biết bao nhiêu là đau khổ. 

Hai trăm năm trước, Voltaire, ở thời đang lên của tư bản, đã từ chối những lý thuyết cho rằng ác nghiệp ở trên đời là một phần cần thiết cho sự quân bình của toàn thể và ông đã trở nên một chiến sĩ tiền phong trong cuộc tranh đấu chống lại những giáo điều mà, trong quan niệm của người thời ấy ông cho là một cản trở của tiến bộ và sự thực đã gây ra không biết bao nhiêu xung đột đẫm máu. Người ta cũng nhớ rằng Marx muốn thủ tiêu những mâu thuẫn xã hội ngay trong nguyên nhân của chúng là những tương quan sản xuất, và thế, bằng một cuộc cánh mạng bởi và cho quần chúng vô sản. Nhưng thời đại này là của quần chúng bị đóng khuôn và của những mâu thuẫn có tổ chức. Cho nên người ta không ngạc nhiên nếu Kim Dung không nhìn thấy một tổ hợp mới và chủ trương một đạo lý xuất thế và của sự từ bi. Hình như ông cho rằng ác nghiệt ở trên đời là một phần đã được dự trù sẵn trong trật tự của tự nhiên. Nhưng trên phương diện cá nhân thì ông nghĩ rằng ác nghiệt ấy không hẳn là không chữa được như Vô Kỵ đã chữa cho Vi Nhất Tiếu khỏi cái bệnh hút máu người đã làm cho con người nghĩa hiệp mang tiếng ấy là một đại ma đầu của võ lâm. Y học trong Kim Dung giữ một phần quan trọng và Vô Kỵ cũng là thầy thuốc. Cũng như thế, người ta thấy rằng tác phong cổ quái của nhân vật trong truyện ông không bao giờ có tính cách như không mà trái lại ông thường cho nó một nguyên nhân trong tiểu sử của họ. 

Cái đạo lý Thuỵ Sĩ ấy không phải là không cao quý. Người ta có thể chê nó là đạo lý của một người ngoài cuộc. Ấy tuy nhiên là một điều dễ hiểu nếu người ta nhớ rằng Kim Dung là một nhà văn ăn khách nhất của cái vùng mà một đồng bào danh tiếng của ông đã gọi là vùng bão tố. Nhưng ở thời đại của những nhà cách mạng có giấy phép, khi những anh hùng có thể sản xuất từng loạt như xe Ford, khi để cứu những trẻ con nghèo đang chết đói ở những vùng chậm tiến, người ta thấy rằng cái việc đầu tiên là phải thiêu huỷ đồng ruộng của họ thì ai biết đâu nó đã chẳng là sự trung thực cuối cùng của người làm văn? Người làm văn vào đời như xướng ca. Nhưng thế giới từ nghìn xưa vẫn thuộc những người có khí giới và những người có của. Ngôn ngữ cũng của họ. Thì làm văn nghĩa gì hơn là đã xin vâng lời? “Xin vâng lời, nhưng mà”. Cái “nhưng mà”, theo Roland Barthes, có thể tóm tắt thái độ của Kafka trước cuộc đời. Cũng chính vì nó mà vẫn có người đang chết. 

Nguồn: Nxb Trình Bầy. Ban chủ trương: Diễm Châu, Trịnh Viết Đức, Lê Văn Hảo, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Khắc Ngữ, Thế Nguyên, Trần Tuấn Nhậm, Nguyễn Văn Trung, Thảo Trường, Đỗ Long Vân. Thư từ và tác phẩm xin gửi cho: Ô. Thế Nguyên, 80/80 Trần Quang Diệu, Sài Gòn. Phát hành tại: Quán sách số 34 (Trước cửa Pharmacie Diệu Tâm), 117, Lê Lợi, Sài Gòn. In xong ngày 24-12-1967 tại nhà in Trình Bầy, 291 Lý Thái Tổ, Sài Gòn. Ngoài những bản thường còn in thêm 40 bản đặc biệt, không bán, trong đó hai mươi bản đánh số từ Đ.L.V I đến Đ.L.V XX và hai mươi bản từ T.B. I đến T.B. XX. Copyright by Đỗ Long Vân, 1967. Bản điện tử do talawas thực hiện.
-------------------------
Bài liên quan: 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét