14. SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN
(Tư Mã
Thiên)
Việt Vương Câu Tiễn Thế Gia
Một hình ảnh của Câu Tiễn |
- Thế nào cũng đừng quên đánh Việt.
Ba năm sau, Câu Tiễn được tin vua Ngô là Phù Sai ngày đêm tập
luyện quân sĩ, sắp sửa đánh Việt để trả thù. Vua Việt muốn đến đánh trước khi
Ngô xuất trận. Phạm Lãi can:
- Không nên. Tôi nghe nói việc binh là điều gở, đánh nhau là việc
trái với đức, tranh nhau là việc thấp nhất. Lo âm mưu, làm trái đức, thích dùng
điều gở, lấy thân mình làm việc thấp hèn nhất, là việc thượng đế cấm. Nếu làm
là bất lợi.
Vua Việt nói:
- Ta đã quyết định rồi.
Bèn cất quân. Vua Ngô nghe tin đem tất cả tinh binh đánh quân Việt
thua to ở Phù Tiêu. Vua Việt bèn đem năm nghìn quân còn lại giữ và trốn tránh ở
núi Cối Kê. Vua Ngô đuổi đến, bao vây Cối Kê. Vua Việt bảo Phạm Lãi:
- Ta vì không nghe lời ngươi, cho nên đến nông nỗi này. Bây giờ
làm thế nào?
Phạm Lãi nói:
- Kẻ nào giữ gìn được trọn vẹn cái cảnh ngộ của mình khi đầy đủ (Ý
nói vật trọn vẹn thì sẽ giảm. Nếu ở trong hoàn cảnh hoàn toàn đầy đủ thì phải
giết giữ gìn, khiêm tốn) là tuân theo trời; bình định được tình hình nguy ngập
là tuân theo người; sử dụng sự vật tiết kiệm là tuân theo đất. Nhà vua hãy dùng
lời lẽ khiêm nhượng, lấy lễ hậu để đưa cho người ta. Nếu người ta không nghe
thì thân hành đến thờ người ta.
Câu Tiễn nói:
- Được.
Bèn sai đại phu tên là Chủng đến cầu hoà với Ngô. Chủng đi bằng
đầu gối, đập đầu nói:
- Kẻ bầy tôi trốn tránh của bệ hạ là Câu Tiễn, sai “bồi thần” là
Chủng (Vì Câu Tiễn là tôi của Phù Sai, mà Chủng lại là bầy tôi của Câu Tiễn.
Bồi thần tức là bầy tôi hai lần) mạo muội nói với các quan rằng Câu Tiễn xin
làm bầy tôi, vợ xin làm thiếp của bệ hạ.
Vua Ngô sắp ưng thuận, Tử Tư nói với vua Ngô:
- Trời đem nước Việt cho nước Ngô, xin bệ hạ đừng nghe.
Chủng trở về báo với Câu Tiễn. Câu Tiễn muốn giết vợ con, đốt của
cải châu báu, xông ra đánh để chịu chết. Chủng ngăn Câu Tiễn nói:
- Quan Thái Tế của Ngô tên là Phỉ, là người tham lam có thể dùng
lợi để dụ dỗ. Xin nhà vua cho tôi lẻn đến nói với ông ta.
Câu Tiễn bèn sai Chủng đem gái đẹp, của quý lẻn đến đưa cho Thái
Tế nước Ngô là Phỉ. Phỉ nhận rồi giúp cho đại phu Chủng được yết kiến vua Ngô.
Chủng đập đầu nói:
- Xin đại vương tha tội cho Câu Tiễn, mà lấy tất cả của cải châu
báu. Nếu đại vương không tha thì Câu Tiễn sẽ giết vợ con, đốt tất cả châu báu,
năm nghìn người liều chết xông ra thì cũng là một sức mạnh đáng kể.
Phỉ nhân đấy nói với vua Ngô:
- Vua Việt đã xin làm tôi, nếu bệ hạ tha cho họ, thì đó là có lợi
cho nước.
Vua Ngô sắp ưng thuận. Tử Tư tiến ra can:
- Nếu nay nhà vua không tiêu diệt nước Việt, thì sau này thế nào
cũng sẽ hối hận đấy! Câu Tiễn là ông vua hiền, Văn Chủng và Phạm Lãi là những
bầy tôi giỏi. Nếu họ trở về nước thì sẽ làm loạn.
Vua Ngô không nghe, cuối cùng tha cho vua Việt, bãi binh và quay
về (Đoạn 2 – Câu Tiễn bị Phù Sai đánh bại, nhờ mưu của Phạm Lãi, Văn Chủng mà
nước khỏi mất).
3. Khi bị nguy khốn ở Cối Kê, Câu Tiễn thở dài than rằng:
- Ta thế này là hết hay sao!
Chủng nói:
- Vua Thang bị trói ở Hạ Đài, vua Văn Vương bị tù ở Dĩu Lý, Trùng
Nhĩ nước Tấn bỏ chạy đến Địch, Tiểu Bạch nước Tề bỏ chạy đến Cử (Trùng Nhĩ là
tên của Tấn Văn Công, Tiểu Bạch là tên của Tề Hoàn Công. Hai người đều làm bá
trong thời Xuân Thu), nhưng cuối cùng đều làm vương làm bá. Cứ xem như vậy,
biết đâu thế này chẳng là phúc!
Sau khi nước Ngô đã tha tội cho nước Việt, vua Việt Câu Tiễn trở
về nước, khổ mình nhọc sức, đặt mật ở chỗ ngồi, khi ngồi hay khi nằm đều nhìn
mật, khi uống hay khi ăn đều nếm mật. Câu Tiễn nói:
- Mày quên cái nhục ở Cối Kê rồi hay sao?
Câu Tiễn tự mình lo cày bừa, vợ lo dệt vải, ăn uống không thêm
thịt, mặc không hai màu, khiêm tốn đối với người hiền, hậu đãi tân khách, cứu
giúp người nghèo, thăm viếng người chết, cùng chịu khó nhọc với trăm họ.
Câu Tiễn muốn sai Phạm Lãi cai quản chính trị trong nước. Phạm Lãi
đáp:
- Việc chiến tranh thì Chủng không bằng Lãi, nhưng việc cai trị,
vỗ về nước nhà khiến cho trăm họ thân và theo mình thì Lãi này không bằng
Chủng.
Nhà vua bèn giao chính trị trong nước cho đại phu Chủng, còn sai
Phạm Lãi cùng đại phu Gía Kê đi cầu hoà và làm con tin ở nước Ngô. Được hai
năm, vua Ngô cho Phạm Lãi trở về.
Từ khi Câu Tiễn trở về Cối Kê, trong bảy năm vỗ về binh sĩ và dân
chúng. Binh sĩ muốn đánh để rửa thù đối với nước Ngô. Đại phu Phùng Đồng can:
- Nước ta vừa mới tan tác, nay mới được phồn thịnh no đủ. Nếu mình
chuẩn bị và lo việc binh thì thế nào Ngô cũng sợ. Ngô sợ thì tai nạn sẽ đến. Vả
chăng, con chim ưng đánh thì nó phải giấu mình. Nay quân Ngô đánh nước Tề và
Tấn, bị Sở và Việt căm thù. Tuy có nổi danh trong thiên hạ, nhưng thực chỉ cốt
hại nhà Chu. Đức ít mà công nhiều, thì thế nào cũng tự mãn, khoe khoang. Hiện
nay đối với nước Việt thì không gì bằng liên kết với Tề, thân với Sở, theo Tấn
để hậu đãi Ngô. Chí của Ngô huênh hoang thì thế nào cũng khinh suất trong việc
chiến đấu. Thế là ta nắm được cơ hội. Ba nước đánh Ngô, Việt nhân lúc Ngô khốn
đốn thì có thể đánh thắng được.
Câu Tiễn nói:
- Phải đấy.
Được hai năm, vua Ngô sắp đem quân đánh Tề, Tử Tư can:
- Chưa nên! Tôi nghe Câu Tiễn ăn không hai món, cùng vui cùng khổ
với trăm họ. Con người này chưa chết là còn mối lo cho nước. Nước Ngô có nước
Việt, đó là cái bệnh trong tim trong ruột, chứ Tề chẳng qua là ghẻ lở ở ngoài
da. Xin nhà vua bỏ Tề mà trước tiên hãy đánh Việt.
Vua Ngô không nghe, cứ đánh Tề, Tề bị thua ở Ngãi Lăng, vua Ngô
cầm tù Cao Chiêu Tử và Quốc Huệ Tử của nước Tề, rồi trở về trách Tử Tư. Tử Tư
nói:
- Xin nhà vua chớ mừng.
Nhà vua nổi giận, Tử Tư muốn tự sát, nhà vua nghe tin ấy ngăn lại.
Quan đại phu nước Việt là Chủng nói:
- Tôi thấy chính trị của vua Ngô kiêu căng. Xin nhà vua thử vay
thóc để bói xem sự tình thế nào?
Vua Việt xin vay thóc. Vua Ngô muốn cho vay. Tử Tư can đừng cho,
nhưng nhà vua cuối cùng vẫn cho. Việt bèn mừng thầm. Tử Tư nói:
- Nếu nhà vua không nghe lời can, thì sau ba năm nước Ngô sẽ biến
thành gò mất.
Quan Thái Tế là Phỉ nghe nói thế, bèn trách Tử Tư, cãi nhau với Tử
Tư về vấn đề Việt. Nhân đấy Phỉ gièm Tử Tư, nói:
- Ngũ Viên bên ngoài có vẻ trung, nhưng trong thâm tâm là con
người tàn nhẫn, con người đã chẳng đoái thương gì đến cha và anh, thì còn
thương gì đến vua (Xem Ngũ Tử Tư liệt truyện)? Trước đây nhà vua muốn đánh nước
Tề, Ngũ Viên ra sức can ngăn, kết quả việc đánh thành công. Do đó sinh ra oán
giận. Nếu nhà vua không đề phòng thì Ngũ Viên sẽ làm loạn.
Phỉ âm mưu với Phùng Đồng gièm Ngũ Tử Tư với nhà vua. Lúc đầu nhà
vua không nghe, nên sai Tử Tư sang Tề. Đến khi nghe Tử Tư gửi con ở nhà họ Bảo
(Tử Tư sợ nước Ngô mất nên gửi con ở nhà họ Bảo nước Tề), nhà vua cả giận, nói:
- Quả thực Ngũ Viên lừa dối quả nhân, muốn làm phản.
Bèn sai người trao cho Tử Tư thanh kiếm Chúc Lân để tự sát. Tử Tư
cười mà rằng:
- Ta làm cho nhà ngươi nên nghiệp bá, ta lại lập nhà ngươi lên
ngôi, lúc đầu nhà ngươi muốn chia một nửa nước Ngô cho ta, nhưng ta không nhận.
Bây giờ ngươi lại nghe lời gièm pha mà giết ta. Than ôi, con người cô độc một
mình, không thể nào đứng được!
Tử Tư nói với sứ giả:
- Thế nào nhà ngươi cũng phải móc mắt ta để ở cửa Đông Môn nước
Ngô để xem quân Việt tiến vào.
Vua Ngô giao cho Phỉ cầm quyền chính trị. Được ba năm, Câu Tiễn
mời Phạm Lãi đến nói:
- Vua Ngô đã giết Tử Tư, những kẻ a dua nhà vua rất đông, bây giờ
đã đánh được chưa?
Phạm Lãi đáp:
- Chưa được.
Mùa xuân năm sau, vua Ngô đi về hướng bắc để họp chư hầu ở Hoàng
Trì. Tinh binh của nước Ngô đều đi theo, chỉ có những người già yếu cùng với
thái tử ở lại giữ thành.
Câu Tiễn lại hỏi Phạm Lãi. Phạm Lãi đáp:
- Được rồi đấy!
Nhà vua bèn đem hai nghìn người bị đày, quen chiến trận, cùng với
bốn vạn quân lính thường được huấn luyện, sáu nghìn kẻ sĩ, một nghìn người chỉ
huy, đánh nước Ngô. Quân Ngô bị thua, quân Việt giết thái tử nước Ngô. Quân Ngô
vội vã báo tin với vua Ngô. Bấy giờ vua Ngô đang họp chư hầu ở Hoàng Trì, sợ
thiên hạ nghe tin; bèn giấu tin ấy. Sau khi đã ăn thề ở Hoàng Trì xong, vua Ngô
bèn đưa hậu lễ để xin giảng hoà với Việt.
Sau đó bốn năm, Việt lại đánh Ngô. Quân sĩ và dân chúng nước Ngô
đã mỏi mệt, những người nào mạnh khoẻ hăng hái thì đã chết ở nước Tề, nước Tấn.
Quân Việt phá tan quân Ngô, nhân đấy bao vây nước Ngô. Được ba năm, quân Ngô
thua to, Việt lại dồn Ngô Vương lên núi Cô Tô. Vua Ngô sai Công Tôn Hùng ở
trần, đi bằng đầu gối đến xin giảng hoà với vua Việt và nói:
- Kẻ cô thần của bệ hà là Phù Sai xin phơi bày gan ruột: trước đây
thần có tội ở Cối, Phù Sai không dám trái mệnh trời nên được giảng hoà với nhà
vua và về, nay nếu nhà vua giơ gót ngọc mà giết cô thần, cô thần cũng xin vâng
theo mệnh, vâng theo nhà vua. Nhưng cũng muốn nhà vua tha tội cho cô thần như
việc xảy ra trước đây ở Cối. Không biết có được không?
Câu Tiễn không nỡ, muốn bằng lòng. Phạm Lãi nói:
- Việc xảy ra ở Cối Kê trước kia đó là trời đem nước Việt trao cho
nước Ngô, nhưng nước Ngô không lấy. Nay trời lại đem nước Ngô trao cho nước
Việt. Nước Việt có nên làm trái mệnh trời không? Vả chăng nhà vua ra triều sớm,
bãi triều muộn chẳng phải để trả thù nước Ngô đó sao? Việc lo lắng hai mươi năm
nay có nên một sớm bỏ đi không? Trời đã cho mà không lấy thì trái lại sẽ bị
tội. Người đẽo cái rìu thì mẫu mực không xa (mẫu mực là cái cán rìu cầm trong
tay). Nhà vua đã quên tai nạn ở Cối Kê rồi sao?
Câu Tiễn nói:
- Ta muốn nghe lời nhà ngươi, nhưng ta không nỡ từ chối sứ giả.
Phạm Lãi bèn sai đánh trống, cho quân tiến lên nói:
- Nhà vua đã giao quyền cho Lãi này, sứ giả về ngay, nếu không sẽ
bị tội.
Sứ giả nước Ngô khóc mà về. Câu Tiễn thương hại bèn cho người nói
với vua Ngô:
- Ta cho nhà ngươi làm vương một trăm nhà ở đất Dũng Đông.
Vua Ngô từ tạ, nói:
- Tôi già rồi, không thể thờ nhà vua được nữa.
Bèn tự sát và che mặt nói:
- Ta không còn mặt mũi nào nhìn thấy Tử Tư.
Việt Vương chôn Ngô Vương và giết Thái Tế Phỉ. Sau khi Câu Tiễn đã
bình định được nước Ngô, bèn đem quân về hướng bắc, vượt sông Hoài cùng các
nước chư hầu là Tề, Tấn họp ở Từ Châu, nộp cống cho nhà Chu. Vua Nguyên Vương
nhà Chu ban thịt đến Câu Tiễn, cho Câu Tiễn làm bá.
Sau khi đã vượt qua phía nam sông Hoài, Câu Tiễn bèn lấy đất trên
sông Hoài cho nước Sở, trả cho nước Tống đất, Ngô đã lấy của nước Tống, trả cho
nước Lỗ dãi đất một trăm dặm ở phía đông sông Tứ. Bấy giờ quân của Việt làm bá
chủ ở phía đông sông Giang, sông Hoài. Chư hầu đến đều mừng gọi Câu Tiễn là bá
vương (Đoạn 3 – Câu Tiễn nhờ Phạm Lãi, Văn Chủng rửa được thù và xưng bá.)
4. Phạm Lãi bèn bỏ đi từ nước Tề, gửi thư về cho đại phu Chủng
nói, “Chim đã hết thì cung tốt phải cất, thỏ khôn đã chết thì chó săn bị nấu.
Vua Việt là người cổ dài, miệng diều hâu có thể cùng lo lúc hoạn nạn, nhưng
không thể cùng vui sướng với ông ta. Sao ông lại không bỏ đi?”
Chủng nhận được thư, cáo bệnh không vào chầu. Có người gièm nói:
- Chủng sắp làm phản.
Vua Việt bèn sai đưa kiếm cho Chủng và nói:
- Nhà ngươi dạy quả nhân bảy thuật để đánh Ngô, quả nhân mới dùng
có ba mà nước Ngô đã thua. Còn bốn thuật nữa ở nhà ngươi. Nhà ngươi hãy giúp ta
dùng những thuật ấy với tiên vương xem sao (1).
Chủng bèn tự sát.
--------------------------
1. Chỉ một câu đủ bộc lộ tất cả tâm địa tàn nhẫn của Câu Tiễn. Bảy
thuật ấy là: 1) thờ phụng trời đất, tổ tiên, làm nước giàu có để có của đút lót
vua Ngô; 2) xuất tiền mua lúa Ngô để cho kho Ngô rỗng; 3) cho gái đẹp, cho thợ
khéo để xây cung điện; 4) đút lót cho các nịnh thần; 5) xui giục những người
can gián để gây mâu thuẫn; 6) làm nước giàu và chuẩn bị võ lực; 7) có đủ binh
khí tốt và chờ lúc quân địch kiệt quệ.
--------------------------
Phạm Lãi thờ vua Việt là Câu Tiễn, khổ mình nhọc sức, cùng Câu
Tiễn mưu toan hơn hai mươi năm, kết quả diệt được nước Ngô, rửa được cái nhục ở
Cối Kê.
Phía bắc đem quân qua sông Hoài, đến sát các nước Tề, Tấn, ra hiệu
lệnh cho Trung quốc để tôn thờ nhà Chu. Câu Tiễn làm bá, còn Phạm Lãi làm
thượng tướng quân. Khi về nước, Phạm Lãi cho là danh lớn khó lòng ở được lâu.
Vả lại, Câu Tiễn là người hoạn nạn thì có nhau, nhưng vui thì khó lòng mà ở
được! Lãi bèn viết thư từ biệt Câu Tiễn:
- Tôi nghe, “Vua lo thì tôi phải khó nhọc, vua nhục thì tôi phải
chết!”. Hồi xưa nhà vua chịu nhục ở Cối Kê, tôi sở dĩ chưa chết là còn phải trả
thù. Nay đã rửa được nhục rồi, tôi xin chết theo tội ở Cối Kê!
Câu Tiễn nói:
- Ta đương sắp chia nước này cùng cai trị với nhà ngươi! Không nỡ
giết nhà ngươi! …
Phạm Lãi nói:
- Vua có lệnh vua thì tôi có ý tôi.
Bèn soạn gói các châu ngọc và các của cải nhẹ cùng với đày tớ
riêng xuống thuyền ra biển đi suốt đời không trở lại nữa. Thế rồi Câu Tiễn nêu
núi Cối Kê để làm ấp bổng lộc cho Phạm Lãi.
Phạm Lãi cùng đi biển sang Tề, đổi họ tên, tự gọi là Chi Di Tử Bì,
cày ruộng ở bờ biển, khổ thân cố sức, cha con cùng lo làm ăn. Ở không được bao
lâu, của có đến hàng mấy chục triệu. Người nước Tề nghe ông hiền, mời làm tướng
quốc. Phạm Lãi ngậm ngùi than rằng:
- Ở nhà thì có hàng nghìn lạng vàng, làm quan thì đến công, khanh,
tướng quốc, kẻ áo vải được thế là tột bậc rồi, giữ mãi cái tiếng tăm lừng lẫy
là không tốt!
Bèn trả ấn tướng quốc, đem tất cả tài sản cho bạn bè, làng xóm.
Chỉ mang những của thật quý, lẻn đi.
Phạm Lãi dừng lại ở đất Đào, cho nơi đó là ở giữa thiên hạ, tiện
đường đổi chác, buôn bán để làm giàu. Phạm Lãi bèn tự gọi mình là Đào Chu Công
(Đoạn 4 - Phạm Lãi sang đất Tề, rồi sang đất Đào).
Chu Công ở Đào, sinh người con út. Khi người con út đã lớn, người
con trai thứ hai của Chu Công giết người, bị tù ở Sở. Chu Công nói:
- Giết người, bị chết là đáng rồi! Nhưng ta nghe nói, “Con nhà
nghìn vàng không chết ở chợ.”
Liền bảo người con út sang xem sự việc ra sao. Ông ta lấy nghìn
nén bạc bọc vào trong túi đựng quần áo vải thô, chở bằng xe bò, định sai người
con út đi. Con trai cả của Chu Công cũng cố xin đi. Chu Công không nghe. Người
con cả nói:
- Con cả trong nhà được gọi là kẻ coi sóc việc nhà, nay em có tội
cha chẳng sai con, lại sai em út đi, thế con là đứa con hư!
Người con cả toan tự sát. Người mẹ nói hộ cho anh ta:
- Nay ông sai thằng út đi thì chưa chắc đã cứu sống được thằng thứ
hai, mà trước tiên vô cớ giết mất thằng cả! Biết làm thế nào?
Chu Công cực chẳng đã, phải sai người con cả đi. Ông viết một
phong thư đưa cho người bạn cũ là Trang Sinh và dặn rằng:
- Khi con đến thì dâng một nghìn lạng vàng vào nhà Trang Sinh, mặc
ông ta làm. Nhất thiết không được tranh cãi với ông ta trong việc này.
Người con cả khi đi cũng tự mang theo riêng vài trăm nén vàng sang
Sở …
Trang Sinh nhà ở kế ngoại thành. Người con cả phải lách lau cỏ mới
tới cửa, thấy nhà có vẻ rất nghèo… Nhưng người con cả cũng đưa thư, dâng nghìn
vàng theo lời cha dặn.
Trang Sinh nói:
- Thôi! Anh hãy đi ngay đi! Chớ có ở lại! Dù em anh được ra cũng
chớ hỏi tại sao lại được tha.
Người con cả ra rồi, không đến nhà Trang Sinh nữa, mà ngầm ở lại,
lấy của mình đem dâng cho một quý nhân có quyền thế ở Sở. Trang Sinh tuy ở một
xóm nghèo khổ, nhưng cả nước đều nghe tiếng ông thanh liêm và chánh trực. Từ
vua Sở trở xuống đều tôn làm bậc thầy. Khi Chu Công đưa vàng, không phải ông ta
có ý muốn nhận. Ý ông ta chỉ muốn khi xong việc sẽ đưa trả để làm tin mà thôi.
Cho nên khi vàng đưa đến, Trang Sinh bảo vợ:
- Đây là vàng của ông Chu. Nhỡ tôi không sống được cách đêm thì
thế nào cũng phải đưa trả, chớ có động đến!
Nhưng con cả Chu Công không biết ý ông ta, cho ông ta chẳng có thế
lực gì.
Trang Sinh thong thả ra mắt vua Sở, nói:
- Có nơi sao… mỗ đóng ở chỗ…mỗ, cái đó hại cho nước Sở …
Vua Sở vốn tin Trang Sinh liền hỏi:
- Giờ biết làm thế nào?
Trang Sinh nói:
- Chỉ có cách dùng đức mới trị được nó.
- Thầy về nghỉ! Qủa nhân sẽ làm theo.
Nhà vua liền sai sứ giả niêm phong ba kho tiền.
Quý nhân nước Sở kinh ngạc bảo người con cả Chu Công:
- Nhà vua sắp đại xá.
Người con cả Chu Công nói:
- Làm sao biết?
- Mỗi lần nhà vua sắp đại xá thường cho niêm phong ba kho tiền.
Chiều qua nhà vua sai sứ đi niêm phong.
Người con cả Chu Công nghĩ rằng: nếu đại xá thì em mình thế nào
cũng được tha. Anh ta tiếc nghìn vàng đem cho lão Trang Sinh, thật là mất toi,
bèn lại ra mắt Trang Sinh. Trang Sinh giật mình nói:
- Anh chưa về ư?
Người con trưởng nói:
- Thưa vẫn chưa ạ! Trước kia vì việc thằng em, nay thằng em may
mắn được hưởng lệnh đại xá, cho nên lại đây chào cụ để về.
Trang Sinh biết ý anh ta muốn lấy lại vàng, liền nói:
- Anh vào nhà trong mà lấy vàng.
Người con trưởng tự vào nhà lấy vàng ra. Trang Sinh xấu hổ vì bị
đứa trẻ con mua chuộc, bèn vào yết kiến vua Sở, nói:
- Tôi trước kia có nói về ngôi sao … mỗ. Nhà vua có nói sẽ sửa đức
để bổ cứu. Nay tôi ra đường đâu cũng thấy đồn rằng: đứa con nhà giàu ở Đào là
Chu Công, giết người bị giam ở Sở, nhà nó đem nhiều vàng bạc đút lót cho các
quan hầu nhà vua. Nhà vua không phải vì biết thương nước Sở mà xá đâu, chỉ vì
chuyện con Chu Công đó thôi.
Vua Sở cả giận, nói:
- Quả nhân tuy có kém đức thật, nhưng lẽ nào lại vì con Chu Công
mà phải ra ơn. Liền làm án giết con Chu Công. Hôm sau bèn ra lệnh đại xá.
Con cả Chu Công rốt cuộc lại đưa đám tang em trở về! …
Người mẹ và người làng đều lấy làm thương xót. Chỉ có Chu Công
cười một mình mà rằng:
- Ta đã biết thế nào nó cũng giết em nó! Không phải nó không yêu
em nó đâu, nhưng có một điều nó không thể chịu nổi. Nó từ nhỏ đã từng chịu khổ
cùng ta thấy việc làm ăn khó khăn, cho nên bỏ của thì tiếc! Trái lại, thằng em
nó đẻ ra đã thấy ta giàu. Nó chỉ biết cưỡi xe bền, giong ngựa tốt, theo đuổi
cầy cáo, nào biết của cải do đâu mà có, cho nên phung phí tiền một cách dễ
dàng, chẳng tiếc rẻ gì. Trước đây, sở dĩ ta sai thằng út đi, chỉ là vì nó biết
coi thường tiền bạc đó thôi! Thằng cả thì không biết thế, vì vậy mà giết chết
em nó. Lẽ đời là thế, có gì đáng thương. Ta ngày đêm vẫn đợi nó đưa đám tang
về!
Cho nên Phạm Lãi ba lần đổi chỗ ở mà thành danh trong thiên hạ.
Không phải ông ta chỉ bỏ đi một cách dễ dàng, và thế là hết. Ông ta ở đâu, là
nổi danh ở đấy. Sau già chết ở Đào, cho nên đời truyền tụng gọi là Đào Chu Công
(Đoạn 5 – Câu chuyện về người con Phạm Lãi bị giết).
5. Thái Sử Công nói, “Công lao của vua Vũ thực là to lớn! Dẫn nước
cho chín con sông, làm chín châu có thể ở được, đến nay tất cả mọi người đều
sống yên ổn. Con cháu của ông là Câu Tiễn nhọc công, khổ xác, cuối cùng tiêu
diệt được nước Ngô mạnh, phía bắc cho quân đội vào xem Trung quốc để tôn nhà
Chu, được danh hiệu là bá vương. Câu Tiễn chẳng đáng gọi là hiền sao? Đó cũng
là cái vinh quang sót lại của vua Vũ vậy. Phạm Lãi ba lần dời chỗ ở, đều nổi tiếng
tăm để lại đời sau. Vua và tôi đều như vậy, thế nào mà chẳng vinh hiển?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét