Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

TRÌNH DỤC TRUYỆN

 


TRÌNH DỤC TRUYỆN


Trình Dục tự Trọng Đức, người Đông quận huyện Đông A. Mình cao tám thước ba tấc, có bộ râu rất đẹp. Lúc Hoàng Cân nổi dậy, viên Huyện thừa là Vương Độ làm phản hưởng ứng giặc, thiêu đốt kho lương. Huyện lệnh trèo tường thành bỏ trốn, quan lại và dân chúng già trẻ nhằm hướng Đông chạy về núi Cừ Khâu. Dục sai người dò xét Độ, thấy bọn Độ lấy được toà thành trống rỗng không thể giữ nổi, đã ra khỏi thành đi về phía Tây năm sáu chục dặm rồi dừng lại đóng binh ở đó. Dục bảo một người có danh tiếng trong huyện là Tiết Phòng rằng: "Nay bọn Độ chiếm được thành mà chẳng giữ lấy, cứ xem tình thế thì biết, bất quá chúng chỉ cướp bóc tài vật, chứ chẳng có giáp bền khí giới sắc chú tâm đánh giữ vậy. Nay sao bọn ta không thống suất mọi người quay về thành mà cố thủ? Vả lại tường thành cao mà dầy, lương thực rất nhiều, lúc này nếu tìm được huyện lệnh về, cùng nhau giữ chắc, Độ hẳn chẳng thể ở lâu, đánh có thể phá được vậy." Bọn Phòng cho là đúng. Nhưng đám lại dân không nghe theo, nói: "Giặc ở phía Tây, chúng ta chỉ ở phía Đông được thôi." Dục bảo bọn Phòng: "Đám ngu dân chẳng thể bàn việc được." Rồi ngầm phái mấy người cưỡi ngựa cầm cờ đi về phía đông Thượng Sơn, lệnh cho bọn Phòng đứng ở đằng xa, kêu lớn rằng: "Giặc đã đến", rồi xuống núi nhanh chân chạy chạy vào thành, đám dân chúng vội vàng chạy theo, sau tìm được huyện lệnh về, bèn cùng nhau giữ thành. Bọn Độ kéo đến đánh thành, không hạ được, liền bỏ đi. Dục thống suất dân chúng mở cửa thành đuổi đánh rất gấp, bọn Độ tan vỡ bỏ chạy. Đông A vì thế được bảo toàn.


Năm Sơ Bình trung, Thứ sử Duyện châu là Lưu Đại cho vời Dục, Dục không đáp ứng. Thời ấy Đại cùng với Viên Thiệu và Công Tôn Toản liên hoà, Thiệu lệnh cho vợ con đến ở chỗ Đại, Toản cũng phái Tòng sự là Phạm Phương đưa kỵ binh đến giúp Đại. Về sau Thiệu và Toản có hiềm khích. Toản đánh phá quân Thiệu, rồi phái sứ giả đến mách với Đại, xui đuổi vợ con Thiệu về, cùng với Thiệu tuyệt giao. Lại lệnh riêng cho Phạm Phương rằng: "Nếu như Đại không đuổi gia quyến Thiệu, ngươi cứ dẫn quân kỵ về. Ta dẹp xong Thiệu, sẽ đem thêm binh đến chỗ Đại." Đại nghị bàn suốt ngày không quyết được, quan Biệt giá là Vương Úc bạch với Đại: "Trình Dục là người có mưu kế, có thể quyết đoán được đại sự." Đại bèn cho triệu kiến Dục, hỏi kế, Dục nói: "Nếu bỏ sự viện trợ ở gần của Thiệu mà cầu lấy sự cứu giúp ở xa của Toản, cũng ví như cầu người ở nước Việt đi cứu người chết chìm ngoài bể vậy. Người như Công Tôn Toản, chẳng phải là đối thủ của Viên Thiệu vậy. Nay dẫu phá được quân của Thiệu, nhưng sau cùng sẽ bị Thiệu bắt được. Nếu bám lấy cái quyền thế nhất thời mà chẳng lo mưu tính xa xôi, tướng quân sau cùng sẽ thất bại." Đại nghe theo. Phạm Phương dẫn quân kỵ đi, chưa đến nơi, Toản đã bị Thiệu đánh tan tành. Đại dâng biểu xin cho Dục làm Kỵ đô uý, Dục xưng có bệnh từ chối.


Lưu Đại bị quân Hoàng Cân giết hại. Thái tổ đến Duyện châu, cho vời Dục. Dục muốn đi ngay, có người làng hỏi rằng: "Sao ý ngài trước sau lại trái ngược nhau vậy!" Dục cười không đáp lời. Thái tổ cùng Dục nói chuyện riêng, rất vui lòng, cho Dục giữ chức Thọ Trương lệnh. Thái tổ đi đánh Từ châu, sai Dục cùng Tuân Úc giữ Quyên Thành. Bọn Trương Mạc làm phản nghênh đón Lã Bố, các quận huyện hưởng ứng, chỉ có Quyên Thành, Phạm huyện, Đông A là không lay động. Hàng quân của Lã Bố, nói là Trần Cung tự dẫn binh đến lấy Đông A, lại phái Phiếm Nghi đến lấy Phạm huyện, dân chúng đều sợ hãi. Úc bảo Dục rằng: "Nay Duyện châu làm phản, chỉ còn có ba thành này. Bọn Cung đem trọng binh đến, nếu không đoàn kết nhân tâm, ba thành này tất nổi loạn. Ngài, là người được dân chúng ngưỡng vọng, nên quay về giải thích cho họ, có thể được vậy!" Dục bèn quay về, đi qua Phạm huyện, nói với huyện lệnh là Cận Doãn rằng: "Nghe nói Lã Bố bắt giam mẹ, em trai và vợ con ngài, nếu thực là kẻ hiếu tử thì chẳng thể yên tâm được! Nay thiên hạ đại loạn, kẻ anh hùng đều nổi dậy, tất phải có kẻ kỳ tài hơn đời, mới có thể dẹp loạn trong thiên hạ, bậc trí giả như thế cần phân biệt cho rõ ràng vậy. Được minh chủ thì thịnh, mất minh chủ thì bại vong. Trần Cung làm phản đón Lã Bố mà cả trăm thành đều hưởng ứng, tựa như quy thuận, nhưng ngài hãy xem, Bố sao bằng người ta được! Kẻ như Bố, thô lỗ mà thiếu tình thân, cương gàn mà vô lễ, là kẻ anh hùng thất phu mà thôi. Bọn Cung mượn thế lực ấy mà tụ họp, chẳng thể giúp ngài được. Binh dẫu đông, rút cục không nên việc. Tào sứ quân trí mưu hơn đời ai sánh kịp, ngờ là trời đã ban cho ta! Ngài tất giữ được Phạm huyện, ta phòng thủ Đông A, thì cái công của Điền Đan có thể lập được vậy(1). Có ai lìa bỏ lòng trung tín theo kẻ ác mà mẫu tử được đồng vong bao giờ? Chỉ có ngài mới lo toan tường tận được thôi!" Doãn chảy nước mắt nói: "Chẳng dám hai lòng." Lúc ấy Phiếm Nghi đã ở trong huyện, Doãn bèn tiếp kiến Nghi, đặt phục binh đâm chết Nghi, rồi quay về chỉnh trang binh lính phòng thủ.


Từ Chúng bình rằng: Doãn và Tào công, chưa nên nghĩa quân thần. Mẹ, là người chí thân vậy, cái nghĩa kia nên bỏ. Xưa kia mẹ Vương Lăng bị Hạng Vũ bắt, người mẹ cho rằng Cao tổ tất lấy được thiên hạ, nên tự sát để bền cái chí của Lăng(2). Trong lòng sáng suốt không có gì ràng buộc, rồi sau mới thành sự tích người chết vì tiết tháo. Công tử Khai Phương nước Vệ làm quan ở Tề, lâu năm chẳng về nước, Quản Trọng cho là chẳng có tình thân, chỉ biết yêu vua, không thể cho làm tướng(3). Thế nên tìm kẻ trung thần tất phải là kẻ hiếu tử trong nhà, Doãn nên cứu lấy người chí thân trước đã. Mẹ Từ Thứ bị Tào công bắt được, Lưu Bị liền sai Thứ quay về, Dục vì thiên hạ phải thứ lỗi cho cái tình của người con vậy. Tào công cũng nên trách phạt Doãn vậy.


Dục lại phái quân biệt kỵ chẹn bến Thương Bình, Trần Cung đến, không qua sông được. Dục đến Đông A, Đông A lệnh là Tảo Chi đã đốc suất khuyến khích dân, giữ chắc huyện thành kháng cự. Lại có quan Tòng sự ở Duyện châu là Tiết Đễ cùng Dục hợp mưu, bảo toàn được ba thành, để đợi Thái tổ. Thái tổ về, nắm tay Dục nói: "Không có tâm lực của tiên sinh, ta đã không còn nơi để về rồi." Rồi dâng biểu tiến cử Dục làm Đông Bình tướng, đóng ở Phạm huyện.


Nguỵ thư chép: Dục thời trẻ tường mộng trèo lên Thái Sơn, hai tay bưng mặt trời. Dục tự nghĩ lấy làm lạ, đem nói với Tuân Úc. Đến lúc Duyện châu làm phản, nhờ Dục giữ vẹn được ba thành. Vì thế Úc đem chuyện Dục nằm mộng bạch với Thái tổ. Thái tổ nói: "Khanh đáng là người tâm phúc nhất của ta." Dục vốn có tên là Lập, Thái tổ bèn thêm cho chữ 'thượng' ở bên trên, đổi tên thành Dục vậy(4).


Thái tổ cùng Lã Bố giao chiến ở Bộc Dương, mấy lần gặp bất lợi. Nạn hoàng trùng(5) nổi lên, hai bên đều dẫn quân về. Lúc ấy Thiệu sai người đến nói với Thái tổ muốn cùng liên hoà, định mời Thái tổ dời gia quyến đến cư trú ở huyện Nghiệp. Thái tổ mới mất Duyện châu, quân lương hết nhắn, bèn nghe theo. Lúc đó Dục đi sứ vừa mới về, liền vào yết kiến, nhân đó nói rằng: "Tôi trộm nghe nói tướng quân muốn đưa gia quyến sang huyện Nghiệp, cùng với Thiệu liên hoà, có thực thế chăng?" Thái tổ nói: "Đúng thế." Dục nói: "Cái ý của tướng quân tôi nghĩ đến mà sợ, không như thế thì sao lại suy tính chẳng thấu đáo như vậy! Viên Thiệu chiếm cứ đất Yên-Triệu, có tâm địa thâu gồm thiên hạ, mà trí lực chưa đủ để nên việc. Tướng quân tự liệu mình có thể ở dưới người ta chăng? Tướng quân có uy như rồng như hổ, có thể làm cái việc của Hàn-Bành chăng(6)? Nay Duyện châu tuy hoang tàn, chỉ còn có ba thành. Nhưng quân sĩ có thể chiến đấu, chẳng dưới vạn người. Tướng quân là bậc thần vũ, có Văn Nhược, có Dục này, thu lấy mà dùng, cái nghiệp bá vương có thể thành được vậy. Xin tướng quân hãy nghĩ kỹ lại xem!" Thái tổ bèn thôi.


Nguỵ lược chép lại lời khuyên của Thiệu với Thái tổ rằng: "Khi xưa Điền Hoành, là thế tộc ở nước Tề, anh em có ba người từng làm vương, chiếm cứ đất đai nghìn dặm, nắm giữ trăm vạn chúng dân, cùng với chư hầu đều ngoảnh mặt về nam xưng Cô. Cao tổ đã thu được thiên hạ, mà Hoành cố ý không hàng. Đương lúc bấy giờ, Hoành há có thể làm trái với lương tâm sao!" Thái tổ nói: "Phải rồi. Ta tin rằng kẻ trượng phu như thế sao chịu nhục được." Dục nói: "Dục này ngu ngốc, chẳng biết nói ngọt, vẫn cho rằng cái chí của tướng quân, chẳng bằng được Điền Hoành. Điền Hoành, chỉ là một tráng sĩ nước Tề thôi, còn xấu hổ vì làm bầy tôi của Cao tổ. Nay nghe nói tướng quân muốn đưa gia quyến đến huyện Nghiệp, sắp ngoảnh mặt về Bắc mà thờ Viên Thiệu. Người thông minh thần vũ như tướng quân, mà lại chẳng xấu hổ vì là kẻ dưới của Thiệu, tôi trộm vì tướng quân mà xấu hổ vậy." Những lời sau này cùng với bổn truyện cũng từa tựa vậy.


Chú thích:

(1) Tướng nước Yên là Nhạc Nghị đánh Tề, hạ được bảy mươi hai thành, chỉ còn có hai thành Lâm Tri và Tức Mặc là giữ được, sau Điền Đan lập kế đánh đuổi được quân Yên lấy lại nước Tề.

(2) Vương Lăng là tướng của Hán Cao tổ, Cao tổ tranh thiên hạ với Hạng Vũ, Vũ bắt mẹ của Lăng để Lăng thoái chí ra hàng, mẹ Lăng tự vẫn để con trung với Hán, sau này việc làm của mẹ Lăng được lưu danh thiên cổ.

(3) Công tử Khai Phương là người nước Vệ, sang làm quan ở Tề, mấy chục năm không về, Quan Trọng cho là người không có tình thân, quyết không dùng làm tướng.

(4) Chữ Dục vốn là do chữ Lập và chữ Nhật xếp chồng lên nhau mà thành.

(5) Nạn châu chấu phá hoại mùa màng.

(6) Tức Hàn Tín và Bành Việt, đều theo về với Hán Cao tổ chống lại Hạng Vũ. Sau này Cao tổ thống nhất thiên hạ, lần lượt giết hai người này.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét