Huyền
đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ tư bên phải tượng trưng cho sự huyền kỳ
THỐC THU
Thốc Thu,
tục danh chim ông già, lại gọi là chim đang sen (47),
khoảng đầu triều Minh Mạng lại ban cho nó cái tên là thọ nhi điểu; cũng
gọi là chim phù lão, là chim xi lão, nó là một
trong những giống chim lớn của loài thủy điểu. Do đặc tính, nó thường sinh sống
nhiều ở chỗ đầm hồ rộng, vùng nước có nhiều cây ngập lúp xúp của phương Nam.
hình dáng chim thốc thu giống chim hạc mà lớn hơn chim hạc, sắc xanh biếc, cổ
dài, mắt đỏ, đầu trọc không có lông, mỏ dẹp mà thẳng, dài hơn một thước. Phàm
các giống chim khác cứ đến mùa thu thì đổi lông thành trọc đầu, duy giống chim
thốc thu đầu luôn trụi lông trông như ông già, lại trông giống như hình cái đầu
gậy của ông già, cho nên người ta mới gọi các tên như thế. Kinh
Thi có câu: “Hữu thu tại lương”, nghĩa là có con chim
thu ở ngoài đập nước, tức là chim này. Theo các nhà Đông y, thịt của chim thốc
thu nếu đem nướng chả làm món ăn rất bổ, nhiều dinh dưỡng, dùng hợp với tất cả
các cơ địa, tuổi tác, lại chữa được bệnh hay rụng tóc, chống trắng tóc, lông
của chim thốc thu dùng bào chế thuốc có công dụng giải được độc thủy trùng
(nhất là các trùng độc ở dưới nước).
Năm Minh
Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng chim ông già vào
Huyền đỉnh.
Ngày nay,
người ta thấy giống chim thốc thu sinh sống nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Nam
Bộ; vùng chiêm trũng châu thổ Bắc Bộ; thỉnh thoảng người ta cũng thấy tràm chim
ở phía bắc phá Tam Giang tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có xuất hiện nhưng cá thể ít
hơn các nơi khác. Chúng sống đơn lẻ nhiều lắm cũng chỉ vài ba con một bầy.
Nhiều người dân ở vùng đầm phá bắt được nó nuôi chơi, buộc một sợi dây vào chân
thả cho đi quanh vườn nhà, để nó tự kiếm ăn, trông nó mệt mỏi “như ông già”
vậy. Thốc thu cũng là loại chim quí, rất cần được bảo vệ nòi giống.
(47). ĐNTLCB, Hà Nội xb, (1968), phiên hình này là núi Thúc Thu. Cuốn Từ
điển Ngôn ngữ Văn hóa Du lịch Huế xưa, Nxb Thuận Hóa (2005) cũng ghi hình này
là núi Thúc Thu. Nhưng ở đây là loài chim, thốc thu có nghĩa là chim ông già,
có người dịch là chim ông lão cũng thế, nhưng không phải là ngọn núi.
SƠN MÃ
Sơn Mã, con
lộc mã, ngựa núi (48), theo hình chạm thì giống
ngựa này là con hươu, con hươu núi thân không cao to lắm, nhưng chạy rất nhanh;
đi núi dốc rất khỏe. Nó sống hợp với khí hậu tự nhiên ở vùng miền núi Tây Bắc
của Việt Nam, sinh sản rất nhanh và hợp thành bầy đàn lên đến vài chục con.
Sừng non,
thịt, da, xương sơn mã có thể dùng để bào chế làm thuốc chữa bệnh suy nhược,
yếu gân, bổ thận... Da sơn mã dùng cho ngành mỹ nghệ có giá trị rất cao.
(48).
ĐNTLCB, Sđd, phiên là con ngựa, ghi đúng là con lộc mã tức con hươu.
THAO HÀ
Thao Hà,
tức sông Thao, một khúc trên của sông Hồng, đoạn chảy vào tỉnh Phú
Thọ, bắt đầu từ xã Hậu Bổng, huyện Hạ Hòa đến Ngã ba Hạc xưa, nay thuộc Việt
Trì, dài khoảng 140 cây số. Sông có độ dốc lớn, dòng chảy quanh co khúc khuỷu,
hai bên có nhiều gò bãi và vật cản rất trở ngại cho việc thoát lũ, lại có những
đoạn thắt khúc như ghềnh Bà Triệu ở Lâm Thao, Chí Chủ ở Thanh Ba… nên chênh
lệch lưu lượng khá lớn, về mực nước cũng như về tổng lượng nước giữa mùa mưa và
mùa khô kiệt hàng năm. Sông Thao có lượng phù sa rất cao, đạt tới 7,660kg trong
một mét khối. Sông Thao đã đem lại sự trù mật cho vùng đất Việt cổ xưa.
MIÊN
Miên, tục
danh cây bông, có tên nữa là mộc khoáng. Cây bông có hai loại,
một loại tục gọi cây gòn, lại gọi cây gạo, tức
là mộc khoáng về loại mộc. Cây cao chừng 15 mét, có nhiều cây
cao hơn thế, cành mọc ngang với những gai hình nón, thân cũng có gai. Cành non
dài, không gai, lá sớm rụng, hoa đỏ, mọc nhiều trên những cành nhỏ trước khi ra
lá non. Quả hình thoi to như chén rượu, người ta ít hái lấy, tự nó nở bung theo
gió bay rớt, chỉ nhặt để độn chăn làm gối thôi. Theo các nhà y dược, trong vỏ
cây gạo có chất nhầy, thường được dùng làm thuốc để bó gãy xương, vỏ tươi giã
nát bó vào nơi gãy, sao vàng sắc đặc để uống hoặc chế dưới dạng cao lỏng làm
thuốc cầm máu tử cung, chữa bệnh lậu, thông tiểu. Một loại được gọi bông tàu,
tức là mộc khoáng về loại thảo. Bản thảo gọi tên là cổ
chung, là cát bối, đều dùng để dệt vải. Loại cây này
ngày trước vốn sinh sản nhiều ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, nay thì nơi nào
cũng có trồng, nhiều nhất là ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng.
Sách Quần phương phả nói: mộc khoáng mùa xuân trồng hột, hoa
vàng như hoa thu quỳ, quả có ba khía, tua tủa như quả đào, khi chín thì quả nở
bung vỏ ngoài mà lòi xơ bông ra, dùng độn áo rất nhẹ và ấm. Hột như hạt châu,
có thể cho ta sợi để dệt vải, xay nát đánh dầu, bã dầu có thể làm phân bón đồng
ruộng. Lõi hột rất cứng, chịu được lửa; lá cây bông cho trâu bò ăn, công dụng
rất rộng. Hoa của nó thường nở vào tháng 2 tháng 3 âm lịch. Nhà thuốc Đông y
lấy vỏ, rễ của nó sao vàng, ban đêm hạ thổ, rồi phơi khô, dùng làm thuốc điều
kinh; là loại thuốc có tác dụng làm co bóp tử cung giống như sự co bóp tự nhiên
của người phụ nữ khi đẻ. Trong hột của nó có thể chế biệt dược gây lợi sữa; lại
có thể dùng để ép lấy dầu thắp và nấu xà phòng... Hột bông có chứa nhiều sinh
tố E, và chất độc nhẹ nhưng rất ít.
Năm Minh
Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho khắc hình tượng cây bông vào Huyền
đỉnh.
Ngày trước,
mỗi thôn quê Việt Nam đều thường có trồng vài ba cây bông gạo ở đầu làng, trong
các sân đình, hay các bến đò ngang. Năm tháng tuổi thơ nhiều người thường gắn
bó sâu nặng với nó, đến lúc xa quê mang theo bao nỗi nhớ, mỗi khi gặp hoa gạo
đâu đó nở bay theo gió người ta lại nôn nao nhớ bóng dáng quê nhà. Cây gạo đầu
làng mình lại nở hoa!
(hết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét