Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Những ca khúc trong phim 'Hồng lâu mộng'

 Những ca khúc trong phim 'Hồng lâu mộng'



Nhắc đến Hồng lâu mộng, khán giả nhớ đến nàng Đại Ngọc mong manh, nhớ đến nàng Phượng “ớt” sắc sảo, và không thể nào quên những ca khúc sâu lắng, được sử dụng xuyên suốt bộ phim.


Đại đa số các bài hát được sử dụng trong Hồng lâu mộng đều được phổ lời dựa trên các bài thơ mà tác giả Tào Tuyết Cần đã viết. Nhưng quan trọng hơn cả, người viết nhạc và làm nhạc Vương Lập Bình đã thổi vào hồn thơ những nốt nhạc đầy tình ý và tâm huyết. Thơ và nhạc, dù được viết cách nhau hàng thế kỷ, vẫn như có thể hòa vào làm một. Các bài hát như Táng hoa ngâm, Uổng ngưng mi, Chung thân ngộ… đã trở thành những ca khúc kinh điển gắn với Hồng lâu mộng. Sau này, nhiều phiên bản khác của Hồng lâu mộng không thể có được âm nhạc đạt đúng chất của tác phẩm như thế.




Khúc mở đầu

Cách đây gần 30 năm, Hồng lâu mộng 1987 đến với khán giả và ngay lập tức gây ấn tượng mạnh bởi khúc nhạc mở đầu không lời. Đoạn nhạc Hồng lâu mộng dẫn khúc được tấu lên, lồng trong hình ảnh hòn đá chông chênh giữa đất trời, gợi cho người xem về nỗi cô đơn, chống vắng, bấp bênh và tàn lụi giữa cuộc đời. Đó cũng là tinh thần chung bao trùm lên toàn bộ tác phẩm Hồng lâu mộng.



Uổng ngưng mi

Uổng ngưng mi (Hoài công biết nhau) là ca khúc dành riêng cho hai nhân vật chính Bảo Ngọc và Đại Ngọc, nhạc Vương Lập Bình, lời thơ của Tào Tuyết Cần.

Cũng giống như nhiều ca khúc khác của Hồng lâu mộng, Uổng ngưng mi mang nỗi buồn mênh mang, da diết, nói về đôi tình nhân lỡ làng hữu duyên, vô phận. “Một bên hoa nở vườn tiên, một bên ngọc đẹp không hoen ố màu. Bảo rằng chẳng có duyên đâu, thì sao lại được gặp nhau kiếp này? Bảo rằng sẵn có duyên may, thì sao sau lại đổi thay lời nguyền?...” là những ca từ nói về mối tình của Bảo Ngọc – Đại Ngọc. Những tưởng cặp đôi thanh mai trúc mã sẽ nên duyên cầm sắt, nhưng vì những âm mưu toan tính, những áp đặt của lề lối phong kiến, mà kết thúc trong bi kịch.




Táng hoa ngâm

Táng hoa ngâm (Khúc hát chôn hoa) là ca khúc được sử dụng trong đoạn phim Đại Ngọc chôn hoa, khóc thương hoa – một trong những cảnh quay đắt giá nhất của Hồng lâu mộng.

Lời nhạc, ý thơ nhẹ nhàng, buồn mang mác khiến người xem không khỏi ngậm ngùi, thương những cánh hoa tàn, thương nàng Đại Ngọc mong manh, và cả phận nữ nhi long đong trong xã hội phong kiến. “Chôn hoa ai bảo mộng mơ, sau này ta chết ai là người chôn”… mang một sức ám ảnh lớn, khiến nhiều năm khán giả vẫn không thể quên được bài hát này.

Nhà soạn nhạc cho biết, trong số các ca khúc mà ông đã sáng tác cho Hồng lâu mộng, Táng hoa ngâm đã lấy đi của ông 1 năm 9 tháng để suy nghĩ, viết nhạc, làm bản phối và là ca khúc ông tâm đắc nhất.



Thông minh lụy

Thông minh lụy (Cái lụy thông minh) là ca khúc được phổ lời dựa trên bài thơ cùng tên mà Tào Tuyết Cần đã viết, nói về tính cách và số phận của nàng Vương Hy Phượng trong phủ nhà họ Giả.

Sắc sảo, thông minh, tài cán, nàng là hạng quần thoa nhi nữ mà không kém gì trang hải hán nam tử. Nhưng cuối cùng, trong vòng xoáy của xã hội phong kiến, nàng vẫn phải chịu một kết cục thương đau. Người đời tự hỏi, nếu nàng không thông minh như thế, liệu số phận của nàng sẽ ấm êm hơn?

“Việc đời tính rất thông minh; việc mình, mình tính phận mình vẫn sai… Vừa vui vẻ đã âu sầu, đời người biến đổi biết đâu mà lường…” lồng trong điệu nhạc buồn nhưng có phần mạnh mẽ hơn những ca khúc khác của Hồng lâu mộng, đã phần nào khắc họa rõ hơn tính cách, con người và số phận của nàng Phượng “ớt”.



Tình Văn ca

Tình Văn ca là ca khúc dành riêng cho nàng a hoàn sắc sảo, thông minh, sống trong bùn lầy, bị người đời hãm hại mà vẫn sáng mãi một tấm tình thanh bạch. Ca khúc có giai điệu trẻ trung, vui tươi hơn so với những bài hát khác, trong khi lời ca là bài thơ viết dành riêng cho nàng Tình Văn: “Trăng trong khó gặp, mây đẹp dễ tan; Lòng sao cao quý, phận lại hèn…”





Phân cốt nhục

Phân cốt nhục (Cốt nhục phân ly) là ca khúc làm nền cho cuộc đời của nàng tiểu thư khuê các Thám Xuân. Trong số các tiểu thư nhà họ Giả, Thám Xuân là cô gái thông thạo văn thơ, sâu sắc và cá tính, nhưng luôn mặc cảm với phận làm con vợ lẽ. Sau này, Thám Xuân bị gả đi lấy chồng xa, phục vụ những mục đích chính trị của thời phong kiến, vĩnh viễn không được gặp lại gia đình.

Phân cốt nhục được tấu lên trong trường đoạn Thám Xuân mặc áo tân nương, cúi lậy cha mẹ, lên thuyền đi xa, lòng đầy ai oán biết rằng đây sẽ là lần ra đi không có sự trở về trong cuộc đời nàng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét