Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

Ngàn xanh và gió

Ân sủng. Ảnh Mehmet Ozgur


Ngàn xanh và gió

Võ Thị Xuân Hà


ư thầy còn trẻ lắm. Năm nay ông mới bước vào độ tuổi ba mươi nhăm của cuộc đời thường.

Buổi sáng sớm của ngày đầu năm, ông tỉnh dậy trong tiếng hót của chim chóc và tiếng lá lách tách bừng xanh dưới những hạt sương li ti. Không đó chính là mưa phùn. Không phải sương. Mưa nhả xuống những hạt ấm hơn giá lạnh đêm trước. Ồng ngồi thiền ngay bên cửa sổ.

Khi ấy một người đàn bà trẻ bước vào cửa chùa.

Nàng bỏ chiếc mũ vào cái xách tay, nhìn sâu vào trong chùa.

Không hiểu sao lúc đó sư thầy lại chú ý tới người đàn bà. Có thể ánh mắt nàng đang chứa chất nỗi niềm gì đó quá sức chịu đựng. Hoặc nàng chính là môn sinh kiếp trước của ông.

Ông vẫn ngồi yên lặng bên cửa sổ. Nhưng trong lòng không còn yên tĩnh. Một đệ tử đã bước vào chùa trong cái ngày đầu năm này với cõi lòng kỳ ẩn, khua cái không khí thanh tịnh lên vào cơn lốc xoáy của cuộc đời bên ngoài.

Nhưng cũng có thể là ông đã đi sau cõi nhìn của người đàn bà mà suy đoán vậy thôi.

Và ông vẫn tiếp tục ngồi thiền.

Nắng lên lấp lánh ánh vàng trên những cành hoa đại trước chùa, xuyên qua những hạt mưa như sương mù, xua đi cái giá lạnh của đêm giao mùa.


Người đàn bà thứ nhất - Chiều

Tôi gọi điện cho chị Thuỷ nói rằng tôi rất muốn được sang chùa Bảo Châu. Nghe nói chùa Bảo Châu chỉ cách đền thờ Bà Tấm vài độ đường. Không, chính ra là tôi muốn vào đền thờ Bà Tấm và bất cứ ncd đâu có thờ Bà. Nhưng tôi không muốn nói với chị Thuỷ.

Chị Thuỷ là đệ tử của chùa Bảo Châu. Vài năm nay chị đi lại đến độ quen thân với sư thầy và các chú tiểu bên đó. Chị đã hứa sẽ đưa tôi sang. Nhưng không phải chị hứa là sẽ đưa sang vào cái ngày mùng năm tết ta này.

Tôi bảo chị ở nhà làm gì, đưa em sang đó đi. Chị nể, hẹn một tiếng nữa sẽ gọi lại, để xem có liên lạc được với anh Khang không. Hoá ra chị đi đâu là phải có cái người tên Khang đó đưa đi.

Tôi cũng tò mò muốn biết anh Khang của chị Thuỷ. Tôi chưa quen chị, đã biết câu chuyện tình của hai người ấy. Cả giới văn nghệ sĩ kháo nhau đã lâu về tình yêu kỳ lạ của một người dàn bà nổi tiếng xinh đẹp và có tài (nhưng gia đình không nguyên vẹn nối) với một người trai trẻ thua chị đến gần hai mươi tuổi. Họ yêu nhau công khai khiến thiên hạ cảm động. Nghe nói anh Khang say mê chị như say mê một thần tượng. Tôi mới gặp và quen chị, nhưng cứ như đã quen từ lâu, có lẽ vì câu chuyện tình cua chị dã đặt bước chân vào cõi lòng tôi trước.

Chị Thuỷ gọi điện bảo sang bên nhà chị rồi đi luôn. Tôi tới nhà chị dã thấy xe của anh Khang để bên đường. Chị Thủy quấn liền một lúc ba cái khăn, cái quấn cổ, cái trùm chỏm đầu, cái bịt quanh mặt và mũi, y như một bà già; mặc cái áo bông chần không phải hàng lụa óng ả mà là thứ vải thô trần kiểu cho bà già, leo lên xe anh Khang ngồi rồi bám hai tay vào hông anh Khang hệt như bà mẹ già ngồi sau đứa con trai ngoan.

Tôi ga xe lên tốc độ bốn mươi cây số một giờ chạy trong thành phố để đuổi kịp theo cái xe của anh Khang cứ vọt lên như con châu chấu.

Đường phố của ngày mùng năm tết ta vẫn còn tràn đầy khồng khí tết. Mưa phùn lây phây đủ làm ấm tất cả lộc xuân. Mọi người rủ nhau đi chơi tết đã bắt đầu đổ ra đông gần bằng những chiều đi làm về vào giờ cao điểm.

Đi ngoằn ngoèo thì rồi chúng tôi cũng ra đến bến sông Hồng.

Mưa phùn làm con đường xuống bến trơn tuột. Anh Khang dựng xe, dắt hộ tôi chiếc xe máy lên phà rồi dắt đến xe anh. Chị Thuỷ mở ví lấy tiền đưa cho nhà phà. Cái lạnh từ mặt sông bốc lên. Phà bắt đầu tiến từ từ ra dòng. Hai bên bờ, ngô đang lên xanh. Những cánh lá vẫy vu vơ theo gió. Tôi nhìn dòng sông và những nếp nhà ẩn hiện bên kia bờ. Bên ấy là những làng những xóm. Bên ấy không sống như bên phố, mặc dù gần phố. Với những quan niệm còn khắc nghiệt hơn cả những vùng nông thôn hẻo lánh.

Người đàn ông gắn bó với tôi sinh ra và lớn lên ở một trong những cái xóm ven lưu vực sông Hồng ấỵ. Tôi đã đứng trên nóc nhà anh nhìn ra xa phía dòng sông Hồng lặng lẽ chảy. Tôi đã ăn những bữa cơm gia đình ấm cúng. Nhưng tôi vẫn chỉ là một người dưng trong căn nhà của chồng mình.

Tôi muốn một mình khấn Bà Tấm ở tất cả những nơi mà Bà đã từng đi qua.

Tôi nhìn trân những nếp nhà. Rồi nhìn trân cánh tay chị Thuỷ đang víu vào anh Khang với tất cả niềm dam mê và tin cậy. Tôi nhìn cái mặt lép của anh Khang, suýt nữa bật cười vì cái vẻ làm ra trang trọng, cái vẻ trách nhiệm của gã trai trước người đàn bà anh trót mắc míu.

Tôi đang đứng cạnh gương mặt của hạnh phúc (hoặc giả làm hạnh phúc). Gương mặt được đắp bằng tượng của hai cái mặt kề sát nhau. Mưa lây phây khiến thứ giả làm hạnh phúc toả trên gương mặt họ có đôi phần u ám. Nó làm cho tôi đỡ chống chếnh nhưng cũng làm cho tôi buồn so. Gió thổi bay bay mái tóc tôi, thổi khô những giọt mưa giăng trên tóc.

Trên cái phà ngang đang chất đầy những chiếc xe đạp thồ rỗng không dính đầy lá rau. Những bà những chị đi buôn rau lên phố sáng sớm, bây giờ về với túi tiền căng phồng sau vạt áo. Họ lấm từ đầu đến chân. Mắt nhem nhẻm đảo như rang lạc nhìn đám ba người chúng tôi như ba chiếc đũa cọc cạch đang ngây người nhìn sương mù giăng trên mặt sông chiều, nhìn cây xanh bên bờ, nhìn đầu mẩu thuốc lá của tay thu tiền phà ném xuống nước cứ lập lờ đỏ trên cái đám ni lông rác đang trôi dần theo dòng nước.

Cái phà lạch phạch một hồi rồi rẽ ngang dòng nước chuẩn bị cập bến. Phía bên này không phải là đất Hà Thành nữa. Chị Thuỷ ríu ran chỉ:

- Nhà của anh chị bên kia. Lát nữa mình ghé đó một lúc rồi đến chùa.


Sư thầy - Ngày thứ nhất

Tuy tôi ngồi thiền, nhưng tôi vẫn thấy cô ấy đi sâu vào trong chùa. Gương mặt lạnh tanh của cô làm tôi không còn cảm giác thanh tịnh vào ngày đầu sớm. Giống như mặt hồ yên ả bỗng đâu rơi xuống một cánh hoa.

Bên trong gian bếp chính, mấy chú tiểu đang gọt khoai môn và chế biến món canh đậu phụ cho ngày tết.

Tôi nhớ đến mẫu thân của tôi. Giờ này, bầ chắc đang vần nồi cơm cho cả nhà. Khói bếp cay nồng và ấm áp. Bà đang nghĩ đến tôi. Còn tôi cố gắng xua đi nỗi nhớ mẫu thân đang len lỏi âm ỉ trong lòng vào thời khấc kỳ lạ này.

Nhiều phật tử bảo chúng tôi có lẽ là con của Phật nên không có giới tính. Chỉ có mẫu thân của tôi biết rõ bà đã sinh ra một cậu con trai khôi ngô tuấn tú, và lẽ ra bà đã có thể cưới một cô con dâu về cho con trai bà. Lẽ ra vào thời khắc này, ở trong căn nhà đơn sơ đang có tiếng trẻ con nô đùa.

Tôi nói chữ lẽ ra ấy là theo cách luận âm của người thường.

Tổi có lần nói với mẫu thân, xin mẫu thân hãy lấy làm vui vì con có rất nhiều trẻ em nô đùa quanh sân chùa. Con có cuộc sống thanh tịnh và làm được nhiều điều cho sự thanh tịnh của chúng sinh. Con chỉ là một môn đệ của Phật. Con quỳ nơi cửa Phật, chấp pháp và tâm sự cùng con người. Mâu thân cười rất tươi trấn an phút yếu mềm chốn nhân gian nơi tôi.

Tôi tụng kinh bài kinh đã nằm lòng từ thủa ấu thơ:

"Nam mô Phật! Nam mô Pháp! Nam mô Tăng! Nam mô Đại từ Đại bi Cứu khổ Cứu nạn..."


Người đàn bà thứ hai - Trưa

Tôi vào chùa Bảo Châu một mình, trốn Khang.

Đây là lần thứ bao nhiêu rồi tôi đến ngôi chùa này. Tôi biết cách đi xe máy vào tận sân trong của chùa. Biết cách chào các chú tiểu. Tôi không định đến xin đàm đạo với sư thầy. Lần này sang chùa là tôi muốn khấn bà Vương phi Ỷ Lan. Họ bảo nơi này chính là nơi bà đến cầu tự để rồi sinh ra vua kế nghiệp.

Tôi khấn bà:

"Con xin bà chỉ đường mách lối cho con biết cách tha thứ cho người. Con xin bà cho con một đứa con trai để giữ chân anh ấy. Con đã hơn năm mươi tuổi, đã có con gái lấy chồng, con trai lấy vợ. Nhưng con không muốn mất anh ấy. Nếu không sinh con được cho anh ấy thì anh ấy sẽ có cớ mà bỏ con. Con xin bà có linh có thiêng..."

Tôi khấn xong thì ngồi một góc nhìn hương đỏ.


Hôm đó từ Trà Vinh, tôi gọi điện về nhờ Tâm cái việc lẽ ra không nên nhờ. Tôi mới quen cô gái này. Chuyện tình của Tâm có cái gì đó hơi giống chuyện của tôi. Thực ra là giống ở vẻ hình thức. Nghĩa là Tâm cũng làm vợ một anh chàng kém mình hàng chục tuổi. Có thể vì thế mà cô để ý đến chuyện của tôi. Và vào một ngày, chúng tôi quen nhau.

Tôi đang phải đi quay một bộ phim tư liệu về vùng dân tộc Khmer ở Trà Vinh, kịp cho phát sóng ở kênh truyền hình Trung ương vào cuối tháng. Tôi khá bận. Công việc ở Đài truyền hình cuốn tôi vào guồng xoay của nó.

Thế nên tôi đã bị Khang lừa.

Khang đèo con bé đi ngang qua trước mặt tôi, qua trước mặt cả thảy nãm cô bạn cùng phòng nữa. Hai người đi qua chúng tôi mà không hề hay biết xung quanh đang làm gì. Con bé ngồi nép sau xe Khang. Còn cái xe mọi khi chở tôi lao đi như con châu chấu thì lúc này lại nhẹ nhàng tránh từng cái xóc như sợ con bé sẽ vỡ ra từng mảng..

Đấy là sau này mỗi khi nhớ lại hình ảnh đó, tôi mới đọc ra như ta đang xem những thước phim quay chậm. Còn khi ấy, tôi tưởng mình đang bị rơi xuống một cái vực sâu. Khang đấy. Khang của tôi. Người đàn ông tươi trẻ tràn trề sinh lực. Người đã cuộn tôi trong lòng như cách một người đàn ông cuộn báu vật. Người đã van nài tôi cho gặp qua điện thoại dù chỉ vài phút thôi. Rồi hôm sau thì thêm lên thành mười lăm phút. Hôm sau nữa thêm thành ba mươi phút. Cho đến khi mỗi tối chúng tôi phải đàm thoại tới hàng tiếng đồng hồ. Hàng tiếng đồng hồ sau đó, khi điện thoại không còn nối, khi đèn đã tắt, tôi nằm một mình trên giường nhớ lại từng giọng cười câu nói của người con trai kém tôi tới mười bảy tuổi.

Con trai tôi bảo, thằng cha mặt dơi tai chuột ấy hám gì ở mẹ vậy? Tôi nổi cáu. Con gái tôi khuyên em: để cho mẹ vui. Con trai cãi: em chỉ sợ mẹ không vui, nếu vui được thì ôkê.

Tôi cố gắng để vui. Tôi đã không vui nhiều năm rồi.

Nhờ có chuyện tấn công của Khang mà tôi thoát được khỏi thằng cha ấy. Lão là một cây viết có hạng ở một tờ báo lớn cửa Sài Gòn. Suốt mấy năm trời lão như cái gông đeo cổ tôi, cái cổ trắng gầy mong manh như tờ giấy đã bị người dùng chữ lấp liếm. Tôi cô đơn quá thể. Không dám tháo cái gông trên cổ mình. Hàng tháng mỗi khi kiếm cớ đi công tác Hà Nội, khiến tôi bỏ hết công việc để nghênh đón, lão cây viết có hạng ngồi chõm chệ trên cái giường đôi giống như vật sở hữu của lão trong căn nhà của tôi ở khu tập thể Kim Liên, gọi về cho bà vợ bị lừa của lão ở Sài Gòn; anh đang ở khách sạn, anh đi không bị mệt, em và các con đã ãn cơm chưa v.v và v.v... Có khi nổi đoá, tôi hét lên: đây mà là khách sạn của anh à? đây là nhà của tôi, giường của tôi, tôi không phải là con điếm của anh, hiểu chưa? Nhưng lão cây viết có hạng không muốn hiểu cái nỗi đau của người đàn bà cô đơn. Lão cứ chõm chệ và hềnh hệch cả khi làm tình.

Thế nên tôi hất lão khi có Khang.

Bây giờ ở tận Trà Vinh tôi phải cầu khẩn đến Tâm.

Tâm gọi cho tôi bảo em đã gặp anh ấy rồi. Tôi cuống quýt: hắn nói thế nào? Tâm bảo: anh ấy nói anh ấy-không muốn mất chị. Nhưng cuộc sống phức tạp lắm. Tôi nhìn hình cô gái Trà Vinh múa màn múa y hệt như gái Khơme. Cuộc sông phức tạp và đầy cạm bẫy.

Tôi đã là đàn bà hơn năm mươi tuổi. Trong hình hài một bà già, tôi không có quyền đòi hỏi. Hình như suốt hơn năm mươi năm qua, chưa có ai bảo cho tôi thấu đáo điều đó cho đến khi gặp hắn.

Ban đầu hắn cho tôi cái quyền đòi hỏi. Tôi quen dần như người đang đói được cho ăn cháo, rồi cho ăn cơm thường, rồi cho ăn cơm ngon, tiếp đến ăn đặc sản... Đã quen rồi thì coi như mình được quyền, mình giống những người dàn bà trẻ khác, thậm chí giống như những cô gái. Gần như được sống lại những ngày còn tươi trẻ. Cũng hẹn hò, chờ đợi, dỗi dằn. Tôi không có lỗi. Nếu ai đó lên thói đạo đức rao giảng là chúng tôi có lỗi, chúng tôi phạm vào quy luật tự nhiên thì xin mời người đó hãy chứng minh. Như cô gái Trà Vinh người Việt đất Việt, nhưng cô ấy múa điệu múa Khơ me và cô ấy đã làm cho đời sống của những điệu múa này được nốì tiếp. Và tôi múa điệu múa tình yêu của mình khi cơn gió mùa chướng về, khi những giọt máu đen báo hiệu mùa thu vàng trút lá. Khi đó những con sóc trên cành vả vàng lá chuyền đi chuyền lại điệu buông lơi gọi bạn tình. Chúng không có ý thức phân biệt tuổi tác khắc nghiệt như ý thức của con người. Ngay cả thời trung cổ xa xưa, con người xây dựng tổ ấm trên cái nền tảng là nhà và vàng, tổ ấm có đàn ông khỏe mạnh và đàn bà xinh đẹp, có thể sinh con có thể hoà hợp. Tôi là một người đàn bà đẹp. Cả tuổi trẻ không yêu ai cho ra hồn. Đến khi sức tàn lực kiệt thì trời bắt yêu.

Có thể sau chuyến đi quay ở Trà Vinh về tôi sẽ quyết định cho tổ ấm của mình. Hoặc là tôi sẽ mua một lọ thuốc ngủ.


Sư thầy - Ngày thứ hai

Mùa đông nghiệt ngã làm cho những cánh hành quăn lại. Những củ hành tươi trơ ra như sắp chịu hành quyết. Trên truyền hình vừa đưa tin tai nạn hai ô tô đâm nhau làm chết mười một người. Tuần này ở Hà Nội và các tỉnh trên cả nước số tai nạn giao thông tăng nhiều nhất trong suốt những năm đầu thế kỷ hai mươi mốt. Công an đổ ra kiểm soát giao thông càng nhiều hơn. Tuần này cũng lại thêm những cuộc đua xe ở thành phố Vinh. Mốt đua xe đã chạy vào phía trong một cách có tổ chức và liều lĩnh. Các bác sĩ lương y như từ mẫu nhìn người bị tai nạn mà uất ức tới nỗi muốn phá rào lương tâm.

Hãy lấy tâm mà trò chuyện với đời.

Chị Thuỷ đã đến cầu cứu tôi. Tôi cười bảo: chị hãy thương lấy mình. Tôi nói thế để chị Thuỷ hiểu, chị không thể cầu cứu ai ngoài chị. Không ai thương chị ngoài chị. Nếu chị không toại nguyện thì có nghĩa là cái sự không toại nguyện đó tự thân nó đã nằm ngoài chị, chị không thể kiểm soát cũng như níu giữ. Cái chị có thể kiểm soát và níu giữ là chính tâm hồn chị. Nhưng tâm hồn chị đã như luồng gió, từ khi luồng gió đó đi vào chốn hoang mạc, nó đã tìm thấy tự do. Nền tự do có những lối đi riêng trong đó. Ngọn gió thong dong sẽ tự tại mà rào rạt. Ngọn gió mê mải sẽ lạc đường để rơi vào cái sự không còn tự do. Không ai giúp gì được cho chị nữa rồi.

Tôi ngồi thiền tâm hướng về chị mong cầu ngọn gió nơi chị hãy tự mình uốn luồng mà bay bổng đến muôn phương.


Người đàn bà thứ nhất - Sáng

Chị Thuỷ bảo em ơi hắn đã cưới vợ rồi mà chị không biết. Hắn bỏ chị suốt cả tháng trời nay lo toan một mình cho cái nhà đang xây dở dang. Chị cứ ngỡ hắn bận chăm sóc ông bố của hắn đi bệnh viện. Là hắn bảo thế. Suốt bảy năm trời chị cặp kè bên hắn, nhưng hắn có cho chị biết gia đình nhà cửa của hắn đâu. Chị không biết ai với ai đằng nhà hắn cả. Toàn nghe qua hắn kể. Vừa rồi chính hắn bàn với chị xây nhà trên cái mảnh vườn bên sông mà em đã qua chơi đấy. Hắn bảo xây xong hắn mới yên tâm. Chị đã tưởng là hắn biết chăm sóc vun vén gia đình, hắn đã coi chị như vợ từ lâu rồi. Là hắn bảo thế. Vậy mà bây giờ chị mới biết mình bị lừa em ơi. Cái hồi đi Trà Vinh từ năm ngoái, chị đã nhờ em can thiệp. Từ đó đến giờ chị cứ đinh ninh hắn đã biết mình sai. Hắn cưới đúng ngày hai mươi mốt tháng vừa rồi. Ngày hai mươi ba hắn vẫn còn sang bên này ngó nghiêng nhà cửa. Cánh thợ thuyền còn kháo với nhau: chị Thuỷ có phước lấy được chồng vừa trẻ vừa chu đáo. Chị còn cười bảo: lại chẳng giống ai nữa. Mặt nghênh nghênh, chân tay lòng khòng y như đứa trẻ con chưa lớn hết chiều cao.

Thế mà hôm đó hắn đã lấy vợ được hai ngày. Hắn lừa chị đã đành lại còn lừa luôn cả người vợ của hắn nữa.

Chị khóc qua điện thoại. Tôi nghe thấy tiếng dòng sông Bắc Hưng Hải đang thổi réo qua máy cầm tay. Nghe tiếng run rẩy của người đàn bà đứng bên bờ sông, nhìn dòng sông lạnh lẽo vào buổi sáng sớm. Chắc chị quên không choàng khăn. Mà choàng một cái mỏng tang thì cũng như không choàng. Tồi nằm trong chăn ấm cùng chồng. Lòng bỗng thấy lạnh.

Tôi bảo chị hoặc chị uống thuốc ngủ, hoặc chị quên gã đàn ông hèn hạ lưu manh đểu giả tăm tối quê mùa rỗng tuếch bất nhân quạ tha ấy di. Chị nạt tôi, quên thì sẽ quên, nhưng hiện thời chị biết lấy gì dể quên đây? Làm sao chị đủ sức để sống cho đến khi quên? Em nói thế chẳng khác mọi người gì cả. Tôi bảo chị thì em cũng có sáng kiến gì hay hơn thiên hạ để bảo chị ngay lúc này đâu. Em cho chị biết, em sẽ đánh bài chuồn khỏi chị ít nhất là trong một thời gian dài. Bởi em không có cách gì để giúp chị đâu. Em ghét sự quên mình sự thông cảm sự nhân nghĩa sự tha thứ sự bao dung sự níu kéo sự hy vọng được khoác bằng tấm khăn mỏng trước giá lạnh thốc lên từ mặt dòng sông gớm ghiếc, một dòng sông được người ta bỏ bao công sức ra đào rồi tung hô cái sự vĩ đại của sức mạnh nhân tạo của lòng bao dung lòng bác ái lòng hy sinh lòng quyết tâm lòng quả cảm lòng kiên định. Em cũng ghét luôn cái sự "quân tử trả thù mười năm chưa muộn". Em thích rõ ràng. Vậy nên em chuồn khỏi chị đây.

Tôi tắt máy, chui sâu vào chăn. Trời vẫn chưa sáng hẳn. Thành phố đã rầm rì những tiếng xe và người mải miết.

Chồng tôi chợt hỏi:

- Em là ai?

Tôi cười nhạt:

- Em là ngàn xanh.

Truyện thêm:

Chỉ nửa tháng sau, chị Thuỷ biết Tâm viết câu chuyện về mình. Chị bổ đến cơ quan Tâm, chờ cô bằng được để xin cái bản thảo mỏng manh có mấy trang giấy A4. Chị ngồi thu chân trên ghế, đầu quấn khăn như dân đạo Hồi. Chị kể nỗi niềm của mình. Chị riết róng. Ngơ ngác. Xen kẽ là sự việc hắn đã lại đến bên nhà chị vào ban ngày. Rồi chị bảo lát nữa hắn sẽ đến đón chị. Hắn về nhà ăn cơm trưa với vợ rồi sẽ đến đón chị đưa sang nhà bên sông.

Tâm lặng lẽ, lưng còng như bà già. Cái máy in xổ ra mấy trang A4 câu chuyện "Ngàn xanh và gió". Tâm lơ đễnh nghe chị Thuỷ kể câu chuyện tình tiếp theo. Cô tự phân chương hồi và ngáp. Cô tưởng tượng hình ảnh một đại gia đình có bà vợ cả và cô vợ hai. Chắc chắn cô vợ hai này rất ngốc. Không ngốc thì cũng là loại gái nhạt như tương. Rồi thêm một chú nhóc. Những ngày tháng dài lê thê.Rồi thêm một cái quan tài. Và tiếng khóc.

Gió thổi nhẹ bên hông cửa sổ. Trời mùa này phía Bắc thật dễ chịu. Miên man những cơn gió và bóng nắng nhảy nhót trên mảnh sân đang xanh cỏ. Mặt chị Thuỷ sáng bừng. Không còn mấy dấu vết của cái buổi sáng sớm hôm nào, khi cái khăn mỏng tang không đủ xua đi cái lạnh bên sông. Chị Thuỷ đã ngấm thứ chất độc không màu mùi vị. Chị chung sống và ấm êm với nó. Cái nguy cơ đó, Tâm đã thấy rồi. Cô dọc thấy trong đôi mắt người đàn bà đẹp bước qua thời gian bằng sức mạnh dũng mãnh như con báo quyết tranh đấu giành miếng đời cho mình.

Rồi chị đi ra cửa cơ quan Tâm giữa trưa. Chị đứng bên đường, dưới nắng, trong cái không gian hỗn dộn đủ thứ hình thù, mùi xăng xe tốc lên như những vạt váy hớ hênh.

Chị chờ lâu lắm. Xua tay ra ý bảo Tâm đừng lo lắng gì. Trước đây, chị thường xuyên chờ tình yêu đến trên chiếc xe ga to lù bốc lên như con châu chấu như thế. Chị thường xuyên chờ, có khi hàng hai ba tiếng đồng hồ. Bây giờ nếu không được trôi trong cảm giác cũ, chắc chị sẽ tan nhanh trong những làn gió mỏng manh giữa phố dài.

Tâm đứng quay mặt ngược hướng chị Thuỷ đứng, bắc loa tay gào trên mặt phố. Tiếng gào của cô vồ vọng lạc lõng.

Một tuần sau, máy cầm tay của Tâm nhận được một message:

"Chị cám ơn em đã chia sẻ với chị nỗi đau. Nhưng xin em đừng in truyện ngắn "Ngàn xanh và gió" ở bất cứ đâu, ít nhất là trong thời gian này".


-Thái Hà, 14.3-24.5.06


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét