Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

TRƯƠNG LỖ TRUYỆN

 


TRƯƠNG LỖ TRUYỆN


Trương Lỗ tự Công Kì, người huyện Phong nước Bái. Ông nội là Lăng, làm khách ở quận Thục, học đạo ở trong núi Hộc Minh, viết thành sách đạo để mê hoặc trăm họ, người theo học đạo phải đem năm đấu gạo, cho nên người đời gọi là 'giặc gạo'. Lăng chết, con là Hành truyền đạo của Lăng. Hành chết, Lỗ lại truyền đạo ấy. Ích Châu Mục là Lưu Yên lấy Lỗ làm Đốc nghĩa Tư mã, cùng Biệt giá Tư mã Trương Tu đem quân đánh Hán Trung Thái thú Tô Cố, Lỗ bèn đánh úp giết Tu, lấy quân của Tu. Yên chết, con là Chương thay lập, thấy Lỗ không theo, giết hết người nhà của mẹ Lỗ. Lỗ bèn ở tại Hán Trung, lấy đạo quỷ để dạy dân, tự xưng là 'Sư quân'. Người đến theo học Lỗ, lúc đầu đều đặt tên là 'Quỷ tốt', truyền đạo ấy cho người tin mình, gọi là 'Tế tửu', đều được lĩnh quân, nhiều kẻ làm Duyên đầu Đại Tế tửu. Đều dạy thành tín không được lừa dối, người có bệnh phải tự nói ra lỗi của mình, đại khái giống với quân Khăn vàng. Các 'Tế tửu' đều làm nhà nghĩa giống trạm dịch của ngày nay. Lại đặt cơm thịt nghĩa treo ở nhà nghĩa, người đi đường thu lấy dùng đủ; nếu nhiều quá, đạo quỷ liền khiến người đó mắc bệnh. Kẻ phạm pháp thì ba lần tha, sau có lỗi mới xử phạt. Không đặt ra Trưởng lại, đều lấy 'tế tửu' trông coi, dân yên ổn lại vui vẻ. Chiếm giữ miền Ba, Hán(1) gần ba mươi năm.


Điển lược viết: "Giữa năm Hi Bình, giặc quái nổi dậy, quan Tam phụ(2) có Lạc Diệu. Giữa năm Quang Hòa, phương đông có Trương Giác, quận Hán Trung có Trương Tu. Lạc Diệu dạy dân biết làm phép 'ẩn thân', Giác dạy đạo 'thái bình', Tu dạy đạo 'năm đấu gạo'. Đạo 'thái bình' là thầy đạo cầm gậy chín đốt làm phép chúc, dạy người bệnh gõ đầu mà suy nghĩ lỗi lầm, nhân đó đem nước bùa cho uống, người bị bệnh trọn ngày mà tự khỏi thì nói người đấy tin đạo, có người không khỏi thì nói là không tin đạo. Đạo của Tu đại khái giống với đạo của Giác, lại có thêm 'nhà lặng', sai người bệnh ở trong đó mà suy nghĩ lỗi lầm của mình. Lại sai người làm 'Gian lệnh Tế tửu'. Tế tửu coi việc dùng năm nghìn chữ của Lão Tử, sai đều tập đọc, gọi là 'Gian lệnh'. Lập ra 'Quỷ lại', làm chủ việc xin cầu đảo cho người bệnh. Cách cầu đảo là, là viết họ tên của người bệnh lên giấy, nói rõ tội lỗi, làm ra ba bản, một bản trong đó ném lên trời, rớt trên núi, một bản chôn dưới đất, một bản bỏ chìm dưới sông, gọi là chữ viết tay của ba quan. Sai người nhà của người bệnh đem ra năm đấu gạo để trả, cho nên gọi là giặc năm đấu gạo. Thực là không có ích cho chữa bệnh, nhưng là say mê, mà dân thường ngu dốt, thay nhau thờ nó. Sau đó Giác bị giết, Tu cũng chết. Lúc Lỗ ở tại Hán Trung, nhân có dân tin mà truyền đạo của Tu, lại sửa thêm đạo ấy. Thầy đạo làm 'nhà nghĩa', lấy gạo thịt đặt ở trong ấy mà níu chân người đi đường; lại dạy cách tự ẩn thân, có kẻ mắc lỗi nhỏ, nếu đi đường được trăm bước thì tha tội; lại dựa vào nguyệt lệnh(3), mùa xuân mùa hạ thì cấm giết, lại cấm uống rượu. Người ở trọ đi lại ở đất ất, không ai dám không theo".


Thần là Tùng Chi cho rằng: Trương Tu phải là Trương Hành, nếu không phải là cái sai của Điển lược thì là cái lầm của truyện này.


Cuối thời Hán, sức chẳng đánh được, bèn ban ân bái Lỗ làm Trấn dân Trung lang tướng, lĩnh chức Hán Trung Thái thú, dâng cống mà thôi. Dân rong quận có kẻ lấy được cái ấn ngọc, bầy tôi muốn tôn Lỗ làm Hán Trung Vương. Viên Công tào của Lỗ là Diêm Phố người quận Ba Tây can Lỗ nói: "Dân vùng Hán Xuyên có đến mười vạn nhà, của nhiều đất tốt, bốn mặt hiểm vững; trên giúp Thiên tử thì được như Hoàn, Văn(4) thứ nữa cũng được như Đậu Dung(5) cũng chẳng làm mất vinh hoa. Nay nếu thừa lệnh sắp đặt, cái chân bị chặt, chẳng trở ngại cho sự thịnh vượng sao? Xin đừng xưng Vương, chớ lại chước họa trước đấy"! Lỗ nghe theo. Hàn Toại, Mã Siêu làm loạn, hàng vạn nhà dân của miền Quan Tây(6) từ hang Tí Ngọ trốn đến đấy.


Năm Kiến An thứ hai mươi(7), Thái Tổ lại từ cửa Tán Quan ra quận Vũ Đô đánh Lỗ, đến cửa Dương Bình. Lỗ muốn đem cả quận Hán Trung hàng, em Lỗ là Vệ không chịu, đem mấy vạn quân giữ cửa cố giữ. Thái Tổ đánh phá Vệ, rồi vào đất Thục.


Ngụy danh thần tấu chép biểu của Đổng Chiêu nói: "Vũ Hoàng Đế nghe lời bàn của Lương Châu Tòng sự và những kẻ hàng trong quận Hán Trung nói rằng Trương Lỗ dễ đánh, mặt núi nam bắc dưới thành Dương Bình xa nhau, không nên giữ. Tin cho là đúng. Lúc đặt chân đến, không như lời mà mình nghe nói, mới than rằng: 'Người khác suy đoán, chẳng bẳng ý người ta'. Đánh các đồn trên núi Dương Bình, đã không lấy được ngay, mà quân sĩ chết thương rất nhiều. Ý của Vũ Hoàng Đế chán nản, lại muốn sai quân chặn núi rồi về, sai Đại Tướng quân Hạ Hầu Đôn, Tướng quân Hứa Chử gọi quân trên núi rút về. Gặp lúc tiền quân chưa về, buổi đêm tối tăm, vào nhầm trại giặc, giặc lại tan chạy. Bọn Thị trung Tân Bì, Lưu Diệp ở sau quân, bảo bọn Đôn, Chử nói: 'Quan quân đã chiếm được đồn hiểm của giặc, giặc đã tan chạy'. Vẫn chưa tin theo. Đôn đi xem trước, rồi về báo cho Vũ Hoàng Đế, tiến quân đến đánh dẹp, may mà thắng được. Việc gần đây là việc mà quan quân biết". Lại có biểu của Dương Kị nói: "Vũ Hoàng Đế bắt đầu đánh Trương Lỗ, đem mười vạn quân đi, tự thân đến xem, bày đặt kế sách, nhân đó gặt lúa của dân để làm lương cho quân. Trương Vệ đến giữ, không đủ để nói đến. Đất hiểm dễ giữ, dẫu có quân mạnh tướng khỏe nhưng khó dùng được. Đối trận ba ngày, muốn đem quân về, nói: 'Ta dùng quân ba mươi năm, một sớm chống giữ với người ta, thế nào'? Kế ấy đã định, trời ban lộc cho Đại Ngụy, quân giữa của Lỗ tự vỡ, nhân đó bình đất ấy".


Thế ngữ viết: "Lỗ sai Ngũ quan duyện đến xin hàng, em là Vệ lên núi đắp thành Dương Bình để chống, quân của Nhà vua không lên được. Lỗ chạy đến Ba Trung. Lương quân hết, Thái Tổ sắp về. Tây tào duyện Quách Kham người Đông Quận nói: 'Không nên. Lỗ đã hàng, giữ sứ giả ở lại không về. Vệ dẫu không cùng ý, nhưng cũng đánh được. Xua quân vào sâu, đã đi phải thắng, lui sẽ khó thoát'. Thái Tổ do dự. Buổi đêm có mấy nghìn con nai hoang bỗng nhiên xông vào làm vỡ trại Vệ, quân cả kinh, buổi đêm bọn Dương Tộ gặp nhầm với quân Vệ, bọn Tộ bèn thổi tù và đánh trống tụ quân. Vệ sợ, cho rằng đại quân bị đánh lén, bèn hàng".


Lỗ nghe tin thành Dương Bình đã vỡ, muốn cúi đầu xin hàng, Phố lại nói: "Nay bị ép đến, công tất nhỏ; không bằng nhờ vào Đỗ Quán(8) đến chỗ của Phác Hồ(9) chống nhau, rồi mới trao thân, công tất lớn". Do đó bèn đến miền núi phương nam mà vào giữa đất Ba. Tả hữu muốn đốt hết kho lúa vật bảo, Lỗ nói: "Ta vốn muốn theo về nhà nước, nhưng ý chưa được. Nay lại chạy tránh mũi nhọn là không có ý xấu vậy. Kho lúa vật bảo nên để cho nhà nước". Bèn đóng kín rồi đi. Thái Tổ vào Nam Trịnh, rất khen Lỗ. Lại vì Lỗ vốn có ý tốt, sai người khuyên dụ. Lỗ đem hết người nhà ra hàng, Thái Tổ đón bái Lỗ làm Trấn nam Tướng quân, dùng lễ khách mà đối đãi, phong Lãng Trung Hầu, thực ấp có vạn hộ. Phong năm con của Lỗ và bọn Diêm Phố đều làm Liệt hầu.


Thần là Tùng Chi cho rằng: Trương Lỗ dẫu có ý tốt, nhưng bị thua rồi mới hàng, nay lại sủng ái phong cho vạn hộ, năm con đều làm Liệt hầu, thế là quá rồi.


Tập Tạc Xỉ nói: "Lỗ muốn xưng Vương, nhưng Diêm Phố can ngăn mới thôi, nay phong Phố làm Liệt hầu. Thưởng phạt là để ngăn chặn cái xấu và khuyến khích cái tốt vậy. Nếu việc ấy để làm làm rõ được muôn vật thì không cần xét gần xa hay sáng tối rồi. Nay Diêm Phố can Lỗ chớ xưng Vương, mà Thái Tổ truy phong Phố, người đời sau ai không nhớ theo! Chặn đầu nguồn thì dòng cuối tự ngừng. Điều này nói về việc đó vậy! Nếu lại không làm rõ như thế mà lại coi trọng công lao sáng chói, tặng thưởng hậu hĩnh cho kẻ sĩ chết trận thì dân ham lợi vào lúc có loạn, tục lại tranh nhau đánh giết, lúc đó can qua không ngừng vậy. Thái Tổ phong như thế, có thể nói là biết được cái gốc của thưởng phạt, dẫu Thang, Vũ(10) ở tình huống ấy, cũng không hơn được".


Ngụy lược viết: "Giữa năm Hoàng Sơ, tăng tước ấp cho Phố, đúng với lễ nghi. Hơn mười năm sau bệnh chết". Tấn thư viết: "Tây Nhung Tư mã Diêm Toản là cháu của Phố vậy".


Cho con là Bành Tổ lấy con gái của Lỗ. Lỗ hoăng, thụy là Nguyên Hầu. Con là Phú thay.


Ngụy lược viết: "Lưu Hùng Minh là người huyện Lam Điền. Thuở nhỏ làm nghề hái thuốc săn bắn, thường ở dưới núi Phục Xa, hễ đến sớm tối, đi lại giữ sương mây, vì biết đạo không lầm, mà người thời ấy nói rằng Hùng Minh biết làm ra sương mây. Quách, Lí làm loạn, nhiều người theo Hùng Minh. Giữa năm Kiến An, nương dựa châu quận, châu quận tiến cử làm Tiểu tướng. Bọn Mã Siêu phản, không chịu theo, Siêu phá Hùng Minh. Sau lại đến chỗ Thái Tổ, Thái Tổ cầm tay mà nói: 'Ta đang vào cửa ải, nằm mộng gặp người thần, là khanh chăng'! Bèn đãi hậu hĩnh, tiến cử làm Tướng quân, sai khiến đón đồ đảng của Hùng Minh. Đồ đảng không muốn hàng, bèn cướp để phản, bọn trốn tránh đều đến nương dựa, có đến mấy nghìn quân, chiếm giữ cửa đường ải Vũ Quan. Thái Tổ sai Hạ Hầu Uyên đánh phá chúng, Hùng Minh chạy về phía nam đến Hán Trung. Hán Trung phá, khốn cùng không có chỗ chạy, mới lại ra hàng. Thái Tổ nắm râu Hùng Minh nói: 'Giặc già, bắt được ngươi thật rồi'! Trao lại chức, dời đến quận Bột Hải. Bấy giờ lại có Trình Ngân, Hầu Tuyển, Lí Kham đều là người quận Hà Nội, vào thời loạn năm Hưng Bình đều có hơn nghìn nhà dân. Năm Kiến An thứ mười sáu, cùng hợp với Mã Siêu. Siêu thua chạy, Kham chết giữa trận, Ngân, Tuyển về phía nam vào Hán Trung, đến chỗ Thái Tổ hàng, đều trao lại chức".


Bình nói: Công Tôn Toản giữ thành, ngồi đợi diệt vong. Độ tàn bạo không có tiết tháo, Uyên thay nghiệp mà gánh họa, đấy là gốc rễ làm con cháu đổ vỡ vậy. Đào Khiêm thời loạn lo buồn mà chết. Trương Dương cúi đầu làm bầy tôi, đều chiếm giữ châu quận, chẳng qua cũng là kẻ thất phu, vốn không có gì để bàn vậy. Yến, Tú, Lỗ rời bọn cướp, làm Liệt hầu, bỏ vứt nguy vong, giữ được miếu thờ, thì như thế cũng tốt hơn rồi.


Chú thích:


(1) Miền Ba, Hán: tức quận Ba và quận Hán Trung.

(2) Tam phụ: là ba viên quan trông coi vùng xunh quanh của kinh đô.

(3) Nguyệt lệnh: tức lịch ghi chép từng đặc điểm khí hậu, muôn vật trong từng tháng.

(4): Hoàn, Văn: Hoàn là Tề Hoàn Công, Văn là Tấn Văn Công, đều là nổi tiếng chư hầu thời Xuân thu.

(5) Đậu Dung: bầy tôi nhà Đông Hán. Thời loạn Vương Mãng, chiếm giữ miền phía tây sông Hoàng Hà, sau đó theo về Hán Quang Vũ Đế.

(6) Miền Quan Tây: miền phía tây của cửa Hàm Cốc.

(7) Năm Kiến An thứ hai mươi: tức năm 215 Công nguyên thời Hán Hiến Đế.

(8) Đỗ Quán: Đỗ Quán là thủ lĩnh của người Khương.

(9) Phác Hồ: là thủ lĩnh của người Khương.

(10) Thang, Vũ: Thang là Thành Thang của nhà Ân; Vũ là Vũ Vương của nhà Chu.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét