Thứ Năm, 13 tháng 4, 2023

Tác phẩm nổi tiếng có thể bạn không biết

Tác phẩm nổi tiếng có thể bạn không biết

Tác giả Willow Wằn-Wại



1. Bức The Accolade (tạm dịch: Phong Tước) của Edmund Leighton. Ông này vẽ rất nhiều bức theo chuẩn mực tranh in lịch và treo tường của mọi gia đình: khung cảnh nên thơ, người trong tranh ai cũng đẹp, nội dung cũng đẹp và đa phần là lãng mạn. Tranh ông có sự pha trộn giữa tính lãng mạn, phong cách pre-Raphaelite và cũng mang tính học thuật. Ông là một trong những họa sĩ hiếm hoi sống tốt nhờ bán tranh, dù thật ra đúng ra ông nên xứng đáng được biết đến nhiều hơn vì tranh của ông hầu như ai cũng từng thấy một lần.
Ví dụ như bức Accolade này toàn được dùng để minh họa cho Guinevere, vợ của vua Athur trong khi thực sự ông tác giả có bao giờ nói ông ý vẽ ai đâu, các nhân vật trong tranh của ông ấy đa phần là vô danh.
Ở VN thời 90' các tranh pre-Raphaelite (nhất là của John Waterhouses) với cả tranh của Edmund Leighton in cực nhiều trên lịch rồi mấy đồ trang trí bé bé rồi tranh treo trong nhà và khách sạn, v.v...






2. The Ambassador (tạm dịch: Đại Sứ). Nếu bạn từng biết đến Nữ hoàng đồng trinh Elizabeth I thì bức hoạ này ra đời cùng năm bà sinh ra.
Ngoại trừ rất nhiều biểu tượng và hình ảnh mang tính biểu tượng không cần bàn cãi, bức tranh này có 2 điều ẩn giấu: 1 là hình méo mó ở giữa tranh vốn là phiên bản vẽ méo của 1 cái đầu lâu (nghiêng điện thoại/ màn hình để nhìn thấy rõ hình đầu lâu) và 2 là bức tượng Chúa lộ ra ở mép rèm.
Do tranh quá bé nên khuyên mọi người nên lên google tìm tranh to mà soi kỹ. Có rất nhiều thứ mà hoạ sĩ đã vẽ kỹ càng: tỉa lông áo choàng cho vị đại sứ, những dụng cụ đo thời gian, cây đàn bị đứt mất một dây, những đường chỉ thêu chìm đắt tiền trên áo vị tu sĩ, quả địa cầu với bản đồ Pháp nhưng Paris đã bị cố tình ghi thành Baris, hay 2 bản nhạc ngợi ca Chúa được chép trong trang sách rõ từng nốt nhạc và lời nhạc, v.v...
Holbein Con là hoạ sĩ rất được yêu thích thời Phục Hưng, ông người Đức nhưng được hoàng gia Anh rất yêu thích. Nếu bạn google tìm Henry VIII, vị vua nổi tiếng vì có tận 6 bà vợ và con chém đầu kha khá bà, thì kết quả hình ảnh đầu tiên trả về chính là tranh của Holbein Con. Ông này có cha cũng là hoạ sĩ nổi tiếng nên gọi Holbein Cha và Con để phân biệt.
Tranh ông luôn lồng rất nhiều biểu tượng và ẩn ý. Giữa những cái "không thật" đó lại nổi bật lên sự chi tiết trong nét vẽ và mức độ chân thật của nhân vật được khắc hoạ, bao gồm cả râu tóc, ánh mắt lẫn trang phục trên người. Thêm vào đó là kỹ năng "cà da" như dùng app mà ông học hỏi kha khá từ Leonard da Vinci. Một sự kết hợp hoàn hảo giúp ông được lòng giai cấp quý tộc và cả nhà vua.






3. Sự Ra Đời của Thần Vệ Nữ, vẽ bởi Sandro Botticelli.

LẦN ĐẦU TIÊN trong lịch sử mỹ thuật Tây phương thời hậu cổ đại, một cơ thể phụ nữ khoả thân là chủ thể của một bức tranh. Cũng có khả năng rất cao là lần đầu tiên cơ thể phụ nữ được thể hiện với nội dung nêu cao cái đẹp thay vì chỉ có tác dụng thoả mãn nhu cầu, sở thích nhục dục của người xem.

Tất cả các nhân vật trong tranh đều không có bóng (Venus có một chút ít bóng ở dưới bàn chân) và các tỷ lệ, động tác, dáng đứng vô thực không trọng lực, tạo nên một khung cảnh kỳ ảo, nhẹ nhõm như mây trời. Botticelli còn dùng vàng thật để highlight, làm sáng những chi tiết như tóc, ánh sáng, v.v...

Nói về Botticelli mình nói cả ngày cũng được, nói chung ai chưa biết nên tìm hiểu đi huhu đỉnh lắm. Ông có thể được coi là hoạ sĩ nổi bật và tiên phong giai đoạn Đầu Phục Hưng. Một điều đặc biệt trong các tranh của Botticelli đó là việc vẽ tóc như trang phục và trang sức, đây là dấu ấn rất riêng, xem rất thích.

Nguồn gốc, biểu tượng của tranh này thì vẫn còn gây tranh cãi dù nàng Vệ Nữ của Botticelli xuất hiện ở đủ mọi nơi, cả bố cục, dáng đứng huyền thoại (Venus của La Mã vốn nằm trên vỏ sò chứ không đứng) lẫn việc mọi người sau này cứ auto cho rằng Venus thì tóc vàng, và đi từ dưới biển lên thì không mặc đồ. Cứ google Birth of Venus thì chắc chắn kết quả đầu là ra tranh này. Ngoài ra bức này cũng được vẽ trong truyện Doraemon.



4. Mona Lisa của bảo tàng Prado, Tây Ban Nha. Đây là bản sao gần như là 1:1 được học trò/ thợ học việc thực hiện, vẽ cùng một mẫu, dùng cùng một loại màu, cùng kỹ thuật, cùng thời gian và cũng do chính danh hoạ chỉ đạo, giám sát. Thậm chí bức tranh này còn vẽ song song với bức Mona Lisa gốc. Nghĩa là nếu hôm nay anh Leonardo tẩy cái này đi vẽ lại thì một hoạ sĩ bên cạnh cũng làm vậy y hệt cùng lúc đó.
Nhờ có bản vẽ song song này mà nhiều bí ẩn của tranh gốc mới được tiết lộ. Ví dụ như màu sắc tươi tắn của bức tranh Mona Lisa ban đầu, những chi tiết siêu tinh tế đã mất đi theo thời gian do tự nhiên lẫn nhân tạo như lông mày, lông mi, v.v... (yea nàng có lông mày bình thường), ngoài ra còn có tính cách và phong cách giảng dạy của Leonardo: luôn cho phép học trò sử dụng kỹ thuật riêng và tự do thể hiện.
Tự Leonard khi vẽ cũng biết mình đã tạo ra một kiệt tác nên đã xù kèo khách hàng, xách bức gốc chạy qua Pháp chơi trò xây lâu đài cho Francis, nhờ vậy Pháp có bức tranh nổi tiếng nhất thế giới để bày. Còn không biết ông khách hàng có nhận được bức copy để an ủi không, hy vọng là có chứ không chắc tức chết.



5.  Chàng Hylas và các nàng tiên, vẽ lại một tích trong thần thoại Hy Lạp khi chàng Hylas điển trai - người tình của Héc Quyn - vào rừng lấy nước và bị các nàng nymph giữ làm của riêng mãi mãi. Đọc bản Thần Thoại Hy Lạp bìa vàng thời năm 2000 mình nhớ có chi tiết là điều này đã khiến cho Héc Quyn rất đau khổ.

Như đã nói ở phần 1, vì 1 lý do nào đó mà các tranh Pre-Raphaelite tương đối phổ biến ở Việt Nam hơn các tác phẩm hội hoạ khác thời những năm 90, có lẽ vì khung cảnh thần tiên dễ làm đẹp nhà cửa, ảnh lịch. Và bức tranh này mình đã thấy ở nhà hàng xóm khi mới 6 tuổi. Các nàng tiên xinh đẹp nhưng trần như nhộng, đối lập với màn nước đen ngòm đầy nguy hiểm cực kỳ ấn tượng, từ bé là đã muốn nói chú gì ơi đừng có nhảy xuống chú ơi :((

Nhắc đến Pre-Raphaelite thì đầu luôn luôn tự động nảy số tên của John W. Waterhouse. Nếu so sánh với 1 cái tên cũng nổi bật thời đó là Rossetti thì các nhân vật nữ của John W. Waterhouse dù thoát khỏi cái bóng Phục Hưng cứng nhắc, vẫn có một nét đẹp bình dị quen thuộc. Chủ đề trong tranh của cụ Waterhouse cũng đa phần là thần thoại Hi-La và các nội dung câu chuyện về vua Arthur.

Năm 2018, khi phong trào Me Too đang phát triển mạnh mẽ, nhiều người đã phàn nàn về cách các hoạ sĩ xưa dùng cơ thể phụ nữ chỉ nhằm khai thác khía cạnh nhục thể. Các giám tuyển (curator) ở bảo tàng Manchester Art Gallery bị nghe chỉ trích ngứa tai quá nên đã quyết định gỡ phéng bức Hylas bị quây bởi 7 nàng tiên (không phải yêu nhền nhện), chỉ để lại một chỗ trống trên tường. Khách tham quan có thể ghi ra ý kiến rồi dán vào chỗ trống đấy. Đa số kêu gọi cái nhìn đa chiều vào nghệ thuật và hãy để nghệ thuật là nghệ thuật. 1 tuần sau, cảnh Hylas bị một bầy gái đẹp dụ đã trở về chỗ cũ.





6. Mùa Xuân (hoặc Xích Đu) của hoạ sĩ Pierre Auguste Cot thuộc trường phái Hàn Lâm. Nghe có vẻ khô như ngói nhưng trường phái này mang sự kết hợp của Tân Cổ Điển và Lãng Mạn, truyền tải câu chuyện và đồng thời mang hàm ý nhân văn, không sáo rỗng hay cứng nhắc. Cặp tình nhân không tên xinh đẹp như hotgirl hotboy được vẽ phỏng theo hình ảnh trong thần thoại Hi-La, đang chơi đùa trong khu rừng thần tiên. Cách diễn tả ánh sáng từ trước ra sau làm sáng bừng gương mặt trong sáng của cô gái với nụ cười và ánh mắt hoàn toàn chìm đắm trong tình yêu lãng mạn. Nhẹ nhàng, bình yên, không xôi thịt hay drama, hai người đang tận hưởng thế giới riêng của mình.
Tại sao các trường phái sau này hay được đánh giá là "nhân văn"? Là vì nó tập trung hơn vào con người, những tình cảm, cảm xúc và cái đẹp của con người, thay vì hoàn mỹ hoá và đóng khung vào những hình ảnh vĩ đại lạnh lùng thần thánh nào đó.
Cụ Pierre vẽ đa số tranh chân dung nhưng những bức toàn thân hiếm hoi của cụ thì trớ trêu thay mới là những bức nổi tiếng nhất, thậm chí tụi nó còn bị cuốn vào vòng xoáy drama. Ví dụ như bức The Storm vẽ cặp tình nhân chạy bão khi đem đấu giá ở Sotherby's còn bị chơi xấu dìm giá khiến giá tranh bán ra thấp thảm hại so với dự định ban đầu.



7. Người Đàn Bà Xa Lạ của Ivan Kramskoi. Với thế hệ du học sinh Soviet thì khả năng bắt gặp bức tranh/ảnh này là rất cao. Báo chí Việt Nam giấy lẫn mạng không ít bài cố gắng phân tích hay kể một câu chuyện về lai lịch của người đàn bà bí ẩn này. Bà là ai thì không ai biết, và tác giả cũng không tiết lộ, cho nên khi tranh mới ra mắt còn bị tẩy chay vì nghi ngờ bức này vẽ gái làng chơi.
Ivan Kramskoi không sử dụng nhiều màu sắc đa dạng mà luôn có tông màu chủ đạo, nên nhiều người đánh giá tranh cụ có cả giá trị điện ảnh trong đó. Là hoạ sĩ theo trường phái nghệ thuật hiện thực, cụ luôn tái hiện những gì chân thực nhất, tự nhiên nhất và coi đó là cái chân lý, là mỹ học thực thụ, ví dụ như bức hoạ này, là một khoảnh khắc trên đường khi người xem tranh ngẩng nhìn chiếc xe ngựa và vô tình chạm mặt một người phụ nữ nào đó. Cách "bắt" khoảnh khắc đời thường rất sống động nhưng vẫn rất đẹp đẽ, không cần dàn dựng hay tô vẽ thêm. Tất nhiên đi kèm với những nét vẽ chi tiết, mô tả chất liệu, màu sắc từng vật thể trong tranh.
Cuộc đời cụ là một câu chuyện "con nhà người ta": bố mất sớm, học sinh nghèo vượt khó, làm cách mạng tại trường đại học (mà vẫn học giỏi), sau mở trường riêng, trở thành hoạ sĩ yêu quý của Sa Hoàng.
Bức Người Đàn Bà Xa Lạ này cũng là một trong những bức hoạ nổi tiếng nhất của Nga, hay được đem ra làm bìa sách cho cuốn Anna Karenina, đôi bạn cùng tiến đưa nghệ thuật Nga ra với thế giới.





8. Thiên Thần Sa Ngã của Alexandre Cabanel (chi tiết, tranh full dưới comment), thuộc trường phái Hàn Lâm. Như đã nói ở bức Xích Đu của Pierre Auguste Cot, trường phái Hàn Lâm nghe rất cứng nhắc nhưng thật ra lại không. Nó là sự kết hợp của cổ điển với thời kỳ lãng mạn, như trong trường hợp của Alexandree, sự ảnh hưởng từ hội hoạ Phục Hưng là rất rõ rệt, nhưng cách khai thác và thể hiện đã thoát khỏi cái khung cứng nhắc mà thay vào đó là sự đột phá cả về nội dung truyền tải lẫn cách thể hiện.
Lần đầu tiên bức tranh một nhân vật ác quỷ (ở đây là Lucifer) được trình lên học viện hàn lâm. Cơ thể của nhân vật trong tranh vô cùng đẹp đẽ, tới mức quyến rũ. Các thớ cơ căng cứng lộ sự căng thẳng (và cả nét đẹp hình thể). Trên hết là biểu cảm trào dâng trong ánh mắt. Đẹp tựa thiên thần nhưng trong lòng đầy thù hận, đó chính là ác quỷ. Giờ google là ra 7749 cái fanfic với fanart vẽ chuyện tình với các anh quỷ đẹp trai. Phong trào lãng mạn hoá/bi kịch hoá phe phản diện nó bình thường tới vậy, một phần lớn là nhờ công của thời kỳ Lãng Mạn, với những cái tên như cụ Alexandre Cabanel đây (con cảm ơn cụ :))) ).
Lúc mới trình tranh này lên các thầy cô các ban ngành cũng sốc lắm. Học sinh xuất sắc của trường vẽ cái gì đây? Scandal kéo dài mãi về sau này. Nhưng cuối cùng thì thứ nằm lại vĩnh viễn luôn là thứ có giá trị đích thực. Cụ Alexandre ghi danh mãi mãi trong lịch sử hội hoạ phương Tây, góp phần đào tạo ra hàng chục hoạ sĩ xuất sắc khác, mà một trong số đó chính là Pierre Auguste Cot với bức Xích Đu mình nhắc ở phần 6. Thầy xịn trò cũng xịn, và trường phái Hàn Lâm cho ra đời rất nhiều tác phẩm đẹp, nên thơ mà vẫn giàu cảm xúc.


Xây dựng hình tượng Siêu nhân hiên ngang, hùng cường
là một trong những phần quan trọng nhất trong triết học Nietzsche.

9. Wanderer above the Sea of Fog/Mist (tạm dịch: Lãng khách trên biển sương) của hoạ sĩ Đức Caspar David Friedrich. Đương thời ông không hề nổi tiếng và đến cuối đời cũng ra đi trong cô đơn và bệnh tật. Bức tranh này nổi tiếng một phần vì nó được Đức Quốc Xã tận dụng để tuyên truyền. Dù đúng là Friedrich thể hiện quan điểm chính trị trong tranh ở chi tiết trang phục - thể hiện sự ủng hộ với Chiến Dịch Đức, một cuộc chiến chống lại liên minh của Napoleon, nhưng nó không liên quan gì đến Đức Quốc Xã hết.
Friedrich là hoạ sĩ thuộc trường phái Lãng Mạn, khi ông đề cao việc hoạ sĩ hoà quyện tâm tư của mình với thiên nhiên và qua phong cảnh thiên nhiên làm bật lên những suy nghĩ, quan niệm sống (nghe rất... tức cảnh sinh tình). Chứ không phải Lãng Mạn là chỉ vẽ tranh yêu đương nhé. Như trong bức tranh này, vách núi và biển sương vần vũ là những gì vĩ đại của tự nhiên, có sức mạnh lớn lao, và còn nhiều thứ được che giấu dưới lớp sương mù. Con người, ngược lại, bé nhỏ trước tự nhiên nhưng kiên định, thay vì sợ hãi thì ngắm nhìn những gì xảy đến. Ông là hoạ sĩ vẽ phong cảnh đại tài, và dành rất nhiều thời gian trong suốt sự nghiệp để vẽ tranh phong cảnh, qua đó cũng là cách thể hiện góc nhìn lẫn tâm sự của ông.




10. Samurai Dắt Mèo Đi Dạo. Trên mạng hay share bức tranh này với nhan đề dạng như từ thời cổ là người Nhật đã tuân phục mèo, loài mèo đã thống trị thế giới. Thậm chí có những người còn nhầm lẫn samurai Nhật với quân Mông Cổ và tưởng đây là tác phẩm thời Thành Cát Tư Hãn. Thực sự tranh nhìn có vẻ cổ chứ đây là tác phẩm hiện đại, cùng thời chúng ta. Tác giả series tranh này là Tetsuya Noguchi. Anh/chú này còn trẻ trung yêu đời lắm, vẫn đang tiếp tục sáng tác tranh, nặn tượng với hình ảnh và chủ đề samurai nhưng thêm những chi tiết hài hước như tạo dáng lạ, cải biên mũ giáp cho hề, v.v… mang đậm màu sắc lạc quan. ai quan tâm có thể lên amazon mua sách ảnh của chú ấy để ủng hộ nhé. Nhìn hề lắm.


11. The Wounded Angel (Thiên thần bị thương) của Hugo Simberg. Với ai là fan hay từng nghe bài Amaranth của ban nhạc symphonic metal Nightwish thì cảnh đầu của mv chính là phỏng theo bức hoạ này. Đây được coi là
bức tranh quốc dân của hội hoạ Phần Lan. Tác giả không giải thích kỹ bức tranh mà để người xem tự cảm nhận, nhưng tựu chung đa số đều đồng ý nội dung chính là sự buồn khổ bi thương nhưng cũng kèm theo một hy vọng không bao giờ tắt (những bông hoa trong tay thiên thần).




12. Nụ Hôn của Judas. Tông đồ phản bội đã mất đi vòng hào quang trên đầu khi bán đứng Jesus, trong khi đó Jesus nhìn thẳng vào hắn với đôi mắt không hề sợ hãi. Giotto di Bondone có thể coi như người đặt nền móng cho thời kỳ Phục Hưng. Trong bức bích hoạ này, các nhân vật đều được mô tả với độ “dầy”, sức nặng, hành động; ngoài ra các nhân vật che tầm nhìn của nhau tạo ra một chiều sâu trong phối cảnh. Giotto cũng chọn vẽ thời điểm ngay trước nụ hôn, khiến người xem có cảm giác như đang chứng kiến một khoảnh khắc và hồi hộp chờ đợi điều kế tiếp xảy ra.





13. Bắt cóc Proserpina. Diễn tả lại cảnh Pluto (Hades) bắt nàng Proserpina (Persephone) về làm vợ. Khi hoàn thành tổ hợp điêu khắc này, cụ Gian Lorenzo Bernini mới 23 tuổi. Cụ là bậc thầy trong việc thể hiện cảm xúc, cơ thể và đẩy mức kịch tính lên cao. Sự mềm mại và yêu kiều của Proserpina trộn lẫn với sự hoảng hốt của nàng (có cả giọt lệ trên khoé mắt) khiến người xem càng thương xót. Sau tác phẩm này cụ trở nên cực kỳ nổi tiếng và còn được so sánh với Michelangelo. Cụ Gian Bernini lắm tác phẩm nổi tiếng quá nên chắc còn post về cụ dài dài.


Bữa tối ở Emmaus

14. Bữa tối ở Emmaus, vẽ bởi Caravaggio. Kịch tích và đầy tính hành động, bức tranh diễn tả cảnh 2 vị tông đồ bị sốc khi nhận ra người lạ mặt trước mặt mình hoá ra chính là Chúa đã phục sinh. Người phục vụ ở phía sau thì do không có đức tin nên chả hiểu gì cả, và vì thế không cảm nhận được sự kỳ diệu của phép màu này. Giỏ trái cây ở mép bàn đang chực chờ rơi ụp xuống (nhưng vẫn không rơi). Một là để khiến người xem bị lừa đây là khung cảnh thực sự đang diễn ra và muốn chạy lại đỡ giỏ khỏi rơi. Hai là sự chênh vênh của cái giỏ chắc chắn không thể xảy ra ở hiện thực, nhận ra khoảng cách xa vời giữa người phàm và phép màu của Chúa.




Đọc thêm

https://twitter.com/ResimVesaire/status/1558735276331130883

https://universoracionalista.org/lisa-gherardini-a-face-enigmatica-por-tras-do-sorriso-de-mona-lisa/

2 nhận xét:

  1. Bài cùng tác gia
    Artemisia Gentileschi (bài 1): Vì sao lại vẽ Judith cắt đầu Holofermes? 21.
    http://soi.today/?p=239050

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Artemisia Gentileschi (bài 1): Vì sao lại vẽ Judith cắt đầu Holofermes?

      Xóa