Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

Không Ai Qua Sông

 

Nguyễn Ngọc Tư

Không Ai Qua Sông

Vực không đáy

Ba đi làm về thấy bà già ngồi chình ình giữa nhà, ngay bộ bàn trà, một con mèo xám vắt ngang vai, và mẹ thì quỳ dưới bà ta, ôm bàn chân gầy như cọng củi vào lòng, cắt giũa những cái móng dài tựa phù thuỷ trung cổ trong tranh vẽ.

Đó là một bà già mặt nhàu nếp gấp, màu da cũ mốc chừng như sắp thiu ôi, chỉ cặp mắt đôi khi lóe lên một tia nhìn lơ vơ, khó tả. Nó chẳng biểu lộ ý nghĩ nào ngoài việc phát ra tín hiệu còn chút sự sống trong cái xác khô khòng. Nghe tiếng ba bỏ giày ở cửa, mẹ vẫn không quay người nhìn, nói:

- Chồng con đó má. Ảnh đẹp trai hén!


Bà già không ra vẻ phản đối hay đồng tình, chỉ giương mắt đục ra ngó rồi lại tiếp tục lim dim tận hưởng sự nuông chiều, không một chút mặc cảm. Mẹ kể sáng đi chợ về thì thấy bà già đứng dựa cửa nhà đụt mưa, nhưng nước đã tạt ướt sũng ống quần, thấy tội nên mẹ mời bà vào nhà ngồi cho đỡ lạnh. Một hồi nghe thức ăn trong bếp dậy mùi, bà già kêu, “bây à, má đói”.

- Nghe thương đứt ruột.

Ba phát hiện rằng mẹ không chỉ cho má ăn, còn tắm táp, kỳ cọ, cho bà mặc quần áo của mình. Bộ đồ rách kia mẹ đem giặt, phơi trên sào, đã thôi rỏ nước. Kéo mẹ ra một góc, ba thầm thì, coi chừng dân trộm cắp bất lương. Mẹ cười, “má không làm vậy với mình đâu”. Chữ ʻmá ̓ làm ba không thốt nên lời.

Đêm đó mẹ nằm bên ba mà cứ bận tâm tới bà già với con mèo ngoài phòng khách. Không biết má nằm đất có bị đau mình không. Nghĩ má lạ chỗ ngủ không yên, mẹ ôm Bi và Quới ra ngủ chiếu với bà, cả bọn rầm rì quá nửa đêm. Không biết họ nói những gì mà bà già còn hứng chí ca, “sắm được sào dài sông bỗng cạn queo/mưa dầm nắng lửa mình ên chống chèo”. Giọng the thé, lẫn trong tiếng mèo phụ hoạ, nghe rợn.

Má ở lại một đêm rồi biến mất. Bộ đồ mẹ đưa má mặc đỡ cũng được xếp thẳng nếp, đặt trên ghế dựa. Không lấy đi bất cứ thứ gì, bà già còn để lại con mèo tên Chó. Mẹ buồn suốt cả tuần sau đó, cứ thắc thỏm không biết má đi đâu, đang giữa mùa mưa dầm dề. Nghe giọng bao dung như thể nếu bà già ở lại, mẹ sẽ nuôi luôn.

Khoảng thời gian ít ỏi bà già ghé qua, chẳng lưu lại gì ngoài những cọng tóc rơi trong phòng tắm, mà hôm sau khi làm công việc cọ rửa, mẹ đã dọn sạch. Sẽ giống một giấc mơ, nếu không có con mèo xám. Tính khí tự nhiên y hệt bà già, nó mạnh dạn đi lại trong nhà không một chút bỡ ngỡ, cả hành động nhảy vào nôi nằm dưới chân Bi ngủ, như quen thuộc lâu rồi. Tuyệt không thấy con vật ngó ra cửa trông chủ cũ, chừng như bụi mưa ngoài đó, mặt đường ướt nhoét làm nó ớn.

Bỗng dưng ba có cảm giác, bà già vẫn ở lởn vởn đâu đây, qua cách mẹ bồn chồn ngó mây kéo bầy, những lần đưa nhau đi chơi phố đột nhiên mẹ bảo ba dừng xe, gửi Bi lại để chạy theo một người nào đó, rồi trở lại với vẻ mặt thất vọng.

Một bữa bắt gặp con Chó (thật ra là mèo) đang thè lười liếm bột ăn dặm trên miệng Bi, ba nổi khùng kêu mẹ liệng con mèo (tên Chó) đi phứt cho rồi. “Đâu được, của má đó, biết đâu má lại về. tìm nó”, mẹ cười, xoa đầu con vật. Nghe giọng, khó biết mẹ đang nói về bà già lang thang, mà đến cái tên thật của bà ta mẹ cũng còn ngơ ngác.

Giây phút đó, ba tự hỏi, mình biết về người phụ nữ này được bao nhiêu?

Lần đầu gặp mẹ ở một cửa hàng giới thiệu sản phẩm của trung tâm nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi, ba được người ta giới thiệu ‘con nhỏ Ngà đã ở đây hồi ba tuổi”. Ba thấy lạ, cô gái không có vẻ tội tội, rầu rầu như những đứa trẻ có cùng hoàn cảnh, mà khí chất nhẹ nhõm, bình thản đến mức – như ba hình dung – chỉ cần tháo bỏ đôi giày hơi cao gót kia ra, thứ khiến cô đi lại hơi thiếu tự nhiên, cô sẽ bay lên trời.

Sau này khi cô đến nhà ba mỗi tuần hai buổi để dọn dẹp nhà, giặt quần áo, như một công việc làm thêm, ba nhận ra ngay cả khi đẫm mồ hôi, thì ở cô cũng chẳng toát ra vẻ gì nặng nhọc. Giữa những dây phơi bên ban công gió loạn, có lúc ba nghĩ suýt chút cô đã bay lên cùng với tấm vải trải giường, như một nhân vật trong tiểu thuyết Colombia. Trong cái nhập nhoạng của buổi chiều tà, khi cô từ giã ra về và lướt người qua cửa, có lần ba hoảng hồn nhìn xuống chân cô, xem có còn chạm đất không.

Cô gái thích ba. Tình cờ, ba biết. Những vật dụng cũ như khăn tay, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, sau khi ba liệng vô thùng rác, đều được cô lén giữ lại, cất trong giỏ của mình, như kỷ vật. Và có lần quay lại mớ giấy tờ để quên, ba bắt gặp cô úp mặt vào hít hà cái áo đẫm mồ hôi của ông chủ trẻ. Một bữa ba uống hơi ngà say, ngó cô gái vươn người kéo khép cánh cửa sổ để mưa khỏi tạt ướt nhà, ba tưởng cô sẽ bay mất nên ôm ghì lấy. Cô ấm và ngoan như con chim sẻ trụi lông tự biết mình không có khả năng tung cánh.

Cô gái thích ba. Tình cờ, ba biết. Những vật dụng cũ như khăn tay, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, sau khi ba liệng vô thùng rác, đều được cô lén giữ lại, cất trong giỏ của mình, như kỷ vật. Và có lần quay lại mớ giấy tờ để quên, ba bắt gặp cô úp mặt vào hít hà cái áo đẫm mồ hôi của ông chủ trẻ. Một bữa ba uống hơi ngà say, ngó cô gái vươn người kéo khép cánh cửa sổ để mưa khỏi tạt ướt nhà, ba tưởng cô sẽ bay mất nên ôm ghì lấy. Cô ấm và ngoan như con chim sẻ trụi lông tự biết mình không có khả năng tung cánh.

Đúng bữa đó, Bi tượng hình. Nhưng không hoàn toàn chỉ vì đứa trẻ mà lễ cưới diễn ra sau đó.

Ba mặc áo chú rể với tâm trạng vô cùng dễ chịu, tuyệt không chút gì miễn cưỡng.

Sau này khi nhìn lại hình cưới của mình, ba thấy có một tấm chụp chung với bên nhà gái, những dì phước. Họ tới lễ cưới chớp nhoáng vì nhà thờ có cha đang đau nặng, “mà cũng không thể bỏ tụi nhỏ ở nhà lâu”. Khi nhìn vào tấm ảnh ấy, lần đầu tiên ba tự hỏi, họ có thật là dì phước không, hay chỉ là những phụ nữ bình thường, vì lý do nào đó, đã mượn những bộ y phục nọ để khoác lên người?

Ấy là khi bà già ăn mày đã đến và đi, mẹ cho Bi bú và tay kia vuốt lông con Chó, phấp phỏng nhìn mưa xiêu bên thềm. Cái ý nghĩ mẹ kéo bà già vào nhà vì lòng trắc ẩn hồn nhiên, bị thay bằng một giả thuyết vừa quyến rũ vừa đắng cay, biết đâu bà già xin ăn nọ là má ruột của mẹ. Điều đó có nghĩa ba không biết gì về người phụ nữ đêm đêm rúc dưới bụng mình.

Hồi nhớ lại bữa bà già tới, ba thấy mẹ và bà ta có vài điểm giống nhau. Thái độ nhẹ nhõm gần như phớt đời, sợi tóc hơi thô cứng (thật ra ba không chắc lắm ở điểm này, vì nếu lăn lóc ngoài đường chịu trận nắng mưa, không thường xuyên tắm gội, thì tóc người ta có thể cứng đơ như thường), cách đặt tên cho con vật chẳng giống ai.

Gọi mèo là Chó cũng hơi giống cách mẹ đặt tên Quới cho chú cá heo nhồi bông mà mẹ luôn giữ bên mình.

Quới nằm trong gia tài còm nhom mẹ mang về nhà chồng. Một con thú nhồi bông đã cũ tới mức không thể đoán được màu gốc của nó, trước khi nhem nhuốc sắc gì đó tựa cháo lòng. Hai cái vây con Quới thâm xỉn, đơ ra như vải được hồ cứng. Mẹ nói với ba, hồi nhỏ em phải mút chúng mới ngủ được, Bi của tụi mình thì không vậy, con chỉ mút tay. Trước khi được một nhà hảo tâm tặng thú ngồi bông, mẹ mút góc khăn, góc áo gối, bất thứ gì mềm và có hình tam giác.

Nhớ lại, lúc nghe chuyện mẹ và Quới, ba đã hỏi lý do sao tên con cá rất người. “À, Quới là đứa bạn thân của em”, mẹ nói, tiếng đuối trong hối tiếc, “bị người ta đón đi rồi’.

Lúc đó ba không gặng hỏi thêm, cũng như từng phớt lờ quá khứ của mẹ. Chẳng vui gì khi nghe kể về cuộc sống của đứa trẻ mồ côi, ba yêu mẹ không phải vì thương hại, ba nghĩ vậy. Và mẹ cũng không phải kiểu đàn bà hay rao những bất hạnh bằng lời, để thu nhặt cảm thương của người khác.

Đó là phần thời gian khuất mặt, và sau cái bữa bà già lạ hoắc ghé nhà ung dung ngồi ngay bàn ăn dùng bữa sáng với bánh mì trứng chiên, ba muốn bới ra, ngó nghiêng cho biết. Rốt cuộc thì quá khứ của vợ mình có đơn giản như cô ta nói, trong cái lần ba bâng quơ hỏi, “hồi nhỏ chắc em sống khổ lắm?”

- Đâu có. Tụi em chỉ thiếu cha mẹ thôi, ngoài ra chẳng thiếu gì.

Mẹ trả lời tỉnh rụi, và không có dấu hiệu muốn đi vào chi tiết. Thái độ đó luôn được ba xem là

bình thường, trước khi bà già bước vô nhà, mang theo một con mèo tên Chó.

Liên tục tính nhầm sổ sách, một kế toán trưởng nghiêm cẩn với từng con số như ba, cảm thấy bất an như vừa nuốt trộng cây đinh cúc vào bụng. Giờ thì không thấy đau, nhưng nó sẵn sàng đâm thủng từ bên trong bất cứ lúc nào. Ba ước gì con người ta giống những con số, rạch ròi, chỗ nào không khớp nhau cũng tìm được nguyên do. Ngờ ở đâu, sẽ tìm được đáp án ở đó. Chúng không mù mịt như câu hỏi, bà già nọ, rốt cuộc có phải là ruột thịt với mẹ không.

Những câu hỏi không thành lời khoét thành một lỗ sâu hoắm trong lòng ba, dần rộng như một cái vực nhìn không thấy đáy. Ba hay lén dõi theo mẹ, nhiều hơn cả hồi mới cưới, đầu đầy những hình dung mà ba tự thấy là điên rồ nhưng không sao kìm giữ được, người phụ nữ hát khẽ bên trong phòng tắm với con mèo xám canh chừng ngay bên cửa, cô ta có gì đang che giấu không, có cái đuôi nào không, có vết sẹo nào mà ta chưa biết.

Chẳng có gì bảo đảm sẽ không có chuyện một bữa nào đó từ công ty về, ba thấy mẹ đang bắt chí gỡ ghẻ cho thằng bé tóc cháy vàng nào đó, và biểu thằng nhỏ, chào ba đi con. Hay, một người đàn ông lạ mặt cũng xuất hiện theo cách tương tự. Ba nghĩ vậy, trong lúc ngắm mẹ trộn nước thịt kho vô phần ăn của Chó, tức con mèo của một bà già ăn xin bỏ lại, chăm chút như nấu phần cháo cho Bi.

Cô ta từ tâm đến vậy sao? Không tính toán một chút nào, với những kẻ lạ qua đường?

Bị ý nghĩ lạ xỏ mũi, ba đi xa tới mức thẳng tới tới bệnh viện, với mẫu cuống rốn của Bi, vốn được mẹ phơi khô cất giữ trong tủ áo, làm một giám định huyết thống.

Mẹ tìm thấy tờ giấy báo kết quả trong túi quần, lúc lộn ra giặt.

Trước đó, có lần mượn say, ba giằng con cá heo màu cháo lòng khỏi tay mẹ, ném đi, hỏi gằn: “Nói mau, Quới là thằng nào?” Ngay lập tức ba phát hiện ra đó là câu hỏi thừa. Giống như đọc bộ hồ sơ gốc của cô bé Nguyễn Thị Ngà ở viện trẻ bị bỏ rơi, ngó đứa bé rầu rĩ, mắt nhìn xuống trong tấm hình, ba thấy chẳng có nét nào giống vợ mình. Ba không chắc đó là mẹ hay Ngà nào khác. Chắc mẹ hiểu mình có nói gì thì cũng không được xem là sự thật, nên nín thinh nhặt Quới và ẵm Bi ra phòng khách ngủ. Con mèo kêu một tiếng dài ngao ngán rồi trễ nãi bước theo.

Cùng lúc có hai ý nghĩ rượi men bia cũng lảo đảo hiện ra. Một, cô ta trốn tránh. Hai, chiếc chiếu đó còn lưu mùi của bà má nổi trôi.

Cho đến giờ, chứng kiến ba mẹ mỗi lần gặp lại đều tỏ ra dè dặt, như người này là một mảnh thuỷ tinh vỡ, nếu không cẩn thận có thể làm người kia chảy máu, Bi vẫn hay thắc mắc lý do ba mẹ bỏ nhau. Ba hẹn nay hẹn mai. Thật khó để nói với con bé mười lăm tuổi rằng rạn nứt bắt đầu từ một bà già ăn xin ghé đụt mưa trước hàng ba nhà mình, mẹ rủ vào trong ngồi cho đỡ lạnh, rồi thấy bà dơ và đói, mẹ dắt đi tắm và cho ăn.

Chẳng ngại ngồi cùng mâm cơm, giữa bữa bà già còn rầy “thịt kho chưa tới nên dai, hồi nhỏ bây nấu nướng tệ, giờ vẫn y chang”.

Mãi mãi, ba vẫn không biết được lúc đó mẹ góp một lời thoại cho vở kịch tưởng tượng, hay thực sự họ đang tắm chung dòng hồi ức, khi nói:

- Được má cằn nhằn, con sướng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét