Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

TƯ MÃ CHI TRUYỆN

 


Dã độ vô nhân chu tự hoành
Tranh đời Tống

TƯ MÃ CHI TRUYỆN


Tư Mã Chi tự Tử Hoa, người quận Hà Nội huyện Ôn. Thời trẻ là học trò, đi tránh loạn ở Kinh Châu, thốt nhiên gặp bọn giặc ở núi Lỗ Dương, những kẻ đi cùng đều bỏ người già yếu mà chạy, Chi còn một mình ở lại che chở cho mẹ già. Giặc đến nơi, chĩa mũi dao nhọn vào người, Chi lạy rập đầu nói: "Mẹ già tôi, chỉ còn nhờ ở các ông!" Giặc nói: "Kẻ này là hiếu tử vậy, ta giết là bất nghĩa." Vì thế thoát bị hại, Chi lấy xe hươu đẩy mẹ đi. Ở phương nam hơn chục năm, tự mình cầy ruộng giữ khí tiết.


Thái tổ bình Kinh Châu, cho Chi làm trưởng huyện Gian. Bấy giờ thiên hạ mới gây dựng, nhiều kẻ không vâng theo vương pháp. Lưu Tiết là Chủ bộ ở quận, đại tộc cũ, là kẻ hào kiệt hiệp khách, có hơn nghìn tân khách, ra ngoài thì làm đạo tặc, về quận lại nhiễu loạn sở trị. Được ít lâu, Chi phái khách của Tiết là bọn Vương Đồng tòng binh, quan duyện sứ ngăn cản bẩm: "Nhà Tiết trước nay chưa từng cung cấp kẻ lao dịch nào, nếu đến lúc có kẻ trốn tránh, tất làm đình trệ công việc." Chi không nghe, gửi thư cho Tiết nói: "Ngài là Đại tông(1), hơn nữa lại là chân tay của quận, nhưng tân khách thường không giúp việc lao dịch, đã có nhiều người oán vọng, ngờ là tiếng tăm sẽ truyền lên trên. Nay tôi sai bọn Đồng tòng binh, mong ngài phát lệnh phái họ đi đúng lúc." Quân binh đã tập hợp ở quận, nhưng Tiết che giấu đồng bọn, nhân đó ra lệnh cho Đốc bưu nói dối là điều động quân binh đi làm nhạc khí, quan Duyện sử cùng khốn, xin đi thay Đồng. Chi bèn truyền hịch đến Tế Nam, trình bầy đầy đủ tội của Tiết. Thái thú Hác Quang vốn kính trọng và tin tưởng Chi, lập tức dùng Tiết thay Đồng tòng binh. Dân Thanh châu gọi Chi là người "cho Chủ bộ đi tòng binh." Chi được thăng làm Quảng Bình lệnh. Chinh lỗ tướng quân Lưu Huân, vì được quý hiển nhận ân sủng mà kiêu căng ngang tàng, Chi lại là tướng cũ ở quận, tân khách đệ tử trong địa giới mấy lần phạm pháp. Huân gửi thư cho Chi, không ghi rõ danh tính, nhưng phó thác công việc nhờ vả nhiều người ở đấy, Chi không đáp thư của Huân, nhất nhất đều xử theo phép. Về sau Huân vì không tuân phép tắc bị kể tội rồi giết, những kẻ giao du với Huân đều bị bắt tội, nên Chi vì thế được khen ngợi.


Nguỵ lược chép: Huân tự Tử Đài, người quận Lang Nha. Năm Trung Bình mạt, làm trưởng huyện Kiến Bình nước Bái, cùng với Thái tổ là bạn cũ. Sau làm Thái thú Lư Giang, vì bị Tôn Sách đánh phá, tự quy phục Thái tổ, được phong tước Liệt hầu, sau làm Tán ngũ nghị trung. Anh của Huân làm Thứ sử Dự Châu, bị bệnh chết. Con của anh trai là Uy, lại lên thay làm chức ấy. Huân vì cậy là cùng với Thái tổ có giao hảo cũ, ngày càng kiêu căng ngạo mạn, mấy lần phạm pháp, lại phỉ báng người ta. Vì có người ở địa phương bẩm bạch nỗi oan, Huân bị bắt trị tội, uy danh quan tước đều mất hết.


Chi được thăng làm Đại lí chính. Có người lấy trộm tấm lụa sóng của quan phủ đem giấu ở nóc nhà xí công cộng, viên lại ngờ là nữ thợ dệt lấy, liền bắt giao cho nhà ngục. Chi nói: "Kẻ thi hành hình phạt mà nhầm lẫn, thì cái nhầm lẫn ấy là hà khắc và tàn bạo. Nay hãy có tang vật trước rồi sau tra hỏi để lấy cung, như thế chẳng hơn là đánh đòn người ta, sợ là người ta không có tội mà bị phạt vậy. Kẻ không có tội vì bị phạt mà nhận, thì chẳng thể lấy đó để phán quyết tội trạng được. Vả lại đơn giản thì người ta dễ theo, là sự giáo hoá lớn nhất với người ta. Chẳng bỏ qua kẻ có tội, là cách để trị lý người đời vậy. Nay ta tha thứ cho kẻ hiềm nghi, là dùng sự rộng rãi để người ta phục tùng đạo nghĩa, chẳng cũng nên sao!" Thái tổ theo lời bàn ấy.


Chi lần lượt làm Thái thú các huyện Cam Lăng, Bái, Dương Bình, ở đâu cũng có thành tích. Năm Hoàng Sơ trung, được về triều làm Hà Nam doãn, đè nèn kẻ mạnh nâng đỡ kẻ yếu, kẻ có việc riêng cầu kiến thì không làm. Gặp lúc có người trong sở quan định đem việc nhờ vả Chi, song không dám nói ra, lại nhờ bác vợ của Chi là Đổng Chiêu. Chiêu cũng sợ Chi, chẳng đưa lời. Chi truyền dạy quần hạ rằng: "Bậc quân vương có thể đặt ra pháp lệnh, cũng chẳng thể khiến cho quan lại nhất định không vi phạm được. Quan lại có thể vi phạm giáo lệnh, nhưng chẳng thể để cho quân vương nhất định không biết. Quân vương đặt ra pháp lệnh mà vi phạm, thì là bậc quân vương kém cỏi; quan lại phạm giáo lệnh mà bậc quân vương biết, thì là cái hoạ quan lại vậy. Quân vương kém cỏi ở trên, cái hoạ quan lại ở dưới, đó là nguyên do việc chính sự chẳng có đạo lý. Thế nên hai bên đều phải cố gắng vậy!" Vì thế quan lại dưới trướng của Chi tuyệt chẳng có ai không gắng gỏi. Môn hạ của viên Tuần hành từng nghi ngờ người nhà phạm tội ăn trộm cái trâm, can phạm nói là không đúng, Tào duyện bắt kẻ ấy vào ngục. Chi dạy rằng: "Phàm là đồ vật giống nhau thì khó phân biệt, bởi nó chẳng phải là vật điêu khắc trang trí, lại ít khi làm cho người ta bị mê hoặc. Nếu quả thật người ấy phạm tội, Tuần hành sao nỡ quá tiếc một cái trâm, mà coi rẻ cái tình thương đồng loại thế ru! Nên thôi đi, chớ thẩm vấn người ta nữa."


Minh đế lên tức vị, ban cho Chi tước Quan nội hầu. Được ít lâu, nhũ mẫu của Đặc tiến Tào Hồng làm việc xấu, cùng với kẻ hầu của Lâm Phần công chúa đi tế tự thần linh ở Vô Giản, bị hạ ngục.


Thần Tùng Chi xét: Vô Giản, là tên núi, ở phía đông bắc Lạc Dương.


Biện Thái hậu phái Hoàng môn đến phủ quan truyền lệnh, Chi không tiếp lệnh, lập tức ra lệnh cho cai ngục ở Lạc Dương tra khảo hai người đến chết, rồi dâng sớ rằng: "Phàm là phán xử tử hình tội phạm, đều phải trước tiên dâng biểu tấu rồi đợi tin báo lại. Trước đây có chế thư cấm tuyệt việc tế tự gian tà để đoan chính phong tục, nay kẻ phạm tội đang đợi yêu hình(2), lời cung khai mới định, quan Hoàng môn là Ngô Đạt đến chỗ thần, truyền lệnh của Thái hoàng thái hậu. Thần chẳng dám thông qua, sợ có kẻ cứu hộ, vội vã truyền tin lên thánh thượng, như thế là bất đắc dĩ, vì phải bảo hộ cho phạm nhân. Bởi sự việc chẳng kết thúc sớm được, ấy là cái tội của thần, thế nên thần mạo phạm quy tắc chế độ thông thường, lập tức ra lệnh cho quan huyện tra khảo tội nhân đến chết, vì thiện tiện thi hành hình phạt giết người, thần kính cẩn đợi thánh thượng trừng trị." Đế tự tay phê đáp thư rằng: "Ta coi biểu tấu, đã rõ được chân tâm của khanh, là muốn vâng theo chiếu thư, lấy sự quyền biến mà hành sự, thực đúng đắn vậy. Như thế là khanh vâng theo thành ý chiếu thư, sao lại phải tạ tội nữa? Sau này Hoàng môn quan có qua, chớ được tiếp kiến." Chi giữ chức quan mười một năm, mấy lần nghị bàn về những điều bất tiện của quy tắc và pháp chế. Ở giữa chốn công khanh, cứ chiểu đạo lý mà thi hành. Gặp lúc các vương vào chầu, Chi cùng với người khác ở kinh đô giao kết, bị bãi chức quan.


Về sau Chi nhận chức Đại tư nông. Trước đó các thuộc hạ của Điển nông cùng quan lại và thứ dân làm hỗn loạn việc buôn bán để mưu sinh, cầu lấy cái lợi. Chi tấu rằng: "Phương pháp cai trị của bậc đế vương, là chuộng cái nghiệp cơ bản mà đè nén nghề buôn, chuyên chú nghề nông trọng thị lương thực. Theo vương chế thì: 'Không có của cải tích trữ ba năm, quốc gia không phải là quốc gia vậy.' Quản tử khu ngôn(3) cho rằng tích luỹ lương thực là việc cần kíp. Hiện nay hai kẻ địch(4) chưa bị diệt, việc quân không ngừng nghỉ, cái thiết yếu của quốc gia, chỉ ở lương thực và lụa vậy. Vũ hoàng đế đặc biệt đặt ra chức quan coi đồn điền, chuyên chú vào việc nông tang. Năm Kiến An trung, kho đụn trong thiên hạ sung túc đầy tràn, trăm họ nhà nhà giàu có đủ đầy. Từ năm Hoàng Sơ đến nay, nghe nói các Điển nông tự mưu sinh, đều mưu tính cho thuộc hạ của mình, thật không phải là điều thích hợp với đại thể quốc gia vậy. Bậc đế vương lấy bốn bể làm nhà, đó là lý do mà kinh truyện nói rằng: 'Trăm họ chẳng giàu có, đức vua giàu có với ai!' Giàu có là ở ruộng đất, ở cái chỗ chẳng mất thiên thời mà dùng hết được cái sức của đất. Nay thương lữ kinh doanh mưu cầu cái lợi, tuy có được cái lợi gấp bội một cách rõ ràng, nhưng về đại kế nhất thống, đó là cái tổn thất không lường được, chẳng bằng khai khẩn thêm một mẫu ruộng để thu thêm lợi. Người nông dân theo việc cấy cầy, từ tháng giêng gieo trồng, bừa đất làm cỏ hái lá dâu, gắng sức đốt lửa khai hoang gieo mạ, phát cỏ san đất trồng lúa, tháng mười mới xong. Rồi sửa sang kho đụn, làm xe đòn, chuyển nộp tô thuế, sửa sang đường đất cầu cống, dùng bùn trát kín ngăn phòng ốc, thế là hết một năm, không có ngày nào chẳng làm việc nhà nông vậy. Nay các quan Điển nông đều nói 'Người ở lại làm ruộng kẻ ra ngoài buôn bán là cái kế căn bản của nghề nông, thu dụng được hết các lực lượng, tình thế không thể không làm như vậy. Vừa chẳng để hoang phế ruộng vườn, mà chúng ta không dư thừa lực lượng.' Thần ngu muội cho rằng chẳng nên dùng lại việc buôn bán tạp nham làm nhiễu loạn nông nghiệp, chuyên chú vào việc nông tang là điều cốt yếu, đó là cái kế làm lợi cho quốc gia vậy." Minh đế nghe theo.


Mỗi khi quan trên cho triệu kiến hỏi han, Chi thường hội kiến với Duyện sử trước, để phán đoán nguyên cớ và ý tứ của quan trên, cứ theo hiện trạng mà đối đáp kín kẽ, đều như những điều đã tính lúc trước. Chi bản tính thành thật chính trực, chẳng kiêu căng khoe khoang phẩm giá. Lúc cùng với tân khách đàm luận, có lần chẳng vừa ý, liền đối diện phê bình cái kém của họ, rồi lui về không nói gì khác nữa. Chi chết khi đương chức, trong nhà không có tài sản thừa, những người nhận chức Hà Nam doãn từ khi nước Nguỵ kiến lập đến nay chưa có ai bằng được Chi.


Chi chết, con là Kỳ nối tự, từ chức Hà Nam thừa chuyển sang chức Đình uý chính, rồi thăng làm Trần Lưu tướng. Ở quận Lương có kẻ bị bắt làm tù phạm giam trong ngục, có rất nhiều người liên quan án đó, mấy năm không xử được. Có chiếu thư dời nhà ngục đến vùng thuộc huyện của Kỳ, huyện xin Kỳ chuẩn bị hình cụ ở trong nhà ngục. Kỳ nói: "Nay tù phạm có mấy chục, đã cung từ xảo trá khó lường, vả lại đã quá mỏi mệt về độc hình, tình trạng ấy dễ hiểu vậy. Há nên để chúng ở mãi trong nhà ngục nữa!" Lúc Kỳ đến nhà tù, cật vấn xong xuôi, tuyệt chẳng ai dám giấu diếm man trá gì, một buổi mà xử xong, vì thế được thăng vượt cấp làm Đình uý. Thời ấy Đại tướng quân Tào Sảng chuyên quyền, bọn Thượng thư Hà Yến, Đặng Dương làm vây cánh phụ tá. Người ở Nam Dương là Khuê Thái từng dùng ngôn từ ngỗ ngược biểu thị ý kiến, bị bắt trói giam ở chỗ Đình uý. Dương thẩm vấn tù phạm, sắp buộc Thái vào trọng hình. Kỳ trách Dương rằng: "Người là đại thần cơ mật trọng yếu, phò tá cho vương thất, đã chẳng thể giúp đỡ giáo hoá để hình thành đức chính, sánh với cái cao đẹp của cổ nhân, mà lại buông thả lòng căm phẫn theo ý riêng của mình, xử oan cho người vô tội. Khiến cho trăm họ ghê sợ trong lòng, chẳng phải là thế sao?" Dương vì thế hổ thẹn giận dữ mà lui về. Kỳ e sợ rằng về sau sẽ bị bắt tội, liền xưng có bệnh từ quan. Ở nhà chưa đến một năm thì chết, năm ấy ba mươi lăm tuổi. Con là Triệu nối tự.


Triệu, năm Thái Khang thời nhà Tấn làm Thứ sử Ký châu, Thượng thư, thấy nói ở Bách quan chí (Bách quan danh).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét