Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

43. SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN - Trương Thích Chi, Phùng Đường Liệt Truyện

 


43. SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN

(Tư Mã Thiên)
Trương Thích Chi, Phùng Đường Liệt Truyện

Đình Úy (l) Trương Thích Chi là người Đỗ Dương, tên tự là Quý. Thích Chi có người anh là Trọng cùng ở một nhà. Thích Chi nhờ giàu có được làm kỵ lang (2) thờ Hiếu Văn Đế. Mười năm không được thăng, không ai biết tiếng. Thích Chi nói:

- Làm quan lâu, giảm bớt sự nghiệp của anh Trọng không thích.

Ý muốn xin từ quan về nhà. Trung lang tướng là Viên Áng biết ông hiền, tiếc ông bỏ quan, bèn xin đổi Thích Chi đi làm chức yết giả (3). Sau khi vào chầu xong, Thích Chi nhân đấy trình bày những việc nên làm trước mặt nhà vua. Văn Đế nói:

- Nói thấp thôi chớ nói chuyện cao xa, nói việc ngày nay có thể làm được.

Thích Chi bèn nói việc giữa thời Tần, Hán tại sao Tần lại mất mà Hán lại nổi lên. Nói một hồi lâu, Văn Đế khen hay, bèn cho Thích Chi làm yết giả bộc xa (4).

Thích Chi theo vua đi đến nơi nuôi hổ trong vườn nhà vua. Nhà vua hỏi viên úy coi vườn Thượng Lâm về số chim chóc thú vật ghi vào sổ là bao nhiêu. Hỏi hơn mười câu, viên úy nhìn quanh nhìn quẩn không trả lời được. Người coi chuồng hổ ở bên cạnh thay viên úy trả lời nhà vua rất đầy đủ về số chim chóc, thú vật; nhà vua hỏi là trả lời ngay, thao thao bất tuyệt. Văn Đế nói:

- Làm quan há lại không nên như thế sao! Viên úy không nhờ cậy được.

Bèn ra lệnh Thích Chi cho người giữ chuồng hổ làm quan coi vườn Thượng Lâm. Một hồi lâu sau Thích Chi tiến lên nói:

- Bệ hạ cho Giáng Hầu Chu Bột là người như thế nào?

Nhà vua nói:

- Ông ta là người trưởng giả.

Thích Chi lại hỏi:

- Đông Dương Hầu Trương Tương Như là người như thế nào?

Nhà vua lại nói:

- Là người trưởng giả.

Thích Chi nói:

- Giáng Hầu và Đông Dương Hầu được khen là trưởng giả, nhưng hai người này bàn công việc thì thường không nói ra lời, họ có phải học anh giữ chuồng hổ khua môi múa mép đâu! Vả chăng, nhà Tần vì tin dùng bọn thư lại, bọn thư lại đua nhau về mặt nghiêm ngặt, gắt gao cho là giỏi. Nhưng cái tệ là ở chỗ chỉ lo đến câu văn suông chứ không có lòng thương xót thực sự của con người. Vì vậy, nhà Tần không nghe nói đến sai lầm của mình, dần dà cho đến đời Nhị Thế, thiên hạ suy sụp. Nay bệ hạ cho rằng người giữ chuồng hổ ăn nói lưu loát mà cho thăng vượt bực, thần sợ thiên hạ đua nhau bắt chước, tranh nhau về chỗ ăn nói lưu loát mà không có thực chất. Vả chăng, ở dưới mà bị trên cảm hóa còn nhanh hơn bóng và tiếng vang, việc thưởng phạt không thể không cẩn thận.

Văn Đế nói:

- Phải.

Bèn thôi không cho người coi chuồng hổ làm quan. Nhà vua lên xe gọi Thích Chi cùng ngồi. Xe đi chậm rãi, nhà vua hỏi những việc tệ đời Tần. Thích Chi nói thực tất cả. Đến cung, nhà vua cho Thích Chi làm công xa lệnh (5).

Được ít lâu, thái tử và Lương Vương cùng đi xe vào triều, không xuống xe ở cửa Tư mã. Thích Chi bèn đuổi theo ngăn thái tử và Lương Vương không cho vào cửa điện. Sau đó, tâu lên hặc họ về tội bất kính, không xuống xe ở cửa công. Bạc thái hậu (6) nghe tin ấy, Văn Đế cất mũ tạ lỗi, nói:

- Ta không cẩn thận trong việc dạy con.

Bạc thái hậu bèn sai sứ mang chiếu tha lỗi cho thái tử và Lương Vương, sau đó họ mới được vào. Văn Đế vì vậy cho Thích Chi là người kỳ lạ, cho làm trung đại phu.

Ít lâu sau, Thích Chi làm đến trung lang tướng, theo vua đến Bá Lăng. Nhà vua lên mé sông phía Bắc.

Bấy giờ Thận phu nhân đi theo, nhà vua chỉ đường Tân Phong cho Thận phu nhân nói:

- Đường này đi Hàm Đan đây (7)!

Vua sai Thận phu nhân gảy đàn sắt, nhà vua hát theo tiếng đàn, ý sầu thảm khiến người buồn nhớ. Nhà vua quay lại nói với các quan:

- Than ôi! Lấy đá núi Bắc Sơn làm quách, lấy tơ lót ở trong, lấy sơn phết gắn lại thì còn ai động đến được (8)!

Các quan hầu đều nói:

- Phải.

Thích Chi tiến lên nói:

- Nếu ở trong ấy có cái mà người ta thích thì dù là linh cữu hàn bằng cả hòn núi Nam Sơn cũng bị người ta soi; nếu ở trong không có gì người ta thích thì dù không có quách bằng đá cũng không có gì phải lo!

Văn Đế khen phải. Sau đó phong Thích Chi làm đình úy

Ít lâu sau, nhà vua đi ra khỏi cầu Trung Vị. Có một người ở dưới cầu chạy ra, ngựa, xe loan của nhà vua hoảng sợ. Vua liền sai quân kỵ bắt giao cho đình úy.

Thích Chi tra hỏi biết người kia ở huyện đến, nghe xe ngựa nhà vua lại nên nấp ở dưới cầu. Một hồi lâu cho rằng vua đã đi qua, người ấy liền ra thì thấy xe ngựa nhà vua, cho nên bỏ chạy đó thôi. Đình úy tâu lên: một người phạm vào lối đi nhà vua đánh phạt tiền. Văn Đế giận nói:

- Người này tự mình làm cho con ngựa của ta hoảng sợ. Cũng may ngựa ta hiền lành, chứ nếu gặp con ngựa khác thì chẳng đã làm đổ xe, khiến ta bị thương sao ấy thế mà đình úy lại xử phạt tiền à!

Thích Chi nói:

- Pháp luật là chung cho nhà vua cũng như mọi người. Nay pháp luật đã như vậy mà lại thay đổi làm cho nặng thì không được dân tin. Vả chăng, lúc bấy giờ, nếu nhà vua giết ngay hắn thì thôi. Chứ đã giao cho đình úy, đình úy là người cầm cân nẩy mực cho thiên hạ. Nếu nghiêng về một bên thì những người thi hành pháp luật trong thiên hạ đều theo đó mà tùy ý thêm bớt, dân còn biết đặt tay chân vào đâu? Cúi xin bệ hạ xét cho?

Một hồi lâu, vua nói:

- Đình úy thì phải như thế.

Sau đó, có người ăn trộm cái vòng ngọc trước chỗ ngồi ở miếu Cao Đế, bị bắt. Văn Đế giận giao cho đình úy trị tội. Thích Chi căn cứ theo pháp luật tâu, người ăn trộm những vật dùng trong tông miếu của vua phải chém ở ngoài chợ.

Nhà vua cả giận, nói:

- Hắn vô đạo, ăn trộm đồ ở miếu tiên đế, ta giao cho đình úy là muốn đình úy giết cả họ hắn, nay nhà ngươi theo luật tâu thì không phải là cái ý muốn tôn kính nơi tông miếu của ta.

Thích Chi cất mũ, để đầu trần tạ lỗi nói:

- Pháp luật như thế là đủ. Vả lại, cùng là tội hết cả nhưng phải theo chỗ sự lẽ nghịch hay thuận để phân biệt nặng nhẹ. Nay hắn ăn trộm đồ ở tông miếu mà giết cả họ hắn đi thì nếu như trong muôn một có một tên ngu dân lấy một nắm đất ở Trường Lăng (9), lúc bấy giờ bệ hạ biết lấy gì mà trị tội thêm nữa?

Một hồi lâu, Văn Đế nói với thái hậu và cho đình úy là phải. Lúc bấy giờ Điền Hầu Chu A Phu làm trung úy và Sơn Đô Hầu Vương Điềm Khai làm tướng quốc nước Lương thấy Thích Chi xét xử công bình nên kết làm bạn thân. Vì vậy Trương đình úy được thiên hạ khen ngợi.

Về sau Văn Đế mất, Cảnh Đế lên ngôi. Thích Chi sợ cáo bệnh, muốn từ quan về vì sợ bị giết đến nơi. Ý ông ta muốn yết kiến nhà vua để tạ lỗi nhưng chưa biết làm sao. Thích Chi dùng mưu kế của Vương Sinh, rốt cục yết kiến nhà vua, tạ tội. Cảnh Đế không bắt lỗi.

Vương Sinh là một người ẩn sĩ thích nói về Hoàng Đế, Lão Tử. Có lần được triệu vào triều đình, các tam công và cửu khanh đều đứng ở dấy. Vương Sinh là người già, nói:

- Tôi tụt giày.

Quay lại bảo Trương đình úy:

- Buộc giày cho tôi.

Thích Chi quỳ xuống buộc giày. Sau đấy, có người bảo Vương Sinh:

- Tại sao riêng ông lại làm nhục Trương đình úy ở triều đình bắt ông ta buộc giày?

Vương Sinh nói:

- Tôi già và hèn, tự nghĩ rằng suốt đời chẳng giúp được gì cho Trương đình úy. Trương đình úy hiện nay là vị quan có danh trong thiên hạ. Tôi cố ý nhân đấy làm nhục đình úy, bắt ông ta quỳ xuống buộc giày là muốn đề cao ông ta.

Các quan nghe vậy, cho Vương Sinh là người hiền và kính trọng Trương đình úy. Trương đình úy thờ Cảnh Đế hơn một năm làm tướng quốc của Hoài Nam Vương, vì chỗ trước kia có lỗi lầm. Mãi về sau, Thích Chi chết, con là Trương Chi, tự là Trưởng Công làm quan đến đại phu xin thôi, cho rằng mình không thể a dua để sống theo thế tục nên suốt đời không làm quan.

.............................................

(1). Đình Úy là chức quan cao nhất về tư pháp.

(2). Chức coi cổng.

(3). Chức quan lo việc tiếp khách.

(4). Cầm đầu các yết giả.

(5). Chức quan coi cửa Tư mã.

(6). Mẹ của Văn Đế.

(7). Thận phu nhân người Hàm Đan.

(8). Ý nói động đến linh cữu.

(9). Mộ của Hán Cao Tổ.

.............................................

2. Ông của Phùng Đường là người nước Triệu, đến đời cha dời đến đất Đại. Khi nhà Hán nổi lên, dời đến An Lăng. Đường nổi tiếng vì có hiếu, được cử làm người cầm đầu các trung lang thự. Đường thờ Văn Đế, Văn Đế đi xe qua hỏi Đường:

- Tại sao cụ lại làm trung lang? Nhà ở đâu?

Đường cứ theo thực mà tâu. Văn Đế nói:

- Khi ở đất Đại, ta thường ăn cơm của người quan coi việc ăn uống là Cao Khư, ông ta mấy lần nói với ta rằng Lý Tề, tướng nước Triệu (10), là người hiền, đánh ở gần Cự Lộc. Nay mỗi khi ăn cơm ta vẫn thường nhớ đến Cự Lộc. Cụ có biết ông ta không?

- Cũng không bằng Liêm Pha, Lý Mục làm tướng.

- Tại sao biết?

- Ông của thần khi ở Triệu coi một đội quân, chơi thân với Lý Mục. Cha của thần vốn làm tướng quốc ở nước Đại chơi thân với tướng nước Triệu là Lý Tề nên biết ông ta là người như thế nào.

Nhà vua nghe nói đến Liêm Pha, Lý Mục lấy làm cao hứng vỗ đùi mà nói:

- Than ôi? Ta không có Liêm Pha, Lý Mục để dùng làm tướng. Nếu có thì ta lo gì quân Hung Nô?

Đường nói:

- Thần sợ bệ hạ tuy có Liêm Pha, Lý Mục cũng không dùng được.

Nhà vua nổi giận, đứng dậy đi vào cung cấm.

Một hồi lâu sau, nhà vua cho gọi Đường vào trách:

- Tại sao ông lại làm nhục ta trước mặt mọi người, ông không có dịp nào khác nữa à?

Đường tâu:

- Kẻ hèn mọn này vốn không biết kiêng dè.

Lúc bấy giờ quân Hung Nô mới đem đại quân xâm nhập huyện Chiêu Na, giết đô úy đất Bắc Địa là Ngang. Nhà vua đang lo lắng về giặc Hồ nên cuối cùng lại hỏi Đường:

- Tại sao ông biết ta không thể dùng Liêm Pha, Lý Mục được?

Đường tâu:

- Thần nghe nói các vua thời thượng cổ khi nào sai tướng thì quỳ xuống đẩy trục bánh xe nói: “Việc trong kinh đô thì quả nhân quyết định; việc ở ngoài kinh đô thì tướng quân quyết định”. Việc công quân, khen thưởng ban tước, đều do tướng quân quyết định ở ngoài, khi nào về mới tâu lại. Điều đó không phải lời nói suông (11). Người ông của thần nói Lý Mục khi làm tướng nước Triệu, ở biên giới, thuế ở chợ đều tự tiện dùng để nuôi quân sĩ; việc khen thưởng đều quyết định ở ngoài, trong triều không cản trở. Nhà vua chỉ giao việc chính cốt sao làm tròn trách nhiệm, cho nên Lý Mục mới có thể trổ hết tài năng, trí tuệ của mình chọn một nghìn ba trăm cỗ xe, một vạn ba nghìn quân kỵ bắn tên, mười vạn dũng sĩ (12). Vì vậy cho nên phía Bắc đánh đuổi được Thiền Vu, phá được Đông Hồ, diệt được Đan Lãm (13); phía Tây chống lại nước Tần mạnh, phía Nam giúp đỡ nước Hàn, nước Ngụy. Trong thời bấy giờ, nước Triệu gần như xưng bá. Sau đó, gặp lúc vua Triệu là Thiên lên ngôi, người mẹ là con hát. Thiên nghe lời Quách Khai gièm pha, cuối cùng giết Lý Mục. Sai Nhạn Tụ thay thế. Vì vậy cho nên binh bị phá tan, quân sĩ bỏ chạy, vua nước Triệu bị nước Tần bắt và nước bị tiêu diệt. Nay thần trộm nghe Ngụy Thượng làm thái thú ở Vân Trung, tất cả thuế chợ đều dùng để đãi tân khách, thuộc hạ và tướng sĩ, cho nên quân Hung Nô tránh xa không đến gần biên giới Vân Trung. Quân địch có một lần vào, Thượng đem xe và quân kỵ đánh, giết rất nhiều địch (14). Sĩ tốt đều là con em của dân, dời bỏ việc cày cấy ra làm lính, làm sao biết được giấy tờ sổ sách! Suốt ngày họ ra sức chiến đấu chém đầu hoặc bắt sống quân địch. Nhưng khi báo công lên cho quân doanh hễ nói một lời không hợp thì bọn quan văn lại lấy luật pháp bắt bẻ nên không được thưởng. Còn bọn quan văn dùng phép tắc bắt bẻ người ta thì lại được tin dùng. Thần ngu dốt cho rằng luật pháp của bệ hạ quá sáng suốt, thưởng quá nhẹ, phạt quá nặng. Vả chăng, sở dĩ thái thú Vân Trung Ngụy Thượng phạm tội là vì số thủ cấp báo công lên so với sự thực thiếu sáu cái (15). Bệ hạ giao ông ta cho quan lại xét, truất quan tước bắt ông ta chịu khổ dịch một năm. Cứ thế mà xét thì bệ hạ tuy có Liêm Pha, Lý Mục cũng không dùng được. Thần quả thật là ngu, xúc phạm đến điều phải kiêng phải tránh, tội đáng chết, tội đáng chết!

Văn Đế vui lòng. Hôm ấy sai Phùng Đường cầm cờ tiết tha Ngụy Thượng, lại cho làm quan thú Vân Trung. Nhà vua lại cho Đường làm xa kỵ đô úy coi các trung úy và quân lính đánh bằng xe ở các nơi.

Năm thứ bảy, Cảnh Đế lên ngôi, cho Đường làm tướng quốc nước Sở. Đường xin thôi, Vũ Đế lên ngôi cầu người hiền tài, người ta cử Phùng Đường. Lúc bấy giờ Đường hơn chín mươi tuổi, không thể làm quan được nữa, nhà vua bèn cho con của Đường là Phùng Toại làm quan lang.

Toại tên tự là Vương Tôn, cũng là một kẻ sĩ ít có chơi thân với tôi (16).

.............................................

(10). Vì Phùng Đường nói mình là người nước Triệu nên Văn Đế nói chuyện về tướng nước Triệu.

(11). Trở xuống giải thích tại sao không phải là lời nói suông.

(12). Nguyên văn: dũng sĩ đáng thưởng trăm cân vàng.

(13). Xem Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện.

(14). Việc làm giống như Lý Mục.

(15). Thưởng phạt khác vua Triệu xưa đối với Lý Mục.

(16). Với tác giả.

.............................................

3. Thái sử công nói:

Trương Công nói về bậc trưởng giả, giữ pháp luật không a dua theo ý nhà vua (17). Phùng Công bàn về tướng súy thật thú vị làm sao! Thật thú vị làm sao (18)! Ngạn ngữ nói: “Không biết người ấy thì hãy nhìn bạn người ấy”. Việc hai người bàn luận tán tụng có thể ghi vào sổ sách triều đình.

Kinh Thư nói: “Không thiên không đảng, đạo vua rộng rãi, công đảng không thiên, đạo vua công bình”(19).

Trương Công, Phùng Công cũng gần được như vậy (20).

....................................................................

(17). Câu này nói về việc Trương Thích Chi bàn luận về bậc trưởng giả như Chu Bột.

(18). Nhắc hai lần vì tác giả rất tán thưởng.

(19). Kinh Thư, thiên Hồng Phạm. Ý nói nếu không thiên lệch và không bè phái thì đạo nhà vua rộng rãi khoan dung lại công bình. Tác giả ca ngợi Trương Thích Chi và Phùng Đường chính trực.

(20). Ghép Trương Thích Chi và Phùng Đường vào một truyện, tác giả muốn ca ngợi những con người muốn nói cho nhà vua biết sự thực dù sự thực ấy không làm nhà vua đẹp lòng. ở đây tác giả cũng có ý tự ngụ.

.............................................




o0o


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét