HỒI 15.
Tan cửa nát nhà
Một hôm Nguyệt nương trong lòng không
vui, đang ngồi trong phòng thì Bình An vào thưa:
– Gia gia đã về.
Tây Môn Khánh bước vào cởi áo ngoài rồi
ngồi xuống. Tiểu Ngọc đem trà lại nhưng Tây Môn Khánh không uống. Nguyệt nương
để ý thấy sắc mặt chồng không được bình thường bèn hỏi:
– Sao chàng về sớm vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
– Hôm nay Thường nhị ca mời chúng tôi
ra ngoại thành, tới chùa Vĩnh Phúc chơi, có cả Ứng nhị ca và Hoa nhị ca. Sau đó
chúng tôi trở về nhà nàng Trịnh Ái Hương uống rượu. Đang vui vẻ thì tự nhiên có
trát trên huyện tới bắt Hoa nhị ca. Chúng tôi lo sợ mà chia tay. Riêng tôi tới
nhà Lý Quế Thư để nhờ người hỏi tin tức, mãi sau mới được biết là Hoa nhị ca bị
một người ở phủ Khai Phong thuộc Đông Kinh làm đơn tố cáo về chuyện tài sản gì
đó. Biết tin tức xong thì tôi về nhà.
Nguyệt nương bảo:
– Về nhà là phải, đừng dính dấp gì tới
chuyện người khác. Chàng cứ bỏ nhà theo đòi chúng bạn, thế nào cũng có lần bị
lôi thôi cho mà xem. Tôi nói nhiều rồi mà chàng chẳng chịu nghe, đến khi có
chuyện gì xảy ra thì lại hối không kịp. Giá mà mấy con dâm phụ ở chốn yên hoa
nói gì thì chàng nghe theo răm rắp. Thật là bụt chùa nhà không thiêng mà.
Tây Môn Khánh cười bảo:
– Có gì mà lôi thôi, ai cả gan dám lôi
thôi với tôi?
Nguyệt nương cười bảo:
– Chỉ được cái ngồi nhà nói mẽ, bộ
quên chuyện tên Võ Tòng rồi sao?
Đang nói thì Đại An vào thưa:
– Hoa nhị nương sai Thiên Phúc sang mời
gia gia qua có chuyện cần thưa.
Tây Môn Khánh vội khoác áo bước ra.
Nguyệt nương dặn theo:
– Về ngay chứ đừng có đi đâu đấy nhé.
Tây Môn Khánh quay lại bảo:
– Chỗ hàng xóm, người ta có chuyện thì
mình phải qua xem chuyện gì, chứ đi đâu bây giờ.
Nói xong rảo bước sang nhà họ Hoa. Gia
nhân mời vào phòng khách. Lát sau Bình Nhi xiêm áo xốc xếch, mặt biếng điểm
trang bước ra quỳ trước mặt Tây Môn Khánh mà nói:
– Hàng xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn
có nhau, xin quan nhân giúp cho. Chồng tôi không chịu lo lắng chuyện nhà, suốt
ngày chỉ rong chơi cùng bạn bè, bây giờ bị người ta làm hại, gây nên cơ sự thế
này. Vụ này còn rắc rối gấp vạn lần vụ lôi thôi với Từ Đại quan trước đây. Vừa
rồi có sai gia nhân về nhà bảo tôi phải tìm người cứu giúp. Tôi là đàn bà, có
quen biết ai, ngoài quan nhân ra, tôi còn nhờ ai được nữa, mà chuyện thì lôi
thôi đâu tận ở Đông Kinh. Bây giờ nhờ quan nhân quen biết ai, xin lo liệu giùm
cho, ơn này tôi không bao giờ dám quên, còn tiền bạc thì tốn kém thế nào tôi
cũng xin chịu.
Tây Môn Khánh vội đỡ Bình Nhi dậy mà bảo:
– Xin tẩu tẩu đứng dậy, chuyện này
chưa đến nỗi nào, tuy nhiên tôi cũng chưa được rõ đầu đuôi cho lắm.
Bình Nhi đứng dậy nói:
– Chuyện cũng dài dòng lắm. Nguyên là
chú của chồng tôi, có bốn người cháu. Người lớn là Hoa Tử Do, người thứ ba là
Hoa Tử Quang, người thứ tư là Hoa Tử Hoa, chồng tôi là cháu thứ nhì. Sau khi ở
Quảng Nam về thì ông cụ tin tôi nên giao hết tiền bạc của cải cho tôi. Mấy người
chú kia vẫn thường ghen ghét vợ chồng tôi. Năm ngoái ông cụ nằm xuống thì gia sản
đã được chia cho mấy người kia rồi, chỉ còn một ít tiền của là chưa chia mà
thôi. Tôi vẫn nói là nhiều ít gì cứ chia cho họ là xong. Vậy mà chồng tôi cứ lần
lữa, rồi chỉ mải mê ăn chơi với chúng bạn, bây giờ để xảy ra chuyện thưa kiện
lôi thôi như thế này thì có khổ không cơ chứ.
Nói xong thì khóc. Tây Môn Khánh bảo:
– Xin tẩu tẩu cứ yên tâm, tôi cứ tưởng
chuyện gì, chứ chuyện kiện cáo về gia tài giữa anh em trong nhà thì không có gì
đáng lo. Bây giờ thì việc của nhị ca cũng như việc của tôi, tẩu tẩu để tôi ráng
sức lo liệu.
Bình Nhi lau nước mắt hỏi:
– Nếu được như vậy thì còn gì bằng,
nhưng quan nhân cần lễ vật tiền bạc như thế nào, xin nói trước để tôi còn chuẩn
bị.
Tây Môn Khánh bảo:
– Chắc cũng không quá nhiều đâu. Nghe
nói vị Phụ doãn phủ Khai Phong người họ Dương, là môn sinh của Thái sư. Thái sư
và thân gia của tôi là Dương Đề đốc hiện là đại thần có uy tín trong triều, nhờ
hai vị đó nói với Dương Phủ doãn thì chuyện gì chẳng xong. Bảy giờ thì chỉ cần
biện lễ vật cho Thái sư mà thôi, còn Dương Đề đốc là thân gia của tôi, chắc
không chịu nhận lễ vật đâu.
Bình Nhi nghe xong, quay vào trong mở
rương lấy ra ba ngàn lạng bạc tốt đưa cho Tây Môn Khánh để nhờ lo việc. Tây Môn
Khánh bảo:
– Gì mà nhiều thế này? Chỉ cần chừng một
ngàn lạng là được.
Bình Nhi bảo:
– Nhiều thì quan nhân cứ cầm lấy cho rộng
rãi. Tôi còn bốn rương vàng bạc châu báu, toàn những thứ vô cùng quý giá, tôi
đang định nói với quan nhân là cho tôi gửi nhờ bên quan nhân, để sau này lỡ có
chuyện gì, chồng tôi bị người ám hại thì tôi còn có chút đỉnh mà sống. Chứ bây
giờ tôi là đàn bà, trong nhà có những thứ đó, quả không đủ sức mà giữ, lỡ xảy
ra chuyện gì thì hối hận biết bao nhiêu.
Tây Môn Khánh cả mừng nhưng làm bộ ngần
ngại:
– Lỡ nhị ca về hỏi đến thì làm sao?
Bình Nhi đáp:
– Những rương vàng bạc châu báu đó là
do ông cụ giao riêng cho tôi giữ, chồng tôi hoàn toàn không biết. Xin Đại quan
nhân cho tôi gửi.
Tây Môn Khánh khấp khởi mừng thầm, bèn
nói:
– Nếu vậy thì để tôi về bảo gia nhân
sang khiêng.
Nói xong cáo từ. Về tới nhà, Tây Môn
Khánh kể lại hết cho Nguyệt nương nghe, hai vợ chồng bàn tính. Nguyệt nương bảo:
– Tiền bạc thì không thành vấn đề, nhưng
mấy rương vàng bạc châu báu, nếu cho gia nhân theo cổng trước khiêng vào nhà
thì tránh sao khỏi con mắt của đôi bên hàng xóm. Cho nên đợi đêm tối, chuyển
qua tường mà đem hết về là tốt hơn hết.
Tây Môn Khánh nghe xong mừng lắm, bèn
gọi các gia nhân thân tín là Đại An, Bình An, Lai Vượng và Lai Hưng tới dặn dò
kỹ lưỡng. Tối hôm đó, khi trăng bắt đầu mọc, bên kia tường, Lý Bình Nhi kê bàn,
cùng hai a hoàn khiêng các rương tới, chuyền qua tường. Bên này tường, Tây Môn
Khánh chỉ huy mấy gia nhân kẻ trên mặt tường, người dưới chân tường, chuyển các
rương đó vào phòng Nguyệt nương.
Sau đó, Tây Môn Khánh viết một bức thư
cho Dương Đề đốc, nhờ mọi việc, hôm sau sai Lai Bảo đem thư và lễ vật cùng rất
nhiều tiền bạc tới Đông Kinh. Dương Đề đốc được thư, bèn đem tiền đến nhờ Thái
sư viết cho Phủ doãn Khai Phong ít chữ. Phủ doãn Khai Phong họ Dương tên Thời,
người huyện Hoằng Nông, tỉnh Thiểm Tây, đậu tiến sĩ khoa Quý Mùi, mới đầu làm Đại
Lý Tự Khanh, sau làm Phủ doãn Phủ Khai Phong. Dương Thời là vị quan rất thanh liêm,
lúc nhận được thư của Thái sư và Dương Đề đốc thì có ý không bằng lòng, nhưng
nghĩ lại Thái sư vốn là thầy mình, mà Dương Đề đốc hiện là quyền thần nên đành
nghe theo.
Hôm sau Dương Phủ doãn đăng đường cho
giải Hoa Tử Hư ra cùng mọi người liên can tới vụ kiện, hỏi từng người về chuyện
gia tài. Hoa Tử Hư đã nhận được thư của Tây Môn Khánh nên cứ một mực khai rằng:
– Khi chú tôi quy tiên thì bao nhiêu bạc
mặt đem ra làm lễ an táng và cầu siêu hết. Gia sản thì sau đó chia cho họ hàng
hết, hiện chỉ còn lại ít nhà cửa đất đai mà thôi.
Dương Phủ doãn bảo:
– Chú ngươi xưa làm thái giám tức là một
chức nội quan, cho nên gia sản không thể nào biết chắc là có bao nhiêu. Vả lại
với chức đó, tiền bạc dễ đến mà cũng dễ đi. Nay ta phán rằng, còn mấy căn nhà
và ít ruộng đất của Hoa Thái giám ở huyện Thanh Hà, bây giờ đem bán hết đi, lấy
tiền chia đều cho ba người anh em của ngươi đây. Như vậy là xong.
Bọn Hoa Tử Do bước tới quỳ xuống thưa:
– Như vậy thì thiệt thòi cho chúng tôi
quá, bao nhiêu của cải, chú tôi đều giao cả cho nó.
Dương Phủ doãn đập bàn quát:
– Các ngươi đừng nhiều lời, muốn chia
gia tài, muốn kiện cáo, sao không làm từ trước, để bây giờ chuyện đã trở thành
dĩ vãng thì lại làm phiền chỗ công môn. Ta đã xử như vậy rồi, không còn thay đổi
gì nữa.
Nói xong tự thảo công văn sức về huyện
Thanh Hà, truyền bán nhà cửa ruộng đất của Hoa Thái giám để lấy tiền chia cho
ba người bên nguyên đơn. Còn Hoa Tử Hư thì được thả ra.
***
Lai Báo nghe tin xong, vội lên đường về
thưa lại với chủ. Tây Môn Khánh mừng lắm, sang báo tin cho Lý Bình Nhi biết.
Bình Nhi bàn với Tây Môn Khánh là lấy ra ít tiền để mua nhà khác mà ở vì nhà
này sẽ phải phát mại, rồi nói thêm:
– Sớm muộn gì tôi cũng là vợ chàng.
Tây Môn Khánh về nhà bàn với Nguyệt
nương là nên mua lại ngôi nhà hiện tại của Hoa Tử Hư, nhưng Nguyệt nương bảo:
– Làm vậy sợ Tử Hư sinh nghi.
Ít lâu sau, Hoa Tử Hư về tới nhà. Tri
huyện Thanh Hà thi hành bản án, giao cho Huyện thừa phát mại nhà cửa đất đai của
Hoa Thái giám. Ngôi nhà của Hoa Thái giám lúc trước được Vương Hoàng thân mua với
giá trị bảy trăm lạng. Ít ruộng đất ở ngoài thành thì được Chu Tú, một tay phú
hộ, mua lại với giá sáu trăm năm mươi lăm lạng. Nhà cửa đất đai khác đều có người
mua, chỉ riêng có ngôi nhà vợ chồng Hoa Tử Hư đang ở, vì ngay cạnh nhà Tây Môn
Khánh nên không ai muốn mua. Tử Hư mấy lần nài nỉ xin Tây Môn Khánh mua giùm,
nhưng Tây Môn Khánh nói là không có tiền, trong khi đó trên huyện giục bán cho
mau. Lý Bình Nhi cuống quá, phải ngầm sai người sang bảo Tây Môn Khánh cứ lấy bạc
trong rương ra mà mua. Tây Môn Khánh theo lời, mua với giá năm trăm bốn mươi lạng.
Tất cả tiền nhà đất đều được lập biên bản rồi chia đều cho ba người anh em của
Tử Hư.
Về phần Tử Hư, sau vụ thưa kiện này
thì không còn ruộng nương nhà cửa, sực nhớ tới số bạc ba ngàn lạng vẫn để trong
rương, tìm lại thì không còn, trong lòng vừa lo buồn, vừa tức giận, hỏi vợ thì
vợ nói là đưa cho Tây Môn Khánh lo liệu. Tử Hư bảo vợ sang tính toán lại với
Tây Môn Khánh xem chạy chọt hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu thì lấy về mua nhà
mà ở, nhưng Lý Bình Nhi nói:
– Chàng không chịu lo chuyện nhà, chỉ
suốt ngày rong chơi cùng bạn bè, tiêu phí biết bao nhiêu tiền bạc. Tới lúc thân
ở trong tù, sai người về bảo tôi phải tìm đủ cách nhờ người chạy chọt, tốn kém
bao nhiêu cũng chịu. Tôi đàn bà, hiểu gì về việc quan, quen biết ai mà nhờ cậy?
Cũng may là Tây Môn quan nhân nghĩ tình xóm giềng bè bạn, đứng ra lo liệu giùm
cho. Người ta phải sai gia nhân vượt đường đem thư tới Đông Kinh mà lo liệu, đến
bây giờ chàng mới thoát khỏi tù tội mà cũng cứu vãn được danh dự. Vậy mà ơn người
ta chưa trả đã nghĩ ngay tới chuyện tiền bạc. Số bạc ba ngàn lạng đó chính
chàng viết thư về bảo tôi lấy ra mà lo việc. Thư đó tôi còn giữ, nét chữ chàng
còn rành rành, chàng muốn tôi lấy ra đưa chàng coi lại hay không?
Tử Hư bảo:
– Đành rằng vậy, nhưng thế nào số ba
ngàn lạng đó cũng còn dư chút ít, mình nên hỏi xin lại để mua nhà mà ở chứ.
Bình Nhi xỉa xói:
– Ăn nói thế mà nghe được. Đây này,
chàng tưởng ba ngàn lạng là nhiều lắm hay sao? Việc của chàng là việc lớn nên
chạy thì phải chạy quan to, nào là tiền cho Thái sư, nào là tiền cho Dương Đề đốc,
nào là tiền cho Dương Phủ doãn, tiền cho nha lại các nơi, tiền cho người ta đi
đi, về về từ đây cho tới Đông Kinh, thôi thì trăm thứ tiền, làm sao mà dư được.
Vả lại chàng biết thế nào là dư với thiếu, mà có dư cũng không mặt mũi nào sang
đòi được. Bây giờ chỉ nên dọn tiệc mời người ta sang mà tạ ơn mới là phải lẽ.
Người ta có công cứu mình, bây giờ lại tới đòi lại tiền, thật không còn ra cái
giống gì nữa.
Tử Hư cứng miệng không nói được gì nữa.
Hôm sau, Tây Môn Khánh sai Đại An đem
lễ vật sang mừng Tử Hư tai qua nạn khỏi. Tử Hư cũng cho dọn tiệc rượu xuềnh
xoàng mời Tây Môn Khánh sang để tạ ơn. Trong bữa rượu, Tử Hư sẽ lựa lời hỏi về
số tiền còn thừa xin Tây Môn Khánh đưa lại mấy trăm lạng để mua nhà ở. Bình Nhi
không chịu, bèn sai a hoàn ngầm sang bảo Tây Môn Khánh đừng sang dự tiệc, mà chỉ
nên làm một con tính về các khoản chi tiêu lo lót, tính sao cho hết số ba ngàn
lạng rồi sai gia nhân đem sang cho Tử Hư.
Tử Hư không thấy Tây Môn Khánh sang thì sai gia nhân mấy lần sang mời. Tây Môn Khánh sai gia nhân đem tờ chiết tính sang rồi nói là chủ mình vắng nhà. Trong khi đó Tây Môn Khánh bỏ nhà tới xóm yên hoa cho qua ngày giờ. Tử Hư nhận được tờ chiết tính, lại thấy Tây Môn Khánh không chịu sang thì tức giận nghẹn lời. Cho hay một khi người đàn bà trong nhà đã thay dạ đổi lòng thì người chồng không còn cách gì cất đầu lên nổi. Vợ chồng lấy nhau là vì duyên số, nhưng bao giờ cũng phải đúng câu “phu xướng phụ tùy”[47], bao giờ chồng cũng phải chế ngự nổi vợ thì gia đình mới bền vững được. Sau đó Tử Hư gom góp được hơn hai trăm lạng, mua một căn nhà ở đường Sư Tử, dọn tới đó ở. Tử Hư buồn phiền uất ức rồi sinh bệnh, nằm liệt giường từ thượng tuần tháng mười một.
Mới đầu thì còn mời lang y tới chuẩn mạch
hốt thuốc, sau thì không có tiền thuốc thang, nên chỉ ít ngày sau thì từ trần.
Năm đó Tử Hư mới hai mươi bốn tuổi.
Lý Bình Nhi bèn sai người tới mời Tây
Môn Khánh, nhờ lo việc ma chay. Tây Môn Khánh sốt sắng lo đủ mọi thứ, từ việc gọi
người tẩm liệm, tới việc mời các vị tăng tới tụng kinh, cho tới khi đưa đám, nhất
nhất đều tốt đẹp. Đám anh em là họ hàng của Tử Hư cũng tới phúng điếu và đưa
đám.
Sau đó Lý Bình Nhi lập bàn thờ chồng tại
nhà, nhưng trong lòng lúc nào cũng chỉ tơ tưởng đến Tây Môn Khánh.
Tới ngày mồng năm tháng giêng năm sau, Bình Nhi dò hỏi biết đó là ngày sinh nhật của Kim Liên, bèn sai mua ít lễ vật rồi ngồi kiệu tới nhà Tây Môn Khánh, có lão bộc là Phùng ma ma và gia đinh là Thiên Phúc đi theo.
Tới nơi, trước hết Bình Nhi vào thăm
Nguyệt nương, lạy bốn lạy để gọi là tạ ơn đã lo liệu giúp việc ma chay, sau đó
xin mời các nàng thiếp của Tây Môn Khánh tới để được diện kiến. Mọi người tới
đông đủ, Nguyệt nương giới thiệu từng người, Bình Nhi chào hỏi rất chu đáo, Kim
Liên tới sau cùng, Nguyệt nương bảo:
– Đây là Ngũ nương.
Bình Nhi bước tới trước mặt Kim Liên
nói:
– Xin thư thư cho tôi được lạy mừng
chúc thọ.
Kim Liên không chịu. Đôi bên cứ giằng
co, cuối cùng Bình Nhi sụp xuống lạy, và Kim Liên cũng lạy trả đồng thời cảm ơn
về lễ vật đem tới. Bình Nhi đặc biệt ăn nói rất ngọt ngào lễ phép với Nguyệt
nương và Kim Liên, tự coi mình như em. Sau đó lại xin mời Tây Môn Khánh tới để
bái yết. Nhưng Nguyệt nương bảo:
– Gia gia tôi hôm nay tới miếu Ngọc
Hoàng để lễ cầu thọ cho Ngũ nương.
Đoạn gọi a hoàn đem trà ra mời uống. Mọi
người chuyện trò vui vẻ. Bình Nhi nhận xét thấy Tuyết Nga có vẻ nghèo nàn, ít đồ
trang sức nhất. Lát sau Nguyệt nương vào trong dặn a hoàn dọn tiệc.
Tiệc dọn lên, mọi người quây quần dự
tiệc. Nguyệt nương lại mời cả bà mợ của mình và mẹ của Kim Liên, hôm đó cũng có
mặt, tới cùng chung vui. Nguyệt nương và Lý Kiều Nhi chủ tọa. Ngọc Lâu ngồi đối
diện với Kim Liên. Tuyết Nga thì cứ đứng lên ngồi xuống vì còn phải chỉ huy bếp
núc. Bữa tiệc bắt đầu.
Nguyệt nương thấy Bình Nhi đang có
tang chồng mà không kiêng cữ gì, trái lại uống rượu rất nhiều, thì đích thân đứng
dậy rót rượu mời liền liền. Lại giục mọi người cùng uống nhiều cho vui, sau đó
nói:
– Lúc trước chị em gần nhau chạy qua
chạy lại, từ hồi Nhị nương dọn nhà đi xa thì chị em chúng tôi lúc nào cũng nhớ,
vậy mà Nhị nương chẳng hề tới thăm chúng tôi.
Ngọc Lâu nói:
– Nếu hôm nay không phải là sinh nhật
của Ngũ nương thì Nhị nương đâu có tới đây.
Bình Nhi nói:
– Đâu phải vậy, xin Đại nương và Tam
nương hiểu cho. Thứ nhất là tôi có tang, thứ nhì là nhà chẳng có ai, muốn đến lắm
mà chẳng biết làm sao. Nhân hôm qua mãn tuần bốn chín ngày, lại cũng nhân dịp
sinh nhật của Ngũ nương hôm nay nên mới tới được. Đoạn hỏi:
– Chẳng hay sinh nhật của Đại nương nhằm
ngày nào?
Nguyệt nương cười:
– Còn lâu lắm.
Kim Liên bảo:
– Sinh nhật của Đại nương đúng vào
ngày rằm tháng tám, bữa đó rảnh xin mời Nhị nương tới đây chơi.
Bình Nhi nói:
– Nhất định là tôi phải tới rồi.
Ngọc Lâu bảo:
– Đêm nay Nhị nương ở lại đây trò chuyện
với chị em chúng tôi đừng về nhà nữa, mai hãy về.
Bình Nhi nói:
– Tôi cũng muốn ở lại lắm, nhưng ngặt
là nhà rất neo người, từ khi nhà tôi thất lộc[48] tới giờ thì trong nhà lại càng vắng
vẻ. Mới dọn tới đó thì gặp cái tang nhà tôi nhà cửa trống trải chưa thu dọn được
gì cả. Gia nhân thì thằng Thiên Hỷ đã bỏ đi rồi, chỉ còn thằng Thiên Phúc, tôi
bây giờ chỉ còn trông cậy ở Phùng ma ma là người cũ của tôi, giúp đỡ tôi mọi việc,
và trò chuyện an ủi tôi những lúc buồn mà thôi.
Nguyệt nương hỏi:
– Phùng ma ma năm nay niên kỷ bao
nhiêu rồi, coi hiền lành thật thà quá.
Bình Nhi đáp:
– Phùng ma ma năm nay sáu mươi tuổi,
chẳng có mụn con nào, chỉ nhờ vào việc mai mối mà sống qua ngày.
Kim Liên bảo:
– Nếu ở nhà đã có Phùng ma ma thì Nhị
nương ở lại với chúng tôi một đêm, tưởng cũng không sao. Bây giờ gia đình thân
thuộc nhà họ Hoa không có ai ở đây, việc gì phải sợ mà giữ gìn quá như vậy?
Ngọc Lâu nói thêm:
– Nhị nương cứ nghe chúng tôi đi, bảo
Phùng ma ma lấy kiệu về coi nhà, còn Nhị nương thì ở lại đây với chúng tôi đêm
nay.
Bình Nhi chỉ cười không đáp. Rượu được
mấy tuần thì Phan bà đứng lên trước, xin phép ra phòng ngoài. Kim Liên cũng
theo mẹ. Trong này, mọi người ép Bình Nhi uống thêm rượu, Bình Nhi nói:
– Tôi không uống được nhiều, uống thế
này là quá lắm rồi.
Kiều Nhi bảo:
– Sao Đại nương và Tam nương mời thì
Nhị nương uống, mà đến lượt tôi mời thì Nhị nương lại từ chối vậy? Sao lại nhất
bên trọng nhất bên khinh như thế?
Nói xong rót rượu vào chung lớn mà mời.
Bình Nhi nói:
– Tôi quả không kham nổi nữa chứ không
phải cố ý từ chối đâu.
Nguyệt nương bảo:
– Thì Nhị nương cứ uống hết chung này
nữa rồi nghỉ.
Bình Nhi vâng dạ, nhưng cứ để chung rượu
trước mặt mà trò chuyện chứ không uống. Ngọc Lâu thấy Xuân Mai đứng hầu tiệc
thì hỏi:
– Nương nương của ngươi làm gì ở ngoài
ấy vậy? Ngươi mau ra mời cả Phan bà và nương nương của ngươi vào đây chứ.
Nói xong lại quay sang nhắc Nguyệt nương
thù tiếp Bình Nhi. Xuân Mai ra ngoài rồi trở vào thưa:
– Lão nương khó ở, hiện đã đi ngủ, Ngũ
nương cũng sắp trở vào.
Nguyệt nương bảo:
– Ngũ nương tính tình còn trẻ con quá,
hôm nay là sinh nhật của mình thì mình là chủ tiệc, vậy mà bỏ cả khách ngồi đây
rồi chạy đi đâu nữa không biết.
Nói xong thì thấy Kim Liên trang điểm
lộng lẫy bước vào.
Ngọc Lâu cười bảo:
– Bỏ khách ngồi đây rồi vào phòng
trang điểm lại phải không? Diện với ai ở đây vậy?
Kim Liên cười không đáp, chỉ bước tới
phát nhẹ lên vai Ngọc Lâu. Ngọc Lâu bảo:
– À à, giỏi thật, bây giờ có tới mời
rượu Nhị nương đây không?
Bình Nhi vội nói:
– Tôi vừa uống chung rượu lớn của Tam
nương đây không kham nổi nữa.
Kim Liên bảo:
– Đó là phần Tam nương, sao lại tính
vào phần của tôi. Để tôi mời Nhị nương một chung.
Nói xong rót một chung lớn hai tay
nâng lên đưa cho Bình Nhi. Bình Nhi tiếp lấy, nhưng chỉ để trước mặt mà không uống.
Nguyệt nương thấy trên tóc Kim Liên có cây trâm chữ “Thọ” tuyệt đẹp bèn hỏi:
– Ngũ nương có cây trâm đẹp quá. Để
hôm nào tôi mướn thợ làm một chiếc như vậy mới được.
Bình Nhi nói:
– Nếu Đại nương thích thứ đó thì để
tôi xin biếu, khỏi phải mướn làm. Ngày mai tôi xin biếu mỗi nương nương một
cái. Chú chồng tôi lúc còn làm việc trong cung được vua ban, thứ này ở ngoài
không có.
Nguyệt nương cười bảo:
– Chúng tôi đông quá Nhị nương làm sao
biếu cho hết.
Mọi người tiếp tục cười nói chuyện
trò. Tới lúc mặt trời đã ngả về tây, Phùng ma ma từ sau bếp ra, mặt đỏ gay vì
rượu, nói với Lý Bình Nhi:
– Bây giờ cô tính về chưa, để bảo kiệu
nó vào rước.
Nguyệt nương bảo:
– Nhị nương không về đâu, lão cứ lấy
kiệu về trước đi.
Bình Nhi nói:
– Nhà chẳng có ai, xin để hôm khác sẽ ở
lại với các nương nương.
Ngọc Lâu bảo:
– Nhị nương cố chấp làm cho chúng tôi
buồn. Thôi đừng kêu kiệu vào vội, để đợi gia gia chúng tôi về lưu giữ nương
nương mới được.
Bình Nhi biết không từ chối được, bèn
đưa chìa khóa nhà cho Phùng ma ma rồi bảo:
– Các vị nương nương đã có lòng như vậy
mà tôi còn từ chối tức là mang tội bất kính, vậy thì chìa khóa đây, lão lấy kiệu
mà về, bảo sáng mai lại đón tôi. Lão ở nhà cùng mấy đứa coi nhà cho cẩn thận.
Đoạn lại gọi Phùng ma ma tới gần kề
tai dặn nhỏ mấy câu:
– Bảo a hoàn Nghênh Xuân lấy chìa khóa
này vào phòng tôi mở cái rương lớn ra, trong có cái hộp đựng ít trâm quý, bảo
nó lấy ra bốn chiếc, sáng sớm mai đem lại đây cho tôi.
Phùng ma ma vâng lời vái chào mọi người
mà lui ra.
Lát sau Nguyệt nương mời Bình Nhi vào
phòng mình uống trà nghỉ ngơi. Đại An chạy vào thưa:
– Gia gia đã về.
Rồi lại bước ra vén mành mà nói:
– Bẩm gia gia, có Hoa nhị nương ở
trong phòng.
Bình Nhi vội vàng đứng dậy thì Tây Môn
Khánh đã vào tới. Hai người vái chào nhau. Tây Môn Khánh mời Bình Nhi ngồi xuống
rồi nói:
– Hôm nay tại miếu Ngọc Hoàng cúng lớn
lắm, tôi bị Ngô Đạo quan giữ lại uống rượu, giờ này mới dứt ra mà về được đó.
Đoạn quay lại bảo Bình Nhi:
– Hôm nay mời tẩu tẩu ở lại đây cho
vui.
Ngọc Lâu nói:
– Nhị nương cứ nhất định đòi về, chị
em chúng tôi phải mời mãi mới được đó.
Bình Nhi nói:
– Nhà chẳng có ai, đi như thế này tôi
quả không được yên tâm chút nào.
Tây Môn Khánh bảo:
– Có gì mà lo. Việc trộm đạo thì mấy
hôm nay quan quân đi tuần nghiêm ngặt lắm.
Đoạn quay lại hỏi thê thiếp:
– Sao để Nhị tẩu ngồi buồn thế này? Đã
mời dùng rượu chưa?
Ngọc Lâu đáp:
– Có mời rồi nhưng Nhị nương nhất định
chẳng chịu uống gì cả.
Tây Môn Khánh bảo:
– Các nàng dở quá, để tôi mời Nhị
nương cho vậy.
Bình Nhi nói:
– Tôi uống nhiều quá rồi, uống nữa
không nổi đâu.
Tây Môn Khánh vẫn quay lại bảo a hoàn
dọn tiệc. Mọi người lại cùng ngồi. Tây Môn Khánh đích thân rót rượu, nhưng
không dùng chung nhỏ mà dùng toàn thứ chung lớn. Mọi người bắt đầu uống, thù tiếp
vui vẻ ồn ào. Trong lúc uống rượu chuyện trò, Tây Môn Khánh và Bình Nhi mắt qua
mày lại quá lộ liễu. Nguyệt nương cảm thấy khó coi, bèn đứng dậy vào trong tiếp
chuyện với người mợ. Trong này, Tây Môn Khánh cùng Ngọc Lâu, Kim Liên và Bình
Nhi ăn uống cho tới canh ba. Bình Nhi uống nhiều đến nỗi không đứng lên nổi, phải
nhờ Kim Liên dìu ra rửa tay. Tây Môn Khánh cũng lảo đảo và gặp Nguyệt nương hỏi:
– Để người ta nghỉ ở đâu bây giờ?
Nguyệt nương bảo:
– Người ta tới đây mừng sinh nhật của
Kim Liên thì để nghỉ tại phòng Kim Liên.
Tây Môn Khánh lại hỏi:
– Thế còn tôi?
Nguyệt nương bảo:
– Chàng muốn nghỉ ở đâu thì nghỉ, hay
là muốn tới phòng Ngũ nương nghỉ chung với người ta cũng được.
Tây Môn Khánh bật cười bảo:
– Làm gì có chuyện đó.
Nói xong cởi áo ngoài đưa cho Tiểu Ngọc
bảo:
– Đêm nay ta nghỉ trong phòng Đại
nương.
Nguyệt nương bảo:
– Muốn gần chết còn giả vờ, lại muốn
che mắt tôi nữa. Nhưng chàng nằm đây thì bà mợ tôi nằm đâu?
Tây Môn Khánh nói:
– Nếu vậy thì để tôi sang phòng Ngọc
Lâu vậy.
Nói xong, tới phòng Ngọc Lâu.
Sáng hôm sau, Bình Nhi trở dậy ngồi
trước gương trang điểm, có Xuân Mai đứng hầu. Bình Nhi biết Xuân Mai là a hoàn
thân tín được cả Kim Liên lẫn Tây Môn Khánh yêu quý, bèn cho Xuân Mai một cái kẹp
bằng vàng. Xuân Mai cảm tạ rồi nói lại với Kim Liên. Kim Liên cũng cảm tạ Bình
Nhi rồi bảo:
– Thật làm phiền Nhị nương quá, Nhị
nương việc gì phải cho nó.
Bình Nhi nói:
– Gọi là thưởng cho nó, Ngũ nương có
nó cũng đỡ lắm. Trang điểm xong, Kim Liên gọi Xuân Mai mở cổng hoa viên, rồi dẫn
Bình Nhi vào dạo chơi. Bình Nhi thấy ở bức tường lúc trước ngăn cách hai nhà
bây giờ đã có một cái cửa ăn thông bèn hỏi:
– Quan nhân định chừng nào thì dùng tới
căn nhà bên đó?
Kim Liên đáp:
– Cũng chưa dùng tới đâu. Hôm nọ xem
bói, thấy nói tháng Hai là tháng tốt, gia gia tôi sẽ gọi thợ tới, đằng trước sẽ
làm một cái hoa viên, đằng sau sẽ làm một căn nhà lầu, gọi là Ngoại Hoa Lâu để
cho tôi.
Đang nói chuyện thì gia nhân của Nguyệt
nương tới mời dùng trà. Kim Liên bèn mời Bình Nhi và mẹ tới phòng khách, mọi
người ăn bánh uống trà. Bỗng thấy Phùng ma ma tới, đưa cho Bình Nhi bốn cái
trâm chữ “Thọ”, gói trong một cái khăn tay. Bình Nhi mở ra, tặng Nguyệt nương,
Kiều Nhi, Ngọc Lâu và Tuyết Nga, mỗi người một cái. Nguyệt nương bảo:
– Làm tốn kém Nhị nương như thế này
đâu được.
Bình Nhi cười:
– Có gì đáng đâu, để các nương nương
dùng hoặc muốn thưởng cho ai cũng được.
Bốn người cùng cảm tạ, rồi cài trâm
lên đầu. Nguyệt nương bảo:
– Nghe nói là nhà Nhị nương hiện tại gần
chợ bán đèn, nơi đó rất náo nhiệt, hôm nào chị em chúng tôi tới xem đèn rồi tới
thăm Nhị nương thì xin đừng nói là vắng nhà nhé.
Bình Nhi nói:
– Tôi chỉ mong được tiếp rước các vị
mà thôi.
Kim Liên bảo:
– Các thư thư chắc không biết ngày rằm
này là sinh nhật của Nhị nương đây phải không?
Nguyệt nương vội nói:
– Thế thì chị em mình phải tới chúc thọ
Nhị nương chứ.
Bình Nhi cười:
– Các nương nương tới là vinh hạnh cho
tôi lắm.
Sau ít tuần trà, Nguyệt nương lại cho
bày tiệc. Bình Nhi ăn uống tới gần chiều, Bình Nhi còn muốn chào Tây Môn Khánh,
nhưng Nguyệt nương bảo:
– Gia gia tôi đi đâu từ sớm rồi.
Đôi bên chào nhau. Bình Nhi lên kiệu
mà về.
Chú
thích.
[47] Chồng
định làm gì, vợ cũng làm theo.
[48] (Từ
cũ) Chết (nói những người có chức vị).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét