Thứ Hai, 10 tháng 7, 2023

HƯƠNG RỪNG CÀ MAU - SƠN NAM




HƯƠNG RỪNG CÀ MAU - SƠN NAM


“...Năm tháng đã đi qua
Day dứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thố
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.”

(Sơn Nam - Hương rừng Cà Mau)

Không lâu nữa là tròn 9 năm ngày nhà văn Sơn Nam tạ thế, hóa thành hạt bụi bay về nơi quê cha đất tổ, bài viết này hy vọng được là nén nhang trầm cúi mình ghi nhớ một con người suốt đời đi tìm, góp nhặt những cái tinh túy của mảnh đất Nam bộ thương yêu.


____________

Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài, chữ Sơn trong bút danh Sơn Nam là một họ phổ biến của người Khome, ông đã sử dụng chữ “Sơn” này để tưởng nhớ một người phụ nữ Khome đã từng cho ông bú mớm thuở nhỏ, chữ “Nam” có nghĩa là phương Nam, vùng đất Nam Bộ mà ông đã sinh ra, lớn lên và luôn đau đáu nhớ về dù có ở cách xa mấy đi nữa.


Sơn Nam sinh năm 1926, tại huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Gía (nay là tỉnh Kiên Giang). Cuộc đời ông tham gia các hoạt động cách mạng cũng như các hoạt động văn hóa nghệ thuật rất nhiều. Kể từ 1954 trở đi, ông tham gia công tác ở các tờ báo lớn, bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bắt giam ở nhà lao Phú Lợi. Sau khi ra tù, ông tiếp tục công việc viết báo và khảo cứu văn hóa ở Nam Bộ. Rất nhiều tác phẩm của ông xuất bản được đông đảo độc giả đón nhận, trong đó Hương rừng Cà Mau là tác phẩm nổi bật đã đưa tên tuổi của ông lên một vị thế quan trọng trong nền văn học nước nhà.

Năm 1962, tuyển tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau của ông được xuất bản lần đầu tiên bởi nhà xuất bản Phù Sa,lần lượt sau đó là nhà xuất bản Lá Bối năm 1967, nhà xuất bản Trí Đăng năm 1972 và kể từ năm 1997, nhà xuất bản Trẻ đã thu mua toàn bộ bản quyền của ông. Từ 1977 đến nay, quyển sách Hương rừng Cà Mau luôn được xuất bản đều đều và là một trong những cuốn sách bán chạy với hơn 10.000 bản in. [1]

Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi về tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau đem lại thành công cho ông đã xuất bản trong một khoảng thời gian khá tế nhị ở Sài Gòn, Sơn Nam đã cho rằng “Đó cũng là cơ duyên của tôi. Bởi, nếu Hương rừng Cà Mau xuất bản khoảng năm 1972 thì chẳng những không có tiếng tăm gì, mà anh em trong chiến khu sẽ còn hiểu lầm là Sơn Nam tán dương cho chiêu bài "xây dựng nông thôn" của chế độ Sài Gòn! In vào năm 1962 nhưng Hương rừng Cà Mau được viết từ năm 1958 - 1959, giai đoạn mà anh em kháng chiến bị truy lùng, đàn áp. Nó đã gợi lên trong lòng người hào khí của thời khai hoang, mở đất, chống Pháp”.[2]


Hương rừng Cà Mau là tuyển tập gồm 64 truyện ngắn viết về vùng đất Nam Bộ [3]. Xuyên suốt cuốn sách là những mẩu chuyện về đời sống hằng ngày của người dân đã được Sơn Nam quan sát, góp nhặt lại thành cả kho tàng quý giá. Các truyện ngắn trong Hương rừng Cà Mau có thể được chia theo hai chủ để chính, đó là chủ đề về con người Nam Bộ trong quá trình chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt, trong chủ đề này gồm những truyện ngắn tiêu biểu như: Bắt sâu rừng U Minh Hạ, Cao khỉ U Minh, Cái tổ ong, Con sấu cuối cùng, Con heo khịt, Giấc mơ ngoài bãi tha ma, Hai con cá, Một cuộc bể dâu, Mùa len trâu, Ruộng Lò Bom, Sông Gành Hào, Tháng chạp chim về ... Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh điển hình của thiên nhiên Nam Bộ trong chủ đề này, đó là khung cảnh: “sấu ở giữa rừng nhiều như trái mù u chín rụng” trong Bắt sấu rừng U Minh Hạ, là những con ma “ở truồng, bỏ tóc xõa, đứng trên ngọn cỏ mà múa” trong truyện ngắn Miễu Bà Chúa Xứ, hay chỉ đơn giản là khung cảnh đồng ruộng trong mùa nước nổi hiện lên như một cách xám xịt và mờ ảo trong Mùa len trâu, Một cuộc bể dâu...

Thiên nhiên khắc nghiệt là cũng một nguyên nhân làm nên tính cách, và lối ăn ở của con người Nam Bộ, chủ đề thứ hai trong Hương rừng Cà Mau đó là bức tranh đời sống của cư dân Nam Bộ, mối quan hệ giữa người với người, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa được Sơn Nam thể hiện qua những truyện ngắn tiêu biểu như: Anh hùng rơm, Ăn to xài lớn, Bà đầm Phô-xi-đông, Bà vợ thứ 10, Bác vật xà bông, Bốn cái ngu, Bức tranh con heo, Cái vali bí mật, Cậu Bảy Tiểu, Cây Huê Xà, Con Bảy đưa đò, Con Trích Ré, Đảng Ánh Buồm Đen, Một kiểu anh hùng, Ngôi mộ chôn đứng, Tình nghĩa giáo khoa thư... Họ là những con người có tính tình hiệp nghĩa, sẵn sàng ra tay giúp đỡ người khác mà không cần nhận lại ân nghĩa. Đó là ông Hai Tước - một bậc thầy ăn trộm - đã bày cách cho thằng Nậu tàng hình, ăn trộm giấy đất hương hỏa mà bà vợ thứ mười của ông đã ép thằng Nậu lấy. Đó cũng là ông Hai Kiểm chấp nhận lãnh đủ bốn cái ngu của đời trong câu nói: “ Ở đời có bốn cái ngu/ Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”. Không chỉ có những câu chuyện tình đẹp được đâm hoa kết trái, còn có những mối tình đơn phương từ một phía như câu chuyện của dì Bảy trong, Con Bảy đưa đò chỉ với ba chữ “một tấm lòng” mà dì đã dành cả thời tuổi xuân để chờ đợi người đàn ông lạ mặt quay lại.



Với Sơn Nam, thiên nhiên trong văn của ông không đơn thuần chỉ là phương tiện để miêu tả cái đẹp, cái tài trí của người cầm bút và con người Nam Bộ. Thiên nhiên ở Nam Bộ không chỉ đẹp về hoa thơm, cỏ lạ một cách nhẹ nhàng mà nó lại như một cô gái bí hiểm, thông minh và sắc sảo, “cô gái Nam Bộ” này sẵn sàng nuốt chửng những người bội bạc, quên lời thề ân nghĩa với mình một chút không thương tiếc bằng rất nhiều cách khác nhau.

Dưới góc nhìn sinh thái, Mác đã từng khẳng định: “giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người. Đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền khắng khít với giới tự nhiên vì con người là bộ phận của tự nhiên” [4]. Con người và thiên nhiên luôn tác động lẫn nhau, bổ sung cho nhau trong quá trình tồn tại . Điều đó cũng tương tự như việc con người Nam Bộ một mặt phải chiến đấu, chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt, một mặt lại phải ra sức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ chính nguồn sống của mình. Người ta chinh phục là để hòa hợp, là để sinh tồn và là để bảo vệ những nhành cây, ngọn cỏ, từng con chim, con trâu xung quanh mình.


Trong truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ, Sơn Nam cho thấy con người đã phải nỗ lực vươn lên chống chọi với thiên nhiên hung tợn, đánh đổi cả mạng sống của mình trên con đường khai hoang lập địa. Số người bị sấu bắt nhiều không biết bao nhiêu mà kể xiết. Đau đớn nhất là trong Con sấu cuối cùng, cô dâu trong ngày vu quy lại bị sấu bắt, thân thể dần chìm xuống lòng sông bởi con ác thú. Mảnh đất hùm tha sấu bắt này độc địa như vậy, ấy mà con người ta lại thương, không nỡ rời bỏ nó, nói như chú Tư Lập trong Hương rừng: “Hương rừng có ma lực quyến rũ. Lúc mới đến ở thì vui, ở lâu lại sanh buồn. Xa cách lâu ngày đâm ra nhớ không nguôi, không trở lại không được”

Trong tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau, ông không chỉ nói về chuyện con người ta xui rủi làm mồi cho sấu, cho hùm beo vì đơn thuần sấu hay hùm beo cũng chi là những loài động vật ăn thịt dữ tợn, đó là bản năng của chúng, mặc dù viết nhiều về việc con người ta đã bỏ mạng vì thú dữ nhưng ông có nói “Tuy thích ăn thịt người, loài sấu vẫn tìm cá làm nguồn thức ăn chính”. Thiên nhiên tuy khắc nghiệt nhưng vẫn rất hiền hòa, vẫn không quên ban thưởng cho những con người xứng đáng. “Nếu trúng mùa dưa thì 1 lời 10, họ tha hồ ăn xài hết tháng giêng, cờ bạc, đờn ca vọng cổ lai rai cho đến tháng 3 sa mưa”. Cuộc sống thoải mái cho phép người Nam Bộ có quyền tận hưởng thành quả của mình sau những tháng ngày lao động mệt mỏi, họ ngồi lại bên nhau, cùng nhâm nhi vài ba ly rượu đế, thưởng thức những con cá lóc nướng trui đang nằm trên lá chuối tươi mởn hay con cá sặc rằn to bằng cả bàn tay, xòa tươm mỡ. Xong xuôi rồi con người ta lại kể cho nhau nghe về chuyện đời xưa. Vùng đất màu mỡ như thế, nhưng không phải tất cả mọi người đều có ý thức trách nhiệm bảo vệ những gì mẹ thiên nhiên ban tặng.

Một trong đặc điểm trong các tác phẩm nói về sinh thái, đó là ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của con người cũng được nhà văn lồng ghép một cách khéo léo qua các truyện ngắn trong tuyển tập Hương rừng Cà Mau.

Ví như câu chuyện Hai con cá kể về ông lão Từ Thông làm nghề đánh cá, một đêm nọ ông đi câu tại mũi Hà Bá, vô tình gặp ma. Con ma đó ông gọi là ông chủ hang, đó là một ông cụ chừng hơn 60 tuổi đến giải cứu cho hai con cá chét mà ông lão Từ Thông vừa câu được. Ông chủ hang tức giận hỏi ông Từ Thông: “Lần này là lần thứ mấy rồi?”, “Tuổi trời còn dài. Sao lão chưa bỏ thói hư tật xấu?”, “Thử hỏi nếu có người đem lưỡi câu móc vô miệng lão rồi giựt lên, rồi lụi cây vào bụng mà nướng...lão vui không?”. Nói xong ông tạt rượu vào bếp lủa đang cháy, theo thứ ánh sáng diệu kì tỏa ra từ bếp lửa rồi biến mất cùng hai con cá. Chuyện sẽ không có gì để bàn cãi khi lão Từ Thông không vào khu vực linh thiêng của Hoàng tử Nhựt để đánh bắt.[5] Việc vô ý thức này đã được Sơn Nam miêu tả lại bằng những yếu tố kì ảo, hoang đường, ông đã truyền tải những vấn đề thuộc về bảo tồn sinh thái và cả nhân sinh quan vào trong những truyện ngắn của mình. Hay là trong câu chuyện Con trích ré, vì muốn trả thù cho con chim yêu quý đã bị ông phó tham biện vặn cổ chết, bé Kiều đã quyết làm một việc mà cha nó sợ nhất, nó muốn cha nó phải khóc cũng như nó đã khóc vì mất con chim Trích, nó không ngần ngại mà nhảy xuống hồ nước để trốn cha nó, đến khi ông tổng Báu tìm thấy thì bé Kiều đã không còn nữa.

Những con vật nhỏ bé được nhà văn nâng niu từng chút một. Quan điểm “Thiên nhiên trừng phạt con người bằng cách biến mất” cũng được thể hiện trong các truyện ngắn Cao khỉ U Minh, con rắn Ri Voi...

Chuyện Cao khỉ ở rừng U Minh bắt đầu từ việc ông cai Thoại đến U Minh đánh cọp. Cọp chết rất nhiều, số còn sống sót thì chạy trốn về phía núi Tà Lơn bên Cao Miên, vùng U Minh không còn cọp nữa, loài khỉ sinh sôi nảy nở nhiều nghiễm nhiên làm chúa sơn lâm. Ấy vậy rồi người ta bắt đầu đi săn khỉ “ thợ săn đem khỉ về, đập đầu, lột da, mổ bụng, lóc thịt để lấy xương làm thuốc”. Khỉ nhiều là vậy, nhưng đó lại là chuyện của thời xưa, thời nay, khỉ đã hết, “những người thợ săn khỉ trở thành thợ nói chuyện đời xưa , giữa ban ngày mà đốt đèn sáp trong nhà”.

Đỉnh điểm là trong truyện ngắn Tháng chạp chim về. Sơn Nam đã lột tả được cái tàn ác của loài người trước thiên nhiên qua lời của ông Tư. Ông Tư ngậm ngùi kể lại chuyện Rạch Gía, Hà Tiên nổi danh là nơi tập họp của nhiều sân chim, nào là sân Cái Nước, sân Thầy Qươn, sân Thứ Nhứt... Chim bay về sinh sôi, nảy nở, ấy vậy mà người ta giết chúng, bẻ cổ từng con. “Hai chục người phải đối phó với chín mười ngàn chim bồ nông. Họ lanh lẹ lắm, tả xung hữu đột như Triệu Tử Long, Đương Dương Trường Bản, tay trái họ nắm cần cổ chim, tay mặt nắm đầu chim. Họ vặn lọi lại, chim chết không kịp ngáp. Giết rồi quăng xuống tại chỗ. Phải lanh tay lắm mới giết kịp. Để chậm trễ thì chừng mặt trời mọc, bầy chim lớn từ Biển Hồ sẽ chứng kiến cảnh tượng đẫm máu này. Chúng sẵn sàng đáp xuống chiến đấu một mất một còn với loài người để giải thoát cho đàn con”. Lông chim thì bán cho ghe buôn từ Hải Nam đến, họ mua về cốt yếu chỉ dùng để kết thành những cái quạt. Mỡ chim thì làm dầu, thịt chim ăn không hết thì người ta thảy cho quạ, cho diều. Đến nay, số lượng chim giảm hẳn, chỉ có một vài con chim như con “chim già sói” nhớ sân cũ hằng năm vẫn bay về.

Ở những truyện ngắn này, Sơn Nam không hề sử dụng những từ ngữ kêu gọi con người bảo vệ môi trường hay có trách nhiệm với thiên nhiên, thế nhưng thái độ phê phán và quan điểm của ông thể hiện rất rõ ràng. Đây cũng là một đặc điểm nổi bật của dòng văn học nói về những vấn đề sinh thái trong những năm 60-70 của thế kỷ 20 [6]. Trong Hương rừng Cà Mau, nhân tố trung tâm của tác phẩm không phải là con người, cũng không phải là thiên nhiên mà chính là sự hòa hợp của con người với thiên nhiên. Sơn Nam đã sử dụng hình ảnh con người để làm bật lên sự quan trọng của thiên nhiên Nam Bộ, ngược lại ông cũng đã sử dụng sự khắc nghiệt của thiên nhiên để tô vẽ cho hình ảnh của con người Nam Bộ.


Với phong cách ngôn ngữ chân chất và giản dị, đúng với phong cách của con người Nam Bộ. Sơn Nam đã kể về chuyện bẫy chim, bắt cá, nuôi ong... một cách khá nhiều kinh nghiệm và thú vị. Sơn Nam đã từng nói: “Tôi sinh ra ở vùng đất U Minh, nơi đó là những cánh rừng tràm bạt ngàn kéo dài từ Rạch Gía qua Sóc Trăng, Bạc Liêu, và đến tận Cà Mau. Tôi bắt đầu sự nghiệp viết lách vào năm 1955 trên văn đàn Sài Gòn, để từ đó có Mùa Len Trâu, Hương rừng Cà Mau được viết ra từ những kí ức quê nhà không bao giờ phai nhạt.”

Trong Hương rừng Cà Mau là cả một bầu trời thương nhớ mà Sơn Nam đã dành cho vùng đất Nam Bộ, con người và thiên nhiên Nam Bộ tuy qua nhiều thế hệ, qua nhiều ảnh hưởng của xã hội nhưng vẫn giữ được những bản chất đặc trưng riêng biệt của mình. Thời đại hiện đại hóa công nghiệp hóa ngày nay, Nam Bộ đã khoác lên mình một bộ cánh mới mẻ và hiện đại hơn, sẽ còn lại rất ít những người biết đến cây huê xà, biết đến cảnh tượng sấu ngụp lặn trong những đầm lầy, hay cảnh tượng len hàng trăm con trâu từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Nhờ có Hương rừng Cà Mau, mà chúng ta có thể biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về văn hóa, lối sống, tập tục, thiên nhiên của Nam Bộ. Năm 2003, đạo diễn Nguyễn Võ Minh Nghiêm đã khởi quay bộ phim điện ảnh Mùa Len Trâu dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Sơn Nam, bộ phim truyền hình cùng tên Cây huê xà của đạo diễn Xuân Cường cũng được phát sóng. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng quan trọng của Sơn Nam không chỉ trên văn đàn học thuật mà còn ở cả bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Tuy đã ra đi nhưng những giá trị văn học nghệ thuật Sơn Nam mang lại cho nước nhà vẫn còn sống mãi trong lòng mọi người, đúng như điều ông đã từng khẳng định: “ không có người miền Nam mà chỉ có người Việt Nam”.

Tú Quỳnh



[1] Xem thêm tiểu sử nhà văn Sơn Nam tại :


[2] Xem thêm bài viết Những điều ít biết về nhà văn Sơn Nam của Phan Hoàng đăng trên thanhnien.vn ngày 15/8/2008


[3] Theo tập truyện Hương rừng Cà Mau tái bản lần thứ 7 của nhà xuất bản Trẻ in năm 2016.


[4] Quan điểm duy vật biện chứng về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong bài viết “Nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa con người với tự nhiên - cơ sở quan trọng của việc giáo dục môi trường ở Việt Nam hiện nay” của Đỗ Thị Hiện tại http://daihocxanh.hoasen.edu.vn/ ngày 23/4/2012


[5] Nguyên bản là Sơn Nam viết theo lời lão Từ Thông là Hoàng Tử Cảnh, nhưng sau đó ông có đính chính lại là Hoàng tử Nhựt, con trai của vua Gia Long, anh em của hoàng tử Cảnh đã chết yểu tại đảo Phú Quốc.


[6] Xem thêm bài viết : “Văn học sinh thái và lý luận phê bình sinh thái” tại http://www.dovanhieu.net/ ngày 30/ 8/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét